TĐKT - “Tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thì công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là vô cùng quan trọng, có thể nói đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án.” – Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tuyến đường Vành đai liên vùng quan trọng, kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô. Chủ trương đầu tư của Dự án đã được Quốc hội thông qua với tổng tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư đến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.
Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 sẽ tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc liên kết ngành, liên kết vùng và khai thác tối đa lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị, tạo các cực tăng trưởng mới; đồng thời tổ chức và phân bố lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng Thủ đô. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ký giao ước thi đua giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Qua tính toán có thể thấy diện tích đất cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất lớn, với 1.341 ha, trong đó: Thành phố Hà Nội cần thu hồi khoảng 741 ha tại địa bàn 7 quận, huyện; tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326 ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố; tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274 ha tại địa bàn của 4 huyện. Do đó, việc cam kết tiến độ và ký kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là rất quan trọng và cần thiết.
“Tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thì công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là vô cùng quan trọng, có thể nói đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án.”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội khẳng định.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã chính thức được thành lập và công bố công khai vào ngày 30/9/2022. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo có lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.
Ban Chỉ đạo Dự án cũng đã phát động phong trào thi đua thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thống nhất, thi đua đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, tái định cư phục vụ thi công của dự án”.
Theo đó, 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên) tham gia triển khai dự án đã ký kết Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, với 6 nội dung giao ước chung, 3 nội dung thi đua cụ thể.
Trong đó, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất, việc xây dựng, trình UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư xong trong tháng 10/2022. Tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc GPMB và bàn giao ranh giới GPMB cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022 và hoàn thành toàn bộ chậm nhất trong tháng 11/2022. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành Quyết định thu hồi đất và GPMB, tái định cư xong toàn dự án đầu tư hoàn thành tháng 12/2023.
Về bàn giao mặt bằng, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất: Tháng 6/2023, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình. Tháng 12/2023, cơ bản bàn giao mặt bằng đối với toàn tuyến của Dự án. Phấn đấu khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.
Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị 3 địa phương cần phải quán triệt và thực hiện tốt 7 nhiệm vụ. Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm GPMB đầu tư dự án, làm cơ sở để các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất bị ảnh hưởng biết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường GPMB.
Đặc biệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường cải cách hành chính, duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, xác định đây là một dự án trọng điểm quốc gia, nên tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo, do trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. 4 huyện, thành phố có dự án đi qua cũng đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có một số khó khăn, trong đó có một số khu vực lịch sử đất đai phức tạp, tới đây Tỉnh ủy sẽ có hội nghị chuyên đề về dự án này, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao đối với dự án, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tin tưởng, với lộ trình và quyết tâm cao được 3 địa phương cam kết, công tác GPMB và tái định cư Dự án sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, việc ký giao ước thi đua là một hoạt động rất thiết thực, mở đầu cho một chuỗi hoạt động liên quan đến công tác triển khai của Dự án. Nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đối với việc kết nối, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định quyết tâm sẽ triển khai công tác GPMB đúng tiến độ, để đến ngày 30/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng, khởi công dự án; cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cũng kiến nghị Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ duy trì họp thường xuyên, định kỳ để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Hưng Vũ
Hà Nội thi đua ái quốc
TĐKT - Tối 2/10, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Lễ trao Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022.
Dự buổi lễ, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo TP Hà Nội.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Thành ủy Hà Nội phát động và tổ chức. Giải báo chí ngày càng thu hút đông đảo cơ quan báo chí, người làm báo của trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố bạn tham gia với số lượng và chất lượng tác phẩm tăng đều theo từng năm, khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của giải trước các vấn đề phát triển văn hóa của Hà Nội.
Năm nay, giải tiếp tục thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo phóng viên và các cơ quan báo chí. Ban Tổ chức đã tiếp nhận 265 tác phẩm của 40 đơn vị, cơ quan báo chí, trong đó, có 96 tác phẩm báo in, 113 tác phẩm báo điện tử, 17 tác phẩm phát thanh, 39 tác phẩm truyền hình.
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Lại Xuân Môn và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả
Với tinh thần khách quan, công tâm và trách nhiệm cao, Hội đồng chấm giải đã thống nhất bình chọn được 2 cơ quan báo chí đồng hạng xuất sắc và 33 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, có 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích. Những kết quả đạt được thể hiện tình yêu và tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm của người làm báo đối với Thủ đô Hà Nội.
Theo đánh giá của Hội đồng chấm giải, năm nay, các tác phẩm báo chí dự thi có nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, chất lượng đồng đều hơn. Nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội.
Giải đồng hạng Xuất sắc được trao cho đại diện 2 đơn vị Trung tâm Truyền hình Thông tấn và Báo Kinh tế và Đô thị
Đồng chí Chử Xuân Dũng và đồng chí Bùi Hoài Sơn trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm và đồng chí Phùng Thị Hồng Hà trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả
Danh sách tác phẩm đạt Giải A:
1. Tác phẩm “Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu?” của nhóm tác giả Báo Kinh tế và Đô thị
2. Tác phẩm “Số hóa di sản để hồi sinh và khơi dòng lịch sử” của nhóm tác giả Chuyên đề An ninh Thủ đô - Báo Công an Nhân dân
3. Tác phẩm “Bữa cơm 1K cho bệnh nhi ung thư” của nhóm tác giả VTV24
Danh sách các tác giả, tác phẩm đạt Giải B:
1. Tác phẩm “Quy hoạch sông Hồng - Thuận thiên và thuận nhân” của nhóm tác giả Báo Hà Nội mới
2. Tác phẩm “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa” của nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân
3. Tác phẩm “Nước mắt của di sản” của tác giả Hoàng Lan, Báo Phụ nữ Thủ đô
4. Tác phẩm “Di tích, danh thắng Hà Nội đổi mới để thu hút khách du lịch” của tác giả Thanh Hồng (Đài PT-TH Hà Nội)
5. Tác phẩm “Người mẹ thứ hai” của nhóm tác giả VOV1
Danh sách các tác giả, tác phẩm đạt Giải C:
1. Tác phẩm “Ẩm thực Hà Nội, từ biểu tượng thành mũi nhọn xuất khẩu văn hóa” của nhóm tác giả Báo Hà Nội mới
2. Tác phẩm “Sự trỗi dậy của một trung tâm du lịch châu Á” của nhóm tác giả Báo Đầu tư
3. Tác phẩm “Văn hoá số và khát vọng thanh niên” của nhóm tác giả Báo Tuổi trẻ Thủ đô
4. Tác phẩm “Nâng tầm nhà hát Thủ đô” của nhóm tác giả Báo Tiền phong
5. Tác phẩm “Tìm hướng đi cho không gian văn hoá cộng đồng” của nhóm tác giả Báo Nhân dân
6. Tác phẩm “Phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây” của nhóm tác Báo Tổ quốc
7. Tác phẩm “Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội”của tác giả Nguyễn Văn Định (Báo Dân Việt)
8. Tác phẩm “Đối thoại Hà Nội: Phân vùng hạn chế xe máy” của nhóm tác giả Truyền hình Thông tấn xã
9. Tác phẩm “Giọng đọc Hà Nội mang ký ức người Hà Nội” của nhóm tác giả Đài PT-TH Hà Nội.
10. Tác phẩm “Hoàng thành Thăng Long - Điểm nhấn trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích khảo cổ học” của nhóm tác giả Truyền hình Quốc hội
Mai Thảo
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội: 60 năm chung tay xây dựng Thủ đô
TĐKT – Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (tiền thân là Viện Thiết kế quy hoạch Hà Nội) được thành lập năm 1962, với sứ mệnh tổ chức nghiên cứu thiết kế, đáp ứng các yêu cầu quản lý phát triển và xây dựng thành phố theo quy hoạch. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội từng bước lớn mạnh, đến nay, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, có tổng số gần 170 cán bộ, viên chức, người lao động thuộc 9 phòng chức năng và trung tâm quy hoạch - kiến trúc; trở thành cơ quan tư vấn hàng đầu về quy hoạch xây dựng của Thủ đô. Với kinh nghiệm dày dặn về chuyên môn trong công tác quy hoạch xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội luôn là lựa chọn hàng đầu để lập các đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội. Sự tham gia của Viện như một đảm bảo cho chất lượng đồ án đối với cả cơ quan quản lý các cấp cũng như chủ đầu tư. Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội Những năm qua, Viện đã phát huy được vai trò của cơ quan chuyên môn trong quy hoạch phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; là đầu mối lập quy hoạch, lập chỉ giới đường đỏ, quản lý các số liệu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố. Các đồ án quy hoạch do Viện Quy hoạch xây dựng thực hiện về cơ bản có chất lượng nghiên cứu tốt, phù hợp với thực tiễn, là công cụ để các cấp chính quyền quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; kêu gọi và thu hút đầu tư. Viện đã được thành phố tín nhiệm giao nhiệm vụ nghiên cứu các quy hoạch chi tiết quận, huyện để cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được phê duyệt năm 1998 và ở giai đoạn sau là 34/38 quy hoạch phân khu đô thị trong đô thị trung tâm theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011; lập 3/5 Quy hoạch chung đô thị vệ tinh và tiếp tục triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các đô thị vệ tinh... Bên cạnh đó, Viện còn là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý cho Thủ đô, nhiều cán bộ lãnh đạo của các Sở, ngành, các quận, huyện của thành phố đã được lựa chọn từ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Với những đóng góp không nhỏ trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Quy hoạch đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể, nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 và năm 2008; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016; Cờ thi đua và nhiều Bằng khen của UBND TP Hà Nội và các tổ chức, hội nghề nghiệp. Ngoài ra, Viện cũng đã nhận được rất nhiều các giải thưởng quốc gia về kiến trúc, quy hoạch các năm 1999, 2016, 2017, 2019, 2020; cùng nhiều giải thưởng của các tổ chức, hội nghề nghiệp thuộc TP Hà Nội. Nhiều cá nhân thuộc Viện được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Với kinh nghiệm và truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong công tác, với ý chí cống hiến, nghị lực, trí tuệ và tài năng của mình, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội quyết tâm, đồng lòng, vững bước đi lên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, Viện Quy hoạch xây dựng cần phải tiếp tục tự đổi mới, phải tự chủ nhiều hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, Viện cần cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhất là tập trung thực hiện nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, gắn với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu Viện phát huy vai trò đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch đô thị của Thủ đô, chủ động, sáng tạo, năng động hơn nữa trong tham mưu cho TP Hà Nội hoạch định các chiến lược quy hoạch xây dựng tổng thể, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị và nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển với phương châm “chất lượng, tiến độ, uy tín và thương hiệu”, khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình quy hoạch xây dựng của Thủ đô nói riêng, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước nói chung”. Mai ThảoTĐKT - Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng bà Vương Thị Vận – Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 3, Tổ phó Tổ dân phố số 5, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vẫn luôn tính cực với hoạt động cộng đồng. Không chỉ vậy, bà còn rộng lòng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn khác quanh mình…
Tấm lòng nhân ái của bà khiến nhiều hội viên phụ nữ ở tổ dân phố ngưỡng mộ, cảm động, coi đó là tấm gương sáng để noi theo.
Bà Vương Thị Vận luôn niềm nở, lạc quan, dù cuộc sống vẫn nhiều nỗi lo toan
Cuộc sống nhiều vất vả, lo toan
Mới gặp bà Vận lần đầu, có lẽ không ai có thể quên được những ấn tượng tốt đẹp về người phụ nữ có gương mặt hồng hào, đôn hậu. Giọng nói bà trầm ấm, truyền cảm, gây nhiều thiện cảm với người đối diện.
Thế nhưng, khi nghe bà chia sẻ về câu chuyện gia đình, chúng tôi không khỏi chạnh lòng cảm thông với những vất vả, lo toan mà bà đang phải gồng gánh trên vai.
Khi còn là cô gái 18,đôi mươi, theo tiếng gọi của đoàn thanh niên xung phong, bà Vận tình nguyện lên đường nhập ngũ vào bộ đội. 2 năm sau, hoàn thành nghĩa vụ, bà trở về quê hương, lập gia đình và sinh sống ở con phố Bùi Xương Trạch từ đó đến nay.
Bà Vương Thị Vận (bên trái) tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ
Những năm cuối của thế kỷ trước, cuộc sống kinh tế vốn dĩ vô cùng khó khăn, vất vả. Sinh liền 2 con - con gái năm 1983 và con trai 1985, cô gái trẻ Vương Thị Vận lúc ấy chăm chỉ chợ búa, buôn bán nuôi các con khôn lớn nên người. Nhờ vào duyên buôn bán và sự khéo léo của cô gái Hà thành, cuộc sống kinh tế của bà và gia đình khi ấy không quá khó khăn, thiếu thốn.
Thế nhưng, niềm trăn trở của bà giờ lại dồn cả vào những đứa con. Con trai và gái của bà dù rất ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng lại không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập đều đặn. Nhìn các con vất vả, khó khăn, nhiều lần bà quặn lòng thương xót.
“Con gái tôi có 3 cháu, con trai cũng vậy. Chỉ thương chúng nó không có công ăn việc làm ổn định, không có thu nhập đều đặn nên hầu như mọi chi tiêu của gia đình trông chờ cả vào số tiền cho thuê phòng trọ của gia đình. Cũng khá chật vật, khó khăn”, bà Vận trải lòng.
Niềm hi vọng của bà giờ đây dồn cả vào 6 đứa cháu nội, ngoại. Đôi mắt bà sáng lên khi kể về các cháu: “Được cái cả 6 đứa cháu của tôi đều rất tự giác học hành và có lực học tốt. Hi vọng sau này các cháu chí thú học hành, có tương lai tốt đẹp hơn”.
Hết lòng với hoạt động cộng đồng, nhân rộng lòng nhân ái
Dù cuộc sống của bản thân còn nhiều vất vả, lo toan nhưng không vì thế mà bà Vận bi quan, chán nản. Gương mặt hồng hào, phúc hậu và đôi mắt sáng long lanh của người phụ nữ ngoại lục tuần như minh chứng cho sự năng nổ, nhiệt tình và làm việc cộng đồng vô tư của bà.
Là Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 3, Tổ phó Tổ dân phố số 5 phường Khương Đình, bà Vận luôn là tấm gương sáng cho chị em phụ nữ noi theo.
Năm 2020 và 2021 là khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Không ít lao động bị mất việc làm khi các doanh nghiệp, nhà máy, công xưởng phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh khiến nhiều lao động tự do lao đao vì không có việc làm. Học sinh, sinh viên dừng đến trường, học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh. Khách ở khu nhà trọ của bà Vận chủ yếu là lao động tự do. Thu nhập trông chờ cả vào nghề chạy chợ, buôn bán, đi xe ôm thì nay bó chân nằm một chỗ.
Bà Vận tích cực tham gia hoạt động ở khu dân cư, tổ dân phố
Dịch bệnh đã làm người lao động khắp nơi đối mặt với nhiều khó khăn. Dù mất hoặc giảm thu nhập nhưng các vấn đề về chi phí vẫn phải bảo đảm; trong đó, tiền thuê nhà hàng tháng đối với nhiều người ở trọ là một gánh nặng đáng kể.
Chứng kiến khó khăn, vất vả ấy của những lao động ngoại tỉnh, bà Vận động lòng trắc ẩn. Năm 2020, trong thời gian dịch Covid-19, dù gia đình cũng phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng bà Vận đã bàn bạc với chồng con giảm tiền thuê nhà (8 phòng) cho người lao động ngoại tỉnh trong 2 tháng với tổng số tiền là 10 triệu đồng. Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, bà Vận cũng miễn, giảm tiền phòng cho lao động tự do với số tiền 24 triệu đồng.
Tiếp tục chia sẻ với người thuê trọ, bà Vương Thị Vận còn vận động nhiều người dân khác mua sắm nhu yếu phẩm (mì tôm, rau, dầu ăn…) tặng các hộ khó khăn khác. Bà Vận cho rằng, ai trong cảnh này cũng sẽ làm như bà. Chứng kiến cảnh người ở trọ chật vật mưu sinh trong mùa dịch, bà hỗ trợ được gì là hỗ trợ ngay. Có sự hỗ trợ, động viên của bà Vận, nhiều người thuê trọ đã thấy vơi bớt khó khăn và bày tỏ sự cảm kích khi nhận được sự hỗ trợ của chủ nhà trọ như vậy…
Cũng trong năm 2021, trong đợt dịch Covid-19, bà Vận đã tích cực hoạt động ở các chốt trực và vùng xanh, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Những việc làm, hành động đẹp trên của bà Vương Thị Vận chính là sự hưởng ứng ý nghĩa nhất của phụ nữ phường Khương Đình đối với lời kêu gọi “Cùng chung sức hỗ trợ người lao động di cư trong phòng, chống đại dịch Covid-19” của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng. Thực tế thời gian này, nhiều người lao động bị mất việc làm, thu nhập sa sút, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Do vậy, việc làm của chủ nhà trọ đồng thời là cán bộ Hội phụ nữ ở phường Khương Đình là vô cùng đáng quý.
An Vũ
Người “thuyền trưởng” tận tâm, trách nhiệm của phụ nữ Thượng Đình
TĐKT - 25 năm gắn bó với công tác hội, bà Lê Thùy Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đã phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, đóng góp công sức xây dựng phường Thượng Đình ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tiên phong làm đẹp khu dân cư Cảnh tượng cột điện trước nhà là điểm đen rác thải đã từng là nỗi nhức nhối của những người dân sinh sống ở khu dân cư cơ khí 3A, phường Thượng Đình. Không chỉ vậy, một số người dân thiếu ý thức đã đổ trộm phế thải xây dựng cùng các đồ dùng gia đình cũ hỏng… gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, tình trạng ấy giờ đây đã không còn. Bà Nguyễn Thị Cần, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ cơ khí 3A cho biết, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình Lê Thùy Hương, sự phối hợp của Chi ủy, tổ dân phố khu dân cư cơ khí 3A, các hội viên phụ nữ kết hợp với các tổ chức đoàn thể, người dân đã dọn sạch 4 "điểm đen" rác thải tại ngõ 72 đường Nguyễn Trãi và cải tạo thành vườn hoa cây xanh. Bà Lê Thùy Hương (Thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ Hội tặng quà hỗ trợ hội viên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Cũng như ở ngõ 72 đường Nguyễn Trãi, người dân đi qua phố Cự Lộc 1 (thuộc khu dân cư Cự Lộc 1, phường Thượng Đình) nhận xét, không gian nơi đây đã sạch đẹp hơn hẳn so với trước. Đó là kết quả của phong trào chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường của khu dân cư Cự Lộc 1, trong đó không thể thiếu bàn tay chăm chút của các hội viên phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Cự Lộc 1 cho hay, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã nâng lên sau khi các điểm đen rác thải được thay thế bằng tranh bích họa đẹp mắt. Còn Tổ trưởng tổ dân phố số 25 (khu dân cư Cự Lộc 1) Bùi Thanh Bình nhận xét: "Không gian sống tại địa bàn dân cư ngày càng sạch đẹp nhờ công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, với sự chung tay vào cuộc của Chi ủy, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, trong đó nòng cốt là chi hội phụ nữ". Trên địa bàn phường Thượng Đình đã có 19 "điểm đen" rác thải như thế được xóa bỏ, thay thế bằng những góc hoa, cây xanh, đoạn tranh tường. Kết quả ấy có sự đóng góp quan trọng của Hội Liên hiệp phụ nữ phường, với vai trò đầu tàu, gương mẫu của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Lê Thùy Hương. Bà Hương đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, thực hiện mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa”. Mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, các chi hội phụ nữ trong phường đã tích cực tham gia vệ sinh môi trường, làm đẹp khu dân cư. Hội LHPN phường Thượng Đình cũng đã đăng ký xây dựng và thực hiện mô hình “1 chợ và 1 tuyến phố có kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm” góp phần cùng chính quyền địa phương bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội. Để duy trì, nâng cao chất lượng mô hình, Hội LHPN phường đã rà soát 27 hộ kinh doanh ăn uống tại phố Thượng Đình và 5 hộ bán thực phẩm đồ khô có chỗ ngồi cố định tại chợ Thượng Đình, để từ đó có các biện pháp cụ thể tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thực hiện mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm... Nhiều phong trào ý nghĩa, thiết thực Không chỉ là người tiên phong trong việc làm đẹp khu dân cư, xóa điểm đen rác thải, bà Hương còn là người “thuyền trưởng” gương mẫu, đi đầu góp phần đưa phong trào của Hội Phụ nữ ngày càng phát triển. Bà Lê Thùy Hương (thứ ba từ trái sang) trong lễ ra mắt Chi hội “Thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” Những năm gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình luôn là điểm sáng trong công tác hội phụ nữ của quận Thanh Xuân. Tham gia công tác hội từ năm 1997, được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình từ năm 2019, bà Lê Thùy Hương đã cùng Ban Chấp hành Hội đổi mới nội dung hoạt động, triển khai nhiều mô hình mang lại quyền lợi cho hội viên. Nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, bà Hương tích cực hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn kinh doanh. Đến nay đã có 248 hội viên được vay vốn với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội... Qua đó, gần 500 lượt người có việc làm và thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình bà Ngô Thị Quý (ở khu tập thể Nhà máy Cơ khí Hà Nội) trước đây thuộc hộ cận nghèo. Được vay 30 triệu đồng thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình, bà Quý đã kinh doanh hàng khô và dần cải thiện đời sống gia đình. Ba người con của bà Quý đều học đại học, cao đẳng và có nghề nghiệp ổn định. Đặc biệt, trong thời điểm tháng 8 và 9/2021, dịch Covid-19 bùng phát, bà Lê Thùy Hương đã bàn bạc, thống nhất với cán bộ, hội viên trích hơn 30 triệu đồng từ quỹ hội để mua 300kg gạo, 70 thùng mỳ tôm, 26 thùng nước, gần 100 túi đá… hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Với uy tín của mình, bà còn vận động một số nhà hảo tâm hỗ trợ hội viên khó khăn 45 suất quà, 32.500 khẩu trang y tế, 200 suất rau xanh… với tổng trị giá 40,5 triệu đồng. Bản thân gia đình bà Hương đã giảm giá cho người thuê trọ với tổng số tiền là 28 triệu đồng trong 4 tháng cao điểm dịch bệnh. Nhận xét về bà Hương, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình Phạm Thanh Nam cho biết: “Bà Lê Thùy Hương là cán bộ nhiệt huyết, năng nổ, quy tụ được đông đảo hội viên và nhân dân tham gia các phong trào của hội và địa phương, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp”. Với thành tích đạt được, bà Lê Thùy Hương đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cấp hội phụ nữ thành phố Hà Nội cùng nhiều tổ chức đoàn thể khen thưởng. Năm 2021, bà Lê Thùy Hương được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt”. An VũHà Nội: Trao giải Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2022
TĐKT - Thiết thực kỷ niệm 30 năm phát động phong trào Người tốt, việc tốt Thủ đô, ngày 28/9, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ trao giải Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2022. Dự lễ trao giải có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi. Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Năm 2022, Cuộc thi đã nhận được 1.778 bài viết từ các quận, huyện, ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thuộc thành phố và 216 tác phẩm báo chí của các cơ quan báo đài trên địa bàn thành phố (gồm 91 đơn vị thuộc thành phố và 15 cơ quan báo chí). Đối tượng dự thi đa dạng hơn năm 2021, từ cán bộ, giáo viên đến người dân, học sinh,... điều này cho thấy cuộc thi đã thực sự ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo các thành phần trong xã hội tham gia. Số lượng bài dự thi tuy ít hơn năm 2021 (giảm 15% số lượng cả bài viết dự thi và tác phẩm báo chí) nhưng chất lượng cao hơn, hình thức trình bày đẹp hơn. Trao giải cho các tác giả đạt Giải nhất Cuộc thi viết năm 2022 Các bài viết, tác phẩm năm nay đã có tính mới, bám sát thực tế cuộc sống, phương pháp thể hiện phong phú, sáng tạo. Nội dung bài dự thi chủ yếu tập trung phát hiện, giới thiệu, phản ánh và tuyên truyền về các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt là các nhân tố mới, sự việc mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội của Thủ đô. Bên cạnh các mảng, lĩnh vực khai thác những năm trước như: Nông thôn mới, công tác từ thiện xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, công tác phòng, chống dịch Covid-19,... năm 2022, đã có nhiều hơn các bài viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt là công nhân, công chức, doanh nhân trên các lĩnh vực lao động sản xuất, cải cách hành chính, sáng kiến sáng tạo, thể hiện sự đa dạng về nội dung các tác phẩm dự thi. Trao giải cho các tác giả đạt Giải nhì Cuộc thi viết năm 2022 Kết thúc Cuộc thi năm nay, Ban tổ chức đã trao 42 giải, gồm: 2 giải Nhất (tác phẩm báo chí “Những thiên thần áo cam trên đường phố” của tác giả Phạm Văn Công, Đặng Ngọc Hải - Báo Kinh tế & Đô thị và bài viết “Tấm lòng nhân ái” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Vi - Chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm); 4 giải Nhì; 6 giải Ba và 30 giải Khuyến khích và 96 bài viết lựa chọn vào vòng chung khảo. (Tạp chí Thi đua Khen thưởng đạt 1 giải khuyến khích và có 3 tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo). Ngoài ra, Ban Tổ chức đã tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho 15 tập thể và 19 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong tổ chức, tham gia cuộc thi và công tác phát hiện, tuyên truyền nhân rộng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022. Thông qua Cuộc thi năm 2022, đã có gần 600 người tốt, việc tốt được UBND Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho các tập thể Tại lễ trao giải, thay mặt Ban tổ chức, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán đã phát động Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2023. Trong đó nhấn mạnh, đối với các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai cuộc thi. Đồng thời xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng năm 2023, phấn đấu 100% các đơn vị trực thuộc thành phố hưởng ứng phát động và tổ chức cuộc thi đạt kết quả. Mai ThảoTĐKT - “Hạnh phúc là sẻ chia” - với tâm niệm đó, hơn 4 năm nay, anh Vũ Minh Châu (ở đường Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cùng những người bạn của mình đã sáng lập ra Đội bánh mỳ từ thiện Gierado và lặng thầm trao hàng triệu món quà tới những hoàn cảnh kém may mắn.
Nhói lên nỗi xót xa từ sự đồng cảm
Chúng tôi có dịp gặp anh Vũ Minh Châu vào một chiều thu tháng 9 ở trước cửa kho anh thuê làm nơi để hàng hóa ở một con ngõ nhỏ trên phố Bùi Xương Trạch. Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai mới gặp anh lần đầu. Lấm lem mồ hôi sau khi vừa bốc dỡ hàng hóa, anh trò chuyện vui vẻ khi được hỏi về hành trình đi làm từ thiện của mình.
Anh Vũ Minh Châu
Nhớ lại khoảng thời gian hơn 9 năm về trước, khi gia đình anh vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội lập nghiệp, anh Châu kể: “Lúc ấy, vợ chồng tôi khó khăn vô cùng. Con nhỏ ốm đau liên miên. Tôi thường phải đưa con nằm viện. Chính những ngày ăn ngủ ở bệnh viện ấy dấy lên trong tôi nhiều cảm xúc. Chứng kiến bao gia đình bệnh nhân cũng như mình lặn lội đường xa, tiền nong kiệt quệ, tôi ước mình có thể giúp được họ”.
Những ngày nằm viện ấy ám ảnh tâm trí anh, để rồi khiến anh tự đặt ra mục tiêu cho mình: Chỉ cần mình có điều kiện, nhất định sẽ làm việc gì đó để giúp đỡ họ.
Những năm tháng bôn ba khởi nghiệp ở Hà Nội cứ thế trôi qua. Những khó khăn cũng dần lắng xuống. Hơn 4 năm về trước, anh bắt đầu thực hiện lời tự hứa của mình năm xưa - làm việc thiện giúp người.
Đó cũng chính là nguyên nhân ra đời Đội bánh mỳ từ thiện Gierado. Với hơn 350 thành viên hoạt động mạnh mẽ, anh cùng các bạn của mình ngày ngày vẫn trao yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh ở các bệnh viện lớn trên thành phố như Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…
Anh Vũ Minh Châu nhận tiền ủng hộ từ các mạnh thường quân
Kể về những kỷ niệm “ám ảnh”, anh Châu chia sẻ: “Đó là hình ảnh của những bệnh nhân điều trị ung thư. Cuộc sống như ngọn đèn leo lắt trước gió. Dù một tuần chúng tôi tặng cơm, đồ khô ở viện đến 4 lần nhưng luân phiên ở các khoa, phòng khác nhau. Có lúc bẵng đi vài ngày đến đã không thấy bệnh nhân đâu nữa. Hỏi ra mới biết họ đã mất rồi. Vô cùng đau đớn, xót xa. Rồi hình ảnh các em bé còn nhỏ nhưng phải xạ trị ung thư… Những hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi”.
Trao đi nhưng không cần nhận lại
Đã tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện nhưng đáng nhớ nhất đối với anh có lẽ phải kể đến khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội.
Kể từ ngày thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, rất nhiều người dân, nhất là những người lao động nghèo, sinh viên hay những người chưa có công việc ổn định không có điều kiện để chuẩn bị và tích lũy thực phẩm dài ngày trong đợt dịch. Vào thời điểm cả nước đang cần sự chung tay và đồng lòng của tất cả mọi người để chiến thắng đại dịch, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lan tỏa yêu thương đến với mọi người, Đội bánh mỳ Gierado vẫn hoạt động tích cực trong việc kết nối các mạnh thường quân với các hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau và luôn đảm bảo nguyên tắc 5K khi đi trao những phần quà 0 đồng.
Vẫn như thường lệ, những chiếc ô tô tải mang theo những bao gạo, những túi rau 0 đồng được tập kết tại một địa điểm, mọi thành viên chia đều các suất quà và gửi đến những lao động xa quê, những sinh viên nghèo đang mắc kẹt trong các khu nhà trọ hay những người lao động đang tạm thời mất việc.
Anh Vũ Minh Châu cùng các bạn bè của mình tặng quà tới bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
“Chúng tôi kiểm soát rất chặt từ khâu nhận hỗ trợ từ các mạnh thường quân đến khâu phát quà cho các hoàn cảnh gặp khó khăn trên địa bàn thành phố thông qua sự hướng dẫn của chính quyền, để không bỏ sót một ai nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch của thành phố” - một thành viên trong đội chia sẻ. Nụ cười của những lá chưa lành, những hoàn cảnh khó khăn chính là động lực để nhóm phát triển như hiện nay.
“Mỗi lần nhận được những hình ảnh, những tin nhắn kêu gọi sự giúp đỡ của các hoàn cảnh đang gặp khó khăn, cả đội lại dấy lên sự trăn trở” – anh Châu chia sẻ.
Từ khi thành phố có chỉ thị giãn cách, các hoạt động hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn như bệnh nhân nghèo, công nhân lao động nghèo tạm thời mất việc làm, sinh viên nghèo không thể về quê… lại càng được đẩy mạnh và gấp rút hơn nữa. Những đêm muộn các thành viên lại tập trung vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết và chia đều thành các phần quà để kịp gửi tận tay đến những nơi đang cần sự giúp đỡ vào sáng sớm hôm sau.
Dù trời có nắng như đổ lửa hay có mưa to đến thế nào cũng không làm tắt được những nụ cười, ánh mắt và hành động yêu thương của toàn thành viên trong Đội lan tỏa đến mọi người. Những hành động đẹp như thế này thực sự xứng đáng được lan tỏa trong cộng đồng.
Từ đầu năm 2021, tổng trị giá các hoạt động thiện nguyện của Đội ủng hộ đạt trên 323 triệu đồng, trong đó bản thân vợ chồng anh trực tiếp đóng góp được 56,6 triệu đồng. Cụ thể: Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp, nổi lên là tại bệnh viện K3 Tân Triều. Được sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân, Đội thiện nguyện trực tiếp ủng hộ 1000 suất quà cho các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện gồm bánh, sữa, nước, hoa quả, kem đánh răng… với trị giá trên 55 triệu đồng.
Anh cùng các thành viên trong Đội đã tổ chức trao tặng trang thiết bị bảo hộ y tế phòng, chống dịch và nhu yếu phẩm thiết yếu tới đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang khi Bắc Giang là tâm dịch với tổng trị giá 43 triệu đồng.
Đặc biệt trong tháng 8, 9/2021, toàn thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố về việc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các chợ dân sinh phải tạm ngừng hoạt động, rất nhiều người dân đã khó khăn nay lại còn khó khăn hơn, rất nhiều người lao động tự do tại các tỉnh mắc kẹt tại Hà Nội. Đội của anh tổ chức rất nhiều các điểm phát nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, bánh, sữa, trứng, thịt, rau củ quả… trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội.
Tại quận Thanh Xuân, Đội thực hiện phát 1500 suất quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm 132 Quan Nhân, điểm phát lẻ tại nhà 9A ngõ 239 Bùi Xương Trạch, điểm chung tay cùng đội cháo Từ tế tại phường Quan Nhân, điểm phát Tổ thợ xây tại ngõ 509 Vũ Tông Phan, với tổng trị giá trên 225 triệu đồng.
Với những đóng góp đó, năm 2022, anh Vũ Minh Châu vinh dự được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của TP Hà Nội.
An Vũ
Biểu dương “Người tốt, việc tốt” ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội
TĐKT - Ngày 23/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (1992-2022) và biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2022. Trong những năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội đặc biệt quan tâm tới phong trào “Người tốt, việc tốt”, chỉ đạo phát động, triển khai tổ chức phong trào thi đua hằng năm với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức; gắn phong trào thi đua với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” và lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước khác của ngành, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp. Từ năm 2014 - 2022, toàn ngành LĐTB&XH Hà Nội đã có 306 bài viết gửi về Sở dự thi Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt”. Trong đó, có 235 bài viết được lựa chọn gửi tham dự cuộc thi cấp thành phố. Kết quả, Sở đã có 2 tác phẩm đạt giải Khuyến khích cấp thành phố (năm 2017); 1 tác phẩm đạt giải Nhì và 1 tác phẩm đạt giải Khuyến khích cấp thành phố (năm 2019); 1 tác phẩm đạt giải Nhất cấp thành phố (năm 2020); 1 tác phẩm đạt giải Khuyến khích cấp thành phố (năm 2021). Với những thành tích đã đạt được, 2 năm liền: 2018, 2019, Sở LĐTB&XH đã được UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2022 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng các cá nhân thuộc Sở Qua các phong trào thi đua yêu nước, toàn ngành LĐTB&XH Hà Nội đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” và được các cấp khen thưởng. Từ năm 2009 đến năm 2021, toàn ngành đã có 661 cá nhân được công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, 13 tập thể được công nhận danh hiệu “Tập thể tốt” cấp Sở; 122 cá nhân được công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố; nhiều gương điển hình tiên tiến tiêu biểu của ngành được viết trong tập sách “Những bông hoa đẹp” của thành phố hằng năm. Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành LĐTB&XH Hà Nội đã có 8 tập thể, 11 cá nhân được UBND thành phố khen thưởng; 1 tập thể, 13 cá nhân được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng và 15 tập thể, 32 cá nhân được Giám đốc Sở khen thưởng. Tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2022, toàn ngành có 5 cá nhân được công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố, 21 cá nhân được công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp Sở. Với những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua, tập thể Sở LĐTB&XH Hà Nội đã vinh dự được Hội đồng Thi đua, Khen thưởng thành phố đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành phố phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (1992 - 2022). Khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp Sở năm 2022 Tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương đã trao Giấy khen khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp Sở năm 2022. Mai ThảoTĐKT – Chiều 13/9, tại trụ sở UBND huyện Đông Anh, Cụm thi đua số 10 (TP Hà Nội) bao gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn và Thanh Trì tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022; giao lưu tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 30 năm phong trào người tốt, việc tốt TP Hà Nội giai đoạn 1992 - 2022.
Tại chương trình, 6 bông hoa người tốt, việc tốt (NTVT) tiêu biểu của 5 đơn vị trong Cụm thi đua đã tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Đó là ông Phạm Quốc Đệ, thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; bà Nguyễn Thị Huệ - xóm 7, thôn 2, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; ông Nguyễn Phương Doanh - thôn 2, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; ông Tạ Hữu Vinh - Bí thư chi bộ 5, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 5, thị trấn Sóc Sơn; bà Vũ Thị Thúy Hoa - Hiệu trưởng trường THCS Quang Minh, huyện Mê Linh; bà Nguyễn Thị Huệ - Phó chủ nhiệm CLB Tuồng cổ Thành Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.
Các tấm gương người tốt, việc tốt của Cụm thi đua số 10 tham gia giao lưu tại chương trình
Dịp này, 11 cá nhân tiêu biểu của các huyện trong Cụm thi đua được tặng danh hiệu NTVT năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, đại diện đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 10 cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương, thành phố phát động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các huyện thuộc Cụm thi đua số 10 đã đoàn kết, đồng lòng tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn toàn huyện, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung thi đua thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó, gắn liền với các ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước và của từng huyện.
Thông qua các phong trào thi đua đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân; thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các huyện. Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị đạt 118.835 tỷ đồng (trong đó: Huyện Mê Linh đạt 13.693 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ; huyện Sóc Sơn đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 7,95%; huyện Đông Anh đạt 81.289 tỷ đồng, tăng 7,7%; huyện Gia Lâm đạt 7.572 tỷ đồng, tăng 10,35%; huyện Thanh Trì đạt 7.081,174 tỷ đồng, tăng 7%). Tổng thu ngân sách nhà nước toàn Cụm đạt 8.394,854 tỷ đồng.
Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 của Cụm thi đua số 10
Đáng chú ý, mỗi huyện đều chủ động xây dựng và triển khai các mô hình thi đua tiêu biểu của địa phương. Tiêu biểu như huyện Mê Linh với mô hình “Quản lý, sử dụng và cải tạo chất lượng nước ao, hồ trên địa bàn huyện Mê Linh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” và mô hình “Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao”; huyện Đông Anh với mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn để thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng trên địa bàn huyện Đông Anh” và mô hình “Hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn năm 2022”; huyện Gia Lâm với mô hình “Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại khu dân cư trên địa bàn huyện Gia Lâm” và mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây vụ Đông trên đất 2 lúa tại 3 xã Yên Thường, Dương Quang, Lệ Chi, huyện Gia Lâm năm 2022”; huyện Sóc Sơn với mô hình “Triển khai sử dụng mã QR code trong khai báo và tiếp nhận các thủ tục hành chính công trực tuyến nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Sóc Sơn”; huyện Thanh Trì với mô hình “Thi đua cải tạo cảnh quan, môi trường (kè ao hồ, trồng cây xanh đô thị) nhằm hoàn thiện tiêu chí diện tích cây xanh công cộng phục vụ phát triển huyện lên quận, xã lên phường”.
Ban Tổ chức tặng hoa chúc mừng 15 gương NTVT tiêu biểu thuộc 5 huyện tham dự Hội nghị sơ kết thi đua Cụm thi đua số 10
6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị trong Cụm thi đua số 10 tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Các huyện đã chủ động ban hành đầy đủ các kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt” và Cuộc thi viết năm 2022. Hàng tháng, tổ công tác phát hiện và khen thưởng đột xuất đã tổ chức họp đề xuất, thời giới thiệu kịp thời các gương NTVT để trình các cấp khen thưởng.
Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn từng huyện; số lượng, chất lượng, hình thức, hiệu quả của bài dự thi được nâng lên; các gương điển hình tiên tiến,“Người tốt, việc tốt” được viết trong mỗi tác phẩm dự thi ngày càng tiêu biểu, điển hình và có sức lan tỏa sâu rộng. Toàn Cụm đã nhận được 610 bài viết, trong đó, 63 gương được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu NTVT. Dẫn đầu là huyện Mê Linh với 125 bài dự thi, trong đó 30 gương NTVT được thành phố khen thưởng.
Đồng chí Đỗ Đức Thịnh, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội trao tặng danh hiệu NTVT năm 2022 cho 11 cá nhân thuộc Cụm thi đua số 10
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Cụm thi đua số 10 xác định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân tố điển hình tiên tiến, nhằm nâng cao vai trò, vị trí công tác thi đua, khen thưởng, tạo phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm. Tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô (1992 - 2022); kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện các mô hình thi đua tiêu biểu của các đơn vị trong Cụm; cũng như tổng kết đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; bình xét, suy tôn các đơn vị tiêu biểu đề nghị các cấp khen thưởng….
Đồng chí Đỗ Đức Thịnh, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Thịnh, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đánh giá cao công tác tổ chức cũng như các nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng của Hội nghị; đặc biệt là những tấm gương NTVT được lựa chọn tham gia giao lưu tại chương trình ngày hôm nay là những điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong các phong trào thi đua nói chung và phong trào Người tốt, việc tốt nói riêng.
Đồng chí mong rằng, trong thời gian tới, các phong trào thi đua của các Cụm thi đua số 10 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai một cách hiệu quả, gắn với hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, tạo không khí thi đua sôi nổi. Bên cạnh đó, 5 địa phương thuộc Cụm thi đua số 10 cần chú trọng phát hiện nhiều hơn nữa gương NTVT; trong đó tiếp tục quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp.
Mai Thảo
Sở Công Thương thành phố Hà Nội: Bứt phá trong 8 tháng đầu năm 2022 từ các phong trào thi đua
TĐKT - Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn trong năm 2022, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, tập thể lãnh đạo Sở Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế. Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 ước tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4% và tăng 16,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 5,1% và tăng 6,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,1% và tăng 9%; khai khoáng giảm 2,4% và tăng 18,1%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,3%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8%; khai khoáng giảm 3%. Về thương mại nội địa: Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tháng 8 ước đạt 281 nghìn tỷ đồng tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 72,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 226 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80,4% tổng mức, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 52,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 2.214 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,7%). Trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 1.801 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,3% tổng mức, tăng 16,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61% tổng mức, tăng 1,5% và tăng 73,3%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 6,3%). Đáng chú ý là doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 56,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và gấp 2,1 lần cùng kỳ (dịch vụ lưu trú tăng 89,2%; dịch vụ ăn uống gấp 2,1 lần cùng kỳ); doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,9% và gấp 4,1 lần cùng kỳ. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 giảm 0,1% so với tháng trước, tăng 3,68% so với tháng 12/2021 và tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 3,37% so với bình quân 8 tháng năm 2021 (cùng kỳ tăng 1,49%). Tình hình xuất, nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2022 ước đạt 1.422 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11.121 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,2%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 3.519 triệu USD, tăng 4% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 27.686 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 21,8%). Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội Công tác phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề và thương mại được chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Một số hoạt động nổi bật là: Tổ chức thành công hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội năm 2022; Hội chợ công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022; tổ chức đoàn cán bộ Sở Công Thương đi trao đổi kinh nghiệm về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành viên Hội đồng tổ chức thẩm định, thành lập 23 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; quan tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; đồng thời phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác quản lý đối với 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo Kế hoạch phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Lễ khai mạc Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội Có được những kết quả nổi bật trên là nhờ Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Công tác thi đua, khen thưởng được triển khai thường xuyên, liên tục, kịp thời, có hiệu quả, các nhiệm vụ công tác chuyên môn luôn gắn liền với các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân, các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong những tháng cuối năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới nội dung, hình thức thi đua, gắn với chất lượng, hiệu quả đảm bảo tham mưu với Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố những biện pháp triển khai nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tố QuyênTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- …
- sau ›
- cuối cùng »