Người phụ nữ với lý tưởng hướng thiện
28/10/2022 - 14:37

TĐKT - Là người con ở miền Trung nên bà Lương Thị Trạch (1958) từng chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát của bà con làng mạc mỗi khi mùa bão, lũ đến. Do vậy, từ thuở bé bà đã luôn đau đáu việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Khi chỉ là gói bánh cho em nhỏ xin ăn, lúc là giúp đỡ gánh nước cho cụ già nhưng dần những hành động thiện nguyện ấy đã trở thành lý tưởng sống của bà và những người thân trong gia đình.

Luôn làm tốt ở từng vai trò

Bà Trạch tâm niệm, làm việc tốt không chỉ tốt trong xã hội mà trước hết phải tốt từ gia đình, bởi vậy, suốt những năm chung sống cùng mẹ chồng, bà là người vô cùng hiếu thuận, khéo léo, giúp gia đình luôn giữ được hòa khí, mẹ chồng – nàng dâu không có mâu thuẫn, giúp không khí trong gia đình luôn ấm cúng.

Năm 2019 chồng bà mất, bà trọn nghĩa phu thê với chồng, rồi các con thành gia lập thất, bà gác lại những đam mê để hỗ trợ chăm sóc cháu, giúp các con yên tâm công tác. Nhìn lại suốt quãng đường làm dâu, làm vợ, làm mẹ và giờ trở thành bà, bà Trạch cho biết: “Ở từng cương vị tôi đều làm tốt, làm tròn trách nhiệm của mình và tôi cho rằng gia đình tốt mới góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh”.

Bà Lương Thị Trạch tại Lễ trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đã ấm, bà mới nghĩ đến “ngoài êm”, với những hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, bà luôn ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ và hỗ trợ bằng các hành động thiết thực. Nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn đã được bà Trạch hàn gắn, một số trường hợp sa cơ lỡ vận được bà giúp đỡ làm lại cuộc đời.

Khẳng định việc tốt không phải là những việc lớn lao, đao to búa lớn mà đơn giản chỉ là những hành động nhỏ mang lại chuyển biến tích cực, bà luôn cho rằng “đưa than ngày rét vẫn hơn dệt hoa trên gấm”. Những hoàn cảnh mà bà Trạch luôn ưu tiên chăm sóc, giúp đỡ đó là những trẻ mồ côi, trẻ kém may mắn, cụ già neo đơn và những người có công với cách mạng.

Bà được biết đến là công dân thường xuyên tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do các tổ chức chính trị, xã hội tại khu dân cư, tổ dân phố phát động. Năm 2010, bà Trạch bán nhà tại phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và dành một phần trong số tiền thu được đó cho các hoạt động thiện nguyện. Cùng năm đó, gia đình ông bà Phương Chung tại số 51 phố Định Công – Hoàng Mai bị sập nhà do bão, bà đã ủng hộ 220 triệu đồng để dựng lại nhà. Năm 2011, biết được hoàn cảnh của cháu nhỏ tàn tật có bố mẹ thuê nhà tại ngõ Hoàng Văn Thái bà đã ủng hộ 5 triệu đồng. Năm 2018, bà ủng hộ 2 triệu đồng cho một cháu có bệnh về thần kinh tại phường Khương Mai. Năm 2019, 2020 bà tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện do các tổ chức hội, nhóm vận động với số tiền 20 triệu đồng. Năm 2012, bà tham gia các hoạt động nhân đạo thông qua Hội Chữ thập đỏ phường Khương Mai và bắt đầu từ năm 2022, bà trực tiếp nhận nuôi dưỡng thường xuyên 1 cháu có hoàn cảnh khó khăn tại phường với kinh phí 3,6 triệu đồng/năm.

Những ngày Hà Nội chống dịch, bà hỗ trợ và vận động hỗ trợ những suất ăn, hoa quả... động viên tuyến đầu chống dịch.

Trước đó, trong giai đoạn năm 2021 khi tình hình dịch bệnh COVID – 19 còn phức tạp, bà Trạch đã vận động thành công Công ty rau sạch Biggreen có địa chỉ tại 111-115 Hoàng Văn Thái ủng hộ 150 suất quả tươi sạch để động viên kịp thời lực lượng tuyến đầu chống dịch tai các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân F0 tại phường Phương Liệt, phường Khương Đình, Trung tâm y tế quận Thanh Xuân, Trạm Y tế 11 phường và Bệnh viện Thanh Nhàn với tổng giá trị gần 35 triệu đồng.

Tháng 1/2022, bà Trạch tiếp tục ủng hộ trực tiếp 15 triệu đồng để mua xe đạp tặng học sinh nghèo huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ thông qua Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân. Với tinh thần tương thân tương ái và tâm niệm cho đi là còn mãi, hạnh phúc là sẻ chia, nhiều năm qua bà Trạch đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, vận động được nhiều mạnh thường quân cùng tham gia nhằm chung tay “đùm lá rách”.

Kêu gọi cộng đồng chung tay qua những hành động nhỏ nhất

Nếu chỉ qua những ngôn từ mọi người sẽ tin rằng bà Trạch là một người rất dư giả về tài chính, nhưng không, thậm chí còn hoàn toàn ngược lại. Hàng tháng bà chỉ có vẻn vẹn 745 nghìn đồng tiền tuất của chồng, các con bà cũng chỉ là lao động bình thường, không có thu nhập “khủng”, vậy động lực và tài chính ở đâu đã giúp bà làm công tác thiện nguyện?

Bà Trạch thu gom phế liệu gây dựng quỹ hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn và kêu gọi quần chúng tham gia.

Trả lời điều này, bà cho biết, một mình bà không thể giúp được nhiều hoàn cảnh đến vậy mà đều dựa vào sự chung tay của nhiều người. Từ tháng 4/2021, bà đi nhặt phế liệu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, biết được điều này các con trong gia đình vô cùng ủng hộ và luôn thay bà góp nhặt những vỏ chai, bìa giấy. Bà còn nhanh trí in 1 tấm biển với nội dung thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, do vậy đã thu hút được hàng xóm và cư dân trong tổ dân phố cùng tham gia. Giờ đây, tại các điểm thu gom dù có mặt bà ở đó hay không, phế liệu vẫn được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn. Tính đến nay, tổng số tiền tham gia các hoạt động thiện nguyện của bà đã đạt trên 270 triệu đồng.

Nhằm động viên và lan tỏa những hành động đẹp đó, mới đây Hội Phụ nữ quận Thanh Xuân đã đề cử bà cho công tác khen thưởng nhưng bà từ chối, bởi bà cho rằng những hoạt động trên của bà đều có sự đồng hành của nhiều cá nhân, tập thể và đó là cách sống, là đam mê của bản thân, bà không làm với mục đích được khen thưởng mà xuất phát từ cái tâm hướng thiện. Lý tưởng sống ấy đã phần nào lan tỏa đến những người xung quanh, do vậy, suốt những ngày Hà Nội chung tay chống dịch, các con bà cũng nấu các suất ăn thiện nguyện để giúp những người lao động cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Việc làm của bà Lương Thị Trạch không chỉ giúp những hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn trong xã hội vươn lên trong cuộc sống mà còn lan tỏa những hành động đẹp để điểm tô cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Gia Bảo