Kinh tế

Hà Nội: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

TĐKT - Ngày 28/11, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2016”, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tới dự, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, những đóng góp của các doanh nhân, các nhà đầu tư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh TP Hà Nội đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng. Ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014, cùng với những chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp: chính sách trợ giúp tài chính, chính sách mặt bằng sản xuất, chính sách đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật, chính sách xúc tiến mở rộng thị trường… tạo môi trường, điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.     Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp 2016 Tại hội nghị, các địa biểu cho rằng, năm 2016 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và thu hút đầu tư trong phạm vi cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là năm Hà Nội có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước tới nay với trên 200 nghìn doanh nghiệp, hoạt động ở mọi ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều này đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Thủ đô cao nhất trong 6 năm qua. Kết quả đó một mặt cho thấy hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện của TP Hà Nội đối với các doanh nghiệp; mặt khác phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của thành phố, đồng thời cũng là tín hiệu lạc quan đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố vẫn còn có những khó khăn: việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ...; mức tăng trưởng vừa qua của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào chiều rộng, chưa có chiều sâu. Chủ trương, chính sách của thành phố chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. Kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm qua của Hà Nội đã khẳng định rất rõ điều này, trong 11 tháng đầu năm 2016 đã có trên 13 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ hoạt động.     Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc Hội nghị Hội nghị chỉ ra rằng, trong năm 2017, Hà Nội sẽ tập trung tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ sau khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh: tiếp cận đất đai; nguồn vốn; nguồn nhân lực; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại; tiến bộ khoa học, các công nghệ mới nhất để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của hàng hóa. Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, các loại hình hợp tác xã. Tổ chức xây dựng mô hình Khu dịch vụ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ nâng cao năng lực dự báo các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế để từ đó chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và vượt qua được các thách thức… Mai Thảo

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển

TĐKT - Sáng 25/11, tại Hà Nội, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phối hợp với Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hawasme), Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định: các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã đóng góp tích cực cho ngân sách, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” Hiện tại, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ đang chiếm ¼ số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, nhưng đang gặp phải nhiều khó khăn: thiếu các kỹ năng, thông tin thị trường, khả năng tiếp cận nguồn tài chính; khó tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước; khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhu cầu được hỗ trợ của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chia sẻ những bài học thành công từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các sáng kiến hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này. Đặc biệt, các đại biểu đến từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã đưa ra đề xuất, khuyến nghị với Chính phủ và các cơ quan có liên quan các giải pháp hỗ trợ thiết thực, cần thiết và hiệu quả nhằm thúc đẩy việc phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Từ đó, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, 4 nhóm giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp nữ đề xuất là giải pháp về chính sách; hỗ trợ xúc tiến thương mại; tiếp cận tài chính; xây dựng năng lực. Bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia về giới của MBI khẳng định: tháo gỡ những rào cản về giới cho doanh nhân nữ không chỉ phù hợp với mục tiêu về bình đẳng giới và thông lệ quốc tế mà còn giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện mục tiêu trong phát triển chiến lược bền vững quốc gia là đến năm 2020 sẽ có 35% doanh nghiệp do nữ làm chủ, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch VWEC  cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; đồng thời tạo điều kiện và chuyển giao các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến cho doanh nhân nữ. Thục Anh

Trang