TĐKT – Ngày 26/4, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.
Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định, ghi nhận và tôn vinh những công lao to lớn và phẩm chất cao đẹp của người anh hùng cách mạng Đào Phúc Lộc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ về thân thế, sự nghiệp cũng như những công lao to lớn của Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo. Đây là một nhân vật đặc biệt và một nhân cách đặc biệt.
Hội thảo khoa học “Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.
Ông là tác giả của “Con đường sáng” – một trong những đường dây liên lạc hải ngoại đầu tiên của Cách mạng Việt Nam (1940 – 1945). Mục đích của “Con đường sáng” là để đưa đón và kết nối các chiến sĩ Cách mạng trong nước (trong đó, có những nhân vật nổi tiếng như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái và nhiều người khác) với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong suốt những năm 1940 – 1945.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu không có “Con đường sáng” Móng Cái – Bách Sắc, rất có thể lịch sử Cách mạng Việt Nam năm 1945 và bây giờ sẽ khác. Bởi vậy, sự kiện này đang được các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế hiện nay, phía Trung Quốc kỳ vọng việc xây dựng đường cao tốc từ Bách Sắc được kết nối với tất cả các tỉnh phía Tây Nam của nước này để qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn, Quảng Ninh và ra biển. Dự kiến, sẽ có một hội thảo khoa học chuyên đề này vào đầu năm 2019…
Liệt sĩ Đào Phúc Lộc từng là người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng và người có công sắp xếp lại tổ chức trong ngành tình báo Việt Nam, thống nhất từ Trung ương Bộ Tổng Tham mưu đến các địa phương.
Đào Phúc Lộc là người đưa phong trào cách mạng của Hải Ninh (Quảng Ninh ngày nay) từ không đến có, giáo dục, bồi dưỡng đào tạo nhiều hạt giống tốt, nhiều người đã trưởng thành, là cán bộ của quân đội, của ngành tình báo trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng của dân tộc.
Ông đồng thời là “Chủ nhiệm Hợp tác xã C1000” người tổ chức và lãnh đạo bí mật, quyết định sự thành công của “Phong trào Đồng khởi” tại miền Nam (1959 – 1960). Ông cũng là người duy nhất trong số các Anh hùng, liệt sĩ được tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.
Thục Anh
Văn hóa - Thể thao
TĐKT – Ngày 26/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ) giới thiệu tới công chúng Việt Nam triển lãm “Xì Trum”.
Đây là hoạt động nhân “Năm Di sản của Liên minh châu Âu” và kỷ niệm 60 năm các chú Xì Trum ra đời.
Nghệ thuật truyện tranh là một điểm sáng trong di sản văn hóa của Bỉ. Trong suốt tháng 5, Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ) sẽ giới thiệu tới công chúng Việt Nam cuộc triển lãm thú vị “Xì Trum”, các chú tiêu tinh do họa sĩ nổi tiếng người Bỉ nói tiếng Pháp Peyo sáng tạo.
Sê-ri truyện tranh của họa sĩ Peyo ra mắt lần đầu tiên vào năm 1958, kể câu chuyện hư cấu về một chủng tộc gồm các sinh vật nhỏ màu xanh. Đến thời điểm hiện tại, 34 tập truyện tranh Xì Trum đã được phát hành và các sinh vật nhỏ màu xanh dễ thương đã có mặt tại 90 nước, với số lượng ấn phẩm lên tới hơn 35 triệu cuốn sách.
Xì Trum, kho báu trong di sản văn hóa của Wallonie - Bruxelles, được tôn vinh tại một di sản đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long, đó thực sự là một cơ hội tuyệt vời để thưởng lãm. Triển lãm sẽ kéo dài từ 26/4 – 4/6 tại Hoàng Thành Thăng Long.
Thục Anh
Trưng bày gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật “Thư, nhật ký thời chiến”
TĐKT – Sáng 26/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến”. Gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về thư, nhật ký tiêu biểu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã được giới thiệu trong triển lãm. Một số hiện vật trưng bày tại Triển lãm Triển lãm chia làm 3 phần: Phần mở đầu giới thiệu một số thư, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã viết để cổ vũ động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ Quân đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong hai cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Phần 1 chủ đề “Thư thời chiến” trưng bày một số tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Thư thời chiến được cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ở ngoài mặt trận gửi về hậu phương và của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lá thư thời chiến có bối cảnh, thời điểm, tâm thế, trạng thái riêng, nhưng dường như đều là những tâm tư, tình cảm, thể hiện quan điểm, nhận thức, ý chí về cuộc chiến tranh, tinh thần vượt qua gian khổ hy sinh, quyết tâm và quyết thắng với khát vọng hòa bình. Tất cả đều mong đợi ngày đoàn tụ khi non sông thống nhất, nước nhà độc lập. Phần 2 của triển lãm với nội dung “Nhật ký thời chiến”, trưng bày một số hình ảnh, hiện vật là những cuốn nhật ký được viết tại chiến trường, đó là những ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu, ý chí quyết tâm của người chiến sĩ trước khi vào cuộc chiến. Những trang nhật ký chiến trường đã phản ánh nội tâm sâu thẳm, những suy nghĩ giản dị, nhớ nhung, những tâm sự, khát khao, thương nhớ người thân, những phút giây được gặp vợ, gặp con rồi lại chia tay đi chiến đấu. Những nỗi nhớ nhung đó phần nào cũng được khỏa lấp bằng tình đồng chí, đồng đội. Tiêu biểu trong triển lãm còn có sách nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được sĩ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic Whitehurst lưu giữ 35 năm đã trao trả cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vào tháng 4/2005. Triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” là sự tri ân và tôn vinh những chiến công, sự hy sinh dũng cảm của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giúp công chúng hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ. Đặc biệt, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 15/5. Nguyệt HàTĐKT – Ngày 23/4, tại trụ sở Công ty Đầu tư và Du lịch Ánh Phương, UBND huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018.
Nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá, phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch của huyện Hoằng Hóa, ngày 28/4 tới, Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018 sẽ chính thức khai mạc với chủ đề “Hải Tiến tình biển, tình người”.
Chương trình sẽ được tổ chức với kịch bản đặc sắc, mang đậm màu sắc truyền thống dân tộc và hiện đại, là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến với khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến và huyện Hoằng Hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng bền vững.
Họp báo thông tin về Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018.
Được biết, Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018 sẽ có nhiều nét mới, ý nghĩa: Đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tuyến du lịch đường thủy kết nối Khu du lịch Hải Tiến với các điểm tham quan như Đền thờ Long Vương - Đảo Nẹ, Bia chiến thắng trận đầu của Hải quân và nhân dân Việt Nam tại núi Bòn Bò; đưa vào hoạt động Trung tâm hội nghị với sức chứa hơn 1.000 người và bể bơi tạo sóng ngoài trời rộng gần 1.000 m2; tổ chức giải bóng chuyền mùa xuân Cup Delata; tổ chức hội chợ ẩm thực và trưng bày sản phẩm; giải Tennis Hải Tiến năm 2018 và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian khác…
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Hóa khẳng định: Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến mới đi vào hoạt động được vài năm nay nhưng đã góp phần làm diện mạo vùng ven biển huyện Hoằng Hóa ngày càng khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hóa.
Biển Hải Tiến dù mới được khai thác nhưng đã thu hút được lượng khách du lịch khá đông, năm 2012 số lượt khách du lịch đến nghỉ dưỡng mới đạt ngưỡng 50 nghìn lượt người thì đến năm 2017 đã đón được 1.200 lượt khách. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60%, các ngày lễ, thứ 7, chủ nhật tháng 6, 7, 8 đạt 100%, có nhiều ngày cao điểm không đủ phòng để phục vụ khách du lịch. Doanh thu đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc khách sạn Ánh Phương, Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) cho biết: Để chuẩn bị cho mùa du lịch 2018, khách sạn Ánh Phương đã tăng số phòng nghỉ lên tới 500 phòng tiêu chuẩn 3 sao, 3 khách sạn 5 - 7 tầng hướng biển và khu biệt thự riêng biệt, có phòng hội thảo sức chứa 400 người và mỗi nhà hàng phục vụ được 500 khách cùng lúc. Toàn bộ khu du lịch đã hoàn thành 47 khách sạn với tổng số 4.300 phòng để phục vụ cho mùa du lịch 2018.
Hưng Vũ
TĐKT – Ngày 23/4, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội phun xăm thẩm mỹ quốc tế 2018. Cuộc thi do các nhà tổ chức thẩm mỹ viện phía Việt Nam phối hợp với Viện Thẩm mỹ Hàn Quốc tổ chức, có sự tham gia của hơn 100 thí sinh trên toàn quốc.
Đây là cuộc thi quy mô toàn quốc diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành phun xăm thẩm mỹ Việt Nam - Hàn Quốc.
Thí sinh tham gia cuộc thi
Thí sinh đạt giải nhất của cuộc thi được nhận quà tặng của chương trình, 1 suất học bổng tại Học viện Thẩm mỹ nổi tiếng Hàn Quốc. Thí sinh đạt giải đặc biệt được nhận quà tặng chương trình và 1 suất phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 2 tỷ đồng do chính Viện trưởng Viện Thẩm mỹ Hàn Quốc thăm khám và thực hiện. Ngoài ra, các thí sinh tham gia Đại hội còn được nhận chứng chỉ và các giải thưởng giá trị khác.
Có thể nói, trào lưu phun xăm mày, mắt, môi, xăm hình nghệ thuật… đang trở nên phổ biến trong giới làm đẹp hiện nay. Phun xăm thẩm mỹ trở thành hình thức làm đẹp lâu dài, giúp chị em phụ nữ xinh đẹp mọi lúc, mọi nơi mà không phải mất nhiều thời gian trong việc trang điểm.
Tại Việt Nam, với con số hơn 2.000 spa, thẩm mỹ viện hàng năm được mở ra, ngành này đang cần khoảng 10.000 chuyên gia ngành phun xăm thẩm mỹ có tay nghề cao. Đây là cơ hội nghề nghiệp mới và rất hấp dẫn dành cho các bạn trẻ biết nắm bắt được làm việc tại các spa thẩm mỹ uy tín trong cả nước hoặc có thể tự mở cơ sở xăm hình nghệ thuật tại nhà.
Bà Trần Thanh Thúy, Trưởng Ban tổ chức Đại hội Phun xăm thẩm mỹ 2018 cho biết: Với chi phí đầu tư ít, ngành phun xăm được đánh giá là nghề “hốt bạc” hiện nay. Thu nhập bình quân của một nghệ nhân ngành phun xăm khoảng 10- 20 triệu đồng/tháng. Thậm chí, với những nghệ nhân phun xăm có gu thẩm mỹ tinh tế, sắc sảo, vững chuyên môn thì con số này lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng.
Minh Phương
Giao lưu với tác giả - họa sĩ tranh truyện Nhật Bản Gomi Taro
TĐKT – Chiều 21/4, tại Hà Nội, More Production Việt Nam - đơn vị thực hiện các hoạt động xã hội hướng tới việc phổ cập văn hóa đọc và đào tạo tác giả tranh truyện người Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu với tác giả - họa sĩ tranh truyện Nhật Bản Gomi Taro. Đây là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Mọt sách Mogu”, được sáng lập bởi More Production Việt Nam. Dự án đã dịch và phát hành một số tranh truyện Nhật Bản, xây dựng và duy trì hoạt động Đọc tranh truyện Nhật Bản cho bé miễn phí từ năm 2014. Bên cạnh đó, dự án mong muốn góp phần ủng hộ, khuyến khích và đào tạo các tác giả, họa sĩ Việt Nam sáng tác các tác phẩm chất lượng dành cho thiếu nhi Việt Nam. Qua đó, dự án hy vọng sẽ góp phần rèn luyện thói quen đọc cho trẻ ngay từ nhỏ, thúc đẩy văn hóa đọc cho giới trẻ Việt Nam trong tương lai. Truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới, được rất nhiều người Việt Nam yêu thích từ trẻ nhỏ đến người lớn Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm Quan hệ Ngoại giao Việt – Nhật, do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bảo trợ và được tài trợ bởi Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy. Ngoài ra, chương trình nhận được sự đồng hành của Nhà xuất bản Kim Đồng và sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt, buổi giao lưu có sự tham gia của khách mời – nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng nhiều tác giả, họa sĩ Việt Nam. Tác giả - Họa sĩ tranh truyện Gomi Taro sinh năm 1945 tại Tokyo. Năm 1973, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp sáng tác, trong đó tập trung sáng tác tranh truyện. Tính đến năm 2018, ông đã sáng tác khoảng hơn 400 tác phẩm. Tranh truyện của ông được dịch và xuất bản ở 30 quốc gia trên thế giới. Gomi Taro hiện là tác giả - họa sĩ tranh truyện nổi tiếng nhất Nhật Bản. Tại buổi giao lưu, khán giả đã được lắng nghe những chia sẻ từ tác giả - họa sĩ Gomi Taro về những vấn đề liên quan đến tranh truyện. Sau đó, chính khán giả đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi trao đổi với tác giả Gomi Taro về những băn khoăn trong đọc tranh truyện cũng như nhiều thắc mắc liên quan. Chương trình cũng giới thiệu đến toàn thể khách mời hai hoạt động thú vị. Đó là Cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại JXTG-MOGU “Đóa hoa đồng thoại” và Dự án sáng tác tranh truyện MOGU x EHON (dự kiến sẽ diễn ra từ 21/4 đến 30/6/2018). Đây là hai sân chơi sáng tác văn học, nghệ thuật dành cho nhiều đối tượng tham gia với sự tài trợ của Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy. Đặc biệt, khách tham dự chương trình giao lưu được tặng một quyển tranh truyện “Dowa no Hanataba” bản dịch tiếng Việt do More Production Việt Nam phát hành. Đây là cuốn tranh truyện tập hợp những tác phẩm xuất sắc nhất từ “Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại JXTG” được tổ chức thường niên tại Nhật Bản từ năm 1970. Năm 2017 là năm thứ 48 giải thưởng được tổ chức. Mai ThảoRa mắt cuốn sách những chuyện chưa kể về các báo cáo tình báo vắn tắt gửi đến các Tổng thống Mỹ
TĐKT - Ngày 21/4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật đã tổ chức Tọa đàm ra mắt cuốn sách "Báo cáo mật của Tổng thống - Chuyện chưa kể về các báo cáo tình báo vắn tắt gửi đến các Tổng thống Mỹ" của tác giả David Priess, do dịch giả Nguyễn Mạnh Chương dịch và biên soạn. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Nhà xuất bản hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4. Báo cáo mật của Tổng thống - Chuyện chưa kể về các báo cáo tình báo vắn tắt gửi đến các Tổng thống Mỹ" được đánh giá là sách chân thực nhất đề cập đến công việc xử lý các Bản tin vắn tình báo hằng ngày của Tổng thống, một tài liệu phân tích tổng hợp thuộc dạng tối mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Bản tin chứa đựng những báo cáo và phân tích tình báo nhạy cảm nhất trên thế giới, được trình lên các Tổng thống Mỹ và các cố vấn an ninh thân cận nhất của họ mỗi ngày. Bản tin bao trùm nhiều phạm trù, từ kinh tế tới an ninh, chính trị và các mối đe dọa an ninh mà nước Mỹ phải đối mặt. Dịch giả Nguyễn Mạnh Chương cho biết, phần lớn tài liệu trong cuốn sách được thu thập từ những cuộc phỏng vấn với rất nhiều các nhà hoạch định chính sách và quan chức cấp cao của Mỹ. Cụ thể, để hoàn thiện cuốn sách, tác giả Priess đã phỏng vấn hơn 100 người có liên quan, bao gồm cả các Tổng thống Mỹ như Jimmy Carter, Clinton, Bush "cha" và Bush "con". Một điều đặc biệt thú vị là Tổng thống George H.W. Bush (cha) là người duy nhất đã từng đảm nhiệm chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương, trước khi làm Phó Tổng thống và Tổng thống Mỹ nên ông đã có nhiều đóng góp cho cuốn sách. Tọa đàm ra mắt cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc Ngoài ra, tác giả đã tham khảo rất nhiều tài liệu tại các thư viện của Tổng thống và từ các cơ quan trong Cục Tình báo Trung ương. Điều đó chứng minh rằng tất cả những gì tác giả đề cập trong cuốn sách đều là sự thật, một sự thật sinh động về hàng trăm con người tham gia vào Bản tin vắn tình báo hằng ngày của Tổng thống và những câu chuyện chưa bao giờ được kể trước đây về cách mà các Tổng thống Mỹ sử dụng nó. Có Tổng thống say mê, có Tổng thống thờ ơ với Bản tin vắn, dẫn đến những nhận định và hoạch định chính sách không được như ý, thậm chí còn góp phần gây ra những sai lầm trong chính sách đối ngoại. Qua đó, khẳng định Bản tin vắn có vai trò vô cùng quan trọng đối với những nhà hoạch định chính sách ở Mỹ. Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi của bạn đọc đã dịch giả Nguyễn Mạnh Chương giải đáp như tính chân thực của các tư liệu trong cuốn sách, về thời gian và những khó khăn cũng như tâm đắc nhất của ông trong quá trình dịch và biên soạn cuốn sách “Báo cáo mật của Tổng thống - Chuyện chưa kể về các báo cáo tình báo vắn tắt gửi đến các Tổng thống Mỹ". Đó là những kinh nghiệm được rút ra sau 50 làm công tác dịch thuật, là quan điểm luôn giữ đúng nguyên tắc trung thành với nguyên bản và tôn trọng sự thật, Do đó, cuốn sách đã hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin khách quan, kịp thời và chính xác nhằm giúp cho các tổng thống Mỹ bảo vệ đất nước và quyền lợi của Mỹ ở nước ngoài. Thục AnhKhai mạc triển lãm ảnh về 15 năm triển khai Thương hiệu Quốc gia
TĐKT- Sáng 19/4, tại Trung tâm Thông tin Triển lãm, 45 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm ảnh“Trưng bày giới thiệu các thành tựu và kết quả 15 năm triển khai Thương hiệu Quốc gia”. Các đại biểu cắt bằng khai mạc Triển lãm Triển lãm là nơi giới thiệu đến cộng đồng, các cơ quan thông tấn và truyền thông, các doanh nghiệp và người dân về Chương trình Thương hiệu quốc gia nói chung và sản phẩm nổi trội của các doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Chương trình; góp phần tăng thêm niềm tự hào của người Việt Nam đối với hàng Việt Nam, từ đó có các hoạt động ủng hộ và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phục vụ tốt hơn nữa người tiêu dùng Việt Nam. Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 19/4 – 21/4/2018, là một hoạt động thuộc Chương trình “Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia”. Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 là Chương trình duy nhất của Chính phủ với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ/ngành triển khai. Với mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá cho Chương trình Thương hiệu Quốc gia, khuyến khích động viên các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia” từ ngày 16/4 – 24/4 tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Các hoạt động của Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia tại Hà Nội: Tuyên truyền băng rôn đường phố tại 3 thành phố lớn; Hội thảo Xây dựng Thương hiệu ngành; Triển lãm ảnh thành tựu Thương hiệu Quốc gia; Diễn đàn “Thương hiệu với hội nhập và phát triển xuất khẩu bền vững”; đạp xe diễu hành Thương hiệu Quốc gia và Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu “Hướng tới một nền xuất khẩu nhanh và bền vững”. Phương LinhCông chiếu phim tài liệu "Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia - dân tộc"
TĐKT - Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sẽ công chiếu bộ phim tài liệu "Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia - dân tộc" trên Kênh HTV9 lúc 21h trong các ngày 24, 25 và 26/4/2018, đúng dịp kỷ niệm 43 năm ngày Việt Nam thống nhất. Đây là bộ phim tài liệu lịch sử gồm 3 tập do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Media 21 phối hợp sản xuất. Đại diện 3 đơn vị ký kết hợp tác Chiến tranh Việt Nam theo cách gọi của người Mỹ hay cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ theo cách gọi của người Việt Nam là chủ đề đã được rất nhiều nhà làm phim khai thác trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là phía Mỹ. Tuy nhiên, "Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia - dân tộc" có lẽ là bộ phim tài liệu đầu tiên hướng đến việc làm rõ các quyết sách quan trọng của Việt Nam đối với cuộc chiến đặt trong tổng thể của Chiến tranh lạnh; đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa Việt Nam và hai nước được coi là đồng minh lớn: Liên Xô và Trung Quốc. 3 tập phim với tổng thời lượng 90 phút được đúc rút từ hàng nghìn giờ phỏng vấn các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, các tướng lĩnh Hoa Kỳ, các nhà cách mạng Việt Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến và nhiều học giả hàng đầu nghiên cứu về cuộc chiến đến từ Việt Nam, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Australia; từ hàng chục vạn trang tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các kho lưu trữ của Việt Nam. Bộ phim được đạo diễn bởi: Bùi Chí Trung, Đặng Bảo Trung, Phạm Thành Trung, Vũ Kim Thu và Nghiêm Sỹ Thanh. Do thực hiện phim tài liệu lịch sử nên các nhà làm phim không có ý định gắn lịch sử với hiện tại. Tuy nhiên, hiện tại luôn là sự phản chiếu của lịch sử. Với vị trí nằm trên trục đường hàng hải nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Việt Nam thực sự vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các nước lớn. Bài học lớn nhất được rút ra từ lịch sử là trong quan hệ với các nước, tuyệt đối phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết như một nguyên tắc bất di, bất dịch. Lợi ích quốc gia - dân tộc chính là mục tiêu cơ bản và nhân tố quyết định cuối cùng cho việc hoạch định chính sách để bảo đảm những nhu cầu sống còn nhất của một quốc gia, đó là độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và sự thịnh vượng kinh tế. Nhân dịp ra mắt bộ phim tài liệu này, ngày 18/4, tại Hà Nội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội và Công ty cổ phần truyền thông Media 21 đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm hướng tới việc cùng nhau thực hiện các dự án truyền thông chất lượng cao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phương ThanhKết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017
TĐKT - Sau một năm khai quật, thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, ngày 17/4, tại Hà Nội, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017”. Các nhà khoa học đã giới thiệu những chứng tích quan trọng mới nhất được phát lộ trong năm 2017. Quang cảnh hội thảo khoa học Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000 m2. Sau gần một năm khai quật, thăm dò, nghiên cứu chỉnh lý, các nhà khoa học tổ chức công bố kết quả cũng như nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật. Hố khai quật gồm 16 lớp đào, các lớp dày trung bình 20 cm, diễn biến khá phức tạp và về cơ bản bị phá huỷ do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hoá giai đoạn trước. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hoá dày gần 4,5 m với các lớp văn hoá có niên đại khoảng từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại. Một số kiến trúc có niên đại thuộc các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đã được phát lộ trong cuộc khai quật này: Móng cột, móng nền kiến trúc, sân nền… Trong số này, dấu tích nổi bật tìm thấy là dải bó nền hoa chanh của thời Trần, được cho là lớn nhất từ trước đến nay (hơn 1,1 m2). Về di vật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình khác nhau, gồm đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó có một số lượng lớn là gạch ngói. PGS.TS Tống Trung Tín nhận định, điểm nổi bật nhất của lần khai quật này là các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật bằng gốm, sành, sứ thời Lê sơ. Trong đó, có nhiều di vật làm bằng men xanh, những mảnh ngói có hoạ tiết rồng đậm nét. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều bát hình rồng, phượng điển hình của thế kỷ XVI. Trong các loại vật liệu xây dựng, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí thuộc thời Lê sơ (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “Ngói rồng” lợp cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ. Các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật phát hiện trong cuộc khai quật năm 2017 có nhiều phát hiện rất mới so với những năm trước. Các phát hiện này tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Các chứng tích được tìm thấy làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và góp phần nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên thời Lê. Hồng ThiếtTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 48
- 49
- 50
- 51
- 52
- …
- sau ›
- cuối cùng »