BTĐKT - Ngày 17/4, Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân tổ chức Hội nghị kỷ niệm 27 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 - 18/4/2025) và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người khuyết tật” - một sự kiện ý nghĩa, là dấu mốc cuối cùng trước khi Hội chính thức khép lại hành trình hoạt động độc lập sau 17 năm đầy cống hiến.
Thành lập từ năm 2007, với xuất phát điểm là một tổ chức nhỏ, nguồn lực hạn chế, Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân đã không ngừng nỗ lực để khẳng định vai trò là cầu nối yêu thương, nơi bảo vệ quyền lợi và tiếp sức cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Hội đã để lại nhiều dấu ấn với 62 bằng khen, giấy khen; 3 Cờ thi đua xuất sắc và nhiều danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”. Nhưng những con số ấy chỉ là phần nổi của tảng băng giá trị. Điều in đậm hơn cả chính là hàng trăm số phận được tiếp cận vốn vay, học nghề, có việc làm, được hỗ trợ học tập, chăm sóc y tế, đi lại dễ dàng hơn nhờ xe buýt miễn phí và nhiều công trình công cộng thân thiện hơn với người yếu thế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam trao kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người khuyết tật” tặng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân xúc động chia sẻ: Hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 hàng năm không chỉ là dịp tri ân mà còn là cột mốc khẳng định nhận thức tiến bộ của xã hội. Người khuyết tật không còn bị nhìn bằng ánh mắt thương hại mà được công nhận như một phần không thể thiếu, với những năng lực đáng trân trọng. “Đằng sau những nỗ lực bền bỉ, chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng: Người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần hỗ trợ mà còn là những người kiến tạo, là trung tâm của các giá trị sống đẹp. Họ xứng đáng được tôn trọng, bình đẳng và thấu hiểu”, bà Ngân chia sẻ thêm.
Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người khuyết tật” cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu cho người khuyết tật.
Tặng quà cho người khuyết tật và đại diện gia đình người khuyết tật
Dù do việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân sẽ không còn hoạt động ở cấp quận, nhưng tinh thần mà Hội vun đắp trong suốt 17 năm qua sẽ không dừng lại. Đó là di sản quý báu - tinh thần nhân ái, sự đoàn kết và khát vọng vươn lên không ngừng. Cam kết “Không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là một khẩu hiệu, mà đã trở thành lẽ sống, thành hành động cụ thể góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Mai Thảo
Hà Nội thi đua ái quốc
BTĐKT - Giữa nhịp sống đô thị hối hả, vẫn có những con người lặng lẽ cống hiến, góp phần làm nên sự đổi thay tích cực cho cộng đồng. Bà Vũ Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ khu dân cư (KDC) 11, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, là một trong những tấm gương như thế. Với tinh thần trách nhiệm và lòng tận tâm, bà đã góp phần xây dựng lại nhà sinh hoạt cộng đồng, tiên phong trong công tác phòng cháy, chữa cháy, gắn kết người dân, tạo nên một khu dân cư văn minh, đoàn kết.
Bà Vũ Thị Thanh Bình đang điều hành Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở năm 2025 của Tổ dân phố số 27, phường Láng Thượng
Dân vận khéo, việc khó cũng thành
Một ngày đầu tháng Hai, chúng tôi có dịp đến phường Láng Thượng để tìm hiểu về người phụ nữ “giữ lửa” cho cộng đồng - bà Vũ Thị Thanh Bình. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí Hoàng Quang Khải, Bí thư Đảng ủy phường, chúng tôi ghé thăm nhà sinh hoạt cộng đồng của KDC 11, một công trình tuy nhỏ nhưng khang trang và đầy sức sống. Đồng chí Khải cho biết, đây là một trong những nhà sinh hoạt cộng đồng đầu tiên của phường, được tu bổ và xây dựng lại vào năm 2017, nhờ sự vận động kiên trì, thuyết phục và đầy tâm huyết của bà Bình cùng lãnh đạo khu dân cư.
Kể lại hành trình xây dựng công trình này, bà Bình nhớ lại: Nhà sinh hoạt cộng đồng của KDC 11 trước đây vốn được xây dựng trên mảnh đất hình chữ L ở cuối khu ký túc xá của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Công trình nhỏ hẹp, mái lợp bờ-rô xi măng đã xuống cấp nghiêm trọng: Mưa dột, tường bong tróc, thấm nước - không đảm bảo cho các hoạt động cộng đồng.
Nhận thấy nhu cầu cần có một không gian sinh hoạt văn minh, an toàn hơn, bà Vũ Thị Thanh Bình cùng Chi ủy, tổ dân phố và các đoàn thể đã kiên trì vận động người dân và các đảng viên sinh hoạt 2 chiều, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam để xây mới lại hoàn toàn nhà sinh hoạt cộng đồng.
Năm 2017, công trình được xây dựng lại từ nền móng: Xây tường, lát nền, lợp mái tôn, lắp đặt hệ thống điện nước mới. Nhà sinh hoạt tuy không rộng nhưng đủ chỗ cho 80 - 90 người ngồi. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp Chi bộ, tổ dân phố, sinh hoạt của các đoàn thể, đặc biệt là điểm sinh hoạt hè thân thiện cho các em nhỏ trong suốt gần 20 năm qua với các hoạt động múa hát, đọc sách, vui chơi.
Không dừng lại ở đó, năm 2024, bà Bình tiếp tục đề nghị với Học viện Thanh thiếu niên để sửa chữa, làm lại trần nhà bằng thạch cao, lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng, với trị giá gần 100 triệu đồng, giúp không gian sinh hoạt khang trang, sạch đẹp và bền vững hơn.
Bà Vũ Thị Thanh Bình trao Bằng mừng thọ cho các cụ nhân Lễ mừng thọ Xuân Ất Tỵ 2025
Không chỉ tâm huyết với việc xây dựng cơ sở vật chất, bà Bình còn là hạt nhân tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Trên địa bàn có hai khu tập thể, 13 dãy nhà và 4 ngõ phố, phần lớn nhà cho thuê trọ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Hiểu rõ điều đó, bà cùng với Tổ dân phố, Ban công tác mặt trận và công an khu vực đã trực tiếp đến từng hộ dân vận động lắp đặt hộp phòng cháy, chữa cháy, đồng thời thành lập 15 tổ liên gia tự quản, mỗi tổ đều có tổ trưởng do Tổ dân phố giới thiệu, lựa chọn và thuyết phục tham gia.
Đáng nói là, nhờ uy tín cá nhân và cách vận động thấu đáo của bà, nhiều người là cán bộ công an, công chức, kinh doanh bận rộn cũng đã tích cực tham gia, chia sẻ. Nhờ vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy ở KDC 11 đã đi vào nền nếp, trở thành mô hình tiêu biểu được quận Đống Đa lựa chọn tổ chức hội nghị điểm. Chi bộ 11 và Tổ dân phố vinh dự nhận Giấy khen của Công an thành phố Hà Nội vì thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo đảm an ninh trật tự.
Gắn kết cộng đồng - gieo mầm văn hóa
Một điểm nổi bật trong công tác của Bí thư chi bộ Vũ Thị Thanh Bình là khả năng gắn kết cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết bền chặt trong khu dân cư. KDC 11 có nhiều cán bộ cao cấp trung ương và thành phố nên việc tổ chức sinh hoạt Đảng không đơn giản, phụ thuộc vào thời gian của mỗi người. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo linh hoạt, dân chủ và đầy trách nhiệm của Bí thư chi bộ và cấp ủy, các hội nghị, sinh hoạt Đảng vẫn diễn ra đều đặn, nghiêm túc, thống nhất cao. Với 152 đảng viên sinh hoạt 2 chiều và 110 đảng viên sinh hoạt thường kỳ, mọi nghị quyết đều được thông qua trong sự đồng thuận và tin tưởng.
Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh cũng được bà lan tỏa mạnh mẽ. Từ người cao tuổi đến phụ nữ, thanh niên, thậm chí cả cánh đàn ông, ai cũng tích cực tham gia các hoạt động của khu dân cư. Nhờ đó, KDC 11 nhiều năm liền được công nhận là “Tổ dân phố văn hóa cấp quận” và “Mô hình dân vận khéo cấp quận”.
Những hội nghị, buổi sinh hoạt cộng đồng do bà tổ chức luôn sôi nổi, đậm chất kết nối và đầy cảm hứng. Bà tâm sự: “Bí quyết là phải kiên trì bám sát chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền khéo léo, kiểm tra thường xuyên. Đồng thời, đừng quên biểu dương, động viên kịp thời. Dù chỉ là phần thưởng nhỏ 50.000 - 100.000 đồng, nhưng khi được tuyên dương trước cộng đồng, người dân thấy tự hào và có trách nhiệm hơn với việc chung”.
Hôm nay, khi đến với KDC 11, ai cũng dễ dàng cảm nhận sự ngăn nắp, sạch sẽ nơi từng con ngõ và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nghĩa tình giữa các hộ dân. Tất cả đều mang dấu ấn rõ nét từ sự lãnh đạo tận tâm của bà Vũ Thị Thanh Bình, người đã không quản khó khăn, hết lòng vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Với những cống hiến bền bỉ, bà Vũ Thị Thanh Bình đã được trao Huân chương Lao động hạng Ba và 29 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Bà còn nhận nhiều Kỷ niệm chương cao quý trong sự nghiệp giáo dục và hoạt động xã hội.
Liên tiếp trong các năm 2023 và 2024, bà Bình được công nhận là “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, nhận Giấy khen của Đảng ủy phường Láng Thượng. Năm 2024, bà đạt giải Ba cấp quận trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, đồng thời giành giải A cấp quận Cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt trong công tác khuyến học.
Bà Vũ Thị Thanh Bình không chỉ là một cán bộ, đảng viên đảng mẫu mực mà còn là ngọn lửa giữ gìn sự gắn kết, bình yên và phát triển cho cộng đồng. Những việc làm cụ thể, bền bỉ và đầy tâm huyết của bà chính là động lực để người dân KDC 11 tiếp tục đồng lòng xây dựng một khu dân cư kiểu mẫu - văn minh, an toàn và nghĩa tình.
Mai Thảo
Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
BTĐKT - Ngày 9/4, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (09/4/1965 - 09/4/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là dịp để nhà trường ôn lại truyền thống vẻ vang và tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh - sinh viên trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Trong diễn văn chào mừng, TS. Trịnh Thị Thu Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tiền thân của trường là Trường Trung học Thương nghiệp Hà Nội, được thành lập vào ngày 09/4/1965, vào thời kỳ đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các thế hệ thầy trò của nhà trường vẫn kiên trì xây dựng một cơ sở đào tạo nhân lực ngành Thương nghiệp, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng nhà trường Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, trường đã nhiều lần đổi tên và điều chỉnh mô hình, nhưng luôn duy trì sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và trách nhiệm cao. Năm 2008, trường chính thức mang tên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội theo Quyết định số 3697/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Hiện nay, trường đào tạo hơn 50 ngành nghề ở các hệ cao đẳng, trung cấp, hệ 9+, hệ đào tạo từ xa và các khóa đào tạo ngắn hạn. Các lĩnh vực mạnh của trường bao gồm: Thương mại, du lịch, nhà hàng, khách sạn, chế biến, công nghệ thông tin, điện - điện tử, ngôn ngữ. Mỗi năm, trường cung cấp cho xã hội hàng nghìn lao động kỹ thuật có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt và thực tiễn, đóng góp vào việc thực hiện chiến lược phát triển nhân lực của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lãnh đạo nhà trường trao học bổng cho các sinh viên Phát biểu tại buổi lễ, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã ghi nhận và biểu dương những thành tích nổi bật của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Thương mại - Dịch vụ - Du lịch. Thành phố mong muốn trường tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế, hướng tới xây dựng một trường học thông minh, hội nhập toàn cầu. Tại buổi lễ, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Nhiều tập thể và cá nhân của trường cũng được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua chào mừng 60 năm ngày thành lập trường. Trong khuôn khổ buổi lễ, nhà trường cũng tổ chức vinh danh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, quản lý và phong trào thi đua, đồng thời trao học bổng cho sinh viên. Mai ThảoHà Nội quyết liệt nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng
BTĐKT – Năm 2024, công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội ghi dấu ấn với nhiều đổi mới thiết thực, đặc biệt trong việc cụ thể hóa hai luật quan trọng: Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thủ đô. Để hiểu rõ hơn về những kết quả nổi bật của công tác thi đua, khen thưởng thành phố trong năm qua cũng như định hướng trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có buổi trao đổi với Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng. Dấu ấn đổi mới thiết thực Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác thi đua, khen thưởng TP Hà Nội trong năm 2024? Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2024 là thời điểm thành phố tập trung quyết liệt vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm, tăng tốc để đạt các chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Đây cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và thành phố đẩy mạnh xây dựng các nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô. Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng Điểm nhấn quan trọng của Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố trong năm qua là tham mưu xây dựng và triển khai hai luật quan trọng: Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thủ đô. Cụ thể, Ban đã tham mưu để thành phố ban hành 2 nghị quyết của HĐND và 9 văn bản của UBND, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan. Trong đó, đáng chú ý là hai văn bản quan trọng quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố và quy định đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm căn cứ xét khen thưởng. Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc ban hành sớm, một cách bài bản, hệ thống và sáng tạo các văn bản này, đảm bảo phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Nhờ đó, công tác bình xét kết quả thi đua, khen thưởng năm 2024 được các đơn vị đánh giá cao, giúp lựa chọn những tập thể và cá nhân thực sự tiêu biểu. Bên cạnh đó, trong năm 2024, thông qua các phong trào thi đua lớn, thành phố đã xác định rõ các mục tiêu thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng phát động phong trào một cách chung chung. Kế hoạch thi đua được phân công cụ thể, giao nhiệm vụ chủ trì từng lĩnh vực cho các ngành liên quan, thay vì để Ban Thi đua - Khen thưởng chịu trách nhiệm toàn bộ. Ban chỉ đóng vai trò đôn đốc, tổng hợp kết quả, giúp các phong trào đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, tỷ lệ người lao động trực tiếp được xét chọn khen thưởng trong các phong trào thi đua chuyên đề tăng lên đáng kể, góp phần động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có đóng góp thực sự trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Quyết liệt đổi mới trong kỷ nguyên vươn mình Phóng viên: Công tác thi đua, khen thưởng năm 2025 của thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào, thưa ông? Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2025, thành phố sẽ triển khai quyết liệt bốn phong trào thi đua trọng điểm: Thứ nhất, thi đua tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng với nội dung, lộ trình thực hiện và tiêu chí rõ ràng. Đại hội Đảng không chỉ là công tác bầu nhân sự mà còn là đợt sinh hoạt chính trị lớn, diễn ra 5 năm một lần, tập trung vào ba trụ cột chính: Nâng cao nhận thức chính trị; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội; có trách nhiệm trong việc lựa chọn nhân sự. Đến nay, thành phố đã triển khai phong trào này rất nghiêm túc. Qua đánh giá, chất lượng đại hội của nhiều chi bộ năm nay rất tốt, bài bản, trách nhiệm, đoàn kết và phát huy được trí tuệ tập thể. Thứ hai, phong trào thi đua xây dựng thủ đô "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp". Mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố đáng sống. Thành phố thực hiện song hành hai nhiệm vụ: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngay từ khi triển khai dự án phải đảm bảo yếu tố môi trường, không để xảy ra tình trạng xe chở vật liệu gây bụi bẩn, rác thải tràn lan; công trình phải được quây tôn gọn gàng, sạch sẽ; huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phân loại rác thải và duy trì vệ sinh môi trường hàng tuần. Thành phố cũng đặt ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện và yêu cầu rút ngắn tiến độ với các công trình kéo dài. Nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng thủ đô “Sáng - Xanh- Sạch - Đẹp” Thứ ba, phong trào thi đua phòng, chống tham nhũng. Đây là phong trào đã được triển khai từ năm 2023 nhưng sẽ được xác định là trọng tâm trong năm 2025. Thành phố đặc biệt chú trọng chống lãng phí trong đầu tư công, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách. Một trong những tiêu chí quan trọng là nếu công trình tiết kiệm được từ 5% trở lên so với dự toán đầu tư thì sẽ được khen thưởng. Ngoài ra, công trình hoàn thành trước thời hạn theo phê duyệt cũng sẽ được xem xét khen thưởng, nhằm khuyến khích thực hiện các dự án một cách hiệu quả và minh bạch. Thứ tư, phong trào thi đua chuyển đổi số. Thành phố đặt mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành. Ban Thi đua - Khen thưởng đang xây dựng kế hoạch triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến các ngành để hoàn thiện dự thảo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh các phong trào trên, thành phố cũng đang thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo luật mới. Năm 2024, Ban Thi đua - Khen thưởng đã tham mưu để thành lập 711 cụm, khối thi đua trên địa bàn. Sau một năm hoạt động, dự kiến trong tháng 4/2025, Ban Thi đua - Khen thưởng sẽ tham mưu cho thành phố tiến hành rà soát, đánh giá và điều chỉnh các cụm, khối thi đua để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với bộ máy sáp nhập, kiện toàn theo chỉ đạo của trung ương. Ngoài ra, Ban cũng nhận thấy một số bất cập trong tiêu chí thi đua, khen thưởng hiện nay, nên với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp thành phố quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật cũng như điều kiện thực tiễn, góp phần đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố. Phóng viên: Thưa ông, khi tinh gọn bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có gặp phải nhiều khó khăn? Điều này đặt ra yêu cầu gì đối với đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này? Ông Nguyễn Công Bằng: Việc tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà còn giúp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một thuận lợi cho công tác thi đua, khen thưởng, bởi khi đội ngũ cán bộ có nhận thức tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, thi đua sẽ thực sự trở thành một phần trong công việc hàng ngày, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Khi đó, phong trào thi đua không còn là hình thức mà sẽ được khai thác như một động lực thực sự để cán bộ, công chức phát huy năng lực và cống hiến. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Đội ngũ này cần nhanh chóng nâng cao trình độ chuyên môn, làm việc chuyên nghiệp và thực chất hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Công tác khen thưởng cũng cần đổi mới theo hướng kịp thời, toàn diện và sâu sắc hơn, đảm bảo động viên, khích lệ đúng người, đúng việc, tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng. Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! Mai Thảo (thực hiện)BTĐKT - Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), một ngôi trường với bề dày 29 năm truyền thống, luôn là nơi vun đắp nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Thành quả đáng tự hào đó có sự đóng góp không nhỏ của cô giáo Nguyễn Lệ Hằng – Hiệu trưởng nhà trường. Là một người lãnh đạo tâm huyết, cô đã truyền ngọn lửa đổi mới và sáng tạo vào từng hoạt động giáo dục, xây dựng một môi trường học tập không chỉ đạt chuẩn chất lượng mà còn tràn đầy tình yêu thương.
Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo
Kể từ khi nhận nhiệm vụ tại trường Tiểu học Thanh Xuân Nam vào năm 2019, cô Hằng đã mang đến một luồng gió mới, tạo nên những thay đổi tích cực, giúp ngôi trường trở thành một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục quận Thanh Xuân.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương – một giáo viên đã gắn bó hơn 20 năm với trường, thời điểm cô Hằng mới về nhận công tác, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế. Tường rào bong tróc, nhiều dãy phòng học xuống cấp, cổng chính không có lối vào, trường phải đi cổng phụ nhỏ, là những khó khăn hiện hữu.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Nam Nguyễn Lệ Hằng đón các học sinh trong ngày khai giảng năm học mới
Với suy nghĩ “diện mạo mới, khí thế mới,” cô Hằng đã tranh thủ sự ủng hộ từ cấp trên và huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh cùng chung tay cải tạo trường lớp. Nhờ đó, khuôn viên trường trở nên sạch đẹp, nhà bếp được trang bị thiết bị hiện đại, phòng học ngăn nắp, nhiều cây xanh và nhà vệ sinh luôn thoáng mát. Đặc biệt, cổng trường được xây mới khang trang, mang lại niềm vui và sự tự hào cho toàn thể giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh. Những đổi thay ấy không chỉ nâng cao chất lượng môi trường học tập mà còn tạo sự gắn kết, hạnh phúc trong tập thể nhà trường.
Với suy nghĩ, giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, cô Hằng đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao chuyên môn, khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô động viên, tạo điều kiện để các giáo viên trong trường có thêm cơ hội học tập, thực hành, nâng cao trình độ về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cô Hằng còn luôn sát sao, trực tiếp hướng dẫn, đánh giá các tiết dạy để giúp giáo viên phát huy thế mạnh; hướng dẫn giáo viên áp dụng phương pháp dạy học hấp dẫn không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức mà còn chú trọng đến việc khơi dậy sự sáng tạo, tư duy phản biện và niềm đam mê học tập của học sinh.
Không quản ngại đi sớm về muộn, cô luôn dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm với đồng nghiệp, đặc biệt trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, cô đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, giúp đội ngũ giáo viên thêm tự tin và gặt hái nhiều thành công. Hiện tại, 100% giáo viên nhà trường đạt chuẩn và trên chuẩn, có nhiều lượt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, giáo viên dạy giỏi cấp quận.
Cô giáo trẻ Lê Hoàng Bảo Nguyên chia sẻ: “Cô Hằng không chỉ là một người lãnh đạo giỏi mà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ. Nhờ sự dẫn dắt của cô, tập thể giáo viên ngày càng trưởng thành, phát huy tốt tinh thần đoàn kết và nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc”.
Với suy nghĩ đặt học sinh là trung tâm của sự phát triển, cô Hằng tập trung chỉ đạo thực hiện triển khai các mô hình học tập sáng tạo, chú trọng cả lý thuyết lẫn kỹ năng sống. Những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế như Lễ hội Bánh chưng, mô hình “Giờ chơi sáng tạo - Trải nghiệm dân gian”, các cuộc thi kỹ năng… đều được tổ chức thường xuyên, giúp học sinh phát triển toàn diện, góp phần đắc lực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đang dần bị mai một giữa thời đại công nghệ số, giúp các em hào hứng, thêm yêu các giờ học tập, giờ vui chơi tại trường.
Cô Hằng (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn đại biểu quận Thanh Xuân tham dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2024
Đặc biệt, cô động viên các thầy cô giáo bồi dưỡng, khuyến khích học sinh tham gia các sân chơi như Olympic Toán - Tiếng Anh ASMO, Toán học Quốc tế ITMC, Olympic Toán học Quốc tế TIMO… Nhờ định hướng đúng đắn, học sinh của trường mang về hàng loạt giải thưởng cao, gặt hái được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng: 34 giải quốc tế, 59 giải quốc gia, 61 giải thành phố, 133 giải quận. Những thành tích nổi bật của học sinh trong các sân chơi đã khẳng định thương hiệu của nhà trường, đưa danh tiếng của nhà trường ngày càng vươn xa.
…và giàu lòng nhân ái
Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Hằng còn nổi tiếng là một người giàu lòng nhân ái. Là thành viên của nhóm từ thiện “Hoa sen xanh” từ năm 2015, cô thường xuyên tham gia các hoạt động ý nghĩa như phát cơm miễn phí tại Bệnh viện K và hỗ trợ bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong suốt 4 năm qua, cô đã đỡ đầu một bạn nhỏ bị ung thư võng mạc, tiếp thêm cho bạn ấy niềm tin và sức mạnh đến lớp mỗi ngày. Trong phong trào hiến máu nhân đạo, cô tích cực vận động tập thể nhà trường và cha mẹ học sinh cùng chung tay, nhà trường luôn vượt chỉ tiêu hiến máu hàng năm, được nhận Giấy khen của UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân. Những chương trình như “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” được cô tổ chức thường xuyên nhằm giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhờ những đóng góp ấy, nhà trường liên tục được đánh giá xuất sắc trong công tác chữ thập đỏ, được tặng nhiều giấy khen từ các cấp.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cô Hằng đã gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng: 14 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 15 năm Quản lý giỏi cấp quận, từng đạt giải Nhì cấp thành phố trong Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng hàng chục bằng khen, giấy khen từ các cấp. Đặc biệt, năm 2024, cô Hằng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, 2 lần được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội công nhận có đề tài sáng kiến áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng cấp thành phố.
Những đóng góp của cô Nguyễn Lệ Hằng không chỉ là thành công của một cá nhân mà còn là minh chứng cho tinh thần tận tâm và sáng tạo trong giáo dục. Với những gì cô đã làm, cô thực sự xứng đáng được gọi là “người thổi lửa” cho phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt,” góp phần xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc cho Thủ đô và cả nước.
Hưng Vũ
BTĐKT - Sáng ngày 24/2, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025). Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Ngành Y tế Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ từ những ngày đầu cách mạng. Sau 70 năm xây dựng và phát triển, hệ thống y tế Thủ đô đã mở rộng từ một số ít cơ sở ban đầu, trở thành một hệ thống y tế hoàn chỉnh, bao gồm từ cấp cơ sở đến các bệnh viện chuyên sâu tại các quận, huyện, xã, phường.
Hệ thống y tế của thành phố hiện có 42 bệnh viện công lập, 43 bệnh viện ngoài công lập, 30 trung tâm y tế, với 579 trạm y tế xã, phường, cùng hơn 15.000 cơ sở y, dược tư nhân. Mỗi năm, hệ thống y tế Hà Nội khám chữa bệnh cho hàng chục triệu lượt bệnh nhân, thực hiện hàng trăm nghìn ca phẫu thuật và cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú tặng các cá nhân
Theo lời Bác Hồ dạy “Xây dựng một nền y học của ta”, ngành Y tế Thủ đô luôn chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các đơn vị y tế đã phát triển nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khẳng định thương hiệu bệnh viện. Tiêu biểu là Bệnh viện Tim Hà Nội đã trở thành một trung tâm tim mạch lớn của cả nước và là bệnh viện tuyến cuối chuyên về tim mạch của Bộ Y tế. Năm 2024, bệnh viện đã thực hiện hơn 2.300 ca phẫu thuật tim mạch và can thiệp cho hơn 12.700 bệnh nhân, bao gồm các ca phức tạp nhất. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là một trong 4 bệnh viện hàng đầu về sản phụ khoa tại Việt Nam và đã tiên phong trong các kỹ thuật can thiệp bào thai. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là cơ sở điều trị ung thư lớn, đứng thứ hai cả nước về quy mô các thử nghiệm lâm sàng, mở ra cơ hội điều trị tiên tiến cho người bệnh. Các bệnh viện như Xanh Pôn và Đức Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong ghép tạng...
Trong những năm qua, ngành Y tế Thủ đô cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Hằng năm, ngành Y tế Hà Nội tích cực ký kết hợp tác quốc tế để phát triển đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác dân số và các hoạt động y tế dự phòng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng phát biểu tại buổi lễ
Những đóng góp của ngành Y tế Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước, thành phố và Bộ Y tế ghi nhận, vinh danh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc. Sở Y tế Hà Nội đã vinh dự nhận Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Trong giai đoạn mới, ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động y tế.
Tại lễ kỷ niệm, 19 thầy thuốc đã được trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; 8 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 6 đơn vị được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố; 19 tập thể và 68 cá nhân được UBND thành phố tặng Bằng khen; 2 tập thể và 31 cá nhân được Bộ Y tế tặng Bằng khen chuyên đề 70 năm ngành Y tế làm theo lời Bác; 94 tập thể lao động xuất sắc được biểu dương.
Mai Thảo
Sự ấm áp từ chương trình khám, chăm sóc sức khỏe cho người yếu thế
BTĐKT - Dù những cơn mưa xuân kéo dài và không khí lạnh giá bao trùm những ngày đầu tháng 2 năm Ất Tỵ, nhưng một ngọn lửa ấm áp vẫn lan tỏa khắp quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đó không phải là ngọn lửa vật chất, mà là ngọn lửa của tình người, của lòng nhân ái và sự quan tâm chân thành của chính quyền, nhân dân, các thầy thuốc và doanh nghiệp dành cho những đối tượng yếu thế của xã hội trong chương trình “Khám, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, hộ cận nghèo và con em nạn nhân chất độc màu da cam quận Hoàn Kiếm năm 2025”. Chương trình không chỉ là một buổi khám chữa bệnh đơn thuần, mà còn truyền tải một thông điệp sâu sắc về tinh thần sẻ chia và đồng cảm. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: Chương trình này không chỉ thể hiện vai trò quan trọng của ngành Y tế mà còn là sự tôn vinh những người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”. Đây đồng thời là minh chứng rõ nét cho trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng yếu thế, nhằm xây dựng một xã hội khỏe mạnh, không ai bị bỏ lại phía sau. Các bác sĩ nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn cho người yếu thế tham gia khám bệnh tại chương trình Trong khuôn khổ chương trình, những đối tượng là người khuyết tật, hộ cận nghèo và con em nạn nhân chất độc màu da cam trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được khám và chăm sóc sức khỏe miễn phí. 18 thẻ bảo hiểm y tế và 400 suất quà đã được trao tặng, mang đến sự ấm lòng và động viên tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, mà còn là thông điệp yêu thương, tiếp thêm niềm tin cho họ vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Tuấn Dũng, 28 tuổi, một người khuyết tật sống tại số 28 Hàng Cót, chia sẻ: “Mặc dù tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng hôm nay tôi cảm thấy thật sự ấm lòng. Sự quan tâm của các bác sĩ, chính quyền và cộng đồng là nguồn động viên lớn lao đối với tôi. Được chăm sóc sức khỏe trong chương trình này, tôi cảm thấy mình không đơn độc”. Đôi mắt anh không giấu được niềm vui mừng khi cầm trên tay phiếu khám sức khỏe tổng thể. Nhiều đối tượng là người già cô đơn được khám bệnh tại chương trình Bà Nguyễn Thị Hồng, 78 tuổi, sống đơn thân tại số 27 Hàng Mành, xúc động chia sẻ: “Hôm nay, tôi cảm nhận được sự ấm áp trong lòng, không còn cảm giác cô đơn. Các bác sĩ và cán bộ y tế đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Tôi thật sự hạnh phúc vì chính quyền và cộng đồng đã không để tôi bị bỏ lại phía sau”. Chương trình khám và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, hộ cận nghèo và con em nạn nhân chất độc màu da cam quận Hoàn Kiếm năm 2025 diễn ra trong hai ngày 18 và 19 tháng 2 tại Phòng khám Đa khoa 21 Phan Chu Trinh đã để lại một dấu ấn sâu đậm về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội. Chương trình khẳng định rằng, bất kỳ ai, dù ở hoàn cảnh nào, đều xứng đáng nhận được sự quan tâm và chăm sóc từ cộng đồng. Mai ThảoBTĐKT - Ngày 7/2, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với chùa Bối Khê (xã Tam Hưng).
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh cho biết: Chùa Bối Khê, tên chữ là “Đại Bi tự”, là một trong những ngôi chùa cổ kính, nổi tiếng trong vùng. Chùa có không gian rộng lớn, thoáng đãng, được khởi dựng từ thời Trần bên bờ Đỗ Động Giang.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê đến lãnh đạo huyện Thanh Oai, xã Tam Hưng
Với kiến trúc độc đáo, chùa Bối Khê mang những họa tiết trang trí tinh xảo, hệ thống tượng pháp mang giá trị văn hóa đặc sắc. Di tích này không chỉ là “bảo vật” của nhân dân địa phương mà còn là địa chỉ văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ngôi chùa hiện còn giữ lại nhiều dấu tích từ khi khởi dựng, trong đó phải kể đến bệ đá hoa sen thời Trần, chim thần Garuda tạc bằng gỗ ở đầu đao thương điện, chân đèn đá, tượng và gạch thời Mạc, tượng thời Lê có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, điện Thánh có kết cấu chồng diêm hai tầng, tám mái đao cong, được chống đỡ bằng hệ thống đấu, là tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt mỹ. Chùa Bối Khê được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979.
Ngoài kiến trúc nghệ thuật, chùa Bối Khê còn mang giá trị lịch sử với hầm địa đạo, nơi du kích làng đã sử dụng trong kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, hầm đã được phục dựng một phần để du khách tham quan, trải nghiệm. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ, trong đó cây đề và cây đa lớn trước cổng đã được công nhận là Cây Di sản.
Hàng năm, chùa Bối Khê tổ chức lễ hội từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch), kèm theo lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ).
Với những giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa đặc sắc, chùa Bối Khê được Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 17/1/2025. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt đầu tiên của huyện Thanh Oai.
Một góc cổ kính của chùa Bối Khê
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định: Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; tôn vinh những giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích chùa Bối Khê. Đây cũng là dịp tưởng nhớ, tôn vinh Đức Thánh Bối, ôn lại các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Thông qua việc tổ chức chuỗi hoạt động lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của di tích quốc gia đặc biệt; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Thanh Oai, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện ngày càng khởi sắc, bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho biết: Thời gian tới, huyện Thanh Oai và xã Tam Hưng tiếp tục chăm lo trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích; triển khai các giải pháp để khai thác giá trị của di tích trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Dịp này, Lễ hội chùa Bối Khê Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức khai hội.
Mai Thảo
Quận Ba Đình khai trương Trung tâm quản lý dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số
BTĐKT - Ngày 16/1, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) chính thức khai trương và đưa vào hoạt động “Trung tâm quản lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu” nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên địa bàn. Trung tâm được xây dựng với mục tiêu trở thành một công cụ mạnh mẽ, giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và độ chính xác trong quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự và nhiều lĩnh vực khác của quận. Hoạt động như một “Cảng dữ liệu,” trung tâm tích hợp, thu thập, lưu trữ, phân tích, và xử lý dữ liệu từ các hệ thống của Trung ương, thành phố và quận. Qua đó, hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo và điều hành. Các đại biểu thực hiện nghị thức khai trương, vận hành Trung tâm Trung tâm là nền tảng quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của quận Ba Đình, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững với tầm nhìn và tư duy hiện đại. Đây cũng là minh chứng cho quyết tâm mạnh mẽ của quận trong việc đổi mới, đưa Ba Đình bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Ngoài việc vận hành hiệu quả các hệ thống dùng chung của thành phố, quận Ba Đình đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu riêng, bao gồm: Xây dựng website phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; số hóa dữ liệu hộ tịch, hồ sơ, tài liệu của các phòng, ban và UBND các phường; ứng dụng AI và huy động hệ thống camera từ người dân để giám sát an ninh, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng IoT tại các khu dân cư; thí điểm xây dựng trường học thông minh. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu tại buổi lễ Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập, xử lý và cung cấp dữ liệu chính xác, nhất quán. Ông yêu cầu các phòng, ban, đơn vị cập nhật dữ liệu thường xuyên, đảm bảo đúng thời hạn, coi đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức. Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, tổ chức các chương trình tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn và giám sát chặt chẽ chất lượng dữ liệu từ các đơn vị. Ông Tạ Nam Chiến khẳng định, nguồn dữ liệu được tổng hợp và phân tích sẽ là tài nguyên quý giá, góp phần giúp quận hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho một tương lai bền vững và phát triển mạnh mẽ. Mai ThảoGia Lâm (TP Hà Nội) đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
BTĐKT - Ngày 15/1, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, đồng thời tổng kết phong trào thi đua năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tới dự. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã bạn, cùng đông đảo cán bộ và nhân dân huyện Gia Lâm. Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2018, với 20/20 xã đạt chuẩn, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đây được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn với mục tiêu phát triển nông thôn tiệm cận các tiêu chí đô thị. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao Quyết định công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho lãnh đạo huyện Gia Lâm Với sự hỗ trợ của thành phố và sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân 11,63%/năm; huyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp 227 km giao thông nông thôn đạt chuẩn. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2023 hơn 8.730 tỷ đồng, với 663 dự án. Các lĩnh vực như giáo dục, y tế được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh, trật tự ổn định. Đặc biệt, Gia Lâm không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân toàn huyện đến năm 2025 đạt 85,3 triệu đồng/người/năm (tăng 30 triệu đồng so với năm 2019). Một trong những điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới là mô hình “hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường ngõ xóm” được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, với hơn 600 hộ dân hiến 6.000 m² đất và tham gia 18.338 ngày công lao động. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba cho Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt và Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, Gia Lâm đã hoàn thành mục tiêu 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đạt 9/9 tiêu chí và 38 chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngày 16/12/2024, huyện Gia Lâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và thành phố. Trong năm 2024, huyện có 1 tập thể, 6 cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước; 18 tập thể, 42 cá nhân được khen thưởng cấp thành phố và 898 tập thể, 1.546 cá nhân, 123 hộ gia đình được khen thưởng cấp huyện. Nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2025 và tạo tiền đề xây dựng huyện Gia Lâm thành đơn vị hành chính cấp quận, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã phát động phong trào thi đua năm 2025, với những nhiệm vụ trọng tâm như cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện chuyển đổi số và tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Dịp này, huyện có 2 cá nhân vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố, huyện Gia Lâm khen thưởng. Mai Thảo