Kinh tế

Tập đoàn Hoa Sen được vinh danh trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019

TĐKT - Xây dựng giá trị cốt lõi "Trung thực – Cộng đồng – Phát triển" cùng triết lý kinh doanh lấy chất lượng sản phẩm là trọng tâm, lấy lợi ích khách hàng là then chốt, thu nhập nhân viên là trách nhiệm và chia sẻ cộng đồng là nghĩa vụ trong suốt quá trình 18 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen   đã được vinh danh trong Lễ công bố Doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019. Đại diện Tập đoàn Hoa Sen đón nhận giải thưởng Doanh nghiệp bền vững là giải thưởng uy tín nhiều năm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, để được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững, doanh nghiệp phải đáp ứng toàn bộ tiêu chí trong Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index - CSI). Bộ chỉ số CSI năm 2019 bao gồm 98 chỉ tiêu ở 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó 90% là các chỉ tiêu tuân thủ pháp luật… Các tiêu chí được phân nhóm khoa học, được cập nhật hơn và điều chỉnh tiệm cận với Bộ tiêu chuẩn GRI của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu, cũng như các thông lệ quốc tế và pháp luật trong nước. Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh tôn thép tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Hoa Sen luôn xem phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen đã hoàn tất đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống ERP kết nối hệ thống 10 nhà máy sản xuất với máy móc thiết bị hiện đại đặt tại cả ba miền Bắc – Trung - Nam và hệ thống phân phối 536 cửa hàng trực thuộc trên toàn quốc. Điều này giúp Tập đoàn Hoa Sen nâng cao hiệu quả quản trị, giảm được chi phí vận chuyển, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp Tập đoàn Hoa Sen phát triển trong dài hạn. Giấy chứng nhận Doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019 Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen còn triển khai bán hàng trực tuyến trên website www.hoasengroup.vn. Với hình thức bán hàng mới này, Tập đoàn Hoa Sen lần đầu tiên mang đến sự đổi mới trong phương thức mua hàng vật liệu xây dựng ở Việt Nam, tối ưu hóa tiện ích, đảm bảo sự hài lòng và mang sản phẩm dịch vụ với giá trị tích cực, bền vững cho khách hàng. Trong suốt những năm qua, Tập đoàn Hoa Sen luôn được vinh danh trong bảng xếp hạng những doanh nghiệp lớn và uy tín nhất, vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao quý như Thương hiệu Quốc gia, Chất lượng Quốc gia, Top doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam... Chứng nhận Top 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019 đã tiếp tục khẳng định giá trị và vị thế của Hoa Sen trên thị trường. Tập đoàn Hoa Sen cho biết trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục việc áp dụng các chỉ số CSI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, người lao động, cổ đông, cộng đồng xã hội.   Đào Xuân Phúc

Xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đầu tư

TĐKT - Sáng 28/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo “Xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới”. Quang cảnh Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương cho biết: Sau 16 năm triển khai, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu. Trong giai đoạn qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp... Theo thông tin mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Trước những yêu cầu của bối cảnh mới, hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong giai đoạn mới, để tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ ngành và địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, ngày 8 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Đồng thời Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 33/2019/TT-BCT quy định Hệ thống tiêu chí Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các nội dung quy định tại 2 Quyết định và Thông tư trên, qua đó góp phần hướng tới thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chính sách, quy định của pháp luật hiện hành, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch.., từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Phương Thanh

Phát hiện, kiểm tra xuồng cao tốc vận chuyển, sang mạn trái phép thuốc lá ngoại

TĐKT - Thời gian qua, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tuyến biển có diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng trọng điểm như: Xăng dầu, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, mỹ phẩm, pháo nổ, pháo hoa, vải, quần áo may mặc, giầy dép, gia cầm, hải sản và các loại hàng hóa gia dụng khác phục vụ Tết 2019. Tập trung chủ yếu tại các địa bàn khu vực Móng Cái - Quảng Ninh, khu vực cảng Hải Phòng… Cán bộ hải quan Hải đội 1 lai dắt xuồng thuốc lá nhập lậu về cầu cảng cơ quan hải quan. Nhằm ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả thực trạng trên, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai: Kế hoạch tuần tra hải quan số 107/KH-HĐ1, ngày 29/8/2019; Kế hoạch triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa trên vùng biển Đông Bắc ngày 11/11/2019; Kế hoạch công tác tuần tra hải quan trước, trong và sau tết Canh Tý 2020, trong đó tập trung: Nắm chắc tình hình địa bàn, thu thập thông tin có liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tập trung vào các đối tượng trọng điểm, địa bàn trọng điểm, xác định cụ thể đường dây, ổ nhóm và phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xây dựng kế  hoạch và tổ chức triển khai bắt giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Điều động phương tiện tuần tra hải quan để phát hiện, ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi vận chuyển buôn bán trái phép trên biển. Toàn bộ tang vật lô hàng thuốc lá nhập lậu đã được tập kết tại khu vực kiểm soát hải quan để tiến hành các bước xử lý theo quy định pháp luật. Kết quả:Vào hồi 17h45’, ngày 25 tháng 11 năm 2019, tại tọa độ 210 27. 788N/1080 04. 520E thuộc vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1) – Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan phát hiện 3 xuồng gắn máy cặp mạn, sang mạn hàng hóa là các thùng catton, nghi vấn là thuốc lá điếu. Khi bị phát hiện, các đối tượng trên 3 xuồng đã nổ máy với mục đích chạy trốn, trong đó 1 xuồng không di chuyển được, các đối tượng đã nhảy sang xuồng cao tốc 2 máy chạy thoát sang vùng biển Trung Quốc, bỏ lại xuồng composit lắp 1 máy Yamaha  85CV có sơn chữ Trung Quốc và toàn bộ hàng hóa được vận chuyển trên xuồng. Qua kiểm tra, phát hiện hàng hóa là thuốc lá điếu ngoại, ghi trên vỏ thùng (kiện) nhãn hiệu: KTC, Lucky, Da Chien Men, Xiong Mao. Tổng số hàng hóa vi phạm là 58 thùng, tương đương 29.000 (Hai mươi chín nghìn) bao thuốc lá các loại. Trị giá hàng hóa, phương tiện vi phạm ước tính khoảng gần 300 triệu đồng. Các đối tượng buôn lậu đã sử dụng xuồng từ 2 - 4 máy có công suất lớn, lợi dụng đêm tối để vận chuyển (thuốc lá ngoại, rượu ngoại) thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ, nơi tập kết hàng thường xuyên được các đối tượng thay đổi nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng hoặc sử dụng phương tiện (tàu nhỏ) ngụy trang dưới dạng tàu cá, lợi dụng đêm tối, biển động để lén lút vận chuyển, sang mạn mặt hàng thuốc lá ngoại, rượu ngoại, pháo vào Việt Nam… Các xuồng được thiết kế để vận chuyển hàng hóa (chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu ngoại) có sự gia cố 2 bên thành và mũi xuồng bọc vỏ thép để bảo đảm độ cứng có thể lao đâm thẳng vào các phương tiện đuổi bắt gây hư hỏng hoặc chìm mà không ảnh hưởng gì đến phương tiện vận chuyển hàng lậu. Trên các xuồng được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại (ra đa, định vị, hải đồ điện tử…) để dẫn đường trên vùng biển có địa hình phức tạp nhưng vẫn luồn lách do thiết kế đáy bằng. Trang bị máy có công suất lớn chủ yếu của các quốc gia có trình độ kỹ thuật sản xuất cao như Nhật, Mỹ (xuồng 2 máy tốc độ 40 hải lý/giờ, xuồng 4 máy tốc độ 50 hải lý/giờ, xuồng 6 máy tốc độ trên 60 hải lý/giờ). Đối tượng điều khiển là các thành phần xã hội phức tạp, liều lĩnh, manh động, sẵn sàng đâm va vào xuồng của lực lượng chức năng khi bị truy đuổi… Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã tiến hành niêm phong tang vật, hàng hóa và lập biên bản chứng nhận ban đầu, đồng thời giải áp phương tiện, hàng hóa về neo đậu tại cầu cảng Hải đội 1 để tiến hành xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Hồng Thiết

Nestlé Việt Nam liên tiếp lọt Top 10 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam

TĐKT - Nestlé Việt Nam vừa được vinh danh Top 10 của Bảng công bố các doanh nghiệp bền vững năm 2019 trong lĩnh vực sản xuất tại sự kiện Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nestlé Việt Nam được vinh danh tại sự kiện tôn vinh các doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững, theo tinh thần kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững do Chính phủ ban hành. Để trở thành doanh nghiệp Top 10 của Bảng công bố các doanh nghiệp bền vững năm 2019 trong lĩnh vực sản xuất, Nestlé Việt Nam đáp ứng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) 2019 gồm 98 chỉ tiêu ở ba lĩnh vực: Kinh tế - xã hội – môi trường, trong đó 90% là các chỉ tiêu tuân thủ pháp luật. Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện thành viên Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam chụp hình cùng các doanh nghiệp được vinh danh tại lễ trao giải. Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch VBCSD, nhận xét, so với năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng hơn tới yếu tố về môi trường. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đầu tư mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững, hệ thống xử lý môi trường. Quan hệ lao động được xử lý hài hòa hơn. Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ: “Vinh dự là một trong những doanh nghiệp bền vững tiêu biểu của Việt Nam nhiều năm liền, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng lan tỏa các giá trị và cùng thực hiện các mục tiêu vươn đến một tương lai phát triển bền vững hơn”. Tháng 9 năm 2019, Tập đoàn Nestlé tiếp tục được công nhận là một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực nhất vào Hiệp ước Toàn cầu Liên Hiệp Quốc (UN Global Compact), sáng kiến phát triển bền vững quy mô nhất thế giới với cam kết không phát thải khí nhà kính trong sản xuất vào năm 2050. Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trao chứng nhận Top 10 doanh nghiệp bền vững năm 2019 lĩnh vực sản xuất Ưu tiên của Nestlé bao gồm những lĩnh vực mang lại lợi ích kinh doanh phù hợp với những lợi ích của xã hội: Dinh dưỡng, tập trung chủ yếu vào trẻ nhỏ; góp phần phát triển những cộng đồng thịnh vượng, phát triển bền vững tại nông thôn, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cho tương lai. Hướng tới sản xuất xanh, không xả thải ra môi trường, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, trong những năm qua, Nestlé Việt Nam đã tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất với kinh tế tuần hoàn. Tất cả các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không xả thải ra môi trường trong sản xuất” thông qua hoạt động tái chế, tái sử dụng nước thải, chất thải. Năm 2018, Nestlé đưa ra cam kết đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng được và kiên định với những nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này qua hàng loạt các sáng kiến, thông qua các hoạt động hợp tác, phối hợp với nhiều tổ chức môi trường của Chính phủ và trong nhiều lĩnh vực. Song song với hoạt động bảo đảm môi trường bền vững trong sản xuất, Nestlé Việt Nam với dự án NESCAFÉ Plan triển khai từ năm 2011 đã góp phần phát triển canh tác cà phê bền vững, góp phần làm tăng thu nhập cho người nông dân lên 30%, giảm 40% lượng nước tưới, giảm 20% phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đảm bảo một môi trường canh tác nông nghiệp bền vững. Trong khuôn khổ các mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, nâng cao tầm vóc, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt của trẻ em Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện Đề án 641 “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với “Năng động Việt Nam”, Nestlé Việt Nam khuyến khích lối sống năng động và thường xuyên luyện tập thể thao, nhất là với trẻ em, thông qua nhiều hoạt động khác nhau gồm các giải thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, và các hoạt động thể thao ngoại khóa khác trên toàn quốc. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam được thành lập từ năm 1995 sở hữu các thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến như NESCAFÉ, MILO, MAGGI, NAN và nhiều sản phẩm khác. Công ty điều hành bốn nhà máy và hai trung tâm phân phối tại Việt Nam, tuyển dụng trực tiếp gần 2.300 nhân viên trên toàn quốc. Mai Thảo

Thị trường bất động sản Việt Nam ngày một minh bạch và phát triển bền vững hơn

TĐKT - Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019. Trong giai đoạn 3 năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước. Thị trường BĐS Việt Nam đang ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác. Tuy nhiên, theo xu hướng của nền kinh tế và như dự báo của VNREA từ cuối năm 2018, thị trường BĐS đã và sẽ gặp những khó khăn nhất định, có dấu hiệu giảm sút. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định: Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến quan trọng, ngày một minh bạch và bền vững hơn. Sự phát triển của thị trường BĐS trong thời gian qua đã tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Về giá trị tuyệt đối, giá trị gia tăng tạo lên khoảng 26 - 27 tỷ USD, chiếm 8 - 10% GDP. Việc phát triển nhà ở hàng năm còn tạo ra quỹ nhà ở rộng lớn, tạo an sinh về nhà ở. Theo thống kê có khoảng 10% dân cư sống trong khu chung cư. Thứ trưởng Lê Quang Hùng mong muốn thông qua Diễn đàn BĐSViệt Nam thường niên 2019, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế, các doanh nghiệp để tìm ra giải pháp giúp đảm bảo an sinh nhà ở và thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở và BĐS, Bộ Xây dựng mong muốn ngoài vấn đề vĩ mô về phát triển thị trường BĐS, các chuyên gia tập trung phân tích, đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề cấp bách: Đề xuất các giải pháp tháo gỡ một số dự án BĐS gặp vướng mắc về pháp lý, xác lập quyền sử dụng đất, vướng mắc về quy hoạch. Các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thẩm định phê duyệt, triển khai dự án BĐS. Đề xuất giải pháp hành lang pháp lý tháo gỡ cho mô hình condotel, officetel. Cùng đó, thúc đẩy nhà ở xã hội tại khu đô thị, khu công nghiệp; chương trình cải tạo chung cư cũ; tranh chấp về sở hữu, về bảo trì chất lượng và vận hành nhà chung cư, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quy định về tuổi thọ và thời gian sử dụng nhà chung cư. Các vấn đề pháp lý liên quan đến xác lập quyền sở hữu với dự án BĐS hiện nay đã đưa dân vào ở nhưng không đủ điều kiện cấp sổ đỏ... Diễn đàn bao gồm phiên báo cáo chính buổi sáng và các phiên chuyên đề buổi chiều. Phiên báo cáo chính buổi sáng diễn ra với hai tọa đàm cấp cao: Tổng quan thị trường bất động sản trong năm 2019 và dự báo xu hướng thị trường năm 2020. Buổi chiều diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề: Những vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2019 (thủ tục hành chính, vốn, chính sách, thuế…); xu hướng mới của thị trường bất động sản (du lịch, công trình xanh, thông minh). Phương Thanh

Nâng cao nhận thức về phòng, chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam

TĐKT - Sáng 26/11, nhằm hưởng ứng phong trào phòng, chống hàng giả, hàng nhái, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp". Đây là hoạt động chính nằm trong Tuần lễ Phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019. Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp" Khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính... Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm "thử thách" mức độ sành sỏi của khách hàng... Trong năm 2017 và năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt, từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay. Phương Thanh

Ngày 27/11 diễn ra Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên 2019

TĐKT - Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) sẽ phối hợp với kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019. Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA cho biết, mục tiêu chính của Diễn đàn là tạo một sân chơi lớn - là nơi giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp. Diễn đàn bao gồm các nội dung gắn với tình hình thực tiễn, xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Bởi thực chất, thị trường bất động sản thời gian qua gặp phải nhiều vướng mắc, từ cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Diễn đàn lần 2 sẽ phác hoạ bức tranh toàn cảnh thị trường năm 2019. Đồng thời, cũng đưa ra những dự báo, định hướng mô hình phát triển mới (xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu..) cho thị trường tiếp tục phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Phối cảnh VinCity Gia Lâm. Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2019 bao gồm phiên báo cáo chính buổi sáng và các phiên chuyên đề buổi chiều. Phiên báo cáo chính buổi sáng với sự tham dự và phát biểu khai mạc của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tọa đàm cấp cao: Tổng quan thị trường bất động sản trong năm 2019 và dự báo xu hướng thị trường năm 2020. Buổi chiều diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề: Những vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2019 (thủ tục hành chính, vốn, chính sách, thuế…); xu hướng mới của thị trường bất động sản (du lịch, công trình xanh, thông minh). Điểm nhấn của Diễn đàn là phát biểu khai mạc của lãnh đạo Bộ Xây dựng, với góc nhìn toàn cảnh về thị trường bất động sản Việt Nam và công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng. Tiếp đó, là bài phát biểu tổng quan về thị trường bất động sản Việt Nam của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phân tích bối cảnh, những cơ hội, thách thức và định hướng tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam. Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến đất đai, thuế, thủ tục hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản, xây dựng; cộng đồng doanh nghiệp tập trung bàn thảo và làm rõ một số khía cạnh như: Một là, cung cấp bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2019 và sự phát triển của thị trường giai đoạn vừa qua. Đồng thời, dự báo, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố tác động tới thị trường trong năm 2019 và trung hạn. Việc tổng kết, đánh giá, dự báo xu hướng thị trường được thực hiện thông qua góc nhìn, số liệu, sự phân tích của Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản, các đơn vị chuyên môn thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về kinh tế, xây dựng, bất động sản. Các đánh giá được đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, sự tăng trưởng của từng phân khúc và sự phát triển, vận động thực tế của cộng đồng các doanh nghiệp trên thị trường bất động sản. Hai là, tập trung phân tích các rào cản, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2019 và giai đoạn vừa qua. Các vướng mắc chính được các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phản ánh liên quan đến thủ tục hành chính phê duyệt dự án, tài chính, thuế, pháp lý của các loại hình bất động sản mới... để có các biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh chính sách kịp thời và cũng đưa ra khuyến nghị để cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động có các giải pháp ứng phó phù hợp, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững. Ba là, phân tích các xu hướng mới trên thị trường bất động sản Việt Nam như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; bất động sản xanh, thông minh… Nêu lên những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển các phân khúc này; đồng thời, trao đổi các kinh nghiệm quốc tế có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam. Các nội dung được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất đưa ra thảo luận trong Diễn đàn được đánh giá rất thiết thực, nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá đúng thực trạng về thị trường hiện nay, cũng như giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý, điều tiết thị trường, đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả. Phương Thanh

Họp báo Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2019 lần 3

TĐKT - Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2019 lần 3 với chủ đề Bất động sản - Trang trí nội ngoại thất - Kiến trúc - Xây dựng và Vật liệu xây dựng sẽ diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia từ ngày 27/11 đến 1/12/2019. Sự kiện do Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng và Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Bất động sản Vnrebuild phối hợp tổ chức. Ban tổ chức thông tin về Triển lãm Triển lãm giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản - trang trí nội ngoại thất - kiến trúc - xây dựng và vật liệu xây dựng cùng với nhiều hoạt động thiết thực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đối tác tham quan và quần chúng nhân dân có nhu cầu mua sắm và trang trí nhà ở. Đây cũng là lần thứ 9 triển lãm được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2019. Triển lãm thu hút sự tham gia của gần 1600 gian hàng với các sản phẩm, công nghệ tiên tiến của hơn 450 doanh nghiệp. Trong đó, có 286 doanh nghiệp trong nước, 107 doanh nghiệp liên doanh, 63 doanh nghiệp, các tập đoàn nước ngoài đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, liên bang Nga, Úc, Thụy Điển, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ý, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Tại Triển lãm, hầu hết các sản phẩm trưng bày đã được các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư với các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng phát triển. Lễ khai mạc Triển lãm diễn ra vào lúc 9h00 - 10h00 ngày 27/11. Hội thảo chuyên đề "Giải pháp nhà thông minh Vimar - Italia" diễn ra vào ngày 27/11. Chương trình hội thảo chuyên ngành với đề tài thiết thực và phong phú được diễn ra tại Triển lãm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và liên tục sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng và nhà ở đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững. Phương Thanh

Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt”

TĐKT – Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hầu A Lềnh tới dự. Hội thảo nhằm tìm kiếm những ý tưởng, mô hình mới, cách làm hay, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, sự sáng tạo và nguyện vọng được cống hiến của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, giúp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra được các đề xuất, giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững, tiến tới mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thâm nhập sâu thị trường quốc tế. Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt” Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết: Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) và vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thực hiện Cuộc vận động và tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn, mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn, tiến tới mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Theo ông Nguyễn Văn Thân, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó là tốc độ thâm nhập thị trường và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hoá sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. “Để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kỳ vọng như mong muốn” - ông Thân nhấn mạnh. Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình chia sẻ ý kiến tại Hội thảo Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rằng: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình đã chia sẻ về mô hình bán lẻ D-mark của công ty. Đây là cách làm mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đơn vị trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đóng góp quan trọng, nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam trong mỗi người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Đường cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngày một lớn đối với các doanh nghiệp Việt, có nhiều dấu hiệu tương đối rõ, cho thấy họ đang đi đầu trong xu hướng bán lẻ mới. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường… Có một nguy cơ được dự báo đối với hàng hóa sản xuất trong nước về sự suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt. Trước cơ hội và thách thức, sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, thì các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, có chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu hướng đến của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ông Đường nhấn mạnh: Muốn Cuộc vận động đạt được hiệu quả cao nhất, công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng từ người đứng đầu địa phương, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Bởi người tiêu dùng mới là người quyết định, họ không chỉ tạo điều kiện để hàng hóa, doanh nghiệp Việt có chỗ tiêu thụ sản phẩm, tạo giá trị kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Tại Hội thảo, các doanh nghiệp và các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp và đề cao tính liên kết trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng. Theo nhiều đại biểu, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhà quản lý; nâng tầm chất lượng, sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, EU, Nhật, Mỹ; xây dựng chuỗi sản xuất, từ sản xuất tới tiêu thụ. Cùng với đó, cần xây dựng được những doanh nghiệp, tập đoàn lớn để làm xương sống phát triển hàng Việt một cách chuyên nghiệp, hệ thống, toàn diện. Hưng Vũ  

Lock & Lock lọp TOP 10 thương hiệu được yêu thích nhất năm 2019

TĐKT - Trong lễ trao giải ngày 15/11/2019,  Lock & Lock lần thứ  4 liên tiếp được vinh danh trong TOP 10 sản phẩm, dịch vụ Tin & Dùng năm 2019 với dòng sản phẩm gia dụng và bình giữ nhiệt. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp Lock & Lock góp mặt trong TOP 100 của giải thưởng danh giá này kể từ lần đầu doanh nghiệp này đạt giải vào năm 2012. “Lock & Lock vinh dự nhận giải thưởng Top 10 sản phẩm, dịch vụ Tin & Dùng 2019” Lễ trao giải các sản phẩm, dịch vụ Tin & Dùng năm 2019 là chương trình trao giải uy tín thường niên do Tạp chí Tư vấn Tiêu & Dùng (Thời báo Kinh tế Việt Nam) tổ chức từ năm 2016, nhằm vinh danh các sản phẩm và dịch vụ được người tiêu dùng tin tưởng và yêu chuộng. Trong suốt 10 tháng từ tháng 1/2019 đến 11/2019, Tạp chí Tư vấn Tiêu & Dùng đã tiến hành cuộc khảo sát dựa trên 35.000 phiếu bình chọn, 82.300 ý kiến đánh giá trực tuyến đối với 7.600 sản phẩm - dịch vụ được đề cử trên phạm vi toàn quốc. Tiêu chí đánh giá và bình chọn của giải thưởng là: Sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, quá trình sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và sức khoẻ và mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Sản phẩm - dịch vụ bình chọn năm 2019 được chia theo 7 nhóm ngành chính: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thực phẩm và dịch vụ bán lẻ; thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp; sản phẩm gia dụng - nội thất; dược phẩm và thiết bị chăm sóc sức khoẻ; du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản; công nghệ, viễn thông. Ông Chun Hae Woo - Tổng Giám đốc Công ty Lock & Lock nhận kỷ niệm chương và giấy chứng nhận Top 10 Sản phẩm, dịch vụ Tin & Dùng 2019 Cũng trong Lễ trao giải những sản phẩm, dịch vụ Tin & Dùng năm nay, Lock & Lock đã được vinh danh tại hạng mục Sản phẩm yêu thích với bình giữ nhiệt và các sản phẩm đồ gia dụng Lock & Lock. Từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam (năm 2008) tới bây giờ, bình giữ nhiệt Lock & Lock vẫn luôn là điểm sáng khi trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng từ mọi lứa tuổi. Chất lượng đảm bảo, an toàn cho sức khỏe, kiểu dáng độc đáo và khả năng giữ nhiệt cao từ 6 đến 8 tiếng chính là những công thức đằng sau sự thành công của bình giữ nhiệt Lock & Lock tại thị trường Việt Nam. Những năm trở lại đây, các dòng sản phẩm điện gia dụng Lock & Lock tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng như nồi chiên không dầu, máy xay thịt, bếp nướng điện, nồi lẩu điện đa năng… Áp dụng công nghệ mới, các sản phẩm gia dụng của Lock & Lock giúp tối đa hóa việc bếp núc của chị em phụ nữ trong thời gian ngắn. Cùng với thiết kế đa dạng, đẹp mắt, sản phẩm gia dụng Lock & Lock là sự lựa chọn hàng đầu cho lối sống hiện đại của chị em phụ nữ. Điểm chung của tất cả các sản phẩm Lock & Lock chính là sự đơn giản, dễ sử dụng, dễ dàng vệ sinh sau khi sử dụng và đặc biệt là hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. Việc lần thứ 4 liên tiếp nằm trong TOP 10 sản phẩm, dịch vụ Tin & Dùng năm 2019 đã phần nào nói lên mức độ tin tưởng và sự đánh giá cao của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm của Lock & Lock. Tại Lock & Lock, sự tin tưởng này là động lực để doanh nghiệp này tạo ra nhiều những sản phẩm với chất lượng tốt hơn và tối ưu hơn để việc bếp núc đối với chị em phụ nữ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hơn hết, Lock & Lock đã đang và sẽ luôn đặt mình trong vị trí của khách hàng để mang tới cho người tiêu dùng những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Phương Thanh

Trang