Văn hóa - Thể thao

Triển lãm “Cuộc sống quanh ta” 2024 tôn vinh nét đẹp đời thường

BTĐKT - Triển lãm “Cuộc sống quanh ta” 2024 đang diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16, Ngô Quyền, Hà Nội đem đến cho công chúng cái nhìn đa chiều về các khía cạnh của cuộc sống. Hoạ sĩ Trần Quang Thái (thứ hai từ trái sang); GS.TS Dam Won Kim Chang Bae (thứ 3 từ trái sang) cùng các khách mời khai mạc triển lãm. Triển lãm trưng bày 63 tác phẩm, là những sáng tác mới của 62 tác giả  thuộc Câu lạc bộ Mỹ thuật sáng tác đề tài xây dựng Tổ quốc (Hội Mỹ thuật Việt Nam). Các tác phẩm được vẽ bằng nhiều chất liệu như acrylic, sơn dầu, sơn mài, lụa… với đề tài phong phú về phong cảnh làng quê, làng nghề truyền thống, về lao động sản xuất… Họa sĩ Trần Quang Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Đây là triển lãm thường niên do câu lạc bộ tổ chức từ năm 2001 tới nay. Qua các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, các họa sĩ trong câu lạc bộ muốn chuyển tải đến công chúng thông điệp về vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp trong lao động sản xuất, vẻ đẹp của những làng nghề truyền thống, của phong cảnh làng quê Việt Nam... đồng thời tôn vinh những nét đẹp văn hóa và những thay đổi của nông thôn Việt Nam những năm gần đây. Với tư cách là khách mời tham dự triển lãm, GS.TS Dam Won Kim Chang Bae, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật Hàn Quốc đánh giá cao nhiệt huyết của các hoạ sĩ Việt Nam. Ông cho rằng “Đối với nghệ thuật không có biên giới, không có giới hạn”. Trong tương lai, ông hy vọng hoạ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông cũng mong muốn cùng với hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Đức và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm về tranh sen, về Phật giáo.         Triển lãm kéo dài đến hết ngày 4/7/2024. Phương Thanh

200 vận động viên tham gia Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 42

BTĐKT - Từ ngày 31/5 đến 7/6/2024, tại nhà thi đấu thể thao tỉnh Khánh Hòa, Báo Nhân Dân phối hợp Cục Thể dục - Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổ chức Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 42 tranh Cúp PetroVietnam - PVCFC năm 2024. Đây là giải đấu bóng bàn chuyên nghiệp đỉnh cao quốc gia, có uy tín và truyền thống 42 năm qua, góp phần phát triển phong trào tập luyện, thi đấu bóng bàn rộng khắp trong cả nước. Ban Tổ chức họp báo thông tin về giải đấu Giải năm nay thu hút sự tham gia thi đấu của gần 200 vận động viên đến từ 18 đoàn bóng bàn chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố, ngành, doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó có các trung tâm bóng bàn mạnh như: Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quân đội, Công an nhân dân, Công an Thành phố Hồ Chí Minh... Giải năm nay hứa hẹn chất lượng chuyên môn và sự cạnh tranh rất cao bởi có đầy đủ các tuyển thủ quốc gia vừa thi đấu tại vòng loại Olympic Paris 2024 cùng các vận động viên trẻ vừa đạt thành tích cao tại Giải vô địch trẻ Đông Nam Á 2024 và sự góp mặt của các đoàn bóng bàn mới là đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Times City... Điều đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của bóng bàn đỉnh cao và phong trào bóng bàn Việt Nam. Các vận động viên sẽ tham gia tranh tài ở 7 nội dung: Đồng đội nam, đồng đội nữ, đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Bên cạnh 7 bộ huy chương, tổng cộng là 28 giải được trao theo quy định của Cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Báo Nhân Dân và đơn vị đồng hành chính là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng trao tặng: 2 giải triển vọng dành cho 2 vận động viên trẻ nam, nữ xuất sắc nhất cùng 2 tặng thưởng dành cho địa phương tích cực xây dựng phong trào thi đấu bóng bàn và địa phương đăng cai tổ chức giải. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ tổ chức bầu chọn Hoa khôi Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 42 năm 2024 để động viên các nữ vận động viên trẻ tham gia giải; tiếp tục tổ chức giải "Thi sáng tác ảnh nhanh" với chủ đề "Những khoảnh khắc đẹp của Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 42". Giải đấu được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Nhân Dân của Báo Nhân Dân và tiếp sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Phương Thanh

Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh

BTĐKT - Tối 26/4, tỉnh Ninh Bình phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại kỷ niệm Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Cùng dự có bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, với những giá trị nổi bật toàn cầu, trở thành di sản "kép" đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Sau 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An được nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hợp tác công - tư. Những giá trị của Di sản Tràng An được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là nguồn lực nội sinh và động lực quan trọng để Ninh Bình vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; đưa Ninh Bình hội nhập vào mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; đồng thời, đóng vai trò hạt nhân, trung tâm, định hình phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo hướng đô thị di sản; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình theo đúng định hướng. Phát biểu tại buổi lễ, bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 chúc mừng Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - một thành tựu chưa từng có ở khu vực Đông Nam Á. Sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới không chỉ đánh dấu một thập kỷ của sự công nhận toàn cầu về giá trị to lớn của kho báu thiên nhiên và văn hóa này mà còn là dịp để tôn vinh sự xuất sắc vô song của Tràng An cả trong công tác bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Tại kỷ niệm, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và đánh giá cao những thành tích trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng chung sức, đồng lòng tiếp tục làm tốt công tác dự báo xác định vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thách thức trong quản lý, chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục xây dựng, bảo tồn, quy hoạch và phát triển giá trị của Di sản Tràng An. Tiếp tục phát huy vai trò, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân trong vùng di sản, giúp người dân vừa tham gia bảo tồn di sản, vừa được hưởng lợi từ di sản, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, sáng tạo theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao, lấy bảo tồn di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển. Chủ động, tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản toàn cầu… Bình Nguyên  

Khai mạc triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

BTĐKT - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chiều 26/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt". Các đại biểu và khách mời tham quan triển lãm Với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu tới công chúng những dấu mốc và minh chứng lịch sử quan trọng, vô cùng sinh động về trận quyết chiến chiến lược làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của dân tộc. Nội dung triển lãm gồm 3 phần: "Đường tới Điện Biên Phủ"; "Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược"; "Hào khí Điện Biên". Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non" kiên cường chiến đấu, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam, đồng thời báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một trong những đỉnh cao chói lọi, được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Triển lãm giúp công chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Thông qua trưng bày nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng của chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Triển làm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ 26/4/2024 đến tháng 10/2024. Phương Thanh

MC Quyền Linh đồng hành cùng Mái ấm gia đình Việt về với Thoại Sơn, An Giang

Vào các ngày 7,8,9/4/2024, Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” với sự đồng hành của MC Quyền Linh cùng các nghệ sĩ như: Diệp Lâm Anh, Quốc Trường, Phương Anh Đào, Giang Hồng Ngọc, Đức Phúc, Phương Mỹ Chi… sẽ cùng đến Thoại Sơn, An Giang sẻ chia yêu thương với các em nhỏ mồ côi. Từ một chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Mái ấm gia đình Việt tiếp tục mở rộng đối tượng hướng đến các em nhỏ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, thiếu vắng một gia đình trọn vẹn. Vượt qua những thử thách trong chương trình, các em nhỏ và gia đình của mình sẽ nhận được những khoản tiền có giá trị để cải thiện cuộc sống bớt vất vả hơn. Tính đến nay, Mái ấm gia đình Việt đã đi qua 29 tỉnh thành, 82 chương trình sản xuất, hỗ trợ 246 hoàn cảnh khó khăn, có sự tham gia của 162 nghệ sĩ với số tiền được trao đi là hơn 8 tỷ đồng. MC Quyền Linh cùng “Mái ấm gia đình Việt” sẽ tiếp tục đặt chân tới An Giang Vào các ngày 7,8,9/4/2024, Mái ấm gia đình Việt sẽ dừng chân tại Khu du lịch hồ Ông Thoại, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, tỉnh An Giang để tiếp tục hành trình thực hiện sứ mệnh “mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng”. Theo đó, MC Quyền Linh cùng các nghệ sĩ như: Quốc Thuận, Diệp Lâm Anh, Quốc Trường, Phương Anh Đào, Giang Hồng Ngọc, Đức Phúc, Phương Mỹ Chi, Duy Khánh, Hải Yến Idol, Dương Ngọc Thái… chung tay giúp đỡ 18 hoàn cảnh khó khăn đến từ các địa phương: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ cùng đến tham gia “Mái ấm gia đình Việt” tại An Giang Không chỉ mang đậm văn hóa miền Tây Nam Bộ mà An Giang còn được mệnh danh là vùng đất “sơn kỳ thủy tú”, nơi đây được tạo hóa ban tặng những cảnh quan tươi đẹp và non nước hữu tình. An Giang hội tụ tinh hoa văn hóa của bốn dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer thể hiện ở những công trình kiến trúc, di sản đồ sộ, lối sống đặc trưng hài hòa với bản sắc dân tộc. Riêng với Thoại Sơn, đây là một huyện thuộc tỉnh An Giang, nằm cách thành phố Long Xuyên khoảng 26 km, nổi tiếng với khu di tích Óc Eo, một nền văn hóa cổ xưa gắn liền với vương quốc Phù Nam – một vương quốc hùng mạnh nhất Đông Nam Á từ khoảng thế kỷ I đến thế kỷ VII. Ngoài ra, Thoại Sơn còn có nhiều danh lam thắng cảnh và những đền chùa có giá trị văn hóa khác, như: Núi Sập, đền thờ Thoại Ngọc Hầu, Linh Sơn Cổ Tự… Đặc biệt, tới đây từ ngày 17/4 đến 20/4/2024 sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII, kỷ niệm 195 ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại với chủ đề “Thoại Sơn 45 năm hình thành và phát triển”. Tất cả hội tụ tạo nên một bức tranh phong cảnh bình yên, mộc mạc và giản dị của vùng quê Tây Nam Bộ, những nét đặc trưng trong ẩm thực, những câu chuyện văn hóa đầy màu sắc làm nên sức quyến rũ của Thoại Sơn. Tại mỗi vùng đất “Mái ấm gia đình Việt” đặt chân đến đều đón nhận được tình cảm yêu mến của bà con khán giả Trước khi đặt chân đến miền đất “Sơn kỳ thủy tú”, Mái ấm gia đình Việt đã có 6 số ghi hình tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và nhận được sự quan tâm theo dõi của hàng nghìn khán giả “Xứ trầm hương”. Các nghệ sĩ là NSND Trọng Phúc, nghệ sĩ Thanh Thủy, diễn viên Hoàng Mèo, ca sĩ Quốc Thiên, diễn viên Kiều Minh Tuấn, biên đạo Quang Đăng, ca sĩ Ái Phương, ca sĩ, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, ca sĩ Mlee, ca sĩ Hòa Minzy, ca sĩ Jang Mi, hoa hậu Bùi Xuân Hạnh… đã hết mình dưới tiết trời nắng gắt của Khánh Hòa để giúp đỡ các em nhỏ mồ côi. Những giây phút căng thẳng, chiếc ôm sẻ chia, nụ cười rạng rỡ, giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa… đã lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp, tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng. Khoảnh khắc xúc động trong chương trình “Mái ấm gia đình Việt” tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa Mời quý vị khán giả cùng đến theo dõi chương trình và cổ vũ tinh thần cho các em nhỏ mồ côi trong buổi ghi hình trực tiếp tại Khu du lịch hồ Ông Thoại, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, tỉnh An Giang theo các khung thời gian: Ca sáng bắt đầu từ lúc 7h30; ca chiều bắt đầu vào lúc 13h30 vào các ngày 7,8,9/4/2024. Đón xem Chương trình "Mái ấm gia đình Việt" phát sóng lúc 20h20 thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện, với sự đồng hành của Hệ thống siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen) và ống nhựa Hoa Sen – Dẫn nguồn hạnh phúc.  

Ra mắt Trung tâm đổi mới sáng tạo sản phẩm làng nghề đầu tiên của TP Hà Nội

BTĐKT - Sáng 23/3, trong khuôn khổ Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024, Trung tâm Thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã chính thức ra mắt. Đây là trung tâm đổi mới sáng tạo sản phẩm làng nghề đầu tiên của TP Hà Nội được công bố, gắn biển. Theo ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, đây là mô hình mới trong bảo tồn, phát triển văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch. Nghi lễ cắt băng khai trương Trung tâm Thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng “Trung tâm đổi mới sáng tạo ra đời là nơi tạo điều kiện cho các câu lạc bộ nghệ nhân, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng gốm có sân chơi, có điều kiện phát triển tư duy, sáng tạo ra những sản phẩm, mẫu mã mới. Đặc biệt là gắn những sản phẩm này với việc phát triển đồng bộ về du lịch địa phương trong thời gian tới; đưa du lịch Bát Tràng phát triển mạnh hơn, xứng tầm với văn hóa của làng nghề truyền thống lâu đời Bát Tràng”, ông Phạm Huy Khôi khẳng định. Trước đó, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo kế hoạch, sẽ có từ 5 - 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024. Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024 Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024 Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024 diễn ra trong 3 ngày 23 - 25/3 với nhiều hoạt động phong phú: Dân làng dâng lễ Tam Sinh (trâu, dê, lợn), chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ, dâng lễ Tế Thánh, thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà kính cáo trời đất thủy thần, giao hiếu với 4 làng; thi đấu thể thao: Các trò chơi dân gian và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng… Thông qua Hội xuân truyền thống làng gốm, dân làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an”, “Dân sinh an lành hạnh phúc”, “Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường  khối đại đoàn kết”… Hội làng cũng là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc thánh thần, thành hoàng làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Mai Thảo

Lễ phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2024

BTĐKT - Nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam, tối 29/2, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2024 và chương trình nghệ thuật “Hương sắc áo dài Việt”. Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, các đoàn thể; đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế; các nữ doanh nhân, văn nghệ sĩ... Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: “Tuần lễ Áo dài” năm 2024 sẽ diễn ra từ 1-8/3/2024. Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài; khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài trong cộng đồng; đồng thời, là dịp để giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Màn trình diễn bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và hơn 50 nhà thiết kế trong nước Đồng chí Hà Thị Nga kêu gọi Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc; hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nơi công tác hay tham gia hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực, cụ thể; mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp từ ngày 1 - 8/3/2024, tập trung đồng loạt vào ngày 8/3/2024. Đồng thời, sử dụng các kênh truyền thông của ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau thời gian tổ chức các hoạt động nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài - di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội. Trong khuôn khổ Lễ phát động “Tuần lễ Áo dài” 2024 đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Hương sắc áo dài Việt”. Chương trình gồm các màn trình diễn bộ sưu tập áo dài gắn với ba nội dung chủ đề: "Tự hào áo dài Việt", "Tâm hồn áo dài Việt" và "Tinh hoa áo dài Việt", với bộ sưu tập áo dài nổi bật của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và hơn 50 nhà thiết kế xuất sắc trên cả nước đại diện cho gần 8.500 học viên từ chương trình “Cắt may và thiết kế áo dài” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam tổ chức trong năm 2023. Những bộ sưu tập áo dài được trình diễn tại chương trình lấy cảm hứng sáng tạo từ các di sản nổi tiếng, những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của đất nước Việt Nam, từ quốc kỳ các quốc gia và những dấu ấn ngoại giao đặc biệt giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Mai Thảo

Nghề xôi Phú Thượng trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

BTĐKT - Chiều 17/2, tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đình Phú Gia, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống xôi Phú Thượng lần thứ VII; Lễ công bố quyết định ghi danh nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Nghề thổi xôi Phú Thượng đã có từ lâu đời. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, gần như ai trong làng cũng biết đồ xôi, làm bánh trôi, bánh chay, xôi chè, bánh đa kê, nấu rượu nếp. Hiện làng có 3 nghệ nhân và có đến 600 gia đình đang làm nghề nấu xôi cùng một “hệ thống” bán lẻ với cả trăm người trong làng đưa hương thơm của xôi Phú Thượng đi khắp các ngõ, ngách của Hà Nội, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi cho người dân và địa phương. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến trao quyết định ghi danh nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho phường Phú Thượng Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của quận Tây Hồ, cùng sự chủ động, sáng tạo các nghệ nhân, làng nghề xôi Phú Thượng không ngừng phát triển. Ngoài việc làm xôi phục vụ kinh doanh, Phú Thượng còn là địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách du lịch, nhất là các đoàn học sinh trên địa bàn thành phố đến thăm quan, trải nghiệm nghề truyền thống và tìm hiểu lịch sử văn hóa. Ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng". Năm 2018, xôi Phú Thượng là 1 trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã thu hút sự chú ý của nhiều phóng viên báo chí nước ngoài. Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xôi Phú Thượng. Ngoài ra, xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của thành phố Hà Nội… Để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hóa, ngày 16/2/2024, nghề làm xôi Phú Thượng đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Đây là dịp để tôn vinh giá trị di sản; ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền phường Phú Thượng, các phòng, ngành liên quan của quận và cộng đồng nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống xôi Phú Thượng; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân; từ đó, góp phần tích cực vào việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm du lịch văn hóa của Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh. Mai Thảo    

Xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt

BTĐKT - Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vừa xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt”. Cuốn sách dày 300 trang đã tổng hợp, giới thiệu 70 tấm gương người tốt, việc tốt được lựa chọn từ các điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của các ngành, lĩnh vực, địa phương trên toàn quốc những năm qua. Bìa cuốn sách Nội dung sách viết về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chuyển đổi số; “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”; các phong trào thi đua trong lĩnh vực thể thao, văn hóa… Với cách thể hiện súc tích, sinh động, mỗi bài viết trong sách nhằm tôn vinh những con người tiêu biểu, những mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, giúp người đọc hình dung về hiệu quả công việc cũng như những đóng góp của mỗi người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội. Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau đại thắng mùa xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực, ở mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Những năm gần đây, chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”. Cùng với đó là nhiều phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh của Tổ quốc”, “Thi đua Quyết thắng”… đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, lan tỏa trong cả nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Đó là những tấm gương lao động điển hình trên các công trình xây dựng, trong các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như trên các mặt trận văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục… Xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tài năng, sáng tạo, có đạo đức kinh doanh, chấp hành pháp luật, làm lợi cho đất nước… Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng, hải quan, kiểm lâm sẵn sàng hy sinh trên mặt trận phòng, chống tội phạm, lâm tặc, buôn lậu… Việc phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, mà còn là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy các phong trào thi đua tiếp tục đổi mới và phát triển. Nguyệt Hà  

Trao giải cuộc thi toàn quốc “Thắp sáng những Ngôi sao buổi sớm” năm 2023

 BTĐKT - Trong 2 ngày 2 và 3/12/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Chung kết cuộc thi "Cùng Đức Việt và O'Food thắp sáng những Ngôi sao buổi sớm" - lần thứ IX năm 2023. Đây là cuộc thi dành cho các em học sinh từ lứa tuổi tiểu học đến trung học cơ sở, do "Chuyên đề những Ngôi trường toàn diện" - Tạp chí Thể thao và Cuộc sống và Công ty Truyền thông Văn hóa - Giáo dục Trạng Nguyên phối hợp tổ chức. Ban Tổ chức trao thưởng cho đội thi đạt giải xuất sắc Toàn bộ chương trình chung kết gồm 58 tiết mục, do hơn 200 diễn viên nhỏ tuổi biểu diễn rất thành công. Đây là các diễn viên tiêu biểu được lựa chọn từ vòng sơ khảo cuộc thi đã tổ chức trực tiếp tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Ninh Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa... và thi theo hình thức online. Với các thể loại hát, múa, biểu diễn nhạc cụ, nhảy hiện đại, khiêu vũ thể thao, hầu hết các tiết mục đều tập trung vào chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, thầy cô giáo, tình cảm bạn bè và một số tiết mục thể hiện tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bà Phạm Thị Vân, Phó trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Đây là cuộc thi đã được tổ chức từ năm 2015 và qua 9 lần tổ chức, đã có hàng trăm trường học và hàng triệu học sinh cả nước tham gia với không khí hào hứng, sôi nổi. Các em không chỉ được thể hiện khả năng nghệ thuật của mình, rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin và kỹ năng sống, mà còn được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè nhiều vùng miền khác nhau. Cuộc thi đã góp phần tích cực vào phong trào xây dựng những ngôi trường thân thiện và hạnh phúc. Đối với tập thể, Ban Tổ chức đã trao 1 giải xuất sắc trị giá 80 triệu đồng; 2 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba và nhiều giải thưởng khuyến khích. Đối với cá nhân, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Ngôi sao tỏa sáng, 2 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 1 giải Đội có số lượng khán giả bình chọn cao nhất trên kênh Youtube TRANGNGUYENTUOI13; 1 giải Đội có số lượng khán giả bình chọn cao nhất trên kênh Fanpage TRANGNGUYENTUOI13; mỗi giải trị giá 20 triệu đồng. Phương Thanh

Trang