Con đường lập thân, lập nghiệp của những chàng trai sinh ra từ làng
28/04/2017 - 00:00

TĐKT – Với đam mê tự tạo dựng tương lai cho chính mình, nhiều thanh niên đã chủ động, sáng tạo trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, mỗi bạn trẻ lại có xuất phát điểm khác nhau, do đó, cách họ chạm vào thành công cũng không giống nhau.

Tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống

Với chàng thanh niên Vũ Minh Quyết, sinh năm 1989 (ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), con đường lập thân, lập nghiệp được nuôi dưỡng từ ước mơ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống của quê hương đã nuôi anh lớn lên từ thuở bé: tương và miến Cự Đà.

Làng Cự Đà, nơi Quyết sinh ra,  xưa nay vốn nổi tiếng với nghề làm tương và làm miến truyền thống. Miến Cự Đà thường có màu vàng óng hoặc trắng tinh, khi ăn có mùi vị thơm, dai, giòn, rất ngon miệng. Còn nước tương thì óng vàng, thơm nồng, mang mùi vị đặc trưng. 

Active Image

Chàng thanh niên Vũ Minh Quyết

Sau nhiều lần phụ giúp bố mẹ bán hàng tại các hội chợ giới thiệu hàng nông sản, Quyết nhận thấy các sản phẩm nông sản truyền thống của quê hương như tương và miến được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Quyết tự đặt câu hỏi vì sao các sản phẩm truyền thống của quê hương mình vẫn chưa thoát khỏi “lũy tre làng”… Chính những trăn trở này đã thôi thúc chàng trai mày mò đi tìm thị trường cho những sản phẩm truyền thống của làng mình.

Từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nông sản Cự Đà đã có từ nhiều năm nay, Quyết bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất với nhiều loại mặt hàng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là tương và miến.

Những ngày đầu mới bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, Quyết gặp không ít khó khăn từ việc tìm nguồn vốn, thuê nhân công lao động, đến việc đi tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm... Bởi lẽ các sản phẩm truyền thống của làng nghề phải cạnh tranh khá gay gắt với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Quyết đã thành lập Hợp tác xã Thương mại và Phát triển làng nghề Cự Đà theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, với 7 thành viên, số vốn điều lệ khoảng 1,3 tỷ đồng. Hoạt động chính của Hợp tác xã là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm của làng nghề Cự Đà, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Song song với đó, Quyết cũng chú trọng chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, nâng cao vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, hiện bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất của Quyết bán ra thị trường trên 5 tấn miến và trên 1.000 lít tương, thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 3,5- 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện sản phẩm tương, miến Cự Đà đã được người dân trên khắp cả nước biết đến. Với những nỗ lực của mình trong gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương, Vũ Minh Quyết đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng của các Hiệp hội làng nghề truyền thống: Sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích nhất; Top 100 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 và cờ lưu niệm, cúp tại các Hội chợ thương mại được tổ chức tại TP Hà Nội.

Đau đáu với quyết tâm giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, đưa thương hiệu tương, miến Cự Đà ra thị trường cả nước, Quyết cho biết: thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đến các mô hình, cơ sở sản xuất miến lớn ở khắp nơi để học hỏi, Quyết sẽ nâng cao quy trình sản xuất để việc sản xuất miến chuyên nghiệp và hiện đại hơn, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường và cạnh tranh với những thương hiệu lớn khác. 

Tỷ phú xứ Tây Đằng

Kiên trì đeo đuổi ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chàng thanh niên Ngô Trung Long  sinh năm 1984, ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội đã thành công trong sự nghiệp, trở thành một trong những tỷ phú trẻ nổi tiếng, vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2016.

Vốn tốt nghiệp Cao đẳng Hóa chất nhưng sau một thời gian lựa chọn nghề cơ khí, anh Long lại quyết định trở về quê khởi nghiệp từ nghề đốt gạch và chăn nuôi theo mô hình VAC kết hợp với nuôi giun quế.

Active Image

Thanh niên Ngô Trung Long

Những ngày đầu khởi nghiệp trong tay anh chỉ có 20 triệu đồng, anh đã phải đắn đo, suy nghĩ sẽ đầu tư như thế nào và phải bắt đầu từ đâu để thực hiện thành công ước mơ làm giàu ngày tại xứ Tây Đằng. Để có được số vốn hơn 1 tỷ đồng, anh đã phải vay mượn từ bạn bè, họ hàng và nhờ bố mẹ vay ngân hàng. Có vốn, anh thuê 2,7 ha đất của các hộ dân trong thôn để làm trang trại. “Ngày trang trại hoàn thành, trong lòng tôi hy vọng vào một tương lai khởi sắc. Thế nhưng do tôi không có kinh nghiệm chăn nuôi nên lợn ốm và chết nhiều. Có lần chết đến 20%, thậm chí là 30%... Nhiều đêm, tôi thức trắng vì nghĩ đến khoản tiền đầu tư, lo phụ lòng tin của bố mẹ” – Anh Long nhớ lại.

Không từ bỏ con đường đã lựa chọn, anh Long đã lặn lội tìm đến các trang trại VAC ở huyện Xuân Mai (Hà Nội) và một số trang trại VAC ở tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu về chuyên môn và cách chăn nuôi. Cùng với đó, anh mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi của huyện tổ chức, kết hợp với học hỏi qua sách, báo, internet…

Anh Long chia sẻ: để đàn lợn khỏe mạnh, cho năng suất cao anh đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh, kết hợp với phương pháp chăm sóc theo quy chuẩn của Bộ Y tế, nhờ đó đã mang lại cho anh những thành công ban đầu.

Với quy mô 2.300 con lợn/lứa, mỗi năm anh Long xuất ra thị trường 2.300 tấn lợn thịt; 900 con gà thịt, 2 ao cá mỗi năm cho 5 tấn cá thịt, 150 cây bưởi, 50 cây ổi, 1 chuồng nuôi giun quế làm thức ăn cho gà và cá. Từ trang trại VAC mỗi năm anh thu 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận thu về trên 800 triệu đồng/năm. Mô hình VAC của anh giải quyết việc làm cho 15 lao động, với mức lương 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng.

Anh Long cho biết hiện anh tiếp tục đầu tư 5 mẫu đất trồng cỏ, nuôi 150 con bò Úc, đồng thời kết hợp với nhiều hộ gia đình xây dựng trang trại lợn với quy mô 2000 con lợn.

Với kinh nghiệm của người đi trước, tỷ phú xứ Tây Đằng chia sẻ, muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ hãy kiên trì với mục tiêu và kế hoạch làm giàu của mình, nghiên cứu và nắm rõ được địa hình, thổ nhưỡng tại địa phương để quyết định lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cùng với đó, bản thân mỗi ông chủ trang trại trẻ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về lĩnh vực mình lựa chọn để có bước đi vững chắc hơn.

Thành công của hai chàng trai Quyết và Long đã gửi đến một thông điệp ý nghĩa: sinh ra từ làng hay phố, tất cả những thanh niên thế hệ mới hôm nay đều phải xác định bước chân vào khởi nghiệp là dám sống với ước mơ của mình. Con đường khởi nghiệp dù có nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công nếu có quyết tâm và nỗ lực hết mình.

Hưng Vũ