TĐKT - Sáng 27/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 3 mục tiêu quan trọng năm 2020 đối với ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương
Năm 2019, với những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công thương đã hoàn thành đạt và vượt mức tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao.
Khu vực công nghiệp ước tăng khoảng 8,9%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD), góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Về thị trường trong nước, năm 2019, lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm như lễ, Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018.
Công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, công tác quản lý thị trường được triển khai tích cực. Ước tính năm 2019, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 500 tỷ đồng (chưa tính trị giá hàng tịch thu chưa bán).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, những nước lớn cũng không thể tăng trưởng cao thì thành quả năm 2019, trong đó tăng trưởng kinh tế trên 7%, có sự đóng góp trực tiếp và to lớn của toàn ngành công thương với kết quả xuất nhập khẩu năm nay cán mốc kỷ lục. Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu gấp 4 lần bình quân thế giới.
Thủ tướng cũng đánh giá, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam chủ động tham gia thời gian qua cho thấy sự đúng đắn bởi việc xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả hơn trong năm qua.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công thương cần bám sát Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành cho 10 năm tới. Theo đó, việc xây dựng thể chế, chính sách tiên tiến, nhất là quy hoạch phát triển, làm đà cất cánh cho Việt Nam nói chung, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn, là một yêu cầu cấp bách của ngành công thương.
Bên cạnh đó, trọng trách của ngành công thương là việc phát triển công nghiệp giảm phụ thuộc vào dầu thô, thay vào đó phải phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học - công nghệ làm động lực của nền tảng cạnh tranh. Chính vì vậy, việc nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức cần thiết.
Phải tạo thuận lợi tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu trên tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát các diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp.
Chủ động theo dõi, đề xuất và triển khai những chính sách, giải pháp tức thời có hiệu lực trong phạm vi quốc gia để điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với từng thời kỳ.
Nêu những nhiệm vụ nặng nề của đất nước năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành phải tập trung để cùng Chính phủ hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành công thương, đó là công ngiệp chế biến, chế tạo một năm tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD vào năm 2020, xuất siêu đạt 2% GDP; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 tăng 12%.
Bộ Công thương phải đi đầu để giải quyết vấn đề quy hoạch, không vì quy hoạch mà ách tắc phát triển. Phải có chủ trương, biện pháp cụ thể để giải phóng nguồn lực đang trì trệ. Đặc biệt, cần thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các cam kết quốc tế trong người dân và doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương tập trung xử lý giải quyết các dự án lỗ kéo dài.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành cũng thực hiện ghi thức khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử của Bộ Công thương.
Phương Thanh