TĐKT – Đến với tranh ghép vải từ khi mới là sinh viên đại học năm thứ 2, màu sắc và chất liệu của vải đã thu hút cô gái trẻ Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1988), thôi thúc cô tìm tòi, sáng tạo nên những bức tranh vải đầy màu sắc, thổi hồn cho những tác phẩm nghệ thuật ấy.
Đến nay, đã 10 năm Huyền “đắm đuối” với nghệ thuật tranh ghép vải, dù có lúc nhiều người phản đối, quay lưng lại với ý tưởng nghệ thuật của cô. Song với lòng quyết tâm đeo đuổi đam mê, Huyền đã trở thành một họa sĩ tranh vải trẻ tuổi, tài năng, có nhiều tác phẩm tranh vải có giá trị nghệ thuật cao, được nhiều người đón nhận.
Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Huyền
Từ ngày 5 - 17/12/2018, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền tổ chức trưng bày hơn 20 bức tranh ghép vải mang tên “Tôi vẽ giấc mơ”. Đây là những tác phẩm nghệ thuật vô cùng sống động và độc đáo mà Huyền đã kỳ công tạo nên từ những miếng vải nhỏ bé vô tri, vô giác.
Triển lãm thể hiện giấc mơ của niềm đam mê cháy bỏng, khát khao tự nguyện đi trên con đường chông chênh độc hành vô tận của nữ họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Huyền. Vì đam mê, đã cho cô dũng khí mang “giấc mơ” của mình ra phố kể.
Ngắm bức tranh “Phố không mùa” tại triển lãm, nhiều người thực sự bị thu hút bởi âm hưởng riêng của những con phố sôi động, đầy màu sắc của Hà Nội và hình ảnh những cô gái Hà Thành tuyệt đẹp trong tà áo dài trắng.
Cuốn hút hơn nữa là những nàng xuân trong tranh vải của Huyền hiện lên rất tươi mới và năng động trong chất liệu vải bò…
Bức tranh “Phố không mùa” của họa sĩ Thu Huyền
20 bức tranh tại triển lãm, mỗi một tác phẩm Huyền đặt vào đó những tâm sự khác nhau, được thể hiện bằng tình cảm và kỹ thuật khác nhau, nhưng đều thể hiện sự tươi mới, tình yêu và niềm tin, sự khát khao về cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ.
Nguyễn Thu Huyền vốn là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Thời trang, khoa Tạo dáng Công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ Mỹ thuật ứng dụng, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2014, Huyền trở thành giảng viên đại học với mong muốn truyền lại cho các thế hệ sau niềm đam mê cũng như kinh nghiệm về nghề mà cô có được. Bên cạnh đó, cô cũng mở lớp dạy mỹ thuật, ươm mầm sáng tạo cho các bé thiếu nhi yêu hội họa, giúp tăng khả năng cảm thụ và trân quý những cái đẹp vật thể và tinh thần trong mỗi học viên.
Huyền cho biết, đến với nghệ thuật tranh vải là sự tình cờ, từ những mảnh vải vụn trong các bài tập thực hành ở trường thời còn sinh viên. Từ những mảnh vải vụn ấy, Huyền đã tạo thành những bức tranh nghệ thuật để tặng người thân và bạn bè. Thế rồi, cứ tự nhiên, ước mơ được theo đuổi môn nghệ thuật này lớn dần lên trong cô gái trẻ.
Nếu ban đầu quan niệm tranh ghép vải là ghép những miếng vải vụn lên các hình với màu sắc hoa văn chất liệu sao cho hợp lý thì nay Huyền đã làm khác hẳn. Cô tạo hoa văn riêng trên từng khối hình mảng màu. Cô chắp vải, đan tết, xếp nếp thành một thứ hoa văn của riêng mình. Không hề phụ thuộc vào mẫu hình có sẵn trên miếng vải. Cầu kỳ nhưng không phải thêu. Riêng biệt nhưng không phải vẽ. Nếu bút lông là phương tiện, màu là chất liệu thì với Huyền kim là bút lông; chỉ, vải là chất liệu.
Bức tranh Đóa hoa vô thường lấy lòng nhiều khách thưởng lãm chiều 5/12
Huyền cho biết, cô có thể tạo hình với bất cứ chủ đề nào. Từ đơn giản đến phức tạp. Chỉ có là mất công nhiều hay mất công rất nhiều mà thôi.
Các chủ đề phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt gia đình cô đều mạnh dạn thể hiện. Tạo hình không thiên về tả thực, cũng không quá thiên về khối, chúng mạnh ở sự hài hòa, hợp lý giàu nhịp điệu với những gam màu pastel nhẹ nhàng, tình cảm, nữ tính.
Thế mạnh của Huyền hiện nay là cô sử dụng linh hoạt các mảng màu. Chúng đẹp, lạ hơn bất cứ một loại chất liệu màu nào. Huyền là người có ý thức về tư duy tạo hình, về màu, cô miệt mài sáng tác, chăm chỉ học hỏi nên bước đầu cô đã thành công trong việc tạo một kiểu thức tạo hình mới cho tranh ghép vải… không thua kém một chất liệu nào.
“Huyền nhiệt tâm yêu nghề, say nghề, chịu khó làm việc tìm tòi và sáng tạo. Cô như con ong chăm chỉ hút nhụy tạo mật cho đời. Việc của cô hiện nay là nâng tạo hình cho những miếng vải ghép trên tranh ấy lên một tầm mới để chúng có đời sống và tiếng nói riêng biệt hơn nữa về chất. Chắc chắn khi đó những bức tranh “vải ghép vải” của cô sẽ được đón nhận yêu thích và rộng rãi.” - Nhà báo Hoàng Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam đã nhận xét như vậy khi nói về họa sĩ Thu Huyền.
Mong muốn của người họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Huyền trong tương lai đó là sẽ tiếp tục phát triển nghệ thuật tranh ghép vải đến cộng đồng. “Hiện tại, có rất nhiều cá nhân đã theo tôi học tập làm tranh ghép vải, từ đó về truyền dạy lại cho những người khuyết tật như một nghề để tầng lớp lao động yếu thế nuôi sống bản thân mình” - Huyền chia sẻ.
Mai Thảo