Điển hình tiên tiến

Pháp tặng Huân chương Hiệp sĩ cho 2 học giả của Việt Nam

TĐKT – Này 23/10, tại Hà Nội, ngài Nicolas Warnery, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ và Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm cho PGS. TS. Trịnh Văn Minh, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trao Huân chương Hiệp sĩ cho ông Ngô Tự Lập và ông Trịnh Văn Minh. Huân chương Văn học và Nghệ thuật là một trong bốn Huân chương cấp Bộ của Pháp, bắt đầu được trao tặng từ năm 1957 cho các cá nhân có thành tích nổi bật hoặc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật tại Pháp và trên thế giới. Là cựu sĩ quan hải quân, tốt nghiệp Đại học Hàng hải Baku tại Liên Xô cũ, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Fontenay-St Cloud (cao học) và Đại học bang Illinois (tiến sĩ), ông Ngô Tự Lập đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn truyện ngắn, 2 tập thơ, 5 tập tiểu luận và nhiều công trình dịch thuật từ tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh. Ông giành được nhiều giải thưởng, được đề cử giải thưởng PEN cho hạng mục Thơ dịch với tập thơ Black Star. Một số tập thơ, truyện và tiểu luận của ông được xuất bản tại Pháp. Từ năm 2016, ông Ngô Tự Lập trở thành Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), tổ chức được hình thành trên cơ sở sáp nhập Viện Tin học Pháp ngữ (thành lập năm 1993) và Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội (thành lập năm 2006). Với sự lãnh đạo của ông, Viện Quốc tế Pháp ngữ đã có sự phát triển ngoạn mục, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu đại học đa ngành, có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức đại học Pháp, có trình độ quốc tế hóa cao nhất Việt Nam, với các học viên đến từ hơn hai chục quốc gia, nơi văn hóa và công nghệ kết hợp hài hòa, nơi văn hóa Pháp và tiếng Pháp ngày càng tỏa sáng. IFI đã trở thành một trung tâm Pháp ngữ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Ông Ngô Tự Lập đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung của Việt Nam và Pháp, góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhằm ghi nhận sự đóng góp của ông đối với mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp, Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp đã quyết định trao tặng ông Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật. Cành cọ Hàn Lâm là Huân chương lâu đời nhất được trao tặng cho công dân, được chính thức công nhận trong nghị định ngày 19 tháng 3 năm 1808 về tổ chức Đại học Hoàng gia. Cấp bậc hiện tại được quy định trong sắc lệnh ngày 4 tháng 10 năm 1955. Quyết định trao Huân chương được thực hiện theo nghị định của Thủ tướng, dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia. Từng tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (cử nhân), Đại học Aix-Marseille (cử nhân và thạc sĩ khoa học ngôn ngữ) và Đại học Paris 3 (cao học và tiến sĩ ngành lý luận giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa), PGS. TS. Trịnh Văn Minh là thành viên của Hội đồng khoa học thuộc Tổ chức hợp tác đại học khối Pháp ngữ (AUF), Chủ tịch Ủy ban chuyên gia của AUF ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban chuyên gia quốc gia của chương trình dạy ngoại ngữ tiếng Pháp LV2, nguyên Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong nhiều năm, từ 2003 - 2015, PGS. TS. Trịnh Văn Minh là giảng viên thỉnh giảng của trường ĐH Jean Moulin, Lyon 3 tại Viện Nghiên cứu Pháp ngữ và Toàn cầu hóa. Là chuyên gia thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Trung tâm Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CREFAP) của Tổ chức Quốc tế các nước nói tiếng Pháp (OIF), Tổ chức quốc tế Đại học Pháp ngữ (AUF) và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam mời làm việc, PGS. TS. Trịnh Văn Minh đã xuất bản nhiều cuốn sách và bài báo về việc giảng dạy tiếng Pháp, đào tạo giảng viên và vị trí của tiếng Pháp tại Việt Nam và trên thế giới. Ông Trịnh Văn Minh đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung của Việt Nam và Pháp, góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhằm ghi nhận sự đóng góp của ông đối với mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp, Thủ tướng nước Cộng hòa Pháp đã quyết định trao tặng ông Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn Lâm. Minh Phương

Hệ thống Tin học Thống kê ngành tài chính 30 năm thi đua xây dựng và phát triển

TĐKT - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tin học Thống kê ngành tài chính đã đạt nhiều kết quả cao vượt bậc và vinh dự đón nhận Hương chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Cách đây 30 năm, vào ngày 22/10/1989, Tổ nghiên cứu đề án tổ chức hệ thống Tin học ngành tài chính (tiền thân của Cục Tin học và Thống kê tài chính ngày nay) được thành lập với sứ mệnh nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý tài chính. Tổ nghiên cứu ban đầu gồm có 8 cán bộ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chánh Văn phòng Bộ lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (sau là nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch Quốc hội) và đồng chí Phạm Văn Thuận (nguyên Cục trưởng đầu tiên của Cục Tin học và Thống kê tài chính). Ứng dụng CNTT  rộng rãi vào các lĩnh vực của ngành tài chính Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tin học Thống kê ngành tài chính đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc hiện đại hóa ngành tài chính, khẳng định vị thế của Tin học Thống kê ngành tài chính trên bản đồ CNTT Việt Nam. Đến nay, hệ thống Tin học Thống kê ngành tài chính đã có 6 đơn vị chuyên trách CNTT cấp Cục ở trung ương; tại cấp tỉnh có các bộ phận tin học, phòng tin học, các trung tâm dữ liệu. Toàn ngành tài chính có hơn 3.680 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CNTT chiếm khoảng 5% trong tổng số cán bộ, công chức của ngành tài chính (với 450 cán bộ tin học trung ương và hơn 3.230 cán bộ tin học ở địa phương), trong đó có 5 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 88 cán bộ có trình độ thạc sĩ và còn lại là cán bộ có trình độ cử nhân/kỹ sư trong lĩnh vực CNTT. Tiếp tục kế thừa, phát huy các thành quả của quá trình triển khai CNTT ngành tài chính trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, ngành tài chính đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ di động trong. Tiêu biểu là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử toàn ngành (bao gồm Cổng Thông tin Bộ Tài chính cũng như Cổng Thông tin của các đơn vị cấp Tổng cục) nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng Internet. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ di động cho một số ứng dụng nghiệp vụ/ứng dụng chỉ đạo điều hành tại đơn vị như: Chương trình quản lý văn bản điều hành, các ứng dụng về quản lý văn phòng điện tử tiến tới hiện thực hóa “Văn phòng không giấy tờ”, ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế; hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hệ thống thông tin chỉ đạo và điều hành phục vụ lãnh đạo; hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), hệ thống trao đổi dữ liệu thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính... Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành tài chính. Đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng, đảm bảo tính liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin, giữa các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính. Đặc biệt, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tự tìm kiếm câu hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến thắc mắc về các chính sách của ngành tài chính một cách tự động, thông minh. Qua đó, đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các Tổng cục đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 978 thủ tục (trong đó: 112 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 359 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 310 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Cụ thể, việc cung cấp các dịch vụ điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan: Dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt 99,98% số doanh nghiệp sử dụng trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước; 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 94,73% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử; hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp thể hiện sự công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan chức năng, qua đó, giảm được những tiêu cực trong quá trình giải quyết hồ sơ. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ứng dụng CNTT trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội. Năm 2018, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên trong khối cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và là 1 trong 31 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) bình chọn trao giải thưởng quốc tế “ASOCIO Outstanding User Organization 2018” đối với hạng mục tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc khu vực châu Á, châu Đại Dương tại Tokyo, Nhật Bản. Hai năm liên tiếp (2017 - 2018), Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng kết quả về chỉ số tổng hợp mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ. Bảy năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ. Với những nỗ lực trong triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian qua, năm 2019, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Trước đó, Cục Công nghệ thông tin của các Tổng cục cũng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất: Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) năm 2010, Cục Công nghệ thông tin (Kho bạc Nhà nước) năm 2015, Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) năm 2016. Năm 2019 là năm ghi dấu chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của hệ thống Tin học Thống kê ngành tài chính và cũng là năm có tính quyết định trong triển khai kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT ngành tài chính giai đoạn 2016 - 2020. Nhằm chủ động tiếp cận, tham gia và tận dụng các lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, toàn hệ thống Tin học Thống kê tài chính xác định mục tiêu lớn phải ưu tiên, đó là: Tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trong việc ứng dụng CNTT hiện đại hóa ngành tài chính, xây dựng thành công Bộ Tài chính điện tử hướng tới xây dựng tài chính số. Hồng Thiết

Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Sáng 19/10, tại Hà Nội, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu tại buổi lễ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-BTTTT ngày 6/10/2008 của Bộ trưởng Bộ TT&TT, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản lý, hoạt động trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ. 10 năm qua, với sự đồng tâm hiệp lực của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ và giảng viên, trường đã từng bước phát triển, không ngừng vươn lên, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên mọi công tác, khẳng định vai trò, vị trí là một cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng, trọng điểm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý và công chức, viên chức trong lĩnh vực TT&TT, góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành và của đất nước. Trường đã và đang tiếp tục thực hiện phương châm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Các lớp học của trường được tổ chức cả trong và ngoài giờ hành chính tại Hà Nội và các địa phương để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động của các đơn vị. Các khóa học của trường ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về nội dung và mở rộng địa bàn về các địa phương, đơn vị. Tính đến hết năm 2018, trường đã tổ chức được 174 khóa với 558 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 30.463 lượt học viên là các cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài Bộ TT&TT. Bên cạnh phương thức đào tạo, bồi dưỡng truyền thống, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước, ngày 3/8/2009, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng TT&TT ONLINE được khai trương. Đến nay, Trường ONLINE đã có trên 20 bài giảng với 713 thành viên đăng ký học trực tuyến và hơn 25.000 lượt truy cập. Với những cố gắng, nỗ lực và thành tựu đạt được trong chặng đường 10 năm qua, trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ TTTT trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Đưa công nghệ số, công nghệ ICT, công nghệ 4.0 vào đào tạo đang là một xu thế lớn mang tính toàn cầu. Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý TT&TT phải đi đầu cả nước trong việc áp dụng công nghệ số vào đào tạo, có như vậy mới xứng đáng là một trường đào tạo cán bộ của một Bộ về công nghệ. Bộ trưởng yêu cầu nhà trường trong năm nay, cần hình thành cho mình một triết lý đào tạo mới của thời 4.0, để cán bộ về đây học thấy hào hứng, thấy một tinh thần mới mẻ, thấy một sự thiết thực, thấy cái mà chưa đâu có. Và vì thế mà học tốt hơn. Trường cần tổ chức lại không gian đào tạo theo cách mới, hiện đại, không gian thảo luận nhiều hơn, không gian lớp học cũng phải thoải mái hơn, người học phải thấy chủ động hơn trong không gian đó. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng rằng, với tinh thần đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức, giảng viên, người lao động, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý TT&TT sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cho chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số, cho truyền thông số, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng. Phương Thanh

Trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019

TĐKT – Ngày 15/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức kỷ niệm 89 năm thành lập Hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới dự. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Chặng đường 89 năm phát triển và trưởng thành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với những mốc son lịch sử hào hùng và thành tích đáng tự hào là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các ngành, các cấp trong cả nước; là sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, hội viên, phụ nữ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, cho sự phát triển của tổ chức Hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho các cá nhân “16 tập thể, cá nhân vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ lần này được lựa chọn tương đối toàn diện trong các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào sản xuất sạch, thân thiện môi trường, nông thôn mới... Các chị là đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ, hàng trăm nghìn tập thể nữ tận tụy lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo” - , Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao giải thưởng tặng 6 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc. Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Bằng khen tặng một số nữ sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và thi quốc gia năm 2019 - 2020; phát động cuộc thi sáng tác về đề tài phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho các tập thể 6 tập thể được nhận Giải thưởng Phụ nữ 2019 gồm: Tập thể nữ viên chức và người lao động của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; tập thể nữ viên chức lao động của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ; tập thể nữ cán bộ, viên chức, lao động của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); tập thể nữ công chức, viên chức, lao động của Trường Mầm non Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh); tập thể nữ cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa); tập thể nữ Hợp tác xã Chè Tân Hương (tỉnh Thái Nguyên). 10 cá nhân nhận Giải thưởng gồm: Bà Trịnh Thị Hồng (Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng, TP Đà Nẵng); bà Nguyễn Thị Bích Huệ (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng); Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng); Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh); Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội); Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Bích Ngoan (nghệ danh: Thanh Ngoan) (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam); bà Trần Thị Tân (thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nông dân xuất sắc năm 2018); bà Đỗ Thị Toan (Phòng Vật tư và chuỗi cung ứng, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); bà Lành Thị Triều (xã Bảo Quang, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, nông dân xuất sắc); Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến (Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội). Mai Thảo  

Người lãnh đạo có tâm và có tầm, luôn mang trong mình khí chất của người lính Cụ Hồ

TĐKT - Từng là một người lính Cụ Hồ, ông Vũ Văn Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc đã luôn nỗ lực hết mình, mang cái tâm và nghị lực cao cả để góp phần xây dựng, quê hương đất nước. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vũ Văn Trường (người đứng giữa) được Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm tặng Giấy khen vì “Đã có thành tích trong phát triển kinh tế quận Bắc Từ Liêm năm 2019 Thắng thua không nản chí Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng trên quê hương Nam Định. Như bao thanh niên cùng thời những năm 50 của thế kỷ trước, ông háo hức gia nhập quân ngũ và được chọn vào lớp sĩ quan thủy quân lục chiến. Tốt nghiệp, ông tham gia bảo vệ đảo Chữ thập, đảo Chìm, đảo Nổi... thuộc quần đảo Trường Sa gần mười năm. Sau đó, ông trở thành cán bộ công an của Tổng cục An ninh. Nhưng ông vẫn không có duyên với công việc này. Gần 30 tuổi, theo phân công của Đảng, ông cắp sách đi học Đại học Kinh tế Quốc dân và về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Đời cán bộ vật tư cho ông rất nhiều kinh nghiệm. Nhiều bài học kinh tế ông phải trả bằng máu nên hơn ai hết ông hiểu rất rõ thương trường tàn khốc ra sao. Nhưng ông vẫn quyết định thử sức mình. Chiến trường ông đã trải. Thương trường ông cũng kinh qua. Ông tin mình đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn thử thách của lĩnh vực "phi thương bất phú". Năm 2009 ông cùng bạn thành lập công ty và phá sản sau đó không lâu. Nhìn công sức, tiền của tích cóp bao lâu tuột khỏi tay mà ông không khỏi giận mình. Năm 2009 ông lại tiếp tục đứng ra thành lập Công ty Thiên Lộc. Vụ phá sản trước đó không làm ông nản chí. Trái lại, nó càng thôi thúc ông mạnh mẽ hơn bởi ông tự tin vào khả năng bản thân. Hơn nữa, ông khao khát được đóng góp cho đất nước, cho xã hội thông qua những dự án, công trình ý nghĩa, thiết thực. Ông muốn cùng Nhà nước giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; ông muốn được đóng thuế để cùng kiến thiết nước nhà khang trang, to đẹp hơn. Ông Phạm Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Xây dựng (người đứng thứ ba từ trái sang) tặng kỷ niệm chương cho ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Lộc (người đứng thứ nhất từ phải sang trái) Chèo lái con thuyền Thiên Lộc, ông Vũ Văn Trường luôn đặt yếu tố con người lên đầu tiên. Cán bộ các phòng, ban chức năng của công ty là những người có chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, nhiệt huyết với công việc. Không những thế, yếu tố văn hóa được ông rất coi trọng. Ông yêu cầu nhân viên phải ứng xử văn minh, thanh lịch mọi lúc mọi nơi. Ngay ở công trường, nơi các dự án thi công, ông cũng luôn nhấn mạnh yếu tố văn hóa như: Dọn dẹp sạch sẽ, không tàn phá cảnh quan, đối xử với nhân dân xung quanh nhẹ nhàng, tươi cười... Điều đặc biệt nhất của công ty dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Vũ Văn Trường là hình thành Ban cố vấn gồm các nhà chính trị, tướng lĩnh cấp cao, nhà văn hoá,... trong đó có GS Vũ Khiêu. Theo ông, Ban cố vấn sẽ luôn giúp Thiên Lộc đi đúng hướng là đồng hành cùng nhân dân và đất nước, thúc đẩy duy trì các truyền thống văn hoá của dân tộc mà rất có thể trong quá trình mải mê làm kinh tế, ông bất chợt xao lãng và coi nhẹ. Với ông, văn hoá luôn là nền tảng của mọi xã hội, đất nước. Phát triển kinh tế rất cần nhưng luôn phải song song với văn hoá. Kinh tế phát triển mà văn hóa không được coi trọng thì như ngôi nhà to đẹp nhưng không có nền móng, sớm muộn rồi cũng sẽ sập tan tành. Thành công mang tên Thiên Lộc Năm nay, Thiên Lộc đã hơn 10 năm thành lập. Ông Vũ Văn Trường có tới 30 năm làm kinh tế nhưng chất lính trong ông vẫn chẳng phai nhạt. Công ty doanh thu mỗi năm một tăng, vị thế thương hiệu ngày một vững vàng trên toàn quốc. Nhưng cá nhân ông vẫn đầy vẻ phong trần, sương gió của một người lính. Vẫn xuề xòa, gần gũi, ăn to nói lớn chứ không có dáng vẻ của một doanh nhân thành đạt bóng bẩy. Thời gian qua, ông đã cùng Công ty miệt mài xây dựng thương hiệu qua mỗi công trình, dự án chỉn chu, chất lượng cao, thẩm mỹ tốt, bàn giao đúng tiến độ. Đó là: Dự án đường quốc lộ 183 - Hải Dương; các các dự án tại Hà Nội: Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Mỹ Đình II, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Việt Hưng, trường tiểu học Quan Hoa - Cầu Giấy, trụ sở công an quận Long Biên, trụ sở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, toà D2 Giảng Võ, công trình Thăng Long Garden Minh Khai... Tiềm năng kinh tế vững vàng, Thiên Lộc đã và đang trở thành nhà đầu tư của nhiều dự án đã và đang được triển khai trên toàn quốc như: Dự án đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công - Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 321 tỷ đồng; dự án đường Nguyễn Du và hạ tầng kỹ thuật khu đất thanh toán theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT tại Biên Hoà, Đồng Nai có tổng mức đầu tư trên 320 tỷ đồng; dự án đầu tư khu gia đình F3 Quân chủng Phòng không - Không quân tại Biên Hòa - Đồng Nai, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng; dự án xây dựng đường Thống Nhất kéo dài đến cầu Du Tán, hạ tầng kỹ thuật các khu đất tạo vốn thanh toán theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng; dự án đầu tư khu nhà ở và tổ hợp văn phòng phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm với tổng vốn đầu tư 999 tỷ đồng; dự án kho vận và nhà xưởng logistic khu Phước Long, Long Thành, Đồng Nai với tổng mức đầu tư 399 tỷ đồng... Bận rộn với việc quản lý, điều hành kinh doanh, bay vào Nam ra Bắc liên tục nhưng ông Vũ Văn Trường luôn dành thời gian, công sức và tiền bạc cho các hoạt động từ thiện ở quê nhà, dòng họ và cho các địa phương có dự án công trình thi công. Số tiền dành cho các hoạt động nói trên lên tới con số hàng tỷ mỗi năm nhưng quan trọng hơn là ông Trường luôn đặt chúng vào vị trí trang trọng trong tim và tâm trí. Ông tâm niệm đó cũng là một cách để đóng góp cho quê hương, cho đất nước. Ông muốn đồng hành cùng với quê hương và tổ quốc trên mọi chặng đường phát triển. Cần gì ông sẵn sàng đóng góp thứ đó. Như đã nói ở trên, ông chưa bao giờ quên mình là một người lính và vẫn coi mình là lính. Tổ quốc cần là có, gọi là thưa và luôn mong muốn được đóng góp sức người, sức của. Giờ đây, khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, trong tâm niệm của ông, ông luôn mong muốn cống hiến hết mình khi có thể. Đặc biệt, ông là người có trí nhớ cực tốt về các sự kiện lịch sử. Ông yêu thích lịch sử nên khi có chút thời gian ông đều tìm mua sách về lịch sử và đọc nhiều sách nghiên cứu về các thời kỳ, diễn biến của lịch sử và luôn trân trọng văn hóa trường tồn của đất nước. Ông chia sẻ: “Mặc dù gặt hái được nhiều thành công tuy nhiên chúng tôi không tự hài lòng với những thành công đã đạt được mà luôn phấn đấu nâng cao tầm vóc và giá trị công ty”. Hồng Thiết

Tôn vinh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019

TĐKT - Tối 12/10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2019), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương tổ chức Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân Vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương; Hội Nông dân các tỉnh, thành; 63 nông dân Việt Nam xuất sắc đại diện cho các tỉnh, thành trong cả nước. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là hoạt động thường niên của Hội Nông dân Việt Nam nhằm tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, cống hiến trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Lễ tôn vinh Đây là năm thứ 7 liên tiếp chương trình được thực hiện, đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu hội viên, nông dân trong cả nước hưởng ứng, tham gia. Ông Thào Xuân Sùng tin tưởng, niềm tự hào, vinh dự của mỗi nông dân được nhận danh hiệu “Nông dân xuất sắc” hôm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tới đông đảo hội viên, nông dân cả nước; có sức cuốn hút, thúc đẩy, góp phần làm cho phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới trong nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ. Phát biểu tại Lễ tôn vinh, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định những đóng góp vô cùng to lớn của giai cấp nông dân và tầm quan trọng chiến lược của nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong suốt hơn 30 năm đổi mới, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có sự đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ, giai cấp nông dân. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát huy lợi thế tiềm năng, tiếp cận thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị. Nhờ đó, tăng trưởng nông nghiệp bình quân đã đạt 3%/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong nhiều quốc gia mạnh về xuất khẩu nông sản. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, đứng đầu thế giới. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trungu ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Đánh giá cao sáng kiến của Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai hy vọng rằng bằng tinh thần chia sẻ không chỉ chăm lo cho cuộc sống của mình, những gương mặt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi sẽ tiếp tục tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho nhiều người khác. Từ đó, ngày càng có nhiều tấm gương điển hình là nông dân đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chương trình bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 được diễn ra từ tháng 11/2018 đến 7/2019. Hội đồng bình chọn chung khảo đã nhận được tổng cộng 147 hồ sơ đề cử bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 do Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố gửi về. Trên cơ sở hồ sơ thành tích của 147 gương mặt nhà nông tiêu biểu, các thành viên của Hội đồng bình chọn chung khảo đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và đi tới thống nhất chọn ra được 63 người xứng đáng nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019. 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 được chia làm 5 nhóm gồm: Nhóm nông dân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và trang trại; nhóm nông dân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực trồng trọt; nhóm nông dân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; nhóm nông dân có thành tích xuất sắc trong chăn nuôi và thủy sản; nhóm nông dân có thành tích xuất sắc trong sáng chế, giải pháp kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn. Thục Anh

Ông chủ xưởng cơ khí say mê sáng tạo nông cụ

TĐKT - Ở ấp Hiệp Tâm (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), không ai là không biết đến anh Phạm Minh Phong, chủ cơ sở cơ khí Thanh Phong. Anh được người dân gọi là “nhà sáng chế của nông dân”, bởi những nông cụ mà anh làm ra giúp bà con nơi đây giảm thiểu rất nhiều sự vất vả trong công việc nhà nông. Anh Phong bên chiếc máy quạt tiêu và các loại nông sản Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Phong thấu hiểu sự vất vả, cực nhọc của người nông dân. Với đam mê chế tạo cơ khí từ nhỏ, anh mong muốn có thể chế tạo được những máy móc, nông cụ để giảm bớt công việc cho người dân, tăng năng xuất lao động trong sản xuất nông nghiệp. Từ mong muốn này, anh quyết định mở xưởng cơ khí Thanh Phong với hy vọng vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa thỏa niềm đam mê chế tạo của bản thân. Theo anh Phong, ở Lộc Ninh, người dân chủ yếu trồng cây tiêu. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, bà con trong vùng thường phải hái tiêu, suốt tiêu bằng cách dùng chân đạp cho tiêu rơi ra khỏi chổi. Gia đình anh cũng trồng tiêu nên anh hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân khi thu hoạch. Bởi vậy, anh quyết tâm nghiên cứu để chế tạo ra loại máy có thể giúp bà con cũng như gia đình giảm bớt sự vất vả trong thu hoạch tiêu. Nghĩ là làm, năm 1997 anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy suốt tiêu. Sau một thời gian, chiếc máy suốt tiêu đầu tiên của anh ra đời. Máy được sử dụng thủ công với một trục quay tay đơn giản. Theo anh Phong, để ra lò được chiếc máy đơn giản ấy, anh đã tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, tiền của gia đình cho việc chạy thử máy. Tuy nhiên, với sự ham mê không ngừng, anh Phong tiếp tục nghiên cứu để cải tiến máy suốt tiêu. Anh cải tiến bằng cách gắn thêm động cơ chạy bằng dầu diasel và sau đó là chạy bằng điện như hiện tại. Chiếc máy suốt tiêu do anh Phong chế tạo “Nguyên lý hoạt động của máy cũng khá đơn giản. Tiêu được đưa từ vườn cây về, đổ vào máng tiếp liệu và chảy xuống trục cuốn. Tại đây, những đoạn ruột sắt được quấn theo công thức riêng sẽ tạo lực ép để tiêu rời khỏi cuống. Sau khi bị tách rời, hạt tiêu rơi vào vỏ ống phía dưới, được khoan lỗ và đẩy xuống máng. Riêng cuốn tiêu cũng được đẩy ra ngoài theo một đường khác.”- anh Phong chia sẻ.  Chiếc máy có thể suốt được 8 tạ đến 1 tấn hạt tiêu mỗi 60 phút, nhanh gấp 10 lần so với suốt thủ công và còn có thể tự động phân chia hồ tiêu hạt to chắc với hạt nhỏ lép và cọng qua 3 máng riêng biệt. Một sáng chế nữa phải kể đến của anh Phong chính là chiếc máy quạt tiêu và các loại nông sản. Để thiết kế được chiếc máy này, anh Phong đã mất 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm tại xưởng cơ khí của mình. Máy được thiết kế bằng tôn, có cấu tạo vững chắc giúp cho việc di chuyển phù hợp với mọi loại địa hình. Theo anh Phong, chiếc máy này vận hành khá đơn giản, chỉ cần đổ tiêu vào máng trên, sau đó kéo nhẹ lẫy là tiêu tự động chảy xuống và được quạt làm sạch. Lúc này, tiêu chắc thì được cánh quạt thổi sang 1 máng, tiêu lép được phân ra máng khác, bụi tiêu được thổi thẳng ra bên ngoài. Máy có công suất là 2 tấn/giờ. Ngoài ra, anh Phong còn chế tạo thành công máy xay nhuyễn phân dê bón trực tiếp cho cây mà không cần mất thời gian ủ hoai và nhiều loại nông cụ khác. Các sản phẩm do anh sáng chế được các hộ nông dân áp dụng vào sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh, được các tỉnh, thành trong cả nước có các sản phẩm liên quan sử dụng và đã xuất khẩu sang Campuchia. Với sáng chế của mình, anh Phong đã được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, năm 2018 anh, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận và tặng Bằng khen Nhà khoa học của nhà nông. Bên cạnh việc chế tạo nông cụ, anh Phong còn là người tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn, anh Phong là người đi đầu trong việc tham gia đóng góp tiền của, công sức để xây dựng những con đường nông thôn mới khang trang. Ngoài ra, hàng năm, vào dịp lễ, tết, anh đều ủng hộ hàng chục phần quà tặng cho hội viên nông dân và người có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở cơ khí của gia đình anh luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và cho nợ với những người chưa có đủ tiền để mua sản phẩm. Những đóng góp tích cực của anh với công tác xã hội được địa phương ghi nhận. Gia đình anh nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”. Năm 2014, anh được xã tuyên dương trong việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2016, anh được xã tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác làm đường giao thông nông thôn. Anh còn là một trong tấm gương điển hình được tôn vinh tại Lễ kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác do tỉnh Bình Phước tổ chức. Tùng Chi  

Nhà hát Chèo Quân đội đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

TĐKT - Sáng 1/10, tại Hà Nội, Nhà hát Chèo Quân đội tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (1/10/1954 - 1/10/2019) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Nhà hát Chèo Quân đội đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Cách đây 65 năm, ngày 1/10/1954, Đội văn công thuộc Cục Chính trị - Tổng cục Cung cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đó là tiền thân của Đoàn Nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần (TCHC) và nay là Nhà hát Chèo Quân đội. Kể từ khi thành lập đến nay, hơn 100 chương trình được dàn dựng bởi sự sáng tạo bền bỉ không ngừng của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội. Từ những ngày đầu thành lập, từ những bài ca, hoạt cảnh cho đến những vở chèo ngắn như “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Đường ra biên giới”, “Hũ gạo chống Mỹ”, “Tiếng gọi non sông”… đã cùng các nghệ sĩ đi tới khắp các mặt trận, nhận được sự hoan nghênh và đón nhận của bộ đội và chiến sĩ trên bước đường hành quân. Nối tiếp thành công, các vở diễn: "Nhiếp chính Ỷ Lan", "Hùng ca Bạch Ðằng giang", "Chu Văn An - Người thầy của muôn đời", "Tiếng đàn vùng Mê Thảo"... giành nhiều giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Mỗi năm, nhà hát chia thành 2 - 3 đoàn đi biểu diễn từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau; phục vụ tại Lào, Campuchia; phục vụ bộ đội Trường Sa, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc từ 170 đến 200 buổi biểu diễn. 65 năm theo bước chân chiến sĩ, Nhà hát Chèo Quân đội vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; Huân chương Chiến công các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Ba; nhiều cờ thưởng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Đến nay, Nhà hát đã có 5 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 32 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Phương Thanh

Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương

TĐKT - Sáng 30/9, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho TS. CVCC Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương thuộc Ban TĐKT Trung ương. Dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; lãnh đạo các vụ, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng đồng chí Nguyễn Khắc Hà Đồng chí Nguyễn Khắc Hà có gần 37 năm công tác, hơn 35 năm tuổi Đảng, trong đó 22 năm công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tỉnh Thanh Hóa và gần 15 năm công tác tại Ban TĐKT Trung ương với gần 13 năm giữ chức Vụ trưởng, (từ năm 2006 đến nay). Trong quá trình công tác, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Khắc Hà cũng đều tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,  của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ban TĐKT Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Đoàn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Huy chương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2005, 2008, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017)... Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng đồng chí Nguyễn Khắc Hà vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận công lao và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Khắc Hà trong thời gian qua, nhất là thời gian công tác tại Ban TĐKT Trung ương, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TĐKT. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mong rằng đồng chí sẽ tiếp tục theo dõi, có nhiều đóng góp hơn nữa cho ngành TĐKT nói riêng và cho xã hội nói chung. Nguyệt Hà

Khoa Phát thanh - Truyền hình nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 29/9, Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 40 thành lập (1979 - 2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Buổi lễ là dịp đánh giá chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Phát thanh - Truyền hình trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo nhân lực trong ngành báo chí - truyền thông nói riêng. Đồng thời, khẳng định vị trí và uy tín của Khoa trong sự phát triển của Học viện và giáo dục đại học Việt Nam. Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Khoa Phát thanh - Truyền hình được thành lập năm 1979 thuộc Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền) với số lượng ban đầu là 6 giảng viên. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Khoa luôn khẳng định là một đơn vị đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo mạng và quay phim truyền hình ở Việt Nam. Khoa đã đào tạo được khoảng 15.000 cử nhân hệ chính quy, cử nhân tại chức, cử nhân văn bằng hai, thạc sĩ, tiến sĩ. Sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Khoa có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác nhau: Trong hệ thống đảng, chính quyền các cấp; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy báo chí - truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu; phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim truyền hình, người dẫn chương trình… trong các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình; chuyên viên các cơ quan quản lý, ban, ngành, đoàn thể; các bộ phận thông tin, truyền thông của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, kinh tế, ngoại giao… Nhiều cựu sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình đã trở thành những nhà lãnh đạo tài ba trong các cơ quan báo chí - truyền thông từ trung ương đến địa phương … Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình cho biết, trong giai đoạn phát triển hiện nay, khoa hiểu nhiệm vụ cốt lõi của mình là đào tạo, bồi dưỡng nên những nhà báo giỏi nghề, có tâm với nghề để quyết liệt đối diện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Bên cạnh đó, quan trọng không kém là trang bị cho những nhà báo tương lai ấy những kiến thức nền tảng của một xã hội đang vận động không ngừng. Mỗi sinh viên của chúng tôi sẽ là mỗi con người biết chủ động làm chủ vận mệnh của mình trong một xã hội đang bị ảnh hưởng của toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; biết tôn trọng và chia sẻ yêu thương để hướng tới phát triển bền vững. Nhân dịp này, Khoa Phát thanh - Truyền hình vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và xây dựng Tổ quốc. Mai Thảo

Trang