TĐKT - Chiều 9/9, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) (17/9/1947 - 17/9/2022). Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Cùng dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa tặng hoa chúc mừng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương
Về phía Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, có các đồng chí: Cao Kim Hường, nguyên Viện trưởng Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, nguyên Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Trần Thị Hà, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương qua các thời kỳ; lãnh đạo các vụ, đơn vị cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trình bày diễn văn kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Viện Huân chương
Trình bày diễn văn ôn lại truyền thống 75 năm Ngày thành lập Viện Huân chương, đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, để giải quyết nhiệm vụ cấp bách như chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Chủ tịch phủ, có nhiệm vụ: Nghiên cứu các chủ trương, chính sách, chế độ và các hình thức khen thưởng của Nhà nước để trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp. Thẩm tra đề nghị khen thưởng của các bộ, ngành, địa phương và đặc khu trực thuộc trung ương, trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc trình Hội đồng Nhà nước xét quyết định khen thưởng. Sản xuất, bảo quản, cấp phát, lưu trữ các hiện vật, hồ sơ khen thưởng, thu hồi hoặc đổi các hiện vật khen thưởng theo quy định.
Việc thành lập Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch, tham mưu cho người đứng đầu Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ về khen thưởng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác khen thưởng, đánh dấu mốc son đầu tiên trong quá trình 75 năm hình thành và phát triển của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến, Viện Huân chương đã hoàn thành kịp thời các chủ trương, quyết định khen thưởng của Nhà nước và Chính phủ. Trong đó, chủ yếu và xuyên suốt là khen thưởng thành tích chiến đấu qua các chiến dịch, mặt trận và các cuộc tổng tiến công, kịp thời động viên bộ đội, du kích, nhân dân và cán bộ phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau khi đất nước thống nhất, Viện Huy chương đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ tập trung khen thưởng thành tích kháng chiến với hàng triệu tập thể, cá nhân được tặng thưởng các hình thức huân, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi khác nhau, từ Viện Huân chương (năm 1947), Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước (năm 1987) đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (năm 2004), Viện Huân chương trước đây, Ban Thi đua - Khen thưởng hiện nay đều hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đã luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; luôn chủ động, sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng đúng định hướng, đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tham mưu trình Bộ Chính trị Đề án "Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" và Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng các năm 2005, năm 2013 và gần đây nhất là Luật Thi đua, khen thưởng được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (ngày 15/6/2022); trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Tham mưu tổ chức thành công các kỳ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, để tổng kết phong trào thi đua qua các giai đoạn và biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động nhiều phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt: Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" và phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19"... gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Ban đã hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức rộng khắp các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác khen thưởng được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, chính xác, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo tính biểu dương, tôn vinh.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành Thi đua, khen thưởng, của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đi trước trong 75 năm qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hôm nay đang cố gắng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đạt được, đồng thời biểu dương tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo, cần mẫn, tâm huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng cần phải năng động hơn, nhạy bén, linh hoạt, tham mưu một cách kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để các phong trào thi đua yêu nước thiết thực nhất, qua đó khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Đồng chí mong muốn Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm và cơ bản: Nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thấu đáo để cụ thể hóa Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 sớm đi vào cuộc sống; tập trung nghiên cứu, tham mưu, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua; có nhiều hình thức khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, chú trọng phát hiện các nhân tố mới, khen thưởng đột xuất, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đặc biệt quan tâm khen thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học, công nhân, nông dân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp, để tạo ra động lực trong lao động, chiến đấu, học tập, thực sự tạo sức lan tỏa sâu rộng và có giá trị xã hội tích cực cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông về thi đua, khen thưởng, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số để đổi mới cách thức giải quyết công việc một cách kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ chủ động tập trung xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý của Ban cũng như các đơn vị, có năng lực quản lý, tâm huyết, trách nhiệm, có bản lĩnh, có tư duy đột phá, có tầm nhìn dài hạn. Tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật để phát huy được văn hóa công vụ và làm tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng tiếp nối truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sẽ làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đồng chí Cao Kim Hường nguyên Viện trưởng Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, nguyên Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi lễ
Đại diện các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Cao Kim Hường, nguyên Viện trưởng Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, nguyên Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã ôn lại truyền thống, chia sẻ những kỷ niệm, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình công tác, khẳng định vị trí, vai trò của Viện Huân chương, nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đối với sự phát triển của đất nước. Đồng chí lưu ý muốn công tác thi đua, khen thưởng phát triển, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phải làm cho mọi người hiểu về thi đua, khen thưởng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thưởng, phạt phải nghiêm minh mới có tác dụng mạnh mẽ trong động viên, cổ vũ hoặc răn đe; thủ tục khen thưởng cần chính xác, kịp thời, đúng pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi lễ
Đại diện thế hệ trẻ, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương khẳng định quyết tâm: Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Thi đua, Khen thưởng qua các giai đoạn cách mạng, tuổi trẻ Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nguyện tiếp tục “rèn đức, luyện tài”, đề cao trách nhiệm, cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo, từng bước đưa Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 đi vào cuộc sống, góp phần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một phương thức quản lý của chính quyền và là động lực để xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyệt Hà