THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tập trung vào giáo dục vì con người
TĐKT – Sáng 17/11, tại Hà Nội, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy tổ chức Hội thảo “Sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 – NQ/TW; Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – 25 năm giáo dục vì sự phát triển con người”. Tại Hội thảo, các thế hệ học sinh đã có những chia sẻ xúc động về tình yêu thương của thầy cô giáo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho học trò Phát biểu khai mạc Hội thảo, thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 25 năm xây dựng và phát triển ghi nhận sự nỗ lực, sáng tạo và đổi mới liên tục của các thầy cô lãnh đạo – đứng đầu là thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. Cùng với đó, không thể không nhắc đến vai trò của những chính sách đổi mới mà Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội đã ban hành. Những chủ trương, chính sách này đã có những tác động lớn lao đến quá trình phát triển của nhà trường. Đặc biệt, tháng 11/2013, Nghị quyết số 29 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (gọi tắt là Nghị quyết 29) ra đời đã tạo ra sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của những người làm công tác giáo dục, của cả xã hội về sự cần thiết và những hành động cụ thể để đổi mới giáo dục. Đối với trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nghị quyết 29 không đơn thuần là đường lối đổi mới giáo dục mà thực sự đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để nhà trường quyết tâm thực hiện những mục tiêu giáo dục, các giá trị mình đã từng bước xây dựng qua nhiều năm từ ngày thành lập. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường nhấn mạnh: Nghị quyết 29 ra đời năm 2013 với tư tưởng cốt lõi là chuyển nền giáo dục chủ yếu là tập trung cung cấp kiến thức hiện nay sang nền giáo dục tập trung vào con người, hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học. Nó như thổi một luồng gió mới, nâng cao các giá trị, tạo ra sức mạnh mới và niềm tin cho trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nó chứng minh rằng mục tiêu của trường đang theo đuổi “Không chạy theo thành tích, tập trung vào giáo dục vì con người” là hoàn toàn đúng đắn. Thành lập từ năm 1993, từ chỗ chỉ có 4 lớp học với 75 học sinh, đội ngũ ít ỏi các thầy cô chưa có nhiều kinh nghiệm, tới nay, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành một trường chuẩn Quốc gia, một trường chất lượng cao của Hà Nội, với gần 3000 học sinh và đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn, trên chuẩn. 25 năm qua, trường kiên trì thực hiện sứ mệnh giáo dục và đào tạo học sinh trở thành những con người có phẩm chất, năng lực đặc trưng cho nhân cách Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo công dân toàn cầu cho đất nước trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thế kỷ 21. Mục tiêu tổng quát: “Dạy học là dạy làm người, học là để làm người”. Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trường đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể: Xây dựng đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý trong nhà trường; xây dựng mục tiêu cho từng môn học; vận dụng các phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong dạy học; đa dạng các hình thức học tập (học tập thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo)… Trường chủ động xây dựng mối liên kết giáo dục với các nước: NewZealand, Thái Lan, Trung Quốc, Ailen, Anh, Mỹ, Nhật Bản… Nhiều mô hình mới mẻ đã được học tập triển khai tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm; các hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi văn hóa, trại hè… được tổ chức thường xuyên. Trong 5 năm 2018 – 2023, tầm nhìn đến năm 2033, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đề ra phương hướng chung là tiếp tục mục tiêu “Giữ trọn niềm tin, nâng tầm thương hiệu”. Thực hiện giáo dục toàn diện, hướng tới phát triển con người, trong đó tập trung đào tạo cho học sinh những kỹ năng cơ bản: Tiếng Anh, thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, kỹ năng sống… Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thông minh trong trường học trên cơ sở công nghệ thông tin và khoa học quản trị, làm cho trường học thân thiện hơn, nâng cao khả năng và chất lượng tương tác giữa học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường. Biến trường học thành một môi trường sống mà học sinh cảm thấy hạnh phúc, đầy đủ trong suốt thời gian các con ở trường. Phát triển các dịch vụ phụ trợ, hệ thống cơ sở vật chất để đạt tiêu chuẩn quốc tế, tương đương với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Phát triển cụm trường liên cấp tại khu đô thị mới. Từng bước cổ phần hóa, đưa thương hiệu Nguyễn Bỉnh Khiêm lên tầm cao mới, trở thành một doanh nghiệp đại chúng, đứng vững trong tốp 5 trường tư thục hàng đầu của Hà Nội. Phương ThanhHà Nội thi đua ái quốc
Hà Nội tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực, tâm huyết sáng tạo
TĐKT - Ngày 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến – nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm 2018 và trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ II. Tại buổi lễ, 17 tập thể, cá nhân vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; 17 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 364 tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 108 tập thể, 149 cá nhân được UBND thành phố tặng Bằng khen; 62 tập thể và 99 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen và 15 cá nhân được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao Huân chương Lao động cho các cá nhân và tập thể. Ngoài ra, còn có 61 đơn vị tiêu biểu các cấp học và phòng GD&ĐT được Chính phủ, Bộ GD&ĐT và UBND TP tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” trong năm học 2017 – 2018. Đây là hoạt động truyền thống của ngành GD&ĐT Thủ đô, nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt. Năm học 2017 – 2018 vừa qua, ngành giáo dục Thủ đô đã có nhiều bước tiến toàn diện trên mọi mặt. Đều khắp các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập đều ghi nhận sự đổi mới. Nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động đã được khởi xướng khắp ngành giáo dục Thủ đô như “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Lãnh đạo TP Hà Nội trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể tiêu biểu. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô mạng lưới trường lớp của ngành GD&ĐT được mở rộng và không ngừng phát triển với quy mô dẫn đầu cả nước. Tính đến đầu năm học 2018 – 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh mầm non và phổ thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố hiện tại là 52%, trong đó công lập chiếm 62%; tỉ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn là 78%. Trong đó, ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân là đơn vị tiêu biểu được biểu dương tại buổi lễ vì có 4 năm liên tiếp được đánh giá thi đua xếp thứ nhất trên 30 quận, huyện của thành phố. Buổi lễ cũng đã tôn vinh đội ngũ những cán bộ, quản lý, giáo viên dạy giỏi, cô nuôi dạy giỏi của ngành; các ngôi trường có thành tích xuất sắc trong dạy và học trong những năm vừa qua. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, các thầy cô giáo được tuyên dương khen thưởng hôm nay là những người đã có cống hiến và chiến công thầm lặng. Các thầy cô thực sự là những “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” đã phấn đấu không ngừng cũng như khẳng định trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang của mình. Mai ThảoTĐKT – Sáng 14/11, Sở Du lịch TP Hà Nội phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist và Công ty CP Du lịch OPENSEA tổ chức Lễ ra mắt trải nghiệm du lịch BonBon Hà Nội – một dịch vụ trải nghiệm du lịch mang tính văn hóa đầy sáng tạo cho khách du lịch tới Thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty CP Du lịch OPENSEA cho biết: Với mong muốn phát huy hết tiềm năng của du lịch văn hóa Hà Nội, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của Hà Nội trong thời hiện đại cũng như quảng bá nét đẹp Thủ đô đến du khách nước ngoài, Công ty CP Du lịch OPENSEA đã hợp tác cùng Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng và cho ra đời BonBon City Tour – Chuyến xe trải nghiệm Hà Nội xưa.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty CP Du lịch OPENSEA phát biểu tại buổi lễ
BonBon City Tour mang đậm phong cách Retro của Hà Nội những năm 70 - 80 nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thật nhất, gần nhất với lịch sử và văn hoá xưa của Hà Nội.
BonBon City Tour hoạt động theo mô hình Hop On - Hop Off quanh thành phố để mang tới cho du khách nhiều lựa chọn phù hợp với những phong cách du lịch khác nhau một cách linh hoạt. Đây không phải là xe buýt bán vé, mỗi khách khi sử dụng dịch vụ BonBon City Tour là đang trải nghiệm 1 sản phẩm du lịch khám phá Hà Nội.
Mỗi xe BonBon có sức chứa 22 người với toàn bộ nội thất trên xe đều được gia công và trang trí đặc biệt theo phong cách Hà Nội xưa với tông màu vàng cổ điển làm chủ đạo, mang đến cảm giác gần gũi và thân thiện đối với du khách. Hai xe sẽ chạy liên tục từ 9h00 - 16h30 hàng ngày qua các điểm dừng, mỗi chuyến xe chỉ cách nhau 30 phút.
Lộ trình của BonBon City Tour bao gồm 9 điểm dừng qua 23 tuyến phố là những địa điểm du lịch đặc sắc của Hà Nội: Hoàng thành Thăng Long, Chùa Trấn Quốc, Chùa Hòe Nhai (dừng tại khách sạn Thăng Long Espana), Cầu Long Biên (dừng tại Serein Cafe & Lounge), Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Văn Miếu, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trải nghiệm BonBon City Tour, khách hàng được trang bị ứng dụng di động riêng (BonBon City Tour) chứa các thông tin du lịch, nội dung đặc sắc của điểm dừng và các địa điểm du lịch xung quanh.
Ứng dụng điện thoại BonBon City Tour đã có mặt trên hai nền tảng di động phổ biến nhất: iOS và Android. Ứng dụng tích hợp bản đổ, thông tin du lịch về các tụ điểm ăn - chơi xung quanh 9 điểm dừng và audio hướng dẫn được dịch ra 5 thứ tiếng: Tiếng Việt; tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Hàn.
Bên cạnh việc cho ra mắt trải nghiệm du lịch BonBon City Tour, tại buổi lễ, Hanoitourist và OPENSEA lần đầu tiên giới thiệu chuỗi tour trải nghiệm văn hoá Hà Nội mới lạ mang tên Vietnam Rewind bao gồm Hanois Secrets with Film Cameras (Tour trải nghiệm Hà Nội cùng máy ảnh phim), Resolving Hanoi (Tour giải mã bảo tàng) và A Sip of Hanoi (Tour trải nghiệm cà phê Hà Nội).
Với phong cách trải nghiệm mới lạ, độc đáo, mỗi tour trải nghiệm thường kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng dành cho nhóm khách 1 - 5 người nhằm cá nhân hoá nhất những trải nghiệm văn hoá và cuộc sống địa phương của du khách.
Mai Thảo
TĐKT – Theo chân các anh chị thợ điện Đội Quản lý điện số 2 (thuộc Công ty Điện lực Chương Mỹ, TP Hà Nội), đến với công tác hỗ trợ và đảm bảo cung cấp điện trở lại cho các hộ dân vừa chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua mới thấu hiểu được những vất vả trong nghề thợ điện trải đầy sương gió.
Không quản ngày mưa bão
Trận mưa bão như trút nước cuối tháng 7 vừa qua đã khiến cho nhiều vùng ngoại ô Hà Nội trở thành những “ốc đảo”, mênh mông nước. Ở vùng “rốn lũ”, những người dân xã Nam Phương Tiến thuộc huyện Chương Mỹ là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất của đợt mưa lũ lần này.
Cách trung tâm Hà Nội gần 40 km, Nam Phương Tiến là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, những đợt nước sông Bùi dâng cao. Theo như lời kể của ông Phùng Văn Tây (65 tuổi, ở xã Nam Phương Tiến), chưa bao giờ những người dân nơi đây chứng kiến cảnh nước dâng cao và ngập kéo dài như vậy.
Còn nhớ hồi năm ngoái (năm 2017), trận vỡ đê sông Bùi cũng làm người dân lao đao, nhưng theo lời ông Tây kể lại, năm nay nước tràn từ từ và kéo dài lâu hơn đến tận 20 ngày, mọi thứ đều bị cô lập, mất điện, mất nước, mất trộm, đối với nhân dân thật sự là những ngày cực khổ.
Toàn xã Nam Phương Tiến có tổng số 831 hộ bị cô lập với hơn 4.000 nhân khẩu trong đó có 637 hộ bị ngập nặng. Thiệt hại ước tính nhiều mặt; lúa 235 ha, hoa màu 115 ha, cây ăn quả 758 ha, thủy sản 85 ha, 118 trang trại, 116.000 con gia cầm, hơn 1.000 con lợn bị chết.
Đảm bảo tốt nhất an toàn điện cho bà con nhân dân mùa mưa lũ
Anh Đặng Xuân Lâm, Đội trưởng Đội quản lý điện số 2 (Công ty Điện lực Chương Mỹ) cho biết: Suốt 20 ngày mênh mông nước ấy, toàn đội của anh không có ngày nào được nghỉ, thường xuyên túc trực, cùng nhân dân sống chung với lũ, nhằm đảm bảo tốt nhất an toàn điện, không để bất cứ tình trạng xấu nào xảy ra. Đội của anh Lâm có 10 người, trong đó có 3 chị là phụ nữ nhưng với sự sẻ chia và trách nhiệm của mình, tất cả đều gác lại công việc gia đình, dành toàn bộ tâm sức cùng những hộ dân trong giai đoạn khó khăn này.
Chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên của Đội quản lý điện số 2 cho biết: Gia đình có 2 con nhỏ nhưng vì công việc, chị đành gửi con cho ông bà trông nom để yên tâm làm việc. Là phụ nữ nên chị cũng được các anh ưu ái dành cho những công việc nhẹ nhàng hơn. Đợt lũ vừa rồi chị chịu trách nhiệm hậu cần, phục vụ cơm nước cho các anh túc trực tại các thôn của xã Nam Phương Tiến. Chị phải chèo thuyền dài đến tận mấy cây số đến các điểm đưa cơm cho mọi người trong Đội.
Các anh trong Đội quản lý điện số 2 phải đi thuyền hỗ trợ bà con nhân dân
Khi được thông báo nước vào, dâng cao, đội của anh Lâm phải chia thành 5, 6 nhóm người túc trực tại các điểm ngập. Để đảm bảo an toàn công tác điện, tránh thiệt hại về người và của cho nhân dân, đội anh đã kiểm tra những hộ dân ở thấp, sau đó lập tức sa thải toàn bộ hệ thống điện của hộ dân ra khỏi lưới. Những nhà cao tiếp tục để lại và theo dõi thường xuyên để đảm bảo điện cho từng hộ dân. Kết hợp với Đoàn thanh niên xung kích, anh em toàn đội đã bố trí người trực 24/24h, hầu như không nghỉ trong những ngày mưa lũ.
Nhớ lại thời điểm đó anh Lâm cho biết: Dường như không ai có thời gian nghỉ ngơi, chỉ thi thoảng về qua nhà thay quần áo rồi lại đi liền, mệt quá thì nghỉ luôn tại chỗ. Lúc đó, anh em toàn đội phải đi thuyền là chính, lội nước đến nỗi nước ăn chân, mắc ghẻ, ngứa ngáy.
Động lực để gắn bó, trách nhiệm hơn với nghề
Đội Quản lý điện số 2 quản lý 4 xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và xã Hữu Văn, với trên 10 ngàn công tơ điện. Với số lượng 10 cán bộ, công nhân viên, thực sự công việc không hề dễ dàng.
Để có thể chủ động, kịp thời ứng phó với những trường hợp khẩn cấp, hàng năm, Đội Quản lý điện số 2 đều được triển khai kịch bản, có chương trình diễn tập với áo phao, thuyền hơi. Ngoài ra, khi bước vào mùa mưa bão, cán bộ đơn vị đã tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa các địa phương, phát tờ rơi nhằm đảm bảo và phối hợp tốt với quần chúng nhân dân trong công tác an toàn điện, tránh thiệt hại về người và tài sản xảy ra.
Năm 2018, khi mưa lũ xảy ra, cùng với các đoàn hỗ trợ về lương thực, nước uống cho nhân dân, Công ty điện lực Chương Mỹ đã phân về Đội quản lý điện số 2 1.000 cây nến, hỗ trợ tất cả các trang thiết bị điện cho 3 trường học của xã Nam Phương Tiến.
Đội trưởng Lâm chia sẻ: Anh em thường xuyên phải túc trực tại các thôn, quãng đường đi lại khó khăn và xa xôi. Nhưng bất kể có sự cố gì, các anh em trong đội đều kịp thời có mặt, xử lý rất nhanh và hiệu quả. “Chúng tôi ăn cơm với người dân còn nhiều hơn cơm nhà”.
Hơn 16 năm gắn bó với ngành điện, anh Lâm cũng như các đồng nghiệp có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Họ nhớ cả những lần ngắt điện của một hộ dân vì để đảm bảo công tác an toàn lúc mưa bão, nhưng người nhà gia đình cứ năn nỉ cấp điện trở lại, họ viết giấy cam kết để được có điện. Rồi có lần kéo điện miễn phí cho hộ nghèo trên địa bàn, gia đình cụ bà neo đơn rất đáng thương, khắc khổ, cụ xúc động cảm ơn và thỉnh thoảng cụ lại mang cả buồng chuối, bắp ngô lên đãi anh em trong đội mặc dù quãng đường từ nhà cụ tới trụ sở dài mấy cây số…
Với họ, những tình cảm thân thương của người dân dành cho những người thợ điện thực sự đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào, giúp họ cảm thấy yêu và gắn bó hơn với nghề.
Thục Anh
TĐKT - Ngày 6/11, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ hưởng ứng và tổng kết 5 năm triển khai “Ngày pháp luật Việt Nam”, trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật hình sự năm 2015”. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
5 năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo Luật PBGDPL đã được các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố tích cực triển khai. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Giải đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật hình sự năm 2015” được trao cho Thượng úy Nguyễn Hữu Thanh (Công an TP Hà Nội)
Hoạt động PBGDPL của các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã đi vào nền nếp. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật sâu rộng trên địa bàn Thủ đô.
5 năm qua, Hà Nội đã tổ chức được 40.771 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với khoảng 6,7 triệu người tham dự; đã in ấn, phát hành gần 33 triệu tài liệu pháp luật. Đặc biệt, với hình thức tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015”, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia. Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận được tổng số 924.783 bài dự thi, qua đó ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng cao. Các vi phạm pháp luật giảm; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp…
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn Thủ đô đã đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trên toàn địa bàn thành phố, thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý và trở thành ngày hội pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, nghiêm túc trong triển khai trong công tác PGDPL với nhiều hình thức đa dạng phong phú, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những kinh nghiệm của Hà Nội là những bài học quý để Trung ương nghiên cứu, đúc rút nhằm hướng dẫn cho các địa phương trên cả nước về lĩnh vực này, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật sâu rộng trên cả nước.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 23 giải tập thể và 109 giải cá nhân cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015”. Trong đó, Thượng úy Nguyễn Hữu Thanh (Công an TP Hà Nội) đạt giải Đặc biệt. Giải nhất thuộc về ông Bùi Ngọc Sáng (Công an huyện Thanh Trì); ông Cấn Thành Trung (Công an TP Hà Nội); bà Trần Việt Anh (Hội Người mù huyện Phú Xuyên) và em Đoàn Ngân Giang (THCS Tân Định, quận Hoàng Mai) đạt giải Nhất dành cho lứa tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi…
Thục Anh
Chiếc cầu nối đưa người dân đến gần với những quy định về an toàn giao thông
TĐKT – Dù không phải là một nhà sư phạm chính quy, nhưng những bài giảng sáng tạo về kiến thức an toàn giao thông (ATGT) của anh lại được đông đảo tầng lớp người dân, sinh viên, học sinh Thủ đô đón nhận một cách say mê và đầy hứng khởi. Anh được mệnh danh là chiếc cầu nối đưa người dân đến gần hơn với những quy định về an toàn giao thông. Anh là Lưu Xuân Bình, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội. “Người thầy giáo” sáng tạo Gặp anh ở trường THPT Trung Hòa, Cầu Giấy trong buổi phát động cuộc thi trên internet cho học sinh về kiến thức ATGT. Trong vai trò là một người dẫn chương trình, anh đã khoấy động không khí của buổi sinh hoạt ngoại khóa, thu hút sự chú ý của tất cả các học sinh cùng tham gia vào chương trình “đố vui có thưởng” và “đuổi hình bắt chữ”. Những quy định pháp luật khô cứng, những thông điệp ý nghĩa về đảm bảo ATGT dưới sự dẫn dắt của anh Bình đã mềm mại, đi vào trí nhớ của mỗi em học sinh một cách tự nhiên, đầy hứng khởi. Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình giao lưu với học sinh về những kiến thức an toàn giao thông Tiếng vỗ tay giòn giã, yêu cầu “học tiếp đi ạ” của các bạn học sinh đã làm cho người “thầy giáo” ấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Anh Bình bảo, đó là thành quả, động lực chính để anh thực hiện các chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT trong suốt gần 10 năm qua. Về công tác tại Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội từ năm 2009, anh được giao phụ trách mảng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Nhận thức rằng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là nội dung khó, lại khô khan và nguyên tắc, nên muốn đạt được hiệu quả anh luôn trăn trở, suy nghĩ và đề ra những biện pháp, cách làm tốt nhất để người nghe “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện”, có tính thuyết phục cao, mang lại hiệu quả trong cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh, xây dựng, hướng dẫn các ngành, quận, huyện, địa phương bám sát chủ đề ATGT quốc gia của năm để tuyên truyền, anh không ngại đặt chân đến khắp các nẻo đường, len lỏi vào từng trường học, từng khu dân cư, cả doanh nghiệp thực hiện các buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp, tọa đàm hay tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật ATGT hoặc buổi hội diễn văn nghệ lồng ghép các kiến thức về ATGT đến với mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, anh đã dày công nghiên cứu, sáng tác nhiều kịch bản tiểu phẩm có giá trị, phục vụ hiệu quả cho việc dàn dựng và biểu diễn trong các hoạt truyền thông, góp phần giáo dục, làm thay đổi nhận thức, hành vi của các thành phần, đối tượng nhân dân về đảm bảo trật tự ATGT. Đến nay, hơn 13 tiểu phẩm do anh sáng tác như “Chuyện ở một ngã tư”, “Sai một ly đi một dặm”, “Đến Chí Phèo cũng bỏ rượu”, “Anh hùng xa lộ”… đã trở thành những tài liệu quý, có tính tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về ATGT được các trường học, đơn vị, địa phương học tập và áp dụng rộng rãi. Tâm huyết với công tác tuyên truyền kiến thức ATGT Mỗi một chương trình được thực hiện, là mỗi lần anh đi sớm về muộn, đêm hôm thức trắng để xây dựng kịch bản, tổ chức triển khai. Dù vất vả, căng thẳng nhưng bù lại anh được nhận về thêm những niềm vui và những kỷ niệm đẹp. Đến nay đã gần 8 năm trôi qua nhưng anh vẫn chưa thể quên được buổi tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai vào năm 2010. “Đó là những ngày mùa đông vừa mưa, vừa rét. Sân khấu được tổ chức ở ngoài trời, gió thổi hun hút. Xen lẫn các tiểu phẩm, chương trình văn nghệ là phần giao lưu có thưởng cùng khán giả tạo ra không khí sôi động, ấm áp, níu chân tất cả bà con, đồng bào dân tộc xã Tiến Xuân. Họ đội ô, đội áo mưa đến những giây phút chương trình kết thúc. Cả đoàn ai cũng cảm động và thấy hạnh phúc bởi chương trình mà chúng tôi mang đến, được bà con đón nhận và thực sự trân trọng” - Anh Bình nhớ lại. Còn chị Hạnh, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, chuyên theo dõi các hoạt động của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, vẫn nhớ như in những giọt nước mắt lăn trên má biết bao khách mời, đại biểu cũng như những khán giả tham dự Lễ tưởng niệm về nạn nhân bị tai nạn do tai nạn giao thông năm 2014 do UBND TP Hà Nội tổ chức. Trong đó, anh Bình chính là người tham mưu đồng thời xây dựng chi tiết kịch bản, tham gia triển khai chương trình ấy. Tiểu phẩm “Nỗi đau còn đó” do anh viết và dàn dựng, kể về cuộc chia ly không hẹn ngày trở lại của 3 người trong một gia đình vào ngày sinh nhật đứa con gái. Vụ tai nạn tức tưởi đã cướp đi sinh mạng của hai cha con họ, để lại nỗi đau cho người phụ nữ, bỏ lại những ước mơ, niềm hạnh phúc dang dở. Tiểu phẩm như một thông điệp có giá trị sâu sắc, thôi thúc tất cả mọi người hãy thay đổi và hành động để góp phần tích cực đẩy lùi tai nạn giao thông và xây dựng một xã hội giao thông có văn hóa, an toàn, lành mạnh. Tâm huyết và những nỗ lực không mệt mỏi của anh Bình nói riêng và Ban ATGT Hà Nội nói chung đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô trong đảm bảo ATGT và trật tự đô thị, tác động rất tích cực đến công tác kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Sắp bước sang tuổi 60, đến tuổi Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng anh Bình vẫn luôn nghĩ mình sẽ không ngừng làm việc. Anh tiếp tục lựa chọn công việc này, nguyện là chiếc cầu nối giữa người dân với các quy định pháp luật về ATGT. “Có thể bạn sẽ gặp tôi đang tất bật phân luồng giao thông ở một tuyến đường nào đó vào các giờ cao điểm. Cũng có thể, bạn sẽ thấy tôi đang say sưa giảng bài ở một ngôi trường nào đó.” - Anh Bình chia sẻ. Mai ThảoTrao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
TĐKT - Ngày 5/11, Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố, Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đợt 7/11/2018 cho đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Phạm Quang Nghị, sinh ngày 2/9/1949, tại xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; vào Đảng ngày 28/11/1973, chính thức ngày 28/11/1974. Đồng chí tham gia cách mạng từ sớm, tham gia chiến đấu tại chiến trường B, sau đó đồng chí công tác và giữ nhiều cương vị khác nhau. Từ tháng 7/2006 đến tháng 1/2016, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV, XV. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương các khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho đồng chí Phạm Quang Nghị Trong quá trình công tác, đồng chí được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Ba; Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và nhiều Huy chương của các bộ, ngành trao tặng. Đặc biệt, trong 10 năm giữ cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội - là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình, đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng bộ thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần đưa Thủ đô vươn lên tầm phát triển mới, là trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm lớn về mọi mặt; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Trân trọng trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng và tặng hoa, chúc mừng đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đồng chí Phạm Quang Nghị là cán bộ tham gia cách mạng từ sớm, trưởng thành trong chiến tranh. Với bản lĩnh của người cộng sản và với lòng trung thành tuyệt đối với đảng, với dân tộc, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trải qua rất nhiều vị trí công tác, đồng chí được đảng, Nhà nước ghi nhận và được tặng thưởng rất nhiều huân chương, phần thưởng cao quý. “Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng trao ngày hôm nay tiếp tục thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những công lao, đóng góp của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của toàn dân tộc”. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn đồng chí Phạm Quang Nghị tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ để xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng phát triển. Hưng VũViện Đại học Mở Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì
TĐKT – Ngày 3/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viện Đại học Mở Hà Nội long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển. Viện Đại học Mở Hà Nội là cơ sở đào tạo công lập được thành lập theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 3/11/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến sĩ Trương Tiến Hùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại buổi lễ Ôn lại truyền thống 25 năm, Tiến sĩ Trương Tiến Hùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội chỉ rõ: Ra đời trong bối cảnh đất nước đang đứng trước thách thức có tính lịch sử: Vừa chống nguy cơ tụt hậu, vừa tăng tốc phát triển. Để đạt được điều đó thì vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tầm quan trọng sống còn. Do đó, cần mở rộng cơ hội học tập, tạo điều kiện rộng rãi cho mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ và những người trong độ tuổi lao động được tiếp cận các cơ hội giáo dục – đào tạo tùy theo nhu cầu, khả năng và điều kiện của mỗi người. Viện Đại học Mở Hà Nội được thành lập và đã tìm được con đường phát triển phù hợp của mình, phát huy tối đa lợi thế của một cơ sở đào tạo tự chủ công lập. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện Đại học Mở Hà Nội. 25 năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên, học viên và sinh viên của nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa loại hình đào tạo. Viện đã đào tạo bậc đại học và trên đại học cho hàng vạn người thuộc nhiều đối tượng khác nhau, tại nhiều vùng miền khác nhau của Tổ quốc, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương và các doanh nghiệp. Điều đặc biệt, nguồn lực tài chính cho quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở vật chất đó đều từ nguồn xã hội hoá là chủ yếu. Đảng bộ nhà trường được tặng Bằng khen của Đảng bộ TP Hà Nội Đến nay, hơn 170.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân đã tốt nghiệp và có những đóng góp không nhỏ cho nguồn nhân lực có tri thức trên khắp mọi miền đất nước là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của nhà trường. Viện Đại học Mở Hà Nội đang từng bước khẳng định vị trí trong hệ thống các cơ sở đào tạo của đất nước, có quan hệ liên kết gắn bó với nhiều cơ sở đào tạo trong nước và quan hệ mật thiết với nhiều trường Đại học Mở trong khu vực và trên thế giới. Công đoàn Viện Đại học Mở Hà Nội được tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Tiến sĩ Trương Tiến Hùng cho biết: Mục tiêu của Viện là ổn định quy mô đào tạo, chú trọng hoàn thiện chương trình và phương pháp đào tạo, lấy chất lượng đào tạo cao làm định hướng chiến lược. Kết hợp dạy và học với nghiên cứu khoa học được xác định là yếu tố căn bản nâng cao chất lượng đào tạo. Với người học, Viện luôn xác định là nơi tạo ra những cơ hội và thử thách, những trải nghiệm, sự đánh giá và lựa chọn, giống như ở trường đời, cũng giàu thực tiễn, phong phú và phức tạp - chỉ khác là nhà trường có chương trình, đào tạo bài bản và có phương pháp của khoa học hiện đại. Viện luôn cam kết đảm bảo những lợi ích chính đáng cho người học và thực hiện tốt sứ mệnh “Mở cơ hội học tập cho mọi người”. Ghi nhận những thành tích mà tập thể cán bộ, thầy và trò Viện Đại học Mở Hà Nội đã nỗ lực đạt được trong suốt 25 năm qua, tại buổi lễ, đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện Đại học Mở Hà Nội. Cũng tại buổi lễ, Công đoàn Viện Đại học Mở Hà Nội được tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đảng bộ nhà trường được tặng Bằng khen của Đảng bộ TP Hà Nội; nhà trường được tặng Bằng khen của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Đoàn Thanh niên Viện Đại học Mở Hà Nội được tặng Cờ thi đua của Thành đoàn Hà Nội. Mai ThảoHà Nội: Tuyên dương 125 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc
TĐKT - Ngày 4/11, Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức Lễ Tuyên dương 125 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS )Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2017 - 2018. Trên địa TP Hà Nội hiện có 14 xã vùng dân tộc miền núi và hơn 200 giáo viên là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các trường. Trong những năm qua, Hà Nội đã chỉ đạo ngành công tác dân tộc, giáo dục và đào tạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, giáo dục vùng DTTS nói riêng được giữ vững và có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ học sinh, sinh viên DTTS thường xuyên gặt hái được thành tích cao trong các kỳ thi, góp phần đưa Hà Nội liên tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước. Các em học sinh giỏi xuất sắc được nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Năm học 2017 - 2018, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia các môn văn hóa và kỹ thuật dành cho học sinh khối THPT, có 2 em học sinh, sinh viên DTTS của Hà Nội đạt giải; ở kỳ thi tương tự cấp thành phố, có 6 em học sinh, sinh viên DTTS đạt giải. Trong các cuộc thi thể thao cấp thành phố dành cho học sinh THPT, THCS, có 3 em học sinh DTTS đạt giải. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2017 - 2018, có 7 em là người DTTS thuộc các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đạt từ 23 điểm trở lên và 21 em đạt từ 21 điểm trở lên. Trong tổng số 125 em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2017 - 2018, có 71 em là người dân tộc Mường, 19 em dân tộc Tày, 10 em dân tộc Dao, 9 em dân tộc Nùng, 7 em dân tộc Thái, 4 em dân tộc Cao Lan, 4 em dân tộc Hoa và 1 em dân tộc Giáy. Các em học sinh, sinh viên xuất sắc nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHà Nội Tại buổi lễ, 125 học sinh, sinh viên học giỏi trên địa bàn thành phố được biểu dương, trong đó, 9 học sinh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen; 14 học sinh đoạt giải cấp quốc gia, thành phố được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen; 103 học sinh đoạt giải cấp quận, huyện, thị xã và đỗ đại học từ 25 điểm trở lên được Trưởng ban Dân tộc thành phố tặng giấy khen… Những kết quả ấn tượng mà học sinh, sinh viên DTTS đạt được bên cạnh nỗ lực tự thân của các em, còn có sự quan tâm, đầu tư lớn về hạ tầng, cũng như việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của các sở, ban ngành thành phố. Nhờ đó, đến nay, vùng DTTS Thủ đô đã có 32/60 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia. Chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ công tác ở vùng DTTS của Thủ đô được thực hiện đầy đủ. Năm 2017, thành phố đã bố trí trên 6,1 tỷ đồng để thực hiện chính sách dành cho hai nhóm đối tượng trên. Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, các em học sinh, sinh viên DTTS cần nhận thức đúng động cơ học tập, thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với yêu cầu của xã hội, để sống có lý tưởng, hoài bão, không ngừng học tập rèn luyện, sáng tạo, phấn đấu đạt nhiều thành tích cao hơn nữa. Thục AnhTĐKT - Tối ngày 2/11, “Lễ hội Đức 2018: Trải nghiệm nước Đức ở Hà Nội” đã chính thức khai mạc tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là lần thứ 5 “Lễ hội Đức” được tổ chức tại Hà Nội với quy mô lớn hơn các kỳ lễ hội trước, có ý nghĩa quan trọng thể hiện mối quan hệ bền vững giữa Đức và Việt Nam.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Lễ hội Đức năm 2018
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Trải qua 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Với riêng Thủ đô Hà Nội, hiện nay Đức là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu với 68 dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Hà Nội và Đức hiện đã chạm ngưỡng 900 triệu USD.
Do đó, Lễ hội Đức 2018 sẽ tiếp tục là cơ hội để bạn bè quốc tế và nhân dân Thủ đô hiểu thêm về nước Đức tươi đẹp, với những nét văn hoá đậm chất truyền thống cũng như những con người thân thiện, giàu tình cảm. Đồng thời, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, giới thiệu những thành tựu về kỹ thuật công nghệ hàng đầu thế giới của Đức, từ đó đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa các doanh nghiệp từ 2 quốc gia.
Trước đó, trong phát biểu chào mừng của mình, Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger nhấn mạnh quan hệ hợp tác Đức - Việt Nam kể từ hôm nay mở sang một trang mới. Tại đây Ngài Đại sứ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Đức với Việt Nam sẽ có thêm nhiều dấu ấn tốt đẹp trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội
Các hoạt động “Lễ hội Đức 2018” bắt đầu từ sau lễ khai mạc và kéo dài tới 23h ngày thứ bảy (3/11) với nhiều hoạt động hấp dẫn như về văn hóa, lịch sử, du lịch, các trò chơi cho thiếu nhi, biểu diễn văn nghệ của học sinh học tiếng Đức…
Là lần thứ 5 được tổ chức, Lễ hội Đức 2018 có sự tham gia của đông đảo các tổ chức, cơ quan từ Đức hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, văn hoá và đại diện nhiều doanh nghiệp Đức nhằm giới thiệu và trao đổi về các cơ hội hợp tác. Với nhiều hoạt động như biểu diễn âm nhạc, thời trang, chuỗi phim ngắn, thử tài đá bóng hay giới thiệu văn hoá ẩm thực, Lễ hội Đức 2018 được mở cửa hoàn toàn miễn phí và diễn ra trong 2 ngày 2 và 03/11/2018.
Một trong những dự án mới nhất đánh dấu sự hợp tác quan trọng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức là dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống (đã khánh thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2). Đây là dự án mà Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dành rất nhiều tâm huyết, với mong muốn làm thay đổi hoàn toàn chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân Thủ đô. Nước được xử lý tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng công nghệ hiện đại của Đức với tiêu chuẩn quốc tế - uống ngay tại vòi.
Ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ: Nước Đức nổi tiếng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và chúng tôi rất vui khi có cơ hội hợp tác cùng Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Nước là lĩnh vực vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống con người, vì vậy chúng tôi rất mong muốn được phát triển ngành nước trong tương lai.
Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của Đức và Việt Nam đã góp phần phát triển mối quan hệ hai nước. Tôi cũng chia sẻ thêm là hai nước đã phát triển những cuộc đàm phán về lĩnh vực xử lý nước thải. Sự hợp tác này còn thể hiện sự thấu hiểu mối quan hệ song phương giữa hai nước, giữa chính phủ, chính quyền địa phương và người dân.
Phương Thanh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 81
- 82
- 83
- 84
- 85
- …
- sau ›
- cuối cùng »