Văn hóa - Thể thao

Phát động cuộc thi Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu Techfest 2018

TĐKT – Sáng 13/6, Lễ phát động cuộc thi Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu Techfest 2018 đã diễn ra tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Cuộc thi là hoạt động đầu tiên mở màn cho chuỗi các sự kiện hấp dẫn và thú vị của Ngày hội Techfest sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng. Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng đề án 844 chia sẻ về TECHFEST Vietnam 2018 Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (TECHFEST) là hoạt động thường niên được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nằm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg. Tổ chức từ năm 2015, đến nay, TECHFEST đã trở thành thương hiệu có uy tín, thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của các cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với vai trò một nền tảng liên kết giúp kết nối các đối tượng tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế, với các hoạt động: Triển lãm sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nối tiếp thành công đó, TECHFEST 2018 sẽ được tổ chức tại TP  Đà Nẵng, dự kiến diễn ra từ ngày 29/11 - 1/12/2018. Nhằm quảng bá rộng rãi sự kiện TECHFEST 2018 đến đông đảo công chúng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần truyền thông Thiên Lộc tổ chức và phát động Cuộc thi “Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu TECHFEST 2018”. Trong lễ phát động cuộc thi, ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng đề án 844 chia sẻ: TECHFEST là một sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc gia, được tổ chức nhằm kêu gọi tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tất cả các tầng lớp cùng tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thúc đẩy phong trào ở tất cả các tầng lớp. Cuộc thi Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu là một phần rất quan trọng thể hiện định vị và định hướng của ngày hội khởi nghiệp lớn nhất quốc gia. Khác với các năm trước, bộ nhận diện thương hiệu do các lãnh đạo trong bộ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện, tuy nhiên năm nay với chủ đề “Khởi nghiệp Việt Nam - Kết nối quốc tế”, các đơn vị chỉ đạo và tổ chức đều hy vọng sự kiện khởi nghiệp sẽ được lan tỏa đến tất cả các tầng lớp, mọi công chúng và đặc biệt các thanh niên Viêt Nam. Cũng theo ông Phạm Dũng Nam, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018 với chủ đề “Khởi nghiệp Việt Nam - Kết nối quốc tế” luôn đề cao sự quan tâm, đầu tư của các chuyên gia, kiều bào nước ngoài vào Việt Nam. Khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn là một lĩnh vực cần xây dựng và phát triển lâu dài để có thể đạt được đến các tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều đó, chúng ta cần áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến nhất và có sự quan tâm đúng mực đến mỗi hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Bộ nhận diện thương hiệu của Techfest 2018 phải thể hiện được tinh thần hướng đến quốc tế này, đồng thời giúp lan tỏa ý nghĩa của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến với mọi công dân Việt Nam. Với chủ đề “Khởi nghiệp Việt Nam – Kết nối quốc tế” và trải qua 3 vòng thi, các đội thi tham dự sẽ được yêu cầu sáng tạo, thiết kế bộ nhận diện cho thương hiệu bao gồm: Biểu trưng, ấn phẩm online, ấn phẩm in ấn... cho TECHFEST 2018 để thể hiện rõ định hướng chủ đề, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của mỗi công dân Việt Nam và lan rộng ra toàn thế giới. Đến với cuộc thi, các thí sinh sẽ có cơ hội giành được giải thưởng lên đến 100 triệu đồng, được học hỏi và làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực cũng như được áp dụng ý tưởng thiết kế của mình vào ngày hội khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất toàn quốc. Bình Nguyên

Hà Nội: Chính thức khai trương tuyến xe buýt du lịch độc đáo

TĐKT - Sáng  30/5, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chính thức khai trương tuyến xe buýt du lịch Hà Nội City tour Hop on - Hop off . Đây là tuyến xe buýt 2 tầng đầu tiên phục vụ phát triển du lịch Thủ đô do Transerco triển khai thực hiện với sự hợp tác, hỗ trợ của Công ty Ảnh việt Hop on - Hop off Việt Nam. Tuyến buýt Hanoi City tour Hop on - Hop off đi qua 25 phố với 13 điểm dừng sẽ đưa khách đến 30 điểm tham quan của Hà Nội. Xe dự kiến hoạt động từ 9h đến 18h10 hàng ngày với tần suất 30 phút mỗi chuyến. Xe được trang bị hệ thống thuyết minh về các điểm tham quan và dịch tự động bằng nhiều ngôn ngữ. Khách có thể căn cứ vào đó để quyết định xuống trạm hay bỏ trạm tham quan. Hình ảnh những chiếc xe bus du lịch Hà Nội City tour Hop on - Hop off tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sáng 30/5 Xe buýt 2 tầng đưa vào khai thác là loại xe cao cấp, mở mui, có sức chứa gần 80 người. Xe sử dụng công nghệ dẫn đường định vị toàn cầu GPS, lập trình tự động khi vận hành nhằm đảm bảo 30 phút tại bất kỳ điểm nào trong hành trình đều có một xe đến và đi. Xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, sàn phẳng thấp thuận lợi cho người già, trẻ em hay xe lăn của người khuyết tật lên, xuống xe. Trên xe còn được trang bị wifi miễn phí, cổng sạc USB, tủ lạnh, màn hình, camera quan sát. Du khách có thể chọn lựa ngôn ngữ riêng cho mình qua hệ thống đa ngôn ngữ hoặc các chương trình giải trí khác. Hop on - Hop off city tour là loại hình xe buýt hai tầng, dừng đón và trả khách tại các điểm tham quan nổi tiếng trong thành phố. Dịch vụ này lần đầu được triển khai tại Hà Nội nhưng đã rất phổ biến tại các thành phố lớn trên thế giới. Mai Thảo  

Liên hoan Thiếu nhi Quốc tế VTV 2018: Mở rộng cả về quy mô và hình thức

TĐKT - Sáng 22/5, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Tập đoàn Vingroup, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo thông tin về Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2018. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 29/5 - 3/6 tại Vinpearl Land, Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là sự kiện thường niên của VTV vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm, với mục tiêu kết nối tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực thông qua hoạt động giao lưu của các em thiếu nhi. Họp báo Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2018 So với 2 kỳ liên hoan trước, Liên hoan thiếu nhi quốc tế VTV 2018 có sự mở rộng cả về quy mô và hình thức. Bên cạnh phần trình diễn nghệ thuật của các em thiếu nhi quốc tế, chương trình năm nay có nhiều hoạt động ngoài trời hướng tới việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em thiếu nhi. Thành phần các đoàn tham gia năm nay gồm 4 nước trong khối Asean là Thái Lan, Phillippines, Indonesia, chủ nhà Việt Nam và 4 đoàn đến từ Cộng hòa Liên bang Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản với số lượng thành viên từ 8 - 15 em. Việt Nam là đoàn có số lượng các em tham gia đông nhất với 30 em nhỏ đến từ đoàn nghệ thuật Vinschool. Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2018 được nâng cấp cả về quy mô và số lượng đoàn tham dự với mong muốn đây không chỉ là một sự kiện giao lưu, gặp mặt dành cho thiếu nhi mà mục tiêu cao hơn là góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Với chủ đề "Trái đất xanh - For a green planet", VTV chọn Vinpearl Land Nha Trang làm địa điểm tổ chức Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2018. Vinpearl Land Nha Trang với mô hình một quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hoàn chỉnh và khép kín có thể tạo điều kiện cho Ban tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng các em quan tâm đến môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Qua đó, giáo dục cho trẻ nhỏ có ý thức bảo vệ môi trường, hướng tới một trái đất xanh - một hành tinh xanh, nơi trẻ em được sống giữa thiên nhiên, cây cỏ, hòa mình cùng khí hậu trong lành. Trong 5 ngày diễn ra Liên hoan, các em nhỏ sẽ tham gia các hoạt động chính: Tham quan Thủy cung, khám phá hệ sinh thái môi trường biển, tìm hiểu những loài sinh vật biển quý hiếm; tham quan Safari; tham quan Công viên nước và Đồi thử thách; tham gia các hoạt động nhóm... Cùng với đó, các em sẽ tham gia 3 chương trình truyền hình: Bữa trưa vui vẻ (truyền hình trực tiếp vào 12h ngày 31/5 trên VTV6); Gala nghệ thuật "Trái đất xanh" (truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 1/6 trên kênh VTV1); Chương trình "Những ngày tình bạn" (phát sóng vào 20h10 ngày 9/6 trên VTV1). Gala nghệ thuật "Trái đất xanh" mở đầu bằng lễ rước carnaval nhiều màu sắc trong một không gian mở, ở đó, những phần trình diễn của các đoàn sẽ được phối hợp với hệ thống âm thanh, ánh sáng để làm bật lên màu sắc đặc trưng của từng nước mà vẫn có tính hội nhập về văn hóa. Chương trình "Những ngày tình bạn" là nhật ký ghi lại những sự kiện, hoạt động của Liên hoan với sự tham gia của các em thiếu nhi đến từ các nước với những cảm xúc và những kỷ niệm đẹp đẽ, vui vẻ, ấn tượng về những ngày tham dự Liên hoan. Phương Thanh

Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt 3 chương trình đặc biệt nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6

TĐKT - Tiếp nối thành công của chuỗi các hoạt động biểu diễn chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ cho ra mắt 3 chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2018. Đây là những chương trình đã được các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ chủ động xây dựng kịch bản, bắt tay dàn dựng từ cuối năm 2017 nhằm có được sự chuẩn bị tốt nhất cho các em thiếu nhi đón mùa hè 2018. Ba vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ đều được các nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả… nhiều tâm huyết với trẻ thơ kết hợp sáng tạo: Tác giả Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay), Nguyễn Toàn Thắng, Bùi Như Lai, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Chí Huy… Vở diễn giấc mơ của nàng tiên cá Vở diễn “Giấc mơ của nàng tiên cá” được dàn dựng công phu với cốt truyện gốc của đại văn hào Hans Christian Andersen do đoàn ca múa nhạc dàn dựng là câu chuyện được phóng tác mới mẻ, hấp dẫn, gần gũi với đời sống hiện đại của các em thiếu nhi nhưng vẫn giữ được các yếu tố thần thoại, giàu tính tưởng tượng của cốt truyện gốc. Vở diễn được dàn dựng với các tiết mục ca – múa – nhạc – kịch đặc sắc kết hợp nhuần nhuyễn sẽ mang lại những phút giây sôi động, bổ ích cho các bé, vở diễn quy tụ đông đảo các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, hứa hẹn sẽ mang đến cho các khán giả nhỏ tuổi và các bậc phụ huynh một món quà đặc sắc, bổ ích và ý nghĩa nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2018. Tiếp  theo là vở “Niềm vui của đám gà nhà”  được chuyển thể từ kịch bản của “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, là một vở kịch có nội dung lôi cuốn, hấp dẫn từ đầu tới cuối, một bài học sâu sắc về tình bạn dành cho các em thiếu nhi.  Vở kịch vui dành cho các em nhỏ với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên, gương mặt quen thuộc: Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Chí Huy, Mạnh Dũng, Ngọc Quỳnh, Long Nhí,... sẽ mang tới cho các em thiếu nhi một câu chuyện vui nhộn, mang đậm tính giáo dục. Vở kịch do các nghệ sĩ Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn. "Căn bếp đại chiến"  một câu chuyện vô cùng hấp dẫn giữa những con chuột ranh ma do chuột cống cầm đầu và chú mèo con gan dạ. Bối cảnh chính là trong gian bếp nơi các đồ vật sống cuộc sống thanh bình như bác Nồi đa năng, chị Chổi lúa , cô Tạp dề , anh Thùng rác... Tuy nhiên cuộc sống của căn bếp bị đảo lộn bất ngờ do đàn chuột xuất hiện, chiếm lĩnh và làm bá chủ căn bếp, lũ chuột luôn lục tung tất cả các đồ vật trong bếp để tìm đồ ăn, chúng bắt các thành viên trong bếp phải cống nạp thức ăn cho chúng. Nếu không thực hiện điều lũ chuột muốn, các đồ vật sẽ bị nhai, cắn, cấu, xé sống dở chết dở... Vở diễn do các nghệ sĩ Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn. Hồng Thiết

Khai mạc Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý"

TĐKT - Ngày 15/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý". Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tới dự. Triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018) và sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm Đây là năm thứ 6 liên tiếp, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm, qua đó góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu rộng, thiết thực. Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trưng bày gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, được chia làm hai nội dung: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta; những tấm gương bình dị mà cao quý. Ngoài những hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc sống hằng ngày và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm giới thiệu tới người xem những hình ảnh về 128 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 58 tập thể và 70 cá nhân được lựa chọn từ gần 300 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy ngoài nước, Ban Dân vận Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh. Mỗi hình ảnh và bài viết tại triển lãm là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phồn vinh của đất nước. Đồng thời, triển lãm cũng giới thiệu cho người xem tác phẩm đoạt giải trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1 (2016 -2018). Triển lãm sẽ được trưng bày từ nay cho đến cuối tháng 9/2018. Thục Anh

Chuẩn bị ra mắt mô hình phát triển du lịch thông minh - Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360°

TĐKT – Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/5, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho biết: Ngày 20/5, quận Hoàn Kiếm sẽ công bố sản phẩm Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360°. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách cũng như phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn quận, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh trang thông tin 360° phục vụ công tác quản lý và phát triển du lịch quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2016 - 2020”. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội. Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360° là ứng dụng sử dụng tọa độ GPS của người dùng làm nền tảng với các tính năng chính: Tìm kiếm các địa điểm du lịch, dịch vụ, thương mại của quận Hoàn Kiếm hiển thị dưới dạng bản đồ Google Map hoặc danh sách; trải nghiệm và khám phá các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360… sẽ đem đến cho du khách những tương tác và trải nghiệm thực tế về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm đến du lịch, các dịch vụ thương mại, du lịch một cách trực quan và sinh động giống như đang đứng ngay tại không gian và địa điểm đó. Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360° được thực hiện từ tháng 7/2016, đến nay đã hoàn thành. Dự kiến ngày 20/5 tới, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ công bố sản phẩm Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360° (tại địa chỉ webite: http://hoankiem360.vn;http://hoankiem360.com;http://hoankiem360.com.vn; http://hoankiem360.nei.vn); đồng thời giới thiệu việc nâng cấp cổng thông tin điện tử quận, xây dựng đồng bộ trang thông tin điện tử các phường và trường học trực thuộc trên địa bàn quận, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Quận, kết nối với hệ thống du lịch Việt Nam nhằm xây dựng mô hình quản lý đô thị, du lịch thông minh. Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nơi đây có nhiều di tích văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với lịch sử văn hóa, truyền thống của Thăng Long ngàn năm văn hiến, với nhiều tuyến phố chuyên doanh, buôn bán sầm uất, các tuyến phố văn minh thương mại, tuyến phố ẩm thực, trung tâm thương mại. Đây là điều kiện thuận lợi để quận Hoàn Kiếm phát triển kinh tế toàn diện, trong đó du lịch là thế mạnh được quan tâm đầu tư. Hưng Vũ  

Công bố Giải bóng chuyền U19 nữ châu Á và bóng chuyền nam quốc tế Cúp LienVietPostBank năm 2018

TĐKT - Chiều 14/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Bưu điện Việt Nam (LienvietPostbank) cùng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Giải bóng chuyền U19 nữ châu Á Cúp LienvietPostbank và Giải bóng chuyền nam quốc tế Cúp LienVietPostBank năm 2018. Cúp bóng chuyền nam LienVietPostBank năm 2018 có 6 đội tham dự: Đội tuyển 2 Trung Quốc, Câu lạc bộ Burevestnik (Kazakhstan), Đội tuyển Indonesia, Đội tuyển Myanmar, Đội tuyển Thái Lan và Đội tuyển quốc gia Việt Nam. Là giải đấu nhằm tạo cơ hội cọ xát cho đội tuyển nam Việt Nam trước khi tham dự Giải châu Á cũng như Asian Games 18, tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 tới nên đây sẽ là dịp để người hâm mộ yêu mến môn bóng chuyền thưởng thức các trận cầu đỉnh cao của đội tuyển nam, nhất là trong bối cảnh, bóng chuyền nam Việt Nam đang đặt mục tiêu cao hơn tại SEA Games 2021, sẽ tổ chức tại Việt Nam. Lễ công bố Giải bóng chuyền U19 nữ châu Á Cúp LienvietPostbank và Giải bóng chuyền nam quốc tế Cúp Lienvietpostbank năm 2018. Cúp LienVietPostBank năm 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 25 -  31/5/2018 tại Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt là nhà tài trợ chính của giải. Tổng giá trị giải thưởng là 40.000 USD, trong đó đội vô địch nhận số tiền thưởng là 15.000 USD. Cho tới thời điểm này, Ban tổ chức vẫn chưa quyết định xem liệu sẽ mở cửa tự do hay bán vé, nhưng nếu có bán vé thì các mức vé sẽ tương đối rẻ. Ngay sau khi Cúp LienVietPostBank năm 2018 kết thúc, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cùng nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tổ chức giải Bóng chuyền U19 nữ châu Á 2018. Giải đấu khởi tranh từ 10/6 tới 17/6 và diễn ra ở 2 nhà thi đấu thuộc tỉnh Bắc Ninh: Nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh và Nhà thi đấu Trường Thể dục thể thao Bắc Ninh. Giải đấu có sự góp mặt của 16 đội tuyển trẻ trong khu vực châu Á: Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Kazakhstan, Iran, Ấn Độ, Macao Trung Quốc, Hong Kong Trung Quốc, New Zealand, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Đội tuyển trẻ quốc gia Việt Nam. Đài Truyền hình Cáp Việt Nam là đơn vị truyền hình chủ nhà của giải, cung cấp tín hiệu cho truyền hình quốc tế SMMTV phát sóng đến các nước trong khu vực và châu lục. Thục Anh

Viện Ngôn ngữ học kỷ niệm 50 năm thành lập

TĐKT – Sáng 14/5, tại Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam dự và phát biểu ý kiến. Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Ngôn ngữ học Ngày 14/5/1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 59/CP thành lập Viện Ngôn ngữ học trên cơ sở Tổ Ngôn ngữ học và Tổ Thuật ngữ & Từ điển khoa học. Sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với ngành Ngôn ngữ học Việt Nam: Lần đầu tiên, một viện nghiên cứu chuyên ngành về ngôn ngữ học thành lập, với sứ mệnh nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận ngôn ngữ học và ứng dụng vào việc nghiên cứu tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, các ngôn ngữ trong khu vực và trên thế giới; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước; ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào đời sống thực tiễn xã hội; tổ chức tư vấn và tham gia đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học, góp phần phát triển nguồn nhân lực của cả nước. Từ chỗ chỉ có một số ít cán bộ nòng cốt, Viện Ngôn ngữ học đã từng bước xây dựng được một đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu dạn dày, có năng lực chuyên môn vững chắc trong tất cả các lĩnh vực ngôn ngữ học, với nhiệt huyết và lòng yêu nghề. Theo cơ cấu tổ chức mới nhất được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phê chuẩn, về khối nghiên cứu, Viện hiện có 6 phòng và 1 trung tâm ứng dụng ngôn ngữ học. Ngay từ khi thành lập, Viện đã tập trung triển khai nghiên cứu các bình diện khác nhau của tiếng Việt: Từ vựng – ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ âm, từ điển, các vùng phương ngữ của tiếng Việt; điều tra, khảo sát có định hướng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam; nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ gắn với đời sống xã hội để đáp ứng nhu cầu của thực tế… Điểm nổi bật trong công tác chuyên môn của Viện Ngôn ngữ học chính là số lượng các công trình khoa học xuất sắc với các tác giả tiêu biểu đã được nhận Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng cao quý khác. Những thành tựu này đã góp phần to lớn vào việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần vào công cuộc chuẩn hóa, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ và phát triển tiếng Việt và xây dựng vững chắc ngành Việt ngữ học trong 50 năm qua. Kể từ khóa đào tạo nghiên cứu sinh ngắn hạn đầu tiên năm 1983 đến 2010, Viện đã đào tạo được hàng trăm tiến sĩ ngữ văn (nay là tiến sĩ ngôn ngữ học). Bên cạnh hình thức đào tạo trong nước, rất nhiều cán bộ của Viện thuộc các thế hệ khác nhau đã được gửi đi đào tạo tiến sĩ, tiến sĩ khoa học tại nhiều quốc gia như Nga, Úc, Canada, Trung Quốc… Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ghi nhận, biểu dương và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ công chức, viên chức và người lao động đã và đang làm việc tại Viện Ngôn ngữ học. Đồng thời, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng về mọi phương diện với quốc tế, Viện Ngôn ngữ học không thể đứng ngoài cuộc. Viện cần tiếp tục nghiên cứu sâu các trào lưu, lý thuyết hiện đại của thế giới như ngôn ngữ học chức năng hệ thống, ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học tạo sinh… Bên cạnh những nghiên cứu rất cơ bản với các cách tiếp cận đã có trước đây, những cách tiếp cận mới sẽ cung cấp thêm những góc nhìn mới để nghiên cứu tiếng Việt cũng như ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Viện cũng cần có những bước đi mạnh mẽ trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, quốc tế hóa các ấn phẩm khoa học nhằm đưa ngành Việt ngữ học tiến dần ra biển lớn. Trang Lê

Triển lãm và Hội thảo khoa học "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch".

TĐKT - Sáng 11/5, tại Hà Nội, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Triển lãm và Hội thảo khoa học với chủ đề "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch". Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 60 năm Nhà sàn Bác Hồ, 49 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (5/1958 - 5/2018); kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018). Nghi thức cắt bằng khai mạc Triển lãm Triển lãm "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" trưng bày những bức ảnh khắc họa chân thực về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những ngôi nhà sàn từ "thủ đô kháng chiến" Việt Bắc đến khi Người về Thủ đô Hà Nội. Triển lãm gồm 3 phần: "Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngôi nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc"; "Ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội"; "Nhà sàn Bác Hồ - Biểu tượng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế". Hội thảo khoa học "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng trong công tác bảo tồn, truyên truyền phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công cho biết: Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, hồi tưởng, cung cấp, bổ sung tư liệu, câu chuyện kể về lịch sử nhà sàn; hoạt động của Bác từ tháng 5/1958-8/1968; tình cảm, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, các đồng chí cán bộ phục vụ, giúp việc Bác trong quá trình Bác ở và làm việc tại đây; quá trình bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn sau ngày Bác đi xa. Từ đó, Ban tổ chức tập hợp các tư liệu mới, rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm trong công tác bảo quản, giữ gìn, phát huy giá trị nhà sàn, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan hiệu quả hơn. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận đi sâu phân tích ý nghĩa, giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh qua di tích nhà sàn cùng các di vật, hiện vật, tài liệu đang trưng bày trong ngôi nhà này. Các nội dung được tiếp cận ở nhiều góc độ: Tấm gương đạo đức; cuộc sống đời thường thanh bạch giản dị; phong cách làm việc; sự tinh tế trong ứng xử với con người và thiên nhiên; nơi tỏa sáng nhân cách của một nhà văn lớn trọn đời vì nước, vì dân... Bên cạnh đó, có tham luận còn chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn di tích Nhà sàn và không gian, cảnh quan môi trường xung quanh; công tác sưu tầm, trưng bày các tài liệu hiện vật và phát huy tác dụng di sản Nhà sàn Bác Hồ; thu thập, hiệu đính thông tin, tư liệu lịch sử để tuyên truyền đầy đủ, chính xác hơn về di tích, góp phần phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di sản vật thể, phi vật thể gắn liền với Người thời kỳ 1954 - 1969 tại Khu Phủ Chủ tịch. Có tham luận đã đi sâu khai thác thông tin từ những nhân chứng có liên quan đến di tích Nhà sàn; Nhà sàn Bác Hồ ở một số địa phương và việc phát huy tác dụng… Một số tham luận đã đi sâu phân tích những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di tích Nhà sàn, cần đa dạng các hình thức và nâng cao chất lượng nội dung nhằm tuyên truyền, giáo dục ngày càng sâu rộng và đầy đủ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc ở nhiều nơi trong nước, trên thế giới. Hiện nay, cả nước có gần 700 di tích, điểm di tích ở 35 tỉnh, thành phố liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hệ thống di sản văn hóa đó, mái nhà sàn gắn liền với Người từ chiến khu Việt Bắc tới khi trở về Thủ đô đã trở thành hình tượng gần gũi, thân quen với người dân Việt Nam. Trong quần thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc lâu nhất (từ cuối tháng 12/1954 - 2/9/1969), nhà sàn, vườn cây, ao cá là nơi Người đã gắn bó sâu sắc. Đây cũng là di tích trung tâm trên cả phương diện vị trí, ý nghĩa, lẫn sự cuốn hút và lan tỏa. Thời gian 11 năm sống tại nhà sàn (5/1958 - 8/1969), Bác đã cùng các đồng chí Trung ương Đảng, Chính phủ vạch ra nhiều chiến lược, sách lược hoạch định đường lối, chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Những cống hiến của Người cùng tấm gương đạo đức, phong cách sống giản dị, sự tinh tế trong ứng xử với con người, thiên nhiên, tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế... đã đi vào lịch sử dân tộc, nhân loại. Với những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, di tích Nhà sàn nói riêng và Khu di tích Phủ Chủ tịch nói chung có vai trò to lớn trong việc thu hút đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế tới tham quan, học tập... Nhà sàn Bác Hồ đã góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh nói riêng, văn hóa, con người Việt Nam nói chung. Trang Lê

Gặp mặt báo chí Lễ hội “Chúng ta là một” lần thứ hai

TĐKT - Sáng 11/5, tại Hà Nội, Bảo hiểm thiệt hại DB của Hàn Quốc và Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tổ chức buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về Lễ hội "Chúng ta là một - We are together" năm 2018. Đây là lần thứ 2 Lễ hội được tổ chức, hướng tới cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông Kim Kang Wook, đại diện Bảo hiểm thiệt hại DB tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI; bà Lưu Phương Lan, Phó Tổng Giám đốc PTI chủ trì gặp mặt báo chí. Lễ hội diễn ra vào ngày 16/6/2018 tại Nhà thi đấu KBS Arena, Seoul, Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Các hoạt động chính trong Lễ hội: Triển lãm Bộ sưu tập áo dài "Hương sắc Việt" của nhà thiết kế Lan Hương, trình diễn thời trang áo dài - hanbok, Chương trình "Thông điệp yêu thương", Đêm nhạc với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam - Hàn Quốc. “Thông điệp yêu thương” là chương trình đặc biệt dành cho những cô dâu lấy chồng Hàn Quốc có hoàn cảnh đặc biệt. Với sứ mệnh truyền tải yêu thương, làm vơi bớt nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ, Ban tổ chức Lễ hội sẽ dành tặng 3 món quà ý nghĩa để những cô dâu Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội đoàn tụ với người thân tại Hàn Quốc. Việt Nam không chỉ có nhiều điểm chung về mặt địa lý, lịch sử và văn hóa mà còn là đối tác chiến lược trên lĩnh vực chính trị và kinh tế của Hàn Quốc. Nhiều nhà kinh tế và các tổ chức quốc tế có uy tín dự báo rằng đến năm 2026, Việt Nam sẽ vượt ra khỏi khu vực các nền kinh tế mới nổi và lọt vào top 20 nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, có khoảng 150.000 người nhập cư Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam và số người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc là hơn 170.000 người, con số này tiếp tục gia tăng mỗi năm. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 22/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ dành sự quan tâm tới khoảng 170.000 cư dân Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc. Ông Kim Kang Wook, đại diện Bảo hiểm thiệt hại DB tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cho biết: Có nhiều sự kiện văn hóa Hàn Quốc diễn ra tại Việt Nam để giới thiệu làn sóng Hàn Quốc, đồng thời thể hiện sự quan tâm tới cuộc sống của cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống ở Việt Nam. Tuy nhiên, những hoạt động tương tự như vậy dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc còn rất ít. Đó là lý do tại sao Bảo hiểm thiệt hại DB đã tiên phong tổ chức Chương trình Lễ hội "Chúng ta là một". Chương trình có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ hai nước, mang tới cho cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc một không khí ấm áp và làm giảm bớt nỗi nhớ quê hương. Bảo hiểm thiệt hại DB đã và đang nỗ lực hết mình để Lễ hội "Chúng ta là một" trở thành sự kiện thường niên dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Đây sẽ là một hoạt động quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều người cũng như truyền thông của hai nước. Đặc biệt hơn, sự tham gia của các quan chức tới từ hai phía sẽ tăng cường thêm nữa mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước. Phương Thanh

Trang