Hà Nội thi đua ái quốc

Bộ mặt mới trên quê hương xã Đình Xuyên

TĐKT – Vốn là một xã thuần nông, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) không ngừng thi đua, đổi mới, sáng tạo, góp phần mang lại bộ mặt mới cho quê hương . Bộ mặt kinh tế mới Đình Xuyên hôm nay như khoác trên mình chiếc áo mới. Nhìn vào những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, hiện đại, những khu phố buôn bán, kinh doanh sầm uất, những xưởng nghề gỗ, xưởng làm nến, làm diêm, chế biến lương thực, thực phẩm và tái chế dược liệu xuất khẩu, những cửa hàng khung nhôm, cửa kính, đồ gia dụng … mọc lên san sát, mới thấy rõ sự chuyển mình của mảnh đất thuần nông một thời. Hiện Đình Xuyên là một trong những xã có kinh tế tiến bộ và tốc độ tăng trưởng cao so với các xã trong huyện Gia Lâm. 5 năm qua (2013 – 2017), tổng thu ngân sách nhà nước của xã đạt trên 100% kế hoạch giao; tổng thu thuế bình quân hàng năm tăng trên 126%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mai dịch vụ - nông nghiệp, góp phần tạo việc làm thu hút từ 1.000 – 1.200 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Đường sá ở xã Đình Xuyên ngày càng rộng rãi, khang trang và sạch sẽ Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2013 là 1,92%, năm 2017 giảm xuống còn 0,94%, cận nghèo 1,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 28 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 đạt 42,3 triệu đồng/người/năm. “Đó là thành quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên, có hiệu quả của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Lâm, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Xuyên” - Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên Nguyễn Văn Đức khẳng định. Thi đua sáng tạo, phát triển toàn diện Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, trong 5 năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Đình Xuyên đã phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân... Từ đó, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của địa phương. Xã Đình Xuyên được tặng Cờ thi đua Chính phủ và được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Đình Xuyên từ chỗ chỉ có 8/19 tiêu chí đạt (năm 2011), đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 với 17/19 tiêu chí đạt (2 tiêu chí cơ bản đạt); đến hết năm 2017 xã có 18/19 tiêu chí đạt còn 1 tiêu chí môi trường cơ bản đạt. Hiện tại, xã đang tiếp tục rà soát và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn; từng bước hoàn thiện tiêu chí còn lại và giữ vững danh hiệu nông thôn mới. Đình Xuyên đồng thời là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt, chặt chẽ các quy chế, quy định, quy ước, công tác quản lý lễ hội, phát huy, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2017 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,5%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 9/11 thôn, tổ dân phố. 2 năm liền (2016 – 2017), cơ quan UBND xã Đình Xuyên được công nhận danh hiệu “Cơ quan văn hóa”. Các phong trào thi đua nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục cũng đạt được kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao, đạt trình độ chuẩn 100%. Tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh THCS lên lớp đạt 99%, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi ngày càng tăng, công tác quản lý giáo dục nền nếp hơn. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia là 3/3 trường đạt 100%. Đình Xuyên là xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng. Xã đã chủ động tích cực trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên cũng thừa nhận rằng: Là một xã đang trong quá trình phát triển nhanh nên công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng của Đình Xuyên hết sức phức tạp. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, xử lý kiên quyết, lãnh đạo UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà đảm bảo pháp luật. Hàng năm, xã luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu huyện giao việc cấp giấy quyền sử dụng đất năm 2017 đạt 190%. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án được triển khai tích cực, đúng chính sách, thực hiện công khai dân chủ và đảm bảo tiến độ, đã triển khai 3 dự án, tổng diện tích đã tiến hành giải phóng mặt bằng là 8,056 ha. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. Xã làm tốt việc thu gom và vận chuyển rác thải, vệ sinh môi trường theo hướng xã hội hóa. 100% rác thải được thu gom và xử lý tại công ty môi trường đô thị huyện Gia Lâm. Theo ông Nguyễn Văn Đức, các hoạt động, phong trào thi đua của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể: Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong khắc phục mọi khó khăn, đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã. 5 năm liền, 5 đoàn thể của địa phương đều đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc. Với những nỗ lực đó, từ năm 2013 đến nay, xã Đình Xuyên liên tục được các UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Năm 2014, xã Đình Xuyên vinh dự được tặng Cờ thi đua Chính phủ. 5 năm liền, Đảng bộ xã được công nhận là trong sạch vững mạnh. Hưng Vũ

Gia Lâm (Hà Nội) phấn đấu đạt huyện nông thôn mới năm 2018

TĐKT – “Đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) đã có 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới. Đó là tiền đề quan trọng để huyện tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018” – Đó là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm đưa ra tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14/8. Trao đổi với báo chí tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới. Trong đó, 17/19 tiêu chí 20 xã đều đạt theo quy định tại Hướng dẫn số 48/HD-SNN. Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm thông tin tại Hội nghị Ông Nguyễn Ngọc Thuần cũng chỉ rõ 2/19 tiêu chí mà 20 xã mới cơ bản đạt đó là  y tế và môi trường - an toàn thực phẩm. Cụ thể, trong tiêu chí y tế, còn nội dung nội dung tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chưa đạt. Lý do chưa đạt là vì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi trung bình huyện đạt 12,95%, đạt so với quy định đạt chuẩn nông thôn mới <13,9%). Tuy nhiên, chỉ có 16/20 xã có tỷ lệ <13,9%, còn 4/20 xã cơ bản đạt có tỷ lệ > 13,9% gồm xã Đình Xuyên 15,25%, Dương Hà 14,83%, Dương Quang 15,16%, Ninh Hiệp 14,29%. Trong tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trên địa bàn huyện tính đến tháng 6/2018 đạt 66,34%, đạt so với quy định 65%. Tuy nhiên hiện nay còn một số xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp như: Ninh Hiệp (31,88%), Phù Đổng (44,1%), Kim Lan (31,3%) và 4 xã chưa có nguồn cấp nước sạch là Trung Mầu, Lệ Chi, Kim Sơn và Văn Đức. Đến hết năm 2018, sau khi Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, tỷ lệ bao phủ nước sạch dự kiến đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 65%. Về nội dung xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, tiêu chí này mới ở mức đạt do ý thức người dân và sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương dẫn tới còn tình trạng chưa thực hiện phân loại triệt để rác thải sinh hoạt, hoặc để không đúng nơi quy định, phát sinh khu đổ rác không đúng nơi quy định; vật liệu xây dựng đổ bừa bãi ra lòng đường. Qua rà soát, đánh giá theo Hướng dẫn số 108/HD-UBND ngày 24/5/2017 của UBND thành phố, huyện Gia Lâm đạt 97,7 điểm (so với quy định 95 điểm đạt huyện nông thôn mới), 8/9 tiêu chí đạt (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, an ninh, trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới) và 1/9 tiêu chí cơ bản đạt (môi trường). Hiện tại, huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9 tới. Mai Thảo

Phát động Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018

TĐKT – Sáng 15/8, Sở Công thương TP Hà Nội tổ chức họp báo Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Thông qua cuộc thi để thúc đẩy phong trào thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP Hà Nội, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch Hà Nội”, cuộc thi sẽ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10/2018. Đối tượng tham gia dành cho mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội không giới hạn về độ tuổi, trình độ (tham gia với tư cách cá nhân), với số lượng và loại hình sản phẩm dự thi không hạn chế. Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Ban tổ chức cho biết, nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm dự thi, Sở Công thương phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và nước ngoài để tư vấn, đóng góp ý kiến, định hướng cho các cá nhân tham gia dự thi trong quá trình thiết kế, chế tạo sản phẩm dự thi. Các sản phẩm dự thi là những sản phẩm mới được thiết kế, sản xuất trong năm 2018, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp và chưa từng gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào. Các sản phẩm thuộc các nhóm ngành: Gốm sứ, sơn mài, mây, tre, giang đan, guột tế; dệt lụa, tơ tằm; thêu, ren; đá, sừng, đồng, kim khí mỹ nghệ; khảm trai, gỗ mỹ nghệ; quà tặng lưu niệm… Ngoài ra, sản phẩm phải đảm bảo 4 tiêu chí chính: Tính sáng tạo, tính thương mại, tính thân thiện với môi trường và tính thẩm mỹ. Nét mới của cuộc thi năm nay: Bên cạnh tìm và vinh danh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, còn tổ chức chấm điểm nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, xuất sắc để đề nghị khen thưởng, vinh danh. Theo đó, những nghệ nhân được tham gia bình xét phải là những nghệ nhân có nhiều thành tích trong phát triển mẫu mã sản phẩm mới, đặc biệt là tham gia cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội trong những năm qua; có nhiều thành tích trong truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ; có sản phẩm tiêu biểu được trưng bày tại các bảo tàng; có tài liệu dạy nghề được viết thành sách, giáo trình dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội… Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ dự thi từ ngày 1 – 30/8/2018, tại địa điểm: Thường trực Ban tổ chức cuộc thi – Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, số 176 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Dự kiến, sẽ có 50 giải dành cho các sản phẩm đạt giải và không quá 20 nghệ nhân được vinh danh, khen thưởng vào dịp diễn ra Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tổ chức vào tháng 10/2018. Các sản phẩm đạt giải sẽ được trưng bày tại hội chợ. Mai Thảo

Chủ nhân Huy chương Đồng tin học văn phòng thế giới đầu tiên của học sinh phổ thông TP Hà Nội

TĐKT - Tại Vòng Chung kết Thế giới cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới 2018 (MOSWC 2018) được tổ chức tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ đầu tháng 8 vừa qua, học sinh Nguyễn Bá Trọng Đại, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã vượt qua hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất đến từ gần 70 quốc gia để mang vinh quang về cho Tổ quốc với 01 Huy chương Đồng ở nội dung Microsoft PowerPoint 2013. Đây là tấm huy chương đầu tiên học sinh THPT Hà Nội giành được trong lịch sử 9 năm tham dự vòng chung kết thế giới của Đội tuyển Việt Nam. Nguyễn Bá Trọng Đại giành Huy chương Đồng duy nhất nội dung MOS Power tại MOSWC 2018 Để đạt được thành công này, trước đó tại các vòng thi cấp quốc gia, Trọng Đại đã phải vượt qua gần 1000 thí sinh là học sinh, sinh viên đến từ gần 200 trường đại học, cao đẳng và các trường THPT, THCS trọng điểm trên cả nước (trong đó có tới 23 đội tuyển học sinh phổ thông do 23 tỉnh, thành đề cử) để giành ngôi vị Vô địch Quốc gia nội dung thi Microsoft PowerPoint 2013. Trọng Đại chia sẻ: “Kỳ tích ngày hôm nay của em không chỉ nhờ đam mê, nỗ lực của bản thân mà chính là thành quả của quá trình đồng hành tâm huyết, sát sao của các thầy cô giáo trường THPT Phan Huy Chú. Đặc biệt, lợi thế then chốt của em chính là được tiếp cận và phát triển kỹ năng tin học theo chuẩn Quốc tế ngay từ khi học lớp 10.” Đối với Trọng Đại, việc nhà trường đưa MOS vào chương trình đào tạo bộ môn tin học và làm chuẩn đầu ra cho học sinh tốt nghiệp đã tạo nền tảng rất tốt cho em và các bạn cùng trang lứa không chỉ khi tham gia cuộc thi MOSWC mà còn rất hữu ích cho quá trình học tập và làm việc sau này. Được tiếp xúc với tin học MOS từ sớm đã tạo đà cho thành công của Trọng Đại trên đấu trường trí tuệ quốc tế Được sự ủng hộ, chấp thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú đã đưa chương trình Tin học Quốc tế MOS vào giảng dạy cho học sinh từ năm học 2016 - 2017. Từ khi triển khai, mỗi năm có khoảng 1000 học sinh của trường được đào tạo theo chương trình Tin học MOS và được tiếp cận với phần mềm ôn luyện Gmetrix. Tính đến nay, tỷ lệ học sinh của nhà trường thi đỗ chứng chỉ MOS quốc tế đạt tới 90%. Sau khi chương trình MOS được đưa vào đào tạo tại nhà trường, phong trào học tập tin học theo chuẩn quốc tế của học sinh ngày càng lên cao. Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú rất hào hứng tham gia cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới (MOSWC) hàng năm với kết quả đáng khích lệ. Cho đến nay, trong 9 năm cuộc thi MOSWC có mặt tại Việt Nam, Trường THPT Phan Huy Chú đã 2 lần có học sinh vô địch Quốc gia và giành quyền tham dự vòng chung kết thế giới tại Hoa Kỳ; trong đó Đại sứ MOS 2016 Nguyễn Hùng Minh đã lọt vào Top 4 thế giới và Đại sứ MOS 2018 Nguyễn Bá Trọng Đại đã đạt Huy chương Đồng thế giới cùng nội dung thi Microsoft PowerPoint 2013. Có thể nói, thành tích này của thầy và trò Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục Thủ đô trong chủ trương hội nhập quốc tế cũng như thực hiện tốt chương trình giáo dục nhà trường phổ thông trong giảng dạy, học tập tin học và thi đánh giá theo chuẩn quốc tế MOS. Thành công của Trọng Đại trên đấu trường trí tuệ quốc tế MOSWC 2018 thế giới cũng là kết quả của sự quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu, không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới của bản thân. Trọng Đại cũng nhắn gửi tới các bạn trẻ rằng: “Đừng bao giờ bỏ cuộc hay tự hài lòng với thành tích mà bạn đạt được. Nếu mình chỉ dừng lại ở giải khuyến khích MOSWC 2016 thì mình sẽ không bao giờ có thể vươn xa ra tầm thế giới và đạt được vinh quang ngày hôm nay.” Mai Thảo

Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổng kết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2018

TĐKT - Ngày 10/8, thị xã Sơn Tây tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2018. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng tới dự. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với bà Ngô Thị Tuyết Năm 2018, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" thu hút được nhiều cán bộ,  công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn thị xã tích cực tham gia.  Đặc biệt, nhằm kịp thời phát hiện, tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của những gương “Người tốt, việc tốt”, thị xã Sơn Tây đã triển khai sôi nổi và hiệu quả cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Từ cuộc thi viết, có 11 trường hợp được thị xã Sơn Tây xét, đề nghị và được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Tiêu biểu trong số đó là tấm gương ông Đào Khiêm, xã Sơn Đồng. Tuy tuổi đã cao (sinh năm 1942) nhưng với tinh thần trách nhiệm của người lính cụ Hồ, ông đã không quản ngại lên đường đi tìm hài cốt của các liệt sĩ. Bà Khuất Thị Tuyên tình nguyện hiến 100 m2 đất mở đường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bà Đào Thái Thụy hằng tuần nấu 500 bát cháo tặng bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Quân đội 105; hằng tuần, hằng tháng đến thăm và chăm sóc người già, người bị liệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV tại các Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật - xã Thụy An, Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số II - xã Yên Bài (huyện Ba Vì)... Các cá nhân được tặng danh hiệu người tốt,  việc tốt năm 2018 Tại Hội nghị, 11 cá nhân được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, 56 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thị xã; 19 tập thể, 18 cá nhân được khen thưởng vì có thành tích trong thực hiện cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Tại Hội nghị, thị xã Sơn Tây đã phát động phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2019. Cũng dịp này đã diễn ra Lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với bà Ngô Thị Tuyết (quê quán tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; thường trú tại phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây). Trường Giang

Người viết hơn 17 nghìn lá thư báo phần mộ liệt sĩ

TĐKT - Thấu hiểu nỗi đau cũng như khát khao, niềm mong mỏi của những gia đình có người thân đã hy sinh trong kháng chiến mà chưa tìm được mộ, hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Tiến Xuân (81 tuổi) ở xóm Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức đã tình nguyện viết hơn 17 nghìn lá thư báo phần mộ liệt sĩ cho nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Tuần nào cũng vậy, cứ đến giờ phát sóng chương trình Những thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Xuân lại chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận lại những thông tin về tên, tuổi, quê quán và nơi mộ phần của những liệt sĩ chưa được người thân đến nhận. Sau đó, viết một bức thư thông báo, gửi về địa phương của liệt sĩ ấy, với mong muốn phần mộ của các liệt sĩ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương. Ông Nguyễn Tiến Xuân đang xem danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã thu thập được năm 2018 Ông Nguyễn Tiến Xuân cho biết, ông đã làm công việc ấy từ năm 2007.  Ông vốn sinh ra trong gia đình có công với cách mạng, có hai người anh trai là liệt sĩ, đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống Pháp, trong đó có một người đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Bao nhiêu năm nay, ông và người thân trong gia đình vẫn tìm kiếm và luôn đau đáu, mong rằng ngày nào đó sẽ nhận được tin báo về người anh trai ấy. “Chứng kiến bao nhiêu năm người mẹ ruột xót xa, mỏi mòn ngóng trông đứa con mà mình đã mang nặng, đẻ đau trở về; chịu đựng nỗi đau mất đi mãi mãi người anh trai, khúc ruột thịt, tôi thực sự thấu hiểu và cảm thông với những gia đình cùng cảnh ngộ. Mỗi lần nghe đài, thấy nhiều liệt sĩ vẫn chưa được gia đình đưa hài cốt về quê hương khói, tôi xót xa như chính trường hợp của gia đình tôi. Tôi nghĩ rằng, chắc do chương trình phát trên đài phát thanh nên nhiều gia đình liệt sĩ không nghe được thông tin, nên muốn làm một việc nhỏ vừa để thay lời cảm ơn tới những chiến sĩ đã “che bom, chắn đạn” cho mình còn sống đến ngày hôm nay; vừa để mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho những người mẹ, người vợ, người con của những liệt sĩ ấy” – ông Nguyễn Tiến Xuân chia sẻ. Cầm trên tay hơn chục cuốn sổ ghi chép những thông tin về các liệt sĩ đã cũ kỹ, ông bảo, có tuổi rồi, tai không còn thính như bọn trẻ. Có đợt ông phải nghe đi nghe lại mới ghi được đầy đủ thông tin. Nhưng dần dần, khi có điện thoại thông minh, ông đã biết ghi âm chương trình trên đài và nghe lại từ điện thoại để ghi chép thông tin cho chính xác. Khi gửi thư, ông kèm theo số điện thoại cá nhân và địa chỉ của mình để người thân của các liệt sĩ tiện liên lạc. Mỗi tháng, những lá thư được ông gửi đi khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình... Ông cũng đưa cho chúng tôi xem những chồng thư do thân nhân của các liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước gửi cho ông từ nhiều năm qua. Nhiều lá thư đã ố vàng bởi thời gian nhưng khi đọc lên vẫn chứa chan niềm cảm xúc. Trong đó có lá thư của gia đình bà Đặng Thị Dung là con của liệt sĩ Đặng Đình Lân (Đông Hưng, Thái Bình) viết: Gia đình cháu đã nhiều năm đi tìm mộ của bố Lân nhưng đều vô vọng. Nhận được lá thư của bác vào tháng 5/2009, gia đình cháu đã tìm đến nghĩa trang Lục Ngạn, Bắc Giang– nơi bố Lân đang nằm. Khi tìm được mộ, không ai bảo ai, thấy tên người thân, cả gia đình đã gục đầu xuống khóc…Cảm ơn bác nhiều lắm!....”. Thư của ông Đào Hùng Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có đoạn: “Ngày 19/4/2008, UBND xã An Đỗ nhận được thư báo tin mộ liệt sĩ của ông. Thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Đỗ, xin trân trọng cảm ơn ông đã báo tin về phần mộ liệt sĩ Văn Đình Lung, là người con của quê hương đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị… Phần mộ liệt sĩ đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Đỗ…”…  Trong số hơn 15 nghìn lá thư báo mộ liệt sĩ được ông gửi đi trong 10 năm qua (2007 – 2017), đã có 276 liệt sĩ sau bao năm xa cách nơi đất khách quê người, đã được người thân đưa về quê hương. Ông tâm sự: “Mỗi lần biết thêm liệt sĩ đã tìm được thân nhân, tôi vui lắm nhưng khi nhìn vào danh sách tên liệt sĩ hay đến những ngôi mộ vô danh, lòng tôi lại cảm thấy đau nhói. Không biết những bức thư không có hồi âm, những ngôi mộ vô danh kia đến bao giờ mới tìm được về với gia đình, quê hương. Tôi tự nhủ bằng mọi cách phải đưa các anh về với nơi chôn nhau cắt rốn”. Với mong muốn có thêm nhiều phần mộ liệt sĩ nhanh chóng được trở về với vòng tay của người thân, năm 2017, ông Nguyễn Tiến Xuân đã gửi thư đề nghị bàn giao lại danh sách các liệt sĩ đã tìm được cho Bộ Quốc phòng và mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Năm 2018, bước sang tuổi 81, chân tay đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng ông vẫn miệt mài làm “chiếc cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ. Đưa cho chúng tôi tập giấy A4 dày cộp, ông Xuân bảo, đây là danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã tìm được năm 2018 thông qua các trang web trên internet. Trong số đó, ông đã báo được 2.000 liệt sĩ. Mong muốn của ông là làm nhiều hơn nhưng viết không xuể vì quá nhiều. Riêng nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị đã có 12.000 liệt sĩ. Ông Xuân dự định, trong 4 - 5 năm tới, khi đã in được danh sách 100.000 liệt sĩ, ông sẽ mở một phòng lưu giữ các danh sách liệt sĩ, sẽ thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho các gia đình liệt sĩ có thể liên hệ với ông tìm liệt sĩ trên sổ sách trước, tránh tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Hưng Vũ

Hà Nội đưa tiêu chí “không hút thuốc” để xét tặng gia đình văn hóa

TĐKT - Nhằm hướng đến môi trường Thủ đô không khói thuốc, trong giai đoạn 2017 – 2018, TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã đưa tiêu chí “không hút thuốc” vào để xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa và khu dân cư văn hóa. Cùng với các tiêu chí như: Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng…thì việc xây dựng tổ ấm không có người hút thuốc cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa ở Thủ đô. Đây là sự nỗ lực, cần thiết nhằm đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống. Thời gian qua, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; bố trí đội ngũ tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong cộng đồng dân cư, trong các lễ hội, đám cưới, đám tang, cuộc vui gia đình…  Cùng với đó là yêu cầu sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các tổ chức hội, tích cực vận động hội viên không hút thuốc và sử dụng thuốc dưới mọi hình thức. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính và mô hình “Nhà hàng không khói thuốc” trên địa bàn thành phố. Xây dựng và triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tập trung vào các điểm du lịch nổi tiếng tại nội thành: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... Tiếp tục duy trì và triển khai điểm tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá. Thục Anh

Quận Thanh Xuân tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt 2018

TĐKT - Ngày 3/8, quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, phong trào “Người tốt, việc tốt” và sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2018. Năm 2018, cuộc thi viết về gương điển hình tiến tiến, người tốt, việc tốt, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” quận Thanh Xuân đã được triển khai rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được triển khai hiệu quả trên khắp các lĩnh vực, luôn bám sát, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chọn và thực hiện các chỉ tiêu khó, các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, đời sống dân sinh, góp phần vào thành tích chung của toàn quận.  6 tháng đầu năm 2018, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,1%; giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách đạt 2.394 tỷ đồng, bằng 42,86% dự toán thành phố giao. Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn quận, đặc biệt trên các tuyến đường, phố có sự thông thoáng và gọn đẹp hơn. Tai nạn giao thông giảm 2/3 tiêu chí… Những cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Đặc biệt, cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn quận trong năm 2018 đã phát huy được tính hiệu quả tích cực. Sau 8 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 328 bài dự thi cấp quận. Các bài viết đã phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, biểu dương những hành động, những việc làm bình dị, nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày, thể hiện tấm lòng nhân ái, tính nhân văn và trách nhiệm đối với cộng đồng trong nhiều lĩnh vực như nhân đạo, từ thiện, hiến máu tình nguyện, trật tự, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường... Qua các phong trào thi đua, quận Thanh Xuân đã phát hiện nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt”, những cán bộ cơ sở miệt mài, tận tụy, đang từng ngày, từng giờ cống hiến sức lực và trí tuệ. Trong đó, bà Phạm Thị Thành, cán bộ lão thành cách mạng liên tục ủng hộ kinh phí cho các quỹ từ thiện, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn; ông Lê Huy, người sáng lập và là Đội trưởng đội phát cháo từ thiện Từ Tế. Bà Phạm Thị Phương Đoan vận động quyên góp hàng tấn quần áo để ủng hộ nhân dân vùng cao, vùng lũ lụt. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, tham gia vớt rác tại hồ Rùa, bóc, xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định, vận động xã hội hóa 15 ghế đá trị giá 7.500.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng phụ nữ tổ dân phố phường Thanh Xuân Nam quyên góp, ủng hộ tặng quà cho các cháu đang điều trị tại Bệnh viện K2 Tân Triều. Đều đặn hàng tuần, bà đến Bệnh viện K2 Tân Triều để phát cháo từ thiện cho bệnh nhân... Tại Hội nghị, 158 cá nhân đã được trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; 50 tập thể và 142 cá nhân có thành tích tốt trong phong trào thi đua 6 tháng đầu năm được tặng Giấy khen; 14 tập thể có thành tích triển khai phát động cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng. Thục Anh

Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt ngành lao động - thương binh và xã hội Hà Nội

TĐKT - Ngày 1/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” và tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” năm 2018. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh tới dự. Hưởng ứng phong trào thi đua do thành phố và Trung ương phát động, năm 2018, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của ngành lao động - thương binh và xã hội Thủ đô tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh. 7 tháng đầu năm 2018, toàn ngành đã tích cực thi đua giải quyết việc làm cho 98.959 người; đào tạo nghề cho 44.000 lượt người; tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 598 người, tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho 1.277 người và 13.367 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện chính sách xã hội, nhất là chính sách người có công được được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời, đảm bảo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Tính đến ngày 15/7/2018, toàn thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được 21,931 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch; tặng 3.271 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 4,081 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch; tu sửa nâng cấp 101 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 58,46 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở đối với 371 hộ gia đình người có công với cách mạng, đạt 136,4% với tổng kinh phí vận động là 15,44 tỷ đồng. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Đặc biệt, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai có hiệu quả. Sở đã tham mưu UBND TP tổ chức thành công Chương trình “Vòng tay nhân ái”, qua đó, hỗ trợ 21 tỉnh với 13,84 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực triển khai Kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4.341 nhà ở cho hộ nghèo tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 17/7/2018, toàn thành phố đã có 3.746 nhà hộ nghèo được khởi công xây dựng, sửa chữa. Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với Viện Tim Hà Nội triển khai khám tim mạch học đường và tặng quà cho 4.570 trẻ em với tổng trị giá 182,8 triệu đồng…  Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động sáng tạo, tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả trong các lĩnh vực công tác. Ghi nhận những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua, tại Hội nghị, 12 cá nhân và tập thể được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của UBND TP Hà Nội; 28 cá nhân, trong đó có 80% là lao động trực tiếp được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khen thưởng. Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã phát động thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2019. Thục Anh

TP Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

TĐKT - Ngày 28/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tới dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn… Tới dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí là Thường trực, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư và nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước và nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố... cùng các đồng chí lão thành Cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, công dân Thủ đô ưu tú… Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15, về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, theo đó toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hợp nhất vào TP Hà Nội. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội hôm nay. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất  cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. TP Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần). Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Chỉ số PCI tăng liên tục, từ xếp thứ 53 lên thứ 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 17 lên thứ 2 vào năm 2017. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới. Hệ thống y tế, giáo dục phát triển đồng bộ, chất lượng. Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hoá đã được UNESCO vinh danh; TP Hà Nội - biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh. Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đến nay đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% năm 2008 đến nay còn 1,69%... Với những thành tích nổi bật đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (lần ba) năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2018, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực đạt được trong những năm qua. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội năm 2008 là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô Thủ đô lớn nhất từ trước tới nay. Tuy thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, bên cạnh những yếu tố, điều kiện thuận lợi, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng hoàn thành một khối lượng công việc lớn để phát triển Thủ đô như ngày hôm nay. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, thống nhất để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Mai Thảo

Trang