Điển hình tiên tiến

Nữ nhà báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

TĐKT - Tranh thủ trước giờ lên lớp, PGS. TS, giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (PT - TH), Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã dành cho chúng tôi những phút riêng tư quý giá để trải lòng về chặng đường làm báo của mình. Không phô trương, hình thức, cô chỉ thể hiện mình đúng chất của một nhà báo nhanh nhẹn, chính xác và chuyên nghiệp; một giảng viên tận tâm với nghề và một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu giá trị, đem lại nhiều thay đổi tích cực cho báo chí Việt Nam hiện đại. Cơ duyên với nghề báo Sinh ra trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ đều là giáo viên nên ngay từ nhỏ, cô đã có cơ hội được tiếp xúc với môi trường giáo dục đầy tính nhân văn nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Chính điều đó đã hình thành nên tính cách của một cô bé Giang mạnh mẽ, cá tính và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ được giao. Đang theo học chuyên Toán thì được bố định hướng trở thành giáo viên dạy văn nhưng cơ duyên với báo chí lại đưa cô đến với Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (sau này là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) – nơi đi đầu trong cả nước về đào tạo báo chí, truyền thông. Chân dung PGS, TS, giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Trường Giang – Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Suốt 4 năm theo học đại học, hình ảnh cô sinh viên nhỏ nhắn luôn đến đúng giờ vào lớp, hăng hái tham gia các buổi học, buổi thảo luận của những nhà báo lớn như Hoàng Tùng, Phan Quang, Hồ Quang Lợi... tại trường và hàng tuần đều đặn đến thư viện mượn/trả sách đã trở nên quen thuộc với nhiều người tại Học viện thuở ấy. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của nhà trường buộc mỗi sinh viên phải tìm cho mình một cơ quan báo chí để “học việc” từ năm nhất, cô sinh viên Trường Giang đã nhanh chóng trở thành cộng tác viên Ban Chính trị - Xã hội của báo Nhân Dân. Từ đây, cô đã có nhiều bài học quý giá về đối nhân xử thế và kinh nghiệm làm nghề cùng những người thầy, người bạn thân tình, trân quý. Cô chia sẻ: “Bài học đầu tiên khi tôi bắt đầu cộng tác tại báo Nhân Dân chính là việc tuân thủ đúng thời gian diễn ra sự kiện. Nếu đến sau diễn biến của sự kiện dù là lý do gì, công chúng cũng sẽ không bao giờ cho bạn cơ hội giải thích. Bởi cái họ cần là sản phẩm chất lượng của bạn.” Trưởng thành từ môi trường đào tạo báo chí hàng đầu Việt Nam, lại được rèn nghề ở tờ báo chất lượng nhất của cả nước, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang sớm tự tin bước vào nghề với tất cả tình yêu và sự nhiệt huyết với báo chí. Giảng viên tận tụy với sự nghiệp đào tạo Được giữ lại trường làm giảng viên, rồi được cử đi biệt phái tại Ban Nhân Dân điện tử một năm, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang được tin tưởng trở thành người đi tiên phong và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực xây dựng, giảng dạy và phát triển chuyên ngành báo mạng điện tử - một loại hình báo chí mới xuất hiện ở Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 21. Trong 5 năm gần đây (2013 - 2018), mỗi năm PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang giảng dạy hàng nghìn giờ ở tất cả các cấp học. Trong từng bài giảng của mình, cô luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết và thực hành nhằm vừa đem lại hiệu quả cao, đảm bảo tính khoa học, vừa đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cô cũng tham gia công tác chủ nhiệm, quan tâm đến tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của sinh viên và có hình thức giữ mối liên hệ tốt với các phụ huynh của mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt tay PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang tại Hội báo Toàn quốc 2019 Hàng năm, đối với những môn học do mình phụ trách, cô cũng thường xuyên đưa sinh viên đi thực tế ở các báo như VietNamNet, VnExpress, Dân trí, Nhân Dân, Lao Động… nhằm tăng thêm kiến thức thực tiễn và tạo cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong và sau khi ra trường. Đối với nhiều thế hệ sinh viên, đặc biệt là sinh viên khoa PT - TH, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang là giảng viên có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, luôn cố gắng tự trau dồi kiến thức của bản thân cũng như tham gia các khóa học nâng cao năng lực chuyên môn, nhưng cũng hết sức nghiêm khắc và chuyên nghiệp trong giảng dạy.   Đặc biệt, nhằm tạo nên tính kỷ luật trong tác phong làm báo hiện đại, cô luôn yêu cầu sinh viên của mình tuân thủ đúng thời gian hoàn thành công việc được giao. Đồng thời, tạo nên nhiều tình huống thực tế mang tính thử thách nhằm giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện các kỹ năng khi tác nghiệp. Từ năm 2013 – 2018, cô đã tiến hành hướng dẫn hàng trăm khoá luận, luận văn, luận án bảo vệ hoàn thành đúng tiến độ, đạt loại giỏi trở lên. Song song với hoạt động giảng dạy, PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang còn tham gia thực hiện và công bố, xuất bản gần 200 đề tài các cấp, giáo trình, sách chuyên khảo, bài báo nghiên cứu khoa học, bài tham luận trong các hội thảo cấp quốc gia và quốc tế. Đây là những tài liệu phục vụ trực tiếp cho nhiều môn học trong chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan báo chí, nhà báo và những người quan tâm đến lĩnh vực này.   PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang cũng là người luôn tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu khoa học với quốc tế như: Dự án nâng cao năng lực truyền thông (hợp tác cùng Liên minh châu Âu, Đại học Tổng hợp Viên của Áo), Dự án nâng cao năng lực đào tạo báo chí và truyền thông (hợp tác cùng tổ chức KOICA, Hàn Quốc); phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam. Mấy năm gần đây, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang cùng các giảng viên Khoa Phát thanh – Truyền hình tham gia đấu thầu và trúng thầu các dự án qua mạng Internet, tiêu biểu là các Dự án về môi trường và biến đổi khí hậu của Mạng lưới Nhà báo Trái đất (EJN). Nữ lãnh đạo có tâm và có tầm Từ những cố gắng, nỗ lực của mình, năm 2012, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang chính thức được bổ nhiệm là Phó Trưởng khoa, rồi sau đó là Trưởng khoa PT – TH.  Với vai trò là Bí thư chi bộ khoa PT-TH, PGS, TS Trường Giang đã luôn ý thức nhiệm vụ của người đứng đầu một khoa lớn nhất Học viện, cô đã cùng với Ban chủ nhiệm khoa điều hành đơn vị hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học, đối ngoại, nội vụ được phân công nói riêng. PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang là một trong những điển hình tiên tiến được lựa chọn giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Bên cạnh đó, cô cũng luôn chú trọng phối hợp tốt trong lãnh đạo đơn vị, tham gia điều hành công tác giảng dạy, đảm bảo chất lượng, thực hiện nghiêm túc kỷ luật giảng dạy, tuân thủ quan điểm, đường lối của Đảng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Học viện; quan tâm đến việc chăm lo, củng cố sự nhất trí trong Ban lãnh đạo và toàn đơn vị, động viên khuyến khích tính chủ động, tích cực của các thành viên, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trên cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo trật tự nội vụ, kỷ luật lao động... Đồng thời, thấu hiểu nỗi vất vả của những giảng viên “làm công ăn lương”, cô đã năng động tìm kiếm, đưa về Khoa nhiều chương trình, dự án đào tạo báo chí, truyền thông; kết hợp với các tổ chức trong và ngoài ngoài tổ chức nhiều chương trình, hội thảo lớn, nhỏ.  Đây vừa là cơ hội giúp những người làm báo rèn luyện kỹ năng, tác phong làm việc trong những môi trường công việc năng động và hiện đại; đồng thời là cách tạo thêm thu nhập cho đồng nghiệp. Trong công tác đối ngoại của Khoa, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang luôn thể hiện tinh thần chủ động quan hệ với các ban, khoa, phòng trong Học viện và các cơ quan báo chí, các bộ, ban, ngành nhằm trao đổi học thuật, phối hợp các công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành nghiệp vụ của sinh viên. Dưới sự dẫn dắt của PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, Khoa PT - TH không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng. Mới đây, Khoa đã xây dựng và nghiệm thu hoàn thành 4 chương trình đào tạo đại học theo hướng tích hợp (phát thanh, truyền hình, quay phim truyền hình, báo mạng điện tử); kết hợp cùng Khoa Báo chí xây dựng chương trình để mở ngành đào tạo truyền thông đa phương tiện. Khoa đã xây dựng và nghiệm thu hoàn thành chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành truyền hình và báo mạng điện tử. Bên cạnh chương trình, các tổ bộ môn cũng đã tiến hành xây dựng 75 đề cương chi tiết, chuẩn đầu ra các môn học theo chương trình đào tạo mới. Trong năm học 2017 - 2018, Khoa PT - TH đã đảm nhiệm giảng dạy hơn 34 lớp với gần 1.600 sinh viên, góp phần khẳng định uy tín của cơ sở giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ngành báo chí chất lượng hàng đầu của cả nước. Nhiều năm liền, Khoa PT - TH đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ những cống hiến to lớn cho sự nghiệp báo chí, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen cấp Học viện và cấp Bộ; là điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tháng 9/2019, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cô bảo rằng, thành công nhất của một nhà báo - nhà giáo phải là đào tạo được nhiều thế hệ học trò làm báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” và khẳng định được vị trí của nền báo chí nước nhà trên bản đồ thế giới. Hưng Vũ

Y Byen – Cô gái Ba na có trái tim nhân hậu

TĐKT - Sở hữu nhan sắc dễ nhìn, nụ cười tỏa nắng cùng giọng hát nội lực, nhưng tới nay đã gần 30 tuổi, nữ ca sĩ Y Byen của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Gia Lai vẫn chưa lập gia đình. 15 năm qua, cô đã quên đi hạnh phúc riêng của bản thân để dành tất cả tình yêu cho những đứa con nuôi của mình. Y Byen sở hữu nhan sắc dễ nhìn, nụ cười tỏa nắng cùng giọng hát nội lực Cách đây 15 năm, tại một ngôi làng ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang) có một phụ nữ vừa sinh con thì qua đời. Theo tập tục của dân làng lúc bấy giờ, đứa bé sẽ phải chôn chung với người mẹ xấu số. Theo nhiều người trong vùng lý giải, tập tục này đã có từ rất lâu, họ quan niệm nếu không để cháu bé theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát, hồn ma ấy đeo bám đứa trẻ và bắt nó đi theo. Hơn thế nữa, đứa bé không có bàn tay mẹ chăm sóc sẽ gây phiền toái cho cha, anh, chị, em trong gia đình. Chính vì thế, đứa trẻ phải theo mẹ càng sớm càng tốt, khi ấy linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát và người sống cũng không phải bận lòng. Trong lúc cái chết cận kề với sinh linh bé bỏng, nghe chuyện, cô bé Y Byen (khi ấy mới 14 tuổi) cùng cha mẹ của mình từ làng Piơm (thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) tức tốc chạy xuống, xin dân làng và người thân để cho cậu bé được sống và nhận về nhà nuôi dưỡng. May mắn cho cậu bé, cả dân làng đều đồng ý. Tuy mới học lớp 9, nhưng Y Byen đã tỏ ra là một người mẹ đảm đang, chịu khó, cần mẫn làm thêm để mua sữa cho con. Tối đến, vừa miệt mài bên trang sách học, cô bé lớp 9 vừa đung đưa chiếc võng ru con ngủ. “Không có sữa mẹ, những lúc đứa bé đói và đòi sữa, mình phải cho con uống nước cơm để đỡ đói. Nhìn con khóc mà mình thấy thương vô cùng. Bởi vậy, ngoài thời gian đi học, mình tranh thủ đi làm thêm để có tiền mua sữa cho con. May sao được ông trời thương, Y Song dần lớn lên mà không gặp phải vấn đề gì về sức khỏe”. – Cô nhớ lại. Gia đình không mấy khá giả nên nhận em bé ấy về nuôi đồng nghĩa với Y Byen phải làm tất cả mọi việc để có tiền nuôi con, từ dệt vải, đi mót mủ cao su đến chăn bò, nuôi lợn. Gia đình cô thậm chí phải bán cả gà, heo để nuôi đứa bé không phải ruột thịt được ăn học đàng hoàng. Lần đầu con cất tiếng gọi mẹ, Y Byen cảm thấy hạnh phúc khó tả thành lời. 11 năm sau ngày bé Y Song về với gia đình Y Byen, một mối duyên mẫu tử lại đến với cô ca sĩ này. Trong chuyến đi biểu diễn, Y Byen nghe tin gia đình một đồng nghiệp vừa nhặt được một bé sơ sinh tại nghĩa địa, họ hỏi Y Byen có nhận nuôi không. Tình thương một lần nữa trỗi dậy thôi thúc cô chạy thật nhanh đến để đưa ngay bé về nhà. Việc một cô gái chưa chồng lại đem một đứa trẻ sơ sinh về nuôi khiến nhiều người trong làng Piơm xôn xao bàn ra tán vào. Ngay cả Y Byen cũng nghĩ cha mẹ mình sẽ phản đối kịch liệt. Thế nhưng, cô lại nhận được sự ủng hộ của gia đình. Cô kể: “Lúc ấy có phần hơi lo lắng vì hoàn cảnh gia đình cũng đang rất khó khăn ruộng, rẫy đã bán hết. Tôi sợ cha mẹ không đồng ý nên đã lao nhanh về hỏi mẹ và cha “Có nuôi con người không, có một đứa trẻ nữa bị người ta bỏ ngoài nhà ma”. Byen vừa dứt lời thì cha Byen nói: “Nuôi chứ... nuôi chứ”. Vậy là Byen mừng rỡ chạy ra nghĩa địa bế đứa trẻ về.” 2 cậu bé Y Song, Y Sơn lớn lên từng ngày bên tình yêu thương của những người không phải máu mủ, ruột thịt. Như để đền đáp lại ơn nuôi dưỡng, hai cậu bé rất ngoan, biết nghe lời và biết giúp mẹ công việc nhà. Hai anh em Y Song và Y Sơn lớn lên hạnh phúc trong tình yêu thương của mẹ Tấm lòng nhân ái, sự yêu thương vô bờ bến đã trở thành sợi dây gắn kết 3 con người hoàn toàn xa lạ với nhau. Hai đứa trẻ bất hạnh trong lúc kề cận cõi chết được trái tim ấm áp, nhân hậu của Y Byen sưởi ấm, đem lại một cuộc đời mới. Đến nay, cha mẹ cô đã già yếu, chỉ làm nông và dệt thổ cẩm sống qua ngày. Riêng Y Byen, nhờ sở hữu chất giọng mạnh mẽ, hào sảng của núi rừng nên có cơ hội công tác trong vai trò ca sĩ tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku. Ở độ tuổi 29 như Y Byen, những cô gái dân tộc khác đã yên bề gia thất cùng đàn con thơ. Tuy nhiên, Y Byen tới giờ vẫn ở vậy. Cô chỉ mong có sức khỏe, làm việc chăm chỉ để nuôi con. Y Byen bộc bạch: “Một mái ấm gia đình, một người chồng yêu thương mình cái đó là điều mà bất kỳ một người con gái nào cũng mong muốn. Với Byen cũng vậy, có nhiều người lui tới nhưng chưa tìm được người nào rộng lượng, thật lòng thương hai đứa nhỏ…Nếu có thương mẹ, mà không thương con thì Byen sẽ không yêu, không cưới đâu…”. Nguyệt Hà  

Chàng trai K’Ho bỏ phố về rừng làm nông nghiệp thuận tự nhiên

TĐKT - Tốt nghiệp loại khá, chuyên ngành quản lý đất đai (trường Đại học Tây Nguyên) và tìm được một công việc ổn định với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng K’Brooke, chàng trai trẻ người dân tộc K’Ho, xã Gung Ré, Di Linh, Lâm Đồng vẫn quyết tâm bỏ phố về rừng để hiện thực hóa ước mơ xây dựng một nền nông nghiệp “hạnh phúc”. K’Brooke tự hào giới thiệu về những cây cà phê được trồng dưới tán cây rừng K’Brooke ấp ủ: “Ngày về với rừng núi, với nông nghiệp dựa vào tán cây rừng sẽ là những ngày tháng không phải suy nghĩ cần bón gì, cần chăm sóc gì cho cây cối trong vườn… Khu vườn không sử dụng phân hóa học hay phụ thuộc vào hóa chất bên ngoài đã không còn là vấn đề gì lớn. Chỉ cần xây dựng điều mà cây cần và trả lại đất đai về với tự nhiên, về với những gì chúng muốn. Đó sẽ là cách làm nông nghiệp nhẹ nhàng nhất, cũng có thể là vô lo, vô nghĩ…” Trở về với buôn làng, điều khiến Brooke luôn trăn trở đó là làm thế nào để thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống của bà con. Đất canh tác tại địa phương đa phần là đất dốc, nông dân đang sản xuất độc canh về cây cà phê. Tình trạng đồi trọc, đất trống ngày càng nhiều, thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều lần trong năm, phân bón hóa học sử dụng không đúng cách dẫn đến tình trạng đất đai bị thoái hóa, cà phê già cỗi, năng suất thấp và chất lượng không cao. Đời sống vật chất, văn hóa của người dân bị ảnh hưởng khi trồng trọt, chăn nuôi truyền thống không được duy trì và phát triển. “Mình có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, tại sao không làm việc cho gia đình của mình?” - K’ Brooke tự hỏi và ý tưởng về một mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên dần hình thành trong anh. Brooke bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại chuẩn cân bằng sinh thái để chăn nuôi, kết hợp trồng cà phê theo hướng hữu cơ theo một vòng tuần hoàn chuẩn và khép kín. Anh dự đoán mô hình nông lâm kết hợp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững khi tạo ra nhiều nguồn thu. K’Brooke giới thiệu các sản phẩm của trang trại tại Phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt Với tư duy mới lạ và quyết tâm của tuổi trẻ, K’Brooke đã chuyển 3 ha đất làm nông nghiệp truyền thống thành mô hình nông nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương. Đầu năm 2017, K’Brooke gom hết vốn liếng tích lũy và kêu gọi thành lập tổ hợp tác gồm 5 thành viên để nuôi lợn đen tập trung.  “Chuồng nuôi nhốt đàn lợn chỉ cần rào bên ngoài bằng loại lưới thép B40, sau đó gia cố tránh việc lợn đào bới đất thoát ra ngoài. Thức ăn cho lợn chủ yếu từ cây chuối, cây cỏ, đặc biệt là có nguồn rau rừng dồi dào, không sử dụng kháng sinh cho đến khi xuất bán. Đặc biệt, loại lợn này có khả năng chống chịu bệnh tật tốt và thịt săn chắc, nên được nhiều người ưa thích”, K’Brooke cho biết. Sau một thời gian chăm sóc, đàn lợn trong trang trại K’Brooke bắt đầu sinh sôi và tăng đàn. Hiện tại, với số lượng 45 con trong giai đoạn sinh sản, bình quân một năm sẽ sản sinh ít nhất trên 300 lợn con/hai lứa. Tổng doanh thu từ trang trại trong một năm khoảng là 450 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Ngoài chăn nuôi, K’Brooke còn thực hiện trồng cà phê dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả như mắc ca, cây bơ kết hợp các loại rau củ của người bản địa. Theo anh, việc canh tác này giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, tạo bóng mát cho cây cà phê. K’Brooke cho biết đó là cách canh tác theo hướng “thuận theo tự nhiên”, một quy trình khép kín, ít bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật và thân thiện với môi trường. Cỏ và lạc dại được K’Brooke tận dụng để phát triển tầng dưới cùng của rừng nhằm phủ mặt đất và bảo vệ đất đai tốt nhất trước mọi tác động của môi trường. Rễ của một vài loại cỏ còn có tác dụng tạo ra đạm làm tốt đất và tránh cho đất bị trôi màu, giữ độ ẩm cho đất. Cỏ trong vườn mọc lên, anh cắt, sau đó ủ tại gốc để làm phân, bên cạnh đó, sử dụng phân lợn, dê và bò để bón cho cây. Ngoài ra, anh còn học hỏi cách làm phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê có sẵn tại địa phương. Phân lợn thải ra được ủ cùng với vỏ cà phê trong khu vực riêng, tạo nguồn phân bón tại chỗ để cung cấp cho cây cối trong vườn. Để tận dụng cỏ trong vườn, anh còn nuôi thêm khoảng 30 con dê bán thịt. Mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên của K’Brooke thu hút nhiều khách tới tham quan, học tập Hiện trang trại của K’Brooke đã có một số khách quen đặt hàng. Các sản phẩm chủ yếu cung cấp cho nhà hàng, khách sạn. Mục tiêu mà chàng trai K’Ho này hướng đến là nhân rộng mô hình cho các hộ quanh vùng để cùng sản xuất cà phê bền vững và chăn nuôi, trồng trọt sản phẩm đặc sản bản địa, nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân trong buôn làng.  “Hành trình tìm đến hạnh phúc có thể là vô tận khi ta mong chờ hạnh phúc đến với mình. Cốt lõi của mọi vấn đề nằm ở sự lựa chọn của mỗi chúng ta. Thật sự may mắn khi Brooke đã chọn rừng núi là giải pháp cho mọi vấn đề. Rừng là vàng, là nguồn cội của văn hóa truyền thống. Không tách rời với tự nhiên và không đánh mất chính mình sẽ là lựa chọn hạnh phúc trong tâm hồn mà Brooke luôn hướng đến.” – K’Brooke tâm niệm. “Cuộc sống của buôn làng sẽ luôn dựa vào rừng. Chúng ta hãy tự trồng cây, tự cho đất đai của chúng ta trù phú, màu mỡ lên từng ngày. Một cuộc sống luôn đong đầy và no đủ là khi hệ sinh thái của buôn làng được hoàn thiện.” Phương Thanh  

Biểu dương các điển hình tích cực vận động, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2019

TĐKT – Dự kiến, chương trình gặp mặt, tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội trong 3 năm 2017 - 2019 sẽ được tổ chức vào 15h00 ngày 1/10/2019, tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, TP Hà Nội. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức Chương trình gặp mặt, tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội trong 3 năm 2017 - 2019, được tổ chức sáng 24/9 tại Hà Nội. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chương trình được tổ chức nhằm mục đích vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần ghi nhận, tôn vinh, biểu dương sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân đối với người nghèo, cộng đồng nghèo. Nguồn lực huy động được thông qua Chương trình sẽ ưu tiên hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và đang ở nhà tạm; đồng thời tặng quà cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán 2020; hỗ trợ một số sinh viên đại học, cao đẳng học giỏi nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là hoạt động thiết thực ngay sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu thương đùm bọc nhau của dân tộc Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức đã ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, cộng đồng nghèo: Ủng hộ tiền qua Quỹ Vì người nghèo và qua nhắn tin; trực tiếp hỗ trợ làm đường, trường học và các công trình thiết yếu của cộng đồng dân cư. Sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp, doanh nhân có ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tính đến hết tháng 8/2019, Quỹ Vì người nghèo Trung ương đã tiếp nhận số tiền 48,9 tỷ đồng, trong đó có 231 đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chuyển số tiền theo đăng ký là 42,5 tỷ đồng; có hơn 30 vạn tin nhắn ủng hộ người nghèo qua cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 là 6,3 tỷ đồng. Hiện nay 22 đơn vị, cá nhân đang làm các thủ tục hoặc chuyển tiếp số tiền còn lại theo đăng ký số tiền là 39,4 tỷ đồng. Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, việc huy động nguồn lực thông qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng khoảng 1.000 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo; giúp đỡ người nghèo một cách hiệu quả, giúp người nghèo có nhà ở vững chắc, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế. Qua đó, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, hạn chế tái nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là nhân dân ở các địa bàn khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Hưng Vũ  

Cây sáng kiến của ngành dầu khí

TĐKT - Nhiệt huyết, đam mê sáng tạo, hơn 12 năm gắn bó với ngành dầu khí, anh Nguyễn Thanh Ngoãn, kỹ sư vận hành, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (Tổng công ty Khí Việt Nam) đã có nhiều sáng kiến, cải tiến nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc, làm lợi nhiều tỷ đồng cho doanh nghiệp.   Kỹ sư Nguyễn Thanh Ngoãn (thứ 3 từ phải sang) là 1 trong 8 kỹ sư của ngành dầu khí được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 10 Ước mơ trở thành kỹ sư dầu khí khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Ngoãn bước đầu thực hiện ước mơ của mình bằng cách thi đỗ Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Sau 5 năm đèn sách, năm 2007, anh tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành kỹ sư hóa dầu. Với tấm bằng đỏ, anh nhanh chóng được Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn tuyển dụng. Với vai trò là kỹ sư vận hành, anh luôn trăn trở với những bất cập trong công việc và luôn mong muốn cải tiến, đổi mới kỹ thuật. Một trong những sáng kiến tiêu biểu của anh là sáng kiến “Giải pháp kiểm soát hàm lượng nước trong dòng chung của Lô 06.1 nhằm tuân thủ các thông số kỹ thuật của hợp đồng vận chuyển”. “Năm 2011, Công ty có hợp đồng vận chuyển (Transportation Agreement-TA) với chủ khí Lô 06.1. Trong hợp đồng có quy định hàm lượng nước tối đa cho phép của dòng chung. Tuy nhiên, do công ty không có mô hình tính toán hàm lượng nước của dòng chung nên không thể theo dõi chính xác hàm lượng nước. Đây là bất cập ảnh hưởng đến việc bảo đảm tuân thủ hợp đồng vận chuyển giữa Công ty và chủ khí Lô 06.1.” - anh Ngoãn chia sẻ Bởi vậy, anh đã suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu cách khắc phục nhược điểm trên. Năm 2017, nhân dịp đợt tiến hành sửa đổi TA, anh Ngoãn cùng với cộng sự đã đề xuất sửa đổi hợp đồng vận chuyển TA với Lô 06.1. Để có thể thuyết phục được đối tác, trước thời gian đàm phán, anh đã lập kế hoạch chi tiết, đưa ra được giới hạn hàm lượng nước trong dầu nhằm kiểm soát chất lượng dòng lưu thể Lô 06.1. Anh cũng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn thiết kế đường ống, các phần mềm mô phỏng dầu khí hiện đại cũng như các hợp đồng thương mại liên quan để đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật. Qua những lập luận kỹ thuật, thương mại chắc chắn cùng những lý lẽ đàm phán thuyết phục của anh, chủ khí Lô 06.1 đã đồng ý với đề xuất này và ký kết hợp đồng sửa đổi. Sáng kiến này đã được áp dụng thành công tại Công ty từ tháng 4/2018, giúp vận hành hệ thống khí Nam Côn Sơn an toàn, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho Công ty 12 tỷ đồng và là mô hình để các công ty khác hoạt động cùng lĩnh vực học tập, áp dụng. Một sáng kiến khác phải kể đến của anh Ngoãn là sáng kiến “Áp dụng phương pháp cuốn chiếu kết hợp kiểm soát chất lượng dòng lưu chất công nghệ trong quá trình thực hiện bảo dưỡng kiểm định định kỳ các bồn chứa sản phẩm condensate nhằm tránh dừng sản xuất toàn bộ nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn trong 10 ngày”. Sáng kiến này ra đời năm 2012, theo anh Ngoãn cho biết, khi đó hai bồn chứa sản phẩm condensate (khí ngưng tụ) của Công ty đến thời gian bảo dưỡng định kỳ. Theo thỏa thuận với các chủ mỏ và doanh nghiệp liên quan, công việc này dự kiến phải dừng sản xuất toàn bộ nhà máy trong vòng 10 ngày. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cấp khí cho các hộ tiêu thụ. Với tình huống này, anh đã nghĩ ra giải pháp cô lập 1 bồn để bảo trì, còn lại 1 bồn vừa liên tục nhận condensate thương phẩm vừa xuất condensate. “Việc thực hiện cô lập có thể thực hiện từng phần kiểu cuốn chiếu kết hợp các biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ nhằm tránh việc dừng khí và không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả của công tác bảo dưỡng định kỳ.” - anh Ngoãn chia sẻ. Nhờ sáng kiến này của anh, các nhà máy không phải dừng hoạt động trong 10 ngày mà vẫn bảo đảm hiệu quả của công tác bảo dưỡng sửa chữa, mang lại giá trị kinh tế không chỉ trực tiếp cho các bên trong hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn, mà còn giúp cho các nhà máy điện sử dụng khí Nam Côn Sơn không bị thiệt hại về chi phí. Sáng kiến đã giúp Tổng công ty Khí Việt Nam tiết kiệm khoảng 0,4 triệu USD, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường do không phải đốt bỏ khí đồng hành trong 10 ngày. Không chỉ giỏi chuyên môn, đam mê sáng tạo, anh Ngoãn còn tích cực hỗ trợ và đào tạo cho các kỹ sư trẻ, góp phần đáp ứng yêu cầu công việc và tiết kiệm chi phí đào tạo cho công ty. Bởi vậy, anh em công ty không ai không yêu mến, cảm phục anh. Với những đóng góp của mình, kỹ sư Nguyễn Thanh Ngoãn đã được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, anh là 1 trong 8 kỹ sư của ngành dầu khí được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 10. Bảo Linh

Phát triển kinh tế bền vững từ những giá trị văn hóa truyền thống

TĐKT - Năm 2018, với ý tưởng khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có của địa phương, chị Sùng Thị Lan ở xã Tả Van, Sa Pa, Lào Cai quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Hoa. Hợp tác xã ra đời đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các chị em phụ nữ trên địa bàn xã, nhất là giúp đỡ những chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi và thích nghi với nền kinh tế du lịch. Chị Sùng Thị Lan (bên trái) giới thiệu sản phẩm tới khách hàng Tả Van cách trung tâm thị trấn Sa Pa 9 km về phía Đông Nam. Địa hình đồi núi phức tạp, dân cư sinh sống rải rác thành 7 thôn với 3 dân tộc Mông, Dao và Giáy. Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch với 162 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Mỗi năm Tả Van chào đón khoảng 109.500 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ăn và nghỉ qua đêm tại bản. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn tình trạng mù chữ và kém hiểu biết nên tỷ lệ đói nghèo còn cao. Nhận thấy tình hình thực tế và tiềm năng phát triển du lịch tại địa phương, chị Sùng Thị Lan tự nhủ “giá như mình có thể làm gì đó để góp phần giúp đỡ bà con có thêm thu nhập và thoát nghèo”. Trong lúc chị đang loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu và làm gì, tháng 10/2017, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai và Hội Liên hiệp phụ nữ Sa Pa cùng tổ chức CSIP vào khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại hai thôn Tả Van Dáy 1 và Tả Van Dáy 2. Tổ chức CSIP và hội phụ nữ đã tạo cơ hội cho các chị có chuyến tham quan, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội. Sau chuyến đi đó, trở lại địa phương, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, phát triển bền vững, Sùng Thị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho một mô hình sản xuất vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng. “Tôi là con thứ 5 trong tổng số 11 người con của bố mẹ, gia đình cực kỳ thiếu thốn, khó khăn. Ngay cả khi tôi đã lập gia đình, cái nghèo vẫn đeo bám. Chúng tôi, bất kể cô gái Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải. Tôi tự hỏi mình tại sao không thể tiếp nối công việc này, vừa có hàng để bán, vừa có thể tạo địa điểm cho khách du lịch tham quan.” – Chị Lan nói. Chị bước vào công cuộc tìm kiếm nguyên liệu khôi phục nghề nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ củ nâu, củ nghệ, lá tím, lá chè, chàm…, ấp ủ ước mơ vực dậy nghề truyền thống khâu – buộc – nhuộm của đồng bào dân tộc mình đã bị mai một từ 20 năm trước. Chị dùng hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay mượn cho đủ 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề. Chị thuê thêm 7 phụ nữ trong bản thành thạo nghề phụ giúp mình theo thời vụ để tiết kiệm chi phí nhân công. Công việc này cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, bởi nếu nhuộm và phơi vải khi không có nắng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm. Công đoạn nhuộm vải được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công Chị chia sẻ: “Chúng tôi đã phải vượt qua biết bao khó khăn trong quá trình thử nghiệm tìm công thức cho riêng mình, nhưng thất bại không làm chúng tôi nản lòng, bỏ cuộc. Mỗi lần thất bại để lại cho chúng tôi bài học kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Cứ như vậy cho đến khi những tấm vải màu sắc hoa văn bắt mắt đầu tiên ra đời và được giới thiệu ra thị trường.” Trong 4 tháng thử nghiệm đầu tiên, chị đã làm hỏng trên 500 mét vải lanh, vải bông (ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng). Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chị chùn bước. Trời không phụ người, 4 tháng tiếp theo, chị Lan đã tìm ra được công thức pha màu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có màu tự nhiên đẹp nhất, tạo ra hoa văn, họa tiết lạ, hấp dẫn. Năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, chị đã xung phong nộp bản ý tưởng nhóm sản xuất của bản mình. Ý tưởng của chị đã được tỉnh Lào Cai lựa chọn là ý tưởng xuất sắc nhất toàn tỉnh và gửi hồ sơ về Trung ương để tham gia vòng sơ khảo. Kết quả đó càng tạo thêm động lực cho các chị cố gắng nhiều hơn. Chị Sùng Thị Lan được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai trao giải ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất năm 2018 Đến tháng 9/2018, tổ nhóm sản xuất của chị quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Hoa với mục đích tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó làm kinh tế. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống: Thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược, HTX Mường Hoa là một hợp tác xã trẻ được ươm tạo từ dự án SERD (Dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững”) thông qua các hoạt động: Hội thảo sáng kiến xã hội, tập huấn phát triển kỹ năng kinh doanh và nhận các gói hỗ trợ chuyên sâu trong quản trị sản xuất, quản lý sổ sách tài chính. Hợp tác xã cũng là một trong những doanh nghiệp xã hội cộng đồng nhận được gói hỗ trợ vốn hạt giống 30 triệu từ dự án. Điều đặc biệt là các sản phẩm của hợp tác xã được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Các nguyên liệu sau sản xuất của công đoạn này có thể trở thành nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác. Bên cạnh việc hướng dẫn chị em thêu may các mặt hàng thổ cẩm, hướng dẫn cách nhuộm vải truyền thống, chị còn hướng dẫn họ làm hương (nhang) thảo mộc của địa phương với các quy trình sản xuất thủ công truyền thống. Hiện nay, HTX có 9 hộ thành viên trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách. Ngoài ra hợp tác xã còn tạo thêm việc làm không thường xuyên cho 6 lao động địa phương. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, Hợp tác xã Mường Hoa Sa Pa đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc và thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm… Không chỉ bán sản phẩm ở địa phương, mới đây vải nhuộm, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc của HTX Mường Hoa đã đến TP Hồ Chí Minh. HTX vừa xuất hơn 1.000 m vải tới thị trường sôi động nhất cả nước và hy vọng trong tương lai, con số này sẽ tăng trưởng thường xuyên. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc làm vải, hương mang về cho chị khoảng 12 triệu đồng, gấp nhiều lần việc trồng lúa, ngô. Chị cho hay, ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương. “Những món đồ truyền thống này chủ yếu bán cho du khách nước ngoài. Mình được biết nhiều người mua về treo trong nhà chứ không dùng. Họ để làm kỷ niệm và khi có bạn bè đến chơi, họ sẽ kể cho bạn nghe về cách làm ra món đồ đó. Những hương liệu lấy từ rừng, cách pha chế, nhuộm, dệt vải kỳ công… Đó chính là giá trị của sản phẩm mà mình làm ra và “bán” cho họ” – Chị chia sẻ. Phương Thanh    

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Hướng đến bệnh viện mang tầm quốc tế

TĐKT - Ra đời năm 1979, trải qua không ít khó khăn, thách thức, sau 40 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (BVPSHN) đang trở thành một trong những bệnh viện chuyên khoa hàng đầu, là bệnh viện tuyến cuối về sản phụ khoa và luôn hướng tới một bệnh viện mang tầm quốc tế. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có bài phỏng vấn PGS.TS.Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BVPSHN.   Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm để đưa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đi đến thành công như ngày hôm nay và trở thành một trong những bệnh viện (BV) hàng đầu về chuyên khoa Sản phụ khoa? Ông Nguyễn Duy Ánh: Từ một nhà hộ sinh có quy mô 100 giường bệnh và 200 cán bộ, với không ít khó khăn nhưng BV đã đi trước, đón đầu, song hành, hợp tác với quốc tế để đưa BV phát triển. Đến nay, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, BV đã chuyển mình mạnh mẽ với 3 cơ sở, 41 khoa, phòng, trung tâm và có gần 1.000 giường bệnh. BV PSHN đã trở thành đơn vị chuyên khoa đầu ngành và là tuyến cuối về sản phụ khoa tại Việt Nam. Để BV phát triển như ngày hôm nay cần có các yếu tố cấu thành thật tốt: Một là cơ sở hạ tầng, hai là đội ngũ cán bộ, công nhân viên, ba là cách chỉ đạo và tổ chức thực hiện công việc để BV khám, chữa bệnh cho nhân dân được hài lòng nhất, các kỹ thuật mũi nhọn được thực hiện thành công nhất. BV đặt mục tiêu nâng cao chất lượng khám và điều trị sản phụ khoa cho người dân Thủ đô và cả nước mang tầm quốc tế, cùng với sự mở rộng các loại dịch vụ trong hoạt động khám, chữa bệnh nhằm hướng tới sự hài lòng người bệnh. Đồng thời, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu đạt chuẩn quốc tế như: Phẫu thuật nội soi, siêu âm phát hiện sớm nhất về hình thái thai; xét nghiệm sàng lọc sinh hóa; chẩn đoán di truyền, tế bào, phân tử và gien; sàng lọc trước sinh, sau sinh; hỗ trợ sinh sản; tế bào gốc, y học bào thai… Là một BV hàng đầu, nên ngoài việc đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hàng đầu để phục vụ người bệnh thì yếu tố con người là rất then chốt. Điều đặc biệt, BV xác định hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật và đào tạo là những yếu tố rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị, tăng cường khả năng phục hồi chức năng, tăng khả năng cứu sống bệnh nhân, góp phần phát triển BV bền vững. Phóng viên: Để phát triển Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sánh ngang tầm quốc tế, BV đã có những chiến lược đào tạo cán bộ như thế nào? Ông Nguyễn Duy Ánh: Điều cốt lõi không thể thiếu đó là BV luôn có chủ trương lấy con người là trung tâm nòng cốt trong mọi hoạt động. Các thế hệ cán bộ của BV không ngừng được đào tạo, trau dồi tay nghề với các chuyên gia trong, ngoài nước. Cử nhiều ê-kip đi học tại nước có kỹ thuật hàng đầu thế giới và kết hợp với chuyên gia nước ngoài, tham gia, đào tạo, chuyển giao công nghệ tại BV. Hợp tác với BV hàng đầu thế giới ở châu Âu, ở Mỹ để giao lưu học hỏi, chuyển giao kỹ thuật. Những năm gần đây, BV có nhiều đề tài cấp quốc tế, nhà nước, cấp ngành… và có nhiều công bố quốc tế đã được đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới. Đặc biệt, BV cũng là cơ sở đào tạo lớn cho các trường đại học, trung cấp y – dược. Kết quả của các đề tài đã mang lại ứng dụng hiệu quả thực tiễn trong công tác khám, chữa bệnh. Có những đề tài được thế giới ví như một cuộc cách mạng trong phòng và điều trị những bệnh khó về sản phụ khoa. Đơn cử, trước đây bệnh tiền sản giật không tìm được căn nguyên và điều trị không hiệu quả thì nay thế giới đã có phương cách dự phòng được 80 - 90% bệnh này. BVPSHN đã tham gia với quốc tế để nghiên cứu về dự phòng, phòng, chống đẻ non, phát hiện sớm ung thư phụ khoa; thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh để phát hiện những em bé dị tật, khuyết tật từ đó, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh, điều trị ngay từ thời kỳ bào thai hoặc ngay sau sinh, giúp bào thai phát triển tốt, các em bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh. Ngoài công tác chuyên môn, tập thể cán bộ, thầy thuốc ở đây luôn gắn bó với cộng đồng, hòa mình với cộng đồng, chia sẻ với cộng đồng, xã hội, đặc biệt luôn mang kiến thức đi giúp đời như giáo dục, dạy dỗ các em vị thành niên ở trường học cũng như nhiều hoạt động thiện nguyện khác đầy tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực. Phóng viên: Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đưa BVPSHN trở thành một bệnh viện mang tầm khu vực và quốc tế? Ông Nguyễn Duy Ánh: Thi đua thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, BV đã đưa ra tiêu đề “Năm của nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế”. Hiện nay, nền y học thế giới đã có những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực, đi trước 15 - 20 năm so với nền y học nước nhà. Vậy nên, cần đi sâu, nghiên cứu khoa học, hợp tác và vận dụng những ưu điểm, thành tựu của nền y học thế giới để mang kiến thức, kỹ thuật về phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển nền y học nước nhà. Theo đó, BVPSHN tiếp tục không ngừng sáng tạo để tìm những biện pháp tối ưu, phát triển lên một tầm cao mới, tiếp tục khẳng định vị thế chuyên khoa đầu ngành và là tuyến cuối về sản phụ khoa tại Việt Nam. Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông và chúc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ, giành trọn niềm tin yêu của nhân dân và vươn mình thành một bệnh viện mang tầm khu vực và quốc tế! Hồng Thiết      

Viện Phim Việt Nam đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT - Sáng 20/9, tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dự và phát biểu ý kiến. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Viện Phim Việt Nam Ngày 22/9/1979, Viện Tư liệu phim Việt Nam - tiền thân của Viện Phim Việt Nam ngày nay được thành lập theo Quyết định số 343/CP của Hội đồng Chính phủ. Từ những bước đi ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm, các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị tư liệu hình ảnh động. Nhiều thế hệ cán bộ, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động điện ảnh đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng và gắn bó với những công việc thầm lặng nhưng rất quan trọng là nghiên cứu, lưu giữ, bổ sung và phổ biến những tư liệu quý về lịch sử, đời sống xã hội, văn hóa của quốc gia.  Hiện nay, gần 8 vạn cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 2 vạn tên phim và hàng chục ngàn băng video tư liệu điện ảnh mà Viện Phim Việt Nam đang lưu giữ thực sự là kho tàng tư liệu vô cùng quý giá... Danh mục phim hiện đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Viện phim Việt Nam hiện khá phong phú. Đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong kho lưu trữ của Viện còn có nhiều tác phẩm điện ảnh, phim tư liệu sản xuất thời chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 – những tư liệu có thể khái quát gương mặt điện ảnh Việt Nam hai miền Nam – Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, những hình ảnh vô giá về Hồ Chủ tịch, bộ sưu tập phim điện ảnh cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng… là những tư liệu quý hiếm Viện phim Việt Nam hiện đang lưu giữ. Với những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp lưu trữ hình ảnh động quốc gia trong 4 thập kỷ qua, Viện Phim Việt Nam qua các thời kỳ đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2014, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2004, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999, Huân chương Lao động hạng Ba năm 1989, Huân chương Itxala hạng Nhì của Chính phủ Lào trao tặng năm 1998, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2011, năm 2017 và nhiều bằng khen của các ngành, địa phương trong cả nước. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Phim Việt Nam đối với công tác bảo quản, lưu trữ và phát huy giá trị tư liệu điện ảnh - di sản văn hóa hình ảnh động quốc gia.  Để Viện Phim Việt Nam phát triển vững mạnh, phát huy những thành quả đã đạt được và gặt hái nhiều thành công hơn nữa, Bộ trưởng đề nghị Viện Phim Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nghề; chú trọng vun đắp, nuôi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề; giữ gìn và bảo quản tuyệt đối an toàn những hình ảnh tư liệu hiện đang được lưu giữ tại đây. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, số hóa tư liệu phim, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc lưu trữ tư liệu hình ảnh động trong thời đại công nghệ số. Tăng cường sưu tầm, bổ sung, làm giàu kho lưu trữ hình ảnh động, lưu giữ những tư liệu quý giá cho các thế hệ mai sau; khai thác, phổ biến giá trị tư liệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, thưởng thức văn hóa của nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam... Phương Thanh

Bệnh viện Quân y 109: Sáng y đức, vững chuyên môn, hết lòng vì người bệnh

TĐKT - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 109 (Cục Hậu cần, Quân khu 2) đã nỗ lực, đoàn kết, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng Đảng bộ Bệnh viện trong sạch, bệnh viện vững mạnh toàn diện. Đổi mới phong cách làm việc, nâng cao chất lượng khám và điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu và cũng là mệnh lệnh của những thầy thuốc Bệnh viện Quân y 109. Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 109 khám cho bệnh nhân. Trong 5 năm qua, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm, đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đại tá Bùi Quang Lưu, Giám đốc Bệnh viện 109 cho biết: Bệnh viện đã từng bước cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đến khám và điều trị được nhanh chóng, chính xác, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, phát triển chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Bệnh viện trong tình hình mới. Hoạt động chuyên môn của bệnh viện ngày càng được khẳng định và đạt hiệu quả khá toàn diện. Nhiều kỹ thuật chuyên môn mới, khó đã được học tập, bồi dưỡng tại các bệnh viện tuyến trên và ứng dụng thành công tại bệnh viện: Phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng, điều trị ung bướu, chẩn đoán ung thư sớm, lọc máu chạy thận nhân tạo, phẫu thuật mũi xoang, hạ họng thanh quản, đo độ loãng xương, phẫu thuật vá nhĩ; nội soi cắt, đốt polip dạ dày, đại tràng; nội soi mật tụy ngược dòng can thiệp lấy sỏi không cần phẫu thuật và nhiều kỹ thuật khác ngang tầm các bệnh viện cùng tuyến trong khu vực... Đặc biệt năm 2016, kíp chuyên môn của Khoa A1 đã tiếp nhận, chuyển giao thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Đây là một kỹ thuật khó lần đầu tiên một bệnh viện tuyến Quân khu, Quân đoàn trong toàn quân thực hiện thành công, được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gửi thư khen và Công văn đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 2 khen thưởng. Hiện tại, bệnh viện đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với nhiều loại trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tessla, máy CT scanner 32 dãy, máy siêu âm màu 3D, 4D… Cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, bệnh viện luôn là địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân đến khám, cấp cứu, điều trị. 5 năm qua bệnh viện đã khám cho 257.466 lượt bệnh nhân, nhận vào điều trị 48.635 bệnh nhân, phẫu thuật 7.792 ca, trong đó có nhiều ca bệnh nặng được phẫu thuật, cấp cứu kịp thời. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, bệnh viện còn được Thủ trưởng các cấp tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như: Đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị cơ sở trong toàn Quân khu, cử các đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản (PTCCCB) tham gia diễn tập trong đội hình Quân khu 2 và các đơn vị theo mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu đạt kết quả tốt. Bệnh viện đã thực hiện chương trình quân dân y kết hợp tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ với hàng chục nghìn lượt nhân dân được tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà. Trong mỗi chuyến công tác như vậy bệnh viện đều trích quỹ đơn vị từ 100 đến 150 triệu đồng mua thuốc, trang thiết bị y tế và quà tặng cho nhân dân các địa phương. Những hành trình ý nghĩa ấy đã góp phần khắc sâu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc và nhân dân địa phương nơi bệnh viện đóng quân. Với lực lượng chuyên môn, trình độ, năng lực và quy mô điều trị hiện có, ngày 29/01/2019, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 453/QĐ-BQP công nhận Bệnh viện Quân y 109 là Bệnh viện hạng 1, tuyến cuối Quân khu 2. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao là một trong những thế mạnh của bệnh viện được Thủ trưởng Quân khu và Cục Hậu cần tin tưởng; nhiều liên hoan, hội diễn, hội thi do bệnh viện tổ chức và tham gia đều đạt được những thành tích cao: Đạt giải ba Hội thi Điều dưỡng trưởng các bệnh viện Quân đội trong toàn quân năm 2019 do Cục Quân y tổ chức, đạt giải nhì Hội thi Điều dưỡng trưởng năm 2018 do Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức, đạt giải nhì toàn đoàn trong Hội thi Đội PTCCCB toàn quân năm 2017… Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, phong trào xây dựng nông thôn mới và chính sách đối với cán bộ, nhân viên cũng như hậu phương quân đội được Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đặc biệt quan tâm, là điểm sáng trong Cục Hậu cần. Với đặc thù đối tượng bệnh nhân đến bệnh viện đa dạng, nhiều bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã thống nhất chủ trương chỉ đạo nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân với những việc làm thiết thực: Thực hiện nồi cháo tình thương từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, tặng quà trực tiếp bằng tiền mặt những trường hợp bệnh nhân đặc biệt khó khăn từ 1 đến 5 triệu đồng; 100% các bệnh nhân phải nằm điều trị trong dịp tết Nguyên Đán đều được Đảng ủy, chỉ huy Bệnh viện đến tận giường thăm hỏi, tặng quà. Một hình ảnh khó quên đối với cán bộ, nhân viên bệnh viện trong dịp tết Nguyên Đán năm 2018 khi Đoàn bệnh viện đến thăm, tặng quà bệnh nhân tại Khoa B1: Bệnh nhân Nguyễn Lưu Giang, 16 tuổi, quê Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang bị tai nạn giao thông, trong khi bố mẹ chia tay không ai chăm sóc, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, chỉ có cô em gái 11 tuổi ở lại tết chăm anh. Qua hội ý nhanh, chỉ huy bệnh viện quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị và hỗ trợ 5 ngày ăn tết cho 2 anh em tại bếp ăn bệnh nhân. Đặc biệt hình ảnh người thầy thuốc trực tiếp tắm rửa, cắt tóc, vệ sinh cho các bệnh nhân tâm thần tại Khoa A6, trực tiếp hiến máu cứu sống bệnh nhân của Khoa B5, Khoa Xét nghiệm là một trong những hình ảnh đẹp mang tính nhân văn cao cả, đồng thời cũng làm sâu đậm thêm tình cảm “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Ngoài ra, bệnh viện còn khám, tiếp nhận, điều trị cho hàng chục lượt bệnh nhân là cán bộ nước bạn Lào, để lại những tình cảm hữu nghị đặc biệt với bạn. Phong trào nghiên cứu khoa học, cải tiến, sáng kiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh nhân được quan tâm triển khai, phát triển hằng năm. Trong 5 năm qua, bệnh viện đã có 52 đề tài nghiên cứu khoa học được thông qua, trong đó có 5 đề tài cấp Quân khu. Nhiều đề tài được ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực trong quá trình cấp cứu, điều trị; có 3 sáng kiến tham gia thi cấp Quân khu đạt giải nhì. Tiêu biểu trong phong trào này có đồng chí Nguyễn Văn Luân, Lương Minh Hoàng… là những tấm gương đam mê công việc, thường xuyên tìm tòi, sáng tạo, làm ra những sản phẩm kỹ thuật có giá trị ứng dụng cao trong điều trị. Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, 5 năm qua, nhiều tập thể, nhiều cá nhân của bệnh viện đã phấn đấu trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng, được Thủ trưởng các cấp trong Quân đội và địa phương khen thưởng. Tập thể bệnh viện 3 lần được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tặng Bằng khen, 4 năm liên tục (2015 - 2018) được tỉnh Lai Châu, tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen, trong đó có 1 năm được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng cờ thi đua. 4 năm liền (2015-2018), bệnh viện đều được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 khen thưởng trong phong trào thi đua Quyết thắng. Hàng trăm lượt tập thể các khoa, ban và cá nhân được tặng thưởng danh hiệu thi đua của thủ trưởng các cấp và chính quyền địa phương. “Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng những thành tích đã đạt được trong những năm qua mới chỉ là những kết quả bước đầu, cần có sự nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, để xứng đáng với sự tin tưởng của thủ trưởng các cấp và người bệnh, xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, trưởng thành”. Chúng tôi luôn phải không ngừng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, luôn rèn luyện để “sáng y đức, vững y lý, giỏi y thuật”; để bệnh viện luôn là địa chỉ tin cậy của tất cả các đối tượng bệnh nhân, xứng đáng với Danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. - Đại tá Bùi Quang Lưu, Giám đốc Bệnh viện 109 chia sẻ. Nguyệt Hà

Phụ nữ Lý Nhân thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ

TĐKT - Là một trong những đơn vị điển hình về học tập và làm theo Bác, những năm qua, Hội Phụ nữ (HPN) huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, Hội chú trọng xây dựng và duy trì, phát triển các mô hình nhân đạo, từ thiện, thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Chương trình giao lưu “Tìm hiểu thực hành tiết kiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mổ lợn nhựa tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” tại xã Chân Lý Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Chủ tịch HPN huyện Lý Nhân cho biết: Thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn huyện đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm công tác hội. Trong đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng, được các chị em thực hiện nghiêm túc, góp phần đưa hoạt động hội đi vào chiều sâu. Để học tập và làm theo gương Bác thường xuyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường luôn đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác, rèn luyện phẩm chất phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Nhận thấy việc giáo dục hội viên thực hành tiết kiệm theo gương Bác là điều rất cần thiết, Hội đã triển khai nội dung này gắn liền với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; xây dựng nông thôn mới…  Từ đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân phụ nữ điển hình làm theo Bác. Nổi bật là mô hình “Ống tiền tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được Hội triển khai sâu rộng đến 324 chi hội với trên 23.300 hội viên tham gia. Mô hình được thực hiện bằng cách, mỗi chị em hội viên sẽ bỏ số tiền từ 500 - 1.000 đồng/ngày vào “Ống tiền tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”. Việc tích cóp những đồng tiền lẻ hàng ngày đã giúp chị em phụ nữ không chỉ hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu, mà còn thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”. Nhờ vậy, 3 năm qua, toàn huyện đã tiết kiệm được gần 6 tỷ đồng, giúp 1.692 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Theo đánh giá của bà Hòa, “Ống tiền tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” là mô hình có cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Bởi vậy mô hình có sức hút và nhận được sự đồng thuận của những người tham gia. Mỗi đồng tiền tiết kiệm được đóng góp vào công tác từ thiện của HPN và điều thiết thực hơn là để mỗi gia đình biết cách tiết kiệm như thế nào và chi tiêu ra sao mỗi khi có việc khó khăn, cấp bách. Một mô hình khác đang bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực là mô hình “Tổ phụ nữ thực hiện thu gom rác thải, thực hành tiết kiệm, giúp phụ nữ nghèo” tại xã Nhân Nghĩa. Với mô hình này, không chỉ các cơ sở hội, nhiều cán bộ, hội viên cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng giúp đỡ phụ nữ nghèo có vốn, phương tiện… phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, HPN huyện đã tổ chức chương trình giao lưu “Tìm hiểu thực hành tiết kiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mổ lợn nhựa tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” tại xã Chân Lý. Trong đó, điểm nhấn của chương trình chính là hoạt động mổ lợn nhựa tiết kiệm của 9 chi hội với số tiền lên đến trên 1,3 tỷ đồng. Với số tiền này, HPN xã đã trao tặng 22 suất quà cho hội viên nghèo trong xã, trị giá 11 triệu đồng. Số tiền còn lại, các chi hội bình xét và cho hội viên vay không lấy lãi phát triển kinh tế. Có thể nói, việc học tập và làm theo gương Bác thời gian qua đã trở thành việc làm có sức lan tỏa rộng khắp trong hội viên, phụ nữ huyện Lý Nhân. Từ học tập, các chị đã thực hiện nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Các mô hình tiết kiệm phù hợp với điều kiện thực tế từng lúc, từng nơi đã góp phần giúp nâng cao hiệu quả phong trào phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Tuệ Minh  

Trang