TĐKT - Tốt nghiệp Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên năm 2016, chàng trai 9x người dân tộc Dao Triệu Đình Lụ không tiếp tục theo đuổi chuyên ngành lịch sử của mình mà quyết định chọn một lối rẽ khác để lập nghiệp, đó là làm nông nghiệp hữu cơ. Lụ trở về quê hương xóm Rặc Rạy, xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng và bắt tay vào con đường khởi nghiệp đầy thử thách, chông gai nhưng tràn ngập niềm vui của một nhà nông trẻ.
Triệu Đình Lụ cùng vợ kiểm tra chất lượng cây đỗ tương
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tham gia lao động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ nên Lụ cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy, quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp của anh ban đầu vẫn vấp phải sự can ngăn quyết liệt của cha mẹ, bởi theo họ, làm nông nghiệp thu nhập rất thấp, nông sản quê anh chủ yếu là tự cung tự cấp, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.
Không nản chí, qua tham khảo các mô hình khởi nghiệp trên báo, tạp chí, nhận thấy sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng chỉ có ở quê hương Rặc Rạy như hạt bí, ngô, đỗ tương hữu cơ bản địa không biến đổi gien, Lụ vẫn giữ quyết tâm đi theo con đường này.
Với 20 triệu vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Lụ đầu tư vào 1 ha trồng bí, ngô, đỗ tương của gia đình theo hướng hữu cơ. Từ đầu năm 2018, nhận thấy nông sản người dân làm ra rất nhiều nhưng không biết cách bảo quản và không biết xử lý tốt dẫn đến hàng hóa làm ra không bán được hoặc bán với giá thấp, Lụ mạnh dạn thu mua nông sản để giúp người dân có đầu ra ổn định với giá cao.
Ban đầu, anh trực tiếp hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón cho cây bằng phân hữu cơ và tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, đồng thời không phun thuốc diệt cỏ hay thuốc kích thích trước và sau khi trồng. Rồi anh hướng dẫn bà con cách bảo quản, cách sơ chế hạt bí, đỗ tương, ngô để sao cho hạt đẹp và mẩy.
Hiện nay anh đang thu mua sản phẩm của khoảng 30 hộ là bà con trong làng và một số làng lân cận. 1 kg hạt bí hiện tại anh bán khoảng từ 90 - 120 nghìn đồng/kg tùy chất lượng sản phẩm; đỗ tương là 26 - 30 nghìn đồng/kg. Đỗ tương quê anh 1 năm thu hoạch khoảng 6 tấn đến 10 tấn.
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, sản phẩm phải đạt chuẩn không sử dụng thuốc hóa học mới được Lụ thu mua. Ngay trong năm đầu tiên triển khai mô hình, Lụ đã giúp bà con tiêu thụ hàng chục tấn nông sản, giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, tạo niềm tin cho đầu ra, giúp bà con yên tâm sản xuất. Sau 1 năm, anh cũng để dành ra được một chút vốn liếng từ lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.
Lụ chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng qua các mạng xã hội như facebook, zalo, tôi từng bước tiếp cận được đầu ra. Các đơn đặt hàng tới liên tục từ Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh... Có người mua hạt làm giống, có người mua làm những món ăn chay ở nhà chùa. Từ đó tôi cũng cảm thấy yêu công việc mình làm hơn.”
Trong thời gian tới anh sẽ mở rộng quy mô trồng và đầu tư máy móc, đặc biệt là máy sấy sản phẩm nông nghiệp để giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn và tạo niềm tin cho khách hàng yên tâm sử dụng.
Trang Lê