Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ một nền kinh tế hết sức nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh theo thực dân kiểu mới kéo dài suốt 20 năm, với phạm vi ngày càng mở rộng.
Để tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các kế hoạch của Nhà nước, ngày 4/2/1964, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/CP quy định nhiệm vụ của Ban Thi đua các cấp, trong đó nhiệm vụ của Ban Thi đua Trung ương là: nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định phương hướng, nhiệm vụ, nội dung thi đua, các chính sách và biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua. Hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các địa phương và phối hợp với các đoàn thể nhân dân trong việc vận động, tổ chức thi đua và trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua của Đảng và Chính phủ tổng kết và phổ biến kinh nghiệm thi đua.
Nghị định cũng quy định rõ thành phần của Ban Thi đua Trung ương có Trưởng Ban là Đại diện Hội đồng Chính phủ; các ủy viên gồm đại diện: Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Ban Chấp hành Tổng công đoàn, Ban Chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương.
Ban Thi đua các cấp ra đời đã thổi bùng ngọn lửa thi đua trên toàn quốc. Các phong trào thi đua phát triển rầm rộ từ Bắc vào Nam, từ hậu phương ra tiền tuyến. Tiêu biểu thời kỳ này là các phong trào: Cờ Ba nhất trong quân đội, Gió Đại Phong trong nông nghiệp, Sóng Duyên Hải trong công nghiệp, phong trào Trống Bắc Lý, thi đua Dạy tốt, học tốt trong giáo dục…
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy cơ khí Duyên Hải, một lá cờ đầu trong phong trào thi đua thời kỳ này
Trong giai đoạn này, Ban Thi đua Trung ương hoạt động tích cực, thực hiện các công việc như là một cơ quan quản lý nhà nước về thi đua trên địa bàn toàn quốc. Vai trò nổi bật là tham mưu với Đảng và Chính phủ những chủ trương, chính sách về thi đua; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện những chủ trương, chính sách và chế độ về thi đua của Đảng và Chính phủ.
Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Thi đua Trung ương đã đánh giá được tình hình của bộ máy thi đua các cấp, để tăng cường công tác lãnh đạo và tổ chức phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, nhằm thực hiện kế hoạch Nhà nước đề ra, Ban đã tham mưu với Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 48/CP ngày 13 tháng 4 năm 1967 về kiện toàn, bổ sung thêm cán bộ cho đội ngũ thi đua các cấp. Thành phần của Ban Thi đua Trung ương được bổ sung thêm các vị đại diện: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Đặc biệt Ban Thi đua Trung ương được thành lập 1 Văn phòng tương đương với 1 vụ giúp Ban tiến hành công tác nghiên cứu, theo dõi, kiểm tra và tổng kết phong trào thi đua, giải quyết công việc hành chính, quản lý hồ sơ, tài liệu….
Tại thủ đô Hà Nội từ ngày 4/5 - 6/5/1962, Chính phủ đã tổ chức Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III. Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III
Phát huy những thành quả đạt được tại Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, nhất là sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng miền Nam.
Từ đó đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Vững tay búa, chắc tay súng” trên khắp ruộng đồng, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, công trường,… ở miền Bắc - minh chứng sống động về sự đồng thuận của toàn dân tộc đối với nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1964 đầu năm 1965, trước âm mưu đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong thanh niên xuất hiện phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” cuốn hút hàng triệu thanh niên tích cực tham gia, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; phụ nữ có phong trào Ba đảm đang…
Từ năm 1963 đến năm 1966, ở miền Bắc quân và dân ta đang hăng hái thi đua, vừa sản xuất vừa chiến đấu, liên tiếp đánh thắng các bước leo thang, phá hoại của đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất và kế hoạch năm 1966, không ngừng đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm hậu phương vững mạnh của cả nước. Ở miền Nam, quân và dân ta hăng hái thi đua, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, luôn luôn giữ vững thế chiến công, chiến lược trên chiến trưởng.
Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV
Để biểu dương những thành tích đạt được của quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc, từ ngày 6/1 - 7/1/1967 tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV. Đại hội có trên 500 đại biểu tham dự; tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Trong giai đoạn 1975 – 1987, thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Chính phủ chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở tập trung xét khen thưởng thực hiện trên diện rộng trong cả nước, đối tượng khen thưởng nhiều, đã biểu dương thích đáng thành tích, công lao to lớn của nhân dân và cán bộ đã diễn ra trong nhiều năm. Để đánh dấu thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Nhà nước có chủ trương khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm biểu dương công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã mang hết sức người, sức của ra đánh giặc, giữ nước.
Năm 1979, khen thưởng đối với thành tích bảo vệ biên giới của quân và dân các tỉnh phía Bắc và Tây Nam. Năm 1981, Nhà nước đặt ra Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì an ninh Tổ quốc (năm 1984), Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Thầy thuốc, thầy giáo, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú (năm 1985) để khen thành tích cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội, công an, trong các ngành y tế, giáo dục, văn hóa đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Ghi nhớ công lao to lớn các gia đình liệt sĩ đã có nhiều cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, năm 2985, Nhà nước đặt ra chủ trương khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ.
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V diễn ra ngày 16 và 17/1/1986 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 Chiến sĩ thi đua toàn quốc thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các địa phương, miền xuôi và miền ngược.
Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986 -1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.
Phương Thanh
(còn tiếp)