Kinh tế

EVFTA tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam

TĐKT - Sáng 24/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu". Quang cảnh Hội thảo Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn những cam kết của EVFTA trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và có cái nhìn sâu rộng hơn về cơ hội, thách thức, tác động mà EVFTA mang lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7 - 8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019. Bà Đinh Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký và hiện hiệp định đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Theo đó, dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải… có các cam kết mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU đầy tiềm năng với 512 triệu dân. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU năm 2019 tăng 13,6 lần. Lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics. Theo ông Tạ Hoàng Linh, trước cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA, quan hệ thương mại trong khuôn khổ hiệp định này có thể làm tăng nhu cầu vận chuyển không chỉ giữa EU và Việt Nam mà còn cả EU với Đông Nam Á. Với EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển của ngành logistics Việt Nam. Về những thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt nam, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khẳng định, các chủ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải lựa chọn: Tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp sẽ phải đồng thời đối diện với gia tăng sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ. Tuy nhiên, cơ hội sẽ có nhiều, nhất là đối với người lao động. Người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tăng thu nhập và phúc lợi. Đặc biệt, đối với nền kinh tế nước ta, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics sẽ gia tăng. Phương Thanh  

Lễ hội Dây tây Hàn Quốc 2019

TĐKT – Diễn ra từ ngày 20/12 – 23/12, Lễ hội Dây tây Hàn Quốc 2019 tiếp tục mang tới không khí nhộn nhịp tại chuỗi siêu thị K-market Hà Nội. Nhiều khách hàng đã tìm tới đây để nếm thử hương vị và lựa chọn cho gia đình mình những trái dâu tươi ngon, an toàn cho sức khỏe. Trái dâu tây Hàn Quốc được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng Tại Lễ hội dịp này, K-market giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô sản phẩm dâu tây giống Maehyang đến từ Gimhae (Hàn Quốc). Đó là những trái dâu được lựa chọn kỹ càng từ nhà kính, kết hợp với công nghệ bảo quản mát giúp giữ được độ tươi ngon của quả. Dâu tây Maehyang có độ ngọt cao, quả đỏ, mọng nước. Đặc biệt, dâu tây Hàn Quốc chứa hàm lượng lớn vitamin (A, B1, B2, C) và chất khoáng (K, Na, Fe…), lượng đường Fructose cao. Đây là tính ưu việt của quả dâu tây, giúp tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm và chống stress, chống lão hóa, giảm tác hại của thuốc lá. Nước dâu tây là thức uống giải khát rất được ưa chuộng. Bà Kim Chin Hi, Ban Lưu thông nông sản TP Gimhae cho biết: Tại Gimhae có khoảng 200.000 m2 trồng dâu tây. Năm vừa rồi, chúng tôi đã xuất khẩu được 45 tấn dâu tây tới Việt Nam, dự kiến con số này sẽ tăng lên thành 60 tấn vào năm sau. Chúng tôi hy vọng rằng, ngoài dâu tây, thời gian tới, Gimhae có thể xuất khẩu thêm quả hồng, một loại nông sản đặc trưng khác của thành phố tới thị trường Việt Nam. Lễ hội Dây tây Hàn Quốc 2019 diễn ra tại K-market Golden Palace, K-market Keangnam, K-market Goldmark Sapphire. Minh Phương

Hội thảo “Khoa học công nghệ - giải pháp cho phát triển nông nghiệp bền vững”

TĐKT - Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương và trao giải thưởng Lương Định Của năm 2019, ngày 19/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ - giải pháp cho phát triển nông nghiệp bền vững”. Hơn 100 đại biểu, khách mời cùng 34 gương thanh niên điển hình đã tham gia Hội thảo. Quang cảnh Tọa đàm Tại Hội thảo, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp đã trình bày chuyên đề “Xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0”. Trong đó nêu ra những thách thức đối với ngành nông nghiệp hiện nay: Quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, đất ít khả năng phục hồi, ô nhiễm môi trường..., ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, GS.TS Lê Huy Hàm nêu ra các xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo thu hút sự tham gia của 34 gương thanh niên điển hình Các đại biểu cũng được lắng nghe Tiến sĩ Nghiêm Quốc Đạt, Trưởng Phòng Phát triển dự án – Văn phòng các chương trình KHCN Quốc gia giới thiệu về chính sách hỗ trợ của các chương trình KHCN Quốc gia cho doanh nghiệp/ tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng lắng nghe những chia sẻ của đại diện một số dự án nông nghiệp tiêu biểu đã được hỗ trợ từ các chương trình KHCN Quốc gia. Chiều cùng ngày, các gương thanh niên nông thôn điển hình cũng được tập huấn kỹ năng bán hàng trên các trang thương mại điện tử, nghe chia sẻ từ các đại diện của các trang thương mại điện tử về yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp giao dịch trên các trang thương mại điện tử. Đây cũng là dịp để các nhà nông trẻ từng bước tiếp cận và làm chủ kinh doanh trong thời đại số. Mai Thảo

Hội thảo khoa học về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

TĐKT - Sáng 19/12, Khoa Quản lý Kinh doanh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức nhằm báo cáo các kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Quản lý Kinh doanh và cùng thảo luận những vấn đề, thực trạng cũng như các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện nay. GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Hội thảo Dự Hội thảo có GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng ban chức năng trong nhà trường. TS. Đoàn Hữu Xuân, Chủ nhiệm Khoa Quản lý Kinh doanh phát biểu tại Hội thảo Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Đoàn Hữu Xuân, Chủ nhiệm Khoa Quản lý Kinh doanh cho rằng, đối với Việt Nam, phát triển kinh tế tư nhân để khởi động một bộ phận quan trọng có nhiều tiềm năng, gia tăng quy mô và nội lực kinh tế của đất nước. Về chính trị thì phát triển kinh tế tư nhân là thực quyền làm chủ của nhân dân, huy động rộng rãi mọi nguồn lực vào phát triển. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong tất cả các ngành, các lĩnh vực là giải pháp cơ bản tăng quy mô nền kinh tế, biến tiềm năng thành khả năng hiện thực. Từ vị trí mới, kinh tế tư nhân sẽ là nội lực tạo thành một đối chứng năng động cùng với các khu vực kinh tế khác hợp tác, cạnh tranh và phát triển. TS. Đoàn Hữu Xuân cũng bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo lần này, các nhà khoa học tham dự sẽ đưa ra những ý kiến, giải pháp hữu hiệu để phát triển nền kinh tế tư nhân dưới sự tác động đa chiều của công nghệ 4.0. Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Việc cải cách môi trường, thể chế, dỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường đã tạo ra không khí phấn chấn, khuyến khích tinh thần kinh doanh, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nền kinh tế tư nhân cũng còn gặp một số khó khăn, thách thức nhất định cần được tháo gỡ, giải quyết. GS. TS. Đinh Văn Tiến hy vọng các tham luận được trình bày trong Hội thảo sẽ chỉ rõ những vấn đề vướng mắc của nền kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay để đưa ra giải pháp hữu dụng, qua đó góp phần nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của các cán bộ, giảng viên trong Khoa Quản lý Kinh doanh. Hội thảo gồm có 2 phần: Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn; vai trò động lực của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế - thực trạng và giải pháp. Các tham luận tại Hội thảo đã bàn luận một cách sâu sắc về những vấn đề liên quan đến nền kinh tế tư nhân, mang đến những cái nhìn toàn diện và đầy đủ về hình thức kinh tế này, đồng thời, cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách hợp lý nhằm quản lý, phát triển cũng như kiểm soát nó hiệu quả hơn trong thời gian tới.                                                                                 Tin: Thu Hương                                                                                 Ảnh: Việt Anh

Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

TĐKT - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả cũng như tồn tại, khó khăn và đưa ra định hướng, giải pháp cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và thực hiện thành công Nghị quyết số 36/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Toàn cảnh Hội nghị Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật; cùng đó là đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác hải sản, phát triển ngành kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng. Đến nay, tổng diện tích vùng biển thuộc các khu bảo tồn đã đi vào hoạt động là 133.766 ha (11/16 khu), tương ứng 0,134% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, đạt 55,8% so với mục tiêu được phê duyệt. Năm 2019, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô lớn, tổng số giống thủy sản được thả xuống các thủy vực tự nhiên là 91,3 triệu con gấp hơn 2 lần so với năm 2018. Công tác phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản cũng được quan tâm... Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Trong những năm qua ngành thủy sản đã phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch…); suy thoái hệ sinh thái thủy sinh như: Hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển… Chính vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không có tư duy đúng về bảo tồn biển sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn. Việc Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội thông qua được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc định hướng, các giải pháp cho bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đề ra một số giải pháp: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó tập trung tuyên truyền đối với các cá nhân, tổ chức được giao quản lý nguồn lợi thủy sản, người dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên, đặc biệt là những người dân làm nghề khai thác thủy sản trái phép như xung điện, chất nổ, chất độc, giã cào. Tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Song song với đó, cần tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương… PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017. Cùng với đó, tiến hành đánh giá đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển; triển khai thử nghiệm nghề cá giải trí trong các khu bảo tồn biển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển ở cấp quốc gia; quản lý du lịch bền vững trong khu bảo tồn; xây dựng và thực hiện dự án “Giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa trong các Khu bảo tồn biển Việt Nam”… Phương Thanh

Sắp diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019

TĐKT - Sáng 19/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chủ trì họp báo. Theo đó, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 sẽ được tổ chức ngày 23/12/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chủ trì họp báo Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; dự kiến có khoảng 1000 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương; đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, bao gồm các tổ chức quốc tế như WB, ADB, AFD, JICA, KOICA, USAID; các tổ chức chính trị - xã hội; VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp đa ngành, chuyên ngành, hiệp hội quốc tế; các chuyên gia kinh tế; các doanh nghiệp trong và ngoài nước… Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa. Thông qua Hội nghị, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đồng thời tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường. Bên lề Hội nghị có tổ chức trưng bày sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị của một số tập đoàn và doanh nghiệp tiêu biểu như: SunGroup, FLC, Viettel, Habeco, VinGroup, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Hapro… thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mai Thảo

Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu

TĐKT - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công thương phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị đối thoại: Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu. Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm hiểu biết, thông tin về các cam kết về phòng vệ thương mại và những tác động của các biện pháp này đối với các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu. Thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tiếp tục tăng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa, có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành. Tại Hội nghị, các diễn giả đã tập trung thảo luận về tác động, thách thức và những vấn đề đặt ra của các biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ; chia sẻ, đóng góp giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định về xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại, từ đó có hành động phù hợp dựa trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế trong các hoạt động xuất khẩu. Phương Thanh

Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ

TĐKT - Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp bàn triển khai Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn. Theo đó, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Các nội dung của đề án được tập trung ở 4 giải pháp chủ yếu: Phân tích, đánh giá thực trạng công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu trong thời gian qua, đối với nội dung này, đề án chỉ rõ các bất cập, nhược điểm của mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu hiện nay và của hệ thống pháp luật liên quan. Chính vì thế, mô hình kiểm tra hiện nay làm tốn chi phí, nguồn lực đối với cả nhà nước và của doanh nghiệp, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc kiểm tra theo từng lô hàng nhưng kết quả phát hiện vi phạm rất thấp, không tương xứng với nguồn lực. Nguyên tắc quản lý rủi ro được áp dụng nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao. Chưa áp dụng rộng rãi việc công nhận,  thừa nhận lẫn nhau, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành; mô hình kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ Tổng cục Hải quan đưa ra mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của một số nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Campuchia, Ấn Độ. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã đề xuất đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trên cơ sở phân tích, đánh giá mô hình hiện nay và kinh nghiệm quốc tế, đề án đưa ra mô hình mới cho công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng: Thứ nhất, các bộ, ngành là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng làm cơ sở thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu sau thông quan. Thứ hai, cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu. Thứ ba, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa đối với hàng hóa do mình xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo sự chỉ định của các bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy để làm cơ sở cho cơ quan hải quan thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, đối với hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra hoặc tự nguyện công bố áp dụng, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra đột xuất đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu khi có thông tin hàng hóa không đạt chất lượng; hoặc có cảnh báo của các bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất về chất lượng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Mặt khác, hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với các công ước, hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia. Lợi ích của mô hình này, đối với Chính phủ sẽ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm nguồn lực, chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đối với doanh nghiệp, sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng của hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp... Để triển khai được mô hình mới trong công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, cần thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa các luật có liên quan. Nâng cao năng lực kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu cho cơ quan hải quan. Ngoài ra, tại Đề án sẽ đưa ra lộ trình thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và năng lực thực hiện kiểm tra của chất lượng cơ quan hải quan. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2020. Hồng Thiết                    

Khai trương "Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến"

TĐKT - Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử (TMĐT), tạo niềm tin cho người tiêu dùng, sáng 18/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Lễ khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT” và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” đợt 2. Các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25 % -30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với Tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8.06 tỷ đô la. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp cho các phương thức kinh doanh dựa trên môi trường mạng được thúc đẩy nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, internet và TMĐT cũng có những mặt trái đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các website/ứng dụng TMĐT. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: "Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT" là 1 trong 6 nhóm giải pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu Bộ Công thương đề ra tại Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT trong TMĐT giai đoạn 2018 - 2020; giúp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp quản lý, giám sát thực thi và hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công thương. Việc triển khai Hệ thống này còn đảm bảo việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công thương với cộng đồng doanh nghiệp. Hệ thống bao gồm 3 phân hệ chính: Hệ thống quản lý và giám sát hoạt động TMĐT tại địa chỉ Online.gov.vn - dịch vụ công mức độ 4 được nâng cấp, hoàn thiện thay thế cho Cổng online.gov.vn (triển khai từ năm 2013). Hệ thống thông tin, cảnh báo, hỏi đáp trực tuyến và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT tại địa chỉ: chonghanggia.online.gov.vn. Hệ thống báo cáo trực tuyến về tình hình hoạt động TMĐT của các doanh nghiệp tại địa chỉ baocao.online.gov.vn. Nhân dịp này, Bộ Công thương đã tổ chức Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT" đợt 2 với sự tham gia của 10 doanh nghiệp, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các sàn giao dịch TMĐT chung tay phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả. Tại Hội nghị, các hãng, nhãn hàng đã chia sẻ và thảo luận về thực trạng vi phạm đến hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT và đề xuất giải pháp phối hợp với Bộ Công thương cũng như các chủ sở hữu website và các sàn TMĐT nhằm đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới. Phương Thanh  

Khai mạc Tuần lễ cam Vinh và sản phẩm, đặc sản tỉnh Nghệ An tại Hà Nội năm 2019

TĐKT - Tối 17/12, tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp cùng siêu thị Big C Thăng Long, một thành viên của tập đoàn Central Retail, tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ cam Vinh và sản phẩm, đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2019. Đây là lần đầu tiên sự kiện diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Nghi thức khai mạc tuần lễ cam Vinh Sự kiện thu hút sự tham gia của 90 gian hàng, đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, hiệp hội, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh cam Vinh. Cụ thể: Các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của các làng nghề, 42 gian hàng; Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, 40 gian hàng; ngoài ra, còn có thêm các gian hàng trưng bày, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm truy xuất nguồn gốc; giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại và sản phẩm khoa học và công nghệ của tỉnh Nghệ An… Cùng với Lễ khai mạc sự kiện diễn ra tại Big C Thăng Long, dịp này, sản phẩm đặc sản nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Nghệ An là cam Vinh sẽ được giới thiệu trên hệ thống 37 siêu thị và đại siêu thị Big C và GO! tại 22 tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với đặc sản cam Vinh chính hiệu, trong thời gian diễn ra chương trình, Big C sẽ áp dụng khuyến mãi hấp dẫn chỉ 36.900 đồng/kg (giảm giá 17% so với giá thường 44.900 đồng/kg). Bên cạnh đó, nhằm giúp tăng giá trị thương hiệu cho cam Vinh, Big C cũng giới thiệu thêm các món đồ ăn, thức uống được đội ngũ thợ nghề bậc cao của Big C chế biến từ cam Vinh như: Nước cam, các loại bánh từ cam như Cookies, bánh kem mini, macaron, xốp mứt cam. Đại diện Big C (bên phải) trao biên bản hợp tác giữa Big C và các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Nghệ An Cũng trong dịp này, còn diễn ra các hoạt động quan trọng khác như: Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ mở rộng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gừng Kỳ Sơn; Lễ ký kết Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa Big C và doanh nghiệp Nghệ An; “Chương trình tập huấn Hướng dẫn quy trình hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại của Big C và Go! Việt Nam” dành cho gần 200 đại diện hộ nông dân và hợp tác xã của tỉnh Nghệ An. Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, khí hậu, sông suối, thổ nhưỡng đa dạng, đã sản sinh ra nhiều cây, con đặc sản, nhiều sản phẩm truyền thống tồn tại và phát triển từ lâu đời. Bên cạnh đặc sản cam Vinh - những quả cam mọng nước, ngọt ngào, mang hương vị đặc trưng của vùng mà bất kỳ ai đã từng thưởng thức đều có thể cảm nhận, tỉnh Nghệ An còn có rất nhiều sản phẩm, đặc sản nổi tiếng khác như: Gừng Kỳ Sơn; dứa Quỳnh Lưu, su su Quỳnh Liên, bơ Nghĩa Đàn, chè Nghệ An, chè gay Anh Sơn, bưởi hồng Quang Tiến, ổi Nghĩa Đàn, chanh leo Quế Phong, dưa rẫy Kỳ Sơn, Quế Phong, trám đen Thanh Chương, mận Tam Hoa, Kỳ Sơn… Bên cạnh đó là các loại vật nuôi như dê Tân Kỳ, gà Thanh Chương, gà vườn rừng Yên Thành, vịt bầu Quỳ Châu, gà Phủ Diễn; các sản phẩm chế biến: nước mắm Vạn Phần, nước mắm Quỳnh Dị, cá thu nướng Cửa Lò, mực khô Quỳnh Lưu, tôm nõn Diễn Châu, súp lươn, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, rượu Mú Từn Quế Phong, rượu men lá Con Cuông,… và nhiều sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng miền đang từng bước được phát triển và thương mại hóa. Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ mở rộng chỉ dẫn địa lý cam Vinh Tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm có chất lượng của tỉnh đến với các thị trường trong nước. Thủ đô Hà Nội là một trong những thị trường lớn đầy hứa hẹn đối với các sản phẩm, đặc sản của Nghệ An, đặc biệt là cam Vinh. “Tuần lễ cam Vinh và sản phẩm, đặc sản Nghệ An tại Hà Nội năm 2019, tại siêu thị BigC, Thăng Long, Hà Nội” là dịp để các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của Nghệ An gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh lân cận để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, các đặc sản của địa phương mình; tạo điều kiện cho các đơn vị, nhà vườn, người chăn nuôi tỉnh Nghệ An liên kết tiêu thụ nông, thủy sản chất lượng, an toàn với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết: Nhận thức sâu sắc giá trị thực sự của trái cam tiến vua, cũng như những sản vật nông nghiệp khác xứ Nghệ, trong những năm vừa qua, tập đoàn Central Retail nói chung và hệ thống đại siêu thị và siêu thị Big C và Go! Việt Nam nói riêng đã có nhiều hoạt động nhằm xúc tiến tiêu thụ và nâng cao giá trị của những sản phẩm này trong hệ thống bán lẻ hiện đại. Chỉ tính riêng trong năm 2019, gần 700 tấn nông sản, đặc sản Nghệ An đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và đại siêu thị Big C và Go! Việt Nam trên toàn quốc, đến tay hơn 70 triệu lượt khách hàng. Đặc biệt, với chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, các sản phẩm đặc sản như cam Vinh, su su trồng trên cát của Nghệ An đã đạt được những con số tiêu thụ ấn tượng. Đó là minh chứng cho thấy sản vật xứ Nghệ khi được trao trả lại giá trị đích thực của mình, sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Tự hào được phân phối cam Vinh và các sản phẩm nông sản, đặc sản xứ Nghệ trong hệ thống 37 cửa hàng tại 22 tỉnh thành trên khắp cả nước, Tập đoàn đã thực hiện thu mua trực tiếp cam Vinh và các sản phẩm nông sản, đặc sản từ các hộ nông dân, hợp tác xã… tại Nghệ An mà không thông qua thương lái. Điều này góp phần tạo điều kiện để các sản vật xứ Nghệ đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn, đồng thời giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng ngàn nông dân tại Nghệ An. Hồng Thiết    

Trang