Xây dựng nông thôn mới

Xã Vân Tùng - xã đầu tiên của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đón bằng đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Sáng 18/3, UBND huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) tổ chức Lễ công bố xã Vân Tùng đạt chuẩn nông thôn mới và Trường THCS Vân Tùng đạt chuẩn quốc gia mức độ I.   Đồng chí Đinh Quang Tuyên,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trao Bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới cho xã Vân Tùng và bằng công nhận trường THCS Vân Tùng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Vân Tùng đã được đầu tư bằng các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và huy động được gần 36 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó nhân dân đã đóng góp hơn 5 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động; hiến hàng trăm mét vuông đất; thực hiện bê tông hóa hơn 23 km đường thôn, xóm; xây mới, nâng cấp 13 nhà văn hóa… Xã cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn; tăng năng suất gieo trồng cây lúa, cây ngô nếp ngọt và các loại cây trồng vụ đông khác; duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi trâu bò nhốt vỗ béo... đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống; giá trị thu nhập trên một diện tích năm 2011 đạt 40 triệu/ha đến nay đã có trên 30 ha đạt giá trị 100 triệu/ha.Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,51 triệu đồng/người/năm. Do có vị trí địa lý thuận lợi có đường quốc lộ 3 đi qua địa bàn nên hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển khá thuận lợi, một số hộ dân mạnh dạn buôn bán hàng tạp hóa, bánh kẹo, các loại bánh đặc sản của địa phương, dịch vụ vận tải... với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hàng năm đều được tập huấn nâng cao kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các trường học đều được đầu tư xây dựng đồng bộ đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế và duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt trên địa bàn. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới. Những thành tựu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.   Các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới" nhận Giấy khen của UBND huyện Tại buổi lễ, đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới cho xã Vân Tùng và Bằng công nhận trường THCS Vân Tùng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đồng chí cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà nhân dân xã Vân Tùng đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cho rằng trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vân Tùng cần đoàn kết nhất trí cùng nhau duy trì bền vững và từng bước nâng cao các tiêu chí nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực cho việc hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn xã, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Tại buổi lễ, UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Vân Tùng; các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới được UBND huyện Ngân Sơn tặng Giấy khen. Hoàng Huế

Gia Trung: Niềm vui cán đích nông thôn mới

TĐKT - Sau hơn 7 năm (2011 - 2018) nỗ lực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), cuối năm 2018, xã Gia Trung (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn nơi đây. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên, các tuyến đường được bê tông khang trang; hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, xây dựng, đáp ứng tốt cho sản xuất và đời sống của người dân. Đường NTM xã Gia Trung Phấn khởi trước những kết quả đạt được, ông Dư Xuân Tạo, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Khi bắt đầu thực hiện phong trào xây dựng NTM xã 8 tiêu chí đạt. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã, đã tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của phong trào. Đồng thời, tổ chức cho nhân dân họp bàn, nêu rõ những khó khăn và thuận lợi của địa phương để xác định tiêu chí nào dễ, cần ít vốn thì làm trước. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trên cơ sở công khai, minh bạch, xã đã đưa những nội dung cụ thể, quan trọng ra để bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến thông qua các buổi họp dân. Trong thực hiện nhiệm vụ, vai trò chủ thể của người dân luôn được đề cao theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, sao cho mỗi tiêu chí, mỗi công trình trong xây dựng NTM ở địa phương, nhân dân đều nhận thức được đó là của dân, do dân và vì dân. Xác định phát triển nông nghiệp là khâu tập trung nên xã không ngừng quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp để có bước đột phá phát triển mạnh về nông nghiệp, nông thôn, từng bước thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Theo ông Tạo, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên, nhất là việc áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, Gia Trung đã thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, đưa số thửa bình quân xuống còn 2 - 3 thửa/hộ. Nhân dân đã hiến 3,6 ha đất và đóng góp gần 700 triệu đồng để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhờ vậy, việc đưa máy móc vào đồng ruộng được đẩy mạnh. Toàn xã hiện có 26 máy làm đất, 3 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo gần 100% diện tích được làm đất và thu hoạch lúa bằng máy; chủ động hoàn toàn về khâu tưới, tiêu nước nhờ các trạm bơm, máy bơm và hệ thống kênh mương đồng bộ. Xã có 2 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện được 7 khâu dịch vụ cho các thành viên. Ngoài ra còn có 2 hợp tác xã ngành hàng hoạt động dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy thế mạnh của địa phương. UBND xã còn thường xuyên mở các lớp dạy nghề và tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Với quan điểm, xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, khối lượng công việc khổng lồ, kinh phí đầu tư lớn, nếu không biết vận dụng sức mạnh trong dân thì khó có thể thành công, nên mỗi tổ chức, đoàn thể của xã đã có một cách làm, cách tiếp cận riêng. Mặt khác, xã cũng phát huy tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quần chúng nhân dân, tích cực hưởng ứng, góp sức, ngày công, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất trong xây dựng giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tập trung huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa... Đến tháng 10/2018, xã đã tiếp nhận 1.661,7 tấn xi măng làm mới 145 tuyến đường với tổng chiều dài là 12,28 km... Xã đã đầu tư 19 công trình xây dựng cơ bản. Trong đó, trường mầm non, tiểu học, THCS đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Nhà văn hóa xã và các thôn cũng được quan tâm. Song song với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân giữ vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm làm phong phú các hoạt động văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chia sẻ về kế hoạch của xã trong thời gian tới, ông Tảo cho biết: Đạt chuẩn xã NTM chỉ là bước khởi đầu, nhiệm vụ sắp đến đặt ra cho địa phương phải vừa duy trì và nâng chuẩn xã NTM. Xã sẽ tiếp tục nâng mức đạt của tiêu chí đảm bảo đạt chuẩn và phát triển nông thôn bền vững để phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Tuệ Minh

Phụ nữ Khánh Thành chung sức xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Phụ nữ xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ. Phát huy kết quả đạt được, hiện nay Hội Phụ nữ xã tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thu hút đông đảo chị em tham gia chung sức xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Chị em hội viên tích cực chăm sóc đường hoa Về đích NTM từ năm 2013, hiện đảng bộ và nhân dân xã Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình) đang tích cực triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú trọng triển khai các công trình, phần việc phù hợp với công tác Hội và phong trào phụ nữ. Bà Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Thành cho biết: Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng, Hội đã chủ động phối hợp các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vận động chị em tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông sản theo hướng an toàn; tham gia vào HTX, tổ liên kết trong sản xuất, chăn nuôi… Được sự hỗ trợ của các cấp hội, Hội đã xây dựng mô hình “Phụ nữ sản xuất rau, củ, quả an toàn” tại xóm 6 với 5 hộ gia đình tham gia. Trên diện tích đất hơn 2 ha, mô hình lựa chọn trồng các loại rau, củ, quả theo nhu cầu của thị trường, năng suất cao, cho thu nhập cao gấp 5 - 7 lần trồng lúa. Từ  thành công ban đầu của mô hình, Hội đã vận động các gia đình hội viên tham gia HTX sản xuất nông sản an toàn của xã Khánh Thành, mở rộng diện tích sản xuất trên 28 ha, cho thu nhập ổn định 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Song song với đó, để hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 38 phụ nữ nghèo vay vốn. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề đan cói, may công nghiệp cho 186 hội viên; thành lập Tổ hợp may tạo việc làm thường xuyên cho 25 - 30 hội viên với thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã giúp 8 hộ thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2%. Cũng theo bà Tuyết, để đẩy mạnh tiêu chí về môi trường, Hội đã tích cực vận động hội viên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường theo phương châm "Sạch nhà - sạch ngõ" gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 5 sạch”. Hội đã triển khai, duy trì tốt các mô hình “Thẳng nhà ai nhà đó sạch”; “Ngày thứ bảy sạch”, “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” với 100% các mô hình duy trì đều đặn. Bên cạnh đó, nhằm từng bước xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp, tăng vẻ đẹp của làng quê, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu tại địa phương, Hội tổ chức khảo sát các tuyến đường để xây dựng mô hình “Đường hoa phụ nữ”, lựa chọn giống hoa phù hợp với chất đất sỏi đá, phù hợp với từng điều kiện của từng con đường tại thôn, xóm. “Thời gian đầu thực hiện, Hội gặp nhiều khó khăn do chị em hội viên đi làm, không có nhiều thời gian, chi phí xây dựng tốn kém… Bởi vậy, Hội đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền hỗ trợ mỗi chi hội 300.000 đồng, tập trung tuyên truyền, phát động hội viên tham gia dọn sỏi đá, đổ đất ven đường, nghiên cứu trồng xen kẽ nhiều loại hoa; vận động được 162 ngày công xây bồn trồng cây trên trục đường xã.” - bà Tuyết cho biết. Đến nay, đường hoa phụ nữ đã trở thành phong trào có sức lan tỏa trên toàn xã, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, toàn xã trồng được 9 km đường hoa với nhiều loại hoa đẹp, màu sắc sặc sỡ, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, Hội còn thực hiện tốt mục tiêu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội bằng những đề án: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, vận động gia đình hội viên phụ nữ ký cam kết thực hiện gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội, tham gia mua bảo hiểm y tế hộ gia đình... Bảo Linh  

Ninh Giang nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Về đích nông thôn mới (NTM) từ năm 2014, xã Ninh Giang (Hoa Lư, Ninh Bình) vinh dự được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu, Ninh Giang đã và đang huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng bền vững. Diện mạo nông thôn xã Ninh Giang đã có nhiều đổi thay Ông Tống Vạn Tường, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang cho biết: Kế thừa thành quả xây dựng NTM, từ năm 2014 đến nay, xã quán triệt quan điểm xuyên suốt xây dựng NTM kiểu mẫu là giữ gìn được bản sắc truyền thống của địa phương, không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, người dân được phát huy quyền làm chủ trong quá trình triển khai thực hiện, lấy sự hài lòng và chất lượng đời sống của người dân làm thước đo hiệu quả xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Bởi vậy, xã đã tổ chức kiểm tra, rà soát lại 19 tiêu chí, tập trung thực hiện các tiêu chí chưa bền vững, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đó, thực hiện lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, biển báo giao thông, trồng cây xanh trên đường trục chính xã; cải tạo lại một số tuyến đường đã xuống cấp, trồng hoa trong các thôn, xóm… Đặc biệt, xã đã xây dựng lại trường THCS 3 tầng với 18 phòng học và 12 phòng chức năng trị giá 30 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu mới trong việc dạy và học. Bên cạnh đó, xác định xây dựng NTM phải lấy phát triển sản xuất làm nền tảng, lấy nâng cao hiệu quả đời sống mọi mặt cho nhân dân làm động lực, xã đã triển khai thực hiện quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp; thực hiện dồn điền, đổi thửa; kiên cố hóa hệ thống kênh mương và hệ thống đường nội đồng. Cũng theo ông Tường, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Hiện toàn xã có trên 20 trang trại, gia trại; 1 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 1 tổ hợp tác chăn nuôi dê. Nhiều mô hình sản xuất mới đã được hình thành, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao: Nuôi trai lấy ngọc; trồng chuối kết hợp với nuôi trồng thủy sản, nuôi gà Đông Tảo… Toàn xã đã xây dựng hơn 5km đường hoa các loại ở tất cả các thôn, xóm; hoàn thiện, đưa vào sử dụng trường THCS và một số công trình phụ trợ; khởi công xây dựng Trường Mầm non khu La Mai với tổng kinh phí 14 tỷ đồng; sửa Trường Mầm non Trung Trữ kinh phí 92 triệu đồng; làm vỉa hè đường trục xã kinh phí 4,2 tỷ đồng; Xã cũng chỉ đạo các thôn, xóm lập dự toán xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu. Chi bộ thôn Phong Phú vận động nhân dân đóng góp mỗi khẩu 300 nghìn đồng đổ bê tông tuyến đường phía nam của xóm; chi bộ xóm Tây tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa; chi bộ xóm Đông đổ bê tông sân nhà văn hóa... Với sự cố gắng và nỗ lực của cả hệ thống, đến nay Ninh Giang đã có nhiều tiêu chí đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 của UBND tỉnh. Cụ thể, về tiêu chí giao thông: 100% các nút giao nhau với đường trục thôn đã có biển báo, trên 60% đường giao thông thuộc khu trung tâm xã, khu dân cư tập trung có hệ thống đèn chiếu sáng, được lát vỉa hè; tỷ lệ đường trục xã, trục thôn được trồng cây xanh, cây bóng mát đạt trên 50%. Với tiêu chí về trường học, cả 3 cấp trường trên địa bàn xã là mầm non, tiểu học, THCS đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, riêng trường mầm mon và tiểu học được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định, không có điểm tồn đọng rác, để rác sai quy định. Quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững; địa bàn không có tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế. Có thể thấy, nhờ sự thống nhất cao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân cùng với những định hướng, quyết sách đúng đắn, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Ninh Giang đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu cán đích NTM kiểu mẫu năm 2020. Tuệ Minh

Thanh Hóa: Lựa chọn xây dựng nông thôn mới “chất và bền vững”

TĐKT - Năm 2018 khép lại với nhiều thành công của ngành Nông nghiệp. Phóng viên (PV) Tạp chí Thi đua Khen thưởng có buổi phỏng vấn ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa về những thành quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2018 của tỉnh. PV: Trước hết, xin được cảm ơn ông đã tham gia trao đổi với chúng tôi. Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của phong trào xây dựng NTM ở Thanh Hóa trong năm 2018? - Ông Lê Đức Giang: Năm 2018, được xác định là năm bản lề trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, xem đây là kết quả quan trọng để tích hợp, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 trước một năm. Vì vậy, các ngành thành viên Ban chỉ đạo và các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm, đã bám sát kế hoạch của tỉnh để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Điều đáng mừng là nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã rất đồng lòng, nỗ lực, hưởng ứng thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó đã đem lại thành công theo lộ trình của Chương trình. Ông  Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa Toàn tỉnh có thêm 43 xã; 140 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Quảng Xương đã trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh tăng thêm 1 tiêu chí/xã. Đến nay, cả tỉnh đạt bình quân 16 tiêu chí/xã, có 284 xã đạt chuẩn NTM, đạt xấp xỉ 50% số xã xây dựng NTM, 527 thôn, bản miền núi và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 28,5 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2017, hộ nghèo ở mức 5,84%, giảm 2,59% so với năm 2017. Người dân đồng thuận, cán bộ trưởng thành, diện mạo nông thôn thay đổi mạnh mẽ, cùng với những con số quan trọng nêu trên đã minh chứng cho kết quả xây dựng NTM ở Thanh Hóa trong năm qua. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, đang xem xét để ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu. Theo đó, đã xây dựng thành công 3 mô hình thôn, bản NTM kiểu mẫu tại các huyện miền núi và đang nhân rộng 3 mô hình tiếp theo; đối với các xã đã đạt chuẩn, đã rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí để hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu cho từng năm và cả giai đoạn 2019 - 2020 … Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp rất quan trọng để xây dựng, phát triển NTM hiệu quả. Với trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ chủ lực, có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. PV: Trong năm 2018, triển khai phong trào xây dựng NTM tỉnh đã gặp những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì, đồng thời đã thực hiện các giải pháp, chính sách như thế nào để tháo gỡ, thưa ông? - Ông Lê Đức Giang: Năm 2018, Thanh Hóa đã được Trung ương chọn làm chỉ đạo điểm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đây là nội dung hết sức quan trọng, là giải pháp để đưa Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh nâng cao về chất và bền vững. Tuy nhiên, Thanh Hóa là tỉnh có số xã xây dựng NTM nhiều nhất cả nước, trong đó có trên 1/3 số xã là xã miền núi, 102 xã 30a, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho các huyện miền núi; nhu cầu đầu tư cho Chương trình ở vùng miền núi lớn trong khi huy động nguồn lực khó khăn. Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ra đời đặt ra nội hàm rộng, yêu cầu ngày càng cao; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các xã khu vực miền núi còn hạn chế. Để tháo gỡ các khó khăn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu và các giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ chi tiết cho các ngành, các cấp; đồng thời có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tháo gỡ khó khăn, trong đó, tập trung cao cho phát triển sản xuất theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng; tiếp tục chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản đối với các xã miền núi; tăng cường chỉ đạo thực hiện tiêu chí môi trường, coi đây là 1 trong những chỉ tiêu quan trọng của xã NTM. PV: Xin ông cho biết, công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai như thế nào? - Ông Lê Đức Giang: Năm 2018, công tác tuyên truyền xây dựng NTM đã tập trung vào các quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, theo đó, sự tiếp cận được tập trung vào mục tiêu phấn đấu năm 2018, toàn tỉnh có 1 huyện, 42 xã đạt chuẩn NTM, mỗi huyện miền núi có từ 3 đến 5 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Trên cơ sở đó, chuyển tải thông tin, khơi dậy tinh thần, làm nóng, làm mới phong trào, đồng thời, giúp các địa phương sau khi đạt chuẩn NTM ý thức được sự cần thiết, vai trò, trách nhiệm trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí và tiến hành xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Lấy nội dung tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân làm khâu đột phá, xây dựng cảnh quan, diện mạo nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái, xanh, sạch, đẹp làm điểm nhấn… Huy động, sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn NTM. Tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình tiên tiến; phản ánh những việc bất cập, cảnh báo những khuynh hướng công việc chưa đúng,… Đặc biệt, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh đã đặt mua Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp cho 567 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với gần 30 cơ quan truyền thông để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền xây dựng NTM. Tham gia nói chuyện chuyên đề về xây dựng NTM do các cơ quan, đơn vị tổ chức: Trường Chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh… Những cánh đồng lúa đưa lại năng suất cao khi áp dụng khoa học - công nghệ sản xuất tiên tiến của xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã biên tập và phát hành 12 số Bản tin xây dựng NTM với số lượng 12.000 cuốn. Phối hợp tổ chức Gameshow truyền hình “Nhà nông tài giỏi” năm 2018, qua đó tạo cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. PV: Năm 2019 và những năm tiếp theo, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh sẽ tập trung vào những mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể nào, thưa ông? - Ông Lê Đức Giang: Kế thừa những kết quả đạt được, năm 2019 và những năm tiếp theo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu: Phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn NTM, có 41 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 05 huyện đạt chuẩn NTM, 60% số xã (tương ứng 343 xã) đạt chuẩn NTM; 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM trở lên; bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đưa ra 4 giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, các cấp, các ngành tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương xứ Thanh. Thứ hai, các xã tiếp tục rà soát quy hoạch, đảm bảo sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đảm bảo lưu trữ hồ sơ và niêm yết công khai quy hoạch tại trụ sở UBND xã và các thôn, bản… cho nhân dân được biết, giám sát, kiểm tra, thực hiện. Triển khai cắm mốc và quản lý mốc giới theo quy hoạch NTM đã được phê duyệt. Thứ ba, các ngành thành viên Ban chỉ đạo cần phải sâu sát cơ sở, tăng cường làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung, tiêu chí cũng như sớm hoàn thành đạt chuẩn xã NTM. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, có những giải pháp căn cơ và cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; chú ý duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM... Thứ tư, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Nâng cao chất lượng xét, thẩm định xã đạt chuẩn NTM. Mai Thảo (thực hiện)

Huyện Nghi Xuân xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Ngày 14/12, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” năm 2018 tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đoàn công tác do Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang làm Trưởng đoàn. Cùng đi có lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu tại buổi làm việc Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, huyện Nghi Xuân chỉ đạo các cấp, các ngành và hệ thống chính trị cùng nhân dân toàn huyện tích cực thực hiện; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng phát triển. Những năm gần đây, tình hình KT-XH của Hà Tĩnh đã có những bước phát triển đột phá, bình quân hàng năm đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 20,8%, thu ngân sách đạt trên 12.300 tỷ đồng, tăng 37,7% so với năm 2017. Trên lĩnh vực xây dựng NTM, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh tốp đầu của cả nước. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 142 xã, chiếm 62% tổng số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM. Dự kiến, đến cuối năm 2018 có thêm ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên ít nhất là 153 xã (chiếm 67% tổng số xã), không còn xã dưới 11 tiêu chí. Đặc biệt, huyện Nghi Xuân vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh và là huyện thứ 56 trong toàn quốc vinh dự đạt danh hiệu này. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang chúc mừng những kết quả mà cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân đã nỗ lực đạt được trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang khẳng định: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng phát động là phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2020. Phong trào đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trước mắt là thực hiện Nghị quyết 26 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua đó, phát triển nông thôn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, vấn đề có tác động trực tiếp đời sống nhân dân. Sau khi tổng kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2, Hà Tĩnh đều huy động các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đông đảo nhân dân tích cực tham gia và được đánh giá là phong trào thi đua thiết thực nhất. Hà Tĩnh đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thương Trung ương, gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương với tinh thần quyết liệt, triển khai rất bài bản. Đoàn công tác tham quan hạ tầng KT - XH tại thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên Tỉnh đã cho tập hợp và in các tập tài liệu tuyên truyền, phục vụ công tác tham quan, học tập của nhiều địa phương trong cả nước, đến nay đã xây dựng hơn 4500 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu là tiêu chí thứ 20, sáng tạo riêng có của Hà Tĩnh, là phong trào bắt nguồn từ cơ sở, làm có hiệu quả cần tiếp tục nhân lên. Trung ương có các phong trào trọng tâm cùng với “Cả nước chung sức xây dựng NTM” là phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, Hà Tĩnh cần tiếp tục quan tâm, triển khai, phát động sâu hơn, rõ hơn, kỹ hơn trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang đề nghị tỉnh cụ thể hóa, chuyển hóa kinh phí tiền thưởng của giai đoạn 1 thành các công trình dân sinh, phục vụ cộng đồng, để người dân trực tiếp được thụ hưởng. Tuy số lượng không nhiều nhưng Hà Tĩnh đã khen thưởng kịp thời, đúng và trúng… Đồng chí cũng tiếp thu một số đề nghị của tỉnh Hà Tĩnh về chính sách ưu tiên đối với cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là cán bộ cơ sở; khen thưởng với xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu mô hình hay trong thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Tiết mục văn nghệ đặc sắc của Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian thôn Phong Giang, xã Tiên Điền (quê hương Đại thi hào Nguyễn Du) Ngày 15/12, đoàn đã kiểm tra, giám sát các tiêu chí, công trình ở thôn, xã của huyện Nghi Xuân, tham dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải; Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến; đại diện sở, ban, ngành trung ương và địa phương. Thế Anh

Phát huy công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Liêm

TĐKT - Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn huyện Thanh Liêm (tỉnh Quảng Nam) đã chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động làm cho người dân hiểu ý nghĩa, mục đích của chương trình, cần sự chung tay, góp sức của nhân dân. Với sự góp sức công tác dân vận diện mạo NTM mới Thanh Liêm đã có nhiều đổi thay rõ nét Tính hết năm 2017, toàn huyện đã có 13/16 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước được hoàn thiện và đồng bộ; nhân dân đã đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, hoa màu, đầu tư nâng cấp, làm mới 503 km đường các loại, 170 km đường trục chính nội đồng; nâng cấp, xây mới 15 chợ nông thôn. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính. Công trình xử lý nước thải dân cư, rãnh thoát nước thải được xây mới, nâng cấp… Để có được những kết quả đáng ghi nhận đó có một phần đóng góp không nhỏ của công tác dân vận. Bà Lại Thị Ngọc Trâm, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Liêm cho biết: Khối dân vận huyện Thanh Liêm đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tích cực vận động hội viên, đoàn viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Nhiều cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia: Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư” của hội cựu chiến binh, phong trào “Xây dựng đường hoa nông thôn mới” của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện… Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Thanh Liêm đã công khai tất cả các nội dung liên quan đến xây dựng NTM, từ các khâu xây dựng đề án, kế hoạch, quy hoạch, nguồn vốn… để người dân được biết và tham gia đóng góp, giám sát tiến độ thi công... Nhờ đó, nhận thức của người dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt. Một điểm đáng ghi nhận ở Thanh Liêm đó là vai trò tiền phong, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên ở cộng đồng dân cư được thể hiện rõ nét. Từ những cán bộ, đảng viên noi gương đã góp phần giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Song song với đó, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên đổi mới, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, đoàn kết, vận dụng linh hoạt và có nhiều sáng tạo trong cách làm nên đã khéo léo vận động nhân dân đồng thuận, chung sức đóng góp vật chất, hiến đất làm đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng. Điểm nổi bật trong công tác dân vận xây dựng NTM ở Thanh Liêm là khối dân vận xã, thị trấn và nhất là các tổ dân vận ở thôn, xóm đã bám sát cơ sở và từng hộ, tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ, tự nguyện tham gia vào các mục tiêu, giải pháp thực hiện xây dựng NTM của xã, hướng dẫn cụ thể từng tiêu chí để thực hiện. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM được huyện gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ đảng viên và nhân dân. “Giai đoạn 2015 - 2018, toàn huyện đã có 735 tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tham gia xây dựng NTM trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị gắn với xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh và có 447 mô hình đem lại hiệu quả thiết thực”- bà Trâm cho biết. Có thể thấy, từ sự chủ động và xác định tầm quan trọng của dân vận khéo gắn với xây dựng NTM, thông qua từng phong trào cụ thể, các cấp Hội, đoàn thể đã tác động trực tiếp đến đoàn viên, hội viên và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, của địa phương. Qua đó góp phần tạo sự đột phá rõ nét trong thay đổi diện mạo NTM của huyện Thanh Liêm. Bảo Linh    

Lạng Sơn: Bức tranh nông thôn mới nhiều khởi sắc

TĐKT - Bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ xuất phát điểm thấp, song với sự vào cuộc, chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị và cả xã hội, Lạng Sơn đã thu được những thành tựu ấn tượng. Diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn bê tông hóa đường giao thông tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan Những năm qua, thi đua xây dựng NTM tại các huyện, xã của tỉnh Lạng Sơn đã trở thành phong trào rộng khắp. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, qua đó tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất được chú trọng, cơ bản hạn chế được tình trạng phân bổ dàn trải, cào bằng; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình cây, con chủ lực, thế mạnh của địa phương. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà trên thị trường được quan tâm đẩy mạnh gắn với thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, tập trung ưu tiên các công trình phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, các xã điểm đặc biệt khó khăn và các xã dưới 5 tiêu chí. Lĩnh vực văn hóa, môi trường có những bứt phá thông qua việc chỉ đạo hình thành các khu dân cư kiểu mẫu với nét nổi bật về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị, an ninh trật tự và quốc phòng ở khu vực nông thôn được giữ vững. Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 36 xã/207 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, TP Lạng Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 8,65 tiêu chí/xã. Số xã đạt tiêu chí giao thông tăng từ 5/207 xã lên 46/207 xã; số xã đạt tiêu chí thủy lợi tăng từ 22/207 xã lên 129/207. Số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn tăng từ 40/207 xã lên 107/207 xã. Số xã đạt tiêu chí trường học tăng từ 10/207 xã lên 38/207 xã. Số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa từ 6/207 xã lên 38/207 xã. Số xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tăng từ 46/207 lên 167/207 xã. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn tăng từ 11,57 triệu đồng/người/năm lên 17,33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 25,91% xuống còn 19,07 %. Giai đoạn 2016 - 2020, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh lựa chọn 5 xã đặc biệt khó khăn để chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM; mỗi huyện trên địa bàn tỉnh lựa chọn từ 1- 2 xã đặc biệt khó khăn để chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Kết quả thực hiện Chương trình NTM đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 6 xã/133 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí của các xã đặc biệt khó khăn là 6,63 tiêu chí /xã, còn 10 xã dưới 5 tiêu chí. Qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình NTM tại các xã đặc biệt khó khăn. Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM đã mang đến những khởi sắc toàn diện cho bức tranh phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn. Tiếp tục Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 77/207 xã đạt chuẩn (trong đó có 5 xã điểm đặc biệt khó khăn), chiếm 37,2% tổng số xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,8 tiêu chí/xã; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí với những xã đạt đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM xây dựng thành công từ 1 - 2 mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, toàn tỉnh có 2 xã xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu mỗi huyện có từ 2 - 3 mô hình phát triển sản xuất thế mạnh để chỉ đạo xây dựng mô hình kiểu mẫu về phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 28 - 30 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần năm 2015...   Tin chắc rằng với sự chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Lạng Sơn sẽ sớm đạt được mục tiêu đã đề ra, đưa Chương trình phát triển lên một tầm cao mới. Minh Phương

Đại Từ (Thái Nguyên): Phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) trước năm 2020, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đang tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt phát huy nội lực từng bước tiến tới mục tiêu đạt chuẩn NTM. Ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, Đại Từ đã xác định vai trò chủ thể, quyết định của người dân trong thực hiện phong trào này. Bởi vậy, huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào. Huyện đã chỉ đạo các xã trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, mỗi xóm, bản đều thành lập ban vận động, trong đó các thành viên là những người cao tuổi, người có uy tín, cùng với chính quyền xã tuyên truyền, vận động đến từng hộ, từng người dân. Đặc biệt khi có việc cần huy động người dân đóng góp, tham gia, lãnh đạo xã cùng với các thành viên ban vận động tổ chức họp dân bàn bạc, có sự đồng thuận cao thì triển khai thực hiện. Vì thế mỗi người dân đều cảm thấy mình là chủ thể trong thực hiện xây dựng NTM. Hình ảnh những con đường bê-tông với hoa ven đường trở nên quen thuộc người dân huyện Đại Từ Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, với chủ  trương đúng đắn, người dân Đại Từ ai ai cũng tích cực hưởng ứng phong trào. Nhờ vậy bộ mặt nông thôn Đại Từ đổi mới từng ngày. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Đại Từ đã xây dựng, cải tạo và nâng cấp được trên 800 km đường giao thông các loại và kênh mương nội đồng; trên 100 công trình thủy lợi, xây dựng nhiều nhà văn hóa... Đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm huyện đều làm được từ 160 km đường bê tông trở lên. Trong năm 2017, huyện đã xây dựng trên 87 km đường bê tông nông thôn, trong đó kinh phí đối ứng của nhân dân gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trên 1.500 hộ hiến đất được trên 91.000 m2. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn lực dành cho xây dựng NTM của huyện đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 45 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 29 tỷ đồng; vốn lồng ghép hơn 113 tỷ đồng; vốn huy động các doanh nghiệp 2 tỷ đồng và đóng góp của cộng đồng dân cư trên 12,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã thực hiện 36 công trình giao thông, 32 công trình thủy lợi, 6 công trình thể thao cấp xã, 25 công trình nhà văn hóa xóm. Ngoài ra, huyện còn sửa chữa, nâng cấp trạm y tế, trường học, chợ nông thôn, xây dựng điểm tập kết xe chở rác... Người dân xã Phúc Linh tích cực đóng góp sức người, sức của xây đường bê- tông Tiêu biểu trong việc phát huy sức dân trong xây dựng NTM là xã Phúc Linh. Mặc dù triển khai phong trào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp nhưng với nỗ lực của người dân và chính quyền nơi đây, xã đã cán đích NTM. Để có được thành công đó, Phúc Linh đã tập trung vào công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện tốt công tác công khai, dân chủ, bàn bạc trong nhân dân thông qua các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xóm. Bởi vậy, người dân hưởng ứng nhiệt tình thông qua việc hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kênh mương, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… Với tổng kinh phí dành cho xây dựng NTM của xã là gần 39 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 1,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 8,8 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 18 tỷ đồng, ngân sách xã 500 triệu đồng, phần còn lại do các doanh nghiệp, bà con nhân dân đóng góp. Từ đó, xã đã xây dựng trên 24 km đường bê tông, trên 16 km kênh mương, xây mới 10 nhà văn hóa… Năm 2018, toàn huyện có 5 xã đăng ký về đích nông thôn mới: Khôi Kỳ, Phú Xuyên, Phú Lạc, Tân Linh và Bình Thuận. Đến nay, 5 xã này đã thực hiện rà soát toàn bộ kết quả thực hiện, nhằm xác định các tiêu chí còn thiếu, từ đó tập trung sức mạnh để hoàn thành. Tin rằng, với nỗ lực của cán bộ và người dân nơi đây, Đại Từ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM Bảo Linh

Phúc Thuận chuyển mình nhờ nông thôn mới

TĐKT - Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã vùng sâu Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) như khoác trên mình tấm áo mới.  Không còn những con đường cấp phối gồ ghề như xưa, thay vào đó là những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì. Những vườn cây trái xum xuê đua nhau cho quả ngọt.  Người dân trong xã đã biết khai thác tiềm năng về đất đai để trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả... phát triển kinh tế gia đình. Mô hình trồng thanh long cho thu nhập cao tại Phúc Thuận Trước đây, nhắc đến Phúc Thuận, ai cũng nghĩ tới một xã vùng sâu, vùng xa của thị xã Phổ Yên với điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng còn khó khăn. Được sự quan tâm của thị xã, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến cuối năm 2017, Phúc Thuận đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đến nay, 100% các đường liên xã, trục xã, trục xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa; trên 80% kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,9%; 28/28 xóm có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập thể của người dân; 7/7 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững… Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận tự hào nói: Đến Phúc Thuận giờ khó nhìn thấy một vuông đất trống. Người dân trong xã đã biết khai thác tiềm năng về đất đai để trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả... phát triển kinh tế gia đình. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân; cung ứng giống, phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân; thường xuyên quản lý, kiểm tra và tu sửa các công trình hồ đập, phát huy tốt hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống của người dân Phúc Thuận từng bước được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, toàn xã chỉ còn 270/3.553 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm 7,6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 32,14 triệu đồng/người/năm. Năm nay, sản lượng nhãn của Phúc Thuận ước đạt khoảng 600 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm trước Khi gánh nặng về nỗi lo cơm, áo đã phần nào vơi nhẹ, bà con dần nâng cao ý thức đóng góp công sức, tiền của cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Trong tổng nguồn vốn hơn 151 tỷ đồng huy động thực hiện Chương trình, người dân đã đóng góp trên 18 tỷ đồng, chiếm 11,9%; ngân sách trung ương, tỉnh là 40,8 tỷ đồng, ngân sách thị xã 42,8 tỷ đồng... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân đồng tình ủng hộ, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Các chính sách xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở Phúc Thuận, ông Nguyễn Đức Tấn, Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, phục vụ cho chính đời sống nông thôn mình nên Chương trình đã được các cấp đồng tình ủng hộ. Ở Phúc Thuận có nhiều xóm là đồng bào dân tộc sinh sống. Họ sống quây quần nên đường đi lối lại ở đây rất chật hẹp. Lúc mới tuyên truyền về xây dựng NTM, bà con cũng chưa đồng tình ủng hộ. Nhờ sự chỉ đạo sát, với hướng chỉ đạo trọng tâm, dùng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người già làng trưởng bản nói cho dân nghe… sau một thời gian bà con đã rất ủng hộ. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, phá tường rào, chặt phá bụi tre có tuổi đời vài chục năm hay những cây lâu năm để mở đường thẳng cho làng xóm. Phương Thanh  

Trang