Điển hình tiên tiến

Biểu dương các chiến sĩ quân hàm xanh xung kích trên tuyến đầu biên cương của Tổ quốc

TĐKT - Nhằm kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tiếp tục, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, ngày 1/4, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP đã có Thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng toàn lực lượng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình tư vấn về y tế cho bà con nhân dân trên địa bàn. (Ảnh: Văn Chương) Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng với các lực lượng, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới, tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch xâm nhập vào nội địa và đơn vị. Trên dọc tuyến biên giới đất liền, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, các đơn vị đã tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới; tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch đạt hiệu quả tích cực. Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường và các đơn vị tuyến biển đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh… Nhiều đồng chí đã gác lại tình cảm riêng, hoãn làm đám cưới, không về tổ chức lễ cưới con, đưa con bị ốm nặng đi bệnh viện chữa trị… để ở lại cùng đồng đội tham gia phòng, chống dịch. Những việc làm trên đã góp phần tô thắm, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân của người lính quân hàm xanh được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, ngày 25/3/2020 tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ và động viên cán bộ, chiến sĩ BĐBP: “Ngay mùa dịch Covid-19 này, lực lượng BĐBP cũng vất vả lắm, phải ngủ lán trại ngay đường mòn, lối mở. Đồn là nhà, mà có được ở trong đồn đâu” thật sự ấm áp và cảm động. “Đảng ủy, Bộ Tư lệnh nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những việc làm có ý nghĩa cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng toàn lực lượng đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.” – Trung tướng Hoàng Xuân chiến nhấn mạnh. Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn kéo dài. Bộ Tư lệnh BĐBP đề nghị cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn lực lượng quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, tập trung cao độ, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách đã đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp. Các cơ quan, đơn vị duy trì chấp hành nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định; rà soát lại các phương án, kế hoạch để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ ở các trạng thái, cấp độ dịch cao hơn khi có lệnh. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, phối hợp chặt chẽ với địa phương, các lực lượng tổ chức việc tiếp nhận và cách ly theo quy định. Thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch trong các cơ quan, đơn vị, nhất là cách ly xã hội; tuyệt đối không được đi đến vùng có dịch và ngược lại; kiên quyết ngăn chặn không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm và không để dịch xâm nhập vào cơ quan, đơn vị. Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, biểu dương khen thưởng gương người tốt, việc tốt có nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tin tưởng cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng toàn lực lượng sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP xứng đáng là một chiến sĩ quân hàm xanh xung kích trên tuyến đầu biên cương của Tổ quốc. Phương Thanh

Tìm sinh kế, lập thân, lập nghiệp

TĐKT – Sau thời gian làm công nhân ở miền Đông Nam bộ nhiều năm, anh Danh Hoàng (dân tộc Khơ me) quyết định về quê hương xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang để lập nghiệp và đã thành công với mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sản xuất theo chuỗi khép kín. Anh Danh Hoàng cho biết, trước đây, bản thân và gia đình chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, anh luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách để khắc phục cái đói, cái khổ. Anh Danh Hoàng đang chăm sóc diện tích hẹ của gia đình Từ hai bàn tay trắng, được các cấp bộ đoàn tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất, mà trực tiếp là sự giúp đỡ chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thanh niên xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, anh Hoàng đã được đi tham quan học tập thực tế nhiều lần tại các mô hình phát triển kinh tế hay ở các địa phương. Từ những kinh nghiệm được học hỏi và những kỹ thuật được chuyển giao từ đợt tập huấn của Đoàn, Hội; cộng với sự hỗ trợ về vốn của các cấp, Hoàng đã tìm thấy hướng đi cho mình - xây dựng mô hình phát triển kinh tế “Chuỗi sản xuất khép kín quy mô hộ gia đình”. Tận dụng diện tích đất nhà khoảng 5000 m2 , anh Hoàng tiến hành trồng cây bắp. Sau khi thu hoạch, anh tận dụng cây bắp làm thức ăn cho 8 con bò, giúp giảm chi phí thức ăn, giúp bò sinh sản tốt và đạt chất lượng về giống cũng như bò thịt. Không những thế, anh còn tận dụng nguồn phân bò nuôi trùn quế để bán và nuôi lươn đồng. Anh Hoàng chia sẻ: Trùn quế được anh sử dụng làm thức ăn dinh dưỡng cho lươn và gà; còn lại anh đem bán, với mỗi kg trùn quế, anh có thêm được 50.000đ.  Ngoài ra, những sinh khối của trùn quế là nguồn phân hữu cơ rất tốt để gia đình anh trồng rau màu. Đặc biệt, hiện tại ở gia đình anh đang trồng cây hẹ, mang lại thu nhập ổn định mỗi tháng bình quân 8 triệu đồng. Chính từ mô hình khép kín này, anh đã tiết kiệm được chi phí, đồng thời hạn chế được việc sử dụng phân thuốc hóa học, từ đó cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn. Mỗi năm, mô hình cho gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Chia sẻ về việc làm của mình, anh Hoàng bảo: Tuy mô hình còn nhỏ, mới chỉ là những thành công ban đầu, nhưng nó đã đem đến cho tôi sự hứng khởi, quyết tâm. Dự định trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm trại trùn quế và phát triển thêm đàn gà. Danh Hoàng bên đàn bò gia đình Bày tỏ sự biết ơn đối với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thanh niên các cấp trong việc giúp đỡ gia đình anh phát triển thành công mô hình khép kín, cho giá trị kinh tế cao, anh Hoàng chia sẻ: “Phải nói rằng tổ chức đoàn thanh niên là cầu nối giữa người đoàn viên, thanh niên với Nhà nước để hộ gia đình được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề phát triển kinh tế, hỗ trợ tiền vay, hỗ trợ lãi suất. Quan trọng nhất đối với tôi là đã kịp thời tiếp cận được với nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn; được tiếp thu các kiến thức khoa học, kinh nghiệm hay trong xây dựng và vận hành mô hình; được tiếp cận với đầu ra ổn định, giúp gia đình an tâm sản xuất. Danh Hoàng bày tỏ mong muốn: Không chỉ riêng với tôi, tìm ra sinh kế cho bản thân là khát khao của rất nhiều bạn trẻ khác. Tôi mong rằng, các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ thêm nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để các mô hình của thanh niên được phát triển thêm. Tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với mọi người, cùng bắt tay xây dựng kinh tế, tìm được động lực và hướng lập thân lập nghiệp, khẳng định mình trong xã hội. Được biết, ngoài việc phát triển kinh tế, anh Hoàng luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới, kịp thời động viên, ủng hộ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ được phát triển sản xuất. Hưng Vũ

“Nữ thuyền trưởng” và 6 năm vững lái “con tàu An sinh”

TĐKT - Lần đầu gặp Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, ít ai ngờ ẩn sâu sau dáng người mảnh mai, dịu dàng của chị là một tính cách quyết liệt, quyết đoán với một cường độ làm việc cao và sức bền đến không ngờ. Và có lẽ cũng ít người biết, nữ “thuyền trưởng” của ngành BHXH còn có những khoảng lặng rất đời thường... Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (KCOMWEL) Ngày 20/11/2014 có lẽ đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng đối với chị Nguyễn Thị Minh. Đó là ngày Quốc hội thông qua Luật BHXH Sửa đổi. Là người đứng đầu ngành, trực tiếp giúp Chính phủ tổ chức thực hiện hai chính sách quan trọng, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội Quốc gia, với chị Minh, niềm vui và hạnh phúc thực sự đong đầy khi trong công việc của ngành đạt được những thành tựu mới... Tháng 3/2014, khi vừa mới chân ướt, chân ráo về ngành, chị Minh đã cùng với Ban lãnh đạo BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua hai dự thảo sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT - hai đạo luật cơ bản tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện chính sách và cơ chế hoạt động của BHXH Việt Nam sau này. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh kiểm tra vận hành hệ thống “một cửa điện tử tập trung” tháng 1/2017  Còn nhớ quá trình thảo luận đi đến thống nhất nội dung sửa đổi Luật BHXH, trên nghị trường và đến lúc Luật được thông qua, niềm vui đã vỡ òa trong chị và niềm vui ấy càng lớn khi quá trình dự thảo Luật có phần công sức của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương. Phấn khởi, vui mừng, nhưng hơn ai hết, chị Minh hiểu, hoàn thiện hành lang pháp lý chỉ là công việc khởi đầu. Chặng đường gian nan đưa chính sách vào cuộc sống còn đang ở phía trước. Khoảng thời gian tiếp theo, chị Minh cùng với Ban lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị giúp việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt là việc tham mưu với Chính phủ ban hành các quyết định về việc giao chỉ tiêu BHYT, BHXH cho các địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đã được xác định tại Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 28-NQ/ TW và thể chế hóa tại Luật. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà tri ân các đồng chí thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) Trong hệ thống BHXH Việt Nam, chị quyết liệt chỉ đạo thực hiện tổng rà soát các quy trình nghiệp vụ, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính không giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với cơ quan BHXH. Sau hơn 5 năm, đến nay, mục tiêu BHYT toàn dân đã cơ bản hoàn thành với gần 90% người dân có thẻ BHYT. Số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng số người tham gia gần 600.000 người. Riêng con số phát triển BHXH tự nguyện trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019 lớn hơn tổng số người tham gia của 10 năm trước đó. Đặc biệt, hoạt động phục vụ của ngành BHXH có sự thay đổi cả về lượng và chất. Số thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH giảm mạnh, từ hơn 200 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; 100% các thủ tục hành chính đã được thực hiện giao dịch điện tử ở mức độ 3, 4. Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Ngành BHXH đã hoàn thành việc rà soát và cấp mã định danh BHXH cho trên 92 triệu dân. Xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử lưu trữ hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT của trên 85 triệu người tham gia BHYT. Thực hiện kết nối và đồng bộ toàn diện các phần mềm nghiệp vụ... Khi BHXH Việt Nam liên tục thăng hạng và đứng thứ 2 về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc) về chỉ số nộp thuế, BHXH trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chị Minh nói giản dị: Đó là công lao của trên 20.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống BHXH. Cá nhân chị chẳng bao giờ nhận chút thành tích nào về riêng mình. Với tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT cũng diễn ra khá phức tạp. Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả sử dụng quỹ, để từng đồng quỹ được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia? Câu hỏi ấy luôn trăn trở trong lòng nữ Tổng Giám đốc, không chỉ khi chị đã về công tác trong ngành mà ngay từ khi chị còn là Thứ trưởng Bộ Tài chính và được giao phụ trách lĩnh vực này. Khi đi thị sát thực tiễn, chị nhận thấy nếu chỉ với hơn 2.000 giám định viên BHYT, muốn kiểm soát tốt việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT sẽ là điều không tưởng nếu không áp dụng công nghệ. Đi tham khảo, học tập kinh nghiệm các tổ chức an sinh quốc tế, ý tưởng về một hệ thống giám định điện tử tập trung cứ lớn dần trong tâm thức chị. Những ngày đầu triển khai, có người nghi ngờ, có người phản đối, có người thiếu hợp tác... nhưng với sự nhạy cảm của nhà quản lý chuyên nghiệp, sự tâm huyết của người đứng đầu, chị đã hình dung ra chiến lược ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, coi đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý thu, chi, khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực do tinh giản biên chế, mang lại sự minh bạch và là chìa khóa để cải cách hành chính thành công. Đến nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT với các tính năng giám định tổng hợp, giám định chuyên đề đã từng bước phát huy hiệu quả. Khối lượng công việc thủ công của anh em được giảm bớt, việc giám sát, kiểm soát quỹ khám, chữa bệnh BHYT từng bước khắc phục được những hạn chế - với chị, đó là niềm vui. Những câu chuyện cán bộ BHXH đi kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT bằng xe máy, đơn vị sử dụng lao động chặn xe không tiếp, hay có anh em bị rắn lục cỏ chui vào bô xe, bị rắn cắn may chưa nguy hiểm đến tính mạng... càng làm chị trăn trở. Chị bàn với các đồng chí trong Ban Cán sự, Ban Tổng Giám đốc xây dựng phương án, báo cáo Chính phủ để anh em cấp cơ sở có thêm phương tiện làm việc, giảm bớt những rủi ro, vất vả... Đi đến đâu công tác, câu đầu tiên chị hỏi là anh em hôm nay đến dự có đủ không, tiến độ công việc thế nào, có gì khó khăn cần lãnh đạo ngành tháo gỡ, đời sống anh em thế nào. Chị bảo, anh em đến dự đông đủ là thể hiện sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo và toàn đơn vị đó. Với chị, một tập thể quan trọng nhất là sự đoàn kết. Chị luôn dặn dò Công đoàn phải thường xuyên giám sát bếp ăn, làm sao miếng cơm, miếng rau trong suất cơm trưa của anh em có thể chưa được sang nhưng phải sạch và đủ chất. Chị luôn tỉ mỉ quan tâm anh em cơ quan như trong gia đình mình vậy. Trong công việc chị là người quyết liệt và cẩn trọng nhưng trong đời thường chị lại hết sức giản dị đó là phong thái và phong cách rõ nét nhất của “nữ thủ lĩnh” ngành BHXH.  Không chỉ cập nhật các kiến thức công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc, chị còn tổ chức các lớp học ngoại ngữ, nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ, công chức và viên chức quản lý khối cơ quan Trung ương và bản thân chị cũng là một thành viên tích cực của các lớp học này. Là nữ cán bộ quản lý có quá trình trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí công tác, hơn ai hết, chị Minh hiểu những vất vả của cán bộ nữ. Chị tâm sự: Thành công của một người đàn ông cần sự nỗ lực một thì thành công của một người phụ nữ cần sự nỗ lực và hy sinh gấp 10 lần. Có lẽ chính vì thế, trong công tác cán bộ, chị luôn quan tâm, động viên và chia sẻ với những cán bộ nữ, đặc biệt là những nữ cán bộ quản lý cấp dưới. Dù có bận rộn mấy thì cứ tháng 7 hàng năm chị vẫn luôn sắp xếp để tham dự 1 cuộc thăm hỏi người có công, gia đình chính sách hay thăm 1 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh, 1 gia đình nghèo, neo đơn; thăm, viếng các anh linh liệt sĩ tại các nghĩa trang quốc gia trên tuyến đường Trường Sơn. Chị bảo, trong niềm tưởng nhớ chung các anh linh liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, chị có nỗi niềm riêng về người anh trai hy sinh trong chiến dịch Trường Sơn đến nay chưa tìm được mộ phần... Có lẽ cũng từ mất mát của gia đình mình, chị thấu cảm nhiều hơn với sự hy sinh, mất mát của những gia đình thương binh liệt sĩ, hiểu hơn giá trị của độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Đấy là máu xương, nước mắt của bao thế hệ, để từ đó chị mong muốn với cương vị của mình, có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, với sứ mệnh là cầu nối An sinh xã hội đến với nhiều hơn những gia đình Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Ngọc Ánh    

Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ “Nam giới là điểm tựa của phụ nữ”

TĐKT - Câu lạc bộ (CLB) “Nam giới là điểm tựa của phụ nữ” ở ấp Thanh Thủy (thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) được thành lập từ năm 2009. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, CLB đã góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của các thành viên, góp phần tạo sự công bằng, bảo đảm quyền bình đẳng giới. CLB luôn tiên phong trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương Ông Nguyễn Văn Ưng, chủ nhiệm CLB cho biết: CLB “Nam giới là điểm tựa của phụ nữ” ở Thanh Thủy được thành lập với mục đích vận động nam giới, đặc biệt các ông chồng tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ công việc gia đình, xã hội, trở thành điểm tựa vững vàng cho phụ nữ. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, CLB đã trở thành điểm gắn kết của người dân trong ấp, là điểm sáng trong các hoạt động xã hội cũng như xây dựng khu dân cư văn hóa ở địa phương. Thành lập với 30 thành viên, đến nay, CLB đã có 108 thành viên với hơn một nửa là nam giới. Có khoảng 40 cặp vợ chồng cùng là thành viên. CLB duy trì duy trì sinh hoạt đều đặn hàng quý với nội dung chính là tuyên truyền về giới và bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình cho các thành viên CLB; vận động nam giới không có hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong gia đình. Ngoài ra, CLB còn tổ chức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương phụ nữ nghèo vượt khó nhằm giúp các thành viên nam giới hiểu và thông cảm với những khó khăn của phụ nữ để tạo điều kiện cho phụ nữ được vươn lên, bình đẳng với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. “Trong các buổi sinh hoạt, vì có nhiều nội dung phong phú nên không chỉ các bà vợ mà nhiều ông chồng đã nâng cao được nhận thức về bình đẳng giới. Từ quan niệm cũ cho rằng, trách nhiệm của người vợ trong gia đình là phải cáng đáng việc nhà, bếp núc, chăm sóc con cái đến chăm lo gia đình, nay người chồng đã cùng với vợ làm công việc gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt, không có tình trạng mâu thuẫn nhau do người chồng uống rượu say, phá phách, đánh đập, chửi bới vợ con.” - ông Ưng chia sẻ. Là một trong những hội viên tích cực của CLB, anh Triệu Quang Thìn chia sẻ: Vợ chồng tôi kết hôn được 26 năm và có 3 con. Ngoài thời gian làm vườn, chăn nuôi, tôi cùng vợ vẫn luôn dành thời gian tham gia các phong trào do CLB tổ chức. Từ khi biết đến “Nam giới là điểm tựa của phụ nữ”, tôi được học thêm nhiều điều bổ ích cũng như nhiều kinh nghiệm để cùng vợ nuôi dạy con cái, giữ gìn hạnh phúc trong gia đình. Sinh hoạt trong CLB, các thành viên không chỉ được tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn được CLB hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã huy động được 110 triệu đồng tiền vốn và xoay vòng hỗ trợ 30 hội viên vay với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, CLB cũng tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Tính 5 năm trở lại đây, các thành viên đã đóng góp hơn 40 triệu đồng cùng nhiều ngày công để xây dựng, tu sửa nhà văn hóa ấp thêm khang trang, sạch đẹp. Ban chủ nhiệm CLB còn tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên tham gia sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trong ấp, đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dọc tuyến đường ấp và đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trong ấp với số tiền mặt hơn 100 triệu đồng. Cũng theo ông Ưng, để duy trì hoạt động của CLB, các hội viên mà chủ yếu là các ông chồng đã cùng nhau học tập và chia sẻ kinh nghiệm về mọi vấn đề. Việc làm này nâng cao ý thức trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình, xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho vợ và các con. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình, bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Điều dễ nhận thấy nhất về hiệu quả hoạt động của các CLB đã góp phần vào thành tích nhiều năm liền ấp Thanh Thủy đạt chuẩn khu dân cư văn hóa. Tùng Chi  

Khởi nghiệp với dự án “ Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm”

TĐKT - Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Ngữ văn, song cô gái Hoàng Thị Hảo, ở thành phố Hà Giang lại bén duyên với công việc kinh doanh du lịch nhờ sự năng động, sáng tạo, biết phát huy những thế mạnh và đam mê của mình cũng như biết nắm bắt và tận dụng tốt những cơ hội từ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Từ đam mê… Với mong muốn góp sức mình phát triển quê hương nên ngay khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Ngữ văn năm 2011, Hảo đã nộp đơn xin trở về quê nhà làm giáo viên dạy học. Nhưng vốn là cô gái năng động, có vốn ngoại ngữ dắt lưng, dạy học được 4 tháng, Hảo quyết định trở thành một cán bộ dự án phi chính phủ. Sau đó lại thử sức mình ở các đơn vị khác nhau: Cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ hợp đồng tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng thành phố… Nhờ học tập, rèn luyện và làm việc trong nhiều môi trường khác nhau nên Hảo được biết và tiếp cận với nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; được tham gia công tác và hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên. Qua đó, cô hiểu rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thanh niên khởi sự lập thân, lập nghiệp. Hoàng Thị Hảo(thứ 2 từ trái sang) đã đạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc. Sẵn niềm đam mê kinh doanh và đam mê du lịch, cũng như hưởng ứng phong trào “Thanh niên khởi nghiệp”, cô đã mạnh dạn tự đứng ra khởi sự lập nghiệp, dưới sự ủng hộ của gia đình, sự động viên, khích lệ của bạn bè và sự tạo điều của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Với số vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu đồng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay và quán ăn chay Hao Tea do Hảo làm chủ chính thức ra đời tháng 12/2017. Với diện tích 271 m2, cơ sở kinh doanh của Hảo gồm: 4 phòng đơn và một phòng tập thể, có thể đáp ứng cho tối đa là 16 khách 1 ngày; 1 quán ăn cung cấp đồ ăn chay tối đa là 20 khách du lịch nước ngoài,. Để có những vị khách đầu tiên, Hảo đã chủ động kết nối với các người bạn nước ngoài - đó là những vị khách cũ, đồng nghiệp cũ, tình nguyện viên mà Hảo đã từng có thời gian làm việc cùng. Sau đó, Hảo tiếp tục mở bán trên các kênh bán hàng online, ký kết cung cấp dịch vụ và trích hoa hồng với AGODA.COM; BOOKING.COM… Song song đó, Hảo mở trang web, kinh doanh với Google, trang cá nhân trên facebook…; đăng ký thành viên trong mạng lưới tình nguyện viên quốc tế, mạng lưới hỗ trợ khách du lịch quốc tế…. “Hao Tea ra đời với doanh thu tháng đầu tiên là 2000 đ. Nhưng từ khóa Hao tea dần dần trở thành top đầu trên google khi khách du lịch gõ về Hà Giang. Có những đánh giá 5* và những phản hồi rất tốt.” – Hảo say sưa kể lại. Với kết quả thuận lợi này, Hảo đã mở rộng mô hình kinh doanh với 3 phòng tập thể, 1 phòng gia đình và một phòng đơn. Tổng số khách tiếp đón là 40 khách/ngày, doanh thu bình quân một tháng của cửa hàng ước đạt 70 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Để có được kết quả đó, Hảo đã đặt ra phương châm kinh doanh là “Chất lượng - Uy tín” là hàng đầu. Với quan điểm phải đặt chất lượng của sản phẩm, giữ chữ tín trong kinh doanh lên hàng đầu, tạo môi trường thân thiện và tạo không khí ấm áp, gần gũi như khách du lịch đang được ở chính ngôi nhà của họ. Bên cạnh đó là sự lao động hăng say, miệt mài và không ngừng học hỏi, thường xuyên cập nhật vốn từ vựng tiếng anh, văn hóa; ẩm thực các nước bạn; đồng thời tìm hiểu văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thường xuyên đi tiền trạm, kiểm tra khám phá các địa điểm du lịch mới, cung đường mới. ....đến chủ dự án nông nghiệp sạch gắn với du lịch Tuy nhiên, số lượng khách hàng ngày càng nhiều, yêu cầu của khách hàng được sử dụng rau sạch và du lịch trải nghiệm ngày càng cao, đặt ra cho Hao Tea bài toán cần phải mở rộng quy mô, tìm nơi trồng rau sạch, áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản trị trong kinh doanh... Để giải quyết được vấn đề trên, ý tưởng dự án “Green Blessing trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” ra đời. Đầu năm 2018, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức, Hảo được tổ chức Đoàn thanh niên thành phố, Ban chỉ đạo khởi nghiệp TP Hà Giang lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn lập Dự án “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm”. Đây là dự án đầu tư xây dựng một mô hình khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm làm nông dân khi tham gia tour du lịch do Hoàng Thị Hảo tổ chức Chia sẻ về dự án này, Hảo cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng một trang trại với diện tích 5000 m2 trồng rau hữu cơ và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng một nhà trung tâm, tại đây sẽ là nhà lưu trú cho khách du lịch, nhà hàng và là nơi học tập, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, nuôi con theo hướng hữu cơ của bà con và các chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng 5 nhà nhỏ phù hợp với hộ gia đình và du khách muốn được đến nông trại nghỉ dưỡng, thư giãn và tận hưởng thực phẩm sạch. Đồng thời chúng tôi cũng có 1 thư viện , 1 nhà tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, chúng tôi đã đánh giá và xây dựng cho du khách những hoạt động du lịch trải nghiệm như 1 ngày làm nông dân địa phương, 1 ngày đi bộ ngắm bản làng thăm rừng chè, rừng thảo quả. Sau những hoạt động ngoài trời là những lớp học nấu ăn món ăn truyền thống của địa phương, những khóa học thiền yoga ngắn hạn… Mục tiêu của dự án là phát triển nông nghiệp hữu cơ và tạo điều kiện cho phụ nữ và thanh niên yếu thế tại địa phương có cơ hội học nghề và tiếp cận với nghề nghiệp. Bằng cách đào tạo cho chị em trồng rau hữu cơ, song song đó là nâng cao thu nhập bằng cách tạo việc làm tại nông trại. Với nhóm đối tượng thanh niên yếu thế không có cơ hội học đại học hoặc học nghề, chúng tôi dạy tiếng Anh và dạy để trở thành một hướng dẫn viên làm việc với du khách nước ngoài. Tạo cơ hội tiếp cận nghề nghiệp mới có thu nhập cho bản thân mình.” Với ý tưởng khởi nghiệp này, Hảo đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp toàn tỉnh; được Tỉnh đoàn Hà Giang tiếp tục giới thiệu chọn cử tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp và tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ I do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2018. Tại vòng thi chung kết, Hảo đã đạt giải nhất. “Hiện nay dự án đã được Vườn ươm khởi nghiệp tỉnh ươm tạo, hỗ trợ, giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục thành lập được Công ty TNHH Công nghệ Thương mại và dịch vụ du lịch GB để thực hiện dự án khởi nghiệp này. Sau khi nhận được giải thưởng 50 triệu đồng tiền mặt cùng với cơ hội vay được vốn tối đa là 1 tỷ đồng từ Quỹ giải quyết việc làm quốc gia, tôi và các thành viên trong nhóm đã mạnh dạn đầu tư mua 1 ha đất và thuê thêm hơn 5000 m2 đất ruộng để thực hiện dự án tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TP Hà Giang. Hiện tại, dự án “ Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm với GB" đang bước những bước đi đầu tiên với rất nhiều gian nan, thử thách.” – Hảo chia sẻ. Hiện tại, từ Dự án GB, bà con thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TP Hà Giang chuẩn bị có con đường bê tông mới sạch đẹp hơn, thuận tiện hơn cho các bạn nhỏ tới trường, cho dự án có điều kiện thuận lợi để hoàn thành như mong đợi. Ngoài ra, nằm trong khuôn khổ dự án Green Blessing trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm, Hảo và các bạn trong nhóm đã phối hợp với Thành đoàn TP Hà Giang tuyên truyền thực hiện dự án Green Blessing - eco bricks house – thu gom rác thải nhựa và túi ni lông, biến chúng thành những viên gạch sinh thái có ích để xây dựng 5 nhà Bungalows và làm những vật dụng cần thiết cho nông trại. Dẫu con đường khởi nghiệp còn muôn vàn khó khăn, nhưng với niềm đam mê và hướng đi đúng đắn, cùng với sự trợ giúp từ chính quyền, từ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.., tin rằng, dự án “ Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” của Hảo và nhóm bạn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hưng Vũ  

Thủ tướng Chính phủ biểu dương cán bộ, chiến sĩ quân đội trong phòng, chống COVID-19

TĐKT - Ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư biểu dương, khen ngợi những cán bộ, chiến sĩ quân đội đang ngày đêm tham gia trực tiếp trên mặt trận tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đơn vị phòng hóa thuộc Quân khu 3 tham gia phun khử khuẩn trên phố Trần Phú, TP Hải Phòng trong sáng 28/3 (ảnh: Thu Phạm) Trong thư, Thủ tướng nhấn mạnh: Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có nhiều chủ trương, biện pháp huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng là một trong những lực lượng tiền phong, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các đồng chí đã có nhiều biện pháp, cách làm hết sức cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, như: Tăng cường chốt chặn, kiểm soát đường mòn, lối mở; thành lập các bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly tập trung; phòng độc, khử trùng; tổ chức tiếp nhận, quản lý, giám sát, chăm sóc, cách ly y tế người từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; phối hợp với các lực lượng công an, y tế thực hiện tốt công tác phát hiện, tìm kiếm, giám sát cách ly đối với những người nhiễm, nghi nhiễm bệnh, đồng thời chủ động, tích cực phòng, chống không để dịch bệnh lây lan vào quân đội… Là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, các đồng chí không quản ngại, khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm để hoàn thành sứ mệnh cao cả, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội với “những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã tô thắm thêm truyền thống cao đẹp của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Những hành động và đóng góp nổi bật của toàn lực lượng quân đội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, xứng đáng là điểm tựa tinh thần của quần chúng nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, đồng chí cả nước trong công cuộc phòng, chống và quyết tâm đẩy lùi, chiến thắng đại dịch COVID-19. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt biểu dương, khen ngợi những cán bộ, chiến sĩ Quân đội đang ngày đêm tham gia trực tiếp trên mặt trận tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng. Tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài, Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung cao độ để phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa cùng với các lực lượng và nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh trên đất nước ta, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Chúc các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Phương Thanh

Lão nông “ham” làm từ thiện

TĐKT - Nhiều năm qua, bất kể nắng hay mưa, ở xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), hễ ở đâu có xây nhà từ thiện là ở đó lại thấy thấp thoáng hình ảnh của ông Trương Văn Canh cặm cụi xây nhà. Nhờ sự tích cực vận động và niềm đam mê làm từ thiện của ông, ngày càng có nhiều mái nhà mới được dựng xây, nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương được chia sẻ, giúp đỡ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 9 anh em, ông Canh sớm đã lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, ông cùng vợ nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Khi cuộc sống ổn định, ông tranh thủ thời gian và trích một phần thu nhập gia đình để làm công tác xã hội từ thiện, nhất là giúp đỡ người dân nghèo để sẻ chia bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Chỉ tính trong 5 năm qua, ông đã góp tiền của và tham gia cùng với Tổ cất nhà từ thiện của xã xây cất 76 căn nhà đại đoàn kết, 11 căn nhà theo chương trình 167 và sửa chữa 6 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn trên địa bàn xã. Những hành động tận tâm của ông đã giúp nhiều gia đình kém may mắn có thêm động lực vượt qua khó khăn. Ông Võ Văn Rãnh, xã Phú Bình nhận xét: “Anh Canh làm đâu ra đó, tiền nhà hảo tâm và anh em đóng góp bao nhiêu, làm hết bấy nhiêu, đều công khai, minh bạch. Anh cũng rất quan tâm tới anh em, hôm nào thấy có người vắng là anh hỏi thăm, nghe bệnh là tới tận nhà thăm hỏi, anh em ai cũng quý anh”. Bên cạnh đó, ông Canh còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Năm 2011, khi xã triển khai phong trào này, ông được UBND xã Phú Bình tin tưởng giao nhiệm vụ thành lập Đội thi công để vận động nhân dân đóng góp cùng nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.  Với cương vị là đội trưởng thi công, ông đã tham gia cùng địa phương vận động tiền, ngày công lao động, hiến đấy xây dựng lộ giao thông nông thôn được 6 đoạn bê tông với chiều dài 7 km, 4 công trình cầu nông thôn và 15 km công trình giao thông nội đồng… với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng. Đóng góp của ông đã góp phần không nhỏ đưa xã Phú Bình hoàn thành các chỉ tiêu và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Ngoài ra, ông cũng luôn gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động; đóng góp tiền vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Cây mùa xuân”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ Khuyến học… góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Dù đã có tuổi nhưng chưa bao giờ ông Trương Văn Canh có ý nghĩ sẽ thôi làm từ thiện. Bởi với ông mỗi việc thiện là một niềm vui, được làm là được sẻ chia một phần khó khăn với người dân nghèo, là được đóng góp, được cống hiến cho quê hương, cho xã hội. Nhất là khi thấy địa phương mình còn nghèo thì đây là một gánh nặng mà ông chưa thể trút bỏ. “Bây giờ gia đình cũng đã êm ấm, vợ con tôi cũng ủng hộ tôi đi làm từ thiện vì đó là điều tốt cho xã hội đó cũng là động lực thúc đẩy mình làm, bây giờ tuổi cũng ngày càng lớn mà thấy còn khỏe thì còn làm, làm đến khi nào hết làm nổi nữa thì thôi, giờ chỉ mong sao có sức khỏe để tiếp tục làm, tiếp tục gắn bó với bà con”, ông Canh chia sẻ. Ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực cho các phong trào của địa phương, ông Canh đã được Trung ương, UBND tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Tinh thần thiện nguyện, sống vì mọi người của ông Canh thật đáng biểu dương như những bông hoa đẹp ngát hương giữa đời thường. Bảo Linh

Trao Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

TĐKT -  Sáng 25/3, tại trụ sở Trung ương Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đã tổ chức Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 và 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019 thuộc 9 lĩnh vực (lĩnh vực Quản lý Hành chính Nhà nước không có đề cử). Tại buổi lễ, Bí Thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Đoàn và Kỷ niệm chương cho các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Đồng chí Lê Quốc Phong trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Kỷ niệm chương cho Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao Bằng khen của Trung ương Đoàn cho các Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019. 10 gương mặt triển vọng được khen thưởng tại buổi lễ Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, dịp này, 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2019 đã trích tổng số tiền 100 triệu đồng từ giải thưởng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với mong muốn cùng người dân cả nước góp sức lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2019 cũng dành số tiền 100 triệu đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn theo lời phát động của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đại diện Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 trao số tiền 100 triệu đồng từ giải thưởng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 Tất cả số tiền ủng hộ sẽ được Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam chuyển đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Cũng trong sáng nay, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2019 bên lề chương trình buổi làm việc của Thủ tướng với Ban Bí thư Trung ương Đoàn, các bộ, ban, ngành Trung ương. Năm 2019, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam – đơn vị được Trung ương Đoàn giao làm thường trực Giải thưởng nhận được 137 hồ sơ hợp lệ từ 39 đơn vị gửi về. Trong 137 đề cử có 100 nam, 37 nữ; dân tộc thiểu số: 8 đề cử; học hàm cao nhất: Giáo sư tập sự (1 đề cử); Phó Giáo sư (2 đề cử); học vị cao nhất: Tiến sĩ (12 đề cử), Thạc sĩ (2 đề cử); nhiều tuổi nhất: 35 tuổi (9 đề cử); nhỏ tuổi nhất: 12 tuổi (2 đề cử). 137 đề cử thuộc 10 lĩnh vực: Học tập; nghiên cứu khoa học – Sáng tạo; Lao động sản xuất; Kinh doanh – khởi nghiệp; Quốc phòng; An ninh trật tự; Thể dục thể thao; Văn hóa nghệ thuật; Hoạt động xã hội; Quản lý hành chính nhà nước. Đại diện Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 trao số tiền 100 triệu đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn Ngày 6/2/2020, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 họp lần thứ nhất để thẩm định, phân tích hồ sơ các đề cử, và tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn ra 20 đề cử thuộc 9 lĩnh vực (lĩnh vực Quản lý Hành chính Nhà nước không có đề cử) vào vòng bình chọn trực tuyến. Vòng bình chọn trực tuyến diễn ra từ này 10/2/2020 đến 29/2/2020, tại 15 cơ quan báo chí, truyền thông với một hệ thống bình chọn duy nhất. Ngày 3/3/2020, tại cuộc họp lần thứ hai, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đã bỏ phiếu kín lựa chọn ra 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 và 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019 thuộc 9 lĩnh vực.   10 GƯƠNG MẶT TRẺ VIỆT NAM TIÊU BIỂU NĂM 2019   STT HỌ VÀ TÊN LĨNH VỰC 1 GS tập sự, TS. Đinh Ngọc Thạnh Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo 2 Nguyễn Khánh Linh Học tập 3 Trương Thế Diệu Lao động sản xuất 4 Võ Minh Lâm Văn hóa nghệ thuật 5 Nguyễn Thị Oanh Thể dục thể thao 6 Thiếu tá Trần Văn Phương Quốc phòng 7 Đại uý Ngô Anh Tuấn An ninh trật tự   8 Lê Anh Tiến Kinh doanh – Khởi nghiệp 9 Lê Anh Tuấn Hoạt động xã hội 10 Hoàng Hoa Trung Hoạt động xã hội   10 GƯƠNG MẶT TRẺ VIỆT NAM TRIỂN VỌNG NĂM 2019   STT HỌ VÀ TÊN LĨNH VỰC 1 TS. Trần Phương Thảo Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo 2 Bùi Hồng Đức Học tập 3 Lê Quang Hiếu Lao động sản xuất 4 Võ Văn Đồng Lao động sản xuất 5 Võ Minh Quang Văn hoá nghệ thuật 6 Nguyễn Huy Hoàng Thể dục thể thao 7 Huỳnh Như Thể dục thể thao 8 Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng Quốc phòng 9 Đại uý Dương Danh Đạt An ninh trật tự   10 Phạm Khánh Linh Kinh doanh – Khởi nghiệp   Mai Thảo

Bộ trưởng Bộ Công thương tặng Bằng khen cho Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam

TĐKT - Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành công thương Việt Nam và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho ông Toru Kinoshita - Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp của ông đối với ngành công nghiệp ô tô nói riêng và ngành công thương Việt Nam nói chung. Dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao Bằng khen và Kỷ niệm chương cho Tổng giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty Ô tô Toyota Việt Nam được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Bộ Công thương đánh giá cao nỗ lực của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam trong việc đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thông qua việc từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy sản xuất trong nước theo định hướng của Chính phủ. Trong những năm qua, Toyota luôn là một trong những thương hiệu xe hơi có tốc độ phát triển nhanh nhất thị trường Việt Nam. Sự phát triển của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và khẳng định năng lực của doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với làn sóng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ngày càng tăng, đặc biệt là từ các nước ASEAN. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư mở rộng của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam trong thời gian qua còn có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và cá nhân ông Toru Kinoshita trong việc duy trì, phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công thương sẽ tiếp tục sát cánh cùng Công ty Ô tô Toyota Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Minh Phương

Cống hiến hết mình vì sức khỏe cộng đồng

TĐKT - Giàu nhiệt huyết, ham học hỏi, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng (Bình Dương), Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ huyện Bầu Bàng đã có nhiều nghiên cứu, sáng kiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh và tích cực trong hoạt động thiện nguyện. “Luôn đặt lương tâm người thầy thuốc và trách nhiệm công việc lên hàng đầu” là phương châm làm việc của vị bác sĩ này. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín (thứ 3 từ phải sang) luôn hết lòng vì công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng Sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam. Học xong lớp 12, anh Chín thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng anh lại lựa chọn theo học trung cấp y sĩ, trường Cao đẳng Y tế Bình Dương. Để nâng cao trình độ chuyên môn, anh tiếp tục học để trở thành bác sĩ tại trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Sau khi học xong, năm 2006 anh được phân công về làm Trưởng trạm Y tế xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng). Đến năm 2010, anh chuyển về đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng. Năm 2017, anh tiếp tục được phân công về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng. Dù làm tại đâu và với cương vị nào, anh Chín luôn nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Từ năm 2016 đến nay, anh được Sở Y tế công nhận gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, với cương vị là Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ huyện Bầu Bàng, anh cùng các thành viên trong CLB đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hơn 5 năm qua, từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài huyện, anh cùng các bác sĩ trẻ trong CLB đã triển khai tốt mô hình “Bàn tay nhân ái” và hoạt động hướng về cộng đồng với mô hình “Chuyến xe nhân ái - Hành trình vì sức khỏe cộng đồng”. Theo bác sĩ Chín cho biết, mô hình “Bàn tay nhân ái” bắt đầu được anh và thành viên CLB triển khai thực hiện từ năm 2016. Với mô hình này, CLB đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho các bệnh nhân là người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, những người thuộc diện đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Kinh phí khám, chữa bệnh hàng năm khoảng hơn 400 triệu đồng/năm. Cũng với mô hình này, các thành viên CLB cũng đóng góp tiền hỗ trợ Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện. Với mô hình “Chuyến xe nhân ái - Hành trình vì sức khỏe cộng đồng”, CLB đã được triển khai thực hiện từ năm 2017 bằng hình thức tổ chức nhiều đợt khám bệnh miễn phí, tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công và trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. Từ năm 2017 đến nay, CLB đã tổ chức tham khám mỗi năm cho từ 28.000 - 39.000 lượt người/năm với tổng kinh phí từ 550 - 900 triệu đồng/năm. Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh miễn phí, anh cùng các thành viên CLB còn tổ chức vận động gần 5.000 kg gạo mỗi năm cho trẻ em mồ côi tại Mái ấm Phổ Hiện, xã Trừ Văn Thố. Ngoài ra, anh cùng các thành viên CLB đã thiết kế cho đơn vị website trungtamytebaubang.com.vn, giúp đơn vị triển khai tất cả mọi hoạt động một cách nhanh chóng đến toàn thể viên chức toàn đơn vị từ huyện đến xã, đã tiết kiệm nhiều kinh phí và nhân lực cho đơn vị. Với lòng nhiệt huyết, tài năng, y đức của mình, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cũng như các bác sĩ trẻ trong CLB Thầy thuốc trẻ huyện Bầu Bàng sẽ tiếp tục hành trình đến với nơi khó khăn trên địa bàn huyện, những người già, đối tượng chính sách để khám, chữa bệnh; thắp sáng những mong ước được quan tâm, chăm sóc, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của đội ngũ thầy thuốc, của đoàn viên thanh niên trong lòng nhân dân. Tuệ Minh  

Trang