Người thương binh làm kinh tế giỏi
03/05/2017 - 12:33
TĐKT - Trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt, bằng nghị lực và ý chí của người lính, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, thương, bệnh binh Nguyễn Văn Bính ở thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) là tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo và làm giàu để mọi người học tập.

Năm 1973, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bính lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1981, tham gia quân tình nguyện tại Campuchia, ông bị thương và trở về quê hương, với tỷ lệ thương tật 21%; bệnh binh 61%. Dù thường xuyên đau ốm khi trái gió trở trời nhưng người thương binh ấy vẫn nỗ lực vươn lên, tạo dựng cuộc sống no ấm. Những năm đầu về quê, cuộc sống vất vả vì gia đình đông anh em, con nhỏ nhưng bằng quyết tâm của người lính được rèn giũa trên chiến trường, ông đã vượt qua tất cả khó khăn của cuộc sống mưu sinh. Ông Bính cho biết: “Trong cuộc sống hay công việc, tôi luôn tâm niệm và làm theo lời Bác dạy là phải biết cần kiệm. Cần kiệm để tích lũy, để có điều kiện đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình một cách căn cơ, bài bản ”.

Active Image

Ông Bính chăm sóc vườn cây

Với gần 7 sào vườn tạp, hoang hóa, ông Bính bắt tay vào cải tạo đất. Lúc đầu ông trồng thử quýt, táo, vải nhưng hiệu quả không cao. Với suy nghĩ cần thay đổi cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm 90, được Trạm Khuyến nông huyện lựa chọn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hưng Yên, nhận thấy cây bưởi có nhiều ưu thế hơn so với những cây ăn quả đang trồng, lại rất phù hợp với chất đất nên ông quyết định chuyển đổi chọn loại cây trồng này. Do đó, ông đã mạnh dạn phá bỏ hàng chục cây vải thiều để thay thế bằng 84 cây bưởi Diễn. Mày mò học kinh nghiệm chiết bưởi, ông nhân giống lên 140 cây bưởi Diễn và trồng thêm 40 cây bưởi da xanh. Nhờ biết áp dụng đúng kỹ thuật, nên bưởi Diễn của gia đình sai quả, chất lượng ngon, mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. 5 năm gần đây, toàn bộ số bưởi của gia đình được Công ty Thực phẩm Văn Lâm, Hưng Yên bao tiêu. Mỗi năm gia đình ông Bính thu hơn 100 triệu đồng từ vườn bưởi. Ngoài ra, ông Bính còn đầu tư chuồng trại nuôi từ 5000 - 7000 nghìn con chim cút thịt, cút sinh sản; nuôi bò, lợn rừng. Từ chăn nuôi, gia đình ông cũng thu lợi từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông tâm sự, mỗi khi vết thương tái phát, cơn đau hành hạ, ông thấy nhớ những đồng đội đã hy sinh, nhất là những đồng đội bị hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh hay ngã xuống ngay trước giờ chiến thắng. Vì vậy, còn sức khỏe, mình còn cố gắng, không phải chỉ cho mình mà còn cho gia đình, bạn bè, cho đồng đội.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Bính luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng đội về giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hiệp Hòa nhận xét: “Anh Bính là một thương binh, bệnh binh gương mẫu, vượt khó vươn lên. Mô hình làm kinh tế của thương, bệnh binh Nguyễn Văn Bính thật sự đã đem lại hiệu quả thiết thực và là tấm gương điển hình về ý chí vươn lên thoát nghèo để mọi người học tập”.

Vượt lên thương tật với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, ở tuổi 62, thương, bệnh binh Nguyễn Văn Bính đã thỏa nguyện với cuộc sống hiện tại. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Phương Nhung