Xây dựng nông thôn mới

Hải Phòng quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2025

BTĐKT - Thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2025 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận nội dung này trong quý III. Đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, có vỉa hè, có điện chiếu sáng Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, bố trí nguồn lực lớn từ ngân sách thành phố cho chương trình. Mục tiêu tổng quát mà Hải Phòng đề ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới là tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đảm bảo đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Năm 2024 là năm Hải Phòng ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư lớn nhất từ trước đến nay cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn lực ước tính khoảng 39.616 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trực tiếp từ thành phố chiếm 3.783 tỷ đồng, bao gồm 3.738 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; 45 tỷ đồng vốn sự nghiệp hỗ trợ chi phí quản lý, tuyên truyền và các hoạt động khác. Ngoài ra, thành phố còn huy động 5.387 tỷ đồng vốn lồng ghép, 28.246 tỷ đồng vốn tín dụng, 1.000 tỷ đồng từ doanh nghiệp và 1.200 tỷ đồng đóng góp từ nhân dân, chủ yếu thông qua việc hiến đất xây dựng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu. Vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới được phát huy cao độ. Sự tham gia tích cực của người dân đóng vai trò quan trọng trong thành công của chương trình. Riêng trong năm 2024, đã có trên 12.500 tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đã hiến tặng 230.000 m² đất, ước tính trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, để xây dựng và mở rộng các công trình hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, diện mạo nông thôn Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại, với các tuyến đường được thảm nhựa, có chiều rộng từ 3,5m đến 9m, được trang bị điện chiếu sáng và cây xanh. Cơ sở vật chất giáo dục, y tế và văn hóa cũng được nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Kết quả, năm 2024, thành phố đã hoàn thành và thậm chí vượt chỉ tiêu một số mặt trong xây dựng nông thôn mới khi có 100% (137/137) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn thành phố có tới 76% (104/137 xã) xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 9% kế hoạch (12 xã). Thành phố đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận 7/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hải Phòng có 5/6 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong đó, 2 huyện An Lão, Tiên Lãng mới đây đã được Thủ tướng ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đối với 3 huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Bạch Long Vĩ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới đặc thù. Từ nguồn lực nội tại, yêu cầu khách quan và nhiệm vụ chung đã đề ra, ngành nông nghiệp Hải Phòng đặt ra mục tiêu hết năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (trừ 4 xã thuộc huyện Cát Hải: Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Văn Phong). Riêng 4 huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão và Kiến Thụy dự kiến hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Việc chỉ đạo, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ được thực hiện quyết liệt. Các công trình nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung xây dựng từ năm 2024, với mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý II/2025. Ông Lê Anh Tuấn, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hải Phòng cho biết: Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là phát triển mô hình nông thôn mới thông minh, chuyển đổi số và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. "Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, mở rộng sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản, nâng cao đời sống người dân", ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận các huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới đặc thù đối với huyện Bạch Long Vĩ và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã đủ điều kiện. Ngoài ra, Hải Phòng dự kiến nghiên cứu, xây dựng mỗi huyện ít nhất một mô hình xã nông thôn mới thông minh và đặt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong quý III năm 2025. Nguyệt Hà

Đồng Tháp có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

BTĐKT - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang vừa ra quyết định công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Với kết quả này, Đồng Tháp đang tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, thay đổi diện mạo tại các vùng quê và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo đó, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 gồm: xã Bình Thạnh, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười), xã Định Yên (huyện Lấp Vò), xã An Nhơn và xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành). Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao UBND các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Châu Thành và các xã trên tổ chức công bố đúng quy định, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm. Đồng thời, có kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, các xã phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm, có ít nhất 1 mô hình làng thông minh. Ngoài ra, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần đạt đủ các tiêu chí của 1 trong 5 nhóm tiêu chí sau: Sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa và du lịch, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và chuyển đổi số… Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP trên cánh đồng thông minh tại huyện Tháp Mười Theo báo cáo của Sở Nội vụ Đồng Tháp, đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 10/12 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ). Tại Đồng Tháp, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút được người dân và cộng đồng tham gia vào xây dựng nông thôn mới, nhất là những vấn đề thiết thực, tác động trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn. Phong trào đã được tuyên truyền, triển khai quán triệt đến toàn hệ thống chính trị với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; thực hiện có trọng tâm, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Địa phương đã duy trì và phát triển nhiều mô hình hay, hiệu quả như “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”, mô hình “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, mô hình “Biến chất thải nhựa thành tiền”, mô hình “Tổ phụ nữ thân thiện với môi trường - Đi chợ bằng giỏ xách hạn chế sử dụng túi ni-lon”, mô hình “Dòng sông không rác”... đã góp phần xây dựng nông thôn là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống,... Kết quả lớn nhất từ những mô hình này mang lại chính là sự khơi dậy tinh thần cộng đồng, tự lực, chăm chỉ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm ăn của mỗi người dân nông thôn. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ chỗ còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Đồng Tháp đã nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, cùng với sự đồng hành của các ngành, các cấp. Phương Thanh

Xã Yên Thường đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

BTĐKT - Ngày 19/5, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Xã Yên Thường đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Ảnh: Vân Thư) Theo báo cáo của UBND xã Yên Thường, ngay sau khi hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Thường tiếp tục thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết năm 2024, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục và đào tạo, an ninh trật tự. Đáng chú ý, giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn xã tăng bình quân 9% hằng năm; thu nhập bình quân toàn xã tính đến hết năm 2024 đạt 82,76 triệu đồng/người/năm (tăng 30,26 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Việc xây dựng thành công mô hình thôn thông minh tại thôn Xuân Dục đã được cấp ủy, các đoàn thể, cán bộ lãnh đạo từ xã đến thôn chung sức, đồng lòng cùng nhân dân thực hiện đạt các chỉ tiêu thành phần, như: Có tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh với 93,6% hộ có thành viên sử dụng điện thoại thông minh, 2.231 người sử dụng điện thoại thông minh; 80,1% hộ lắp mạng internet; 56,3% hộ lắp đặt camera giám sát. Thôn có 96 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 100% số hộ đều thực hiện quảng bá, tiếp thị sản phẩm trên môi trường mạng xã hội: Zalo, facebook. Thôn tiếp tục vận động nhân dân phát triển thêm các sản phẩm OCOP từ các mặt hàng truyền thống của địa phương cũng như nâng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong thôn mà không dùng tiền mặt… Điểm nhấn trong tiêu chí an ninh trật tự của xã Yên Thường, đó là lực lượng vũ trang xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trên địa bàn xã. Ban Chỉ huy quân sự xã làm tốt công tác quốc phòng quân sự tại địa phương; quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân xã; thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, xã không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội; an ninh trật tự tại địa phương được bảo đảm... Nét nổi trội trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Yên Thường, xã luôn xác định giáo dục là một trong những tiêu chí nền tảng, then chốt. Trên địa bàn xã có 5 trường ở 3 cấp học đều đạt chuẩn quốc gia; trong đó Trường Tiểu học Quang Trung và Trường Tiểu học Yên Thường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tại buổi lễ, xã Yên Thường vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn đã được biểu dương, khen thưởng. VT

Sức sống mới ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

BTĐKT - Về xóm 1 (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), ấn tượng đầu tiên đó là mọi ngõ đường trong xóm đều được bê tông hóa khang trang, hoa và cây xanh trồng hai bên đường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đây chính là kết quả nổi bật của sự đồng lòng, đồng sức, sự cố gắng từng ngày của cán bộ và người dân khu dân cư. Nỗ lực để xứng danh kiểu mẫu Xóm 1 có tổng số 109 hộ với 332 nhân khẩu. Chi bộ xóm có 19 đảng viên nhiều năm đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”. Sau thời gian đoàn kết nỗ lực, tháng 4 năm 2025, xóm 1 đã hoàn thành 10/10 tiêu chí khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Xóm 1 đón bằng công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Từ khi thực hiện chủ trương xây dựng xóm NTM kiểu mẫu, cấp ủy, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Xóm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc được công khai, minh bạch, nhất là những việc do nhân dân bàn và quyết định. Để hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu của tỉnh, các tổ chức, đoàn thể của xóm được giao nhiệm vụ trực tiếp đảm nhiệm các công việc như vệ sinh môi trường, trồng hoa, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm; phát động phong trào thi đua lao động sản xuất; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ… Các phong trào đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quyết định thành công trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, xóm đã vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, phối hợp các hội đoàn thể vận động bà con nông dân hiến đất, góp tiền để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, làm mới hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các công trình công cộng... Nhờ biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, việc làm ổn định nên hiện thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xóm đạt 83,6 triệu đồng/người/năm. Đổi thay từng ngày Từ sự đồng thuận của người dân cùng sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở xóm 1 đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo NTM khởi sắc từng ngày. Với tổng kinh phí đã huy động đạt 17 tỷ 442 triệu đồng, hiện nay 100% các hộ trong xóm xây dựng được nhà ở kiên cố, nhà cao tầng khang trang, được sử dụng nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường. 100% đường bê tông được cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng từ năm 2022 – 2025, xóm đã vận động nhân dân nâng cấp, sửa chữa, làm mới 7 tuyến đường trong ngõ xóm với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Trong đó, UBND xã hỗ trợ 120 tấn xi măng, còn lại do nhân dân và con em quê hương đóng góp. Toàn xóm hiện có trên 91% hộ được công nhận gia đình văn hóa, không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 78 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng cảnh quan môi trường sống được đặc biệt quan tâm. Phong trào xây dựng đường cây, đường hoa được phát động và thu hút sự vào cuộc của nhân dân. Trong xóm đã thành lập được tổ thu gom rác thải, người dân thực hiện xử lý phân loại rác ngay tại hộ. Đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, xóm được công nhận đạt chuẩn về an toàn, an ninh trật tự. Công tác y tế, giáo dục cũng đạt nhiều kết quả khả quan, 100% các cháu trong độ tuổi được đi học, không có trường hợp thất học, bỏ học, tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 96,21%. Người dân thực hiện tốt phong trào “Ngày thứ Bảy xanh, ngày Chủ nhật sạch”, xóm đã trồng được đường cây xanh, đặt 65 chậu hoa giấy tại các tuyến đường, làm mới 350m bồn hoa, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân. Xóm 1 là một trong những điểm sáng trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của địa phương. Đội ngũ cán bộ xóm năng động, nhiệt tình, đoàn kết, nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Kết quả được chứng minh rõ khi thời gian qua, người dân xóm đã đồng hành cùng cán bộ, đảng viên xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp. Tùng Chi

Hà Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Những năm qua, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Hà Nam được quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 6/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Tiêu Động (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) ngày càng được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp. Thực hiện phong trào thi đua, công tác xây dựng NTM tại tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ; sức sống và diện mạo nông thôn ngày càng khang trang. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị với việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, từng bước thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh. Tỉnh đã hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư, nâng cấp các điểm tập kết trung chuyển rác thải sinh hoạt… đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thông qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển ổn định vững chắc. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học các cấp được các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, bổ sung, giữ vững chất lượng giáo dục và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đổi mới. Hoạt động văn hóa tại các địa phương ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện nếp sống văn minh gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Các địa phương tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên được quan tâm nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác phổ biến, giáo dục tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở được quan tâm thực hiện. Đồng thời nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội ở nông thôn. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Nâng cao năng lực xây dựng NTM và tăng cường truyền thông về xây dựng NTM và thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, đến nay, tỉnh Hà Nam có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Có 157 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao). Công tác duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM, NTM nâng cao và các quy định xã NTM kiểu mẫu đáp ứng theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 được các địa phương triển khai tích cực. Năm 2025, Hà Nam phấn đấu có huyện Bình Lục được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; công nhận thêm từ 3 - 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu lên 52 - 55/65 xã; cơ bản các xã hoàn thiện các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 72 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1,56%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%, công nhận thêm từ 20 - 25 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" tỉnh Hà Nam năm 2025 và các kế hoạch thực hiện các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, khơi dậy và phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, vai trò chủ thể của người dân; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực trong xây dựng NTM và tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu… Thu Phương

Xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024

BTĐKT - Ngày 25/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) tổ chức lễ công bố xã Thượng Kiệm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình; Trần Xuân Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn; lãnh đạo UBND, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, các phòng, ban của huyện Kim Sơn và cán bộ, nhân dân xã Thượng Kiệm. Đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường trao Bằng công nhận và tặng hoa chúc mừng mừng xã Thượng Kiệm Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh trao Bằng công nhận và tặng hoa chúc mừng mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thượng Kiệm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục năm 2024. Xã Thượng Kiệm có vị trí địa lý gần trung tâm hành chính huyện Kim Sơn, diện tích tự nhiên 677,4 ha với hơn 2.200 hộ, 7.800 nhân khẩu, xã có 11 xóm trong đó có 7 xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xóm (xóm Vinh Ngoại) đạt tiêu chí thôn thông minh; tỷ lệ dân số theo Công giáo chiếm 30,1%; Xã có 18 chi bộ với trên 350 đảng viên. Là một trong hai xã đầu tiên của huyện Kim Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, cũng là một trong hai xã đầu tiên của huyện Kim Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục. Ngày 27/12/2024, xã Thượng Kiệm đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Quyết định công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục năm 2024 tại Quyết định số 1214/QĐ-UBND. Đây là xã thứ hai của huyện Kim Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2024, giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt 150 triệu đồng/ha. Trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã nông nghiệp, có 1 sản phẩm OCOP 4 sao (giỏ đay Hiếu Lâm). Thu nhập bình quân đầu người đạt 80,47 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,96%; Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 72,13%; Sự hài lòng của người dân đạt 99,95%. Nhân dịp nay, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn xã Thượng Kiệm đã được UBND tỉnh, UBND huyện Kim Sơn và xã Thượng Kiệm khen thưởng biểu dương tại lễ công bố. Đăng Luân  

Sức sống mới ở miền quê kiểu mẫu

BTĐKT - Diện mạo làng quê thay đổi, những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn. Đây là thành quả của sự đồng lòng, chung sức của nhân dân tạo nên những miền quê đáng sống trên quê hương Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016 và NTM nâng cao năm 2021, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vinh Quang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Ban Chỉ đạo NTM của xã đã thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế với số tiền trên 87,4 tỷ đồng. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tới nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, 3/3 tiêu chí NTM kiểu mẫu và 3/3 tiêu chí về kiểu mẫu giáo dục. Tháng 3/2025, xã vinh dự được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang trao quyết định xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cho xã Vinh Quang Thôn Phong Quang được chọn là thôn điểm xây dựng thôn kiểu mẫu của xã Vinh Quang. Ông Phan Hồi Tỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Phong Quang cho biết, thực hiện xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về xây dựng thôn mới thông minh, tiếp tục huy động sự chung tay, đóng góp của người dân trong thực hiện. Trên cơ sở đó, 100% hộ dân đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống, từ việc cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, thanh toán không dùng tiền mặt, sổ tay điện tử VneID….  Bên cạnh đó, thôn còn lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, cài đặt Wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn, lắp đặt Camera để giám sát an ninh, trật tự tại thôn. Xác định mục tiêu chính của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với 32,5 ha diện tích trồng gấc, 45 ha diện tích trồng dưa chuột, 5 ha vùng trồng rau VietGap và 162,1 ha diện tích trồng nhãn, trên 100 ha diện tích trồng cây ăn quả các loại như ổi, bưởi, chanh… Xã duy trì hoạt động hiệu quả của 3 Hợp tác xã Nông nghiệp và 1 tổ hợp tác trồng rau; duy trì 2 nhãn hiệu OCOP 3 sao là thịt trâu khô Tiến Quang và ốc nhồi gác bếp Nguyệt Phạm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ ở địa phương cũng phát triển. Đến nay, xã có 471 hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ gồm: Ngành nghề thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp, 16 lò đường mật, 2 xưởng chế biến sắn, sản xuất gạch không nung, phát triển dịch vụ vận tải, sửa chữa cơ khí, gò hàn, nghề đan cót... Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đang tạo việc làm cho khoảng hơn 2.000 lao động, chiếm trên 30% số người trong độ tuổi lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 xã đạt 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 11% so với yêu cầu thu nhập năm 2023 đối với xã NTM nâng cao. Lớp học mầm non thôn Quang Hải, xã Vinh Quang được xây dựng khang trang Cùng với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, xã Vinh Quang đã phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn. Xác định giáo dục là lĩnh vực nổi trội, Vinh Quang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các hạng mục xây dựng phòng học, phòng chức năng các trường học. Hiện nay xã có trường mầm non, tiểu học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; trường THCS đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Các phòng học đa phần đều trang bị máy chiếu hoặc tivi màn hình rộng, thuận tiện cho việc dạy học và khai thác các học liệu điện tử; các nhà trường có đủ phòng học, phòng chức năng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng tốt cho việc dạy và học của nhà trường... Bên cạnh đó, tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tăng dần theo năm, đến nay đạt 72% trong đó qua đào tạo nghề đạt 36,1%. Tỷ lệ bê tông hóa đường trục thôn và liên thôn xã là 37,56 km, đạt 100%. UBND xã đã triển khai cắm biển báo, biển chỉ dẫn giao thông; 100% các tuyến đường có khu dân cư sinh sống có hệ thống đèn chiếu sáng, bố trí xây dựng vị trí gờ giảm tốc đạt 50% tại các tuyến đường liên thôn đấu nối với quốc lộ. Duy trì hoạt động của tổ tự quản về quản lý và vệ sinh các tuyến đường thôn xóm... Về Vinh Quang hôm nay, dễ dàng nhận thấy nơi đây đang từng ngày “thay da đổi thịt”, phồn thịnh hơn xưa. Kết quả đó là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Trên hành trình mới, Vinh Quang sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng NTM bền vững, NTM thông minh, để trở thành một vùng quê đáng sống. Bảo Linh  

Hành trình “chinh phục” huyện nông thôn mới nâng cao

BTĐKT - Từ một huyện miền núi sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, đến nay huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện. Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023 và tiếp tục đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Một tuyến đường ở xã Cù Vân Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, toàn diện, bài bản, có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả. Chương trình xây dựng NTM luôn được xác định chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, cùng cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền; sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân, sau 14 năm triển khai thực hiện, huyện đã huy động được hơn 25 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM. Đến nay, huyện Đại Từ đã đạt đủ điều kiện, yêu cầu đối với huyện NTM nâng cao. 25/25 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 16/25 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2/25 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thị trấn Hùng Sơn và thị trấn Quân Chu đã được công nhận thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện xây dựng được 2 mô hình xóm thông minh là xóm Trung Na (xã Tiên Hội) và xóm Đồng Tiến (xã La Bằng); 1 mô hình xã thông minh là xã Tiên Hội… Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của huyện ngày càng khang trang, hiện đại. Nổi bật như: Đường giao thông vào khu vực chùa Thiên Tây Trúc, thị trấn Quân Chu; đường Nam sông Công kéo dài; mở rộng 2 tuyến đường Bản Ngoại - La Bằng và Tiên Hội - Hoàng Nông; mở rộng và xây dựng hạ tầng khuôn viên phía trước Di tích lịch sử Quốc gia 27-7, Quảng trường 27-7; xây dựng Trung tâm văn hóa các dân tộc huyện Đại Từ… Hiện 100% xã trên địa bàn huyện có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện. 100% số hộ dân, số xóm, tổ dân phố thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia. Đến hết năm 2024, huyện Đại Từ có 4 trường THPT: Lưu Nhân Chú, Nguyễn Huệ, Đội Cấn và THPT Đại Từ, đều được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đảm bảo công tác dạy và học, 3/4 trường THPT được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2… Vùng chè ở La Bằng Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, huyện Đại Từ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Huyện là cầu nối giữa vùng an toàn khu (ATK) Thái Nguyên với Tuyên Quang, được công nhận là vùng ATK của trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của địa phương đã được chính quyền các cấp quan tâm, nhân dân hưởng ứng, như lễ hội Núi Văn - Núi Võ, lễ hội Nghè, lễ hội chùa Sơn Dược, lễ hội đình Làng Cướm, lễ hội đền Tăng, lễ hội Trà… Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, bảo quản định kỳ trên 20 di tích với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện Đại Từ được phê duyệt tổng diện tích quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) thời kỳ 2021 - 2030 là hơn 244 ha, gồm 5 CCN: CCN An Khánh 1, diện tích quy hoạch 50 ha; CCN Hà Thượng 59,4 ha; CCN Phú Lạc 2 là 16,8 ha; CCN Quân Chu 50 ha; CCN Cát Nê - Ký Phú 68 ha. Hiện nay, CCN An Khánh 1 có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Trong những năm qua, huyện Đại Từ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao; 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Hiện nay, Đại Từ có 53 làng nghề chè. Tất cả các cơ sở, hộ gia đình thuộc các làng nghề chè đã thực hiện việc đăng ký, cam kết bảo vệ môi trường. 100% xã đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh, sạch, đẹp; trên 88% số hộ thực hiện chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, vườn phù hợp, đảm bảo mỹ quan... Xác định không có “điểm dừng” trên hành trình xây dựng NTM nâng cao, huyện Đại Từ phát huy hiệu quả nguồn lực, tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, góp phần xây dựng quê hương Đại Từ ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình. Bảo Linh

Lào Cai: Các cấp hội nông dân đồng hành xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân tỉnh Lào Cai đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế, đóng góp công sức xây dựng hạ tầng nông thôn. Các cấp hội đã gắn nội dung phong trào xây dựng nông thôn mới với các nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của hội. Để thực hiện được vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng phong trào sát dân, sát cơ sở, để hỗ trợ nông dân; xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Hội viên nông dân Bát Xát thử nghiệm mô hình trồng hoa xen canh rau màu Năm 2024, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vận động hội viên, nông dân hiến 135.600 m2 đất, đóng góp trên 14.000 công lao động; làm mới và tu sửa 459 km đường giao thông liên thôn; chỉnh trang, làm mới 905 căn nhà; xóa 1.575 nhà tạm cho hội viên, nông dân nghèo. Các cơ sở hội còn phối hợp với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cung ứng phân bón và giống cây trồng các loại trị giá gần 2 tỷ đồng cho hội viên nông dân; mở 12 lớp đào tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 5.000 lao động nông thôn…     Ngoài ra, các cơ sở hội còn tích cực vận động hội viên tham gia phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn, xây gần 100 mô hình xử lý rác thải sinh hoạt... Tính đến nay, toàn tỉnh có 62/126 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ sở hội phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch, dịch vụ ẩm thực, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao tiêu biểu đang được duy trì và phát triển. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Hồng Điều, thôn Lương Hải, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên đã tận dụng nguồn nước từ khe, suối để tập trung phát triển nghề nuôi cá bỗng. Giờ đây, ông Điều đã có trên 600 con cá bỗng, giá bán từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Duy Thành, thôn Sả Hồ, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà đẻ trứng. Áp dụng phương pháp chăn nuôi hiện đại, đầu tư hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn đảm bảo cho gia cầm phát triển tốt phòng, tránh được dịch bệnh. Hiện, trang trại của anh Thành có 5.000 con gà đẻ, cung cấp ra thị trường khoảng 120.000 quả trứng/tháng, thu lãi khoảng 80 triệu đồng/tháng. Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; tạo sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Nguyệt Hà

Phát triển sản phẩm thanh long sạch, thúc đẩy kinh tế nông thôn

BTĐKT - Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong hành trình tạo dựng thương hiệu và làm ra những sản phẩm độc đáo, đến nay Hợp tác xã (HTX) Thanh long sạch Hòa Lệ (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn với thu nhập ổn định. Đây là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của tỉnh Bình Thuận. Đoàn công tác Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thăm và làm việc tại Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ HTX Thanh long sạch Hòa Lệ được thành lập ngày 24/7/2017, hiện có 19 thành viên chính thức, 30 thành viên liên kết và 4 HTX liên kết chuỗi tiêu thụ thanh long. Diện tích canh tác của HTX khoảng 200 ha; xưởng sơ chế thanh long, chế biến các sản phẩm từ thanh long rộng trên 3.000 m2. Từ khi tham gia Chương trình OCOP vào năm 2020, HTX Hòa Lệ đã không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đến nay, HTX phát triển và ngày càng nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến từ thanh long với 17 chứng nhận OCOP và 5 chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ký kết với các công ty, các điểm phân phối sản phẩm trong và ngoài tỉnh, ngoài nước. Nhiều sản phẩm chế biến từ thanh long của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: Rượu đế thanh long, rượu thanh long Men’s, rượu vang thanh long, nước cốt thanh long, trà hoa thanh long, hoa thanh long sấy, thanh long sấy dẻo trắng - đỏ, mứt thanh long, kem thanh long, tinh dầu thanh long, bánh quy thanh long, kẹo thanh long, bột thanh long sấy thăng hoa... Đặc biệt, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ đã chú trọng đến việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các sản phẩm của HTX Hòa Lệ không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại, với quy trình sản xuất được cập nhật qua nhật ký điện tử, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, HTX cũng hợp tác chặt chẽ với các nhóm liên kết chuỗi, hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mở ra cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.  “Để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, HTX hướng dẫn các thành viên tuân thủ những quy định như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực. Việc bảo đảm các yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tạo điều kiện HTX nhanh chóng được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, VietGAP. Đây là giấy thông hành giúp thanh long HTX thâm nhập thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu”, ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX chia sẻ. Hằng năm, HTX tiêu thụ trên dưới 6.000 tấn thanh long cho thành viên, các HTX liên kết chuỗi và nông dân trong và ngoài huyện, giải quyết việc làm thường xuyên bình quân 80 - 100 lao động với thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương: Tổ chức tặng quà tết cho công nhân, các hộ nghèo và gia đình chính sách tại địa phương, đóng góp cho các phong trào đền ơn đáp nghĩa… Vùng nguyên liệu thanh long xanh của HTX Năm 2023, HTX đã phát triển thêm vùng nguyên liệu thanh long xanh, giảm năng lượng tiêu thụ bằng phương pháp tưới nhỏ giọt, chong bóng đèn led 9W, sử dụng thêm điện năng lượng mặt trời, giảm khí thải nhà kính. HTX cũng đang phát triển thêm dịch vụ du lịch canh nông kết hợp với tham quan vùng trồng thanh long xanh, hầm rượu vang tại thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Thanh long sạch Hòa Lệ cho biết: Trong hướng phát triển, HTX sẽ tiếp tục hợp tác mở rộng thị trường, nâng sản lượng thu mua xuất khẩu thanh long khoảng 8.000 tấn/năm. Cụ thể, sẽ phát triển thêm thành viên, mở rộng diện tích vùng trồng thanh long đạt chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính, mở rộng nhà sơ chế, kho lạnh, đầu tư trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn Global G.A.P, Viet GAP, hữu cơ… Phát huy các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thanh long, tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP của HTX thông qua nền tảng bán hàng online, nâng cấp website, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử… Thu Phương

Trang