Kinh tế

Ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp dành cho thanh niên

TĐKT - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SyS Việt Nam) và Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BCNEX Fund công bố Chương trình hợp tác “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” trong giai đoạn tới. Đến dự, có  Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn; Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Nguyễn Đức Tùng và Chủ tịch HĐQT Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BCNEX Ngô Hoàng Quyền; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan. Lễ ký kết Phát biểu tại Lễ công bố hợp tác, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đánh giá cao ý tưởng tổ chức buổi gala gặp gỡ và kỳ vọng vào sự chủ động, phối hợp, hợp tác giữa SyS với các đơn vị, đặc biệt là BCNEX Fund. Hy vọng sự hợp tác này sẽ góp phần nâng tầm cho Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam nói chung và các chương trình hỗ trợ thanh niên Việt Nam nói riêng hiệu quả và tạo ra được nhiều giá trị trong thời gian tới. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Sự kết nối hôm nay sẽ là sự khởi đầu với nhiều cơ hội được tạo ra, chúng ta cùng nhìn nhận điểm mạnh của mình và của đối tác để phối hợp làm sao tạo ra một sức mạnh tổng thể đó là một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, có thể hỗ trợ, nâng đỡ, dìu dắt từ giai đoạn ý tưởng đến khi trở thành một doanh nghiệp phát triển ổn định, thậm chí là IPO. Theo đó, chương trình sẽ thực hiện đồng hành, hỗ trợ, tư vấn các startup khởi nghiệp sáng tạo hoàn thiện, tối ưu sản phẩm cũng như xây dựng, quản trị và truyền thông hình ảnh doanh nghiệp hiệu quả. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp thanh niên khởi nghiệp. Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Nguyễn Đức Tùng khẳng định, với vai trò, trách nhiệm của mình, SyS Việt Nam sẽ là nơi kết nối mọi nguồn lực, cùng các đơn vị tạo dựng một sức mạnh đoàn kết để thúc đẩy hiệu quả việc hỗ trợ cho thanh niên Việt Nam khởi nghiệp và lập nghiệp thành công. SyS Việt Nam kỳ vọng vào một mục tiêu cao nhất là: “Nếu các bạn thành công, chúng tôi thành công!” Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Bcnex Fund cam kết đồng hành với Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp SyS Việt Nam với vai trò là Ventures Builder hỗ trợ các startup khởi nghiệp sáng tạo hoàn thiện sản phẩm, gây quỹ từ nguồn vốn trong và ngoài nước cũng như đồng hành cùng startup qua việc xây dựng, hình thành doanh nghiệp như một cổ đông sáng lập đầu tư dài hạn. Sự hợp tác này cũng sẽ góp phần hỗ trợ kinh nghiệm quản lý, giải quyết các bài toán thị trường, cũng như tạo ra môi trường tốt cho các bạn trẻ có đam mê nhiệt huyết. Ngay sau lễ ký kết, quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Bcnex Fund sẽ tiến hành ngay các cam kết hỗ trợ của mình với các startup khởi nghiệp sáng tạo. Từ đây, không những chỉ các startup khởi nghiệp sáng tạo có thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển mà các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể đầu tư vào các startup khởi nghiệp sáng tạo thông qua quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo chuyên nghiệp như Bcnex Fund. Hồng Thiết

Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

TĐKT - Sáng 17/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị "Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP". Dự Hội nghị có đại diện các cơ quan trung ương, 30 tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, hơn 150 doanh nghiệp, hộ sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cùng sự có mặt của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, các hãng hàng không lớn, các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay, trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc... Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Thời gian qua, Chương trình đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó, có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương, chưa có mặt rộng rãi trên cả nước và chưa được quảng bá tới du khách nước ngoài do nút thắt lớn nhất là sự liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, tìm kiếm đối tác bên lề Hội nghị Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP, Bộ Công thương đã đẩy mạnh 3 hoạt động: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề và nâng cao đời sống cho bà con nông dân; tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận định: “Hội nghị sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu, các đặc sản vùng miền vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.” Trong khuôn khổ Hội nghị, có 3 phiên thảo luận về các giải pháp đưa các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất xoay quanh 3 chủ đề: Chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước; kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm công nghiệp nong thôn, nông nghiệp tiêu biểu; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tại Hội nghị, các hoạt động tìm kiếm đối tác, kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm diễn ra sôi nổi. Phương Thanh

Thưởng thức hương vị dâu tây Nonsan (Hàn Quốc) tại Việt Nam

TĐKT – Ngày 13/12, tại Indochina Plaza, Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa TP Nonsan và K-Market, Chương trình quảng bá nông sản TP Nonsan Hàn Quốc. Nội dung thỏa thuận hợp tác thương mại bao gồm các hỗ trợ để xuất khẩu các sản phẩm nông sản của TP Nonsan Hàn Quốc sang Việt Nam; giao lưu trao đổi về phát triển sản phẩm mới và kỹ thuật; hỗ trợ nhằm tăng cường lưu thông nông sản TP Nonsan tại Việt Nam. Ông Hwang Myeong Seon, Thị trưởng TP Nonsan phát biểu tại sự kiện Ông Hwang Myeong Seon, Thị trưởng TP Nonsan cho biết: Nonsan là thành phố thuộc tỉnh Chungcheongnam Hàn Quốc. Với loại dâu tây nổi tiếng nhất, Nonsan được mệnh danh là “Thủ đô của dâu tây Hàn Quốc”. Tại tỉnh Chungcheongnam có một Trung tâm nghiên cứu, phát triển dâu tây. Chủ yếu các loại dâu tây tại Hàn Quốc đã được nghiên cứu và nhân giống tại đây. Nonsan cam kết cung cấp các sản phẩm dâu tây ngon nhất, chất lượng cao nhất, được sản xuất trong một môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa TP Nonsan và K-Market Ngay sau Lễ ký kết, Ban tổ chức đã khai mạc Lễ hội Dâu tây Hàn Quốc năm 2019 (Korean Strawberry Festival 2019) tại siêu thị K-Market. Trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng có thể tham quan, dùng thử và mua sắm các sản phẩm dâu tây tươi ngon của TP Nonsan Hàn Quốc. Korean Strawberry Festival 2019 mang đến những trái dâu tây với màu đỏ nổi bật, vẻ ngoài sáng bóng, hình nón thuôn dài và rất mọng nước. Hương vị của dâu tây ngọt thơm, không ngấy và vô cùng thanh mát. Hương vị dâu tây Nonsan thu hút nhiều khách hàng tới thưởng thức Dâu tây Seolhyang được trồng trọt từ cách đây 50 năm trên vùng đồng bằng Nonsan bằng phương pháp thân thiện với môi trường. Đây là loại dâu được trồng phổ biến nhất ở Hàn Quốc và được nhiều người Hàn Quốc lựa chọn nhất. Kingsberry được mệnh danh là vua của các loại dâu tây, với trọng lượng trung bình 30 gram/quả, có độ ngọt cao, hương vị thơm ngon và vô cùng mọng nước. Vitaberry là loại dâu tây có độ ngọt cao, quả chắc và hương thơm. Đặc biệt, hàm lượng Vitamin C lên đến 77,1 mg/100g, cao nhất trong các loại dâu tây. Dâu tây của TP Nonsan được ưa chuộng và sử dụng nhiều trong các lễ hội, hội nghị lớn của Hàn Quốc. Sản phẩm đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn trên thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Malaysia… Phương Thanh

Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do

TĐKT - Chiều 12/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về “Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do”. Đến dự và chủ trì họp báo có Vụ trưởng Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Duy Tùng; Chánh Văn phòng Bộ Ngô Chí Tùng; Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Nguyễn Thị Thanh Hằng; Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Lê Mạnh Hùng. Họp báo “Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do” Trưởng phòng Hội nhập Tài chính đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, tổng số Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 Hiệp định, trong đó 12 Hiệp định đang thực thi. Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 Hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023. Riêng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là giai đoạn 2019 – 2022, Việt Nam - Lào giai đoạn từ 01/9/2016 đến 03/10/2020, tuy nhiên Nghị định Biểu thuế Việt Nam - Lào đang thực hiện theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2012 (AHTN 2012). Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Úc - Niu Di-lân (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019. Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2029, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chi-lê mới chỉ đạt 31,73%. Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu. Trong số 12 Hiệp định đang thực hiện, CPTPP là Hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam. Ngày 26/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn từ ngày 14/01/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA), sau khi được chính thức ký kết ngày 30/6/2019, Hiệp định EVFTA sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU tiến hành thủ tục phê chuẩn để có hiệu lực thực thi (dự kiến trong nửa đầu năm 2020). Về Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU; sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO. Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: Ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000 cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm);... Về cam kết thuế xuất khẩu của Việt Nam: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)... Cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA cơ bản tương tự như cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP. Hồng Thiết  

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

TĐKT - Từ 10 - 12/12, Ban lãnh đạo Samsung Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm, làm việc và khảo sát 6 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do chính các chuyên gia của Samsung đến từ Hàn Quốc thực hiện. Đợt đánh giá nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ chuyên gia tư vấn của Samsung kéo dài 12 tuần, nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung. Chuyến tham quan, khảo sát có sự tham gia của ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam cùng các đại diện cơ quan Chính phủ Việt Nam gồm Bộ Công thương, Sở Công thương Bắc Ninh, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và các Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử. Trong vòng 12 tuần, các chuyên gia Hàn Quốc đã khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp trong thời gian 2 tuần và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp Việt trong 10 tuần tiếp theo nhằm cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam. Kết quả từ chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp rất khả quan, đã giúp các doanh nghiệp cải tổ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện chính mình. Đoàn khảo sát tại Công ty TNHH An Trung Industries Trong chuyến khảo sát, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam cho biết: “Sau các đợt tư vấn, khi chứng kiến các công ty triển khai nhiều hoạt động cải tiến giúp nâng cao năng suất lao động, giảm tồn kho và cải thiện môi trường lao động, tôi đánh giá cao sự chủ động, ý chí và tinh thần sẵn sàng thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh và có những điều chỉnh phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn trong Chương trình năm 2020. Samsung Việt Nam luôn cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam với mục tiêu phát triển hiệu quả ngành công nghiệp hỗ trợ.”. Nhằm nhân rộng hiệu quả từ chương trình tư vấn cải tiến với chuyên gia Hàn Quốc đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn, tháng 11/2019, Samsung và Bộ Công thương vừa hoàn thành chương trình đào tạo 207 chuyên gia tư vấn người Việt Nam nhằm xây dựng lực lượng cốt cán có đủ năng lực và kỹ năng chuyên sâu, có khả năng thay thế tư vấn nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất. Sau khóa đào tạo, các chuyên gia tư vấn Việt Nam đã được Bộ Công thương lựa chọn để tham gia Đề án hỗ trợ tư vấn cải tiến sản xuất chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đề án do Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp chủ trì, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 với mục tiêu 62 doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ tư vấn cải tiến. Như vậy, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Samsung và Bộ Công thương, tính từ năm 2015 cho đến nay, tổng số 132 doanh nghiệp Việt Nam đã được chuyên gia Hàn Quốc và chuyên gia Việt Nam tư vấn cải tiến để cải tổ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện chính mình. Kết quả sau tư vấn cải tiến của các công ty cụ thể: Công ty Cổ phần Fitek Việt Nam chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm và dịch vụ: Thiết kế, gia công, chế tạo khuôn mẫu, gia công CNC, Jig, chế tạo sản phẩm tự động hóa… Sau chương trình tư vấn, Fitek cải tiến 51% trung bình lỗi thao tác, nâng cao hiệu suất sử dụng máy gia công từ 71% đến 85%, đồng thời giảm tỷ lệ thiếu sót trong thiết kế, phát sinh lỗi từ 8,6% xuống 0%. Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội chuyên sản xuất linh kiện điện tử viễn thông, linh kiện ô tô xe máy, linh kiện điều hòa không khí, pallet nhựa. Sau chương trình tư vấn, thời gian sản xuất của công ty giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, số ngày tồn kho các sản phẩm trọng yếu giảm từ 5,6 ngày xuống 2,9 ngày; đặc biệt giảm 28% tỷ lệ lỗi công đoạn. Đoàn khảo sát tại Công ty Cổ phần Fitek Việt Nam Công ty TNHH An Trung Industries chuyên cung cấp các sản phẩm ép nhựa cho lĩnh vực điện thoại thông minh. Sau chương trình tư vấn, tỷ lệ lỗi PQC của công ty giảm 36%, và khiếu nại khách hàng giảm 70%. Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit chuyên sản xuất bulong, ốc vít phục vụ các ngành cơ khí, xây dựng, điện tử, điện máy, trang trí nội thất… Sau chương trình tư vấn, năng suất cán ren tăng đến 200%, giảm 46% thời gian thay khuôn và giảm 81% lỗi công đoạn. Công ty Cổ phần Tôn Đông Á là đơn vị chuyên sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu phục vụ cho ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng. Sau chương trình tư vấn, tỷ lệ lỗi công đoạn giảm 38%, rút ngắn thời gian thao tác đến 67% từ 90 giây xuống 30 giây. Công ty TNHH Phương Yến chuyên sản xuất bao bì giấy các-tông phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sau quá trình tư vấn, công ty nâng cao 22% năng suất vận hành máy, thời gian dừng máy cải tiến đến 100% từ 8 lần xuống 0 lần và cải tiến lỗi công đoạn giảm 67%. Hưng Vũ      

Chương trình Xúc tiến thương mại Gangwon 2019

TĐKT - Từ ngày 12 - 15/12, tại chuỗi siêu thị K - Market Hà Nội (K - Market Goldmark Sapphire, K - Market Golden Palace, K - Market Keangnam), Trung tâm Thương mại Gangwon (Hàn Quốc) phối hợp cùng Công ty TNHH Thương mại K&K toàn cầu tổ chức Chương trình Xúc tiến thương mại Gangwon 2019. Lễ cắt băng khai mạc Chương trình Gangwon là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Hàn Quốc, giáp tỉnh Gyeonggi ở phía Tây, các tỉnh Chungcheongbuk, Gyeongsangbuk ở phía Nam, biển Nhật Bản ở phía Đông. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, Gangwon có nền ẩm thực phong phú và đa dạng. Chương trình Xúc tiến thương mại Gangwon 2019 sẽ mang những hương vị ẩm thực độc đáo của tỉnh Gangwon giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô: Từ các sản phẩm hải sản (cá tuyết muối, mực nướng hun khói, mực elvan), đến các loại trà (trà mật ong hữu cơ, trà ngô, trà lúa mạch), các loại bột ngũ cốc (bột gạo nếp, bột đậu nành tươi) và một số sản phẩm ăn liền (kẹo hồng sâm, thạch hồng sâm, snack cay)… Các sản phẩm của Gangwon được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích, lựa chọn Tiêu biểu trong số đó là sản phẩm kẹo hồng sâm dẻo chiết xuất từ bột hồng sâm Hàn Quốc. Đây là sản phẩm thức ăn nhanh cao cấp, cung cấp năng lượng cho những người bận rộng. Với hương vị sâm độc đáo lại rất tiện dụng, sản phẩm giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giúp thư giãn, sảng khoái tinh thần, giảm stress, đem lại cảm giác khỏe khoắn. Trà Cam lộ là loại trà được làm từ 100% lá thủy cúc hữu cơ tự nhiên, không chứa hàm lượng đường và calo nhưng lại có vị ngọt tự nhiên gấp 1000 lần so với đường thông thường. Khác với trà xanh có tính hàn và cafein, lá thủy cúc có tính nhiệt và không chứa bất kỳ calo nào, nhờ vậy, trà Cam lộ cho thấy hiệu quả đối với nữ giới đang giảm cân, làm đẹp da, nâng cao khả năng tuần hoàn máu và nam giới có nhu cầu giải rượu hoặc  mắc bệnh tiểu đường. Mực nướng đá Elvan có thành phần chính là mực nguyên chất và các loại gia vị, tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Sản phẩm không chỉ hợp vệ sinh mà còn cung cấp những vi chất cần thiết cho cơ thể. Mực nướng ăn liền được dát thành miếng mỏng và có màu đẹp mắt. Điều đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm của Gangwon có chất lượng tốt và giá cả phải chăng, rẻ hơn nhiều so với sản phẩm của các vùng khác tại Hàn Quốc. Gian hàng nông sản tỉnh Gangwon Bà Soyeong Hyun, đại diện Trung tâm Thương mại tỉnh Gangwon cho biết: Ngoài Việt Nam, Trung tâm Thương mại Gangwon đã có nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm ở các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước Đông Nam Á khác. Chúng tôi xác định Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng bởi thời gian gần đây, văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là ẩm thực được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Đây là lần thứ 2 chúng tôi tổ chức hoạt động quảng bá nông sản tỉnh Gangwon tại Hà Nội. Ngày 14/12 sẽ có một chương trình tương tự diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Gangwon mong muốn sẽ có cơ hội xuất khẩu, giới thiệu thêm nhiều sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh tới người tiêu dùng Việt Nam: Sản phẩm rau khô tốt cho sức khỏe, kem, bánh keok, snack… Minh Phương

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD

TĐKT - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Với tiến độ như hiện nay, con số này sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019. Đó là thông tin được đưa ra trong họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí Đại diện Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu năm 2018 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi bởi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ với những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu... Đặc biệt, trong năm 2019, công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Bộ tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ... Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA cũng được chú trọng thời gian qua. Kết quả ban đầu thông qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico. Công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng. Bộ đã và đang chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời, đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý. Cùng với đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) mà nòng cốt là Chương trình XTTM Quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường trong nước trong điều kiện Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và đi vào thực thi. Ngoài ra, để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và điều hành sát sao trong việc sửa đổi nhiều quyết định liên quan đến thương mại, hải quan, cơ chế Một cửa Quốc gia, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở logistics ngày càng được cải thiện. Các công trình hạ tầng, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng. Năng lực của doanh nghiệp dịch vụ logistics cải thiện đáng kể, đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế. Nhận định hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7 - 8%. Phương Thanh

Lần đầu tiên tổ chức Festival Đệm và Chăn Ga Gối quốc tế 2019 tại Việt Nam

TĐKT - Từ ngày 12 - 15/12/2019, tại khu Triển lãm Vân Hồ, Hoa Lư, Hà Nội diễn ra Festival Đệm và Chăn Ga Gối quốc tế 2019. Đây cũng là lần đầu tiên Festival Đệm và Chăn ga gối quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Lễ khai mạc Festival Festival Đệm & Chăn Ga Gối Quốc tế 2019 được tổ chức bởi Vua Nệm (vuanem.com), quy tụ hàng trăm thương hiệu trong và ngoài nước, cùng với bộ đệm giường Palais Vie De Luxe trị giá lên tới 1 tỷ đồng và chiếc đệm Aeroflow Wave khổng lồ có diện tích 80 m2, cùng những cơ hội mua sắm đệm, chăn ga gối giá tốt nhất từ trước đến nay. Các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước có mặt tại Festival có thể kể đến như: Amando, Hanvico, Everon, Aeroflow, Therapedic, LMG, Dunlopillo, Gummi, Kim Cương, Tuấn Anh, Lotus, Singapore, Canada Home Decor, Doona, Sleeping Comfort…. Tham dự Festival, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm đệm, chăn ga gối giá tốt Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO Công ty cổ phần Vua Nệm, Trưởng Ban tổ chức cho biết, Festival Đệm và Chăn Ga Gối quốc tế 2019 được tổ chức hứa hẹn mang đến sự độc đáo, mới lạ, giúp người tiêu dùng có góc nhìn đầy đủ về tầm quan trọng của các sản phẩm dành cho giấc ngủ. Đây cũng là cơ hội để người tham dự có thể chọn mua những sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với mức giá ưu đãi. Theo đó, trong 4 ngày diễn ra festival, có hơn 100.000 sản phẩm chính hãng ưu đãi cực lớn, lên tới 50%++. Khách hàng còn được tham dự chương trình vòng quay may mắn, 100% trúng thưởng với tổng trị giá lên tới 2.5 tỷ đồng và có cơ hội nhận 3.000 gối bông miễn phí. Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, Festival Đệm và Chăn Ga Gối Quốc tế 2019 kỳ vọng sẽ trở thành sợi dây kết nối giữa người tiêu dùng và các nhà phân phối, qua đó, giúp khách hàng hiểu hơn về những phát minh, sáng kiến trong ngành đệm để đưa ra những lựa chọn thông minh, phù hợp với sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Phương Thanh

Hải quan thi đua nước rút hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm

TĐKT - Phát huy những thành tích đã đạt được, Tổng Cục Hải quan triển khai đợt thi đua cao điểm nước rút để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Hải quan đẩy mạnh thi đua trong những tháng cuối năm Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2019 ước tính thặng dư 1,05 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 11 tháng năm 2019, cả nước xuất siêu 10,07 tỷ USD, tăng 32,7% so với con số của 11 tháng năm trước. Số thu NSNN tháng 11/2019 đạt 24.583 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 toàn ngành thu đạt 318.061 tỷ đồng, đạt 105,8 % dự toán thu NSNN, đạt 100,8% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.598 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.514 tỷ 741 triệu đồng; số thu NSNN đạt 346 tỷ 388 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 36 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 86 vụ. Trong công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện và trình lãnh đạo các cấp ký ban hành nhiều văn bản pháp luật. Hiện nay nhiều đề án, văn bản pháp luật lớn đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện pháp điển đề mục Hải quan; Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Thông tư số 80/2019/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự thảo: Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 20/4/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2015/TT-BTC về sở hữu trí tuệ; Thông tư hướng dẫn dự thảo Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS)… Cùng với đó, trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.784 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.854 tỷ đồng; số thu NSNN đạt hơn 448 tỷ; cơ quan Hải quan đã ban hành 45 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 125 vụ. Ngoài ra, công tác kiểm tra sau thông quan tính đến giữa tháng 11 cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn ngành đã thực hiện 3.070 cuộc, trong đó có 1.297 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (đạt 96% so với chỉ tiêu năm 2019, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2018), 1.773 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là hơn 1.640 tỷ đồng, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2018, đã thực thu vào NSNN (bao gồm từ năm 2018 chuyển sang) số tiền là hơn 1.673 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, các mặt công tác trọng tâm khác cũng đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đánh giá thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, các đơn vị trên cơ sở kết quả đã đạt được, rà soát, đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các đề án trình Chính phủ. Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị rà soát kỹ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP, bám sát thực tiễn. Cùng với đó là triển khai cụ thể Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vừa được Chính phủ ban hành. Thi đua thực hiện nước rút những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan, Vụ Pháp chế, Cục Kiểm định hải quan phối hợp chặt chẽ để triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP, trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong Quý I năm 2020… Trong công tác nghiệp vụ, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thưc tiễn, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới. La Giang  

Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định

TĐKT - Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài Chính Đặng Quyết Tiến, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 180 doanh nghiệp cổ phần, chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến và Phó Chánh Văn phòng Ngô Chí Tùng đồng chủ trì họp báo Được biết, năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp cổ phần đạt 643.816 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 48.822 tỷ đồng, tăng 8% so với số thực hiện năm 2017. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân và tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tài sản bình quân của các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2018 lần lượt là 16% và 6%. Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 59 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 3.258 tỷ đồng. Năm 2018, các doanh nghiệp cổ phần có tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 99.729 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, số phát sinh phải nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu chiếm 93% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp cổ phần. Trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN). Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Đối với tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 - 2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Bên cạnh đó, tình hình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại: Trong năm 2019 các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.791 tỷ đồng, thu về 3.258 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.279 tỷ đồng, thu về 51.714 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn năm 2019, thoái 2.687 tỷ đồng, thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2019, thoái 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng. Đứng trước tình hình thoái vốn như hiện nay, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cảnh báo các đại diện chủ sở hữu trong việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật. Hồng Thiết    

Trang