Biểu dương người tốt, việc tốt, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018
TĐKT – Kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 9/10, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018. Đến dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cùng dự còn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Điểu K'ré; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang... cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, TP Hà Nội và các đại biểu là Công dân Thủ đô ưu tú từ năm 2010 đến nay, 700 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; gần 300 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu cùng 38 vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao tại ASIAD 18. Các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú 2018 Đánh giá những kết quả của phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập phát triển”, đồng thời phát động thi đua năm 2019, tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết: Theo mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước ở Thủ đô lại đổi mới những mục tiêu, nội dung, hình thức và ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả rõ rệt, trong đó nổi bật và đặc sắc nhất là phong trào “Người tốt, việc tốt”. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” từ năm 1992 theo gợi ý của Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng; đến nay, sau 26 năm triển khai thực hiện, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành nếp văn hóa của người dân Hà Nội. Thông qua các phong trào, đã có gần 24 nghìn người tốt, việc tốt tiêu biểu cấp thành phố, gần 34 vạn người tốt, việc tốt được các quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố biểu dương khen thưởng. Để cổ vũ phong trào “Người tốt, việc tốt”, từ năm 2010 đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hằng năm, thành phố đã tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” nhằm tôn vinh các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao “Cúp Thăng Long” cho 20 doanh nghiệp tiêu biểu Năm 2018, TP Hà Nội đã kịp thời ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" trong đó, đổi mới nội dung, đối tượng khen thưởng. Việc thành lập Tổ chuyên đề phát hiện và nhân rộng những tấm gương, điển hình tiên tiến từ cơ sở, kịp thời khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng đã giúp phong trào “Người tốt, việc tốt” ngày càng lan tỏa, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của các tầng lớp nhân dân. Hội nghị đã biểu dương gần 700 gương người tốt, việc tốt; 300 doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Hội nghị tôn vinh 10 cá nhân đạt danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" và 20 doanh nghiệp đạt giải thưởng Cúp Thăng Long năm 2018. Hội nghị cũng tuyên dương 9 huấn luyện viên và 29 vận động viên tiêu biểu của Hà Nội đã tham gia và đóng góp vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 với tổng số 16 huy chương các loại, đóng góp hơn 40% tổng số huy chương của toàn đoàn. Tinh thần luyện tập và ý chí quyết tâm thi đấu vì màu cờ Tổ quốc của các huấn luyện viên, vận động viên đã mang vinh quang về cho đất nước, truyền thêm cảm hứng và sức mạnh cho mỗi người trong chúng ta, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế là địa phương dẫn đầu cả nước của thể thao Hà Nội. 9 huấn luyện viên và 29 vận động viên tiêu biểu được tặng Bằng khen UBND TP Hà Nội Để phong trào thi đua người tốt, việc tốt từ nay đến năm 2019 tiếp tục tạo sự lan tỏa và tạo thành sức mạnh, nét văn hóa của mỗi tập thể, đơn vị, địa phương, Hà Nội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phong trào “Người tốt, việc tốt” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đảm bảo bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố và các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh phong trào “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” gắn với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác phát hiện và nhân rộng gương điển hình tiên tiến thông qua việc tiếp tục triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Người đứng đầu các đơn vị chủ động phát hiện, khen thưởng và tuyên truyền, nhân rộng kịp thời các gương điển hình tiên tiến. Cùng với đó, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”. Kịp thời khắc phục những tồn tại đảm bảo các phong trào thi đua phát triển đúng hướng, thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Mai ThảoHà Nội thi đua ái quốc
Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội): Bề dày thành tích đáng tự hào
TĐKT - Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, trường Tiểu học Trần Phú vẫn luôn giữ vững hình ảnh một ngôi trường có bề dày thành tích đáng tự hào: Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội, Bằng khen của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc,… Trường hiện sở hữu cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 với 22 phòng học, 1 phòng học Tiếng Anh, 1 phòng Âm nhạc có 23 đàn organ, 1 phòng Tin học có 25 máy tính cùng với phòng thư viện phong phú nhiều đầu sách. Bên cạnh đó, Trường cũng có đội ngũ cán bộ, giáo viên ổn định về số lượng và chất lượng với 1 thạc sĩ, 23 cử nhân; trong đó đạt chuẩn chiếm 100%, trên chuẩn chiếm 97,3%. Trong năm học vừa qua, giáo viên nhà trường đạt giải nhất cấp thị xã và giải ba cấp thành phố trong hội thi giáo viên giỏi lớp 2; 2 giải nhất cấp thị xã, 2 giải khuyến khích cấp thành phố trong hội thi Kỹ năng công nghệ thông tin; có 26 đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm cấp thị xã. Luôn dành sự quan tâm lớn cho việc phụ đạo học sinh yếu kém, phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, Trường thường xuyên tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, vận động giúp học sinh học mà chơi, chơi mà học, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Với mục tiêu củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh thông qua hình thức: Đóng tiểu phẩm, đố vui, trò chơi ô chữ, rung chuông vàng…, câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đã được ra đời. Song song với đó, các câu lạc bộ âm nhạc, khiêu vũ, đá bóng cũng được duy trì tốt giúp học sinh có khoảng thời gian rèn luyện thể chất, thư giãn lành mạnh. Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, hái hoa dân chủ tìm hiểu ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”, múa hát tập thể, trò chơi dân gian, dân vũ… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo học sinh. Việc giáo dục cho học sinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân, tương ái” được thực hiện dưới nhiều hình thức: Chăm sóc cụm di tích lịch sử đền và lăng Ngô Quyền, ủng hộ chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Sơn Tây, thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho học sinh nghèo vùng cao, có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, hoạt động thăm quan dã ngoại tại trang trại giáo dục Erahouse đã đem tới cho học sinh cơ hội trải nghiệm nhiều ngành nghề, vun đắp cho các em ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai. Công tác bán trú cũng là một điểm sáng tại Tiểu học Trần Phú. Bếp ăn của Trường được công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đảm bảo phục vụ cho 830 học sinh. Bữa ăn luôn đảm bảo dinh dưỡng, hợp khẩu vị của học sinh. Sự phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ của học sinh trường Tiểu học Trần Phú được minh chứng bằng nhiều thành tích. Năm học 2017 - 2018, 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học; 99, 9 % học sinh hoàn thành chương trình lớp học. Học sinh nhà trường đã đạt giải Hoàng Giáp trong hội thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi” vòng toàn quốc; 7 học sinh đạt giải trong kỳ thi chung kết Violympic - giải Toán trên Internet cấp Quốc gia; 14 giải cấp thị xã và 12 Huy chương Bạc cấp thành phố Aerobic; 1 giải Cờ vua, 4 giải Cầu lông, 8 giải bơi cấp thị xã; 1 Huy chương Đồng thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao” cấp thành phố. Những con số ấn tượng trên đã phần nào minh chứng cho sự phấn đấu không ngừng của thầy và trò trường Tiểu học Trần Phú. Tin tưởng rằng bằng quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường sẽ chinh phục được những đỉnh cao mới trong tương lai. Anh QuânTĐKT – Sáng 4/10, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội tổ chức Liên hoan ca múa nhạc Tiếng hát người cao tuổi lần thứ VI, TP Hà Nội năm 2018.
Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10) và kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018).
Đây cũng là dịp để người cao tuổi gặp gỡ, giao lưu. Qua đó, động viên, phát huy khả năng sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn nghệ của người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm và hoa cho 14 đội tham gia liên hoan
Liên hoan có sự góp mặt của gần 300 diễn viên không chuyên là đại diện cho 14 hội người cao tuổi của các quận, huyện, thị xã và các câu lạc bộ người cao tuổi trên địa bàn thành phố.
14 đội tham gia liên hoan đã gửi đến khán giả các tiết mục hát, múa mang nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Thủ đô, mừng đất nước đổi mới và hội nhập. Các tiết mục đều được chuẩn bị, đầu tư chất lượng, có đạo diễn, biên đạo múa và trang phục, đạo cụ biểu diễn, nên đã tạo được không khí sôi nổi, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Thục Anh
TĐKT - “Tuổi trẻ, tài cao, gương mẫu và trách nhiệm’’ là những nhận xét mà lãnh đạo và đồng nghiệp đã nói về chàng chiến sĩ công an trẻ tuổi Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1990), cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 12 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội). Anh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống các loại tội phạm, dũng cảm cứu người trong tình huống nguy cấp và trong thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm hình ảnh đẹp của người công an Thủ đô. Năm 2018, anh vinh dự được đề cử là một trong những Công dân Thủ đô ưu tú.
Người chiến sĩ gan dạ, dũng cảm
Nhận nhiệm vụ tại Đội CSGT số 12 từ năm 2015, cùng với các đồng đội của mình, Nguyễn Văn Tiến đã góp phần không nhỏ vào xây dựng được hình ảnh đẹp của người công an trong lòng nhân dân.
Hơn 3 năm công tác, đã có biết bao nhiêu người dân Thủ đô không may gặp tai nạn giao thông trên đường phố đã được chiến sĩ Nguyễn Văn Tiến cùng Đội CSGT số 12 cứu hộ, giúp đỡ kịp thời đưa đi cấp cứu.
Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1990), cán bộ Đội CSGT số 12 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)
Người dân ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) chắc chắn vẫn chưa quên được hình ảnh Thượng úy Nguyễn Văn Tiến dũng cảm, sẵn sàng lao vào “biển lửa” để cứu sống 5 người trong vụ hỏa hoạn hồi tháng 9 năm 2017.
Rạng sáng ngày 25/9/2017, khi Thượng úy Tiến cùng Tổ công tác đang tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 6 thì phát hiện có khói lửa bốc ra từ một ngôi nhà ở thị trấn Xuân Mai và một người phụ nữ ở bên đường hô hoán cháy nhà. Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác chia nhau ra gọi cửa cảnh báo các hộ gia đình gần đó, sơ tán người dân và tổ chức cứu hộ, đồng thời gọi điện cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.
“Lúc này, Thượng úy Nguyễn Văn Tiến liên lạc điện thoại với chủ nhà là anh Nguyễn Văn Nam để thông báo về đám cháy nhưng không được. Gọi đến lần thứ hai vợ anh Nam mới nghe điện thoại và kêu cứu. Tiến động viên chị bình tĩnh và hỏi vị trí của từng người. Qua trao đổi, biết được vợ chồng anh Nam và người thân tập trung ở khu vực phía sau tầng 3 nhưng đang bị mắc kẹt lại bởi khung sắt "chuồng cọp" kiên cố, Thượng úy Nguyễn Văn Tiến đã nhanh chóng cùng anh Nguyễn Hà Phương - hàng xóm của gia đình anh Nam tìm cách leo lên để cứu người” - Đại úy Trương Việt Sơn cùng tổ công tác nhớ lại.
Do tường cao trơn trượt nên sau khi đã tạo được một lỗ hổng, Thượng úy Tiến ở trên tuyến đầu còn các thành viên khác trong tổ công tác bên dưới phối hợp đỡ từng nạn nhân ra vị trí an toàn.
Thượng úy Tiến vẫn nhớ như in: Sau khi đưa 5 người trong gia đình thoát khỏi đám cháy, tôi nghe câu ai đó bảo “Em ơi, còn 2 con gái anh ở tầng 4, cứu con anh với” . Lúc này, ngọn lửa đã bùng phát lớn, tạo khói đen đặc bốc lên gây khó khăn cho việc cứu người và chữa cháy. Tôi chẳng kịp nghĩ gì ngoài việc nhất định phải đi cứu người.
Không thể tiếp cận được tầng 4, Thượng úy Tiến trèo xuống, đi vòng ra phía trước để quan sát toàn bộ ngôi nhà. Rồi Tiến ôm cột leo lên ban công tầng 4 của căn nhà đang cháy. Khi đã vào được ban công, vì quá nhiều khói nên dù đã được hỗ trợ khăn ướt bịt mặt và dùng vật cứng phá cửa để cứu 2 cháu nhỏ, nhưng Trung úy Tiến suýt ngạt thở. Bên trong phòng, lửa và khói đã bao trùm khắp nơi. Lúc này lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã kịp thời có mặt...
Đến khoảng 3h sáng, đám cháy được dập tắt hoàn toàn nhưng hai cháu nhỏ con gái chủ nhà đã không qua khỏi. Trong bộ dạng lấm lem, nhiều chỗ trên cơ thể rớm máu, Thượng úy Tiến đã chảy nước mắt, bất lực nhìn đồng đội đưa thi thể hai cháu bé ra khỏi hiện trường.
Sự việc hôm đó chỉ là một trong hàng trăm việc tốt khác mà Thượng úy Tiến đã lặng lẽ làm trong những năm qua. Anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm. Anh mộc mạc chia sẻ: Trong hoàn cảnh nguy cấp đó, ai cũng sẽ hành động như tôi thôi. Là người chiến sĩ công an, tôi luôn xác định khi thực hiện nhiệm vụ sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nên trong bất cứ trường hợp nào, tính mạng và sự an toàn của người dân luôn là điều ưu tiên số 1.
“Khắc tinh” của các loại tội phạm
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, từ thuở bé Tiến đã mơ ước có một ngày được khoác trên mình bộ quân phục của người công an nhân dân. Do đó, sau khi tốt nghiệp cấp ba năm 2008, Tiến thi vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1.
Ra trường năm 2010, Tiến điều động về công tác tại Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), rồi sau đó về công tác tại Đội CSGT - trật tự - cơ động Công an huyện Ứng Hòa; Đội CSGT - trật tự - cơ động Công an huyện Hoài Đức, làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông trên địa bàn huyện. Từ năm 2015, anh gắn bó với Đội CSGT số 12, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội từ đó đến nay.
Dù nhận nhiệm vụ ở bất cứ đâu, Tiến vẫn luôn thể hiện năng lực, phẩm chất của người công an trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh luôn đi đầu thực hiện tốt các kế hoạch, chuyên đề công tác của đơn vị, đặc biệt là trong công tác ngăn chặn, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, từ đó làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn phụ trách ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.
Đặc biệt, trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ, Tiến đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc người điều khiển phương tiện ô tô - xe máy liên quan đến phạm pháp hình sự: Vận chuyển ma tuý các loại, xe ô tô chở hàng hoá gian lận thương mại không rõ xuất xứ nguồn gốc… Tất cả các vụ việc đều được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Tiêu biểu trong số đó là vụ phối hợp với lực lượng cảnh sát khác bắt giữ một ôtô vận chuyển ma túy đang chạy hướng Sơn La về Hà Nội hồi tháng 8/2017. Kết quả, bằng bản lĩnh và sự khôn khéo của mình, Tiến cùng đồng đội đã bắt thành công 10 bánh ma túy.
Với những thành tích trên, cá nhân anh Nguyễn Văn Tiến nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến. Năm 2016 được Giám đốc Công an Thành phố và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tặng Giấy khen. Năm 2017 được Sở Phòng cháy chữa cháy, Thành đoàn Hà Nội tặng Giấy khen; Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng 1 Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm. Năm 2018 Tiến được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm.
Thục Anh
Đẩy mạnh tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội
TĐKT- Sáng 3/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Chung khảo Hội thi “Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”. Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tới dự. Hội thi “Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” là hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền rộng rãi nội dung Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội; từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, tổ chức nơi công cộng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao trao Cờ lưu niệm cho 9 đội thi Chung khảo hội thi có 9 đội của các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Chương Mỹ, Thanh Trì, Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây. Đây là những đội đã vượt qua các hội thi cấp xã, phường, thị trấn; hội thi chung khảo cấp quận, huyện, thị xã và các cụm thi vòng sơ khảo cấp thành phố. Ở vòng chung khảo, các đội thi trải qua 3 phần thi. Phần chào hỏi thể hiện bằng hình thức sân khấu (thơ, ca, tiểu phẩm...). Phần thi kiến thức gồm 2 nội dung: Thi trắc nghiệm và thi tình huống. Phần thi tuyên truyền được dàn dựng dưới dạng tiểu phẩm, thể hiện sự sáng tạo, khả năng ứng xử, tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong thực tiễn của địa phương. Phần dự thi tiểu phẩm Phát biểu tại Hội thi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đánh giá, thông qua hội thi, quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đã thực sự đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng thực hiện của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích và 3 giải phụ (giải Chào hỏi ấn tượng, giải Xử lý tình huống, giải Tiểu phẩm tuyên truyền xuất sắc). Thục AnhTĐKT - Chào mừng 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018), sáng 3/10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Hà Nội: Những khoảnh khắc tháng 10/1954” nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân và dân Thủ đô.
Triển lãm là dịp để khách tham quan tìm hiểu, cảm nhận thêm niềm vui, sự hân hoan của các chiến sĩ, người dân trong ngày hội lớn của Thủ đô và đất nước.
Khách tham quan bị thu hút bởi những bức ảnh tái hiện lịch sử ngày 10/10/1954 được trưng bày tại Triển lãm
Triển lãm ảnh trưng bày 3 nội dung: Những đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội; Lễ chào cờ chiến thắng ngày 10/10/1954; những hồi ức lịch sử.
Thông qua 60 hình ảnh tư liệu tiêu biểu, Triển lãm giới thiệu những hình ảnh tư liệu quý về Ủy ban Quốc tế làm nhiệm vụ tại Hà Nội; quá trình bàn giao, tiếp quản giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Nam tại Hà Nội; quân Pháp rút khỏi Hà Nội, đặc biệt là hình ảnh các đoàn quân tiên phong từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô.
Triển lãm cũng giới thiệu những bức ảnh tư liệu quý về Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ, Hà Nội ngày 10/10/1954. Vào 15h ngày 10/10/1954 tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội, hàng trăm nghìn người dân Thủ đô Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Từng đơn vị nhanh chóng di chuyển về điểm tập kết tại sân Cột Cờ; Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng cùng toàn quân đang nghiêm trang làm Lễ chào cờ; đơn vị quân nhạc trong lễ chiến thắng; các nữ chiến sĩ tiếp quản trên sân Cột Cờ…
64 năm đã trôi qua nhưng qua những câu chuyện tại triển lãm “Hà Nội: Những khoảnh khắc lịch sử ngày 10/10/1954” vẫn còn vẹn nguyên.
Triển lãm được giới thiệu tại tầng 2 Di tích Đoan Môn, Hoàng Thành Thăng Long, mở cửa đón khách từ ngày 3 đến 31/10/2018.
Hưng Vũ
TĐKT - Chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), sáng 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức khai mạc Hội Sách Hà Nội năm 2018 với chủ đề “Sách và Công nghệ số”. Đây là lần thứ năm UBND TP Hà Nội tổ chức Hội sách.
Hội sách diễn ra từ ngày 3 - 7/10/2018 tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới.
Hội Sách Hà Nội lần thứ V - 2018 với 120 gian hàng quy tụ các đơn vị xuất bản, phát hành hàng đầu của Hà Nội và cả nước. Gồm các nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật, Thông tin và Truyền thông, Phụ nữ, Kim Đồng, Đại học Sư phạm. Các công ty xuất bản, phát hành: XNK Sách báo Việt Nam (Xunhasaba), Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA), Thái Hà, Nhã Nam, Alpha, Đông A, Đông Tây, Minh Long, Đinh Tị, AZ, Trí Việt, Bách Việt...
Các đại biểu cắt băng hai mạc Hội sách 2018
Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, tâm điểm của Hội Sách Hà Nội luôn là các chương trình giao lưu ý nghĩa và bổ ích. Ngay sau lễ khai mạc, cuộc trò chuyện về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ diễn ra với sự tham dự của nhiều diễn giả uy tín: Ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT; ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
Trong chiều cùng ngày, độc giả sẽ được giao lưu với khách mời quốc tế tại Hội Sách Hà Nội - ông Tha Tun Oo, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Myanmar, Giám đốc Nhà xuất bản TODAY (Myanmar) trong chủ đề “Văn hóa đọc ASEAN”.
Trong 5 ngày diễn ra Hội sách còn có hàng chục cuộc giao lưu, tọa đàm ra mắt sách được tổ chức với nội dung phong phú, đa dạng: Tọa đàm xung quanh bộ sách "Phẩm cách Quốc gia - Phẩm cách cha mẹ - Phẩm cách phụ nữ" của Nhật Bản (Nhà xuất bản Phụ nữ); Giao lưu ra mắt sách "Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi" (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông); Giao lưu ra mắt sách “Xóm bờ giậu” với nhà văn Trần Đức Tiến, họa sĩ Kim Duẩn, CLB Đọc sách cùng con (Nhà xuất bản Kim Đồng); Lễ ra mắt dự án sách ngoại ngữ, dòng sách ETS và giao lưu với chủ đề: Cùng con giỏi ngoại ngữ (Công ty Cổ phần Sách Alpha)....
Tại gian chuyên đề “Sách và Công nghệ số”, độc giả sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị mới mẻ khi được giới thiệu nhiều sản phẩm sáng tạo, các công nghệ kết hợp giữa sách giấy truyền thống và ứng dụng trên thiết bị thông minh, sách công nghệ (sách điện tử, sách audio…): Trải nghiệm ứng dụng công nghệ tương tác AR phục vụ đọc sách, báo (Công ty Hệ thống thông tin FPT); giới thiệu và trải nghiệm thiết bị đọc sách điện tử BIBOX (Công ty Cổ phần Sách Thái Hà)...
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Sách Hà Nội năm 2018 là sự kiện Xếp hình Domino với 3.000 cuốn sách trên diện tích hơn 200 m2 do Công ty Cổ phần Sách Alpha tổ chức vào sáng thứ bảy ngày 6/10/2018 tại sân Đoan Môn. Ban Tổ chức mong muốn hoạt động này sẽ thu hút sự quan tâm của độc giả đến với Hội Sách, nhằm lan tỏa nhận thức về văn hóa đọc cho cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng của sách đối với việc phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục ở Việt Nam.
Các em thiếu nhi đến với Hội Sách Hà Nội năm 2018 sẽ được chơi cùng rô-bốt, thực hành các trò chơi khoa học (gian hàng Công ty Cổ phần Sách Alpha); trải nghiệm ứng dụng trên thiết bị thông minh kèm bộ sách "Học tiếng Anh siêu thú vị" (Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Nhã Nam); tham gia Chương trình mini workshop (Gian hàng Đinh Tỵ)... Tại đây, các em có cơ hội được vui chơi và tự mình vượt qua những câu hỏi thử thách, việc học tiếng Anh cũng trở nên sống động hơn khi có thể dùng cả thị giác lẫn thính giác, xúc giác để tiếp thu thông tin. Đồng thời, bố mẹ cũng có thêm nhiều gợi ý về các trò chơi đơn giản từ sách để chơi cùng con mỗi ngày...
Đặc biệt, tối thứ sáu ngày 5/10/2018 sẽ diễn ra Đêm thơ chào mừng 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với hơn 20 nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội tham gia đọc thơ và trình bày các ca khúc phổ thơ với nội dung: Ca ngợi tình yêu đất nước - dân tộc; Tôn vinh truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn đổi mới; những bài thơ tình hay về mùa thu…
Để tri ân bạn đọc đã đồng hành cùng ngành xuất bản trong thời gian qua, trong những ngày diễn ra Hội sách, các đơn vị tham gia sẽ thực hiện nhiều chương trình bán sách giảm giá, khuyến mại trừ % phí phát hành trên các loại xuất bản phẩm.
Hoạt động giới thiệu, trao đổi bản quyền sách tiếp tục được tổ chức với sự tham gia của 25 nhà xuất bản, tập đoàn xuất bản và văn phòng đại diện các nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam từ các quốc gia: Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Asean.
Hội Sách Hà Nội năm 2018 là điểm đến lý tưởng cho những người yêu sách, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, khuyến khích và định hướng văn hóa đọc đang ngày một phát triển.
Mai Thảo
TĐKT – Chiều 2/10, bà Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã thông tin đến báo chí về Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018.
Bà Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội trao đổi với báo chí
Theo đó, dự kiến TP Hà Nội sẽ tổ chức tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn vào 20h00 ngày 08/10/2018 tại Trung tâm Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Các thủ khoa xuất sắc được tuyên dương lần này là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện. Đó là những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với thành tích ấn tượng về học tập, rèn luyện và công tác Đoàn - Hội. Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên, là những tấm gương vượt khó vươn lên, có công trình nghiên cứu khoa học, những đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả được giải trong nước và quốc tế; nhiều bạn là cán bộ Đoàn, Hội tích cực, năng động... Tiêu biểu trong số đó là các sinh viên: Nguyễn Phương Anh - Trường Đại học Hà Nội; Đặng Thành Duy - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Mã Hồng Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đỗ Mỹ Linh - Trường Đại học Sân khấu điện ảnh; Nguyễn Thị Dung - Học viện Chính sách & Phát triển.
Năm 2018 là năm thứ 16 liên tiếp TP Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của TP Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời là sự ghi nhận, biểu dương đối với kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần vượt khó vươn lên của sinh viên Thủ đô. Sau 16 năm (tính cả năm 2018), đã có 1705 Thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội. Nhiều trong số các bạn Thủ khoa được vinh danh đã thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước.
Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, kịp thời trong việc khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút những nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Quy chế tuyên dương thủ khoa xuất sắc các trường Đại học, Học viện trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những cơ chế điển hình trong việc thu hút nhân tài về phục vụ, cống hiến cho Thủ đô.
Thục Anh
TĐKT – Chiều 2/10, đồng chí Nguyễn Công Bằng, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã thông tin đến các cơ quan báo chí về kết quả phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” và Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.
Năm 2018, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được thành phố quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả với mục tiêu khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã tạo động lực to lớn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng thông tin với báo chí
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 10.000 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng từ cấp cơ sở; Chủ tịch UBND thành phố đã khen thưởng, biểu dương hơn 700 dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.
Năm 2018 cũng là năm thứ 3 TP Hà Nội đẩy mạnh phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” với nhiều chương trình hành động, giải pháp cụ thể. Thông qua phong trào này, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố được cải thiện rõ rệt; giảm đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đang ký kinh doanh, đầu tư, quy hoạch, đất đai; Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới…
9 tháng đầu năm 2018, thành phố đã kịp thời biểu dương, khen thưởng và đề nghị Nhà nước khen thưởng cho gần 300 doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Nhằm tổng kết, đánh giá hai phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”, cũng như biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, Công dân Thủ đô ưu tú; tuyên dương vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao tại ASIAD 2018; trao tặng Cup Thăng Long cho doanh nghiệp tiêu biểu, dự kiến ngày 7/10 tới, TP Hà Nội sẽ trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.
Dự kiến Hội nghị sẽ tôn vinh 700 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; 300 doanh nghiệp, doanh nhân; 38 vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu.
Đồng chí Nguyễn Công Bằng cho biết, Hội nghị được tổ chức với tinh thần đổi mới, cải cách “3 trong 1”. Tại Hội nghị, ban tổ chức sẽ không dùng 1 phóng sự cho cả chương trình mà sử dụng xen kẽ phóng sự minh họa, giao lưu và văn nghệ trong từng phần biểu dương, tôn vinh gương điển hình.
Danh sách 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018
Ông Nguyễn Hữu Ngọc - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (SN 1918)
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (SN 1966)
Bà Trần Phương Lan - Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bọng nước”, quận Hoàn Kiếm (SN 1977)
Ông Nguyễn Tứ Hùng - Công dân Cụm 13, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội (SN 1945)
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (SN 1962)
Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết - Chủ nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm (SN 1953)
Vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo, đạt huy chương vàng tại Đại hội thể thao Châu Á 2018 (SN 1992)
Ông Trịnh Ngọc Trình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Miền núi (HEDO) (SN 1934)
Thượng úy Nguyễn Văn Tiến - Đội CSGT số 12 - Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt - CATP Hà Nội (SN 1990)
Ông Nguyễn Đức Cường - Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ điện, Phân xưởng Thiết bị Công nghệ, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất (SN 1960)
Mai Thảo
TĐKT – Sẵn lòng nhận nuôi và mang đến cho đứa trẻ bị bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh (EB) một cuộc sống hạnh phúc, với chi phí lên đến gần trăm triệu đồng mỗi tháng. Rồi không quản ngại đi khắp mọi miền đất nước phát thuốc, cấp bông băng miễn phí, hướng dẫn hàng trăm trẻ em và gia đình khác có con bị mắc căn bệnh này cách chăm sóc và thay bông băng… Tình yêu thương trong sáng, việc làm vô tư không một chút toan tính của người phụ nữ ấy đã chạm đến trái tim của không ít người. Đó là chị Trần Phương Lan (sinh năm 1977), Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bóng nước”, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Một người mẹ vĩ đại
Trong căn nhà nhỏ chật chội ở 340 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Kem - một đứa trẻ chuẩn bị lên 4 tuổi, được quấn quanh mình bởi những bông băng chằng chịt, khuôn mặt đỏ rực như một hòn than đang cháy, đôi môi chi chít những vết thương cùng những ngón tay, ngón chân rỉ máu, bị hoại tử… đang líu lô, cười đùa hạnh phúc cùng với mẹ và chị gái. Dường như chẳng có một khoảng cách nào giữa họ.
Vừa đi học về đến nhà, Nhím sà vào thơm thít rồi bế bé Kem đặt vào lòng mẹ, véo má nó trêu đùa vài câu đại loại “Nhớ chị không? Cho chị xin miếng bánh? Cho chị hết nhé?...”. Còn chị Lan, người mẹ âu yếm đứa con trai “mong manh, dễ vỡ” ấy vào lòng rồi hỏi: “Nhớ mẹ không trai yêu? Con yêu ai nhất?”. Bé Kem dù bé nhưng cũng cảm nhận hết tình yêu của họ dành cho em, giúi đầu nũng nịu: Con yêu mẹ Lan nhất, yêu cả chị Nhím. Con cảm ơn mẹ đã cho con cả cuộc đời”…
Đó là những cảnh sinh hoạt hết sức đời thường mà ấm áp tình người của ba mẹ con chị Trần Thị Phương Lan gần 4 năm nay.
Chị Trần Phương Lan (sinh năm 1977), Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bóng nước”
Dù Kem vốn chỉ là con nuôi, lại là 1 đứa trẻ bị mẹ đẻ bỏ rơi tại Bệnh viện phụ sản Trung ương khi mới chưa đầy tháng tuổi do mắc phải chứng bệnh EB là một bệnh di truyền hiếm gặp trên thế giới cũng như Việt Nam và không có khả năng chữa trị khỏi. Nhưng chưa bao giờ chị Lan coi cậu con trai bệnh tật ấy là gánh nặng, mà hết lòng yêu thương, chăm sóc như đứa con đứt ruột đẻ ra. Chị luôn mong con sẽ vượt qua được bệnh tật có ngày được chạy nhảy, đi học như những đứa trẻ bình thường.
Kể về ngày Kem đến với gia đình, chị Lan cho biết: Một ngày giữa tháng 12/2014, chị nhận được cuộc điện thoại cầu cứu từ một người phụ nữ lạ “Chị Lan EB ơi, cứu con em với” và thông báo của Bệnh viện về trường hợp đứa bé bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện mắc bệnh EB khá nặng, ở thể loạn dưỡng, tổn thương 95% bề mặt da. Chị vội chạy đến bệnh viện rồi được tận mắt chứng kiến cảnh bé Kem uống sữa lẫn máu bởi trong miệng bé liên tục có bọng máu bị vỡ gây lở loét, đau đớn. Mẹ bé đã bỏ đi, bệnh viện lắc đầu, chẳng ai dám nhận nuôi một đứa trẻ bệnh tật. Nhưng chị biết chắc chắn một điều rằng nếu tất cả buông xuôi, bé Kem sẽ ra đi trong tích tắc bởi bị nhiễm trùng máu hay do bội nhiễm gây ra. Đứa bé cần được chăm sóc đặc biệt.
Là một trong số ít người có kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng người bị bệnh EB ở Việt Nam, chị Lan quyết tâm trở thành mẹ của bé Kem từ đó. Chị nghĩ, chỉ có chị mới có thể cho Kem cuộc sống.
Nhận nuôi bé Kem, chị đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình cũng như những người xung quanh. Bởi nuôi một đứa trẻ bình thường đã không dễ dàng, nói gì đến một đứa trẻ mắc bệnh EB.
Bệnh nhân EB sống được là nhờ dinh dưỡng và bông băng, thuốc men. Nhưng mỗi lần tắm là một lần cực hình, do bệnh gây phỏng lột da, vì vậy khi dội nước sẽ càng đau đớn. Nếu chỉ một ngày thôi, không tắm, không được thay bông băng và bôi thuốc, bệnh nhân sẽ bị teo cơ, nhiễm trùng và hoại tử. Kem được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt, luôn có người túc trực, thay bông băng, ở trong môi trường khô ráo, cần phải có điều hòa. Chi phí dành cho Kem mỗi tháng từ 30 đến 40 triệu đồng.
Bé Kem bị bệnh rất nặng, có những lúc bé bị nặng phải cấp cứu trong viện. Lúc đó, chị Lan lại phải nhờ bố mẹ trông con, trông cửa hàng, một mình chạy qua chạy lại lo cho cậu con trai bé nhỏ. Mỗi lần vào viện, chi phí cho Kem rất nhiều, từ bông băng, kim tiêm, rồi thuốc kháng sinh của bé đều rất đắt đỏ, có lúc chi phí lên đến cả trăm triệu mỗi lần điều trị. Nhiều lúc chị Lan túng quẫn, không biết phải dựa vào đâu để lo cho con, có lúc chị đã phải rao bán nhà, vì con quá nguy cấp mà tiền viện phí thuốc men chưa có. Từ ngày nuôi kem chị Lan gầy mất 20 cân, tiền của thì cứ đội nón ra đi.
Dù khó khăn nhưng trái tim của chị không cho phép bỏ cuộc. Tình yêu thương vô bờ bến, việc làm vô tư không một chút toan tính của người phụ nữ ấy đã chạm đến trái tim của không ít người. Nhím - cô con gái 12 tuổi của chị và các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, nhiều thành viên trong câu lạc bộ EB đã luôn đồng hành, sát cánh với chị vượt qua mọi khó khăn, chăm sóc, nuôi nấng bé Kem ngày một khôn lớn.
Kem sống cùng với gia đình chị được gần 4 năm rồi. Đó thực sự là điều kỳ diệu. Kem thông minh lắm, lúc nào cũng bám chặt lấy mẹ, vượt qua đau đớn về thể xác, con luôn tươi cười, tập nói bi bô. Có những lúc đôi chân không bị bọng nước, cậu đòi mẹ bỏ băng gạc để bước vịn, dù đau đớn những vẫn cố gắng đi lại, cậu cũng đòi được ra đường để đi chơi. Thỉnh thoảng những lúc cậu khỏe mạnh, chị lại đẩy xe cho cậu ra công viên ngắm cảnh và trẻ em nô đùa.
Chủ nhiệm câu lạc bộ có tấm lòng nhân ái
Hành trình với bé Kem chưa đầy 4 năm, còn với những bệnh nhân bị bệnh EB trên khắp cả nước, chị Lan đã trải qua chặng đường hơn 7 năm.
Năm 2011, trong một lần tham gia từ thiện ở chùa Bồ Đề, chị Lan phát hiện ra bé Bông mới chỉ vài ngày tuổi bị bọng nước phồng rộp, lở loét khắp người, nước mô từ những vết loét ấy tràn ra bên ngoài, mùi hôi từ chỗ bị hoại tử phả ra nồng nặc... Chị đã đưa bé Bông đến Bệnh viện Nhi Trung ương để được thăm khám, kết quả bé Bông bị bệnh EB. Các bác sĩ cho biết, y học hiện tại rất khó điều trị căn bệnh này, liệu pháp duy nhất giúp cho bé Bông là chăm sóc kéo dài sự sống và giảm bớt sự đau đớn hàng ngày.
Chị Trần Phương Lan (thứ 7 từ trái sang) được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017
Ám ảnh về những vết lở loét trên cơ thể bé nhỏ của Bông, chị Lan lần mò tìm hiểu về bệnh EB qua các tài liệu nước ngoài. Chị nhờ những người bạn ở nước ngoài đặt mua thuốc, băng gạc từ Úc, Mỹ. Bên cạnh đó, chị tự mày mò học cách thay băng, chăm sóc cho bé Bông. Thời điểm đó, ngày nào chị cũng sang chùa Bồ Đề để thăm và tự tay chăm sóc bé. Hằng tháng, chị gửi tiền thăm nuôi bé Bông và lập facebook để lưu giữ hình ảnh xinh xắn của bé, đồng thời muốn chia sẻ cho mọi người biết thêm về căn bệnh này. Sau facebook được cộng đồng biết đến và Câu lạc bộ EB ra đời với hàng ngàn người theo dõi, những tấm lòng đồng cảm, sẻ chia.
Tiếng lành đồn xa, những gia đình có con bị EB lần lượt tìm về chị cầu mong sự giúp đỡ. Ngôi nhà nhỏ của chị trở thành nơi ở tạm thời, lớp học kỹ năng chăm sóc bệnh nhân bị EB cho nhiều gia đình. Hiện nay, Câu lạc bộ EB thường xuyên trợ giúp khoảng 30 bé bị bệnh EB trên khắp mọi miền đất nước, cung cấp bông băng, thuốc men, kinh phí thường xuyên là từ 4 - 8 triệu đồng/ tháng/cháu và tư vấn cách chăm sóc, nuôi dưỡng cho gia đình các em.
Khi có những cuộc điện thoại ở các tỉnh, thành phố trên đất nước gọi đến nhờ sự trợ giúp của chị và những thành viên trong câu lạc bộ cho những cháu bé bị EB, chị không ngần ngại, không quản khó khăn vận động các thành viên và những người xung quanh đến tận nơi trợ giúp. Thời gian nhiều nhất số cháu bị bệnh EB được câu lạc bộ trợ giúp lên đến 60 bé.
Chị Lan hiện là mẹ đơn thân, công việc chính của chị là quản lý nhà hàng, khách sạn nhưng chị còn buôn bán thêm qua mạng, để có thể góp thêm tiền giúp đỡ bệnh nhân EB trên cả nước.
Chị nói: “Giá như căn bệnh có thể chữa được hoàn toàn, giá như có nhiều người biết hơn về căn bệnh để không còn trẻ EB bị bỏ rơi cũng như không còn trẻ EB bị chết bởi không được yêu thương, chăm sóc đúng cách”.
Với những đóng góp đó, năm 2018, chị Trần Phương Lan vinh dự được UBND TP Hà Nội đề cử là một trong 10 “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Thục Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 84
- 85
- 86
- 87
- 88
- …
- sau ›
- cuối cùng »