TĐKT - Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Sơn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TTTT; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng; Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Năm 2019, các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc ngành TTTT đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018). Trong lĩnh vực viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,57, tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran).
Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018.
Bộ TTTT đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
Là Cơ quan thường trực Chính phủ điện tử, Bộ TTTT đã thực hiện cách làm mới để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử.
Trong công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube.
Để xử lý vấn đề tin giả, Bộ đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo; xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo trên mạng; chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm 2020 ngành TTTT xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Công nghệ số sẽ là công cụ tốt nhất để giúp thực hiện công cuộc chuyển đổi rất to lớn này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 đơn vị thuộc Bộ TTTT
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của lĩnh vực TTTT vào thành tựu tăng trưởng chung của đất nước trong năm qua.
Thủ tướng yêu cầu năm 2020, Bộ TT&TT thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số; đưa thứ hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng lên; 100% hệ thống CNTT của Chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng.
Tổ chức tốt Triển lãm số thế giới, sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới do Việt Nam đăng cai. Xây dựng mạng lưới chuyển phát bưu chính sâu rộng tới từng hộ gia đình, tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển. Phổ cập rộng rãi công nghệ di động 5G. Kiên quyết xử lý tình trạng sim rác, tin nhắn rác.
Bộ TT&TT phải làm tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển Chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Phải sơ kết chương trình đô thị thông minh cấu phần công nghệ thông tin, nhất là trung tâm giám sát điều hành, từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí.
Thực hiện nghiêm túc, chủ động quy hoạch báo chí đã được phê duyệt, không được lùi thời gian, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch.
Bộ TT&TT cần có đề án và chỉ đạo đổi mới công nghệ của hệ thống thông tin cơ sở như loa phường, xã, thậm chí tuyên truyền miệng, được xem là hệ thống tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất…
Phương Thanh