Ấm no từ những mùa rau sạch
11/02/2020 - 10:59

TĐKT - Bước chân tới thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, không thể không ấn tượng với màu xanh mơn mởn hút tầm mắt của những cánh đồng rau hữu cơ đang vào mùa thu hoạch. Đó là sản phẩm tâm huyết của những người phụ nữ Churu cần cù, chịu khó thuộc Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Gõh.  

 

Vườn rau được canh tác bằng phương thức không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Trước đây, người dân tộc Churu làm nông tại Ma Đanh cũng chạy theo xu hướng thị trường, đầu tư quá nhiều cho giống mới, thuốc diệt cỏ, phân thuốc hóa học và những loại hóa chất nhằm tăng năng suất cây trồng, nên sản phẩm của họ khi làm ra được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Có những mùa, các chị phải bỏ không cả vụ rau màu vì không đủ tiền trả công thu hoạch.

Việc sử dụng phân thuốc hóa học, đặc biệt là thuốc diệt cỏ một cách tràn lan và không hợp lý cũng dẫn đến việc đất đai canh tác ngày càng chai cứng, đòi phân ngày càng nhiều hơn; nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường thay đổi theo hướng đi xuống. Sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng cũng bị đe dọa nghiêm trọng do việc tiếp xúc và ăn những nông sản bị nhiễm độc chất hóa học.

Các chị kể lại: “Khi ấy, quỹ thời gian dành cho việc qua chơi, thăm hỏi, giúp đỡ hàng xóm láng giềng và làm những công việc khác cũng bị thu hẹp vì chúng tôi còn đang phải chạy theo công việc để trả nợ cho những đại lý phân thuốc, những con buôn đầu tư. Chúng tôi bị vướng vào cái guồng quay “làm - đầu tư - nợ” và luôn lo lắng làm sao để thoát ra khỏi cái guồng quay đó. Người nông dân nghèo càng nghèo hơn, nợ càng nợ hơn.”

Cuối cùng, các hộ gia đình đã cùng ngồi lại, phân tích thực trạng canh tác nông nghiệp của mình và đi đến một quyết định táo bạo là sẽ canh tác hữu cơ.

Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Gõh ra đời từ đó, dưới sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt với mục tiêu hướng tới sức khỏe cộng đồng. Sau 3 năm hoạt động, tới nay, tổ đã có 14 thành viên, đều là chị em người dân tộc Churu, đang canh tác với diện tích hơn 11.000 m2.

 

Sản phẩm làm ra được các chị cung cấp cho chính gia đình mình, chia sẻ cho hàng xóm, gửi đến tận tay người tiêu dùng.

Các chị giải thích rằng trong tiếng Churu, Iem Gõh có nghĩa là rau sạch. Đúng như tên gọi, các sản phẩm của tổ hợp tác cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích...

Với phương thức canh tác không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (giống, phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp, chế phẩm tự chế…), tổ hợp tác hướng đến sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc đảm bảo sức khỏe cho con người, cho đất, cho hệ sinh thái.

Chị Ma Đậm - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Bước đầu khi chuyển từ hóa học sang hữu cơ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn: Sâu hại, đất không đủ dinh dưỡng, thời tiết, đầu ra… Nhưng cùng với những câu chuyện canh tác truyền thống của ông bà để lại, những kinh nghiệm làm nông, những chuyến học hỏi và đúc kết kinh nghiệm qua từng ngày, chúng tôi dần làm quen với việc canh tác hữu cơ.”

Với những người nông dân nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức, kinh tế, tổ hợp tác hoạt động dựa trên việc xây dựng cơ cấu nhóm và phân nhiệm cụ thể. Nhóm chính là nơi nâng đỡ, hỗ trợ, tạo động lực và cảm hứng cho các thành viên trong suốt tiến trình canh tác hữu cơ cũng như từng ngày hoàn thiện hơn trong các khâu, đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

Tổ hợp tác hoạt động theo quy trình bài bản: Tự thu hái, đóng gói, vào sổ số lượng, tham gia kiểm tra chéo để đánh giá và kiểm soát chất lượng rau của từng thành viên... Tất cả các mặt hàng sẽ được hái vào thứ hai và thứ năm hằng tuần. Đồng thời, mỗi gia đình phải thông báo mặt hàng sẽ thu hoạch trong tuần kế tiếp với số lượng ước tính, từ đó tổ trưởng tổ hợp tác sẽ thông báo đến đơn vị thu mua.

Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Caritas Đà Lạt, tổ hợp tác tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, giá của sản phẩm được tính dựa trên chi phí về giống, đầu tư, công lao động... Nghĩa là giá này sẽ do chính các hộ đưa ra mà không bị phụ thuộc vào biến động thị trường. Điều này cũng nằm trong thỏa thuận với đơn vị tiêu thụ nên hầu hết các thành viên đều rất thoải mái, không bị áp lực.

Học nhau, các hộ thành viên tham gia tổ hợp tác tăng dần theo thời gian. Con cái còn nhỏ nên chị Ma Đông cũng chỉ tranh thủ cùng chị em trồng thêm rau trong mảnh vườn nhỏ sau nhà. Chị nói rằng bây giờ có đưa con ra vườn thì chị cũng yên tâm hơn vì không lo bé bị ảnh hưởng bởi mùi của các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mùa nào thức nấy, các chị không bao giờ phải lo thiếu rau xanh sử dụng trong gia đình, đặc biệt là còn có thể trao đổi các loại rau với nhau.

Từ ngày trồng rau hữu cơ, chị đã biết cách phân biệt đâu là rau an toàn. Chị chia sẻ: “Trước đây cứ phải loại nào thật to, thật đẹp mình mới mua nhưng giờ mình đã biết rồi. Sử dụng những loại rau được trồng hữu cơ thì lúc nào cũng có vị ngọt tự nhiên, quan trọng nhất là an toàn cho sức khỏe của gia đình, con cái”. Nhờ trồng rau hữu cơ, chị thu nhập đều đặn từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi tháng.

 

Thu hái được những gùi rau sạch không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào của phụ nữ thôn Ma Đanh

Với thu nhập 10 triệu đồng/tháng từ rau hữu cơ, gia đình chị Ma Đờng được xem là hộ có thu nhập cao nhất trong tổ hợp tác. Chị bảo: “Làm rau hữu cơ an toàn mà không phải lo lắng về giá cả nữa. Trước đây, mình bị tụt huyết áp riết, giờ không bị nữa vì không phải tiếp xúc với phân thuốc. Ngày xưa mình không dám hái rau trong vườn ăn, nhưng giờ có thể hái rau ăn thoải mái rồi.”

Những sản phẩm do các thành viên tổ hợp tác Iem Gõh làm ra được cung cấp cho chính gia đình họ, được chia sẻ cho hàng xóm, được gửi đến tận tay người tiêu dùng. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào của những người dân tộc Churu đã chăm sóc vườn rau bằng cả tấm lòng, đem tới những sản phẩm được nuôi dưỡng từ tình yêu môi trường, yêu thiên nhiên, yêu đất mẹ, được kết tinh từ những tinh hoa của đất trời.

Nguyệt Hà