Nữ Bí thư luôn xung phong đi trước, làm trước
16/03/2020 - 15:51

TĐKT - “Hạnh phúc nhất của người cán bộ, Đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Nhìn lại năm tháng qua, cùng dân giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đồng lúa chín trong một tuần, mở đường, đổ đường bê tông nối làng, đóng góp hỗ trợ những gia đình nghèo hiến đất… việc nào tôi cũng tự nhủ, là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước.” - Những suy nghĩ ấy chính là sợi chỉ đỏ dẫn đường để nữ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Thị Lụa đưa xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Lụa, mô hình trồng dâu nuôi tằm của xã Việt Thành phát triển, mang lại nguồn thu nhập cho người dân

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, đông anh em ngay tại quê hương Việt Thành, sau khi tốt nghiệp THPT, chị xin ở nhà giúp đỡ bố mẹ tăng gia sản xuất và tham gia các hoạt động ở thôn, xã, như: Tổ trưởng phụ nữ, chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ năm 1996 - 2003. Năm 2004, chị được nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐND - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã. Từ năm 2015 đến nay, chị được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự xã Việt Thành.

Những năm trước đây, khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, Việt Thành là một xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã mới bê tông cứng hóa được trên 2 km đường giao thông, còn lại là đường đất lầy lội vào mùa mưa. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị cây trồng, vật nuôi còn thấp. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Với trách nhiệm là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, chị luôn ra sức học tập và thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên, học hỏi những kinh nghiệm của các bậc lãnh đạo đi trước, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tham mưu đề xuất với Ban thường vụ Đảng ủy xã đề ra các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án ở địa phương, sát với đời sống của nhân dân, từng bước đột phá trên từng lĩnh vực.

Đầu tiên, xác định công tác cán bộ là then chốt, chị đã tham mưu phân công từng đồng chí trong Ban thường vụ - Ban chấp hành trực tiếp tham gia sinh hoạt ở các chi bộ không gắn liền nơi cư trú. Điều động, luân chuyển đảng viên từ chi bộ này sang sinh hoạt chi bộ khác và giữ các chức vụ lãnh đạo ở những chi bộ có sức chiến đấu chưa cao, chi bộ dòng họ. Cách làm này đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ và tạo được niềm tin trong nhân dân.

Sau khi công tác tổ chức, cán bộ được kiện toàn, chị tham mưu với Ban thường vụ tập trung tổ chức, tuyên truyền, quán triệt, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết một cách nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4. Trước hết là cán bộ phải học, hiểu rõ, nắm chắc nội dung yêu cầu của các Chỉ thị, Nghị quyết, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sau đó mới triển khai cho nhân dân học tập.

Bản thân chị cũng luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc, có bản lĩnh và có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, tận tụy với công việc, trách nhiệm với mọi người, nên đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.

Từ đó cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có thay đổi vượt bậc cả về nhận thức, tư duy và hành động. Nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp tiền của, công sức, tự nguyện hiến trên 57.000 m2 đất để làm các công trình. Tiêu biểu như hộ bà Vân hiến gần 1.000 m2 đất lúa để làm nhà văn hóa xã; gia đình chị Lụa cũng hiến trên 900 m2 đất lúa cho xã để làm các công trình sinh hoạt chung của địa phương.

Do có sự đồng thuận của nhân dân, chị đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung. Vùng Đồng Phúc nhiều đồi rừng được quy hoạch trồng rừng kinh tế, cây quế là cây chủ lực với diện tích trên 50 0ha. Vùng Phú Thọ là khu trung tâm, được quy hoạch phát triển mạnh về thương mại dịch vụ kết hợp phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung. Vùng Lan Đình là vùng có đất đai màu mỡ được quy hoạch trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 130 ha.

Chị cho biết: “Việt Thành xác định được 3 vùng phát triển kinh tế tập trung rồi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều đêm không ngủ được, tôi đã trăn trở, để tìm ra các giải pháp tháo gỡ và xác định làm đường giao thông nông thôn là phải đi trước một bước, gắn với việc cán bộ phải vào cuộc, gương mẫu cùng làm với dân. Thậm chí, có hôm trời mưa, cán bộ vẫn đi gặt lúa giúp dân để kịp bàn giao mặt bằng, đi đào đất, trồng dâu, trồng hoa, vận chuyển vật liệu cùng dân, việc gì cũng làm…”

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, tại thời điểm đó xã còn thiếu 4 nhà văn hóa thôn, thời gian dự kiến đề nghị công nhận chỉ còn 4 tháng, nhà nước không có sự hỗ trợ, có thôn chưa có đất. Chị đã tham mưu cho Ban chấp hành (BCH) Đảng ủy xã phân công trực tiếp những đồng chí có năng lực vượt trội xuống phụ trách từng thôn để chỉ đạo thực hiện thành công 4 nhà văn hóa với thời gian xong sớm nhất. Đặc biệt có thôn rất khó khăn, đất chưa có, đồng chí trưởng thôn vợ thì ốm nặng, đã xin nghỉ thời gian dài để chăm sóc vợ. Chị đề xuất với BCH để chị vừa phụ trách vừa trực tiếp thay trưởng thôn từ việc vận động hiến đất và triển khai huy động đóng góp xây dựng. Được sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 61 ngày, chị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà văn hóa thôn với tổng trị giá 135 triệu đồng.

Với những đóng góp của Bí thư Đảng ủy Lê Thị Lụa, xã Việt Thành đã thực sự chuyển mình đổi thay nhanh chóng. Đến nay, các tuyến đường cơ bản đã được bê tông cứng hóa, nhiều nhà xây cao tầng như phố núi được mọc lên, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng vào năm 2018. Xã liên tục nhiều năm liền được các cấp tặng giấy khen, bằng khen và cờ thi đua. Đồng thời xã được đón nhiều đoàn của trung ương, của các tỉnh, các huyện, các xã về thăm quan mô hình. 

Năm 2019, chị Lụa được Ban Tuyên giáo Trung ương mời dự giao lưu và tôn vinh điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dự triển lãm, tôn vinh “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Hà Nội; được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác hồ về thăm Yên Bái và được tỉnh tặng 12 Bằng khen.

Nguyệt Hà