TĐKT – Trong hai ngày 29 - 30/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (HASEF) TP Hà Nội, năm học 2018 - 2019 tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Cuộc thi được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào để giải quyết những vấn đề thực tiễn, trong cuộc sống; đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh.
Cuộc thi HASEF quy tụ 91 đề tài, dự án nghiên cứu xuất sắc ở 16 lĩnh vực của 175 tác giả. Trong đó, có 84 đề tài tập thể, 7 đề tài cá nhân; cấp THCS có 30 đề tài, THPT có 61 đề tài đến từ 57 trường.
175 thí sinh đến từ 57 trường tham gia chung khảo cấp TP cuộc thi HASEF dành cho học sinh trung học
Báo cáo tổng kết cuộc thi, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội Kiều Văn Minh cho biết: Trong cuộc thi HASEF lần thứ 8, các tác giả đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo ở 16 lĩnh vực đặc biệt ham thích và say mê. Nhiều nhất là các đề tài tập trung ở nhóm lĩnh vực về Khoa học vật lí và phần mềm, Sinh học, Hóa học, Y sinh, Khoa học xã hội…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, rất nhiều đề tài, dự án có tính thực tiễn cao, thể hiện tinh thần sáng tạo đi đôi với trách nhiệm hướng về xã hội, con người và trách nhiệm với công dân.
Trong số 91 đề tài, dự án dự thi, Ban giám khảo đã chấm và trao thưởng cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc, trong đó có 9 trường THPT (Chu Văn An, Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Yên Hòa, Kim Liên, Đào Duy Từ, Hai Bà Trưng - Thạch Thất, Phạm Hồng Thái, Vinschool), 4 phòng GD&ĐT (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Tây Hồ).
Các học sinh đạt giải cuộc thi được tặng Giấy khen
Ban giám khảo cũng chọn những đề tài xuất sắc để trao 14 giải nhất, 19 giải nhì, 25 giải ba, 31 giải khuyến khích. Hầu hết các đề tài nghiên cứu tham gia đều là những vấn đề thực tế gần gũi với cuộc sống, giải quyết các vấn đề trong học tập, giao tiếp có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất cao. Có những đề tài rất “nóng” như: Tác động “nói xấu đám đông” trên mạng xã hội thời 4.0; Điện thoại thông minh và tương tác xã hội; Hậu quả của thao túng tâm lý học đường; Điều khiển xe lăn bằng cảm biến điện cơ cho người khuyết tật…
Một số dự án có tính khoa học sáng tạo khá cao, thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu tốt, xây dựng và thử nghiệm hiệu quả. Các dự án xác định mục tiêu kỹ thuật rõ ràng, biết suy luận và triển khai thực nghiệm. Nhiều học sinh đã thể hiện được phong cách và phương pháp nghiên cứu khoa học, tự tin trong báo cáo và trả lời chất vấn của các nhà khoa học. Khả năng trình bày và trả lời chất vấn lưu loát của học sinh đã thể hiện rất tốt các kỹ năng nghe, nói và thực hành giao tiếp - đây là điều rất cần thiết cần phát huy trong xu thế hội nhập toàn cầu và phát triển quốc tế.
Ban tổ chức đã biểu dương các đơn vị có nhiều đề tài, dự án tham gia HASEF lần thứ 8: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với 8 đề tài, dự án; Chuyên Nguyễn Huệ với 6 đề tài, dự án; Chu Văn An với 5 đề tài, dự án…; các phòng GD&ĐT Cầu Giấy, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ba Đình có sự gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng dự án, sản phẩm của học sinh cấp THCS.
“Thành công nhất của cuộc thi không chỉ là các giải thưởng mà là một không khí lễ hội và sự say mê nghiên cứu, thực hành. Các em đã chứng minh một chân lý: Trong khoa học không có con đường nào bằng phẳng, thênh thang. Ý chí, nghị lực và sự rèn luyện là bước khởi đầu cùa những nấc thang để bước dần đến đỉnh cao của vinh quang và trí tuệ” - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Kiều Văn Minh nhấn mạnh.
Cuộc thi HASEF lần thứ 9, năm học 2019 – 2020 cũng được phát động, với kỳ vọng sẽ có nhiều đề tài xuất sắc, nhiều ý tưởng khoa học, kỹ thuật táo bạo có tính khả thi cao, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Hưng Vũ