Cô gái Thái nâng tầm thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến
19/03/2020 - 15:56

TĐKT - Được sáng lập từ năm 2010, Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là tâm huyết của bà Sầm Thị Bích nhằm lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho những người phụ nữ nơi đây. Dệt tiếp ước mơ của mẹ, khát khao đưa thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn,  cô con gái Sầm Thị Tình đã quyết tâm đưa “hồn quê” ra phố.

 

Sầm Thị Tình, người chắp cánh cho thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến

Hơn 100 năm nay, Hoa Tiến được mệnh danh là một trong những cái nôi dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Các cô gái Thái đều được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa vốn là các công việc mà họ đều hết sức thuần thục như một bảo chứng cho sự trưởng thành. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn piêu… phục vụ bản thân và gia đình.

Người Thái xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày hội của bản làng hay trong ngày vui của đôi lứa. Vì thế mỗi đường nét thêu trên mảnh vải thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương.

Sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến có sắc màu tự nhiên, tươi tắn, bền đẹp và an toàn cho người dùng. Tất cả các sợi vải đều được nhuộm bằng cây cỏ thiên nhiên như lá cà phê, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, rễ xẹt, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng, cắm phông, gỗ mít…

 

Sầm Thị Tình trực tiếp thực hiện công đoạn nhuộm vải

Tình chia sẻ: “Trước đây trong suy nghĩ của tôi luôn mặc định một điều là dân tộc Thái mới dùng đồ Thái thôi nhỉ. Sau này, lớn lên, tôi mới biết đây là những giá trị văn hóa mà chỉ cần người ta yêu thích văn hóa dân tộc đều có thể sử dụng, dù là dân tộc Kinh hay các đồng bào dân tộc khác nhau. Từ các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đến những người yêu thích thời trang cũng tinh tế tự thưởng cho ngôi nhà của mình những sản phẩm văn hóa dân tộc độc đáo.”

Nắm bắt được nhu cầu ấy, cô đã tìm cách quảng bá sản phẩm thổ cẩm với những giá trị tầng sâu văn hóa từ làng Thái cổ tới những nơi đô hội, tới thị trường trong nước và quốc tế.

Từ những sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường như chiếc ví cầm tay xinh xắn, thú bông, khăn choàng, dép thổ cẩm…, Sầm Thị Tình dần dần tìm tòi, học hỏi và thiết kế nhiều mẫu mã mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Thay vì chỉ sử dụng thổ cẩm để may áo, váy, cô gái Thái này còn sáng tạo, biến nó thành vật liệu phục vụ trang trí nội thất như tranh, áo, gối…

Bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, người phụ nữ trẻ đã biến vải vụn thành những sản phẩm mang đặc trưng của thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

 

Workshop hướng dẫn nhuộm khăn bằng màu tự nhiên cho người nước ngoài

Hiện nay, Sầm Thị Tình đang phụ trách mảng kinh doanh và marketing tại HTX Hoa Tiến. Cô mang sản phẩm của HTX giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước thông qua kênh bán hàng truyền thống, hội chợ thương mại, mạng xã hội. Ngoài ra, cô còn là người tìm kiếm và kết nối giữa HTX với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong và ngoài nước… để tạo thêm nhiều đơn hàng, từ đó, tạo thêm thu nhập cho chị em trong HTX, góp phần trang trải cuộc sống. Cô còn tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện tại nhà để giới thiệu về cách dệt, thêu, nhuộm vải bằng chất liệu tự nhiên của dân tộc mình cho khách hàng.

Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long… và được bán ở các nước như Pháp, Đức, Nhật, Lào… Thu nhập bình quân của chị em trong HTX từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX là 500 triệu đồng.

Tình tin tưởng rằng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với sự ủng hộ và ghi nhận của các tổ chức trong và ngoài nước, trong tương lai Hoa Tien Brocade sẽ không ngừng vươn xa, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nguyệt Hà