Công bố nhà tài trợ đồng hành cùng đội tuyển Bắn súng Việt Nam
TĐKT - Sáng 2/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam và 3 nhà tài trợ đến từ Hàn Quốc là Tập đoàn Glostar, Công ty Optrontec Vina, Bệnh viện SUN Hàn Quốc tổ chức Lễ công bố tài trợ cho các hoạt động của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam trong năm 2018. Các đơn vị ký kết tài trợ cho đội tuyển Bắn súng Việt Nam Tổng số tiền tài trợ của Tập đoàn Glostar Hàn Quốc và Công ty Optrotec Vina Hàn Quốc dành cho Bắn súng Việt Nam là 100.000 USD/năm, với thời hạn tài trợ cho 2 năm. Bệnh viện SUN Hàn Quốc tài trợ cho các vận động viên Bắn súng quốc gia khám và chữa trị chấn thương. Nguồn kinh phí đến từ các nhà tài trợ sẽ được Liên đoàn Bắn súng Việt Nam dùng để hỗ trợ công tác đào tạo trẻ, với mục tiêu tìm thêm được nhiều Hoàng Xuân Vinh hơn nữa. Ngoài ra, khoản tài trợ này còn được dùng cho các hoạt động khác của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam như tổ chức các giải đấu, hỗ trợ các vận động viên xuất sắc... Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng đánh giá cao sự đóng góp của 3 nhà tài trợ cho Bắn súng Việt Nam và hy vọng sự góp sức của các nhà tài trợ sẽ là động lực để Bắn súng Việt Nam tiếp tục vươn lên đạt được nhiều thành tích hơn nữa mà trước mắt sẽ là ASIAD 18, tổ chức vào tháng 8 tới tại Indonesia. Lãnh đạo Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Với mong muốn tìm thêm được những vận động viên tài năng, sau này có thể kế thừa được lứa Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường cùng với cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm, huy động sự đóng góp của các nhà tài trợ để giúp cho Bắn súng Việt Nam hoàn thành các mục tiêu của mình. Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Glostar Hàn Quốc, Công ty Optrontec Vina Hàn Quốc và Bệnh viện SUN Hàn Quốc, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam hy vọng sẽ được tiếp sức, nhất là trong "chiến dịch tìm vàng" tại Asian Games sắp tới. Để chuẩn bị cho Đại hội lớn này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và các đồng đội sẽ lên đường sang Hàn Quốc tập huấn từ ngày 7/4 đến 20/4. Sau đó, huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thị Nhung, chuyên gia Park Chung Gun và các vận động viên: Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành, Lê Thị Linh Chi, Nguyễn Duy Hoàng, Bùi Thúy Thu Thủy cũng sẽ tham dự các giải đấu lớn như Cup Bắn súng thế giới tại Hàn Quốc từ ngày 20/4 - 30/4. Từ nay đến cuối năm, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng tập trung tổ chức tốt các giải đấu quốc gia nhằm kiểm tra, đánh giá sự phát triển phong trào bắn súng trên cả nước, phát hiện, bổ sung nhân tài cho các đội tuyển quốc gia. Liên đoàn cũng sẽ tích cực phát huy chủ trương xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động chuyên môn. Phương LinhVăn hóa - Thể thao
TĐKT - Nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm mùa hè 2018 thật sự sảng khoái và sôi động, ngay từ cuối năm 2017, Công viên Nước đã nghiên cứu, khảo sát và lên phương án đầu tư lắp đặt thay thế hệ thống “Đường Trượt Đa Làn” mới.
Hiện nay, công nghệ sản xuất hàng đầu về hệ thống đường trượt cho công viên nước phải kể đến công nghệ của Tây Ban Nha. Hầu hết các khu vui chơi giải trí dưới nước ở châu Âu đều tin tưởng và lựa chọn các nhà sản xuất của Tây Ban Nha để mua thiết bị.
Chuyên gia Tây Ban Nha đang tiến hành khảo sát đánh giá toàn bộ hệ thống đường trượt tại Công viên Nước
Quá trình thi công, lắp đặt hệ thống “Đường trượt đa làn” mới
Hệ thống “Đường trượt đa làn” mới tại Công viên Nước với 6 làn trượt có kích thước rộng hơn, độ dốc cao hơn và bề mặt trơn bóng sẽ thực sự đưa đến cho người chơi cảm giác rất thú vị và thích thú.
Sau hơn 5 tháng xây dựng và lắp đặt dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài, luôn đảm bảo tuân thủ theo tiêu chuẩn châu Âu, hệ thống đường trượt này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2018.
Hệ thống “Đường trượt đa làn” đang dần được hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 4/2018, trong dịp mở cửa Công viên Nước Hồ Tây
Theo thông tin từ Ban lãnh đạo Công viên Hồ Tây, năm 2018, Công viên Nước Hồ Tây sẽ mở cửa từ ngày 21/04/2018. Lượng vé phát hành sẽ được hạn chế để đảm bảo cho du khách có thể vui chơi thoải mái, không có tình trạng quá tải.
Thục Anh
Khai mạc Triển lãm "Bộ đội Pháo cao xạ dũng cảm - quyết thắng"
TĐKT - Chiều 27/3, tại Hà Nội, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) khai mạc Triển lãm "Bộ đội Pháo cao xạ dũng cảm - quyết thắng" nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống bộ đội Pháo cao xạ Việt Nam anh hùng. Một số hiện vật được trưng bày tại Triển lãm Triển lãm giới thiệu 400 hiện vật, ảnh và tư liệu trưng bày theo 6 phần chính: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng với bộ đội Pháo cao xạ; bộ đội Pháo cao xạ đánh thắng không quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ 1953 - 1954; bộ đội Pháo cao xạ đánh thắng không quân Mỹ trên các chiến trường 1954 - 1975; bộ đội Pháo cao xạ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1975 - 1999; bộ đội Pháo cao xạ cùng bộ đội Không quân, Ra đa, Tên lửa bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa 1999 - nay; những phần thưởng cao quý của bộ đội Pháo cao xạ Việt Nam. Triển lãm là sự tri ân đối với sự hy sinh dũng cảm và những chiến công to lớn của bộ đội Pháo cao xạ Việt Nam. Mỗi hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong hệ thống trưng bày đã tái hiện quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của bộ đội Pháo cao xạ trước đây và Pháo phòng không ngày nay, những trận đánh xuất sắc, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ. Đây là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh sinh động về nghệ thuật tác chiến phòng không, về người chiến sĩ Pháo phòng không đã không sợ hy sinh gian khổ, chiến đấu anh dũng kiên cường trên mặt trận đất đối không, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa ngày nay. Phương ThanhTĐKT – Từ ngày 16/3 - 18/3 (ngày 29 tháng giêng, mùng 1 và 2 tháng 2 âm lịch), Lễ hội làng An Lộc (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã diễn ra trong không khí tưng bừng, phấn khởi, đầm ấm, thu hút đông đảo bà con nhân dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan, vui chơi.
Lễ rước kiệu Thánh du xuân
Lễ hội diễn ra 5 năm một lần, năm nay có quy mô lớn về nội dung và hình thức, với nhiều hoạt động phong phú: Lễ rước kiệu Thánh du xuân, rước Lễ Đại Bái - Lễ tổ tế, rước Lễ hội công đức tối văn nghệ, Tế hội, rước Lễ Đại Bái - Lễ ba xóm, Lễ của các gia đình, Lễ làng Nhân Lung, tế chính Nam quan, rước Lễ Chủ tế Nữ quan – Lễ ba xóm, Tế Nữ quan… các trò chơi dân gian.
Ông Nguyễn Văn Tua, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Từ thời xa xưa các bậc tổ tiên đã về đây lập ấp xây dựng nên làng An Lộc ngày nay với hơn 10 dòng họ. Từ chỗ dân cư thưa thớt, thôn xóm bờ lau sậy, đi lại khó khăn, nay làng An Lộc đã có nhà cửa khang trang, dân cư đông đúc, đời sống ngày càng văn minh, phồn thịnh.
Từ xa xưa, tổ tiên làng An Lộc đã thờ Đức Bản cảnh Thành Hoàng “Thiên quan Thượng đẳng tối linh Thần”.
Lễ tế diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính
Lịch tích thần phả có ghi: Đời vua Lê Đại Hành trị vì đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình), giặc nhà Tống là Nhân Bảo Lưu Tướng đem quân sang xâm chiếm nước ta. Vua đã tự xưng tướng xuất binh đánh giặc. Khi chiến thuyền đến giữa dòng sông thuộc dãy núi Dục Thúy vụt thấy rồng vàng hiện lên rồi biến vào hang núi và mặt nước sông sóng gió nổi lên ầm ầm.
Khí mây ngũ sắc tản ra mù mịt che khắp cả một vùng thuyền Nhà Vua không sao đi được. Tự nhiên có ngựa trắng từ trong núi vọt ra giữa dòng sông giúp cho thuyền vua băng băng cập bến để quân ta xông vào chiến trận. Giặc Tống đại bại, quân ta bắt sống tướng giặc. Thắng giặc, vua Lê xuống chiếu cho khắp mọi nơi lập đền thờ. Đền thờ làng An Lộc có từ đó.
Các trò chơi dân gian mang đến không khí vui tươi, sôi nổi tại lễ hội
Đất nước đổi mới, đời sống nhân dân làng An Lộc ngày càng được nâng cao, nhà nhà no đủ, xóm làng bình yên, nhà cao cổng rộng, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, các nhu cầu thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân thể thao… đã được nâng cấp. Sự đoàn kết tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, cầu cho Quốc thái, dân an, nhằm ngày Lễ Thánh mùng 1 tháng 2, làng An Lộc lại mở hội. Đây là dịp để dân làng, những người con đi làm ăn xa quê hương trở về hội tụ, đoàn viên.
Bình Nguyên
TĐKT – Từ ngày 17/3 - 26/3, tại Hà Nội diễn ra Giải quần vợt Vô địch lứa tuổi trẻ lần I – Dunlop Cup 2018 (VTF Junior Tour I – Dunlop Cup 2018). Giải đấu hứa hẹn mang đến những trận tranh tài quyết liệt, hứng khởi, cống hiến cho khán giả những màn trình diễn hay, chất lượng chuyên môn cao.
Ông Đoàn Quốc Cường, Trưởng Bộ môn quần vợt, Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam phát biểu khai mạc giải
Giải đấu do Liên đoàn Quần vợt Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên đoàn Quần vợt Hà Nội, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Thể thao Quan Hoa tổ chức nhằm thiết thực triển khai Đề án “Đổi mới hệ thống tổ chức thi đấu giải và các khóa đào tạo của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam 2018”; khuyến khích, thu hút sự quan tâm tới bộ môn quần vợt, thúc đẩy phòng trào quần vợt phát triển; tạo điều kiện cho các vận động viên (VĐV) trẻ được giao lưu, tăng cường thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời xếp hạng các VĐV thanh thiếu niên, đánh giá công tác huấn luyện của các địa phương và hướng tới mục tiêu tuyển chọn các VĐV có tài năng và triển vọng, huấn luyện nâng cao bổ sung cho đội tuyển trẻ quốc gia.
Vận động viên trẻ tham gia tranh tài tại giải đấu
Tại giải năm nay, các VĐV tranh tài ở 12 nội dung: Nội dung đơn nam (U10, U12, U14, U16); nội dung đơn nữ (U10, U12, U14, U16); nội dung đôi nam (U14, U16); nội dung đôi nữ (U14, U16).
Tham dự giải năm nay gồm có 150 VĐV đến từ 24 đoàn: Becamex Bình Dương, Thái Nguyên, Quân đội, Bạc Liêu, Sơn La, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Tây Ninh, Hưng Thịnh – TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Tennis VNT, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Lào Cai, Đà Nẵng, VN Tennis, Hà Nam, Công an nhân dân, Cần Thơ, Vĩnh Phúc.
Phương Thanh
TĐKT – Sáng 8/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp Ngân hàng HDBank tổ chức họp báo giới thiệu Giải Cờ vua Quốc tế HDBank 2018.
Họp báo Giải Cờ vua Quốc tế HDBank 2018
Giải Cờ vua Quốc tế HDBank mùa thứ 8 - 2018 chính thức khởi tranh từ ngày 10/03 - 15/03 tại Hà Nội. Sau 7 năm đăng cai tại TP Hồ Chí Minh và gây được tiếng vang trên làng cờ thế giới, lần đầu tiên Giải được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đã thu hút số lượng kỳ thủ đông nhất từ trước đến nay với 271 kỳ thủ từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự ở cả 2 bảng Masters và bảng Challengers.
Trong đó có 125 kỳ thủ quốc tế đến từ các cường quốc cờ vua: Nga, Đức, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Ukraine, Indonesia, Philippines… tham dự. Cơ cấu giải thưởng hấp dẫn với tổng giá trị tiền thưởng 55.000 USD (tăng 10.000 USD so với năm 2017).
Giải năm nay thu hút nhiều kỳ thủ tài năng trên thế giới, trong đó có sự góp mặt của hai Siêu đại kiện tướng quốc tế là Lê Quang Liêm (Elo 2.736) và Wang Hao (Trung Quốc, Elo 2.713). Cạnh tranh với họ là nhóm kỳ thủ có elo tiệm cận như Sethuraman (Ấn Độ, Elo 2.649), Mareco Sandro (Argentina, Elo 2.635), Gordievsky Dmitry (Nga, Elo 2.630), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Elo 2.630), Aravindh Chithambaram (Ấn Độ, Elo 2.617), Wen Yang (Trung Quốc, Elo 2.608).
Các đại diện xuất sắc của Việt Nam, ngoài Đại kiện tướng Quốc tế Lê Quang Liêm, Elo 2.736 còn có các kỷ thủ nổi tiếng khác: Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Trần Tuấn Minh, Nguyễn Anh Dũng, Lê Tuấn Minh, Đào Thiên Hải, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Anh Khôi, Võ Thị Kim Phụng, Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Mai Hưng,…
Kỳ thủ có đẳng cấp của giải 2018 có 40 GM, WGM (Đại kiện tướng); 39 IM, WIM (Kiện tướng Quốc tế); 36 FM, WFM (Kiện tướng FIDE); 19 CM, WCM (Dự bị kiện tướng). Hệ số Elo trung bình của giải là 2.344. Giải Cờ vua Quốc tế HDBank luôn được đánh giá là một trong những giải đấu có cấp độ chuyên môn cao đối với các giải cờ vua Quốc tế trên thế giới. Các kỳ thủ thi đấu ở hai bảng:
Bảng Masters dành cho những kỳ thủ đẳng cấp, có 132 kỳ thủ tham dự. Các kỳ thủ nữ sẽ tranh tài sòng phẳng với các kỳ thủ nam theo thể thức cờ tiêu chuẩn, đấu 9 ván xếp hạng nhưng sẽ được tính giải thưởng riêng. Có tổng cộng 34 giải thưởng, trong đó 26 giải dành cho các kỳ thủ top đầu; 6 giải dành cho các kỳ thủ Nữ xuất sắc nhất và 2 giải dành cho kỳ thủ trẻ tuổi xuất sắc, cao niên xuất sắc. Phần thưởng cho vô địch nam bảng Masters: 15.000 USD, vô địch nữ : 5.000 USD.
Bảng Challengers (Thử thách) nhằm giúp các kỳ thủ có Elo thấp hoặc chưa có Elo tham dự, hiện bảng đấu này thu hút 139 kỳ thủ. Tổng số lượng giải thưởng bảng này là 11, bao gồm 6 giải dành cho các kỳ thủ top đầu; 3 giải dành cho các kỳ thủ Nữ xuất sắc nhất và 2 giải dành cho kỳ thủ trẻ xuất sắc, cao niên xuất sắc. Giải Vô địch bảng này là 1.200 USD.
Giải Cờ vua quốc tế HDBank là giải Cờ quốc tế lớn nhất hằng năm tổ chức tại Việt Nam, thuộc hệ thống thi đấu chính thức của Liên đoàn Cờ thế giới (FIDE) và được điều hành bởi các trọng tài quốc tế. Theo nhận định của các chuyên gia, tại khu vực Châu Á, giải HDBank được đánh giá là giải thu hút nhất. Giải cũng được cộng đồng cờ vua trên thế giới đánh giá cao về công tác tổ chức.
Năm nay, Giải còn có sự đồng hành của Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Ôman (VOI- Vietnam Oman Investment) với tư cách nhà tài trợ.
Tiếp nối những năm trước, năm 2018 Ban Tổ chức sẽ gửi tặng các kỳ thủ và người tham dự 1 quân cờ bằng khối đồng nguyên chất, là quà tặng độc đáo dành riêng cho giải Cờ vua quốc tế HDBank. Năm nay sẽ là quân cờ (Xe).
Phương Thanh
TĐKT - Nhằm hưởng ứng ngày Sách Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ, từ ngày 3/3 đến ngày 5/3/2018, CLB Liên kết trẻ, Công ty CP Đầu tư Xứ Đoài Mây Trắng, Dự án Sách và Hành động, CLB Yêu sách Bách Khoa phối hợp cùng BQL Phố Sách tổ chức Ngày hội sách xuân năm 2018 với chủ đề “Xứ Đoài đón xuân” và giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Xứ đoài Mây Trắng” tại Phố Sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Các đại biểu tham gia giao lưu Tọa đàm "Tuổi trẻ xưa và nay"
Ngày hội sách “Xứ Đoài đón xuân” mong muốn mang tới cho nhân dân Thủ đô và các bạn trẻ hiện đang là học sinh, sinh viên trải nghiệm một không gian sách trong ngày hội đọc sách Xuân, tái hiện không khí Tết quê tràn ngập sắc xuân giữa lòng Thủ đô Hà Nội, đưa độc giả xích gần nhau hơn trong niềm đam mê với sách, cùng nhau hoài niệm về một vùng quê xứ Đoài với non nước hữu tình, tình quê chân chất.
Nhân dịp này, Ban tổ chức giới thiệu tới bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Xứ Đoài Mây Trắng" của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng. Cuốn sách phản ánh đậm nét bức tranh sinh động về con người - cảnh vật - mối quan hệ xóm làng những năm đầu thế kỷ 20, người nông dân Việt Nam bị hai tầng áp bức bóc lột là thực dân và phong kiến.
Nông dân Việt Nam bất khuất kiên cường, anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù, nhất là từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, họ càng đoàn kết, gắn bó cùng nhau vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, họ là chủ lực quân của cách mạng, với lòng tự hào dân tộc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau tạo thành sức mạnh chiến thắng quân thù.
Trong ngày hội, Công ty CP Đầu tư Xứ Đoài Mây Trắng đã gửi tặng 500 cuốn sách Xứ Đoài Mây Trắng cho các bạn học sinh, sinh viên Thủ đô.
Đặc biệt, tại sự kiện này đã diễn ra hai buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các diễn giả, người nổi tiếng với bạn đọc, nhằm mang đến cho người tham gia không gian sinh hoạt văn hóa ý nghĩa và bổ ích.
Buổi giao lưu đầu tiên là Tọa đàm “Tuổi trẻ xưa và nay” được tổ chức vào ngày 3/3/2018 với sự tham gia của diễn giả là Nhà sử học Lê Văn Lan với hy vọng giúp bạn đọc, nhất là các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu cũng như góc nhìn đa chiều về giá trị cũng như vẻ đẹp của tuổi thanh xuân.
Buổi giao lưu thứ hai là Talkshow "Tứ ân" với diễn giả được các bạn trẻ rất yêu mến là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, mang lại cho các bạn trẻ nhiều bài học quý giá về tứ ân: "Ơn cha mẹ; ơn thầy bạn; ơn Tổ quốc; ơn nhân dân".
Phương Thanh – Hồng Thiết
Chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ
TĐKT - Năm 2018 là dấu mốc đặc biệt có ý nghĩa đối với Nhà hát Tuổi trẻ đơn vị nghệ thuật đầu tiên và duy nhất dành cho thanh thiếu nhi, khán giả trẻ tại Việt Nam tròn 40 tuổi (1978 – 2018). Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Để cùng nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và cống hiến, cũng như khẳng định sức vóc của Nhà hát Tuổi trẻ đang chuyển mình trong giai đoạn mới với sứ mệnh mang nghệ thuật đến cho khán giả, nhà hát dự kiến triển khai một số hoạt động chào mừng sự kiện này. Chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm gồm: Tuần lễ biểu diễn các chương trình đặc sắc của Nhà hát Tuổi trẻ tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 5/4 - 10/4/2018 và Lễ diễu hành ngoài trời tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm ngày 8/4/2018. Hoạt động biểu diễn ra mắt vở kịch Lưu Quang Vũ “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, hài kịch “Tôi đẹp, tôi có quyền” và chùm hài kịch mới “Tơ trời mong manh” nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2018. Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh, trung tuần tháng 4/2018. Đồng thời, các nghệ sĩ của Nhà hát sẽ dàn dựng và ra mắt vở diễn “Nàng tiên cá” dành cho thiếu nhi nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2018, dự kiến công diễn từ 15/5 - 3/6/2018. Hồng ThiếtNgày Thơ Việt Nam lần thứ 16: “Văn học đồng hành cùng đất nước”
TĐKT - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 - Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018 với chủ đề diễn trong 4 ngày, từ 27/2 - 28/2 và 1/3 - 2/3, tức ngày 12, 13, 14 và 15 tháng Giêng Mậu Tuất. Họp Ban Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16, ngày 27/2 sẽ diễn ra cuộc Hội thảo về thơ với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa chủ trì. Ngày 28/2 sẽ có cuộc hội thảo về tiểu thuyết với chủ đề: “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, hưởng ứng cuộc thi tiểu thuyết 2017 - 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà văn Nguyễn Trí Huân chủ trì. Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam diễn ra cùng lúc hai hội thảo quan trọng, điều này cho thấy Ngày thơ không chỉ dừng lại ở "hội hè" vui chơi mà còn chú trọng đến học thuật, chuyên môn. Ngày 1/3, tức ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Ban tổ chức sẽ khai mạc Sân thơ các Câu lạc bộ thơ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tại đây sẽ có các hoạt động thi trình diễn thơ và biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ. Đúng ngày Nguyên tiêu sẽ diễn ra Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Năm nay sẽ có hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Sân thơ truyền thống với chủ đề: “Văn học đồng hành cùng đất nước”. Còn sân thơ trẻ sẽ do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Tại khu vực Hồ Văn sẽ trưng bày, triển lãm thơ của các câu lạc bộ. Tham dự Ngày thơ Việt Nam, độc giả không những được nghe thơ, đọc thơ, ngắm nhìn thơ mà còn được giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, xem trình diễn thơ và thưởng thức các bài hát được phổ nhạc từ thơ… Bình NguyênTĐKT - Thế Lữ đã từng cảm khái: “…Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan/ Trong lúc gần xa pháo nổ vang/ Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang…”. Ông đã tạm gác lại mọi nỗi niềm trắc ẩn của dòng đời, để lặng lẽ quan sát thiên hạ vào xuân, nhưng còn lòng mình, ông không khỏi chạnh buồn man mác khi lặng nhìn thiên hạ vui vầy tề tựu chào xuân hay nói nôm na là “ăn Tết”.
Hàng năm cứ vào chiều cuối năm, mỗi gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cơm đầy đủ những món ăn ngon để cúng tổ tiên, ông bà, kết thúc một năm cũ và mong cho một năm mới nhiều may mắn.
Chiều cuối năm, nhà nhà đều hân hoan ngày hạnh ngộ, tạm quên đi bao bộn bề, lo toan của cuộc sống, để thay vào đó là sự nhẹ nhàng, bình yên trong tâm hồn mỗi con người khi hòa vào không khí ấm áp tình thân của gia đình.
Là một người lính xa nhà, xa những cái tết quê hương, những ngày cuối năm là dịp tôi nghĩ nhiều hơn về gia đình, ông bà, bố mẹ, các em… nơi cội nguồn của tuổi thơ tôi lớn lên. Ở trên mảnh đất phương nam này, cái tiết trời tết dường như đặc biệt hơn với những kẻ xa quê, cái tết cồn cào trong tâm hồn, cứ bịn rịn khôn nguôi khi mỗi độ xuân về. Tôi nhớ lắm! Bữa cơm chiều cuối năm, bữa cơm chiều 30 tết.
Trong tâm khảm của tôi, bữa cơm chiều cuối năm luôn vô cùng đặc biệt, không chỉ là một bữa ăn như thường ngày, mà đó là dịp để mọi người trong nhà đoàn tụ sau những tháng ngày bôn ba với cuộc sống, cùng nhau sửa soạn bữa cơm trong sự vui vẻ và ấm cúng.
Ngồi trong căn bếp nhỏ, mùi bánh chưng thơm nức và nóng hổi, bốn chị em cùng chuyện trò, đứa thì gói chả giò, đứa thì giành bóp dưa hành, đứa thì lo đẩy củi cho nồi bánh chưng… Thằng cu út thì tay thò tay thụt vào mâm cỗ, rối rít hỏi mẹ với giọng điệu ngọng líu: “Mềnh chúng (cúng) ông bà chụ (cụ) song (xong), mới được ăn hả mẹ?”
Ánh mắt mẹ hiền toát lên niềm hạnh phúc trước sự ngây thơ của con trẻ, trong sự ấm áp đoàn viên. Cũng ánh mắt ấy có lúc lại chùng xuống khi nghĩ về khoảng không xa xăm, nơi đó có hình ảnh của bố, một người lính luôn vắng mặt trong những ngày tết. Chỉ 5 mẹ con tíu tít mong bố về, mong bố có một cái tết sum vầy bên gia đình. Biết điều đó rất khó nhưng ẩn sâu trong ánh mắt của mẹ thấp thoáng niềm vui, niềm tự hào về bố. Nỗi niềm thầm kín ấy những đứa trẻ như chúng tôi đến giờ mới hiểu được qua ánh mắt của mẹ, một người vợ đảm nhiệm vai trò của người bố luôn một mình cáng đáng mọi việc trong cuộc sống, nhưng lại rất hạnh phúc, rất hãnh diện vì mình là vợ của một người lính.
Bữa cơm chiều cuối năm của mẹ con tôi đầm ấm nhưng vẫn khuyết, niềm vui chưa trọn vẹn khi thiếu bóng hình của người chồng, người cha, vì phải thực hiện nhiệm vụ xa nhà.
Không chỉ là dịp để gia đình bên nhau, mâm cơm 5 mẹ con tôi chuẩn bị vào chiều 30 tết dâng lên ông bà, tổ tiên nhằm thể hiện lòng thành kính, mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất cùng về ăn tết với mẹ con chúng tôi. Thế nên mâm cơm cuối năm dù chỉ mẹ con giản dị, đạm bạc, thiếu bóng dáng bố nhưng luôn thể hiện sự ấm cúng, gắn kết giữa các thành viên, tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành. Bữa cơm cuối năm cùng nhau ôn lại chuyện cũ, bàn tính chuyện năm mới ra sao trong niềm hân hoan và đầy tin tưởng.
Khi đã cháy hết ba tuần hương, mẹ cẩn trọng bưng mâm cỗ từ bàn thờ xuống. Mẹ con lại sum vầy đầy đủ bên mâm cơm ấm áp nhưng trong lòng ai cũng thấp thoáng bóng hình bố. Vẫn biết rằng, sau này chúng tôi khi lớn lên đủ lông đủ cánh, đàn chim sẽ bay đi khắp bốn phương để kiếm sống, để thỏa sức vùng vẫy trong bầu trời mênh mông, nhưng cánh chim nào rồi cũng mỏi, cũng gặp những trận cuồng phong bão táp, và lúc nào cũng nhớ mình đang xa chốn quê, đang xa vòng tay cha mẹ. Lại nhanh chóng hối hả bay về tìm chỗ nương náu bình yên nhất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đó là gia đình.Và mâm cơm chiều 30 tết của 5 mẹ con đã hằn sâu trong cảm xúc của 4 chị em tôi.
Bây giờ, khi chị em tôi đã khôn lớn, mỗi đứa một nghề, riêng tôi lại đi theo con đường binh nghiệp của bố, và mâm cơm chiều cuối năm của mẹ có sự đoàn viên của bố, nhưng lại thiếu bóng dáng của tôi. Nhìn hình ảnh những người lính xa quê vào dịp cuối năm không về bên mẹ, bên gia đình thân yêu, không cùng các thành viên đón chào năm mới bằng mâm cơm chiều 30, tôi càng hiểu hơn sự vất vả, sự cô đơn của bố, sự hy sinh tất cả quyền riêng tư của người lính cho mâm cơm đủ đầy, bình yên của các gia đình người Việt trên lãnh thổ Việt Nam.
Vào cuối năm, là dịp mọi người tìm về tổ ấm để đoàn tụ, cùng nhau ăn bữa cơm để tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới. Nhưng đôi khi, guồng quay hối hả đã vô tình khiến chúng ta quên mất giây phút thanh bình và yên ấm bên bữa cơm gia đình. Nhịp sống vội vã nên có khi trở về thì bát cơm đã nguội còn đâu...
Có câu nói rằng: tận cùng của đường về nhà chính là khai mở cho ta con đường để đi ra cuộc đời mà không lầm lạc. Đừng bao giờ quên ngọn khói lam chiều vương vất trên mái nhà, đừng bao giờ quên mùi thơm của nồi cơm đang sôi trên bếp lửa bập bùng trong bữa cơm chiều cuối năm.
Mâm cơm ngày cuối năm là nét văn hoá đẹp của người Việt. Và mâm cơm ngày cuối năm cũng in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt, trở thành truyền thống, đạo lý sâu xa, giáo dục về lòng hiếu thảo, về cội nguồn dân tộc.
Mùa xuân đang chuẩn bị về trên khắp nẻo đường quê hương, tôi bất giác lại nhớ đến bốn khổ thơ trong bài thơ nhớ quê ngày tết của tác giả Tường Võ: “Năm nay đón Tết xa nhà/ Sao nghe lạnh lẽo thiết tha nhớ về/ Năm nào đón Tết ở quê/ Có cha, có mẹ cận kề bên con”.
Hoàng Thị Bích Ngọc
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 50
- 51
- 52
- 53
- 54
- …
- sau ›
- cuối cùng »