Khảo sát việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước và đợt thi đua cao điểm tại tỉnh Tuyên Quang
25/04/2025 - 22:44

BTĐKT - Trong hai ngày 24 và 25/4, Đoàn Khảo sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã khảo sát việc triển khai các phong trào thi đua: “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021–2025; “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” và Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” tại tỉnh Tuyên Quang.

Đoàn công tác do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn. Cùng tham gia Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Thuật, Trưởng Phòng III, Phó trưởng đoàn; công chức, viên chức của các Phòng III, Văn phòng và Trung tâm Thông tin – Truyền thông.

Tiếp và làm việc với Đoàn Khảo sát có đồng chí Bàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang; đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Sở Nông nghiệp và môi trường,...

Đoàn Khảo sát làm việc với tỉnh Tuyên Quang

Báo cáo về triển khai thực hiện các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc với Đoàn Khảo sát diễn ra sáng ngày 25/4, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang cho biết: Các phong trào thi đua được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện hằng năm và giai đoạn phù hợp với điều kiện thực tế. Các giải pháp, nhiệm vụ trong thực hiện được triển khai đồng bộ và tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đóng góp tích cực vào việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; mở rộng lưu thông, kết nối vùng qua hệ thống đường bộ cao tốc, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Trong phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo với nhiều chương trình thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23,45% năm 2021 xuống còn 10,19% năm 2024. Tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 5.900 hộ, đào tạo nghề cho gần 4.000 lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho khoảng 40.000 lượt lao động và chi hỗ trợ học tập cho gần 139.000 lượt học sinh. Các mô hình sinh kế bền vững, dự án chăn nuôi bò sinh sản, hỗ trợ tiêu thụ nông sản… được triển khai hiệu quả. Giai đoạn 2021- 2025, đã có 140 tập thể, 88 cá nhân được UBND tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội khen thưởng; cấp huyện, thành phố khen thưởng thêm 47 tập thể và 102 cá nhân.

 

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 đã huy động nguồn lực lớn với tổng kinh phí gần 60.000 tỷ đồng, giúp 72/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã kiểu mẫu. Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả được triển khai như xây dựng đường hoa, thu gom rác thải nhựa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần cải thiện môi trường sống và nâng cao đời sống người dân. Đến nay, đã có 35 tập thể, 31 cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng cùng nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình được khen thưởng theo thẩm quyền ở cấp huyện.

Trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”, tỉnh đã vận động được hơn 50 tỷ đồng, khởi công, sửa chữa và hoàn thiện 5.912/6.928 căn nhà (đạt 85,33% kế hoạch), với nhiều cách làm linh hoạt, hiệu quả từ cơ sở. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tích cực đóng góp ngày công, kinh phí và hỗ trợ xây dựng hàng nghìn nhà ở cho hội viên.

Đối với Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, tỉnh đã đạt 99,57% khối lượng giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, xây dựng xong 24 khu tái định cư và đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án hiện đã thi công với 111 mũi, sử dụng gần 1.000 thiết bị, giá trị thực hiện đạt hơn 1.611 tỷ đồng, tương đương 33,65% tổng giá trị hợp đồng, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia.

Đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ ra rằng việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để xây dựng nông thôn mới, chăm lo cho người nghèo và xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn hạn chế. Theo Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 10/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ chỉ bao gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong khi Kế hoạch số 04-KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo tỉnh lại mở rộng thêm đối tượng là hộ khác và hộ người có công đã làm nhà từ năm 2013 đến 30/9/2024. Tuy nhiên, các đối tượng này hiện chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ, với tổng nhu cầu lên tới hơn 103 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác phát hiện và biểu dương các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua còn hạn chế; một số đơn vị chưa chú trọng việc giới thiệu, tuyên truyền điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Nội vụ kiến nghị trung ương nghiên cứu, xem xét hỗ trợ kinh phí hoặc có chính sách để các hộ người có công và hộ khác đang ở nhà tạm, nhà dột nát được thụ hưởng như hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời đề xuất trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh về nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp và các nguồn viện trợ nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Tân, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang, cho biết Mặt trận đã phát huy hiệu quả vai trò điều phối, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, phân công rõ ràng nhiệm vụ trong triển khai các phong trào thi đua. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng chú trọng tổ chức các nghi lễ tang, hiếu theo hướng tiết kiệm, tránh lãng phí, đồng thời linh hoạt trong việc tổ chức các sự kiện của hộ gia đình và hoạt động xã hội, góp phần xây dựng và gìn giữ nếp sống văn hóa trong cộng đồng.

Ông Trần Hải Tuyên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa cho 1.016 hộ, đạt 85,33% kế hoạch, giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện an cư trên diện tích theo quy định.

Ông Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Đến ngày 24/4, tỉnh đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng 100% cho tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Ông đề xuất tiếp tục triển khai đầy đủ và đúng tiến độ 99 hầm chui dân sinh nhằm bảo đảm an toàn và tiện lợi cho người dân trong khu vực.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang đóng góp ý kiến tại buổi làm việc

Ông Hoàng Trần Trung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tích cực hỗ trợ hàng nghìn ngày công, góp phần di chuyển tài sản cho các hộ dân tái định cư và hoàn tất di dời 506 ngôi mộ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Tỉnh đoàn cũng thường xuyên phối hợp giao ban với Trung ương Đoàn và các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các công trình trọng điểm.

Bà Đỗ Hồng Hạ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu “Việc gì khó, dân cần thì càng phải cố gắng làm”. Hội Nông dân đã tích cực hỗ trợ gần 7.000 hộ dân thông qua đóng góp ngày công, xây dựng đường giao thông nông thôn, trạm bơm, kênh mương, hầm bể biogas và triển khai các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới mục tiêu đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp đến từng hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Tươi Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, nhấn mạnh vai trò thiết thực của phong trào “5 không, 3 sạch” trong việc xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ. Đồng thời, bà đánh giá cao hoạt động của các chi hội phụ nữ trong việc tổ chức cho vay tiết kiệm, khuyến khích các hộ gia đình thực hành tiết kiệm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển phồn thịnh của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Vinh, đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết, Hội đã hỗ trợ tháo dỡ và giải phóng mặt bằng cho 170 hộ, trong đó có 24 nhà được thực hiện trong năm 2024. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Trưởng phòng Phòng III, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu

Chia sẻ ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thuật, Trưởng phòng Phòng III, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Đoàn Khảo sát đánh giá cao những thành tích đạt được trong các phong trào thi đua, đồng thời mong muốn Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các cơ quan liên quan giới thiệu và đề xuất khen thưởng ở cấp Nhà nước cho các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng Đoàn Khảo sát ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước. Đồng chí khẳng định, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng chí nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; đồng thời cho biết Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sẽ xây dựng sách và sản xuất các video clip tuyên truyền để lan tỏa các gương điển hình tiên tiến tại Hội nghị toàn quốc và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chủ động tham mưu, phối hợp, triển khai hiệu quả các phong trào, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Tiếp thu những ý kiến của Đoàn Công tác, ông Bàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang, bày tỏ mong muốn thời gian tới Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ và các cấp, ngành trong tỉnh để kịp thời ghi nhận, động viên, khen thưởng xứng đáng các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực.

Trong chương trình công tác, chiều ngày 24/4, Đoàn đã làm việc tại huyện Hàm Yên, tập trung khảo sát công tác xây dựng nông thôn mới và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên; Bàng Quốc Việt, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang cùng lãnh đạo và chuyên viên phòng Nội vụ, Văn phòng UBND, HĐND huyện Hàm Yên.

Tại buổi làm việc, báo cáo của UBND huyện Hàm Yên chỉ ra rằng: Hàm Yên là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, cách Hà Nội khoảng 200 km, với tổng diện tích hơn 90.000 ha, gồm 17 xã và 1 thị trấn. Huyện có khoảng 135.000 dân, trong đó 65,91% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến nay, toàn huyện còn 2.510 hộ nghèo (chiếm 7,69%) và 864 hộ cận nghèo (chiếm 2,65%). Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 52 triệu đồng, thu ngân sách đạt 147 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 1.712 tỷ đồng, còn nông, lâm nghiệp – thủy sản đạt 2.975 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010).

Đoàn khảo sát thăm vườn mẫu trồng thanh long gắn với phát triển du lịch của gia đình ông Đỗ Văn Hưng (thôn 1 Minh Phú), xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2024, huyện đã có 14/17 xã đạt chuẩn, 1 xã đạt chuẩn nâng cao và 1 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; dự kiến đến tháng 5/2025, 100% xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã nâng cao và 1 xã kiểu mẫu. Về tiêu chí huyện nông thôn mới, Hàm Yên hiện đã hoàn thành 7/9 tiêu chí, còn lại tiêu chí giao thông và môi trường đang tiếp tục được hoàn thiện.

Trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, tính đến ngày 21/4/2025, toàn huyện có 402 căn nhà cần hỗ trợ, trong đó đã hoàn thành 218 căn (171 xây mới, 47 sửa chữa), khởi công 170 căn và còn 14 căn sẽ triển khai trong tháng 4/2025, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/8/2025.

Tuy nhiên, huyện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như giao thông bất tiện ở một số vùng, chi phí xây dựng cao, người dân thiếu kinh phí đối ứng hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn, và một số trường hợp còn tư tưởng trông chờ, chưa chủ động.

Trong thời gian tới, Hàm Yên sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công tác xóa nhà tạm và đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2025.

Toàn cảnh khu vườn mẫu trồng thanh long gắn với phát triển du lịch của gia đình ông Đỗ Văn Hưng

Đoàn đã khảo sát thực tế hai mô hình tiêu biểu tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Mô hình thứ nhất là hộ gia đình anh Hoàng Văn Đông (sinh năm 1993, người dân tộc Dao, thôn 7 Minh Phú) – thuộc diện hộ nghèo, nay đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố rộng 113m² với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình đóng góp 60 triệu, dòng họ cho vay 140 triệu và huy động được 50 ngày công lao động.

Đoàn khảo sát đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Đông (sinh năm 1993, người dân tộc Dao, thôn 7 Minh Phú) – thuộc diện hộ nghèo nay đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố

Mô hình thứ hai là vườn mẫu trồng thanh long gắn với phát triển du lịch của gia đình ông Đỗ Văn Hưng (thôn 1 Minh Phú). Mô hình có diện tích 8 ha, toàn bộ đã cho sản phẩm với sản lượng đạt 150 tấn/năm. Năm 2024, giá thanh long trung bình là 15.000 đồng/kg, mang lại giá trị kinh tế khoảng 2,25 tỷ đồng/năm. Tại đây, Đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao mô hình này, đặc biệt là tinh thần vượt khó, sự quyết tâm và tư duy sáng tạo của anh Đỗ Văn Hưng – người đã xây dựng nên một khu vườn thanh long không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn có giá trị cao về mặt du lịch trải nghiệm. Nhờ áp dụng phương pháp hữu cơ, chú trọng chất lượng và cái tâm với nghề, anh đã xây dựng thành công vườn thanh long chuẩn VietGAP, cho sản lượng mỗi vụ trên 30 tấn, thu nhập 2 - 3 tỷ đồng. Không dừng lại ở trồng trọt, anh Hưng còn phát triển mô hình vườn kết hợp du lịch trải nghiệm, đầu tư tiểu cảnh, xây đường bê tông, lầu ngắm vườn, đường hoa, chòi nghỉ, hàng nghìn bóng điện để tạo điểm nhấn về đêm. Vườn thanh long của anh không chỉ thu hút thương lái mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách khắp nơi, góp phần quảng bá thương hiệu nông nghiệp kết hợp du lịch sáng tạo và bền vững.

Thanh Huyền – Mai Thảo