TĐKT - Gắn bó với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam như một cơ duyên, bằng khả năng và tâm huyết với nghề, với vai trò Phó Tổng Giám đốc, ông Phạm Lương Sơn luôn tham mưu giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chèo lái con thuyền vững chãi đi đến mọi thành công.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn
Ông sinh ra và lớn lên tại Nam Định, tốt nghiệp lĩnh vực Dược với học hàm học vị Tiến sĩ nhưng đến năm 2009 ông lại làm việc và gắn bó với ngành BHXH. Là người tham mưu giúp Tổng Giám đốc chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố và trung ương, ông tích cực chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế tổ chức tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tập trung đảm bảo kịp thời và đầy đủ kinh phí cho cơ sở khám, chữa bệnh, quản lý khám, chữa bệnh có hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng chu đáo, tận tình. Bên cạnh đó, ông còn tăng cường chỉ đạo phân cấp công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến tuyến huyện. Đồng thời, mở rộng tổ chức thực hiện thí điểm phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất.
Năm 2014 là một năm có nhiều mốc quan trọng với ông. Ông cùng với tập thể Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế tập trung nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo ngành sửa đổi, bổ sung pháp luật về bảo hiểm y tế. Ngoài ra, ông đã chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo BHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về tình hình vượt quỹ bảo hiểm y tế, những biện pháp giải quyết khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng.
Từ năm 2009 đến nay, ông đã trực tiếp tham gia, chỉ đạo tổ chức 20 đoàn kiểm tra chuyên sâu về công tác giám định tại các tỉnh bội chi quỹ khám bệnh, chữa bệnh hoặc có chi phí gia tăng bất thường. Qua công tác kiểm tra ông cũng đã đề nghị thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế 74,439 tỷ đồng và từ chối thanh toán 20,851 tỷ đồng, kịp thời chấn chỉnh công tác giám định, đề xuất các biện pháp kiểm soát chi phí cho từng địa phương.
Trong công việc, ông luôn là người chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo ngành, bộ liên quan về xây dựng các chính sách bảo hiểm y tế, tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn quốc. Cụ thể, ông đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện: tham mưu các ban chỉ đạo cải cách hành chính của ngành, không ngừng nghiên cứu cải cách các quy định trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ông luôn tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát và hướng dẫn nghiệp vụ tại địa phương. Hiệu quả hơn nữa trong công việc, ông là người được đánh giá cao khi đưa ra các giải đáp vướng mắc và hướng dẫn các văn bản giúp BHXH các tỉnh, thành phố tháo gỡ kịp thời những khó khăn với cơ sở khám, chữa bệnh, được các địa phương đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực…
Với vai trò là người lãnh đạo có tâm huyết, ông đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố hàng năm tổ chức ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, ngoài công lập trong các năm. Mặc dù bận rộn với công việc chuyên môn nhưng với vai trò là Bí thư chi bộ, ông luôn quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể quần chúng hoạt động.
Ngoài ra, ông còn tham gia viết tài liệu, giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ giám định y tế hàng năm cho 1.200 giám định viên (10 khóa đào tạo 3 tháng, 1 khóa đào tạo giám định viên 1 tháng và 9 lớp tập huấn nghiệp vụ). Không chỉ tham gia giảng dạy trong ngành, ông còn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Dược Hà Nội và hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sĩ.
Là người có ý chí và nghị lực, ham học hỏi, ông luôn tích cực tham gia nghiên cứu đề án phục vụ công tác chuyên môn: đề án nghiên cứu Quản lý thuốc của 20 loại thuốc sử dụng nhiều nhất tại các địa phương; xây dựng Bộ mã chỉ số thống kê bảo hiểm y tế; đề án Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, sách Thống kê Bảo hiểm y tế năm 2008 - 2012… Đặc biệt, có 2 sáng kiến, đề án mới nhất được lãnh đạo ngành công nhận, áp dụng vào năm 2015: Đề án thí điểm phương pháp giám định theo tỷ lệ; Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Với sự nỗ lực không ngừng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn được vinh dự công nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Chiến sĩ thi đua cơ sở 2 năm liên tục và Chiến sĩ thi đua ngành. 8 năm liên tục ông đều được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế.
Hồng Thiết
Điển hình tiên tiến
TĐKT – Hơn 10 năm lặn lội khắp các nghĩa trang, với hơn 14 nghìn lá thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ, việc làm thầm lặng của nữ cựu chiến binh Mai Thị Tuyết (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã làm lay động hàng triệu trái tim nhân ái khắp cả nước.
Bà Mai Thị Tuyết chăm chút từng lá thư
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà Mai Thị Tuyết là xã đội trưởng xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định, có nhiệm vụ động viên thanh niên huyện nhà vào Nam chiến đấu. Bà kể rằng những ngày tuyển quân vào chiến trường miền Nam ai cũng hăng hái lên đường. Có người thiếu cân nặng, phải lén bỏ đá vào túi áo để được tuyển. Thế mà khi hòa bình lập lại, những đồng đội do chính tay bà đưa qua vĩ tuyến 17 đã phần nhiều không trở lại. Day dứt, bà đã khắc vào tim lời hứa “Tớ sẽ đi tìm các cậu”.
Từ năm 2004, bà Tuyết bắt đầu đi tìm đồng đội của mình. Khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai… đều in dấu ấn của bà. Ở mỗi nơi, bà ghi chép lại từng cái tên và xin danh sách cụ thể từ ban quản trang để làm bằng cứ. Rồi bà đến các trung đoàn, sư đoàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh để tìm nơi hy sinh của đồng đội mình. Sau đó, bà cẩn thận viết từng lá thư, nêu rõ tên, tuổi, quê quán, đơn vị và nơi hy sinh hoặc nơi an táng của liệt sĩ gửi về cho gia đình. Năm đầu tiên rong ruổi các nghĩa trang, gõ cửa các cơ quan, đơn vị cũng là năm bà phát hiện ra đứa con trai bị ung thư máu. Nỗi đau con trai sẽ không qua khỏi, nỗi đau liệt sĩ hy sinh. Nhưng bà tự an ủi chính mình rằng dù gì con trai bà cũng đã sống mấy mươi năm trong thời bình, thụ hưởng cuộc sống tự do, độc lập trên xương máu lớp người đi trước. Nghĩ thế, bà gắng gượng, bà vừa đi tìm vừa viết thư gửi về cho các gia đình liệt sĩ.
Thấm thoát mà đã 10 năm trôi qua, con số lá thư gửi từ miền Nam ra ngoài Bắc lên đến gần 14.000 thư. Chính tay bà tự soạn sẵn mẫu thư, chuẩn bị các giấy tờ liên quan hướng dẫn các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Với đồng lương thương binh, bà không đủ tiền gửi thư đến các gia đình liệt sĩ và đi ra miền Bắc để hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ. Bà bán thêm trứng vịt lộn, có ngày tròn trăm, có ngày vài chục. Bà Tuyết bảo toàn bộ thu nhập từ quán trứng vịt lộn buổi chiều của bà, bà dành cả cho chi phí in giấy tờ, phong bì, bao thư. Cứ dăm ba ngày đạp xe ra phố gửi một lần.
Đối với bà, niềm vui, sự quyết tâm nhân lên gấp bội khi những bức thư có người hồi đáp. Mỗi ngày bà nhận nhiều cuộc điện thoại, tiếp nhiều gia đình liệt sĩ. Có người nửa đêm gọi điện thoại cho bà khi biết nơi cha mình hy sinh mà không thể nào đợi đến sáng: “Bà ơi, con là con của liệt sĩ đây”. Chỉ vỏn vẹn vài từ nghẹn ngào, bà đã cảm nhận một nỗi đau tưởng chừng đè nén đâu đó nay lại chực bùng lên. Lại một đêm khác: “Bà ơi, con biết con gọi điện thoại cho bà giờ này là con sai rồi nhưng con không chịu được… Con lớn lên con không có cha, con không biết mặt cha, con chỉ hình dung cha qua tấm ảnh. Nay nhờ có bà mà con có thể hình dung cha con ngã xuống trên mảnh đất Tây Ninh như vậy, con mừng lắm…”.
Bất ngờ và xúc động khi nhận được thư báo của bà Tuyết, ông Nguyễn Tuấn Hạnh, thân nhân của liệt sĩ Đặng Văn Lựa (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, hy sinh năm 1972 ở Bình Long) kể: “Năm đó nhận được giấy báo tử, gia đình tôi biết là cháu hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn nhưng không tài nào tìm được dù bản thân tôi cũng từng chiến đấu ở đó”. Nhờ những bức thư của bà Tuyết mà gia đình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Đặng Văn Lựa ở Bình Long, Bình Phước. Ông Hạnh xúc động: “Gia đình tôi rất biết ơn bà Tuyết. Tuy rằng địa hình chiến trường miền Nam đã thay đổi rất nhiều sau hòa bình nhưng mà bà Tuyết vẫn nhọc công đi tìm đồng đội, điều mà tôi vẫn chưa thể làm cho tới cùng được”.
Những lá thư của bà Mai Thị Tuyết giúp các gia đình có người thân đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc phần nào vơi đi những nỗi đau, sự hy sinh mất mát, đồng thời là thông tin hữu ích để các đơn vị, gia đình sớm tìm lại được hài cốt đồng đội và người thân của mình.
Với những nghĩa cử cao đẹp ấy, tháng 3/2016 Bà Mai Thị Tuyết được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường” và được Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
Mỗi lần nhắc đến các liệt sĩ, bà Tuyết lại bồi hồi xúc động “Chẳng ai giao, cứ thế, tôi tự liên hệ, tự tìm đến cơ quan chức năng, thậm chí là tự đến nghĩa trang hay tìm đến tận nơi chôn cất các anh để lấy thông tin, rồi gửi thư báo về cho các gia đình. Hơn 10 năm đi tìm kiếm thông tin liệt sĩ, hơn 14 nghìn lá thư báo tin như thế đã gửi đi. Có thư phản hồi tréo ngoe, có lá gửi đi bặt vô âm tín. Có người bảo tôi… hâm. Kệ, tôi vẫn làm. Tôi tự nhủ mình làm việc này bằng tâm niệm với người đã ngã xuống vì đất nước này”.
Trang Lê
TĐKT - Với chủ đề “Tây Bắc - Những trái tim thắp lửa”, tối 5/12, tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc. Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
hững điển hình tiên tiến được tuyên dương tại buổi lễ
Phát huy vai trò người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, 14 tỉnh vùng Tây Bắc đã triển khai thực hiện nghiêm túc thông qua việc ban hành nghị quyết, chỉ thị hoặc chương trình hành động về công tác vận động, phát huy vai trò người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Qua đó đã xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói chung được cộng đồng tôn vinh và được cấp uỷ, chính quyền các cấp khen thưởng.
Đến nay, trên toàn vùng Tây Bắc, UBND các tỉnh công nhận 22.529 người có uy tín, với mọi lứa tuổi, mọi thành phần, dân tộc, với các cương vị công tác khác nhau, trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Trong đó, Sơn La có 2.964 người, Lạng Sơn 2.160 người, Hà Giang 1.958 người, Điện Biên 1.474 người, Lào Cai 1.492 người, Tuyên Quang 1.229 người, Hoà Bình 1.638 người, Lai Châu 1.067 người.... Đây là những người có vai trò phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước đến tận xóm, làng, thôn, bản, gia đình, họ tộc; đồng thời là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân. Không chỉ là tấm gương sáng trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế, những người có uy tín còn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới. Không ít người có uy tín đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia, nhiệt tình ủng hộ, hiến hàng ngàn mét vuông đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi, xây dựng thuỷ điện.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc ghi nhận, biểu dương và chúc mừng 548 người có uy tín tiêu biểu về dự buổi lễ. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn và thách thức. Do vậy, Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng sâu sắc rằng, những người có uy tín sẽ tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần đưa Tây Bắc ngày càng phát triển...
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bổ sung, sửa đổi các chính sách về người có uy tín phù hợp với thực tiễn cơ sở. Ban hành quy chế, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của người có uy tín và hướng dẫn cơ sở trong việc phát huy vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín ở địa phương; tăng cường vận động và phát huy vai trò người có uy tín là một nội dung quan trọng trong chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước. Việc bồi dưỡng, phát huy người có uy tín là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp. Vùng Tây Bắc cần tiếp tục triển khai các chính sách về dân tộc và miền núi, đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo toàn diện, chú ý công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư ở vùng khó khăn, nhất là nơi có đồng bào di cư tự do, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...
Ngọc Long
Tôn vinh 132 điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm ma túy
TĐKT - Chiều 5/12, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu Chương trình gặp mặt, tôn vinh gương điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm ma túy với chủ đề "Giữ cho cuộc sống bình yên". Chương trình nhằm biểu dương những thành tích tiêu biểu, đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Đồng thời, tri ân, vinh danh những gương điển hình tiên tiến trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đã dũng cảm, kiên quyết tấn công, trấn áp không khoan nhượng với tội phạm ma túy, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, chịu nhiều tổn thất và hy sinh anh dũng trong khi thực hiện nhiệm vụ, đem lại bình yên cho cuộc sống. Ban tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Tham dự chương trình có 132 đại biểu điển hình tiên tiến có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống tội phạm ma túy trên toàn quốc. Trong đó, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy lựa chọn, giới thiệu 9 đại biểu; công an các tỉnh, thành phố lựa chọn, giới thiệu 117 đại biểu; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giới thiệu 2 đại biểu; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển giới thiệu 2 đại biểu; Tổng cục Hải quan giới thiệu 3 đại biểu; 8 cá nhân điển hình tiên tiến là quần chúng nhân dân. Đặc biệt, chương trình còn là dịp để tri ân và vinh danh 22 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy, đem lại bình yên cho cuộc sống. Các điển hình tiên tiến là những tấm gương đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã tham gia điều tra, khám phá thành công hàng trăm chuyên án lớn về ma túy; triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, triệt xóa nhiều tụ điểm ma túy phức tạp. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu điển hình tiên tiến sẽ tham gia Lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn, Lễ báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình; gặp mặt và tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo, động viên của lãnh đạo Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Chương trình gặp mặt, giao lưu, tôn vinh gương điển hình tiên tiến với chủ đề "Giữ bình yên cho cuộc sống" sẽ diễn ra vào 20h tại Hội trường Bộ Công an, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên kênh truyền hình ANTV. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, nhấn mạnh: chương trình là sự khẳng định, đánh giá và ghi nhận của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đối với những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, qua đó, động viên, cổ vũ các tập thể, cá nhân tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong đấu tranh với tội phạm ma túy, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đề ra là "Ngăn chặn được nguồn ma túy từ nước ngoài vào; triệt xóa cơ bản các tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy trong nội địa". Phương ThanhNgành Chứng khoán Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
TĐKT - Sáng 28/11, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam 28/11/1996 – 28/11/2016 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập ngày 28/11/1996, mở đầu cho sự khai sinh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trải qua 20 năm phát triển, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong việc xây dựng, vận hành và quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đồng thời góp phần huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện địa hóa đất nước; nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng cường quản trị công ty của các doanh nghiệp; góp phần hoàn thiện cơ chế thị trường. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ngành chứng khoán đã đi đầu cả nước trong việc thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp từ những năm đầu thành lập thị trường chứng khoán; đồng thời không ngừng hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; trở thành hình mẫu mở rộng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác. Ngành chứng khoán nhanh chóng hội nhập quốc tế, đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của IOSCO năm 2013. Mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần gia tăng khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư, giúp giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế. Thị trường chứng khoán của Việt Nam ngày càng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ và các doanh nghiệp đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Riêng trong giai đoạn 2011 đến nay, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 4,75 lần so với giai đoạn 2005 - 2010, đóng góp 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng bình quân 31%/năm, được đánh giá là có mức tăng trưởng dẫn đầu nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3 và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ. Tính đến năm 2016 các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 380 nghìn tỷ đồng. Tính chung, giá trị thị trường chứng khoán đạt 65% GDP. Ghi nhận những nỗ lực phát triển không ngừng của ngành Chứng khoán Việt Nam, tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, các cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 47 đơn vị là thành viên thị trường và hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng được nhận Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giấy khen của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mai ThảoTP Hồ Chí Minh tuyên dương 138 tấm gương thầm lặng mà cao cả
TĐKT - Sáng 26/11, UBND TP Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố lần thứ hai. Tới dự, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Cùng dự, có Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, đoàn thể, các tổng công ty, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố; 25 tập thể và 113 cá nhân được tuyên dương trong lần 2 này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân được tuyên dương. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” nhằm động viên kịp thời và ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của từng cá nhân, tập thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Lãnh đạo thành phố mong muốn các tấm gương được tuyên dương sẽ tiếp tục là những hạt giống ươm mầm những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong những năm qua các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng trong quá trình đi lên của thành phố, nhiều phong trào đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua của cả nước. Các phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, từ người già đến trẻ em, từ cán bộ, đảng viên đến người lao động. Trong đó có những tập thể, cá nhân ngày đêm thầm lặng làm những công việc bình thường giúp ích cho đời, cho xã hội, họ làm công việc đó một cách tự nguyện, không phải vì muốn được vinh danh, được khen thưởng mà chỉ xuất phát từ cái tâm trong sáng muốn làm đẹp cho cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn. Qua phát hiện, giới thiệu của các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan báo, đài, quận huyện và hệ thống chính trị ở địa phương, đã có 25 tập thể và 113 cá nhân điển hình được tuyên dương tại chương trình. Họ là những gương điển hình tiêu biểu, có những hoạt động, việc làm thầm lặng, xuất phát từ tinh thần tự nguyện, thực hiện những công việc đậm chất nhân văn, nhân đạo, nghĩa tình mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TP Đây là những bông hoa ngát hương trong rừng hoa “Người tốt, việc tốt”, “ Thầm lặng mà cao cả” với những đóng góp mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, có sức thuyết phục, có tác dụng nêu gương, có sức lan tỏa để mọi người học tập và làm theo. Đó là những đóng góp thầm lặng, tự nguyện trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “ Vì người nghèo”, phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ’, phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khuyến học, khuyến tài. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, phát biểu và chỉ đạo tại buổi lễ tuyên dương. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những tấm gương điển hình đã được tuyên dương, đồng thời mong muốn các tấm gương tiếp tục lan tỏa những việc làm của mình để ngày càng có nhiều gương điển hình, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân ái hơn, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay đã cùng cả nước và vì cả nước phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, luôn giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước. TP Hồ Chí Minh luôn là nơi khởi xướng nhiều phong trào sáng tạo được nhân rộng trong cả nước. Phong trào thi đua yêu nước của thành phố đã có sức hút và lan toả lớn, qua đó tạo động lực để thành phố đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước xứng đáng với danh hiệu thành phố Anh hùng. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, tạo sự lan tỏa rộng khắp trở thành phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Qua đó, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, đất nước ngày càng giàu đẹp. Nhân dịp này, 25 tập thể và 113 cá nhân được tuyên dương và nhận Bằng khen của UBND thành phố. Đào Xuân Phúc85 thanh niên nông thôn tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của 2016
TĐKT - Sáng 27/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI năm 2016, tôn vinh 85 thanh niên có thành tích xuất sắc tiêu biểu. Tới dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Qua 10 năm tổ chức, giải thưởng Lương Định Của đã tôn vinh 1.650 thanh niên nông thôn tiêu biểu, luôn tâm huyết, tràn đầy ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê hương. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao giải thưởng Lương Định Của cho 85 thanh niên nông thôn tiêu biểu Năm 2016, giải thưởng trao cho 85 gương thanh niên, trong số đó có hơn 84% thanh niên trực tiếp sản xuất với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Nhiều bạn đạt doanh thu hằng năm trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhiều bạn là thanh niên dân tộc thiểu số ở địa bàn còn hết sức khó khăn, đặc biệt có bạn là thanh niên khuyết tật nhưng bằng ý chí và nghị lực đã vươn lên làm giàu chính đáng trở thành những triệu phú trẻ. Tiêu biểu là mô hình của anh Trần Kim Việt, một thanh niên khuyết tật ở xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là Giám đốc Công ty TNHH Vườn ươm Việt chuyên cung cấp giống trong và ngoài nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm. Anh Phạm Thành Lộc, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh với những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao và thành lập Công ty TNHH tinh dầu Điền Trúc, doanh thu hàng năm đạt 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên… Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định: 85 gương thanh niên nông thôn nhận giải thưởng Lương Định Của hôm nay và những điển hình thanh niên nhận giải thưởng trong những năm trước sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu, xung kích lôi cuốn nhiều thanh niên nông thôn quyết tâm thực hiện những mục tiêu Đảng và Nhà nước đã xác lập cho nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng giải thưởng hôm nay sẽ tiếp tục củng cố, thúc đẩy sự sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp trong các bạn, để các bạn thành công tiếp tục thành công, đóng góp ngày càng nhiều cho nền nông nghiệp của nước ta. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 4 gương thanh niên tiêu biểu, trong đó 2 gương tiêu biểu có nhiều đóng góp trong tham gia xây dựng nông thôn mới và 2 gương tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016. Thục AnhTĐKT - Ngày 24/11, tại Hà Nội, trường Nguyễn Siêu kỷ niệm 25 năm thành lập và nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Trường Nguyễn Siêu thành lập năm 1991 do Đại tá, Nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh cùng người bạn đời là nhà giáo Dương Thị Thịnh xây dựng với mong muốn học sinh được học ở một ngôi trường theo định hướng phát triển toàn diện, lấy giáo dục đạo đức làm hàng đầu, xây dựng “nếp học” 2 buổi/ngày, tiếp bước mái trường Phương Đình của nhà giáo dục lớp thế kỷ XIX Nguyễn Văn Siêu và được xây dựng trên nền tảng “vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu”. Trường Nguyễn Siêu hướng theo kim chỉ nam “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan học giỏi”.
Là một trong những trường dân lập đầu tiên của Hà Nội, được sự đồng hành cùng cha mẹ học sinh và sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, trường Nguyễn Siêu đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại, đạt được thành tích đáng tự hào, được UBND thành phố công nhận là “Trường chất lượng cao”, được Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) công nhận là Trung tâm khảo thí uỷ quyền và trường giảng dạy chương trình phổ thông Quốc tế Cambridge với mã số VN236. Trường đã khẳng định được ví trí của mình trong ngành giáo dục thủ đô, được coi là “điểm sáng của giáo dục Thủ đô” và từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng, trường Nguyễn Siêu được công nhận là trường chuẩn Quốc gia; Tập thể lao động xuất sắc thành phố và được trao tặng Bằng khen, Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội; Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt trường còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì. Trường được UBND thành phố công nhận là trường Chất lượng cao đầu tiên của TP Hà Nội theo Luật Thủ đô.
Hồng Thiết
Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
TĐKT – Sáng 24/11, tại Hà Nội, Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (25/11/1996 – 25/11/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ngày 25/11/1996, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 115 – QĐ/TU thành lập Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Khối Công nghiệp nhẹ, Đảng bộ Khối Năng lượng và các tổ chức cơ sở Đảng của Bộ Công nghiệp. 20 năm qua, Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội đã không ngừng đổi mới và phát triển, xây dựng tổ chức ngày càng lớn mạnh về quy mô và chất lượng. Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội hiện có 137 tổ chức cơ sở Đảng (99 Đảng bộ và 38 chi bộ, với gần 12 nghìn đảng viên), trong đó có trên 100 tổ chức cơ sở Đảng tại doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của đất nước: điện, than, điện tử, cơ khí, hóa chất, xây dựng, dệt may, bia – rượu – nước giải khát, thương mại, dịch vụ và các tổ chức cơ sở Đảng tại các trường đại học, cao đẳng viện nghiên cứu của ngành công nghiệp Việt Nam. 20 năm qua, cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, giảng viên và người lao động trong các đơn vị trực thuộc Đảng bộ Khối đã năng động, sáng tạo, góp phần xứng đáng vào thành tích chung của TP Hà Nội và Bộ Công thương. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong các doanh nghiệp đạt trên 10%. Đời sống, việc làm của cán bộ, đảng viên, người lao động từng bước được cải thiện. Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo thuộc khối đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về giáo dục, đào tạo, có quan hệ với trên 700 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một số đơn vị đã xây dựng hiệu quả mô hình trường học trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong trường học, gắn kết giáo dục, đào tạo với sản xuất, kinh doanh. Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ Khối đặc biệt quan tâm. Cấp ủy các cấp luôn nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người lao động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Đối với những doanh nghiệp tiến hành cổ phần, các viện nghiên cứu chuyển sang cơ chế tự chủ theo hướng hình thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Đảng ủy Khối cùng các đơn vị thực hiện đổi mới, sắp xếp lại tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với thực tiễn hoạt động và yêu cầu, nhiệm vụ. Đảng ủy Khối đã ban hành quy chế mẫu để các đơn vị nghiên cứu, xây dựng lại quy chế làm việc, xác định mối quan hệ giữa cấp ủy và ban giám đốc, hội đồng quản trị, các chức danh lãnh đạo. Với những kết quả đạt được, Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội và nhiều đơn vị trong khối đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Nhất vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Đây là tiền đề để Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội nỗ lực hơn nữa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Nguyệt HàGặp mặt báo chí Lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI năm 2016
TĐKT – Sáng 21/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI, năm 2016. Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương và đơn vị. Giải thưởng nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn xung kích phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ban tổ chức thông tin về Lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI, năm 2016 Năm 2016, giải thưởng được trao tặng 85 thanh niên tiêu biểu, trong đó 3 thanh niên là chủ các công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến thiết thực, được bà con nhân dân ứng dụng và đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; 10 thanh niên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác; 72 thanh niên trực tiếp phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi… 52 mô hình do các thanh niên làm chủ đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm. Từ các mô hình của 85 thanh niên đã tạo việc làm thường xuyên cho 495 lao động thường xuyên và hàng vạn ngày công lao động thời vụ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình Lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI, năm 2016 diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa khác: Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp và Hội nghị tập huấn các thành viên hợp tác xã kiểu mới; triển lãm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của thanh niên và triển lãm ảnh các hoạt động thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới… Dự kiến, Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 27/11/2016 tại Hội trường Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam. Mai ThảoTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 144
- 145
- 146
- 147
- 148
- …
- sau ›
- cuối cùng »