Hà Nội thi đua ái quốc

Khẳng định những đóng góp quan trọng của tầng lớp nữ doanh nhân Thủ đô

TĐKT - Ngày 3/11, Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP Hà Nội (HNEW) tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2018 - 2023 và kỷ niệm 10 năm thành lâp. Đại hội được tổ chức nhằm bầu ra Ban lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ III của Hiệp hội, tổng kết lại quá trình hình thành phát triển của hiệp hội trong suốt 1 thập kỷ đồng hành cùng hoạt động của nữ doanh nhân và đưa ra định hướng chiến lược cho nhiệm kỳ sắp tới, phát huy vai trò và vị thế của nữ doanh nhân trong thời đại hội nhập và toàn cầu hoá, khẳng định khát vọng của nữ doanh nhân Việt. Trong suốt một thập kỷ đồng hành cùng các hoạt động phong trào của nữ doanh nhân, HNEW đã khẳng định trách nhiệm xã hội lớn lao và sứ mệnh của mình trong việc duy trì sự phát triển lớn mạnh cũng như đem đến nhiều lợi ích thiết thực hơn cho hội viên, có nhiều đóng góp mang tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn cho cộng đồng xã hội. Bà Đoàn Thị Bích Ngọc, tân Chủ tịch HNEW nhiệm kỳ III (2018 – 2023) nhận chìa khóa thành công từ bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HNEW nhiệm kỳ II Với hàng trăm cuộc hội thảo, đối thoại, khóa đào tạo, các chương trình kết nối giao thương, những hoạt động cụ thể, tích cực nhằm bảo vệ lợi ích và bình đẳng giới, xúc tiến và hỗ trợ thương mại… HNEW đã đem lại rất nhiều cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế cho hội viên. Đặc biệt, hiệp hội cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Năm 2017 là năm đánh dấu bước tiến mới HNEW khi cho ra mắt chiến lược phát triển mới và bộ nhận diện mới của Hiệp hội lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc Mấn - biểu tượng cho sự quý phái của phụ nữ Việt, từng xuất hiện trong các hình ảnh giới thiệu về những nữ vương đầu tiên của Việt Nam - Hai Bà Trưng và nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam - Bà tổ nghề gốm Chu Đậu - Bùi Thị Hý. Đây là hình ảnh tượng trưng cho ngọn nến - biểu tượng của vầng hào quang và khả năng truyền lửa của nữ lãnh đạo. Nhận diện mới này thể hiện, HNEW đang hướng tới xu thế phát triển của thế giới, hoà nhập vào xu thế đó, sẵn sàng đón nhận cơ hội và vượt qua các thách thức, khẳng định vai trò và giá trị với gia đình, doanh nghiệp cũng như cộng đồng theo một chuẩn mực mới, chuẩn mực có tầm cỡ quốc tế cho nữ lãnh đạo doanh nghiệp của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tại Đại hội, HNEW đã bầu ra Ban thường trực và Ban chấp hành nhiệm kỳ III (2018 - 2023), triển khai một số sáng kiến nhằm cơ cấu lại tổ chức cũng như tổ chức lại các hoạt động đào tạo kết nối một cách bài bản và hệ thống để góp phần tạo điều kiện cho các hội viên phát triển lên một tầm cao mới. Chủ tịch HNEW nhiệm kỳ III - Đoàn Thị Bích Ngọc - CEO Canifa cho biết: Tiếp nối thông điệp "Cất cánh" của nhiệm kỳ II, trong nhiệm kỳ III của HNEW sẽ thể hiện phương hướng, tầm nhìn, nhấn mạnh vai trò của nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo thế hệ mới trong kỷ nguyên số, kết nối và hội nhập toàn cầu. "Kết nối và hội nhập toàn cầu phương châm "Yêu thương - Kết nối - Lan toả để sải cánh vươn xa" chính là mục tiêu của Ban thường trực và Ban chấp hành nhiệm kỳ lần này.” - bà Ngọc chia sẻ. Mai Thảo

Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm: Nâng bước đầu đời cho những chủ nhân tương lai của Thủ đô

TĐKT - Ra đời cách đây 16 năm, Trường Mầm non Thực hành (MNTH) Linh Đàm không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ từ 24 - 72 tháng tuổi, mà còn là môi trường thực hành, kiến tập, thực tập lý tưởng cho giáo sinh Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội. Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã cống hiến công sức, trí tuệ để làm nên một tập thể vững mạnh, tạo dựng danh tiếng cho Trường và chiếm trọn niềm tin của các bậc phụ huynh cũng như chính quyền các cấp. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường Tạo dựng môi trường sư phạm lý tưởng Việc tạo dựng một môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp, an toàn để trẻ thỏa sức vui chơi, học tập, phát triển cả về thể chất, tinh thần, kỹ năng sống là niềm trăn trở và cũng là mục tiêu của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tọa lạc trên khuôn viên rộng 5.260 m2 trong khu dân cư đô thị kiểu mẫu Bắc Linh Đàm - quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, Trường hiện có 16 lớp học, 6 phòng chức năng được trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học, đồ chơi phù hợp với từng độ tuổi. Phòng múa - hát, tạo hình, sân vui chơi với cát, với nước, sân bóng đá mini,… đạt tiêu chuẩn. Khu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ có hệ thống bếp ăn một chiều liên hoàn và khép kín. Một trong những thế mạnh của trường MNTH Linh Đàm phải kể đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm với công việc, yêu nghề, mến trẻ. Trong tổng số 76 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện tại của Trường có 2 thạc sĩ, 37 cử nhân. Giáo viên được bố trí, sắp xếp theo đúng năng lực, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng phòng, chống, xử lý tai nạn thương tích cho trẻ. Năm học 2017 – 2018, Trường đã triển khai dự giờ và sinh hoạt chuyên môn thường xuyên; chỉ đạo tốt hội thi giáo viên giỏi cấp cơ sở, 90% giờ hội giảng xếp loại khá và tốt; đạt giải Nhì trong hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non cấp thành phố”. Bên cạnh đó, Trường còn được biết đến là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực sư phạm mầm non chất lượng. Công tác kiến tập và hướng dẫn thực tập tốt nghiệp cho giáo sinh Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội được thực hiện tốt. Cán bộ, giáo viên nhà trường trong ngày khai giảng năm học mới Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ Luôn tâm niệm đem tới cho trẻ những điều tốt đẹp nhất, các đồng chí trong Ban Giám hiệu có nhiều sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động của Trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên luôn nỗ lực trong từng hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục  trẻ. Hoạt động ngoại khóa của nhà trường được nâng cao về chất lượng và chiều sâu, cụ thể: Làm quen với Tiếng Anh qua các trò chơi, bài hát với các giáo viên bản ngữ, cảm thụ âm nhạc, sáng tạo nghệ thuật, phát triển tư duy, phát triển vận động … Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích có sự tham gia của cha mẹ trẻ như: Ngày Hội thi đua xe đạp nhí, Hội thi dân vũ, Ngày hội gia đình… Từ năm học 2016 - 2017, Trường còn là cơ sở giáo dục thực hiện chuyên đề “Ứng dụng phương pháp Montessori vào chương trình mầm non truyền thống”, Trường đã gặt hái được những thành quả bước đầu, đem tới những đổi thay tích cực trong nhận thức, hành vi của trẻ. Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao, phụ huynh luôn tín nhiệm, yêu mến. Trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh, tự tin, sáng tạo Chú trọng tới sức khỏe, thể chất của trẻ, nhà trường luôn giám sát chặt chẽ quá trình giao nhận thực phẩm, chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khẩu phần ăn của trẻ đủ dinh dưỡng và hợp khẩu vị. Trẻ được khám sức khỏe, cân đo định kỳ, đánh giá sự phát triển trên biểu đồ tăng trưởng. Nhà trường cũng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng và phòng bệnh theo mùa cho trẻ. Nhờ đó, trong năm học 2017 - 2018, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi thấp giảm so với đầu năm. Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng của các bác, các cô trong  nhà trường, trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh, tự tin, sáng tạo, có kỹ năng lao động tự phục vụ và thói quen tốt. Năm học 2017 - 2018, 100% trẻ của Trường xếp loại đạt về nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm xã hội, thẩm mỹ.  Sự chu đáo trong nuôi dưỡng, tận tình trong giáo dục trẻ của tập thể Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm đã được các cấp chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trường vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của UBND TP Hà Nội. Mai Hoa

Đại hội Hội Y học TP Hà Nội nhiệm kỳ VII (2018 - 2023)

TĐKT - Ngày 26/10, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hội Y học TP Hà Nội nhiệm kỳ VII (2018 - 2023). TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới. Hội Y học TP Hà Nội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tính chất đặc thù, tập hợp nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành của cả nước, sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Hội ngày càng lớn mạnh, luôn gắn liền với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam nói chung, ngành y tế Hà Nội nói riêng, đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân cả nước và Thủ đô Hà Nội. Đến nay, Hội có 37 Hội thành viên và khoảng trên 11000 hội viên. Tính đến ngày 31/12/2017, Hội Y học TP Hà Nội đã có 9 Hội thành viên chuyên khoa được UBND TP Hà Nội công nhận và cho phép thành lập Hội có tư cách pháp nhân (Hội Điều dưỡng, Tim mạch, Châm cứu, Hành nghề y tư nhân, Nội khoa, Chống đau, Hô hấp, Nhãn khoa, Nội tiết - đái tháo đường). Nhiệm kỳ qua, Hội đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, công tác nhân đạo, đền ơn, đáp nghĩa. Cùng với đó, tham gia đầy đủ các phong trào thi đua của thành phố và ngành. Từ năm 2012 - 2017, các Hội chuyên khoa đã biên soạn hàng trăm tài liệu, phác đồ cấp cứu, điều trị, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn hội viên. Tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành, thành phố và cấp cơ sở. Hội thường xuyên duy trì phối hợp với ban sức khỏe Câu lạc bộ Thăng Long khám, tư vấn sức khỏe, phổ biến kiến thức về điều trị các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng bệnh mùa hè... Hội đã tích cực tham gia tư vấn, phản biện chế độ, chính sách chuyên ngành: Khám, chữa bệnh; chế độ bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình... Thường trực Hội đã tham gia gần 100 buổi thẩm định với trên 10.000 hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của các bệnh viện công, tư trên địa bàn TP Hà Nội. Tại Đại hội, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới. Đại hội xác định phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2018 - 2023, quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, tập hợp, phát huy tiềm năng của các Hội thành viên chuyên khoa để xây dựng Hội Y học TP Hà Nội ngày càng lớn mạnh, uy tín, phát triển.  Nguyệt Hà

Hướng quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô TP Hà Nội

TĐKT – Ngày 25/10, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Công ty Eurowwindow tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội”. Kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Sự hình thành hàng nghìn nhà cao tầng đã giải quyết được rất nhiều diện tích tiện ích phục vụ nhu cầu văn phòng, nhà ở, công trình phục vụ, đáp ứng được một phần nhu cầu rất lớn của nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế -  xã hội của Thủ đô, làm thay đổi diện mạo của Thủ đô. Đặc biệt nhiều khu, tiểu khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ được nhiều bạn, bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà cao tầng cũng còn nhiều tồn tại cần được đánh giá đúng mức. Hội thảo khoa học “Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội” thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia “Hiện tại, vấn đề cần quan tâm làm rõ là xây nhà cao tầng ở nội đô ở đâu, mật độ tầng cao thế nào để đảm bảo yêu cầu “Dân tộc, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, ngàn năm văn hiến” đặc biệt liên quan đến khu phố cổ và trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử. Xây nhà cao tầng như thế nào để không làm tăng dân số, không gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.” - ông Hùng nhấn mạnh. Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội là khu vực còn lưu giữ nhiều các giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô, các di sản kiến trúc đô thị, nhưng cũng là nơi còn nhiều các khu chung cư cũ đang cần được quy hoạch, tái thiết để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Vì vậy, rất cần có những các giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách mang tính đột phá để giải quyết bài toán về xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô nhằm quản lý hữu hiệu sự phát triển đô thị, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực trong xã hội. Còn PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị: Để phát triển cao ốc ở đô thị, khi lập quy hoạch chung hay các loại hình quy hoạch cấp thấp hơn cần đánh giá, rà soát lại, đặc biệt là ở khu nội đô, cần phát triển cao ốc song song với hạ tầng xung quanh. Việc xây dựng nhà cao ốc là hoàn toàn hợp lý và thể hiện sức mạnh kinh tế đô thị, muốn kiểm soát tốt sự phát triển cần kiểm soát được mật độ dân số chứ không kiểm soát hình thức xây dựng. Theo ông, quản lý không gian quy hoạch là nội dung rất quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng và phát triển đô thị, kể cả không gian kiến trúc cảnh quan các công trình cao tầng. Quy hoạch là tiền đề để việc đầu tư xây dựng trở thành hiện thực và quản lý đầu tư là cơ sở pháp lý để việc đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch. Quản lý quy hoạch bao gồm việc quản lý công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đó. Bên cạnh đó, PGS. TS. Lưu Đức Hải cho rằng cần thắt chặt công việc nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy cũng như chất lượng hạ tầng công trình, không để tình trạng chủ đầu tư cho người dân dọn vào sinh sống khi nhà chung cư, cao tầng chưa hoàn thành xong các quy trình cũng như diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Hội thảo đã lắng nghe, tập hợp nhiều ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng đến xây dựng Thủ đô là thành phố văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của nhân dân. Hưng Vũ

“Cây sáng kiến” của Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất

TĐKT – Hơn 40 năm gắn bó với Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất, ông Nguyễn Đức Cường luôn cần mẫn, năng động, sáng tạo, đóng góp cho công ty nhiều sáng kiến, cải tiến, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, góp phần đưa thương hiệu Điện cơ Thống Nhất đứng vững đến ngày hôm nay. Mới đây, ông vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018. Đầu quân vào làm thợ nguội tại Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất từ năm 1977, bao khó khăn, thăng trầm cũng như những lúc phát triển, thăng hoa của thương hiệu Điện cơ Thống Nhất, ông Nguyễn Đức Cường đều đã được nếm trải. Ông kể, có thời điểm xí nghiệp gặp khó khăn, công nhân không có lương hoặc phải trả lương bằng sản phẩm, ông đã nghĩ đến việc bỏ nghề. Rồi có thời điểm, ông đi bộ đội (từ năm 1983 – 1987), là quân số của F308, E102, C22, được giao nhiệm vụ sửa chữa xe tăng thiết giáp, được nhiều đơn vị mời chuyển sang bộ đội chuyên nghiệp… Nhưng cái duyên với nghề làm thợ sửa chữa vẫn níu chân cho đến tận hôm nay. Ông Nguyễn Đức Cường được lãnh đạo Công ty đến tận nơi làm việc để chúc mừng vì được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 Hiện tại, ông là thợ sửa chữa thiết bị cơ điện bậc 7/7, Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ, điện thuộc Phân xưởng Thiết bị Công nghệ, Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất. Ông được phân công quản lý hơn 500 máy móc, thiết bị, trong đó nhiều thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao, giá trị 4 - 5 tỷ đồng/chiếc. “Các thiết bị phải vận hành liên tục nên cần được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Ngoài các thiết bị nhập khẩu, công ty còn tự chế các thiết bị phục vụ sản xuất. Do vậy, đội ngũ có kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao là lực lượng lao động rất cần thiết của công ty. Đối với doanh nghiệp, ngoài nhà xưởng và máy móc thì con người cũng chính là tài sản. Anh Nguyễn Đức Cường chính là tài sản vô cùng quý giá của công ty” – ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất chia sẻ. Hơn 40 năm trong nghề là chừng đó thời gian ông gắn bó với công việc vận hành, sửa chữa, lắp đặt các thị bị máy móc mới. Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, ông phải tự mày mò, tìm tòi kiến thức cho bản thân. Không chỉ học kinh nghiệm từ những người thợ đi trước, ông còn trau dồi kiến thức thông qua sách vở, thậm chí cả những đồng nghiệp trẻ bởi với ông “họ được đào tạo căn bản trong trường lớp và cũng hết sức nhanh nhẹn khi nắm bắt công nghệ”. Ông Cường kể, có những khi máy móc bị hỏng nhiều, ông và đồng nghiệp trong tổ miệt mài làm việc đến tối muộn. Có thời điểm Công ty lắp đặt dây chuyền sản xuất ở cơ sở dưới Hà Nam, cả tổ phải ăn ngủ nhiều ngày ở đó, đợi máy vận hành được mới về. Ông Nguyễn Đức Cường (thứ 5 từ trái sang) được UBND TP Hà Nội tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 Đặc biệt, ông là chủ nhân của rất nhiều sáng kiến, cải tiến, làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty. Tiêu biểu, từ năm 2010 - 2015, trong điều kiện công ty khó khăn về vật tư do nhiều thiết bị cũ, không có phụ tùng thay thế, ông đã chủ động và chỉ đạo các thành viên trong Tổ tự nghiên cứu các phương án đại tu, thực hiện sửa chữa nhiều thiết bị hỏng nặng: Hệ thống điều khiển thủy lực máy mài vô tâm, máy ép nhựa, máy đúc áp lực, máy đột cao tốc, máy nén khí… đạt hiệu quả cao. Sáng kiến cải tạo lại hệ thống thủy lực của máy ép 135T đã rút ngắn thời gian máy chạy không tải và tăng được lực ép, không có sản phẩm sai hỏng phù hợp với công nghệ dập vuốt của công ty để gia công bầu quạt công nghiệp 650/670.  Một sáng kiến khác có giá trị của ông và anh em công nhân trong tổ là đã tự chế máy ép thủy lực tự động 20 tấn, thay vì phải nhập máy ép của nước ngoài. Đây là sáng kiến làm lợi lớn cho công ty, bởi chi phí để làm ra 1 máy tự chế của ông chỉ 25 triệu đồng, trong khi giá mua từ nước ngoài là 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn rất tâm huyết truyền nghề cho những lao động trẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Tay nghề và khả năng sáng tạo của ông luôn được những người thợ trẻ và nhiều đồng nghiệp khác trong công ty tôn trọng và khâm phục. Nhờ vậy, tổ sửa chữa thiết bị đã quản lý, khai thác hiệu quả khoảng 600 đầu máy, thiết bị, giúp công ty hằng năm luôn đạt lợi nhuận cao. Với những thành tích trên, nhiều năm liền ông đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; được TP Hà Nội công nhận Bằng Sáng kiến, sáng tạo các năm 2010, 2012, 2016; danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2011, 2012, 2014, 2017; Bằng khen UBND TP Hà Nội năm 2017, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2013. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, mới đây, ông vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018. Hưng Vũ

9 tháng đầu năm 2018 Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật

TĐKT - Hết 9 tháng, BHXH TP Hà Nội thu BHXH, BHYT đạt 68,96% kế hoạch năm; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 84,9% dân số; rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động đạt 99,78%... Tuy nhiên, BHXH Hà Nội cũng đang đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi phải thật sự nỗ lực mới có thể hoàn thành chỉtiêu, nhiệm vụ năm 2018… Kết quả, Bảo hiểm đã khai thác, phát triển được 11.621 doanh nghiệp với 34.749 người lao động tham gia BHXH; đã thu 27.034,4 tỷ đồng (đạt 68,96% kế hoạch); có hơn 1,6 triệu người tham gia BHXH và hơn 6,4 triệu người tham gia BHYT (bằng 84,9% dân số); chi trả an toàn lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng với tổng số tiền hơn 18.829,2 tỷ đồng; giải quyết các chế độ BHXH cho 690.418 lượt người… Thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018, theo ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH Hà Nội, các đơn vị thuộc BHXH thành phố phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia; bám sát các đơn vị, doanh nghiệp để đôn đốc đóng nộp BHXH, BHYT đúng quy định, phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 3% số phải thu. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp với Công an củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ, trốn đóng BHXH, BHYT. Nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2018 và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về BHXH, BHYT đến năm 2030 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương và Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Thành ủy về cải cách chính sách BHXH, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND. Theo đó, yêu cầu các sở, ban,ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng lộ trình đã đề ra. Đồng thời, giao BHXH thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trên. La Giang

Góp phần quảng bá các di sản của Thủ đô

TĐKT - Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 30 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân, ngày 21/10, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân, Công ty TNHH Đức Hương Anh, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) phối hợp tổ chức Giải Marathon quốc tế “Di sản Hà Nội năm 2018” (Hanoi International Heritage Marathon 2018). Giải đấu thu hút hơn 2.600 vận động viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, trong đó có 100 vận động viên nước ngoài đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên một giải marathon mang tầm quốc tế được tổ chức trên hành trình qua các phố cổ Hà Nội. Giải gồm các cự ly 42 km, 21 km, 10 km và 5 km với lộ trình đi qua những tuyến đường đẹp nhất của Thủ đô, cùng các địa điểm, công trình kiến trúc gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Hà nội - thành phố của lịch sử, văn hóa và di sản. Giải chạy diễn ra sôi nổi, thu hút hơn 2.600 vận động viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp Theo PGS.TS. Nguyễn Trí - Tổng giám đốc công ty TNHH Đức Hương Anh, đơn vị sáng lập nên đường đua nói về ý nghĩa của giải: “Hà Nội International Heritage Marathon 2018 là dự án tâm huyết lớn nhất của chúng tôi trong những năm vừa qua. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nổi tiếng với các địa danh lịch sử của dân tộc như phố cổ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Long Biên nhưng lại chưa có đường chạy marathon nào của riêng mình, trong khi rất nhiều thủ đô lớn trên thế giới đều có giải marathon lâu đời và thường niên. Xuất phát từ những nỗi trăn trở đó, chúng tôi, những người con Hà Nội đã lên ý tưởng tổ chức Giải Marathon quốc tế Di sản Hà Nội 2018 này để giúp cho các vận động viên Hà Nội cũng như mỗi người dân nơi đây có thể tự hào với một giải chạy marathon thực sự mang tính di sản của thủ đô. Mặt khác, giải Marathon quốc tế Di sản Hà Nội sẽ giúp quảng bá hình ảnh của Thủ đô đến với bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần phát triển bền vững để du lịch trở thành một ngành kính tế mũi nhọn của Hà Nội”. Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi mong muốn giải quy tụ nhiều vận động viên đến từ các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời truyền cảm hứng, thúc đẩy phát triển các hoạt động thể thao cộng đồng trong nước và tạo điều kiện giao lưu, học hỏi giữa các vận động viên trong nước với vận động viên quốc tế”. Ban tổ chức trao giải cho các vận động viên Kết quả, Ban tổ chức đã trao hai giải nhất cự ly chạy 42 km cho vận động viên Phạm Thị Huệ và Hà Văn Nhật; vận động viên Nguyễn Thị Oanh và Đỗ Quốc Luật giành giải nhất cự ly chạy 21km; hai giải nhất cự ly 10 km thuộc về vận động viên Lê Thị Lan và Nguyễn Trung Cường. Nhân dịp này, Ban tổ chức Giải Marathon quốc tế di sản Hà Nội đã trích 50 triệu đồng tặng Quỹ "Vì một trái tim khỏe" của Bệnh viện Tim Hà Nội. Ban tổ chức hy vọng Giải Marathon quốc tế Di sản Hà Nội sẽ trở thành sự kiện thường niên, giúp quảng bá hình ảnh của Thủ đô đến với bạn bè quốc tế, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội, đồng thời góp phần phát triển phong trào thể dục - thể thao trong nhân dân. Mai Thảo

Trao giải “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”

TĐKT - Ngày 20/10, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”, với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch”. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân trên địa bàn TP Hà Nội phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế ra những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Năm 2018, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, thợ giỏi, các cá nhân trên địa bàn Hà Nội với tổng số 181 sản phẩm mới. Tác phẩm “Tranh sen đậu bạc” của nghệ nhân Hà Nội Quách Tuấn Tú đạt giải nhất cuộc thi Sau các vòng chấm thi nghiêm túc, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 40 sản phẩm đạt giải, được thành phố phê duyệt. Trong đó, tác phẩm “Tranh sen đậu bạc” của nghệ nhân Hà Nội Quách Tuấn Tú đạt giải nhất. Ngoài ra, có 3 giải nhì, 4 giải ba và 32 giải khuyến khích. Trong quá trình tham gia cuộc thi, các cá nhân đã được các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tư vấn, định hướng trong thiết kế, sáng tạo sản phẩm. Đặc biệt, năm 2018, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã giới thiệu một chuyên gia thiết kế hàng đầu đến từ trường Đại học Raffles và Học viện Thời trang London (Vương quốc Anh) để hỗ trợ, tư vấn cho các cá nhân dự thi về xu hướng thiết kế, thị trường, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất trên thế giới. Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho các tác giả Cuộc thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, không chỉ tìm ra những sản phẩm đạt giải mà quan trọng là đã khơi dậy được tính sáng tạo, lòng say mê thiết kế của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn Thủ đô; là tiền đề quan trọng tạo ra một phong trào thi đua thiết kế mẫu mới trong làng nghề Hà Nội, góp phần khắc phục thiếu sót trong thiết kế mẫu sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Nhân dịp này, Sở Công thương đã trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ. Thục Anh

Hà Nội: Khen thưởng 38 tập thể, cá nhân triển khai tốt đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây

TĐKT - Ngày 19/10, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội. 38 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án đã được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Qua 1 năm triển khai, Đề án đã được các sở, ngành, UBND các quận và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện. Hầu hết các quận đã quyết liệt chỉ đạo từ Quận ủy, UBND quận đến các phường và nhân dân trên địa bàn quận. Nhiều UBND phường, lực lượng công an, giao thông, quản lý thị trường và các đồng chí cán bộ của các địa phương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh trái cây. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án Một số địa phương có cách làm sáng tạo: Quận Long Biên hỗ trợ tập trung cấp các loại giấy an toàn thực phẩm ngay tại địa điểm 1 phường khi các hộ tham gia tập huấn xong; quận Nam Từ Liêm hỗ trợ túi đựng sản phẩm có dán logo của đề án cho hộ kinh doanh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quận Thanh Xuân hướng dẫn và làm thủ tục trực tiếp tại nhà của các hộ… Hiện nay trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện Đề án, trong đó chia theo loại hình kinh doanh có 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây. Tất cả các cửa hàng này đều đã được cấp logo nhận diện của Đề án. Đặc biệt, với phương thức mỗi quận thí điểm 1 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, đến nay, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 33 tuyến phố (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, Cầu Giấy 8 tuyến) không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, qua 1 năm thực hiện Đề án, đã có 3.004/3.004 người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hiện khám sức khỏe theo quy định, tăng 32% so với trước đó; 100% cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, trong khi trước Đề án, tỷ lệ này chỉ đạt 30%. Đáng chú ý, về nguồn gốc xuất xứ trái cây, tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước Đề án đạt 59%); 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79% (trước đề án đạt 38%). Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án Ngoài ra, các cửa hàng được cấp biển nhận diện còn được trang bị các thiết bị bảo quản trái cây, quầy, kệ, thiết bị vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau 1 năm triển khai Đề án, người tiêu dùng đã có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án và các siêu thị, trung tâm thương mại. Đáng chú ý là doanh thu của các cửa hàng tăng 20 - 25% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện. Công tác liên kết vùng, đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thế mạnh của các vùng trên cả nước được quan tâm và triển khai  đồng bộ, góp phần tạo nguồn cung sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trái cây, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội đã tặng 38 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành TP Hà Nội”. Mai Thảo

Trưng bày, tôn vinh hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018

TĐKT - Sáng 17/10, UBND TP Hà Nội, Sở Công thương TP Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 (Hanoi Gift Show 2018). Với quy mô 650 gian hàng của 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, Hanoi Gift Show 2018 thu hút những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và quà tặng tiêu biểu, đặc sắc của các doanh nghiệp trong nước và một số nước trên thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Peru... Nghi thức cắt băng khai mạc Hội chợ Các sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ đều là sản phẩm có thiết kế mới nhất, bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, thực sự thu hút và tạo ấn tượng với các nhà nhập khẩu. Ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu, các làng nghề truyền thống được trưng bày, Hanoi Gift Show 2018 còn giới thiệu trên 100 sản phẩm thiết kế mới do các chuyên gia trong, ngoài nước hỗ trợ thực hiện và các sản phẩm đạt giải cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, cùng với sự hỗ trợ cuả thành phố, sự nỗ lực đổi mới sáng tạo mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp và sự tham gia năng động của các nhà nhập khẩu nước ngoài, Hanoi Gift Show 2018 hứa hẹn sẽ mang tới cho các doanh nghiệp làng nghề, các làng nghề thủ công truyền thống cơ hội đưa ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thúc đẩy việc xuất khẩu và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hội chợ sẽ diễn ra đến hết ngày 20/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia (số 1 đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thục Anh  

Trang