TĐKT - Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” của Đoàn cơ sở Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự trong những năm qua đã trực tiếp thúc đẩy khả năng sáng tạo, tinh thần học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong đơn vị. Từ mô hình, nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ do cán bộ trẻ đảm nhận đã được ứng dụng vào thực tiễn công tác, bảo đảm kỹ thuật, mang lại hiệu quả thiết thực.
Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong khai thác, bảo đảm kỹ thuật, thiết kế đóng mới, phục hồi, phát triển phương tiện cơ giới (ô tô quân sự, xe đặc chủng, xe xích, xe tăng thiết giáp, xe máy công binh, trạm nguồn điện…) và thiết bị động lực dùng trong quân sự.
Thực hiện hướng dẫn của Cục Chính trị về triển khai các phong trào, mô hình trong đoàn viên, thanh niên; từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị trung tâm của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, một số cán bộ, sĩ quan trẻ đã hình thành phương pháp làm việc nhóm trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Trên cơ sở đánh giá, ghi nhận tính hiệu quả của phương pháp làm việc nhóm trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ khai thác, bảo đảm kỹ thuật, phát triển phương tiện cơ giới, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã chỉ đạo Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Viện chủ trì triển khai thực hiện mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”, nhằm phát huy khả năng sáng tạo, thúc đẩy việc học tập, nâng cao trình độ và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu tính toán, thiết kế cho cán bộ trẻ, tăng cường khả năng sinh hoạt tập thể và hiệu quả làm việc theo nhóm.
Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” quy tụ đông đảo các cán bộ, sĩ quan trẻ có trình độ đại học, sau đại học được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; sử dụng thành thạo các phầm mềm tính toán, thiết kế, mô phỏng tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong nước và trên thế giới trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng KHCN ngành cơ giới.
Mô hình được cấu trúc thành các Tổ khoa học độc lập, mỗi tổ có một đồng chí làm tổ trưởng; từng tổ chia thành 2 đến 3 nhóm, mỗi nhóm có một đồng chí làm nhóm trưởng, mỗi nhóm có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng một nội dung, khía cạnh khác nhau trong một đề tài (tùy theo từng đề tài, nhiệm vụ khoa học cụ thể để chia thành nhiều hay ít nhóm), các nhóm nghiên cứu phối hợp với nhau để hoàn thành công trình chung của tổ.
Từ một nhiệm vụ khoa học (đề tài) cụ thể của Viện, Ban Chấp hành đoàn cơ sở lựa chọn những cán bộ, đoàn viên có trình độ, chuyên môn phù hợp để thành lập một “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”. Sau đó xây dựng kế hoạch, đề cương, báo cáo thực hiện nhiệm vụ khoa học để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Quản lý khoa học và đề nghị Viện chỉ định một số cán bộ có trình độ chuyên sâu, giỏi về lĩnh vực có liên quan đến nội dung nghiên cứu của Tổ khoa học để hướng dẫn, hỗ trợ Tổ nghiên cứu. Trên cơ sở hoàn chỉnh các nội dung, quy trình, thủ tục theo yêu cầu nhiệm vụ khoa học, Ban Chấp hành đoàn Cơ sở của Viện trình Thủ trưởng Viện phê duyệt, triển khai.
Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, tổ trưởng nắm chắc tiến trình của nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các nhóm, các tổ viên. Hằng tuần “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” tổ chức hội ý ít nhất một lần, có cán bộ chuyên sâu của Viện hướng dẫn tham dự, để trao đổi, hội ý khoa học và xin ý kiến chỉ đạo của cán bộ hướng dẫn, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học. Sau khi nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thành, tổ khoa học báo cáo Ban Chấp hành đoàn của Viện để báo cáo Thủ trưởng Viện, cơ quan Quản lý khoa học và Hội đồng Khoa học Viện tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” hoàn thành nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Viện tiến hành hội ý, rút kinh nghiệm việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học của các thành viên trong tổ, nhóm khoa học kỹ thuật trẻ để phát huy những kinh nghiệm sáng tạo, hiệu quả và khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học tiếp theo.
Kết quả thực hiện Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” đã làm cho cán bộ, đoàn viên được trải nghiệm thực tế phương pháp làm việc nhóm trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp nhận, lĩnh hội những thành tựu khoa học mới, phát huy tối đa sở trường, trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào khai thác, bảo đảm kỹ thuật, thiết kế đóng mới, phục hồi, phát triển phương tiện cơ giới của cán bộ trẻ trong Viện; củng cố, nâng cao kiến thức chuyên ngành, khả năng tính toán thiết kế, ứng dụng các phần mềm, các công nghệ mô phỏng trong tính toán thiết kế ngành cơ giới quân sự.
Qua đó, các tổ trưởng, nhóm trưởng được rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động trong môi trường tập thể quân sự. Các thành viên trong tổ, nhóm được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, sử dụng phần mềm, ngôn ngữ lập trình, tiêu chuẩn bản vẽ… trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học tại Viện.
Không chỉ trực tiếp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học cho cán bộ, sĩ quan trẻ, hoạt động của mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy, các cơ quan chức năng và Hội đồng Khoa học Công nghệ của Viện triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học đạt hiệu quả. Tiêu biểu là: Nghiên cứu ứng dụng KHCN trong khai thác, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị, thiết kế, chế thử vật tư kỹ thuật, trang bị kỹ thuật ngành cơ giới và chuyển giao công nghệ sản xuất vật tư kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng; nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa, thay đổi mục đích sử dụng các loại trang bị kỹ thuật cơ giới quân sự; nghiên cứu phát triển kỹ thuật và dự báo phát triển trang bị kỹ thuật cơ giới quân sự; nghiên cứu ảnh hưởng từ hoạt động của các trang bị phương tiện cơ giới quân sự đến môi trường...
Năm 2016, cán bộ, sĩ quan trẻ của Viện đã có 1 công trình khoa học “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bộ tự động điều khiển điện áp cho tổ hợp trạm nguồn điện AD10-T400” và 1 sáng kiến “Thiết kế, chế tạo hệ thống nâng hạ dùng trong xe điện chở thức ăn” tham gia giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” cấp toàn quân đều đạt giải Ba. Năm 2017 có 2 công trình và 1 sáng kiến tham gia giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” cấp toàn quân, trong đó Công trình khoa học “Nghiên cứu tính toán thiết kế và chế tạo trạm vệ tinh trinh sát ảnh cơ động” đạt giải Nhất.
Qua hoạt động của Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”, Đảng ủy, chỉ huy Viện có thêm “một kênh” quản lý, phân loại, nắm khả năng, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ, sĩ quan trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ trẻ phù hợp, hiệu quả, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Viện. Đến nay, mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” của Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều đơn vị trong Tổng cục Kỹ thuật.
Minh Phương