Điển hình tiên tiến

Người lãnh đạo tâm huyết với nghề và dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu

TĐKT - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ bé Đại tá Võ Trọng Hải, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã nguyện anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Gần 28 năm gắn bó với quân đội cũng là chừng ấy thời gian Đại tá Võ Trọng Hải chứng kiến bao đổi thay thăng trầm và nếm trải nhiều gian khó, hiểm nguy.       Đại tá Võ Trọng Hải (bên phải) tham gia đánh án ma túy Đại tá Võ Trọng Hải chia sẻ, ngay từ những ngày đầu khoác áo lính, anh luôn tự hào nêu cao tinh thần trách nhiệm, nguyện một lòng son sắt đi theo Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong quá trình công tác dù ở cương vị là Phó Đồn trưởng nghiệp vụ cửa khẩu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, hay giờ đây là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh anh luôn là người gương mẫu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xác định việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo Luật Quốc phòng là hết sức quan trọng, anh luôn rèn luyện về mọi mặt đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng, giao phó. Anh đã trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo và tham mưu cho cấp trên nhiều chủ trương, biện pháp có hiệu quả về công tác bảo vệ biên giới, bờ biển, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào; chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn đường biên, mốc giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức lực lượng đấu tranh chống các hoạt động tình báo, gián điệp, xâm nhập, các đối tượng hình sự; mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với nước bạn Lào. Bên cạnh đó, anh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu…     Đại tá Võ Trọng Hải đón nhận Huân chương Lao động của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Bằng ý chí, niềm tin, khát khao cống hiến, anh luôn nỗ lực hết mình, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung trên trận tuyến biên phòng Hà Tĩnh. Để giữ vững ổn định an ninh trật tự cho các dự án lớn trọng điểm của tỉnh: khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, khu kinh tế Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê…, anh thường xuyên nắm bắt địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nhân dân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Để quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ một cách tốt nhất, anh luôn lấy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ mũi nhọn. Do đó, trong những năm qua, với trách nhiệm của người chỉ huy, anh đã trực tiếp đến cơ sở, xây dựng mạng lưới, nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tổ chức hàng trăm đợt với hàng ngàn lượt người tuần tra, kiểm soát, bắt và xử lý hàng ngàn đối tượng vi phạm quy chế biên giới. Bằng tài trí sắc bén, anh đã đầu tư thời gian nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các loại tội phạm, từ đó đề xuất các phương thức đánh án sáng tạo. Anh đã bố trí, sử dụng lực lượng một cách khoa học, trực tiếp chỉ đạo và tham gia đấu tranh và giành thắng lợi ở 112 chuyên án, vụ án, bắt 312 đối tượng, trong đó có 97 vụ, 152 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy, 15 vụ, 14 đối tượng trấn cướp trên biên giới… thu 3,5 tấn tiền chất ma túy, 216 bánh hê- rô-in, 3.712 kg cần sa, hơn 5 triệu viên ma túy các loại… Mỗi chuyên án đều được anh nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định. Mục tiêu anh đưa ra ở mỗi chuyên án là không để cho cán bộ, chiến sĩ hy sinh nên anh luôn tỉ mỉ, cẩn thận lên kế hoạch rõ ràng, tránh sơ suất. Sau mỗi chuyên án, anh đều động viên tinh thần anh em và họp rút kinh nghiệm cho những chuyên án sau. Anh vấn nhớ như in các chuyên án 466-LV. Vào lúc 14h ngày 23/07/2015, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xây Lào phối hợp tổ chức triển khai lực lượng, tiến hành phá chuyên án này tại bản Bua Viêng Khăm, huyện Pạc Xăn. Kết quả, chuyên án đã bắt giữ 11 đối tượng, thu giữ tang vật 5,5 tấn cần sa và tiền chất ma túy cùng nhiều tài liệu liên quan khác. Tiếp đó là chuyên án 469LV, ngày 03/01/2006, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xây  Lào đấu tranh thành công, bắt 5 đối tượng, thu giữ 91 bánh hê-rô-in, 35.800 viên ma túy tổng hợp, 4 xe ô tô và nhiều tài liệu liên quan khác. Trong trận bão lịch sử năm 2014, anh đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ có mặt đầu tiên ở những nơi nguy hiểm, bảo đảm an ninh trật tự, bắt giữ các đối tượng lợi dụng mưa lũ để trộm, cướp tài sản; làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở 4 xã, thị trấn trong khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khi đó, anh đã di chuyển hơn 370 người, hàng trăm con trâu bò; giằng néo gần 250 nhà khỏi bị lũ cuốn trôi, cấp cứu được 72 người, đưa về nơi an toàn 150 hành khách, trong đó có 15 người nước ngoài bị mắc kẹt ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Sau đó, anh đã phát động lễ quyên góp tại đơn vị và đặt thùng quyên góp tại cửa khẩu Cầu Treo, tổng số tiền và hàng cứu trợ mà anh kêu gọi và ủng hộ đồng bào nhân dân vũng lũ có trị giá gần 7 tỷ đồng. Bằng định hướng phát triển lâu dài, bền vững, Đại tá Võ Trọng Hải vừa là người chỉ huy tâm huyết, vừa là một người chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt – Lào anh em. Anh luôn là người chỉ huy đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và thực hiện công tác biên phòng, nắm tình hình, đấu tranh chống tội phạm, tham mưu cho địa phương và Bộ Tư lệnh giải quyết tốt các vụ việc xảy ra. Với sự nỗ lực, phấn đấu hết mình trong học tập, rèn luyện và công tác, từ năm 2005 đến nay, Đại tá Võ Trọng Hải đã vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba về thành tích đấu tranh phòng, chống tội phạm; Huân chương Hữu nghị Việt – Lào; Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; 2 Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương; 15 Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 127 Trung ương; 15 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; 11 Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh và 15 năm liên tục anh đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Hồng Thiết

Thủ khoa nghèo vượt khó

TĐKT - Dù gia cảnh nghèo khó nhưng Đinh Xuân Chung, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn khát vọng vươn lên bằng chính năng lực, trí tuệ của mình, trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn học sinh, sinh viên khác học tập và noi theo. Năm 2016, Chung là một trong 100 thủ khoa xuất sắc tiêu biểu được TP Hà Nội tuyên dương, khen thưởng. Chung xuất thân trong một gia đình có đông anh chị em ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bố Chung từng là một người lính tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tuy may mắn sống sót trở về nhưng lại bị nhiễm chất độc da cam, nên sức khỏe của bố rất yếu, hay đau ốm, mọi gánh nặng kinh tế đều do mẹ của Chung cáng đáng. Nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu là từ nông nghiệp. Vì vậy, được đến trường đối với mấy anh chị em Chung đã là sự may mắn lắm. Do đó, mấy anh chị em coi việc học là con đường để thực hiện mơ ước thoát nghèo, báo hiếu với bố mẹ. Khi anh trai của Chung đỗ đại học, các chị gái của Chung đã nghỉ học ở nhà giúp mẹ việc đồng áng, còn mẹ một mình lên Hà Nội làm giúp việc kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Chung chia sẻ: có lẽ quãng thời gian khó khăn nhất của gia đình em là lúc em thi đỗ vào chuyên toán của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ  - Hòa Bình, phải đi học xa nhà. Gánh nặng lại đè lên đôi vai của mẹ nhiều hơn. Vì thương mẹ, em định chỉ theo học ở trường làng để giảm chi phí, thế nhưng chính mẹ là người đã động viên em theo học ở ngôi trường Chung mơ ước. Đinh Xuân Chung tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kinh tế với điểm tổng kết 3,73 tính theo hệ tín chỉ Hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng ý chí, nghị lực và trí tuệ của Chung làm nhiều bạn sinh viên phải nể phục. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Đinh Xuân Chung đã trở thành gương mặt quen thuộc với sinh viên các khóa của Đại học Kinh tế, bởi bảng thành tích đáng tự hào. Chung là một trong những “sinh viên 5 tốt” cấp trường, cấp thành phố và cấp Trung ương năm 2015 – 2016; gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016; và sở hữu nhiều giải thưởng cao trong công tác nghiên cứu khoa học. Không dừng lại ở đó, Chung còn sở hữu nhiều suất học bổng toàn phần học thạc sỹ hai năm tại trường Đại học Hàn Quốc (Seoul, Hàn Quốc) của quỹ Pony Chung; học bổng ShinnyoEn năm 2012, 2013; giải Nhì học bổng Tài năng Việt 2014 của tập đoàn IMG. Chung là một trong những sinh viên tiêu biểu được tham gia các chương trình: JENESYS 2.0 năm 2015 tại Nhật Bản, diễn đàn sinh viên châu Á GPAC 2015 tại Đài Loan, chương trình giao lưu sinh viên Đông Nam Á “The Art Festival 2014” tại Malaysia…  Chia sẻ về bí quyết trong học tập, chàng thủ khoa trường Đại học Kinh tế cho biết, một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn từ lúc nhỏ đã khiến Chung kiên cường hơn trước những khó khăn của cuộc sống. Với Chung hay mỗi bạn sinh viên, điều quan trọng nhất là đặt ra cho bản thân những mục tiêu cụ thể để phấn đấu và bản thân phải nỗ lực, kiên trì để thực hiện được mục tiêu đó. Với tất cả các môn học, Chung đều học ngay từ những ngày đầu mới làm quen thay vì đến ngày thi mới ôn tập. Trong suốt những năm ngồi trên giảng đường đại học, thời gian Chung ở thư viện nhiều hơn ở nhà, với Chung đó là một trong những góc học tập ưa thích. “Suốt 4 năm học đại học mục tiêu thường xuyên và lâu dài của em chính là chinh phục được những suất học bổng, bởi đó là cách Chung chia sẻ gánh nặng cho cha mẹ về chi phí học tập của mình” - Chung thổ lộ.  “Để có thể giành được nhiều học bổng em nghĩ rằng, mỗi bạn sinh viên nên nỗ lực học tập để đạt thành tích cao, bên cạnh đó thì nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện cũng như nghiên cứu khoa học. Bởi đây đều là những ưu tiên khi xét chọn sinh viên nhận học bổng. Đặc biệt là, các bạn sinh viên nên tham khảo trước yêu cầu của các học bổng và chuẩn bị cũng như phấn đấu để đạt được những yêu cầu đó. Đến lúc nộp hồ sơ xét chọn thì bạn đã có đầy đủ điều kiện cũng như một hồ sơ đẹp do đã chuẩn bị từ trước” - Chung nói. Chung còn rất đam mê nghiên cứu khoa học. Đây cũng là con đường Chung đã, đang và tiếp tục theo đuổi. Để có thể tham gia đề tài nghiên cứu khoa học mà không ảnh hưởng đến việc học Chung đã quản lý thời gian và phân bổ hợp lý. Chung cho rằng, sinh viên có quỹ thời gian tương đối lớn, nếu bản thân mỗi người biết cân bằng hợp lý thì quỹ thời gian dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ không hề thiếu. Sự sắp xếp và quản lý thời gian một cách hợp lý giúp Chung vừa học tập tốt, lại vẫn có thể tham gia làm gia sư dạy toán và tiếng Anh để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Ngoài học tập, Đinh Xuân Chung còn là người nhiệt tình với công tác đoàn, hội của lớp, của trường. Chung chia sẻ, những lần tham gia tình nguyện đem lại cho Chung rất nhiều kỉ niệm đẹp. Mang sức trẻ tình nguyện đến giúp đỡ bà con ở những vùng đất xa xôi còn nhiều khó khăn, Chung và các bạn tình nguyện viên cảm thấy trưởng thành hơn, đồng thời mỗi hoạt động tình nguyện làm cho tình cảm của con người với con người gắn kết với nhau.  Vừa qua, Chung đã sang Hàn Quốc học chương trình thạc sĩ ở trường Đại học Hàn Quốc theo chương trình học bổng toàn phần của quỹ Pony Chung. Hưng Vũ

Quận Thanh Xuân biểu dương 164 gương người tốt, việc tốt

TĐKT - Chiều 19/9, quận Thanh Xuân (Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017. Tại hội nghị, 164 cá nhân được tôn vinh là những người tốt, việc tốt tiêu biểu của quận trong năm 2016. Năm 2016, phong trào “Người tốt việc tốt” đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân quận Thanh Xuân, góp phần to lớn vào việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế quận. Ước tính trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 5.092 tỷ đạt 150,19% kế hoạch thành phố giao. Công tác quản lý và phát triển đô thị, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên và môi trường trên địa bàn quận được đẩy mạnh. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nổi bật lên với các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực: “Dạy tốt, học tốt”, phong trào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các phong trào thiện nguyện “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”… Song song với đó, quận cũng chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, thanh tra, tư pháp và giải quyết đơn thư. Đặc biệt, năm 2016, quận thực hiện tốt, nghiêm túc cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội và HĐND các cấp… 10 cá nhân được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2016. Qua các phong trào thi đua, quận Thanh Xuân xuất hiện nhiều tấm gương sáng “Người tốt, việc tốt”. Điển hình là em Phan Duy Lê, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam. Là học sinh khuyết tật nhiễm chất độc da cam, bị bệnh suy tim và suy thận, bố bị bệnh tim đi viện thường xuyên nhưng em đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành tích xuất sắc trong học tập, luôn được thầy cô và bạn bè quý mến. Ông Nguyễn Thành Thuyên, nguyên cán bộ sĩ quan hậu cần trong lực lượng vũ trang, nay là hội viên Hội Cựu chiến binh. Tháng 3/2016, ông đã nhặt được chiếc ví có trên 10 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng, đã tìm và trả lại cho người đánh rơi, được chi bộ, tổ dân phố biểu dương. Đồng thời, ông tích cực tham gia công tác trong tổ bầu cử, tháng hoạt động hè 2016 cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong tổ dân phố.  Bà Đào Thị Hoa là Chi hội trưởng người cao tuổi, Chi hội phó phụ nữ, Tổ phó tổ dân phố phường Khương Đình. Hàng năm, bà đã động viên các học sinh, sinh viên đi hiến máu nhân đạo cứu người với phương châm “giọt máu nghĩa tình”, làm tốt công tác thiện nguyện như “bát cháo tình thương, bát cơm tình nghĩa”. Năm 2016, bà đã vận động ủng hộ được 30 triệu đồng cho các cháu bị bệnh ung thư ở Bệnh viện K Hà Nội. Trong đợt kỷ niệm 55 ngày thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam, bà đã vận động ủng hộ 10 triệu đồng góp phần nhỏ vào hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau chất độc da cam… Những cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” quận Thanh Xuân năm 2016 Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết: với mục tiêu khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành toàn diện với mức cao nhất các nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng từ nay đến cuối năm 2016 và năm 2017, phong trào “Người tốt, việc tốt” quận Thanh Xuân tiếp tục được phát động trong các tầng lớp nhân dân. Gắn phong trào với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; từng đơn vị rà soát nhiệm vụ, phân công rõ người đảm nhiệm từng nội dung, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm chỉ tiêu quan trọng để bình xét thi đua cả năm 2016. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Đồng chí Nguyễn Xuân Lưu kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tích cực việc sản xuất, công tác, học tập, làm nhiều việc tốt, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận. Mai Thảo

Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất

TĐKT - Ngày 20/9, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (CNXLBM), Binh chủng Công binh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống (24/9/1996 – 24/9/2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Thiếu tướng Trần Xuân Mạnh, Chính ủy Binh chủng Công binh dự và phát biểu ý kiến. Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm CNXLBM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tham mưu cho Bộ Quốc phòng về lĩnh vực bom mìn, vật nổ, ứng dụng năng lượng nổ, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - kinh tế; thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thẩm định, soạn thảo quy trình, định mức, bồi dưỡng nhân viên chuyên môn kỹ thuật; thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025.  Thiếu tướng Trần Xuân Mạnh, Chính ủy Binh chủng Công binh trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho trung tâm Trung tâm đã tiếp nhận, vận chuyển, xử lý an toàn hàng chục nghìn tấn bom, mìn, đạn dược các loại, hàng chục nghìn vật mẫu huấn luyện, nghiên cứu, thử nghiệm kỹ thuật cao trong toàn quân; thu hồi, chuyển giao tái sử dụng hàng chục nghìn tấn vật chất sau xử lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cán bộ, chiến sĩ trung tâm còn tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác rà phá, làm sạch bom mìn trên diện tích hàng chục nghìn héc ta, thu gom, tiêu hủy hàng triệu bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Những năm gần đây, Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, bảo vệ an toàn các sự kiện lớn của đất nước, quân đội. Ghi nhận những thành tích của đơn vị, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Trung tâm CNXLBM Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Trần Xuân Mạnh biểu dương và chúc mừng những thành tích đơn vị đã đạt được trong 20 năm qua, đồng thời yêu cầu cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh, đoàn kết, chủ động, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phương Thanh

Cục Quân khí đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

TĐKT - Sáng 16/9, tại Hà Nội, Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Quân khí (16/9/1951 - 16/9/2016). Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Cục Quân khí. Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, số lượng và chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội có bước phát triển nhanh chóng. Để giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo thống nhất công tác quân khí toàn quân, ngày 1/9/1951, Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Nghị định thành lập Cục Quân khí trực thuộc Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Sự ra đời của Cục Quân khí với vai trò là cơ quan đầu ngành là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành Quân khí toàn quân. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, với truyền thống “Tận tụy, dũng cảm, giữ gìn súng, đạn phục vụ đánh thắng”, cán bộ, chiến sĩ quân khí đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Tổng cục Kỹ thuật, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về các mặt công tác kỹ thuật quân khí, trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong công tác bảo đảm trang bị, kỹ thuật, an toàn, đồng bộ súng pháo, khí tài, đạn dược cho các đơn vị. Thượng tướng Bế Xuân Trường trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Cục Quân khí. Ghi nhận những thành tích của cán bộ, chiến sĩ Cục Quân khí và ngành Quân khí 65 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công… Thượng tướng Bế Xuân Trường phát biểu tại buổi lễ. Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bế Xuân Trường ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của Cục Quân khí, ngành Quân khí đã đạt được trong thời gian qua. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, Thượng tướng Bế Xuân Trường yêu cầu Cục Quân khí, ngành Quân khí cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện sát, đúng với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của đơn vị; quán triệt, tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình thực hiện Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới”, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác kỹ thuật quân khí. Đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện; tích cực nghiên cứu, ứng dụng, khai thác dây chuyền công nghệ mới, không ngừng nâng cao chất lượng công tác sửa chữa vũ khí, đạn dược và sản xuất vật tư kỹ thuật; triển khai đồng bộ các phong trào Thi đua Quyết thắng… Phương Thanh – Nguyên Hải

Công đoàn Dệt may Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập

TĐKT - Sáng 14/9, tại Hà Nội, Công đoàn Dệt may Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (14/9/1996 - 14/9/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tới dự, có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Với đặc thù là ngành đông lao động nhất trên cả nước, trong suốt 20 năm qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã không ngừng vượt khó, đồng hành cùng Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện Công đoàn Dệt may Việt Nam đang quản lý gần 120 tổ chức công đoàn cơ sở, chủ yếu thuộc các doanh nghiệp cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, liên doanh với nước ngoài, công ty tư nhân và 120 nghìn đoàn viên/ 130 nghìn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Mức thu nhập bình quân  người lao động của các đơn vị thuộc công đoàn ngành Dệt may đạt 6.000.000 đồng/người/tháng. Tại buổi lễ, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tôn vinh người lao động Dệt may tiêu biểu xuất sắc, người lao động dệt may sáng tạo. Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của ngành Dệt may luôn được quan tâm tổ chức, phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, vận động được đông đảo CNVCLĐ tham gia. Tiêu biểu là các phong trào: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt - may Việt Nam vì đồng bào biển đảo Tổ quốc”; phong trào “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Luyện tay nghề thành thợ giỏi”, “Nữ CNVCLĐ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phối hợp với chuyên môn tổ chức hội thi thợ giỏi cấp ngành 5 năm 1 lần và nhiều phong trào khác. Trong 20 năm qua, ngành Dệt may có 78 lượt chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Bộ Công thương, 17 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 23 lao động đạt danh hiệu Bàn tay vàng, 135 lao động đoạt giải nhất, nhì, ba hội thi thợ giỏi cấp ngành, 13.489 sáng kiến cải tiến và đề tài nghiên cứu khoa học, 34 cá nhân được cấp Bằng Lao động sáng tạo cấp ngành, cấp thành phố và cấp Tổng Liên đoàn; 3 cá nhân được cấp Bằng  Lao động sáng tạo cấp toàn quốc, hàng chục ngàn lượt lao động tiên tiến, lao động giỏi, 135.478 lượt nữ CNVCLĐ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Gần 250 tỷ đồng đã được các cấp công đoàn của ngành chi, quyên góp ủng hộ cho các hoạt động xã hội, từ thiện: phụng dưỡng suốt đời 100 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ nuôi 89 trẻ mồ côi, hỗ trợ xây 1.926 căn nhà tình thương, ủng hộ đồng bào các vùng thiên tai, lũ lụt; ủng hộ các chương trình vì biển đảo quê hương; phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam tuyên truyền, vận động các đơn vị tham gia giúp đỡ huyện nghèo Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ với số tiền 50,86 tỷ đồng... và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2000, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2005, Huân chương Độc Lập hạng Ba năm 2011. Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Công đoàn Dệt may Việt Nam. Mai Thảo

Tích cực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân

TĐKT – Sáng 14/9, tại Hà Nội, Bệnh viện 19-8 (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống (14/9/1961 – 14/9/2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu ý kiến. Bệnh viện 19-8 được thành lập theo Quyết định số 3203 - NV/QĐ ngày 28/8/1976 trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện 265 trực thuộc Cục Hậu cần Công an Vũ trang và Bệnh viện 367 trực thuộc Vụ Tài vụ – Vật tư, Bộ Công an. Bệnh viện 265 tiền thân là Bệnh xá 265 Công an Vũ trang, thành lập ngày 14/9/1961 và ngày này được Bộ Công an xác định là ngày truyền thống của Bệnh viện 19-8. Trải qua 55 năm, Bệnh viện 19-8 đã không ngừng phấn đấu, xây dựng, trưởng thành và phát triển, trở thành bệnh viện đa khoa hạng I, đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân, có quy mô 600 giường bệnh với 39 khoa, phòng, trung tâm chuyên môn phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh, đào tạo cán bộ y tế, nghiên cứu khoa học về y học… Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Bệnh viện 19-8 Những năm gần đây, bệnh viện liên tục đổi mới, cải tiến về kỹ thuật, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu y học hiện đại vào việc khám, chữa bệnh; đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân nặng, nhiều ca phẫu thuật khó: thay van tim nhân tạo, mổ tim hở, ghép thận, đốt u gan bằng sóng cao tần… Bệnh viện cũng tích cực tham gia triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh và tham gia công tác y tế xã hội, tổ chức khám, chữa bệnh cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời, góp phần làm tốt công tác đối ngoại của lực lượng Công an nhân dân thông qua khám, chữa bệnh cho cán bộ công an nước bạn Lào và Campuchia… Ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện 19-8 trong 55 năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhất… Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, bệnh viện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Thượng tướng Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Tô Lâm nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích, chiến công của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, công nhân viên Bệnh viện 19-8 đã nỗ lực đạt được trong những năm qua. Đồng chí yêu cầu thời gian tới, Bệnh viện 19-8 tiếp tục đổi mới các mặt công tác, thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm nghề y: “Lương y như từ mẫu”; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đồng thời, bệnh viện cần chủ động nắm bắt, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về các lĩnh vực tim mạch, nội soi, ghép thận, mổ tim hở, phẫu thuật nội soi…; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu những tinh hoa của y học hiện đại, kết hợp với y học cổ truyền trong y tế dự phòng và điều trị. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực y tế, có kế hoạch thu hút nhân tài, chuyên gia y tế giỏi, đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao nhằm bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, phục vụ có hiệu quả yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng… Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh: mỗi cán bộ, thầy thuốc, công nhân viên trong lực lượng y tế Công an nhân dân nói chung và Bệnh viện 19-8 nói riêng cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện có hiệu quả khẩu hiệu hành động “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, tạo cho mình “sự trong sáng về y đức, giỏi về y thuật, tinh thông về nghề nghiệp, chuyên sâu về kỹ thuật”; tích cực chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Phương Thanh

Người lãnh đạo tận tâm, tận lực, cần cù trong công việc

TĐKT -  Giữ vai trò Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng, ông Lê Anh Nhân luôn là người tận tâm, tận lực, cần cù chịu khó học hỏi, nghiên cứu sáng tạo trong công việc. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông hết lòng phục vụ nhân dân và hoàn thành mọi nhiệm vụ, được tập thể, nhân dân yêu mến, tin tưởng.   Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng Lê Anh Nhân báo cáo khái quát kết quả hoạt động của BHXH TP Đà Nẵng Là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa thành phố, báo cáo viên pháp luật TP Đà Nẵng, Trưởng ban biên tập Website BHXH TP Đà Nẵng; người phát ngôn BHXH thành phố Đà Nẵng; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự BHXH thành phố; Ủy viên BCH Liên đoàn Lao động TP nhiệm kỳ (2013-2015); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ sở nhiệm kỳ (2012 - 2017)… , ở vai trò, nhiệm vụ nào, ông cũng hoàn thành tốt và phát huy khả năng cũng như năng lực và tâm đức của một người lãnh đạo. Ông Nhân chia sẻ, là một cán bộ làm công tác chế độ chính sách BHXH trên 30 năm nay, ông luôn tâm huyết và tự hào với nghề nghiệp của mình, luôn xác định người làm chính sách phải có tầm và có tâm. Cái tầm là thực tế, là kinh nghiệm, là sự cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, nắm vững mọi quy định về chế độ chính sách, đặc biệt là những chính sách mới ban hành và mọi quy định về nghiệp vụ, để từ đó chỉ đạo kịp thời, nhạy bén việc tổ chức thực hiện. Đối với ông, cái tâm là đạo đức trong nghề nghiệp, là sự thông cảm, thấu hiểu trong từng hoàn cảnh của đối tượng phục vụ, là sự vận dụng linh hoạt trong thực hiện chính sách làm sao đem lại lợi ích tốt nhất cho người lao động, không làm trái quy định của pháp luật, tạo được niềm tin, sự gắn bó, hỗ trợ, quý trọng và là chỗ dựa tin cậy của mọi đối tượng người dân. Đấy chính là phương hướng thi đua phấn đấu của bản thân ông suốt 30 năm qua. Cũng từ đó, với mọi công việc được giao, ông đều nghiên cứu, sáng tạo, thực hiện chỉ đạo điều hành và đạt kết quả tốt nhất. Trong công việc, ông luôn tìm tòi nghiên cứu, tìm ra những phương án, giải pháp để áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Ông đã chủ trì, biên soạn và thực hiện đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu trên chương trình quản lý đối tượng (BHXH NET) tại BHXH TP Đà Nẵng”. Đề án được thực hiện thử nghiệm hơn 5 tháng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chương trình quản lý đối tượng, được phê duyệt đưa vào sử dụng ổn định tại BHXH TP Đà Nẵng từ năm 2005 đến nay. Thông qua đề tài này, đã có hàng chục ngàn đối tượng được điều chỉnh tiền lương trở về đúng chế độ quy định. Kết quả, có 6.508 đối tượng (chiếm tỷ lệ 41% đối tượng quản lý chi trả), tiền lương trợ cấp BHXH hàng tháng tính theo chương trình BHXH NET nhỏ hơn tiền lương thực tế chi trả… Đề tài của ông chính là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chính sách và công tác quản lý của BHXH TP Đà Nẵng. Tiếp theo đó, ông chủ trì, biên soạn và thực hiện đề án “Triển khai thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ theo phương pháp: giá – tầng – hộp có phối hợp quản lý bằng chương trình công nghệ thông tin tại BHXH TP Đà Nẵng”. Công tác lưu trữ hồ sơ tại cơ quan trước khi thực hiện đề án này đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, do đó, công tác quản lý cũng như khai thác, sao lục hồ sơ gặp khó khăn, tình trạng hồ sơ mất, hồ sơ bị thất lạc rất nhiều. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý lưu trữ hồ sơ tại BHXH TP Đà Nẵng, đảm bảo được tính khoa học trong lưu trữ hồ sơ, phục vụ kịp thời khai thác và thực hiện tốt chế độ đối với đối tượng. Bên cạnh đó ông còn chủ trì xây dựng và thực hiện các đề án như: “Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản thẻ ATM trên địa bàn TP Đà Nẵng” và “Quy trình tiếp nhận hồ sớm giải quyết các chế độ BHXH, Bảo hiểm Y tế và trả kết quả cho tổ chức, công dân theo cơ chế một cửa tại cơ quan BHXH TP Đà Nẵng”, đề tài này đã được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt cho triển khai thực hiện cuối năm 2008… Ngoài ra, đề tài “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” đã được ông hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả từ năm 2005, được Hội đồng khoa học cơ sở nghiệm thu đưa vào sử dụng và đề nghị Hội đồng khoa học BHXH Việt Nam công nhận. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ, giúp đỡ người lao động khi họ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia, thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Với uy tín của một người làm chính sách trong hơn 30 năm ở địa phương, ông được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người lao động, đối tượng hưởng chính sách tin tưởng, cảm mến, mỗi khi có vướng mắc gì người dân đều tìm đến ông, ông đã tư vấn, giải thích, giải quyết tận tình kể cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Ngoài ra, ông cũng là người tư vấn, trả lời kịp thời, đầy đủ những vướng mắc, khó khăn cho người dân trên chuyên mục trả lời thư bạn đọc.  Là người nhiệt huyết, say mê trong công việc nên ông thường tranh thủ giải quyết, nghiên cứu công việc ngoài giờ, đối với ông việc chưa xong thì chưa thể nghỉ ngơi. Với sự nỗ lực hết mình trong công việc, sự cống hiến miệt mài, hàng năm, ông Lê Anh Nhân luôn được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành BHXH Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2010; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013.  Năm 2014, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Để có được những kết quả và thành tích xứng đáng, ông đã luôn nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm động lực phấn đấu, lấy kết quả của từng công việc để làm thước đo và lấy niềm vui của nhân dân để động viên bản thân. Hồng Thiết

Đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự

TĐKT - Hơn 25 năm công tác trong ngành Công an là bấy nhiêu năm  Thượng tá Châu Quốc Huy, Trưởng Công an huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu gắn bó với nghề điều tra tội phạm. Dẫu biết rằng trong quá trình công tác có nhiều khó khăn, áp lực, trước ranh giới mong manh giữa thiện và ác, giữa đúng và sai và trước cả những cám dỗ vật chất đời thường nhưng anh luôn vững vàng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm bảo vệ chân lý, kiên quyết đấu tranh đến cùng với các loại tội phạm. Thượng tá Châu Quốc Huy Từ khi mới chập chững bước chân vào nghề tới nay, trải qua nhiều cương vị khác nhau, Thượng tá Châu Quốc Huy vẫn luôn phát huy tính tiền phong, gương mẫu trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Anh đã trực tiếp tổ chức đấu tranh nhiều chuyên án lớn, không những có ý nghĩa đối với địa bàn tỉnh nhà, mà còn góp phần cùng các đơn vị, địa phương tỉnh bạn triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động liên tỉnh. Nhiều chuyên án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm và nhận được sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Bộ Công an. Điển hình là Chuyên án 004-CY, đấu tranh với hành vi “đưa và nhận hối lộ”, “cố ý làm trái quy định của  Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã khởi tố 5 đối tượng, thu hồi tài sản cho Nhà nước trên 30 tỷ đồng. Anh cho biết: khó khăn lớn nhất trong quá trình khám phá chuyên án này chính là có liên quan đến nhiều người có chức, có quyền, ít nhiều có cống hiến cho đất nước, địa phương, lại am hiểu pháp luật; từ đó các cấp lãnh đạo thường xuyên gây áp lực, tác động đến cơ quan cảnh sát điều tra, yêu cầu báo cáo nhanh tiến độ điều tra vụ án, nhắc nhở cần xem xét thật kỹ, Viện Kiểm sát thì kiểm sát rất chặt chẽ, đòi hỏi chứng cứ 100% mới phê chuẩn... Bên cạnh đó là Chuyên án 005-T đấu tranh với băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Thạch Quang cầm đầu, thu hồi nhiều vũ khí quân dụng, súng tự chế và mã tấu. .. đã khởi tố 5 đối tượng. Chuyên án 710G, đấu tranh với băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Võ Hùng Cường cầm đầu có hành vi “giết người”, “cố ý gây thương tích” cho nhiều nạn nhân, thu hồi nhiều súng tự chế và mã tấu, đã khởi tố 10 đối tượng. Chuyên án 31OS đấu tranh khám phá đường dây tổ chức đánh bạc lớn nhất, hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ do đối tượng Nguyễn Thị Liên tổ chức, bắt, xử lý trên 30 đối tượng, tịch thu sung vào công quỹ hàng chục tỷ đồng... Anh trải lòng: “Để chạy tội cho mình, bọn tội phạm không từ bỏ bất kỳ phương thức, thủ đoạn nào, chúng luôn tìm đủ mọi cách tiếp cận, mua chuộc cán bộ, hoặc phản kích, tung đủ dư luận xấu gây bất lợi nhằm làm lung lay tinh thần, cũng như gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng nhân dân đối với lực lượng công an. Chuyên án càng lớn thì tính chất, mức độ hoạt động của chúng càng quyết liệt, nguy hiểm hơn. Bản thân tôi trong quá trình đấu tranh khám phá án cũng không nằm ngoài quy luật đó, khi không mua chuộc được, chúng lại liên tục nhắn tin với những lời lẽ nhục mạ, đe dọa trả thù, kể cả đe dọa tính mạng của bản thân, vợ con và người thân trong gia đình, bôi nhọ uy tín, danh dự để khủng bố tinh thần. Chưa kể đến áp lực nặng nề từ các cấp lãnh đạo, từ quần chúng nhân dân đang chờ đợi đưa bọn tội phạm ra xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật...” Khó khăn, áp lực là rất lớn, tuy nhiên, bằng niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng với tinh thần quyết tâm, không chùn bước và ý chí tiến công tội phạm, anh đã cùng với đồng chí, đồng đội chấp nhận những khó khăn, thử thách trước mắt để vượt lên giành thắng lợi, hoàn thành trách nhiệm. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây dư luận xấu trong nhân dân đều được kịp thời chỉ đạo và chủ trì điều tra khám phá nhanh. Bên cạnh đấu tranh trực tiếp với bọn tội phạm, anh không ngừng nghiên cứu, tìm ra cách làm hay, sáng tạo để phòng, chống, làm dừng, làm giảm tội phạm bền vững. Anh đã tập trung đi sâu, đi sát thực tế để nắm tình hình, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ tuần tra, trinh sát, trực tiếp cảm hóa, giáo dục đối tượng phạm tội, tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân, trực tiếp có mặt tại hiện trường, cùng anh em phân tích cụ thể các tình tiết vụ án, đánh giá tỉ mỉ, cẩn trọng, khách quan từng chứng cứ, để có đường hướng xử lý vụ việc một cách chính xác, đúng pháp luật. Từ đó, anh đề ra những giải pháp, kế hoạch sát hợp nhất với điều kiện, tình hình của từng địa bàn, cụm dân cư, chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, liên tục mở các cao điểm đấu tranh có hiệu quả với các loại đối tượng. Nhờ vậy, tình hình tội phạm hình sự luôn được kiềm chế, giảm theo từng năm, tỷ lệ khám phá án đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Chính từ những cố gắng không mệt mỏi, sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, trong 9 năm liền, anh vinh dự được Giám đốc Công an tỉnh tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; hai lần được Bộ Công an tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân”; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen đột xuất; Bộ Công an tặng 7 Bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng 10 Bằng khen và rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các ngành, các cấp, của Tổng cục Cảnh sát nhân dân và của Giám đốc Công an tỉnh. Mặc dù công việc bận rộn, anh Châu Quốc Huy vẫn sắp xếp, bố trí công việc và thời gian một cách hợp lý để tham gia nhiều khóa học, từ đại học đến cao học và hiện nay, vừa bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật.  Hai đề tài khoa học cấp Bộ của anh về “Hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng của lực lượng Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh miền Tây Nam Bộ” và “Hoạt động điều tra các vụ án xâm phạm sở hữu trên tuyến giao thông đường thủy nội địa theo chức năng của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bạc Liêu”, đã được Hội đồng khoa học Bộ Công an đánh giá cao và áp dụng rộng rãi, hiệu quả trong toàn lực lượng. Nguyệt Hà

Xoa dịu “nỗi đau da cam” bằng những việc làm thiết thực

TĐKT - Theo cách mạng từ năm 17 tuổi, tham gia nhiều chiến trường, nhiều trận đánh oanh liệt, người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Xuân Khả, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn trăn trở với nỗi đau của những đồng đội cùng trở về sau chiến tranh. Ông tình nguyện làm cầu nối để những tấm lòng nhân ái, các nhà hảo tâm đến được với những mảnh đời bất hạnh, những gia đình có người thân là nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Với chiếc xe đạp cà tàng, không kể ngày đêm, mưa nắng, lễ, tết, ở đâu cần là ông có mặt. Ông rong ruổi đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà, đồng thời đặt thùng tiền nhân đạo ở các đợt hội chợ khuyến mại, hội chợ xuân Quảng Nam và điểm chi trả bảo hiểm xã hội ở Bưu điện tỉnh để vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài phường hỗ trợ cho quỹ hội. 8 năm qua cùng với Thường trực Hội, ông đã vận động được trên 413 triệu đồng. Trong đó có hơn 339 triệu đồng tiền mặt, 310 suất quà trị giá 73 triệu đồng và 80 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho con của Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Thành Năm ở số nhà 20 đường Vũ Thành Năm, TP Tam Kỳ, góp phần xoá nghèo một hộ bền vững. Hội cũng đã hỗ trợ 65 triệu đồng tu sửa nâng cấp nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ 2; hỗ trợ 2 triệu đồng tu sửa 2 nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam và thân nhân liệt sĩ.  Ngoài ra, ông cùng tổ chức hội đã thăm hỏi, động viên 48 lượt hội viên, cựu chiến binh bị bệnh hiểm nghèo và điều trị dài ngày, hội viên từ trần, tặng quà cho các đối tượng trong các dịp lễ, tết; vận động làm thủ tục gửi 10 cháu là nạn nhân chất độc da cam và trẻ khuyết tật vào trung tâm nuôi dưỡng, dạy nghề của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khả đi vận động các nhà hảo tâm Là cựu chiến binh trở về với thời bình, trong lòng ông vẫn đau đáu nỗi niềm  trăn trở với những đồng đội đã hy sinh. Bởi vậy, mỗi năm trung bình 3 đợt, ông lại xách ba lô lên đường, đi tới các huyện Trà My, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam để tìm mộ liệt sĩ theo yêu cầu của thân nhân ở các tỉnh miền Bắc. Trong 5 năm qua, ông đã tìm được 3 mộ liệt sĩ ở Bắc Trà My chưa đưa vào nghĩa trang và 32 mộ có tên trong nghĩa trang. Ngoài nhiệm vụ của Hội, ông còn đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời cho Đảng uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường. Ông cùng một số đồng chí đề nghị Đảng ủy phường chỉ đạo chi bộ Mỹ Thạch Tây ra nghị quyết thành lập tổ tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường để giải toả chợ tự phát Đặng Dung, đường Trưng Nữ Vương, TP Tam Kỳ. Sau khi tổ tự quản khối phố thành lập vào tháng 10/2013, liên tục hơn 2 tháng liền, trước 5 giờ sáng hàng ngày, ông lại cùng những thành viên trong tổ túc trực tại điểm chợ đông, tuyên truyền, vận động nhân dân không mua, không bán trên đoạn đường này và kiên quyết không cho những người bán hàng dọn ra, giải quyết dứt điểm chợ tự phát này. Qua việc này, ông được Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ gửi thư khen. Mô hình tổ tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường từ đó có sức lan tỏa rộng rãi và được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường nhân rộng trên địa bàn, góp phần tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp. Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, gia đình ông đã tự nguyện hiến một phần đất vườn để làm đường, được địa phương khen ngợi. Trở thành một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đối với ông, đó là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ nhưng lại rất giản đơn, bởi học theo Bác là học từ việc rất nhỏ đến việc lớn, tùy theo sức khỏe và khả năng của mình. Ông chia sẻ: “Ban đầu, tôi suy nghĩ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là quá lớn lao, quá vĩ đại, trong khi đó bản thân tôi tuổi cao, sức yếu, trình độ, khả năng nhận thức có hạn, làm sao học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được. Nhưng qua học tập những chuyên đề và được nghe những mẩu chuyện về Bác…, tôi vô cùng xúc động, nhớ đến lời dạy ân cần của Người lúc sinh thời: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Thấm nhuần lời dạy của Người, tuy là thương binh nặng, nhiều bệnh tật, gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn tích cực phấn đấu cống hiến sức mình cho phong trào địa phương, các tổ chức hội.” Với thành tích đã đạt được, từ năm 2008 đến nay, ông được chi bộ bình xét là đảng viên xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm liền. Ngoài ra, ông còn được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nhiều giấy khen khác. Minh Phương

Trang