Nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020
11/02/2020 - 10:56

TĐKT - Đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Trưng bày sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 10/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020.

Sau hơn 1,5 năm triển khai, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng, đang tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế nông thôn, được hệ thống chính trị các cấp và xã hội đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.

Đến tháng 1/2020, cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Có 24 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 1.129 sản phẩm của 753 chủ thể kinh tế. Trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 336 sản phẩm đạt 4 sao và 777 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ Tiêu chí OCOP Quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức cần được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Nhìn chung, hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ và thống nhất đơn vị đầu mối, tham mưu. Nhiều cán bộ có nhận thức chưa rõ về bản chất và nguyên tắc của Chương trình OCOP. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch nhưng chưa triển khai hoạt động cụ thể, chưa bám sát đúng chu trình OCOP đã được quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg. Do vậy, tiến độ và chất lượng triển khai Chương trình của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều địa phương chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của một số chủ thể đơn lẻ, có tính cộng đồng chưa cao để đưa tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm; chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng. Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế.

Công tác xúc tiến thương mại tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá trong và ngoài tỉnh song còn chưa tập trung, khâu tổ chức còn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP. Tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác gây nên sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng của Chương trình OCOP, đạt được các mục tiêu và kết quả đề ra, đồng thời chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Bộ NN&PTNT đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo một số nhiệm vụ:

Chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, tuân thủ đúng Chu trình OCOP, tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả công tác triển khai Chương trình OCOP của địa phương trong thời gian vừa qua, ban hành kế hoạch thực hiện năm 2020 đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, gây tốn kém về thời gian và kinh phí thực hiện. Đối với 2 tỉnh còn chưa phê duyệt Đề án, Kế hoạch, cần chuẩn bị kỹ nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, sớm hoàn thiện, ban hành chậm nhất trong Quý I/2020.

Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện hiểu rõ bản chất của Chương trình. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi, chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP.

Chỉ đạo cơ quan chuyên trách Chương trình xây dựng nông thôn mới phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tập huấn, hỗ trợ triển khai trong các địa phương, nhất là cấp xã, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP; đồng thời có kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương. Rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng, không chạy theo thành tích.

Xây dựng kế hoạch cả năm của địa phương về xúc tiến thương mại cho Chương trình OCOP, thông báo cho cơ quan thường trực Chương trình và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để tổng hợp, lên phương án điều phối, phối hợp quảng bá.

Chỉ đạo cơ quan thường trực Chương trình OCOP của tỉnh khẩn trương thực hiện báo cáo, cung cấp dữ liệu điều tra, thống kê theo yêu cầu.

Phương Thanh