Diễn đàn
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986 xác định, đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, coi đây là tiền đề bảo đảm thực hiện công cuộc đổi mới. Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ra sức phát huy những thành tựu đã đạt được, dũng cảm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực, tạo ra những tiến bộ mới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội… Điều đó đặt ra yêu cầu đối với công tác thi đua, khen thưởng cũng cần phải thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI
Ngày 8/12/1987 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/HĐBT đổi tên Viện Huân chương thành Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước với nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Trung ương về thi đua, khen thưởng.
Để Viện Thi đua và Khen thưởng Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 57/HĐBT ngày 05/06/1988 về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện Thi đua và khen thưởng Nhà nước.
Theo đó, Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định chính sách chế độ, các danh hiệu và hình thức thi đua, khen thưởng, quyết định việc phân công, phân cấp quản lý xét duyệt và quản lý thi đua và khen thưởng. Hướng dẫn kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách, chế độ ấy.
Kiểm tra, xem xét để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định các đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước quyết định. Làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Quan hệ với các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ, và hướng dẫn công tác cho cán bộ thi đua, khen thưởng các ngành, các cấp. Thực hiện việc cấp phát, thu hồi, đổi lại hiện vật thi đua, khen thưởng theo quy định Nhà nước.
Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước có một Viện trưởng và 1 – 2 Phó Viện trưởng giúp việc. Bộ máy giúp việc Viện trưởng có văn phòng và các tổ chuyên viên. Các đồng chí Nguyễn Mạnh Luật, Đỗ Văn Thơm, Cao Kim Hường lần lượt đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước qua các thời kỳ.
Thời kỳ này, công tác thi đua và khen thưởng bộc lộ yếu kém bất cập trước tình hình mới, chưa thành động lực cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân. Trước tình hình trên, ngày 3/6/1998 Bộ Chính trị đã họp và ra Chỉ thị số 35-CT/TW về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, nội dung chính của Chỉ thị là: “Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của 50 năm qua các cấp ủy đảng cần chỉ đạo tiến hành đổi mới công tác thi đua và khen thưởng trong giai đoạn mới tập trung vào các vấn đề cơ bản như: làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng; kiện toàn và đổi mới tổ chức - cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua - khen thưởng, đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn, phong tặng các danh hiệu thi đua và những vấn đề có liên quan tới việc khen thưởng như: tiêu chuẩn, danh hiệu, đối tượng khen thưởng”.
Thực hiện chủ trương trên, trong thời gian từ ngày 4 - 5/10/2000, tại Hà Nội đã tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI. Đây là Đại hội đầu tiên giai đoạn đổi mới sau một thời gian bị giãn cách lâu nhất trong các kỳ Đại hội. Đại hội biểu dương hàng trăm điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, là những bông hoa tươi thắm nhất đại diện cho hàng triệu bông hoa tiên tiến trong rừng hoa thi đua của cả nước đã tỏa hương thơm, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 26/11/2003 Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua. Việc ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam có Luật Thi đua, Khen thưởng và đưa cả hai nội dung thi đua và khen thưởng vào trong cùng một bộ luật thể hiện rõ mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng.
Phương Thanh
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ một nền kinh tế hết sức nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh theo thực dân kiểu mới kéo dài suốt 20 năm, với phạm vi ngày càng mở rộng.
Để tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các kế hoạch của Nhà nước, ngày 4/2/1964, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/CP quy định nhiệm vụ của Ban Thi đua các cấp, trong đó nhiệm vụ của Ban Thi đua Trung ương là: nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định phương hướng, nhiệm vụ, nội dung thi đua, các chính sách và biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua. Hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các địa phương và phối hợp với các đoàn thể nhân dân trong việc vận động, tổ chức thi đua và trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua của Đảng và Chính phủ tổng kết và phổ biến kinh nghiệm thi đua.
Nghị định cũng quy định rõ thành phần của Ban Thi đua Trung ương có Trưởng Ban là Đại diện Hội đồng Chính phủ; các ủy viên gồm đại diện: Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Ban Chấp hành Tổng công đoàn, Ban Chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương.
Ban Thi đua các cấp ra đời đã thổi bùng ngọn lửa thi đua trên toàn quốc. Các phong trào thi đua phát triển rầm rộ từ Bắc vào Nam, từ hậu phương ra tiền tuyến. Tiêu biểu thời kỳ này là các phong trào: Cờ Ba nhất trong quân đội, Gió Đại Phong trong nông nghiệp, Sóng Duyên Hải trong công nghiệp, phong trào Trống Bắc Lý, thi đua Dạy tốt, học tốt trong giáo dục…
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy cơ khí Duyên Hải, một lá cờ đầu trong phong trào thi đua thời kỳ này
Trong giai đoạn này, Ban Thi đua Trung ương hoạt động tích cực, thực hiện các công việc như là một cơ quan quản lý nhà nước về thi đua trên địa bàn toàn quốc. Vai trò nổi bật là tham mưu với Đảng và Chính phủ những chủ trương, chính sách về thi đua; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện những chủ trương, chính sách và chế độ về thi đua của Đảng và Chính phủ.
Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Thi đua Trung ương đã đánh giá được tình hình của bộ máy thi đua các cấp, để tăng cường công tác lãnh đạo và tổ chức phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, nhằm thực hiện kế hoạch Nhà nước đề ra, Ban đã tham mưu với Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 48/CP ngày 13 tháng 4 năm 1967 về kiện toàn, bổ sung thêm cán bộ cho đội ngũ thi đua các cấp. Thành phần của Ban Thi đua Trung ương được bổ sung thêm các vị đại diện: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Đặc biệt Ban Thi đua Trung ương được thành lập 1 Văn phòng tương đương với 1 vụ giúp Ban tiến hành công tác nghiên cứu, theo dõi, kiểm tra và tổng kết phong trào thi đua, giải quyết công việc hành chính, quản lý hồ sơ, tài liệu….
Tại thủ đô Hà Nội từ ngày 4/5 - 6/5/1962, Chính phủ đã tổ chức Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III. Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III
Phát huy những thành quả đạt được tại Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, nhất là sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng miền Nam.
Từ đó đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Vững tay búa, chắc tay súng” trên khắp ruộng đồng, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, công trường,… ở miền Bắc - minh chứng sống động về sự đồng thuận của toàn dân tộc đối với nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1964 đầu năm 1965, trước âm mưu đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong thanh niên xuất hiện phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” cuốn hút hàng triệu thanh niên tích cực tham gia, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; phụ nữ có phong trào Ba đảm đang…
Từ năm 1963 đến năm 1966, ở miền Bắc quân và dân ta đang hăng hái thi đua, vừa sản xuất vừa chiến đấu, liên tiếp đánh thắng các bước leo thang, phá hoại của đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất và kế hoạch năm 1966, không ngừng đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm hậu phương vững mạnh của cả nước. Ở miền Nam, quân và dân ta hăng hái thi đua, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, luôn luôn giữ vững thế chiến công, chiến lược trên chiến trưởng.
Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV
Để biểu dương những thành tích đạt được của quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc, từ ngày 6/1 - 7/1/1967 tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV. Đại hội có trên 500 đại biểu tham dự; tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Trong giai đoạn 1975 – 1987, thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Chính phủ chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở tập trung xét khen thưởng thực hiện trên diện rộng trong cả nước, đối tượng khen thưởng nhiều, đã biểu dương thích đáng thành tích, công lao to lớn của nhân dân và cán bộ đã diễn ra trong nhiều năm. Để đánh dấu thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Nhà nước có chủ trương khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm biểu dương công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã mang hết sức người, sức của ra đánh giặc, giữ nước.
Năm 1979, khen thưởng đối với thành tích bảo vệ biên giới của quân và dân các tỉnh phía Bắc và Tây Nam. Năm 1981, Nhà nước đặt ra Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì an ninh Tổ quốc (năm 1984), Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Thầy thuốc, thầy giáo, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú (năm 1985) để khen thành tích cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội, công an, trong các ngành y tế, giáo dục, văn hóa đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Ghi nhớ công lao to lớn các gia đình liệt sĩ đã có nhiều cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, năm 2985, Nhà nước đặt ra chủ trương khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ.
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V diễn ra ngày 16 và 17/1/1986 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 Chiến sĩ thi đua toàn quốc thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các địa phương, miền xuôi và miền ngược.
Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986 -1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.
Phương Thanh
(còn tiếp)
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Để có tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách khen thưởng, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL, đặt ra Viện Huân chương thuộc Chủ tịch phủ.
Viện Huân chương có nhiệm vụ: tập trung xét tất cả các đơn từ của tư nhân hay của các bộ, cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương. Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huân chương, huy chương và các thứ, các hạng. Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các loại huy chương hay huân chương, đề nghị kiểu mẫu các thứ huy chương, huân chương các hạng. Phụ trách làm các huy chương, huân chương các hạng theo đúng các kiểu mẫu đã ấn định. Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương.
Viện Huân chương do một Viện trưởng Giám đốc và quản trị, gồm có 4 hội viên họp thành một Hội đồng huân chương do Viện trưởng làm Chủ tịch. Viện trưởng và Hội viên do Sắc lệnh Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm.
Việc đặt ra Viện Huân chương bên cạnh người đứng đầu Nhà nước là biểu hiện tính pháp luật và giá trị cao quý của các phần thưởng Huân chương, Huy chương trong chế độ ta, đồng thời xác lập tổ chức làm quản lý nhà nước về khen thưởng từ đó được hình thành và hoạt động trong suốt 70 năm qua.
Vào thời điểm đó, nhà nước non trẻ của ta gặp muôn vàn khó khăn, phải đương đầu với nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng việc tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội để huy động sức người, sức của trong dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ngày 27/3/1948 theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”.
Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua Ái quốc Trung ương, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Ban này gồm có đại biểu Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể nhân dân. Theo Sắc lệnh, tại các liên khu, tỉnh, huyện và xã đều đặt Ban Vận động thi đua Ái quốc. Mỗi ban gồm có từ 3 đến 5 người, trong đó có đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính, các đoàn thể nhân dân và nhân sĩ. Tuy vậy, các Ban Vận động thi đua Ái quốc cấp huyện và cấp xã, số người có thể ít hơn. Ban Vận động thi đua Ái quốc các cấp có nhiệm vụ vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về việc thi đua. "Các Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu, tỉnh, huyện, xã đặt kế hoạch thi đua Ái quốc cho địa phương mình. Nhưng có thể ủy quyền ấy cho các Ban Vận động thi đua Ái quốc cấp mình."
Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua Ái quốc Trung ương
Ngày 11/6/1948 nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, kiến quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá." Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, các phong trào thi đua ái quốc được phát động và lan rộng khắp các vùng miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm…
Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207/SL cử ông Hoàng Đạo Thuý về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Đạo Thuý đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc quạt giấy cùng lời căn dặn: Chú dùng cái quạt này để quạt phong trào lớn mạnh lên. Thực hiện lời căn dặn của Người, Ban vận động thi đua ái quốc đã từng bước định hướng được các phong trào thi đua phát triển có chiều sâu, huy động lực lượng tinh thần to lớn phục vụ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952.
Để tổng kết phong trào thi đua và biểu dương gương điển hình xuất sắc trong cuộc kháng chiến và kiến quốc được phát động từ năm 1948, Chính phủ đã tổ chức Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, họp từ ngày 1/5 - 6/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, với sự tham gia của trên 154 đại biểu. Họ là những người dân cày, những người thợ, những người trí thức cầm súng giết giặc, giữ nhà, giữ nước, là cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại hội đã tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh...
Thành công của Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm và là động lực hết sức quan trọng động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích xuất sắc trên các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Phương Thanh
(còn tiếp)
Tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
TĐKT - Từ ngày 28/8 - 29/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ - CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cho cán bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Trong 2 ngày tập huấn, các đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được lắng nghe giảng 4 chuyên đề. Chuyên đề thứ nhất là “Những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2017/NĐ – CP của Chính phủ do ông Kiều Sơn, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ I, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình bày. Chuyên đề hai “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Lê Văn Vũ trình bày. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu tại hội nghị Chuyên đề ba “Nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ II, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Nguyễn Khắc Hà trình bày. Chuyên đề bốn “Nội dung phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trình bày. Tại Hội nghị, sau mỗi chuyên đề, các đại biểu tham dự đã trao đổi sôi nổi, nội dung chủ yếu mà các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm là Bằng khen cụm, khối, tỷ lệ xét tặng cờ thi đua; đơn vị đạt tiêu chuẩn thi đua và truy tặng cho đơn vị, cá nhân xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao… Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đã đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình của các đơn vị tham dự tập huấn. Nghị định 91 ra đời hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc vì vậy rất mong nhận nhiều ý kiến đóng góp hữu ích gửi về Ban. Hồng ThiếtHội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng
TĐKT - Từ ngày 23/8 - 24/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cho cán bộ các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ra đời đã hợp nhất, sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định (số 42/201/NĐ-CP, 39/2012/NĐ-CP và 65/2014/NĐ-CP), tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng tập trung vào 4 chuyên đề trọng tâm. Thứ nhất là chuyên đề “Những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2017/NĐ – CP của Chính phủ do ông Kiều Sơn, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ I, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giảng. Chuyên đề hai “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng và Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước” và chuyên đề “Nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ 2, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Nguyễn Khắc Hà trình bày. Cuối cùng là chuyên đề “Nội dung phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trình bày. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đánh giá cao về nội dung buổi tập huấn Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp và thảo luận cũng như các câu hỏi đến từ các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, xoay quanh các vấn đề về hồ sơ khen thưởng, vấn đề khen thưởng đối với lao động nữ; danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; công tác tuyên truyền về phong trào thi đua, điển hình tiên tiến cần chính xác, kịp thời, đúng quy định… Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đánh giá cao nội dung của buổi tập huấn và hoan nghênh tinh thần làm việc của các đơn vị tham dự tập huấn. Thứ trưởng nhấn mạnh, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ có văn bản trả lời bằng thông tư và sẽ hướng dẫn kịp thời các vấn đề liên quan đến Nghị định 91. Cũng theo Thứ trưởng Trần Thị Hà, Nghị định 91 đi vào thực tiễn cuộc sống còn nhiều bất cập nên cần được hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đóng góp, bổ sung để cùng tìm, phát hiện và xây dựng, cụ thể hoá thêm. Hơn hết, vấn đề nghiên cứu, bổ sung Nghị định 91 phải xuất phát từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng. Hồng ThiếtTĐKT - Ngày 18/8 và 22/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và Tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2017. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Cùng dự, có lãnh đạo các vụ, đơn vị và công chức, viên chức thuộc Ban.
Toàn cảnh tập huấn
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức tập huấn tập trung vào 5 chuyên đề.
Thứ nhất là “Những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2017/NĐ-CP” do Chuyên viên Cao cấp, Vụ trưởng Vụ I (Vụ Nghiên cứu, tổng hợp) Kiều Sơn trình bày. Ngày 31/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017.
Chuyên đề 2: “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng”; chuyên đề 3: “Nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Vụ trưởng Vụ II (Vụ các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương) TS. Chuyên viên cao cấp Nguyễn Khắc Hà trình bày.
Chuyên đề 4: “Triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, TS. Chuyên viên cao cấp Phạm Huy Giang trình bày.
Kết thúc tập huấn (ngày 22/8) là bài giảng của Vụ trưởng Vụ III (Vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), Chuyên viên cao cấp Lê Văn Vũ với chuyên đề “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng đối với địa phương”.
Qua 5 chuyên đề được tập huấn tại Ban, các báo cáo viên đã truyền tải những kiến thức bổ ích, thiết thực giúp cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban nâng cao kiến thức chung liên quan đến Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Kết luận buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đã đánh giá cao 5 chuyên đề và đề nghị các giảng viên lấy đây làm nền tảng để triển khai các chuyên đề sâu, rộng hơn. Trưởng ban nhấn mạnh, các chuyên đề này là tài liệu để giảng dạy tại các lớp tập huấn cho cán bộ thi đua, khen thưởng các bộ, ngành, địa phương.
Hồng Thiết
Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2014/NĐ-CP
TĐKT - Chiều 22/8, tại Hà Nội, Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức đã kết thúc với nhiều ý kiến thiết thực nhằm góp phần sửa đổi, khắc phục những bất cập trong quá trình xét tặng các Giải thưởng. Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng (Bộ VHTTDL) Phùng Huy Cẩn báo cáo công tác triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi đã khẳng định: trong quá trình xét tặng Giải thưởng năm 2016, Bộ VHTTDL đã nỗ lực cao nhất nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho văn nghệ sĩ. Đặc biệt, đối với các tác giả là những trường hợp đặc biệt, được đề nghị xét tặng Giải thưởng nhưng lại thiếu các giải thưởng, chứng nhận giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan…, theo Nghị định 90, Bộ VHTTDL đã có nhiều Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Chủ tịch nước xét tặng các Giải thưởng. Hội đồng cấp Nhà nước cũng đã thống nhất ý kiến đối với từng trường hợp xứng đáng được xét tặng Giải thưởng nhưng chưa đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Những công việc này đã được Bộ VHTTDL thực hiện với trách nhiệm, tâm huyết và tình cảm trân trọng dành cho các văn nghệ sĩ. Toàn cảnh hội nghị Các ý kiến chỉ rõ, quá trình triển khai xét tặng Giải thưởng theo Nghị định 90 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi. Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng thẳng thắn: quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm là tiêu chuẩn để đánh giá giá trị đặc biệt xuất sắc cho tác phẩm, điều này chưa phù hợp với một số trường hợp. Cụ thể là những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những tác phẩm này mặc dù có giá trị đặc biệt xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật nhưng do giai đoạn này đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức; hoặc do điều kiện khách quan nên không có các cuộc thi sáng tác về văn học, nghệ thuật hằng năm hoặc định kỳ đối với một số lĩnh vực… Khắc phục những vướng mắc này, Bộ VHTTDL đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90. Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng. Theo đó, nhiều đề nghị nên xem xét tác phẩm thiếu giải thưởng nhưng được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; tác phẩm trước 1993 nếu không có Giải thưởng thì xem xét về giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm. Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiến nghị, đối với những nhạc sĩ tiền bối, việc xét giải thưởng cần cẩn trọng, có lý, có tình, đặc biệt căn cứ vào những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đóng góp trong thời kỳ kháng chiến, tác phẩm có sức lan tỏa, không nhất thiết phải có giải vàng, giải A cho tác phẩm. Về nội dung này, dự thảo Nghị định sửa đổi dự kiến bổ sung thêm tiêu chí “mở”: trường hợp tác phẩm, công trình thiếu giải thưởng thì phải được Hội đồng các cấp xem xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cũng theo ông Phùng Huy Cẩn, Nghị định 90 quy định hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng phải được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý. Tuy nhiên, tỉ lệ này quá cao. Với quy định như vậy, tại Hội đồng, các hồ sơ chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng Giải thưởng Nhà nước dù đạt 86,7%. Tại Hội đồng Giải thưởng Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 3/28 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng, dù đạt 89,3%. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất hạ tỷ lệ xuống còn 75-80%. Dự thảo Nghị định sửa đổi thì dự kiến tỷ lệ 75%. Riêng đối với những tác phẩm, công trình thiếu giải thưởng, quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng là 90%. Sau Hội nghị, các ý kiến góp ý sẽ được Bộ VHTTDL tổng hợp và đề xuất tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014 /NĐ-CP. La GiangTổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng trong Quân đội
TĐKT - Ngày 16/8, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) trong QĐND Việt Nam (2004 - 2017). Tới dự, có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm TCCT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm TCCT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện, cụ thể về kết quả đạt được, cũng như tồn tại, hạn chế; chỉ ra bất cập, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện Luật TĐKT. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TCCT, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả Luật TĐKT. Biểu hiện rõ nhất là phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội diễn ra sôi nổi, rộng khắp, liên tục phát triển cả diện rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động, sản xuất và tập trung khắc phục những khâu yếu, mặt yếu. Cùng với đó, công tác khen thưởng luôn được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đúng quy định của Luật TĐKT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xét và đề nghị khen thưởng đảm bảo công khai, dân chủ, chặt chẽ, đúng quy trình, đối tượng, tiêu chuẩn. Đã chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; kịp thời động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân lập được nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, Luật TĐKT đã tạo lập khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động công tác TĐKT thống nhất trong phạm vi toàn quân, toàn quốc, nâng cao chất lượng, hiệu lực quản lý nhà nước về TĐKT; tạo bước chuyển mạnh mẽ, quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác TĐKT có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, hiệu quả; cổ vũ, động viên các cơ quan, đơn vị và toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ; góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật TĐKT, Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Quốc phòng. Nổi lên là những vướng mắc về tiêu chuẩn, hiệp y và quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng... Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất nhiều chủ trương giải pháp nâng cao chất lượng công tác TĐKT, kiến nghị một số nội dung sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Cục Tuyên huấn tiếp tục tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng TCCT, Thủ tưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật TĐKT và Nghị định của Chính phủ. Những nội dung thuộc về Thông tư của Bộ Quốc phòng, Cục Tuyên huấn tiếp thu, bổ sung, sửa đổi khi xây dựng Thông tư mới, thay thế Thông tư 160/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. Đức AnhHà Nội tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng (2004 - 2017)
TĐKT – Sáng 10/8, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của thành phố. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội. Nét mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua của thành phố những năm qua là tổ chức các phong trào thi đua đặc thù theo ngành, lĩnh vực: “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; thi đua thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; thi đua “Năm trật tự văn minh đô thị”; thi đua "An toàn thực phẩm"; thi đua thực hiện “kỷ cương hành chính”; phong trào "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô"... Từ năm 2004 đến nay có gần 5.000 mô hình thi đua do các đơn vị thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm, những khâu yếu, việc khó của các cấp, các ngành và của thành phố. Công tác khen thưởng của thành phố ngày càng đảm bảo chất lượng, đã chú trọng việc cụ thể hóa chính sách khen thưởng được quy định trong Luật Thi đua, Khen thưởng để hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện. Qua đó, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới và dần dần đi vào nền nếp, chất lượng khen thưởng từ thành phố đến cơ sở được nâng lên rõ rệt. Trong những năm qua, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Đến năm 2016, tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng. Đã có cá nhân là nông dân, người dân lao động trực tiếp (không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước (7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn thành phố). Trong nhiều năm liền Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước. Bộ máy những người làm công tác thi đua, khen thưởng từ thành phố đến các cấp, các ngành được quan tâm, kiện toàn theo các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chính trị, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế; đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Trong đó, đa số đại biểu cho rằng: bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng chưa được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm thường xuyên, còn thiếu các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, một số đơn vị chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Việc vận dụng và đề nghị mức hạng khen thưởng còn nhiều lúng túng. Bình xét khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, cào bằng, mang tính luân phiên. Việc xét, công nhận lao động tiên tiến theo thẩm quyền cấp xã thực hiện chưa hiệu quả. Công tác phát hiện xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thường xuyên. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tích của TP Hà Nội đã đạt được trong triển khai thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng thời gian qua. TP đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát các nhiệm vụ chính trị nên chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được nâng cao. Phó Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung thực hiện 5 nội dung. Trong đó tiếp tục không ngừng kiến nghị, chủ động, sáng tạo tìm kiếm các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, gắn với thực tiễn đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô và đất nước. Tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa phong trào thi đua yêu nước, “Người tốt, việc tốt” và các phong trào khác gắn với việc thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục làm tốt công tác khen thưởng đặc biệt các đối tượng là người lao động và khen đột xuất; giải quyết dứt điểm khen kháng chiến. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trên địa bàn bám sát 5 nội dung của Phó Chủ tịch nước đã nêu; lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời nhấn mạnh, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội trong thời gian tới tập trung vào 5 nội dung: tập trung đổi mới hoạt động Cụm thi đua; đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Mai ThảoTĐKT - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm mà chiến tranh để lại vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt, với thương binh, liệt sĩ thì âm hưởng hào hùng của những trận đánh năm xưa đã trở thành những kỷ niệm không thể nào phai mờ. Việc lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày tri ân các Anh hùng, liệt sĩ sẽ là thông điệp trao truyền cho hậu thế về những đóng góp của những Anh hùng, liệt sĩ cho dân tộc, khơi dậy trong mỗi người con đất Việt niềm tự hào về quá khứ oai hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, củng cố, bồi đắp ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân Việt Nam.
Thế hệ trẻ thành kính thắp hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “.... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Ngày 28/5/1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.
Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức Lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày để tri ân các thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ. Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày Thương binh toàn quốc thành ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để từng bước tri ân những Anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Từ năm 2007 đến năm 2017, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Thời gian qua, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sĩ; an táng tại 3077 nghĩa trang trong cả nước. Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết quả cụ thể. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc...
Có thể khẳng định chính sách ưu đãi người có công với nước đã và đang được bổ sung, hoàn thiện và là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay.
Nguyễn Tú Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- sau ›
- cuối cùng »