Những mốc son lịch sử của ngành Thi đua - Khen thưởng (Kỳ 1): Viện Huân chương – cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về khen thưởng
13/09/2017 - 00:00

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Để có tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách khen thưởng, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL, đặt ra Viện Huân chương thuộc Chủ tịch phủ.

Viện Huân chương có nhiệm vụ: tập trung xét tất cả các đơn từ của tư nhân hay của các bộ, cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương. Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huân chương, huy chương và các thứ, các hạng. Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các loại huy chương hay huân chương, đề nghị kiểu mẫu các thứ huy chương, huân chương các hạng. Phụ trách làm các huy chương, huân chương các hạng theo đúng các kiểu mẫu đã ấn định. Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương.

Viện Huân chương do một Viện trưởng Giám đốc và quản trị, gồm có 4 hội viên họp thành một Hội đồng huân chương do Viện trưởng làm Chủ tịch. Viện trưởng và Hội viên do Sắc lệnh Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm.

Việc đặt ra Viện Huân chương bên cạnh người đứng đầu Nhà nước là biểu hiện tính pháp luật và giá trị cao quý của các phần thưởng Huân chương, Huy chương trong chế độ ta, đồng thời xác lập tổ chức làm quản lý nhà nước về khen thưởng từ đó được hình thành và hoạt động trong suốt 70 năm qua.

Vào thời điểm đó, nhà nước non trẻ của ta gặp muôn vàn khó khăn, phải đương đầu với nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng việc tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội để huy động sức người, sức của trong dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ngày 27/3/1948 theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”.

Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua Ái quốc Trung ương, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Ban này gồm có đại biểu Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể nhân dân. Theo Sắc lệnh, tại các liên khu, tỉnh, huyện và xã đều đặt Ban Vận động thi đua Ái quốc. Mỗi ban gồm có từ 3 đến 5 người, trong đó có đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính, các đoàn thể nhân dân và nhân sĩ. Tuy vậy, các Ban Vận động thi đua Ái quốc cấp huyện và cấp xã, số người có thể ít hơn. Ban Vận động thi đua Ái quốc các cấp có nhiệm vụ vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về việc thi đua. "Các Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu, tỉnh, huyện, xã đặt kế hoạch thi đua Ái quốc cho địa phương mình. Nhưng có thể ủy quyền ấy cho các Ban Vận động thi đua Ái quốc cấp mình."

Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua Ái quốc Trung ương

Ngày 11/6/1948 nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, kiến quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá." Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, các phong trào thi đua ái quốc được phát động và lan rộng khắp các vùng miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm…

Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207/SL cử ông Hoàng Đạo Thuý về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Đạo Thuý đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc quạt giấy cùng lời căn dặn: Chú dùng cái quạt này để quạt phong trào lớn mạnh lên.  Thực hiện lời căn dặn của Người, Ban vận động thi đua ái quốc đã từng bước định hướng được các phong trào thi đua phát triển có chiều sâu, huy động lực lượng tinh thần to lớn phục vụ cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952.

Để tổng kết phong trào thi đua và biểu dương gương điển hình xuất sắc trong cuộc kháng chiến và kiến quốc được phát động từ năm 1948, Chính phủ đã tổ chức Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, họp từ ngày 1/5 - 6/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, với sự tham gia của trên 154 đại biểu. Họ là những người dân cày, những người thợ, những người trí thức cầm súng giết giặc, giữ nhà, giữ nước, là cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại hội đã tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh...

Thành công của Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm và là động lực hết sức quan trọng động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích xuất sắc trên các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Phương Thanh

(còn tiếp)