TĐKT - Chị Vi Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An là người hết mình vì công việc và luôn động viên tinh thần chị em vươn lên làm giàu chính đáng.
Gắn bó với công tác hội phụ nữ từ nhiều năm nay, trưởng thành từ các cấp hội cơ sở và đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí khác nhau, chị Thu đã trở thành người cán bộ hội quen thuộc, gần gũi không chỉ với các chị em phụ nữ mà còn với đông đảo bà con huyện miền núi rẻo cao này. Trung bình mỗi tháng chị phải trực tiếp đi thực tế cơ sở dăm bảy bận, mà cơ sở ở Quế Phong thuộc địa bàn các xã, bản xa xôi, đường đi lối lại cheo leo, hiểm trở. Có những khi về các xã như Đồng Văn, Thông Thụ, Tri Lễ… đi mất cả ngày trời, chưa kể thời gian làm việc, trò chuyện, tâm tình để nắm bắt tâm tư, tình cảm của chị em phụ nữ nên chị thường phải ngủ qua đêm tại bản.
Chị Vi Thị Thu (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh thăm mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ xa Mường Nọc
Những ai đã từng thấm các cung đường “nắng bụi, mưa lầy” của vùng biên Quế Phong, hẳn sẽ cảm phục tinh thần vượt khó để hoàn thành công việc của chị Thu. Huyện vùng biên Quế Phong không chỉ gian nan về địa hình, mà mặt bằng nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân cũng khiến những cán bộ hội gặp trở ngại trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Phong có 5 dân tộc cùng sinh sống, số chị em hội viên mù chữ và tái mù chữ còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, với 43%. Có nhiều mô hình khi triển khai xuống cơ sở tưởng như không thể thực hiện được vì rào cản nhận thức hạn chế, đặc thù tập quán sinh hoạt của nhân dân, nhưng bằng quyết tâm, trách nhiệm và tình cảm, cán bộ các cấp hội phụ nữ đã triển khai thành công.
Trong quá trình làm công tác hội, chị Thu gặp khá nhiều thuận lợi vì bản thân chị được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Quế Phong. Việc đồng điệu về ngôn ngữ, phong tục tập quán là lợi thế lớn khi chị giao tiếp với đồng bào. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho các hoạt động của hội. Hàng năm, chị Thu cùng các cán bộ Hội phụ nữ huyện triển khai có hiệu quả các phong trào, nổi bật như phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, thực hiện cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”…
Là người có kinh nghiệm trong công tác phụ nữ, chị Thu hiểu rằng, muốn hội phát triển bền vững, thực sự phải tạo được dấu ấn không thể thiếu trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của chị em. Chị Thu không nhớ rõ bao nhiêu lần, chị trực tiếp lặn lội tìm về các gia đình hội viên, trò chuyện với từng thành viên, giúp họ hiểu hơn vai trò, thành viên, ý nghĩa của hội để mong các gia đình tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia hoạt động. Đối với đồng bào dân tộc Thái, người phụ nữ có vị thế quan trọng trong gia đình, họ rất được tôn trọng nên nhiều việc lớn, nhỏ nếu phụ nữ chưa thông, chưa đồng tình, nhất trí thì ít nhiều sẽ gặp vướng mắc. Với vai trò là cán bộ hội, chị luôn nắm bắt được điều đó, đánh trúng vào tâm lý, để từ người phụ nữ lan tỏa những việc làm tốt, những mô hình hay cho toàn thể bà con dân bản.
Chị cùng các cấp hội phụ nữ đã xây dựng được 10 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi nhà trị giá từ 20 - 25 triệu đồng. Đồng thời chị chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình chăn nuôi lợn đen ở bản Khốm, xã Hạnh Dịch, mô hình nuôi vịt bầu và lợn địa phương tại xã Cắm Muộn, Tiền Phong… Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế, Hội còn chỉ đạo xây dựng mô hình: “Sạch làng tốt ruộng” tại 14/14 xã, thị trấn. Các mô hình đã giúp chị em hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc. Ngoài ra, hội đã chỉ đạo xây dựng được nhiều câu lạc bộ: Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tự nguyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật… Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có trên 50 câu lạc bộ. Mới đây nhất, hội tổ chức xây dựng nhóm nghề và lớp học dệt thổ cẩm nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo điểm nhấn cho hoạt động phụ nữ dân tộc Thái trên địa bàn miền núi.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và trách nhiệm, có lý, có tình của chị, trong những năm qua, tổ chức Hội phụ nữ cơ sở trên địa bàn huyện Quế Phong được các cấp ủy Đảng cơ sở đánh giá là tổ chức hoạt động tích cực, có hiệu quả nhất. Với cương vị là người đứng đầu trong cơ quan Hội, chị Thu luôn xác định mình là trung tâm, là chỗ dựa cho chị em.
Mặc dù bận rộn với công việc, nhưng khi trở về mái ấm gia đình của mình, chị Thu vẫn làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ đảm đang. Ngôi nhà nhỏ của chị luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc, 2 con nhỏ của chị liên tục nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường.
Với những nỗ lực không ngừng, bản thân chị Thu đã được Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong tặng nhiều Giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của huyện.
La Giang
Điển hình tiên tiến
TĐKT – Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và nghiên cứu khoa học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lúc nào trong con người của PGS,TS Bùi Đình Phong cũng luôn tràn đầy ngọn lửa đam mê, nhiệt tình khám phá, chinh phục các đỉnh cao khoa học và giảng dạy.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), trải qua quá trình rèn luyện trong quân ngũ, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường B (tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi) rồi theo học đại học chuyên ngành lịch sử và được giữ lại công tác tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến tháng 1/1994 ông về công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đảm nhận công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS,TS Bùi Đình Phong đã tham gia hàng chục đề tài cấp nhà nước, cấp bộ trọng điểm, cấp bộ, cấp cơ sở và các đề tài với các cơ quan bên ngoài Học viện; đảm nhận vai trò chủ biên đề tài cấp Bộ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam”(1998 - 1999), đề tài trọng điểm cấp Bộ “Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong thời kỳ trước đổi mới” (2005 - 2007), đề tài cấp Bộ “Phát huy chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế”, đề tài cơ sở “Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh”; là Phó Chủ nhiệm các đề tài cấp Bộ trọng điểm như “Hồ Chí Minh với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (2008 - 2010), “Từ điển Hồ Chí Minh học” (2012 - 2014)…
PGS,TS Bùi Đình Phong giảng bài trong lớp học
Chia sẻ về đề tài mà ông tâm đắc nhất, PGS,TS Bùi Đình Phong cho biết đó là đề tài “Từ điển Hồ Chí Minh học”. Đây là loại đề tài đầu tiên trên phạm vi cả nước cung cấp cho bạn đọc nói chung, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy những kiến thức rất cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đề tài là công cụ trang bị những tri thức chính xác cho cả người dạy và người học, có ý nghĩa lâu dài.
Bên cạnh đó, PGS,TS Bùi Đình Phong còn là tác giả của gần 1000 bài báo, hàng chục cuốn sách cá nhân. Trong đó có những công trình, đề tài có ý nghĩa thiết thực trong công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay: sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ” (NXB Lao động, 2006); “Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới” (NXB Lao động, 2007);“Hồ Chí Minh học và minh triết Hồ Chí Minh” (NXB Chính trị Quốc gia, 2008); “Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh” (NXB Lý luận chính trị, 2014); các bài viết “Văn hóa viết, nói và làm”,“Một tấm gương sống giá trị hơn trăm bài diễn văn”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong điều kiện Đảng cầm quyền”, “Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, “Luận cương chính trị 10/1930 - Những giá trị lịch sử”…
Không chỉ đạt được những thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đối với lĩnh vực giảng dạy, PGS,TS Bùi Đình Phong cũng được các đồng nghiệp và đặc biệt là các khóa học viên đánh giá cao bởi vốn tri thức rộng, kỹ năng thuyết giảng. Khi chia sẻ về “bí quyết” thành công, ông thẳng thắn trả lời: muốn giảng dạy tốt, phải biết nghiên cứu khoa học tốt. Thành quả nghiên cứu phải được xã hội hóa để đưa vào bài giảng. Bên cạnh đó, người giảng viên cũng phải biết đổi mới phương pháp giảng dạy, phải thấm nhuần lời dạy của Bác “đừng giảng như sách”. Cuộc sống luôn vận động, bản thân mỗi người thầy phải luôn tự đổi mới mình mà con đường ngắn nhất là phải đọc nhiều để có phông kiến thức rộng, từ đó tổng hợp, so sánh, chắt lọc những điều cần thiết để đưa vào bài giảng... Lớp lớp những thế hệ học viên tốt nghiệp các khóa học và trở về địa phương công tác, trong hành trang mà họ mang theo ngoài các kiến thức được trang bị về lý luận, về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn là sự dung dị trong việc truyền thụ tri thức, là mối quan hệ thầy trò tốt đẹp mà PGS,TS Bùi Đình Phong đã gieo lại trong lòng mỗi học viên. Đối với ông đó là phần thưởng xứng đáng nhất, là điều đáng trân trọng luôn động viên ông không ngừng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.
Đảm nhận vai trò giảng dạy chuyên ngành về tư tưởng Hồ Chí Minh, ông luôn cố gắng học hỏi Bác từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đơn giản như việc học Bác ở chữ “Cần”. Với PGS,TS Bùi Đình Phong, đó là việc chú trọng sắp xếp kế hoạch công việc một cách khoa học, cái gì cần làm trước, làm sau và đã đặt ra mục tiêu là phải làm cho bằng được. Tháng này, tuần này viết cho báo nào, bài nào viết trước, bài nào viết sau, mọi việc đều được ông ghi chép và bố trí thời gian cụ thể, nhờ vậy không dẫn đến tình trạng công việc ùn ứ, chậm tiến độ. Ông tâm sự, nhiều lúc ý tưởng cho những bài viết, bài nghiên cứu đến rất bất chợt, có thể nảy sinh trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và cập nhật thông tin hàng ngày, hoặc trong câu chuyện trao đổi với các đồng nghiệp. Và cái tài tình của người làm khoa học là phải biết “chộp” lấy tư tưởng mới, biết lật xới vấn đề, biết đổi mới tư duy để tìm cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất. Đối với ông, hoàn thành một bài viết không phải vì thành tích mà quan trọng hơn cả đó là cách để ông tự kiểm tra, đánh giá bản thân và tiếp đến là giá trị bổ ích mà bài viết mang lại cho người đọc, cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Với những nỗ lực đạt được, PGS,TS Bùi Đình Phong nhiều lần được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vì đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học giai đoạn 1999 - 2014 và danh hiệu Giảng viên giảng dạy giỏi xuất sắc cấp Bộ tiêu biểu, là điển hình tiên tiến tiêu biểu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thục Anh
Cục Dân quân tự vệ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất
TĐKT – Sáng 10/2, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (12/02/1947 – 12/02/2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Tới dự, có: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ… Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Cục Dân quân tự vệ Ngày 12/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 16/SL thành lập Phòng Dân quân toàn quốc thuộc Cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) - tiền thân của Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu) ngày nay. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Dân quân tự vệ (DQTV) đã và đang hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược đầu ngành giúp Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác DQTV và giáo dục quốc phòng – an ninh, công tác quốc phòng ở các bộ, ngành trung ương, địa phương; góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến nay, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của DQTV đã được nâng lên, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; thực sự là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Giáo dục quốc phòng – an ninh, công tác quốc phòng bộ, ngành, địa phương được thực hiện thường xuyên, ngày càng nền nếp và hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình hiện nay. Cùng với thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục DQTV luôn chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện; chú trọng giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Cục DQTV qua các thời kỳ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, Quân đội tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, giữ trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ khẳng định: trong thời gian tới, nhiệm vụ của Cục DQTV rất nặng nề, song, với tất cả niềm vinh dự, tự hào, niềm tin và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, Cục DQTV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tích cực học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu lần thứ XVIII; các nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu các chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác DQTV, giáo dục quốc phòng – an ninh, công tác quốc phòng bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt nhất, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, có tính chiến lược lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Lễ kỷ niệm Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương thành tích và đóng góp của Cục DQTV trong 70 năm qua. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng DQTV của cả nước nói chung, Cục DQTV nói riêng cần tiếp tục quán triệt toàn diện, sâu sắc, nắm vững đường lối quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, thường xuyên bám sát cơ sở nắm vững tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với bBộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về DQTV, giáo dục quốc phòng, an ninh, công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Chú trọng xây dựng lực lượng DQTV ở khu vực biên giới, biển đảo, các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh... Tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Cục DQTV. Phương ThanhTĐKT - Lão chữa bệnh, không lấy tiền, ai cho thì lão giữ lại rồi gom góp cho lại những mảnh đời khốn khổ. Người ta bảo lão điên. Ôi thì thây kệ! Miệng lưỡi người đời mà. Ai muốn nói gì thì nói. Miễn sao mình làm được việc mà mình thấy thích là được. Lão thích “vác tù và hàng tổng”, lão thích ôm mối lo vào mình. Chỉ riêng lão mới thế, chứ người đời ai muốn. Vậy mà lão vẫn muốn, nên người ta mới bảo là lão điên. Lão chỉ chậc lưỡi.
Bốn năm trời rồi, con số có thể hơn nhưng lão chỉ tính chẵn vậy cho dễ. tính lão vốn xuề xòa thế. Nên người dân nơi lão ở suýt quên tên lão là Đỗ Thanh Bình (61 tuổi, thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi), mà người ta hay gọi lão là Bình “khùng”. Lão có khùng hay không theo bệnh lý thì người dân nơi đây biết rõ, người dân khắp cả tỉnh Quảng Ngãi này cũng biết rõ. Đấy là người ta yêu mến lão mà gọi lão thế thôi. Chứ lão có khùng thật đâu. Chẳng qua lão đem hết tiền nhà đi làm từ thiện, chẳng qua lão đem hết tài năng và tấm lòng mình ra để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Không đòi hỏi, không câu nệ, không lợi lộc, không phân biệt. Chỉ cần có tiền ủng hộ cho người bệnh, chỉ cần chữa được bệnh, chỉ cần thấy người bệnh hết đau, chỉ cần thế là lão vui.
Ông Đỗ Thanh Bình - Thầy thuốc của người nghèo
Lão cười với tôi, khoe hàm răng móm mém. Nắc nỏm, lão bảo lão chỉ có một tâm niệm, ấy là sống để cho đi yêu thương. Còn người đời nói gì lão không quan trọng. Có thế mới chuyên tâm làm việc được. Lão kể, đời lão cũng chẳng có gì sung sướng. Nhưng nhìn quanh nhìn quất thấy người ta khổ nhiều quá. Khổ nhiều hơn lão cả trăm nghìn lần. Mà nỗi đau khổ lớn nhất ấy là việc đau vì bệnh, vì không tiền chữa trị, không tiền thuốc men. Lão vốn là thầy thuốc đông y chuyên về xương khớp, thần kinh tọa. Giúp được người thì lão giúp. Thế thôi. Lão cười khoe nụ cười viên mãn của người đã ở cái tuổi lục tuần. Tóc lão dài, bạc trắng và được buộc túm gọn lại sau gáy như những vị lương y trên phim của miền đất phương Nam vậy. Lão bảo đừng chụp hình lão, coi chừng hư máy ảnh, vì lão xấu. Thấy tôi cười, lão gục gặc cái đầu lất phất những sợi tóc buông chùng trước chiếc trán hói vì nhiều đêm thức làm thuốc, thức để khám chữa bệnh cho người nghèo. Lão bảo lão chẳng cần đẹp làm gì. Ở cái tuổi của lão, còn làm đẹp cho ai. Lão nắc nỏm sau câu nói dí dỏm ấy. Ừ thì bề ngoài lão chẳng đẹp, nhưng lão lại có một tâm hồn đẹp, một tấm lòng đẹp mà chẳng mấy ai có được.
Ông Bình trao tiền cho bệnh nhân.
Bao nhiêu năm trời rồi, căn nhà cấp 4 ám màu rêu phong và khói bếp thuốc nam của lão vẫn thế. Căn nhà xây từ khi lão lấy vợ, cũng nhiều tuổi hơn cả mấy đứa con của lão rồi. Mái ngói cũng đong đưa, tròng trành như răng của lão, nhưng vẫn trụ vững với gió, với bão, với mưa, với lốc, như đồ rằng còn phải trụ lấy nhiều năm nữa, để lão còn lấy chỗ làm thuốc, lấy chỗ chữa bệnh cho người nghèo nữa. Căn nhà ấy vẫn cùng lão, ngày ngày rồi đến đêm đêm làm chốn tìm về của các bệnh nhân nghèo không có tiền đến bệnh viện. Căn nhà cấp 4 của lão lúc chúng tôi đến đã có vài chục bệnh nhân ngồi chờ. Lão cặm cụi, chân thành, yêu thương tới từng người bệnh như chính đứa con mình đang đau nặng vậy. Bệnh nhân tìm đến với lão chủ yếu là những người lao động nghèo ở khắp tỉnh Quảng Ngãi, những người bệnh mắc các bệnh về xương khớp, cột sống. Những người bệnh tìm đến không chỉ vì biết lão chữa bệnh hiệu quả, mà lại có lòng thương người, chữa bệnh tận tâm nhưng không lấy tiền công, cho thuốc miễn phí. Có khi còn cho cả tiền mang về mua thức ăn bồi bổ nữa.
Bất cứ ai bước vào căn phòng nơi lão đặt bàn chữa bệnh, nơi xếp những thang thuốc chữa bệnh trên một chiếc thùng gỗ, bên ngoài có ghi dòng chữ “Kết nối những tấm lòng”. Ở đó, có người bệnh sau khi được lão chữa xong bước đến, nhẹ nhàng xếp vài đồng tiền lẻ nhăn nheo, bạc thếch bỏ vào thùng. Vài ngàn lẻ thôi, trong đó có cả những tờ tiền mệnh giá 500 đồng, xếp gọn gàng. Ai có thì bỏ, người nhiều người ít, chẳng ai nhắc ai, chẳng ai xăm soi, chẳng ai yêu cầu. Họ tự nguyện bỏ tiền vào thùng, tất cả đều như muốn gửi gắm một điều gì đó vào chiếc thùng gỗ kia, gửi gắm vào tấm lòng của lão. Đó là chiếc thùng của những tấm lòng, lão lập nên để chẳng những cứu giúp hàng nghìn bệnh nhân qua khỏi cảnh bệnh tật, hoạn nạn mà còn để gom những đồng tiền lẻ. Mỗi tuần đủ 1 triệu đồng, lão đã gửi gắm, trao tặng đến những mảnh đời khốn khó khác mà lão được biết. Cứ thế, nhiều năm qua, lão đã trao đi hàng trăm triệu đồng cho những hoàn cảnh bệnh tật khốn khó cùng cực.
Ban đầu lão lên xã gặp cán bộ để xin ý kiến, được xã cho phép, lão kiếm ít gỗ đóng chiếc thùng nhỏ. Xong xuôi mang thùng lên xã, nhờ cán bộ xã niêm phong lại. Hàng ngày, lão vừa chữa bệnh người bệnh bỏ tiền vào thùng, tùy lòng hảo tâm. Mọi người đều hưởng ứng, người thì 500 đồng, người thì vài nghìn. Toàn tiền lẻ, vì người bệnh ai cũng nghèo khó. Sau thời gian một tháng, lão mời mọi người đến để mở thùng gỗ ra kiểm tiền, dù chỉ toàn tiền lẻ, số tiền góp được chẳng là bao nhưng mà quý lắm! Lão bộc bạch thế. Số tiền có được, lão mang giúp lại nhưng trường hợp tai nạn, ốm đau bệnh tật đến gia đình khánh kiệt, có trường hợp thì người già neo đơn không nơi nương tựa, có trường hợp con trẻ bơ vơ vì mồ côi cha mẹ. Hoàn cảnh nào cần, lão đều giúp.
Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng ông Bình
Chữa bệnh hiệu quả lại thật tâm giúp người, lão được nhiều người biết đến, số bệnh nhân tìm đến mỗi ngày một đông. Trong đó có rất nhiều người được lão chữa khỏi bệnh đã rất ngạc nhiên khi thấy lão không lấy tiền, không đòi hỏi. Họ khuyên nên lấy tiền công chữa bệnh để sống sung túc dư giả hơn như bao người khác vẫn làm. Lão chỉ cười rồi từ chối. Thấy lão chối từ, họ cố tìm cách báo đáp. Không ít người đã để lại tiền trước khi ra về, coi như là chút ân tình đền đáp. Gặp chuyện thế, lão thấy áy náy lắm. Thôi thì người ta cũng có lòng, mình không dùng nhưng còn nhiều người cần tới. Nghĩ vậy, lão mang tặng lại những người nghèo khổ khác. Cứ thế, bằng cách góp nhặt tình thương, lão mang đến biết bao niềm hy vọng cho những mảnh đời khốn khó. Lão bảo, nếu lão cũng làm như người ta, thì bây giờ nhà lão đã phải ba tầng, giàu nhất cái xóm này. Nhưng giờ lão vẫn thế, ở căn nhà cấp 4 từ ngày xưa, mặc những bộ quần áo bình thường nhất, ăn những thức ăn đạm bạc nhất, chỉ chữa bệnh, hái thuốc, làm thuốc để vui.
Nhiều năm qua, hầu như tuần nào lão cũng được lên tivi. Nhưng lão bảo lão chẳng cần danh tiếng, chẳng cần bằng khen. Lão làm vì cái tâm của mình, vì cảm thương những hoàn cảnh nghèo khốn khổ, đau bệnh tật. Người ta phấn đấu để được cái bằng khen, còn lão bằng khen treo đầy nhà. Cũng chỉ để ngắm, để tâm niệm với việc mình làm nhiều hơn. Với những người bệnh nghèo, lão như ông tiên với chòm râu bạc, mang đến yêu thương, xóa đi đau bệnh, gieo vào cuộc sống lắm bộn bề, khốn khó này nhưng tình thương, lòng nhân ái bao dung và cả niềm tin, nghị lực cho mỗi người. Để họ sống tốt hơn, biết làm thêm những điều thiện lương trao đi cho người khác. Bây giờ, nếu có vô tình gặp ông lão tóc bạc vai mang túi dết, ăn mặc không cầu kỳ nhưng gọn gàng đi trên đường hay tìm gặp nhà người bệnh nào đó, đích thị đó là lão lương y “khùng” Đỗ Thanh Bình, người đi trao những yêu thương của cuộc đời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Lại (Trưởng thôn Đoàn Kết) cho biết: “Chẳng những chữa bệnh miễn phí cho mọi người, ông Bình còn nhiệt tình làm từ thiện. Bằng những đồng tiền lẻ nhỏ bé, 4 năm qua ông Bình đã giúp đỡ cho rất nhiều trường hợp. Những hoàn cảnh khó khăn trong thôn cũng được ông Bình đỡ đần, cưu mang. Việc làm của ông Bình chúng tôi rất ủng hộ, khuyến khích. Vừa qua, ông Bình được Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Đông y TP Quảng Ngãi tuyên dương, tặng bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như xây dựng, phát triển Hội Đông y TP Quảng Ngãi”.
Tiêu Dao
Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
TĐKT - Sáng 13/1, Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, tổng kết công tác công đoàn năm 2016 và phát động phong trào thi đua năm 2017. Hiện nay, LĐLĐ quận Cầu Giấy có 263 công đoàn cơ sở với 18.548 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), 15.876 đoàn viên công đoàn. 5 năm qua, các cấp công đoàn quận đã thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Năm 2016, công tác chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được thực hiện tốt, chất lượng thỏa ước lao động tập thể được nâng cao. Đã có 62 doanh nghiệp, tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, thực hiện chức năng của tổ chức công đoàn, đại diện tham gia quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ; đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn và chính sách lao động nữ tại 30 doanh nghiệp; tham gia đoàn thanh tra kiểm tra việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại 10 doanh nghiệp… Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho LĐLĐ quận Cầu Giấy LĐLĐ quận được coi là điểm sáng trong tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của quận. 5 năm qua, hưởng ứng các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sáng kiến sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…, toàn quận đã có 401 đề tài, hơn 3.500 sáng kiến, kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh, trong dạy học, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động“Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong CNVCLĐ Thủ đô”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… được đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng, tạo động lực và khai thác tiềm năng, sở trường của người lao động, từ đó phấn đấu đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong lao động sản xuất, học tập và công tác… Với những thành tích đạt được, nhân dịp này, LĐLĐ quận Cầu Giấy đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 3 tập thể, cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen; 24 tập thể, các nhân được LĐLĐ thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen; 75 tập thể, cá nhân được LĐLĐ quận tặng Giấy khen và danh hiệu công đoàn cơ sở vững mạnh, xuất sắc. Tại buổi lễ, LĐLĐ quận đã phát động phong trào thi đua năm 2017 trong CNVCLĐ. Mai ThảoCông đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
TĐKT – Ngày 9/1, tại Hà Nội, Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (09/01/1997 - 09/01/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng tới dự. Công đoàn VEAM chính thức được thành lập theo Quyết định số 04/QĐ - CL ngày 9/1/1997 của Ban chấp hành Công đoàn Cơ khí luyện kim Việt Nam, với 16 công đoàn cơ sở trực thuộc, với trên 8.000 đoàn viên. Ngay sau khi thành lập, Công đoàn VEAM đã nhanh chóng ổn định, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, triển khai các hoạt động phù hợp với triến trình phát triển của đất nước và tổng công ty… Đến nay, Công đoàn VEAM có 24 công đoàn cơ sở với gần 20.000 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Công đoàn VEAM. Nhận thức sâu sắc về sự phát triển chung của tổng công ty, tổ chức công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chức năng, vai trò, vị trí, là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động tại doanh nghiệp; phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Công đoàn VEAM đứng ra chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động: thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; tư vấn về pháp luật lao động và ký hợp đồng lao động; giám sát thu nộp các quỹ bảo hiểm; chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an toàn, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động… Công đoàn là nơi phát động và cổ vũ, động viên cán bộ, công nhân, viên chức toàn tổng công ty tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, tổ chức công đoàn luôn là người bạn đồng hành của chuyên môn, như “hai bánh xe cùng quay đều trên một trục”. Với sự đóng góp của công đoàn, trong đó thông qua các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động, hằng năm VEAM bình quân có trên 30.000 sáng kiến, cải tiến, làm lợi cho tập thể hàng trăm tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn, các đơn vị thành viên của VEAM đã có các bước tiến mạnh mẽ, mạnh dạn đầu tư thêm nhiều thiết bị, công nghệ mới, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: sản xuất, lắp ráp ôtô, vận tải, dịch vụ thương mại, khai khoáng, luyện kim… Đến nay, so với khi mới thành lập, tổng nguồn vốn tăng gấp gần 30 lần; năng lực sản xuất, kinh doanh, sản lượng tăng trên 10 lần; lợi nhuận tăng cao; liên tục hoàn thành các chỉ tiêu và nghĩa vụ nộp ngân sách. Công đoàn VEAM còn chú trọng phát triển các phong trào, hoạt động xã hội từ thiện, vận động công nhân, viên chức, lao động toàn tổng công ty trích quỹ phúc lợi ủng hộ tới các vùng bị thiệt hại bởi thiên tai hàng chục tỷ đồng, hàng trăm căn nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn, nhà mẫu giáo… Tiêu biểu: ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị thiệt hại do động đất, sóng thần năm 2011 là 3,6 tỷ đồng; ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 10 năm 2013 là 1,2 tỷ đồng; ủng hộ quân, dân biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông năm 2014 là 1,5 tỷ đồng; ủng hộ xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa năm 2016 là 508 triệu đồng; và ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi lũ lụt miền Trung năm 2016 là 3,7 tỷ đồng. Cùng với các hoạt động xã hội từ thiện, Công đoàn VEAM còn xây dựng và quản lý, duy trì hoạt động của nguồn quỹ xã hội. Những năm qua đã thăm hỏi, trợ cấp, động viên tới hàng nghìn ngườilao động trong và ngoài tổng công ty; tặng quà gia đình chính sách và hàng nghìn học sinh xuất sắc tiêu biểu là con cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong toàn tổng công ty. Với những thành tích trong 20 năm qua, Công đoàn VEAM đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011; 16 cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều danh hiệu thi đua khác. Tại buổi lễ, Công đoàn VEAM vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động công đoàn. Mai ThảoCông ty Thuốc lá Thăng Long đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
TĐKT – Ngày 6/1, tại Hà Nội, Công ty Thuốc lá Thăng Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (6/1/1957 – 6/1/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ngày 06/1/1957, Nhà máy Thuốc Lá Thăng Long (Vinataba Thang Long), đơn vị tiên phong của ngành Công nghiệp Thuốc lá Việt Nam được thành lập. Theo Quyết định số 318/2005/QĐ - TTg ngày 06/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty Thuốc lá Thăng Long đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ một xưởng sản xuất đơn sơ, thủ công đến nay đã xây dựng được một nhà máy bề thế, hiện đại, ngang tầm khu vực, đứng vững trong cơ chế thị trường; và trở thành một doanh nghiệp đầu đàn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thời kì đổi mới, hội nhập. 60 năm qua lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân Công ty Thuốc lá Thăng Long luôn đoàn kết nhất trí, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt khó, thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đưa một doanh nghiệp từ sản xuất thuốc lá nửa cơ khí tiến tới cơ khí hóa và tự động hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân lành nghề giàu kinh nghiệm của công ty không ngừng lớn mạnh, luôn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hoạt động của các đoàn thể quần chúng thường xuyên được duy trì và đẩy mạnh. Đảng bộ Công ty liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh xuất sắc tiêu biểu. Công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường luôn thực hiện tốt, năm nào cũng được cấp trên khen thưởng là đơn vị thi đua xuất sắc, gương mẫu tiêu biểu. Công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn là đơn vị đi đầu. Với thành tích trên, liên tục từ năm 1993 đến nay cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người lao động của Công ty vinh dự được tặng 10 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 4 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba cho tập thể. Nhiều cá nhân được tặng Huân chương và Bằng khen các loại. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Công ty Thuốc lá Thăng Long vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trang LêTuyên dương 192 bí thư chi bộ tiêu biểu trong xây dựng Đảng và lãnh đạo sản xuất, kinh doanh
TĐKT – Thiết thực kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (11/4/2007 – 11/4/2017) và chào mừng 87 năm ngày thành lập Đảng, sáng 4/1, tại Hà Nội, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Đây là lần thứ 2 Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Những năm qua, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đảng bộ trực thuộc đã lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối tích cực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp; đảm đương nhiều công trình trọng điểm quốc gia; luôn đi đầu thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội; kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối là công cụ vật chất quan trọng để Đảng, Nhà nước đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; kịp thời cân đối thị trường xăng dầu, than, điện, phân bón, thép, xi măng, dịch vụ bưu chính viễn thông, giao thông vận tải và hàng tiêu dùng thiết yếu, điều tiết lãi suất ở các ngân hàng thương mại, đóng góp hàng năm 25 - 30% tổng ngân sách quốc gia. Trong giai đoạn 2011 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối đã nộp ngân sách 1,048 triệu tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng trên 74,3 %, đạt hơn 1,121 triệu tỷ đồng; tổng tài sản tăng trên 66,4%, đạt hơn 6,042 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong khối đã đóng góp 11.600 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, đồng thời kết hợp tốt phát triển kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Riêng năm 2016, các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong khối nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 196,129 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 96,928 nghìn tỷ đồng. Từ các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng là các tổ chức cơ sở Đảng, các chi bộ Đảng ở cơ quan, doanh nghiệp tiêu biểu. Đặc biệt là xuất hiện nhiều tấm gương bí thư chi bộ gương mẫu về đạo đức lối sống, về tinh thần trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh và trong công tác xây dựng Đảng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào những thành tích chung của doanh nghiệp. Năm 2016, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã lựa chọn ra 192 bí thư chi bộ tiêu biểu nhất để tuyên dương. Họ thực sự là hạt nhân đáng quý để xây dựng phong trào thi đua sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, trong toàn Đảng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khối đại đoàn kết thống nhất, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức, cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao Bằng khen cho các bí thư chi bộ tiêu biểu. Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng, đơn vị trong khối đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: 192 bí thư chi bộ tiêu biểu được tuyên dương lần này là những hạt nhân quan trọng của các phong trào thi đua, thời gian tới cần biến quyết tâm và lòng nhiệt tình của mình thành hành động cụ thể, thường xuyên sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tìm tòi những giải pháp phù hợp, có tính đột phá để phát huy những thành quả đã đạt được, cùng với cấp ủy lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục lãnh đạo, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, có tính chiến đấu cao. Đồng chí Phạm Minh Chính mong muốn, thời gian tới, bên cạnh tập trung thực hiện triển khai sáng tạo, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; triển khai Nghị quyết số 04 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”….Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương cần tiếp tục làm tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Từ 192 bí thư chi bộ được tuyên dương lần này cần tiến hành tổng hợp, xây dựng mẫu hình bí thư chi bộ giỏi. Bên cạnh đó, tiếp tục lựa chọn tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến là các chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc, cán bộ quản lý giỏi và công nhân lành nghề để ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương lao động góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao vị thế, sự đóng góp xứng đáng của doanh nghiệp nhà nước đối với phát triển kinh tế đất nước. Mai ThảoKịp thời tham mưu những vấn đề về quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
TĐKT – Sáng 3/1, tại Hà Nội, Học viện Quốc phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu ý kiến Cách đây 40 năm, ngay sau khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Học viện Quân sự Cao cấp, tiền thân của Học viện Quốc phòng ngày nay, nhằm kịp thời tổng kết chiến tranh, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, đường lối quốc phòng, quân sự; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cao cấp của quân đội, của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Ngày 3/1/1977, Học viện tổ chức Lễ khai giảng khóa học đầu tiên. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, với trọng trách là một trung tâm huấn luyện – đào tạo, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự hàng đầu của quân đội và Quốc gia, Học viện Quốc phòng luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào công tác huấn luyện – đào tạo. Đồng thời, tích cực xây dựng, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện – đào tạo, sát với từng đối tượng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, từng bước nâng tầm tư duy, năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch – chiến lược. Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ cao cấp, trong đó có trên 700 đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng; 824 thạc sĩ, 346 tiến sĩ, 155 phó giáo sư, 11 giáo sư, nhiều đồng chí đã và đang đảm nhiệm những trọng trách cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội. Bên cạnh đó, Học viện luôn bám sát sự phát triển của lý luận và thực tiễn, đã chủ động, tích cực nghiên cứu 943 đề tài khoa học và gần 6000 tài liệu các cấp. Nhiều đề tài, tài liệu có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, nhất là đề tài “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới” được đánh giá xuất sắc, góp phần phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Cùng với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, Học viện luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực và phát triển bền vững. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Học viện Quốc phòng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích đặc biệt xuất sắc Học viện Quốc phòng đã đạt được trong suốt chặng đường 40 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Học viện Quốc phòng nói riêng tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Học viện Quốc phòng cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 28 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu: tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng nâng cao nhận thức lý luận cơ bản, gắn lý luận với thực tiễn đổi mới đất nước trên cơ sở thấm nhuần phương pháp tư duy, nhận thức, hành động theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nâng cao khả năng dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng những vấn đề về quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và sẵn sàng đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ địch. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hoá, môi trường học tập, nghiên cứu. Tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân – dân. Chăm lo xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, hiện đại, chính quy, mẫu mực… Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Học viện Quốc phòng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phương ThanhTĐKT - Nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hai năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được công nhận đạt danh hiệu Giảng viên giảng dạy giỏi cấp Bộ, “Người tốt việc tốt” tiêu biểu TP Hà Nội năm 2014… đó là những thành tích đáng nể của Tiến sĩ Lê Văn Cường, giảng viên Viện Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Có lẽ con đường đến với nghề nghiệp hiện tại của anh Cường đầy ắp sự tình cờ. Trong câu chuyện vui anh kể: khi còn trẻ anh luôn muốn một cuộc sống tự do, phóng khoáng nên chẳng bao giờ nghĩ mình lại trở thành thầy giáo và gắn bó với bục giảng. Xuất ngũ khi vừa tròn 21 tuổi, năm 1993, theo lời khuyên của cha, anh Cường quyết định ôn và thi đỗ Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi, anh được giữ lại trường và công tác ở Khoa Luật tư pháp rồi chuyển về Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từ tháng 9/2000. Cũng chính từ đây, nghề đã chọn người. Tại môi trường làm việc mới, với sự dìu dắt của các thế hệ cán bộ đi trước, anh đã không ngừng học tập, trau dồi tri thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và đã để lại trong lòng đồng nghiệp ấn tượng về một người nhiệt tình với phong trào đoàn thể, quan tâm đến mọi người xung quanh, luôn nỗ lực vươn lên để hoàn thiện chính mình. Là một người có ý thức cầu tiến, ngoài học vị Tiến sĩ, anh còn là Cử nhân Luật, cử nhân Chính trị, cử nhân Ngoại ngữ.
Tiến sĩ Lê Văn Cường, giảng viên Viện Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Từ năm 2006, anh bắt đầu được phân công giảng bài cho các lớp Cao cấp lý luận chính trị, Cử nhân chính trị chuyên ngành công tác tổ chức và công tác kiểm tra. Đảm nhận môn dạy được mệnh danh là “khó, khổ, khô”, thời gian đầu, khi được giao nhiệm vụ đứng lớp, anh Cường không khỏi lo lắng do thực tế trải nghiệm của bản thân chưa nhiều, mặt khác học viên đều là đảng viên, có người tham gia cấp ủy, đa số là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên, có trình độ chuyên môn từ cử nhân, đặc biệt, nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và các học viên quốc tế. Để hóa giải điều đó, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng, tìm đọc sách chuyên ngành, sách chuyên khảo để nâng cao kiến thức chuyên môn, anh Cường còn áp dụng 2 “bí quyết” riêng đó là chủ động xin danh sách lớp học để hiểu và nắm bắt tốt về đối tượng người nghe cũng như tìm gặp chủ nhiệm lớp để lấy phản hồi, đánh giá của học viên về phương pháp giảng dạy, khối lượng kiến thức truyền đạt, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình lên lớp.
Nhiều người quan niệm giảng dạy các môn lý luận không cần hay, chỉ cần đúng, nhưng anh Cường không nghĩ vậy. Đối với anh, ngoài việc giảng đúng, người giảng viên phải luôn xác định tầm quan trọng của việc “cung cấp cho xã hội cái người ta cần chứ không phải cung cấp cái mình đang có”. Để thực hiện được điều đó, bản thân mỗi người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Ngoài ra, giảng viên phải chủ động thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, biết tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin nhằm tạo sự sinh động, phong phú trong mỗi tiết học. Ở mỗi bài giảng, anh luôn chú trọng đến việc cung cấp phương pháp tiếp cận vấn đề phù hợp đối với từng đối tượng người học, chủ động nêu ra các tình huống thực tế để học viên trao đổi, lấy đó làm cơ sở giải thích các vấn đề lý luận. Đó có thể là những ví dụ anh có được từ quá trình trải nghiệm thực tế, đi cơ sở hoặc là những tình huống phát sinh ở địa phương mà học viên phản ánh lại. Đây được coi là cách làm hiệu quả, tạo sự tương tác giữa giảng viên và người học nhằm tránh tình trạng nhàm chán, thụ động trong học tập.
Ngoài việc làm tốt vai trò là một giảng viên, anh Cường còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, anh đã có 34 bài viết được đăng trên các tạp chí; tham gia viết giáo trình cho các hệ lớp cử nhân chính trị chuyên ngành công tác tổ chức và kiểm tra, giám sát, viết 5 bài giáo trình cho hệ cao học và 5 bài giáo trình bồi dưỡng cho cán bộ Lào. Trong những cuốn sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 75 năm, 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, anh cũng có bài viết được tuyển chọn in. Tuy bận rộn với công việc giảng dạy nhưng anh vẫn tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp cơ sở… Anh cũng là người có “duyên” với các cuộc thi khi đoạt nhiều giải thưởng: giải nhất cuộc thi tìm hiểu “75 năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quận đoàn Cầu Giấy, giải ba cuộc thi tìm hiểu 55 năm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2013, tham gia khóa học Quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, anh được Giám đốc Học viện Hành chính tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích trong học tập và đóng góp cho hoạt động của lớp. Anh vinh dự được công nhận là “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2014.
Hưng Vũ
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 142
- 143
- 144
- 145
- 146
- …
- sau ›
- cuối cùng »