Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Sỹ - người truyền lửa nhiệt huyết
BTĐKT - “Một thầy thuốc ưu tú “Sáng về y đức - Sâu về y lý - Giỏi về y thuật, một người lãnh đạo hết mình vì sự phát triển của bệnh viện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn chăm lo cho đời sống của cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị”. Đó là những tóm tắt ngắn gọn về Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên (tỉnh Sơn La), người đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mỗi khi nhắc đến anh, ai cũng đều quý mến, trân trọng và nể phục. Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh là phong thái đĩnh đạc, cùng gương mặt phúc hậu với đôi mắt sáng, toát lên sự quyết đoán, thông minh, thái độ hòa đồng, thân thiện khi trò chuyện. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tây Bắc, cuộc sống vất vả, chứng kiến nhiều nỗi đau đớn bệnh tật của bà con lối xóm, anh đã nung nấu trong lòng một ước mơ cháy bỏng là được đem chút kiến thức nhỏ bé của mình góp phần chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Cả thanh xuân của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ đã cống hiến cho ngành Y tế Sơn La và Bệnh viện Nông nghiệp Mộc Châu (nay là bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên). Trong quá trình công tác, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. Khám bệnh tỉ mỉ, thận trọng, chẩn đoán đúng bệnh, đúng người, đúng thuốc, kê đơn và điều trị phù hợp với chẩn đoán mang lại hiệu quả cao. Với sự nỗ lực không ngừng và sự tín nhiệm cao của lãnh đạo ngành, đơn vị, đồng nghiệp, năm 2005 bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện. Trên cương vị mới, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ tham mưu Ban Giám đốc triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ của ngành giao cho; công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp các khoa, phòng phù hợp với chức năng, đề xuất công tác đào tạo các chuyên khoa sâu, mũi nhọn để làm tiền đề cho lộ trình phát triển mới của bệnh viện. Bác sĩ Sỹ bộc bạch: “Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được phân công; cùng tập thể lãnh đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức trong đơn vị. Có như thế, anh em mới an tâm công tác và cống hiến”. Anh đã lãnh đạo, chỉ đạo các khoa phòng hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao; thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử, Quy chế chuyên môn, 12 điều y đức, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong toàn đơn vị”. Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn kiến nghị lãnh đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.Trong 8 năm, với trọng trách Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ đã cùng Ban Giám đốc bệnh viện khẳng định vị trí và tên tuổi của Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên trong ngành Y tế của tỉnh Sơn La. Với trách nhiệm, tầm nhìn và khả năng quản lý, điều hành lãnh đạo xuất sắc, ngày 09/4/2013, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ được bổ nhiệm là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên và được chỉ định tham gia BCH Đảng bộ huyện Vân Hồ. Là ủy viên BCH Đảng bộ huyện, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong công tác, góp sức cùng tập thể đơn vị hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đề ra, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với tư cách là người đứng đầu của cơ sở khám, chữa bệnh trong huyện, bác sĩ Sỹ đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện các ý kiến, định hướng của công tác t tế từng giai đoạn trong toàn huyện. Bác sĩ Sỹ đã không ngại khó khăn, vất vả ngày đêm lăn lộn với công tác chuyên môn, quản lý điều hành cỗ máy của bệnh viện; học hỏi các đơn vị bạn để chắt lọc, để tiếp thu thêm kinh nghiệm, tìm ra một hướng đi riêng cho Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên. Với tầm nhìn của mình, anh đã đào tạo các chuyên khoa sâu tuyến trung ương, trang bị máy móc hiện đại và triển khai các kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng phương pháp Laser, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật thay khớp hàng toàn phần, bán phần, phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối, phẫu thuật PHACO, phẫu thuật cắt amidal bằng dao plasma… Triển khai hiệu quả việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật lấy thai. Đo chức năng hô hấp, nội soi tiêu hóa chân đoán can thiệp, nội soi hô hấp, lọc máu cấp cứu, lọc máu chu kỳ nội soi can thiệp tiêu hóa trên thắt tĩnh mạch cầm máu trong các trường hợp xuất huyết tiêu hóa, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, nội soi tiêu hóa dưới, Holter điện tim… Thực hiện tốt liên kết sản nhi trong chăm sóc, cấp cứu các trường họp có yếu tố nguy cơ. Xác định được hướng đi mới vững chắc hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ là người tiên phong đầu tiên trong tỉnh thực hiện triển khai công tác xã hội hóa tại bệnh viện.Từ một bệnh viện nhỏ bé không có tên tuổi, Bệnh viên đa khoa Thảo Nguyên đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân của hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ và các huyện lân cận. Đời sống cán bộ, viên chức ngày càng được nâng cao. Số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh mỗi năm được tăng cao. Mỗi năm khám cho trên 90.000 lượt người bệnh. Chi bộ Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên hàng năm đạt trong sạch, vững mạnh và xuất sắc. TTƯT, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ thăm khám cho bệnh nhân một cách tỉ mỉ, thận trọng Bác sĩ Trần Hữu Hùng, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp tâm sự: “Với tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ vừa là người lãnh đạo, vừa là người thầy, người anh, người đồng nghiệp đáng kính, tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc, chân thành cởi mởi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Anh là tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị noi theo và học tập”. Không chỉ trong công tác chuyên môn, suốt chặng đường gắn bó với Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên, bác sĩ Sỹ luôn nhiệt tình hướng dẫn cho tất cả cán bộ, viên chức trong đơn vị về chăm sóc, khám chữa bệnh, cách sử dụng, quản lý trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo hiệu quả. Trong mắt đồng nghiệp, anh là một người lãnh đạo luôn sâu sát, gần gũi đồng cảm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, viên chức, để cùng nhau nâng cao hiệu quả làm việc. Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở tâm sự: “Với vai trò là người đứng đầu, bác sĩ Sỹ đã sắp xếp thời gian hợp lý để cùng BCH Công đoàn triển khai thực hiện các hoạt động của công đoàn, trong đó quan tâm chăm lo đời sống cho viên chức, người lao động cả vật chất lẫn tinh thần. Phối hợp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho viên chức, người lao động tại đơn vị”. Ở cương vị nào, anh cũng là người tiên phong gương mẫu để cho mọi người học hỏi và noi theo. Ghi nhận những thành tích đóng góp đó anh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BCH Đảng bộ tỉnh, Công đoàn ngành Y tế Sơn La tặng 9 Bằng khen. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2017, anh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Năm 2016, 2018, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2020, anh là 1 trong 50 doanh nhân tiêu biểu trong cả nước được vinh danh Doanh nhân trí thức tiêu biểu. Đó là sự ghi nhận, phần thưởng xứng đáng cho sự cống hiến, đóng góp miệt mài, thầm lặng của anh trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Sơn La trong suốt gần 40 năm qua. Có thể nói, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ chính là hình ảnh của một người lãnh đạo luôn gần gũi với mọi người, một bác sĩ có đủ đầy tâm, đức có tầm nhìn sâu rộng. Anh luôn chia sẻ về những công việc, dự định sắp tới nhằm giúp cho Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên để hoàn thành các chỉ tiêu đã được cấp trên giao. Anh luôn tâm niệm và mong muốn huy động, quy tụ được tinh thần đoàn kết, gắn bó, tôn trọng giữa các thế hệ cán bộ y tế để tạo ra sức mạnh tập thể, phát huy tối đa những nguồn lực của ngành, từ đó vượt qua khó khăn, thách thức để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Cho đến nay, dù chuẩn bị về hưu, gác lại sự nghiệp đầy tự hào và nhường lại hào quang cho đội ngũ thế hệ trẻ kế cận, hằng ngày, hằng giờ, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sỹ vẫn miệt mài, âm thầm, tận tụy cống hiến trí tuệ, lòng nhiệt thành trong các công việc được giao. Tài năng và tâm huyết của anh đã tạo nên hình ảnh đẹp về người thầy thuốc Việt Nam hôm nay. Thanh VânĐiển hình tiên tiến
BTĐKT - Huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) hiện có ba sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trong đó có sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”. Cùng với việc phát triển thương hiệu gà thương phẩm, thì vấn đề sản xuất con giống cũng được huyện chú trọng mở rộng. Một trong những điển hình của huyện về lĩnh vực này không thể không nhắc đến trang trại của chị Nguyễn Thị Cương, hội viên nông dân xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, huyện Phú Bình.
Chỉ với bằng Sơ cấp chăn nuôi thú y, nhưng chị Nguyễn Thị Cương đã phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng, ấp nở gia cầm,với quy mô đầu tư lên tới 100 tỷ đồng, đem về lợi nhuận gần 7 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Khởi nghiệp từ chăn nuôi gà từ năm 2006, gia đình chị Cương đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích 300m2, với 500 gà mái đẻ. Chị vừa làm vừa học hỏi qua các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức, qua sách vở và kinh nghiệm của những người đi trước. Nhờ thực hiện nghiêm các quy định về phòng bệnh cho đàn vật nuôi và tính toán hợp lý, nên mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả. Nhận thấy tiềm năng về lĩnh vực phát triển con giống gia cầm, cộng thêm vốn kinh nghiệm tích lũy được, nên đến năm 2008, gia đình chị Cương đã mở rộng quy mô trang trại.
Trong quá trình mở rộng, gia đình chị đã được chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã tạo điều kiện về hồ sơ, động viên các hộ dân liền kề nhượng đất. Vì thế, trang trại của chị đã được mở rộng lên 22.000m2. Nhờ đó, quy mô chăn nuôi được mở rộng, hệ thống chuồng trại được đầu tư đồng bộ.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và “làm từ nhỏ đến lớn” hiện trang trại của chị Cương đã phát triển tới 10.000 gà mái đẻ và 16.000 gà hậu bị, 10 lò ấp, công suất 1,8 quả/lò. Từ năm 2017 đến nay, trang trại đã xuất bán khoảng 8,5 triệu quả trứng và 6,8 triệu con gia cầm, tại thị trường các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Uy tín của trang trại được cải thiện, khi chất lượng con giống luôn đảm bảo. Vì thế, hiện trang trại đã có các đầu mối tiêu thụ là các đại lý ở các tỉnh miền Bắc.
Trung bình cứ 2 ngày trang trại xuất ra thị trường từ 4.500- 5.500 con gà giống.
Từ nhiều năm nay trang trại của áp dụng kỹ thuật phối tinh cho gà mái. Đây là yếu tố mang tính chất quyết định đến sự phát triển của trại giống. Nhờ cách làm này, tỷ lệ trứng nở đạt từ 85 - 95%, cao hơn từ 15 - 20% so với cách phối giống truyền thống.
Ngoài hệ thống chuồng được đầu tư đồng bộ, trang trại còn áp dụng nghiêm quy trình về phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi; đàn gia cầm được ăn, uống hợp vệ sinh, đủ định lượng, không dùng chất kích thích; hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín, để có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ thích hợp chăn nuôi gà đẻ; sử dụng đệm lót sinh học và định kỳ phun khử trùng tiêu độc mỗi tuần một lần. Nhờ đó, đàn vật nuôi khỏe mạnh, sản lượng trứng cao và chất lượng con giống luôn được đảm bảo.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều năm qua, chị Cương còn tư vấn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, cho hàng trăm lượt hộ nông dân ở địa phương; tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và khoảng 25 lao động thời vụ tại địa phương có thu nhập ổn định, với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Còn ông Nguyễn Văn Thực xóm Việt Ninh, xã Lương Phú bộc bạch: Trước đây vợ chồng tôi chỉ chăn vài chục con gà thả rông, nhưng được chị Cương tư vấn về kỹ thuật, ứng trước toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi và thu mua sản phẩm, nên vợ chồng chúng tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng đã đầu tư chăn nuôi gà mái đẻ với quy mô lên tới 1.200 con. Nhờ có chăn nuôi, mà đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều và có phần tích lũy.
Gia đình ông Thực chỉ là một trong số 9 hộ gia đình được gia đình chị Cương hỗ trợ để phát triển chăn nuôi. Tính từ năm 2017 đến nay chị Cương đã trợ giá thức ăn chăn nuôi cho 9 hộ gia đình, với số tiền trên 1,4 tỷ đồng.
Trong suốt quá trình nuôi, ông Thực( người ngoài cùng bên phải) luôn được chị Cương hướng dẫn kỹ thuật.
Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình nhận xét: Nhắc đến hộ chị Nguyễn Thị Cương, người dân địa phương không chỉ biết đến là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, mà gia đình chị còn luôn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Nhiều năm qua, chị Cương đã tích cực đóng góp cho các cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; các phong trào từ thiện nhân đạo do Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương phát động, trị giá cả trăm triệu đồng. Riêng ủng hộ các loại quỹ từ thiện, nhân đạo, tặng quà cho hội viên nghèo trên địa bàn huyện với trị giá từ 10 - 12 triệu đồng/năm.
Với những kết quả đạt được, chị Nguyễn Thị Cương đã ba lần được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen; đạt danh hiệu Nông dân xuất sắc toàn quốc; được nhận Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2017, cùng nhiều thành tích khác do các cấp chính quyền và Hội Nông dân khen thưởng.
Gần 20 năm khởi nghiệp, những khó khăn, thử thách đã tôi luyện cho bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới của chị Cương, một người phụ nữ nông thôn đã mạnh dạn để bắt nhịp với nền kinh tế thị trường, áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất để làm giàu cho gia đình và hỗ trợ những hội viên nông dân khác cùng phát triển.
Nguyễn Chi
190 doanh nghiệp được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
BTĐKT - Chiều 28/10, tại Bộ Công thương đã diễn ra họp báo thông tin về Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024. Theo đó, có 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2024. Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam, là những doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho thương hiệu Việt Nam. Ban Tổ chức họp báo thông tin về Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024 Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ và tạo dựng uy tín vững chắc với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Chương trình không chỉ tôn vinh những thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Năm 2024, dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kỳ xét chọn THQG lần thứ 9 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21 tháng 10 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công thương - Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2024. Như vậy, so với năm 2022, năm nay cả nước đã có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa. Kỳ xét chọn lần thứ 9 năm 2024 ghi dấu ấn với sự tham gia lần đầu của những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Sự góp mặt của các thương hiệu lớn trong nước không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Việt mà còn cho thấy nhận thức ngày càng cao của doanh nghiệp về tầm quan trọng của thương hiệu trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Điều này đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên thị trường. Lễ Công bố sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 4/11/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Phương ThanhBTĐKT - Mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá đồng, mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống, thanh niên Trần Minh Thuận, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã khẳng định bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Nhiều năm qua, cùng với sự định hướng, đồng hành, hỗ trợ của các cấp đoàn, hội, phong trào “Thanh niên huyện U Minh nói chung, thanh niên xã Khánh Hội nói riêng thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế do Đoàn xã Khánh Hội quản lý, anh Trần Minh Thuận luôn ấp ủ mong muốn phát triển phong trào khởi nghiệp, nâng cao thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Từ đó, anh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, kết nối với những người cùng chung chí hướng, đam mê, tham gia vào câu lạc bộ.
Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, anh cùng các thành viên đã xây dựng phương hướng hoạt động hiệu quả với những mô hình cụ thể. Những mô hình này không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mà còn là cơ sở để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm, khuyến khích đoàn viên, thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình một cách bền vững. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng giúp đoàn viên, thanh niên đảm bảo phát triển kinh tế, chí thú làm ăn và tích cực, hăng hái tham gia phong trào xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ ở địa phương, góp phần đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên ngày càng vững mạnh.
Anh Thuận cho biết, trước đây, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, có lúc anh phải lên Bình Dương làm công nhân. Tuy nhiên, nhận thấy điều kiện làm việc và thu nhập bấp bênh, anh đã trở về địa phương tiếp tục công việc ruộng đồng. Nhưng, làm ruộng cũng rất khó khăn, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, có năm mất mùa, có năm được mùa lại mất giá.
Qua tìm tòi, học hỏi các anh, chị, cô, chú đi trước trong và ngoài xã, anh đã mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa của mình thành vườn trồng cây ăn quả và nuôi cá đồng. Lúc đầu, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, kinh nghiệm lại càng thiếu, anh chỉ có thể cải tạo 1/3 diện tích đất và trồng hơn 150 gốc táo, nuôi cá đồng dưới ao để thử nghiệm. Anh Thuận chia sẻ: “Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ về đặc tính của cây táo nhưng khi bắt tay thực hiện, tôi cũng không ít lần gặp thất bại, táo cho trái sai nhưng cuối vụ bị nấm và gió rụng rất nhiều. Tôi quyết không bỏ cuộc, tích cực tìm tòi, học hỏi thêm, đến vụ thứ 2, thứ 3 mới thành công”.
Thông qua các cuộc họp chi đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ, anh mạnh dạn đề xuất đến Đoàn xã, Huyện đoàn và đã được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn khoa học công nghệ với kinh phí 120 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất, máy bơm, cây giống, con giống và tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm. Nhờ đó, sau một thời gian, mô hình đã có những khởi sắc tích cực, giúp gia đình có thu nhập ổn định, trả nợ vốn vay cho ngân hàng, xây dựng lại nhà và đời sống ngày càng phát triển hơn.
Vườn táo của anh Trần Minh Thuận, ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh
Hiện nay, mô hình của anh có 600 gốc táo hồng, 200 gốc nhãn, 70 gốc dừa xiêm lùn, toàn bộ diện tích mặt nước dưới vườn cây ăn trái để nuôi cá đồng như: Thát lát, cá rô, cá lóc, cá trê. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình mang lại cho anh thu nhập gần 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động tại ấp.
Ngoài làm giàu cho bản thân và gia đình, anh đã tích cực tạo mọi điều kiện hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, giúp đỡ nhiều bà con, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên trong ấp nói riêng và xã Khánh Hội nói chung cùng nhau phát triển kinh tế. Anh còn trích một phần kinh phí thu nhập từ mô hình để hỗ trợ chi phí học tập cho 2 em học sinh ở xã Khánh Hội và xã Khánh Thuận, mỗi năm 4.500.000 đồng/em.
Mô hình sản xuất của anh đã được Tỉnh đoàn Cà Mau công nhận là “Mô hình khởi nghiệp thành công”. Anh Thuận vinh dự được tuyên dương Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác tỉnh Cà Mau. Năm 2023, anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020 - 2023.
Phương Thanh
BTĐKT - Thời gian qua, hoạt động an sinh xã hội ở địa bàn xã Bình Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài địa phương đã cùng chung tay chăm lo, đồng thời đóng góp quỹ Vì người nghèo để xây tặng mái ấm tình thương, cấp phát quà cho người già, neo đơn, hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, cấp phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí... Điển hình trong phong trào này là cô Nguyễn Thị Nhe, ấp Phú Hòa I, xã Bình Hòa.
Cô Nguyễn Thị Nhe chia sẻ về công tác thiện nguyện
Cô Nhe đã gần 70 tuổi, hiện tại cuộc sống của cô tương đối ổn định, cô là chủ sở hữu cơ sở nấu ăn Hai Nhe. Cuộc sống đã từng trải qua nhiều khó khăn, hơn ai hết, cô Nhe hiểu nỗi vất vả, buồn tủi của những số phận không may mắn, nghèo khổ. Đó cũng là lúc, cô cảm nhận được hết giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ từ những người thân và bạn bè dành cho mình.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, cô Nhe lặng lẽ đi tìm các địa chỉ nhân đạo có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, tự bỏ ra một phần công sức lao động của mình để làm công tác từ thiện. Qua những lần từ thiện, cô Nhe thấy cần phải làm gì đó để có thể kết nối những trái tim yêu thương, những tấm lòng thiện nguyện của nhiều người, để tạo nên sức mạnh, góp phần giúp đỡ được nhiều hơn cho những cảnh đời bất hạnh. Với những ý nghĩ thôi thúc như vậy, cô Nhe đã vận động được nhiều người cùng nhau quyên góp để tổ chức những bữa ăn từ thiện cho người nghèo.
Mô hình “Bữa ăn từ thiện” được cô và thành viên trong Hội từ thiện tổ chức vào các ngày 14 - 15 các tháng 1, tháng 7, tháng 10 âm lịch nhằm hỗ trợ cho những người nghèo, người già neo đơn, trẻ mô côi trên địa bàn xã Bình Hòa. Vào mỗi dịp này, cô Nhe tham gia hỗ trợ trên 2.500 hộp cơm, bún trị giá mỗi đợt thực hiện bữa ăn từ thiện khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay mô hình “Bữa ăn từ thiện” vẫn được Hội từ thiện duy trì và phát triển.
Cô Nhe cùng các hội viên chuẩn bị cho “Bữa ăn từ thiện”
Bên cạnh đó, cô Nhe và các thành viên trong Hội từ thiện thường xuyên thăm hỏi những chị em lúc ốm đau, bệnh tật, động viên chia sẻ với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Đặc biệt, cô đã hỗ trợ gia đình anh Huỳnh Văn Hải, là hộ cận nghèo, ngụ tại ấp Phú Hòa I, xã Bình Hòa. “Anh Hải và vợ đã ly hôn. Một mình anh phải nuôi 3 đứa con nhỏ nên kinh tế gia đình rất khó khăn.Thương hoàn cảnh gia đình anh Hải, hàng tháng ngoài được sự hỗ trợ của xã, tôi và các chị em thường xuyên hỗ trợ gạo và tiền cho gia đình anh Hải những lúc khó khăn” - cô Nhe chia sẻ.
Ngoài ra, cô Nhe còn tham gia đóng góp cho mô hình “nắm gạo tình thương” do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Bình Hòa phát động. Định kỳ mỗi tháng cô Nhe đóng góp 100 ngàn đồng cho mô hình này. Tuy số tiền đóng góp không lớn nhưng đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh vượt qua khó khăn.
Chia sẻ về việc làm từ thiện của mình, cô Nhe khiêm tốn: “Tôi luôn quan niệm, cho đi là còn mãi. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này, bởi còn rất nhiều mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn, neo đơn cần được giúp đỡ’’. Theo cô Nhe, sự hỗ trợ của cô chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cô hi vọng rằng, việc làm nhỏ này sẽ động viên kịp thời những hoàn cảnh còn kém may mắn, tạo động lực giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Gấm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa, cho biết thêm: Ngoài thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, bản thân cô Nhe và gia đình luôn gương mẫu, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của tổ dân cư, của ấp, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Hòa phát động. Cô và gia đình luôn sẵn sàng giúp đỡ các hộ nghèo trong và ngoài xã khi gặp khó khăn, già yếu neo đơn, bệnh tật, thể hiện tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Cô luôn tích cực thực hiện công tác nhân đạo từ thiện, chia sẻ và giúp đỡ người nghèo, gia đình khó khăn. Những việc làm đáng trân trọng ấy đã góp phần cho địa phương thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.
Có thể nói, những đóng góp không ngừng của cô Nhe đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào từ thiện, lan tỏa tinh thần nhân đạo. Những việc làm của cô không chỉ giúp đỡ người nghèo, khó khăn mà đang khơi dậy tính nhân văn, thắp lên ngọn lửa thiện nguyện trong mỗi người, góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Ngọc Hà
BTĐKT - Học viện An ninh nhân dân ngày nay (tiền thân là Trường Huấn luyện Công an) là cơ sở đào tạo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam, được thành lập ngày 25/6/1946 theo Nghị định Số 215/NĐ-P2 của Chính phủ. Trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, từ một trường huấn luyện Công an, đào tạo nghề, đến nay Học viện ANND đã vươn lên trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an và là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín trong cả nước. Ngày nay, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, Học viện ANND đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới toàn diện mọi mặt công tác, xứng đáng với sự trông đợi và niềm tin của Đảng, Nhà nước, của nhân dân vàlực lượng Công an nhân dân.
Học viện An ninh nhân dân khai giảng năm học 2024 - 2025
Từ những khóa học đầu tiên (năm 1946) đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm khóa học với hàng vạn học viên các cấp học, ngành học. Các thế hệ học viên ra trường có mặt ở mọi nẻo đường Tổ quốc và đều phát huy được kiến thức đã học tập tại trường, áp dụng có hiệu quả trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nhiều người là cựu học viên của Học viện đã và đang giữ những trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và ngành Công an; gần hai trăm cựu học viên của Học viện được phong quân hàm cấp tướng, nhiều đồng chí được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng trăm cán bộ, giảng viên và học viên đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Học viện ANND vinh dự và tự hào là ngôi trường được Bác Hồ 8 lần đến thăm và làm việc.
Thiếu tướng, PGS. TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho biết: “Ðổi mới, sáng tạo” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chỉ đạo của Ðảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và trong quá trình tổ chức quá trình tuyển sinh, đào tạo. Thành tựu bao trùm là đã đào tạo được đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận và giáo dục đào tạo của ngành.
Hiện nay, Học viện đào tạo cả ba cấp học: Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho toàn ngành Công an và cán bộ Bộ An ninh nước CHDCND Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia. Hệ thống ngành và chuyên ngành đào tạo ở các trình độ của Học viện ngày càng mở rộng, phát triển theo hướng đa ngành và chuyên sâu. Từ đào tạo một ngành nghiệp vụ, đến nay Học viện đã mở rộng, phát triển thành 10 ngành, 12 chuyên ngành ở trình độ đại học, 4 ngành, chuyên ngành ở trình độ thạc sĩ, 2 ngành, chuyên ngành ở trình độ tiến sĩ.
Quan hệ phối hợp, liên kết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được mở rộng và phát triển. Học viện đã tổ chức hiệu quả công tác phối hợp đào tạo cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho Công an các đơn vị, địa phương; chú trọng phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với Bộ Quốc phòng và mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài ngành Công an. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo của Học viện ANND ngày càng được mở rộng, có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu. Học viện ANND đã làm tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học cho Công an nước CHDCND Lào; đồng thời đang đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết trong công tác đào tạo với các trường đại học tiên tiến trên thế giới với các nội dung đa dạng, phong phú hơn.
Song song với công tác đào tạo, Học viện ANND đã trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học (NCKH) hàng đầu, có uy tín của ngành Công an. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện luôn là lực lượng tiên phong trong NCKH, là nòng cốt trong tổng kết lý luận nghiệp vụ CAND, đặc biệt là lý luận nghiệp vụ khoa học an ninh, lý luận về xây dựng lực lượng CAND. Các hoạt động NCKH đã đem lại kết quả thiết thực, trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên. Nhiều chương trình nghiên cứu chuyên sâu về nghiệp vụ Công an đã góp phần bổ sung, hoàn chỉnh lý luận nghiệp vụ và được sử dụng vào thực tiễn chiến đấu của toàn lực lượng CAND.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Học viện ANND vinh dự được Ðảng, Nhà nước hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng; hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.
Tin tưởng rằng, với truyền thống anh hùng và kinh nghiệm quý báu của mình, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, chắc chắn Học viện ANND sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới để sớm trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Quốc gia.
Hữu Thông
Người phụ nữ Mông tiên phong làm du lịch cộng đồng tại quê hương
BTĐKT - Sớm nhận thấy tiềm năng dồi dào của mảnh đất vùng cao Hang Kia, chị Sùng Y Múa đã tiên phong xây dựng và phát triển mô hình làm du lịch cộng đồng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Chị Sùng Y Múa hướng dẫn khách du lịch làm giấy giang Sùng Y Múa sinh ra và lớn lên tại xã Hang Kia, là một trong hai xã vùng cao chủ yếu người dân tộc Mông sinh sống, thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có độ cao 1000 - 1500m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, có thung lũng bồng bềnh mây trắng và những khu rừng nguyên sinh rậm rạp với nhiều loại cây thuốc quý hiếm, thảm thực vật đa dạng. Ngoài ra, có nhiều cây trà cổ thụ 400 - 500 năm tuổi mọc hiên ngang giữa núi rừng đại ngàn. Người dân hiền hòa, thân thiện, mang đậm bản sắc dân tộc Mông. Tuy nhiên, do địa hình núi cao, giao thông không thuận lợi, bà con giữ truyền thống canh tác cũ nên trước đây việc phát triển kinh tế rất khó khăn, người dân có thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với vị trí ở giáp ranh với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, một số người muốn thoát nghèo, đổi đời nhanh đã bị lôi kéo tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, nên Hang Kia có lúc được nhắc đến là điểm nóng của nạn buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của Đảng, chính quyền các cấp, Hang Kia đã đổi khác, an ninh trật tự được đảm bảo, người dân làm theo chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, khi có dự án 135 của Chính phủ, cuộc sống của bà con từng bước thay đổi, cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm được chuẩn hóa, nhiều người thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bắt nhịp với sự phát triển chung của các địa phương khác. Y Múa chia sẻ: “Tôi yêu quê hương mình và thấy rằng Hang Kia vẫn còn giữ được nét văn hóa đặc sắc về trang phục truyền thống, làng nghề thêu, dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, đôi giấy giang thủ công, lò rèn, rượu ngô…, là một địa điểm tiềm năng về phát triển du lịch trong tương lai. Từ suy nghĩ như vậy, năm 2011, tôi bắt đầu cho khách lưu trú thử tại gia đình, sau một thời gian, tôi quyết định mở rộng mô hình để phát triển và xây dựng nhà để đón khách”. Năm 2013, khi cơ sở đi vào hoạt động, gặp không ít khó khăn, nhất là lượng khách du lịch đến với Hang Kia không nhiều, chủ yếu là khách tour. Từ đây, Y Múa bắt đầu nghiên cứu, học hỏi những anh chị, bạn bè đi trước để có kinh nghiệm, kiến thức về mô hình homestay. Từ đó, chị áp dụng vào thực tiễn mô hình, kết quả năm 2019 homestay đã đón hơn 2.300 lượt khách, trong đó có 65% lượt khách nước ngoài. Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Mông, lấy văn hóa làm động lực để thu hút khách du lịch, Sùng Y Múa đã xây dựng khu trưng bày không gian văn hóa Mông trên diện tích hơn 2.000m2 tại xã Hang Kia. Để làm được điều này, chị đã phải cất công tìm tòi, sưu tập những đồ cũ, đồ cổ của đồng bào Mông do ông cha để lại ở các xóm, bản trên địa bàn hai xã Hang Kia, Pà Cò và vùng lân cận. Đến nay, Sùng Y Múa đã sưu tầm được trên 300 hiện vật, chủ yếu là của người Mông. Đặc biệt, có những hiện vật đã trên 200 năm tuổi được trưng bày tại không gian văn hóa phản ánh gốc gác, lịch sử người Mông. Để phát triển không gian văn hóa và đưa vào hoạt động có hiệu quả, mỗi tuần Sùng Y Múa tổ chức hai buổi mời các nghệ nhân dạy nghề thủ công, dạy múa, dạy hát… cho các em nhỏ trong bản. Từ đó, tạo động lực khích lệ các em trong học tập, cũng như học văn hóa Mông. Ngoài ra, trong không gian có tủ sách dành cho các em nhỏ trong bản, hiện có ba nhóm trẻ độ tuổi từ 8 - 15, mỗi nhóm có 25 em thường xuyên đến đọc sách. Bên cạnh đó, tại không gian này thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo sự thích thú cho du khách. Đến nay, lượng khách du lịch đến với Hang Kia đều đặn và tăng lên rõ rệt theo từng năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, tạo nguồn thu từ các dịch vụ địa phương. Trước nhu cầu khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Hang Kia ngày càng đông, Y Múa đã đầu tư thêm nhiều bungalow xung quanh để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của khách du lịch. Hiện nay, hệ thống homestay Y Múa thu hút khoảng 250 khách/tháng. Homestay Y Múa kết nối với nhiều homestay trên địa bàn và các homestay của các tỉnh lân cận. Mỗi năm, có tới cả nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến với khu nghỉ dưỡng tại homestay Y Múa. Homestay Y Múa đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội hay từ các nước: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Australia... Lượng khách khá đông và đều đặn khiến thu nhập của Y Múa khá ổn định. Tuy nhiên, theo chị cốt lõi phát triển du lịch không hẳn là để làm kinh tế mà chị muốn tạo công ăn việc làm cho bà con ở Hang Kia, tạo cơ hội cho chị em phụ nữ địa phương giao lưu học hỏi mở rộng kiến thức đời sống xã hội, học tập tiếng Kinh… Hiện nay, homestay của chị đang tạo việc làm cho 4 - 7 lao động thường xuyên, có thời gian cao điểm tăng lên 7 - 10 lao động, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi mang lại thành quả cho bản thân và gia đình, chị Sùng Y Múa luôn trăn trở, tâm huyết trong việc giúp đỡ, hướng dẫn các hộ trong xóm cùng làm du lịch, cùng nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói, nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vợ chồng Y Múa đã giúp đỡ cả chục hộ người Mông ở Hang Kia cùng mở homestay. Bà con người Mông cũng dần thay đổi tư duy sản xuất. Họ đã biết tận dụng, khai thác lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Qua những năm làm homestay, chị Sùng Y Múa đã được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Năm 2019, homestay của chị được UBND xã tặng Giấy khen hộ kinh doanh có nhiều thành tích trong phát triển du lịch trên địa bàn Hàng Kia. Năm 2020, homestay Y Múa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tặng Giấy khen có thành tích tiêu biểu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. Hà GiangLá cờ đầu trong nghiên cứu chuyên sâu về di truyền - công nghệ sinh học
BTĐKT - Trải qua 4 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, Viện Di truyền Nông nghiệp đã trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng di truyền và công nghệ sinh học, phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Từ tiên phong tiếp cận, làm chủ công nghệ… Viện Di Truyền Nông nghiệp tiền thân là Trung tâm Di truyền Nông nghiệp, được thành lập ngày 22/5/1984. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện đã tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học có uy tín, được đào tạo cơ bản để tiến hành các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về di truyền, lai tạo giống và công nghệ sinh học. Qua đó, nhiều sản phẩm khoa học của Viện đã tạo ra bước đột phá và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đánh giá cao, điển hình là các giống lúa, giống đậu tương, giống hoa… Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực kinh phí và công nghệ, thông qua các Chương trình nghiên cứu quốc gia và hợp tác quốc tế, Viện cũng đã tạo lập được những nền tảng quan trọng về kỹ thuật di truyền, tạo tiền đề phát triển một nền công nghệ sinh học cao trong công tác lai tạo giống cây trồng. Viện được đầu tư xây dựng hệ thống Nhà lưới An toàn sinh học công nghệ cao, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, thử nghiệm Năm 2006, Viện được sắp xếp lại tổ chức theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trở thành đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Đặc điểm cơ bản của Viện là thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai trên bình diện rộng, từ nghiên cứu cơ bản đến phát triển giống, công nghệ và tổ chức triển khai vào sản xuất. Năm 2010 là mốc quan trọng đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển khi Viện xây dựng được trụ sở khang trang với cơ sở hạ tầng và điều kiện phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất trong khối các viện thuộc VASS. Nhờ đó, Viện trở thành đơn vị tiên phong trong việc tiếp cận, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Đội ngũ chuyên gia đã chọn tạo, nhân được nhiều giống cây trồng, nấm ăn và nấm dược liệu có năng suất, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và bất lợi ngoại cảnh; sản xuất các bộ kít chẩn đoán bệnh, các chế phẩm vi sinh phòng bệnh và kích thích sinh trưởng thực vật; giám định cây trồng và sản phẩm biến đổi gien; xác định giống, loài sinh vật bằng sinh học phân tử. Từ năm 2018 đến nay, nắm bắt được tự chủ sẽ là xu hướng tất yếu, Viện đã từng bước thích nghi với cơ chế mới, tăng cường phát triển sản phẩm thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao các sản phẩm khoa học cho sản xuất, đảm bảo sự ổn định trong Viện. Viện trưởng Viện Di Truyền Nông nghiệp Phạm Xuân Hội khẳng định, nghiên cứu cơ bản theo định hướng ứng dụng di truyền và công nghệ sinh học luôn là cốt lõi của các đề tài khoa học. Vì vậy, các kết quả về khoa học công nghệ của Viện có tính kế thừa, liên tục phát triển để cập nhật với thực tế và khẳng định vai trò tiên phong trong các viện nghiên cứu của VAAS và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ở thời đại 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học, Viện tiên phong nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống cây trồng, bắt đầu từ nghiên cứu lập bản đồ phân tử, xác định các chỉ thị phân tử, gien quy định các tính trạng. Đến nay, Viện đã chọn tạo được 11 giống lúa mới năng suất, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và bất lợi ngoại cảnh, mang lại hiệu quả rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Viện đã kết hợp công nghệ chỉ thị phân tử với phép lai truyền thống để tích hợp đa gien kháng bệnh bạc lá, rầy nâu và đạo ôn vào các giống lúa năng suất, chất lượng phổ biến trong sản xuất và chuẩn bị giới thiệu cho sản xuất một số giống lúa mang 4 - 6 gien kháng đa yếu tố. Đây sẽ là bước phát triển mang tính đột phá trong chọn tạo giống lúa ở Việt Nam. …đến các giống cây trồng “để đời” Trong quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã công nhận và đưa vào sản xuất 209 giống cây trồng, nấm ăn và nấm dược liệu… Chỉ từ năm 2005 đến nay, Viện đã công nhận 160 giống cây trồng, nấm các loại, trong đó có 77 giống được sản xuất thử, 83 giống công nhận chính thức và công bố lưu hành. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận xét, nghiên cứu của Viện Di truyền Nông nghiệp được bắt đầu từ trong phòng thí nghiệm đến ngoài đồng ruộng, vì vậy, sản phẩm của Viện rất phong phú, đa dạng. Trong phòng thí nghiệm, Viện luôn tiên phong tiếp cận và ứng dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới và công nghệ mới thông qua việc công bố nhiều bài báo đăng trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Ngoài đồng ruộng, nhiều giống cây trồng đưa ra sản xuất được đón nhận và đánh giá rất cao. Giống lúa Khang Dân đột biếnlàm lợi trực tiếp cho 1,5 triệu nông dân mỗi năm Thực vậy, ở thời điểm nào, Viện cũng có những giống cây trồng “để đời” trong sản xuất, đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Nếu như ở giai đoạn 1984 - 2004, Viện có các giống cây trồng nổi trội như lúa DT10, ngô DT6 và đậu tương DT84 thì ở giai đoạn 2005 - 2024, Viện có các giống cây trồng mang lại nhiều giá trị lợi ích cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Tiêu biểu là giống lúa Khang Dân đột biến được công nhận giống từ năm 2009. Chỉ trong vòng 3 năm từ khi chuyển giao cho sản xuất, diện tích giống lúa này đã lên đến trên 400.000 ha/năm và trở thành giống lúa chủ lực ở miền Bắc và miền Trung. Ước tính lợi nhuận do sản xuất giống lúa Khang Dân đột biến mang lại khoảng 268,8 triệu USD, làm lợi trực tiếp cho 1,5 triệu nông dân mỗi năm. Bên cạnh đó là giống lúa ĐS1, được xếp vào tốp 10 giống lúa tốt nhất tại đồng bằng sông Cửu Long, ước tính đem lại lợi nhuận hằng năm khoảng 2.700 tỷ đồng cho người dân trồng lúa. Giống lúa J02 có năng suất và chất lượng cao, chịu lạnh tốt, đã được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đem lại lợi nhuận hằng năm 4.020 tỷ đồng. Giống cam V2 chín muộn, không hạt, năng suất và chất lượng cao được công nhận chính thức năm 2006 và nhanh chóng trở thành giống phổ biến ở nhiều vùng sinh thái trong cả nước, đem lại lợi nhuận hằng năm tăng khoảng 170 tỷ đồng cho người dân trồng cam… Bộ giống sắn kháng khảm lá được lưu hành đúng thời điểm dịch khảm lá sắn bùng phát tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trở vào đã giúp ngành Nông nghiệp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh này. Đến nay, diện tích trồng các giống sắn kháng khảm lá của Viện đã lên đến 1000 ha, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Có thể nói, trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Di truyền Nông nghiệp đã khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống các viện nghiên cứu ở Việt Nam, đã gặt hái được những kết quả to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước. Những đóng góp quan trọng của Viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Phương ThanhBTĐKT - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp Công ty TCP Việt Nam tổ chức Gala “Thanh niên sống đẹp” năm 2024. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng tới dự.
Đây là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029; thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2024; nhằm tiếp tục cụ thể hóa phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy trao giải thưởng Thanh niên sống đẹp cho các cá nhân
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam, nhấn mạnh: “Sống đẹp không chỉ là những hành động cụ thể mà còn là một tư duy sống tích cực với lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm cao. Các bạn thanh niên được vinh danh hôm nay đã chứng minh thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ có kiến thức mà còn có bản lĩnh và lòng dũng cảm, sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng.”
Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" được tổ chức lần đầu năm 2017 nhằm tôn vinh những thanh niên có hành động nhân văn, gương mẫu, thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ với cộng đồng. Trải qua 7 năm triển khai, đến nay giải thưởng đã tuyên dương 172 thanh niên tiêu biểu.
Giải thưởng năm 2024 vinh danh 20 thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực như học tập, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, văn hóa – nghệ thuật và công tác tình nguyện. Đặc biệt, có những tấm gương dũng cảm quên mình cứu người như anh Hoàng Anh Tuấn (Nam Định) đã tham gia giải cứu ba người mắc kẹt trong vụ cháy ở Hà Nội.
Cầu thủ bóng đá Nguyễn Tiến Linh (CLB Becamex Bình Dương), người đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, cũng được vinh danh. Tiến Linh đã quyên góp hơn 9,5 tỷ đồng cho Hội Chữ thập đỏ Bình Dương qua các hoạt động từ thiện.
Bên cạnh đó là những cá nhân tiêu biểu khác như: Anh Ma Seo Chứ là Trưởng thôn khi còn rất trẻ của thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã có những quyết định sống còn để đưa 115 người đến nơi an toàn khi nhận thấy khu dân cư nơi anh đang sinh sống có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân…
Chúc mừng những gương mặt thanh niên tiêu biểu được nhận giải thưởng, anh Nguyễn Kim Quy bày tỏ mong muốn mỗi thanh niên được nhận giải thưởng lần này ý thức được niềm tự hào, vinh dự của bản thân để tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt, công tác, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, để cùng nhau khắc họa lớp thanh niên thời kỳ mới giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, lối sống văn hóa, vì cộng đồng; trách nhiệm, dấn thân tình nguyện; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam, bày tỏ sự xúc động trước những câu chuyện sống đẹp của các bạn trẻ và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành để khuyến khích thanh niên cống hiến cho đất nước.
Tại chương trình, mỗi cá nhân đạt giải thưởng được tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng của chương trình và giải thưởng trị giá 10 triệu đồng từ Công ty TCP Việt Nam. Chương trình khép lại với hi vọng tiếp tục lan tỏa tinh thần sống đẹp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Hưng Vũ
BTĐKT - Ngày 12/10, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2024, vinh danh 88 thương hiệu, sản phẩm đã có đóng góp tích cực cho ngành Nông nghiệp.
Lãnh đạo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao Chứng nhận Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024 và kỷ niệm chương cho các thương hiệu, sản phẩm được vinh danh.
Theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng, những năm qua, được sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ, ngành, các địa phương, cơ quan và doanh nghiệp…, chương trình Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức đã giúp cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đưa thương hiệu nông sản, sản phẩm nông nghiệp, giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp của đơn vị mình đến gần hơn với người tiêu dùng và trở thành những sản phẩm có sức tiêu thụ tốt trên thị trường với giá trị gia tăng cao, mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp và người nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Năm nay, trải qua gần 7 tháng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dựa theo Quy chế xét tặng đã được phê duyệt, Hội đồng bình chọn Trung ương đã chọn được 88 thương hiệu, sản phẩm để trao danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024”.
Trong số đó, nhiều thương hiệu, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực như thương hiệu TH TRUE HERBAL của Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH, giống lúa TBR97 của Công ty Cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, sản phẩm phân bón NPK Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, sản phẩm thức ăn hỗn hợp cho heo của Công ty TNHH DE HEUS, Ứng dụng mobiAgri của Tổng công ty viễn thông MOBIFONE, củ hành Kinh Môn, quả vải thiều Thanh Hà, thuốc thú y Hanvet… Đây là kết quả hết sức ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như năm nay.
Chương trình bình chọn, tôn vinh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024 tiếp tục là đòn bẩy, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt, nâng cao uy tín cho các doanh nhân, doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời chương trình cũng là hoạt động hưởng ứng Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phương Thanh