TĐKT - Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành TN&MT. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành.
Dự Hội nghị có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ, Lãnh đạo Sở Tn&MT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trong năm 2019, bám sát phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, toàn ngành TN&MT đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra; dự báo sát các xu thế, nhận diện, xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh; đổi mới tư duy và hành động; tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Nỗ lực của toàn ngành tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng hiệu quả; nguồn thu từ đất đạt 184 nghìn tỷ đồng, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng đều qua 3 năm. An ninh nguồn nước từng bước được đảm bảo; tài nguyên nước điều tiết, sử dụng hài hòa phục vụ đa mục tiêu. Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được phát huy hiệu quả hơn nữa, đóng góp cho tăng trưởng sau nhiều năm suy giảm.
Lợi thế, thế mạnh về biển ngày càng được phát triển, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; các địa phương có biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh..., đã trở thành khu vực phát triển năng động, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ từ trong tư duy quản lý đến hành động với nhiều giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự giám sát và tham gia của người dân.
Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng cao về dự báo dài hạn và ngắn hạn. Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu được đẩy mạnh triển khai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ ban ngành ấn nút ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những kết quả quan trọng ngành TN&MT đã đạt được trong năm qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ TN&MT hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Bộ cần triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển biển quốc gia gắn với các bộ, ngành liên quan. Kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới quản trị tài nguyên nước quốc gia. Tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược; tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo vệ môi trường…
Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị và khu dân cư; khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi dần cơ cấu sử dụng năng lượng; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao bằng công nghệ giám sát tự động; chuyển đổi cơ cấu năng lượng, thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở các đô thị và khu công nghiệp.
Bộ TN&MT cần chuẩn bị hạ tầng phục vụ quản lý thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung xây dựng dữ liệu nền địa lý, dữ liệu địa hình, không gian, cung cấp các dịch vụ vệ tinh, kết nối vạn vật sẵn sàng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh, tự động hoá trong các hoạt động vận tải, giám sát các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản; ứng dụng công nghệ tự động trong quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, giám sát biến đổi khí hậu. Bộ cần nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới như địa nhiệt, khí đá phiến, khí hóa than, năng lượng biển...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhân dịp này, tại Hội nghị, các đại biểu đã nhấn nút khởi động mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET).
Bình Nguyên