Hà Nội thi đua ái quốc

Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổng kết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2018

TĐKT - Ngày 10/8, thị xã Sơn Tây tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2018. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng tới dự. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với bà Ngô Thị Tuyết Năm 2018, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" thu hút được nhiều cán bộ,  công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn thị xã tích cực tham gia.  Đặc biệt, nhằm kịp thời phát hiện, tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của những gương “Người tốt, việc tốt”, thị xã Sơn Tây đã triển khai sôi nổi và hiệu quả cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Từ cuộc thi viết, có 11 trường hợp được thị xã Sơn Tây xét, đề nghị và được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Tiêu biểu trong số đó là tấm gương ông Đào Khiêm, xã Sơn Đồng. Tuy tuổi đã cao (sinh năm 1942) nhưng với tinh thần trách nhiệm của người lính cụ Hồ, ông đã không quản ngại lên đường đi tìm hài cốt của các liệt sĩ. Bà Khuất Thị Tuyên tình nguyện hiến 100 m2 đất mở đường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bà Đào Thái Thụy hằng tuần nấu 500 bát cháo tặng bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Quân đội 105; hằng tuần, hằng tháng đến thăm và chăm sóc người già, người bị liệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV tại các Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật - xã Thụy An, Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số II - xã Yên Bài (huyện Ba Vì)... Các cá nhân được tặng danh hiệu người tốt,  việc tốt năm 2018 Tại Hội nghị, 11 cá nhân được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, 56 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thị xã; 19 tập thể, 18 cá nhân được khen thưởng vì có thành tích trong thực hiện cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Tại Hội nghị, thị xã Sơn Tây đã phát động phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2019. Cũng dịp này đã diễn ra Lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với bà Ngô Thị Tuyết (quê quán tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; thường trú tại phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây). Trường Giang

Người viết hơn 17 nghìn lá thư báo phần mộ liệt sĩ

TĐKT - Thấu hiểu nỗi đau cũng như khát khao, niềm mong mỏi của những gia đình có người thân đã hy sinh trong kháng chiến mà chưa tìm được mộ, hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Tiến Xuân (81 tuổi) ở xóm Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức đã tình nguyện viết hơn 17 nghìn lá thư báo phần mộ liệt sĩ cho nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Tuần nào cũng vậy, cứ đến giờ phát sóng chương trình Những thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Xuân lại chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận lại những thông tin về tên, tuổi, quê quán và nơi mộ phần của những liệt sĩ chưa được người thân đến nhận. Sau đó, viết một bức thư thông báo, gửi về địa phương của liệt sĩ ấy, với mong muốn phần mộ của các liệt sĩ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương. Ông Nguyễn Tiến Xuân đang xem danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã thu thập được năm 2018 Ông Nguyễn Tiến Xuân cho biết, ông đã làm công việc ấy từ năm 2007.  Ông vốn sinh ra trong gia đình có công với cách mạng, có hai người anh trai là liệt sĩ, đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống Pháp, trong đó có một người đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Bao nhiêu năm nay, ông và người thân trong gia đình vẫn tìm kiếm và luôn đau đáu, mong rằng ngày nào đó sẽ nhận được tin báo về người anh trai ấy. “Chứng kiến bao nhiêu năm người mẹ ruột xót xa, mỏi mòn ngóng trông đứa con mà mình đã mang nặng, đẻ đau trở về; chịu đựng nỗi đau mất đi mãi mãi người anh trai, khúc ruột thịt, tôi thực sự thấu hiểu và cảm thông với những gia đình cùng cảnh ngộ. Mỗi lần nghe đài, thấy nhiều liệt sĩ vẫn chưa được gia đình đưa hài cốt về quê hương khói, tôi xót xa như chính trường hợp của gia đình tôi. Tôi nghĩ rằng, chắc do chương trình phát trên đài phát thanh nên nhiều gia đình liệt sĩ không nghe được thông tin, nên muốn làm một việc nhỏ vừa để thay lời cảm ơn tới những chiến sĩ đã “che bom, chắn đạn” cho mình còn sống đến ngày hôm nay; vừa để mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho những người mẹ, người vợ, người con của những liệt sĩ ấy” – ông Nguyễn Tiến Xuân chia sẻ. Cầm trên tay hơn chục cuốn sổ ghi chép những thông tin về các liệt sĩ đã cũ kỹ, ông bảo, có tuổi rồi, tai không còn thính như bọn trẻ. Có đợt ông phải nghe đi nghe lại mới ghi được đầy đủ thông tin. Nhưng dần dần, khi có điện thoại thông minh, ông đã biết ghi âm chương trình trên đài và nghe lại từ điện thoại để ghi chép thông tin cho chính xác. Khi gửi thư, ông kèm theo số điện thoại cá nhân và địa chỉ của mình để người thân của các liệt sĩ tiện liên lạc. Mỗi tháng, những lá thư được ông gửi đi khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình... Ông cũng đưa cho chúng tôi xem những chồng thư do thân nhân của các liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước gửi cho ông từ nhiều năm qua. Nhiều lá thư đã ố vàng bởi thời gian nhưng khi đọc lên vẫn chứa chan niềm cảm xúc. Trong đó có lá thư của gia đình bà Đặng Thị Dung là con của liệt sĩ Đặng Đình Lân (Đông Hưng, Thái Bình) viết: Gia đình cháu đã nhiều năm đi tìm mộ của bố Lân nhưng đều vô vọng. Nhận được lá thư của bác vào tháng 5/2009, gia đình cháu đã tìm đến nghĩa trang Lục Ngạn, Bắc Giang– nơi bố Lân đang nằm. Khi tìm được mộ, không ai bảo ai, thấy tên người thân, cả gia đình đã gục đầu xuống khóc…Cảm ơn bác nhiều lắm!....”. Thư của ông Đào Hùng Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có đoạn: “Ngày 19/4/2008, UBND xã An Đỗ nhận được thư báo tin mộ liệt sĩ của ông. Thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Đỗ, xin trân trọng cảm ơn ông đã báo tin về phần mộ liệt sĩ Văn Đình Lung, là người con của quê hương đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị… Phần mộ liệt sĩ đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Đỗ…”…  Trong số hơn 15 nghìn lá thư báo mộ liệt sĩ được ông gửi đi trong 10 năm qua (2007 – 2017), đã có 276 liệt sĩ sau bao năm xa cách nơi đất khách quê người, đã được người thân đưa về quê hương. Ông tâm sự: “Mỗi lần biết thêm liệt sĩ đã tìm được thân nhân, tôi vui lắm nhưng khi nhìn vào danh sách tên liệt sĩ hay đến những ngôi mộ vô danh, lòng tôi lại cảm thấy đau nhói. Không biết những bức thư không có hồi âm, những ngôi mộ vô danh kia đến bao giờ mới tìm được về với gia đình, quê hương. Tôi tự nhủ bằng mọi cách phải đưa các anh về với nơi chôn nhau cắt rốn”. Với mong muốn có thêm nhiều phần mộ liệt sĩ nhanh chóng được trở về với vòng tay của người thân, năm 2017, ông Nguyễn Tiến Xuân đã gửi thư đề nghị bàn giao lại danh sách các liệt sĩ đã tìm được cho Bộ Quốc phòng và mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Năm 2018, bước sang tuổi 81, chân tay đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng ông vẫn miệt mài làm “chiếc cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ. Đưa cho chúng tôi tập giấy A4 dày cộp, ông Xuân bảo, đây là danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã tìm được năm 2018 thông qua các trang web trên internet. Trong số đó, ông đã báo được 2.000 liệt sĩ. Mong muốn của ông là làm nhiều hơn nhưng viết không xuể vì quá nhiều. Riêng nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị đã có 12.000 liệt sĩ. Ông Xuân dự định, trong 4 - 5 năm tới, khi đã in được danh sách 100.000 liệt sĩ, ông sẽ mở một phòng lưu giữ các danh sách liệt sĩ, sẽ thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho các gia đình liệt sĩ có thể liên hệ với ông tìm liệt sĩ trên sổ sách trước, tránh tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Hưng Vũ

Hà Nội đưa tiêu chí “không hút thuốc” để xét tặng gia đình văn hóa

TĐKT - Nhằm hướng đến môi trường Thủ đô không khói thuốc, trong giai đoạn 2017 – 2018, TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã đưa tiêu chí “không hút thuốc” vào để xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa và khu dân cư văn hóa. Cùng với các tiêu chí như: Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng…thì việc xây dựng tổ ấm không có người hút thuốc cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa ở Thủ đô. Đây là sự nỗ lực, cần thiết nhằm đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống. Thời gian qua, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; bố trí đội ngũ tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong cộng đồng dân cư, trong các lễ hội, đám cưới, đám tang, cuộc vui gia đình…  Cùng với đó là yêu cầu sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các tổ chức hội, tích cực vận động hội viên không hút thuốc và sử dụng thuốc dưới mọi hình thức. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính và mô hình “Nhà hàng không khói thuốc” trên địa bàn thành phố. Xây dựng và triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tập trung vào các điểm du lịch nổi tiếng tại nội thành: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... Tiếp tục duy trì và triển khai điểm tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá. Thục Anh

Quận Thanh Xuân tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt 2018

TĐKT - Ngày 3/8, quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, phong trào “Người tốt, việc tốt” và sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2018. Năm 2018, cuộc thi viết về gương điển hình tiến tiến, người tốt, việc tốt, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” quận Thanh Xuân đã được triển khai rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được triển khai hiệu quả trên khắp các lĩnh vực, luôn bám sát, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chọn và thực hiện các chỉ tiêu khó, các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, đời sống dân sinh, góp phần vào thành tích chung của toàn quận.  6 tháng đầu năm 2018, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,1%; giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách đạt 2.394 tỷ đồng, bằng 42,86% dự toán thành phố giao. Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn quận, đặc biệt trên các tuyến đường, phố có sự thông thoáng và gọn đẹp hơn. Tai nạn giao thông giảm 2/3 tiêu chí… Những cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Đặc biệt, cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn quận trong năm 2018 đã phát huy được tính hiệu quả tích cực. Sau 8 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 328 bài dự thi cấp quận. Các bài viết đã phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, biểu dương những hành động, những việc làm bình dị, nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày, thể hiện tấm lòng nhân ái, tính nhân văn và trách nhiệm đối với cộng đồng trong nhiều lĩnh vực như nhân đạo, từ thiện, hiến máu tình nguyện, trật tự, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường... Qua các phong trào thi đua, quận Thanh Xuân đã phát hiện nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt”, những cán bộ cơ sở miệt mài, tận tụy, đang từng ngày, từng giờ cống hiến sức lực và trí tuệ. Trong đó, bà Phạm Thị Thành, cán bộ lão thành cách mạng liên tục ủng hộ kinh phí cho các quỹ từ thiện, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn; ông Lê Huy, người sáng lập và là Đội trưởng đội phát cháo từ thiện Từ Tế. Bà Phạm Thị Phương Đoan vận động quyên góp hàng tấn quần áo để ủng hộ nhân dân vùng cao, vùng lũ lụt. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, tham gia vớt rác tại hồ Rùa, bóc, xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định, vận động xã hội hóa 15 ghế đá trị giá 7.500.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng phụ nữ tổ dân phố phường Thanh Xuân Nam quyên góp, ủng hộ tặng quà cho các cháu đang điều trị tại Bệnh viện K2 Tân Triều. Đều đặn hàng tuần, bà đến Bệnh viện K2 Tân Triều để phát cháo từ thiện cho bệnh nhân... Tại Hội nghị, 158 cá nhân đã được trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; 50 tập thể và 142 cá nhân có thành tích tốt trong phong trào thi đua 6 tháng đầu năm được tặng Giấy khen; 14 tập thể có thành tích triển khai phát động cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng. Thục Anh

Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt ngành lao động - thương binh và xã hội Hà Nội

TĐKT - Ngày 1/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” và tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” năm 2018. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh tới dự. Hưởng ứng phong trào thi đua do thành phố và Trung ương phát động, năm 2018, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của ngành lao động - thương binh và xã hội Thủ đô tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh. 7 tháng đầu năm 2018, toàn ngành đã tích cực thi đua giải quyết việc làm cho 98.959 người; đào tạo nghề cho 44.000 lượt người; tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 598 người, tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho 1.277 người và 13.367 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện chính sách xã hội, nhất là chính sách người có công được được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời, đảm bảo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Tính đến ngày 15/7/2018, toàn thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được 21,931 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch; tặng 3.271 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 4,081 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch; tu sửa nâng cấp 101 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 58,46 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở đối với 371 hộ gia đình người có công với cách mạng, đạt 136,4% với tổng kinh phí vận động là 15,44 tỷ đồng. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Đặc biệt, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai có hiệu quả. Sở đã tham mưu UBND TP tổ chức thành công Chương trình “Vòng tay nhân ái”, qua đó, hỗ trợ 21 tỉnh với 13,84 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực triển khai Kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4.341 nhà ở cho hộ nghèo tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 17/7/2018, toàn thành phố đã có 3.746 nhà hộ nghèo được khởi công xây dựng, sửa chữa. Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với Viện Tim Hà Nội triển khai khám tim mạch học đường và tặng quà cho 4.570 trẻ em với tổng trị giá 182,8 triệu đồng…  Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động sáng tạo, tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả trong các lĩnh vực công tác. Ghi nhận những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua, tại Hội nghị, 12 cá nhân và tập thể được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của UBND TP Hà Nội; 28 cá nhân, trong đó có 80% là lao động trực tiếp được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khen thưởng. Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã phát động thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2019. Thục Anh

TP Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

TĐKT - Ngày 28/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tới dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn… Tới dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí là Thường trực, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư và nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước và nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố... cùng các đồng chí lão thành Cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, công dân Thủ đô ưu tú… Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15, về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, theo đó toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hợp nhất vào TP Hà Nội. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội hôm nay. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất  cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. TP Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần). Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Chỉ số PCI tăng liên tục, từ xếp thứ 53 lên thứ 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 17 lên thứ 2 vào năm 2017. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới. Hệ thống y tế, giáo dục phát triển đồng bộ, chất lượng. Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hoá đã được UNESCO vinh danh; TP Hà Nội - biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh. Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đến nay đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% năm 2008 đến nay còn 1,69%... Với những thành tích nổi bật đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (lần ba) năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2018, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực đạt được trong những năm qua. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội năm 2008 là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô Thủ đô lớn nhất từ trước tới nay. Tuy thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, bên cạnh những yếu tố, điều kiện thuận lợi, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng hoàn thành một khối lượng công việc lớn để phát triển Thủ đô như ngày hôm nay. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, thống nhất để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Mai Thảo

“Cây sáng kiến” ngành Thoát nước Hà Nội

TĐKT - “Tuổi trẻ, tài cao” là những nhận xét mà lãnh đạo và đồng nghiệp đã nhận xét về Trần Quang Hải (sinh năm 1984), kỹ sư công nghệ thông tin, Phòng Quản lý vận hành Hệ thống thoát nước, Công ty Thoát nước Hà Nội. Với gần 20 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giá trị làm lợi hàng tỷ đồng, Hải được coi là “cây sáng kiến” tiêu biểu của ngành Thoát nước Hà Nội. Anh là một trong 70 cá nhân vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 năm 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Giúp người dân Thủ đô chủ động đối phó với mưa bão Từ năm 2018, mỗi khi có mưa bão, người dân Thủ đô đã có thể theo dõi trực tiếp tình hình úng ngập, lượng mưa, qua phần mềm miễn phí HSDC Maps được cài đặt trên điện thoại thông minh. Khi sử dụng phần mềm này, người dân có thể nắm được các vị trí úng ngập, gợi ý đường đi và các hình ảnh trực tiếp tại các vị trí úng ngập. Chỉ cần click vào điểm úng ngập cần tra cứu, phần mềm sẽ cung cấp cho người dùng đầy đủ thông tin và hình ảnh trực tiếp. Ngoài ra, người dân cũng có thể cập nhật các thông tin về úng ngập và tương tác với phần mềm để Công ty Thoát nước Hà Nội kiểm tra, giải quyết. Nhờ đó, những công nhân chuyên ghi dữ liệu nước mưa của Công ty Thoát nước Hà Nội không phải dầm mình dưới mưa, lạnh hay bì bõm trong những vũng nước có lúc dâng cao gần đến cổ người để làm công việc thủ công - đặt máy đo mức nước và ghi chép số liệu, kịp thời báo cáo về công ty... Bản đồ trạm đo mưa tự động được theo dõi trên phần mềm Đó là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ vào công tác quản lý và sản xuất, nhằm tăng năng suất và chất lượng công việc của ngành Thoát nước Hà Nội trong những năm qua. Đặc biệt, là sự dày công nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo của chàng kỹ sư trẻ Trần Quang Hải, Phòng Quản lý vận hành Hệ thống thoát nước, Công ty Thoát nước Hà Nội. Là chủ nhân của đề tài sáng kiến “Ứng dụng công nghệ tin học, điện tử, tự động hóa vào nghiên cứu cải tiến chế tạo Máy đo mưa tự động từ máy đo mưa thủ công” của TP Hà Nội, anh Hải cho biết: Trước đây thiết bị máy đo mưa rất thủ công, gồm: Sensor đo mưa ngoài trời và bộ hiển thị lượng mưa trong nhà sử dụng phương pháp đo cơ hiển thị số liệu tại thiết bị. Công tác báo cáo sử dụng điện thoại hoặc bộ đàm để báo về trung tâm. Thiết bị chỉ lắp đặt được tại các vị trí có nhà trạm do Công ty quản lý. Đồng thời phải có người trực vận hành hàng ngày và ghi chép thông tin lượng mưa. Thiết bị chỉ lắp đặt được tại các vị trí có nhà trạm do Công ty quản lý. Thông tin lượng mưa tại các điểm đặt máy đo mưa còn chậm chưa được kịp thời và không trực quan, thông tin chỉ trong nội bộ Công ty. Các Xí nghiệp chỉ biết lượng mưa tại khu vực đặt máy đo mưa của Xí nghiệp. Để khắc phục những thao tác thủ công trên, anh Hải đã chủ động nghiên cứu, thiết kế chế tạo bộ ghi số liệu với 1 mạch điều khiển thực hiện xử lý và chuyển đổi tín hiệu xung điện (Analog) của Sensor đo mưa thành tín hiệu số (Digital) và truyền về trung tâm điều khiển bằng phương pháp tin nhắn SMS. Hiện tại toàn bộ hệ thống đã nâng cấp lên sử dụng công nghệ 3G để truyền số liệu. Thiết bị hoạt động dựa trên nguyên tắc hoạt động của sensor đo mưa ngoài trời hiện có của công ty. Sáng kiến của anh Hải đã được Ban lãnh đạo công ty đánh giá cao và cho triển khai từ tháng 8/2014. Đến nay, đã nhân rộng và lắp đặt trên toàn địa bàn quản lý của Công ty gồm 41 điểm đo. Thông tin mưa và lượng mưa tại các điểm đặt thiết bị được truyền theo thời gian thực về máy chủ để lưu trữ tại trung tâm giám sát, đồng thời được liên kết với trang thông tin điện tử của TP Hà Nội và công bố trên website của công ty để cho các tổ chức và người dân theo dõi và chủ động trong việc đi lại. Các Xí nghiệp chủ động trong công tác điều hành ứng trực và giải quyết thoát nước trên địa bàn của mình quản lý, cũng như vận hành bơm để hạ mực nước đệm trên các hồ và sông trong nội thành. Đây là sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn, được TP Hà Nội công nhận là sáng kiến cấp thành phố, vừa tiết kiệm chi phí chế tạo vừa không cần công nhân trực vận hành và ghi số liệu hàng ngày. Anh Trần Quang Hải chia sẻ tại cuộc họp báo Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 năm 2018 Anh Hải chia sẻ: Sáng kiến này được áp dụng, tôi thấy rất vui, không chỉ vì giá trị làm lợi của nó mà hơn hết là những đồng nghiệp của tôi không còn phải vất vả trực mưa đêm hôm, làm những công việc thủ công dưới trời mưa bão; những người dân Thủ đô có thể chủ động hơn trong những ngày mưa, hạn chế những nguy hiểm phần nào cho mọi người khi nước mưa dâng cao. Sáng kiến thành công, mang lại giá trị lớn đầu tiên ấy như tiếp thêm sức mạnh cho chàng kỹ sư trẻ, tâm huyết với nghề tiếp tục lao động hăng say, tìm tòi, nghiên cứu cải tiến các thiết bị, máy móc khác. Cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện của Công đoàn cũng như ban lãnh đạo công ty, anh Trần Quang Hải còn nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị đo mực nước tự động để phục vụ việc theo dõi, quản lý mực nước tại các công trình do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý, vận hành, góp phần chủ động phòng, chống úng, ngập, điều hành xử lý thoát nước. Số liệu đo mực nước được cập nhật 24/24 giờ, giúp tiết kiệm thời gian và giải phóng sức lao động của con người. Ngoài ra, kỹ sư Trần Quang Hải cũng ứng dụng công nghệ tin học, điện tử, tự động hóa vào nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị giám sát vận hành bơm tự động, thay thế việc báo cáo vận hành bằng phương pháp thủ công. Ứng dụng này giúp Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chủ động chỉ đạo vận hành máy bơm hạ mức nước trên hệ thống, giải quyết thoát nước, xử lý úng ngập kịp thời. Hạt nhân của phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”  Bà Trương Hải Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thoát nước Hà Nội đánh giá: Đồng chí Trần Quang Hải là một trong những kỹ sư tiêu biểu, đi đầu trong nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, góp phần tăng năng suất và chất lượng công việc. Không chỉ có nhiều sáng kiến, cải tiến, anh còn tích cực tham gia hướng dẫn sử dụng các chương trình, ứng dụng cho khoảng 300 cán bộ, công nhân viên văn phòng của các đơn vị: Phần mềm quản lý nhân sự, quản lý công văn, quản lý hệ thống thoát nước, quản lý úng ngập... Anh là hạt nhân của phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và sáng kiến, sáng tạo của công ty. Với đặc thù là đơn vị vừa lao động thủ công, vừa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa, tin học hóa theo nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô, những năm qua, Công ty Thoát nước Hà Nội luôn coi trọng và triển khai nghiêm túc, hiệu quả phong trào thi đua “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” và thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Hàng năm, công ty kết hợp với tổ chức công đoàn phát động phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Công ty đã thành lập Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Từng xí nghiệp, từng chi nhánh đều có Hội đồng sáng kiến riêng. Hoạt động của Hội đồng là xem xét, rà soát mọi sáng kiến, không chỉ các sáng kiến của cán bộ, kỹ thuật có trình độ mà cả những cải tiến nhỏ của người lao động cũng được xem xét. Qua đánh giá cụ thể, đối với những sáng kiến cần hỗ trợ kinh phí thì công ty cũng tạo điều kiện và khen thưởng để động viên. Đối với sáng kiến đã hỗ trợ và được đánh giá có hiệu quả, có khả năng triển khai trên diện rộng, công ty vừa khen thưởng, vừa tổ chức nhân rộng trong toàn công ty. Trong 3 năm gần đây, tại công ty xuất hiện ngày càng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công tác, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động. “Nếu như trước đây, môi trường làm việc của công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội được đánh giá là khắc nghiệt, vất vả và có nhiều độc hại, thì nay nhờ sự nỗ lực sáng kiến, sáng tạo, làm chủ công nghệ, làm chủ những kỹ thuật hiện đại của tập thể cán bộ CNVCLĐ đã dần cải thiện điều kiện làm việc cũng như san sẻ những vất vả với công nhân, lao động công ty. Đến nay, 80% công tác nạo vét trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được công ty tiến hành bằng hình thức cơ giới hóa, góp phần giảm thiểu sự nặng nhọc, độc hại cho người lao động . Công ty cũng đã thành lập được Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước với những cải tiến mới, góp phần làm tốt hơn công tác dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội” - Phó Tổng Giám đốc công ty Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết. Ông Lê Vũ Quảng Sương nhấn mạnh: “Năm 2018, cá nhân đồng chí Nguyễn Đức Hải vinh dự được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Đây vừa là vinh dự cho cá nhân đồng chí Hải, cũng là vinh dự của tập thể ngành Thoát nước Hà Nội; động lực để toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn phong trào thi đua “Sáng kiến, cải tiến” và “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.” Mai Thảo  

Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân tri ân các thương, bệnh binh

TĐKT – Sáng 27/7, tại Hà Nội, Hội Hội Người khuyết tật (NKT) quận Thanh Xuân, TP Hà Nội tổ chức gặp mặt, tặng quà cán bộ, hội viên là thương, bệnh binh nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân đọc báo cáo hoạt động của Hội 6 tháng đầu năm Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân cho biết: Đây là hoạt động thường niên được Hội duy trì trong nhiều năm qua. Do đặc thù, Hội có nhiều hội viên NKT là thương, bệnh binh, do đó công tác tri ân, chăm sóc thương, bệnh binh và người có công rất được chú trọng. Hàng năm, dù khó khăn nhưng Hội vẫn duy trì thăm hỏi, tặng những phần quà giá trị hoặc tiền mặt cho các hội viên là thương, bệnh binh từ nguồn kinh phí xã hội hóa của Hội. Đặc biệt, trong những năm qua, Hội NTK quận Thanh Xuân đã chủ động vận động hội viên tham gia học các lớp dạy nghề (do Hội phối hợp với một số đơn vị tổ chức): Nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy, điện lạnh, tin học, photoshop…; sau đó cùng với câu lạc bộ việc làm triển khai tìm việc cho nhiều NKT trẻ tuổi - là con em của những hội viên thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 5 học viên của lớp tin học là NKT trẻ, con thương, bệnh binh nặng và con của NKT có việc làm với mức thu nhập ổn định từ 4,5 – 6,5 triệu đồng. Đây là niềm vui không chỉ của Hội NKT, của các gia đình thương, bệnh binh mà còn là của cả quận Thanh Xuân, góp phần cùng cả nước làm tốt công tác an sinh xã hội. Các hội viên được Hội NKT TP Hà Nội khen thưởng Tháng 1/2018, Hội NKT quận Thanh Xuân vinh dự được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác tạo việc làm cho NKT giai đoạn từ 2013 – 2017; được UBND quận Thanh Xuân tặng Giấy khen đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. Tại buổi gặp gỡ, nhiều hội viên xuất sắc của Hội NKT quận Thanh Xuân đã được tặng Giấy khen của Hội NKT TP Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân. Hưng Vũ    

Khai mạc triển lãm ảnh “Hà Nội đổi mới và phát triển”

TĐKT – Nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ- QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018), ngày 26/7, tại Bảo tàng Hà Nội, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Hà Nội đổi mới và phát triển”. Với chủ đề “Hà Nội đổi mới và phát triển”, triển lãm quy tụ gần 200 bức ảnh, tư liệu là những nét khái quát, tiêu biểu về những thành tựu nổi bật của Thủ đô sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 -1/8/2018). Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm Triển lãm bao gồm các nội dung về cảnh đẹp Thủ đô Hà Nội; các hoạt động kinh tế, chính trị; các hoạt động của Đảng và Nhà nước với Hà Nội; các hoạt động văn hóa, xã hội... Bên cạnh các bức ảnh, các số liệu ấn tượng, những thước phim về Hà Nội qua 10 năm đổi mới cũng là điểm nhấn của triển lãm. Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội là quyết định có tính lịch sử, quan trọng, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng. Trong 10 năm, từ 2008 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành của Trung ương, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong quá trình đổi mới, phát triển với mục tiêu là thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại - phát triển bền vững, xứng đáng là trái tim của cả nước. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 3/8. Mai Thảo

Nữ “Dũng sĩ diệt Mỹ” làm dân vận khéo

TĐKT - Hơn 4,5 tỷ đồng là tổng số kinh phí mà bà Nguyễn Thị Thúy Ngân (65 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã nỗ lực vận động được từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội; nhằm hỗ trợ cuộc sống cho hàng ngàn người khuyết tật (NKT) cũng như duy trì, thực hiện các hoạt động của Hội NKT quận Thanh Xuân trong 5 năm qua (2013 – 2017). Đặc biệt, với tài năng “dân vận khéo”, nữ cựu chiến binh còn vận động được đông đảo thương, bệnh binh, vợ liệt sĩ và nhiều Thượng tá, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… trở thành hội viên gương mẫu, tích cực; góp phần đưa Thanh Xuân trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội NKT phủ kín cấp phường (11/11 hội NKT cấp phường). Nữ “Dũng sĩ diệt Mỹ” … Trong cái nắng hè oi ả, chúng tôi tìm đến trụ sở làm việc của Hội NKT quận Thanh Xuân để gặp bà, người từng được coi là nữ “Dũng sĩ diệt Mỹ” những năm 1971 – 1972, rồi “Nhà giáo chiến sĩ” những năm 2000. Tuổi tác, bệnh tật khiến cho sức khỏe của “nữ dũng sĩ” một thời đã có phần sa sút, nhưng tinh thần lạc quan, tươi vui vẫn hiện rõ trên gương mặt nhân hậu của bà. Nhớ lại khoảng thời gian trực tiếp tham gia kháng chiến, bà kể, năm 1971, vừa bước sang tuổi 18, bà là một trong số ít nữ học sinh tốt nghiệp cấp 3 tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ, nguyện cống hiến sức trẻ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Chiến trường ác liệt, nhưng ngày ấy được đầu quân vào Tiểu đoàn nữ đầu tiên của Quân khu Tả ngạn bổ sung cho Mặt trận phía Nam, được làm lính Bảo mật của Bộ tư lệnh (BTL) F473 - Bộ đội Trường Sơn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là vinh dự vô cùng lớn lao với người con gái trẻ tuổi Thúy Ngân năm ấy. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân Niềm tự hào đó đã biến thành sức mạnh, trí tuệ và sự dũng cảm chiến đấu với giặc Mỹ đến cùng. Thúy Ngân gan dạ, mưu trí khi được giao nhiệm vụ, lập nhiều chiến công hiển hách, 3 lần được Bác Hồ tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Nhớ lại một kỷ niệm mà bà không bao giờ quên, bà kể: “Cuối năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch Thành Cổ - Quảng Trị, tôi và đồng chí Vân được giao nhiệm vụ về Đoàn bộ 559 công tác (Bộ đội Trường Sơn), chúng tôi ở BTL F473, phía Đông Trường Sơn. Sau khi hoàn thành chuyến công tác từ BTL 559 trở về, chị em tôi đã lạc đường 7 ngày trong rừng.  Không ai dám nghĩ chúng tôi còn sống, vì khu vực ấy rất nhiều thú dữ. Chúng tôi cố gắng làm chỗ dựa tinh thần, trấn an, nương tựa nhau. Có chút lương khô dù tiết kiệm, dè xẻn thì cũng chỉ đủ cầm cự cho chị em tôi trong 3 ngày. Cả ngày thứ tư nhịn đói, luồn rừng để tìm đường, rồi ngày thứ năm vô vọng; cái đói, cái rét dày vò…Sức khỏe cũng kiệt dần. Tôi nằm lả đi trong cơn đau bụng quằn quại giữa rừng... Trong khi ở đơn vị, mọi người đã làm lễ truy điệu cho chị em chúng tôi. Ngày thứ 6, với sự nỗ lực của Vân và sự hỗ trợ của một cô gái người Lào Thưng, chúng tôi tìm ra đường tuyến. Ngày thứ 7, chúng tôi tìm về đến đơn vị trong niềm vui vỡ òa và sự ấm áp của đồng đội.” …tận tâm với công tác người người có công Chiến tranh qua đi, những người lính cụ Hồ lại bước tiếp vào một cuộc chiến mới, đấu tranh với cái đói, cái nghèo. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bà theo chồng về miền núi Hoàng Liên Sơn (Yên Bái) lập nghiệp. Trong ký ức của một số thương binh ở tỉnh Yên Bái thời đó, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, bị cuộc sống cơm áo gạo tiền làm cho chật vật đến nghẹt thở. Nhiều thương binh trở về sau chiến thắng nhưng sức khỏe thì yếu, không có đất canh tác, sản xuất, trình độ thấp, không nghề nghiệp, họ chỉ biết lên rừng kiếm củi để lấy tiền nuôi con ăn học. Trước hoàn cảnh đó, hơn 100 thương, bệnh binh của thị xã Yên Bái quyết tâm thành lập Câu lạc bộ Thương binh để giúp nhau vượt qua đói nghèo. Vừa là cô giáo dạy văn, vừa đảm nhận vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ, cô giáo Thúy Ngân mang trong mình nhiều trăn trở, luôn cố gắng suy nghĩ, tìm mọi cách để hỗ trợ tối đa cho những đồng đội của mình vượt khó. Suốt 10 năm dạy thêm cho học sinh là con em thương binh, liệt sĩ ở TP Yên Bái, cô giáo Ngân đều tình nguyện dạy miễn phí. Đồng thời, còn nhận đỡ đầu cho 3 con liệt sĩ. Ngoài ra, bà còn chủ động đứng ra vận động các phụ huynh; đề xuất với lãnh đạo thị xã tạo điều kiện và cho phép thành lập Hợp tác xã trông giữ xe ở chợ Yên Bái, giúp cho 35 thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn có được công ăn việc làm. Có lẽ được chứng kiến các thương, bệnh binh lần lượt nhau thay thế những căn nhà lợp lá, dột nát bằng các ngôi nhà hai tầng với ti vi, xe máy và con cái được học hành đầy đủ, thành đạt là niềm hạnh phúc nhất với bà trong những năm tháng ấy. Với những đóng góp đó, nhiều năm liền cô giáo Thúy Ngân được Bộ Lao động - Thương binh và  Xã hội công nhận là điển hình tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho ngành, được biểu dương, khen thưởng ở quy mô toàn quốc. Đặc biệt, năm 2000, bà được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là “Nhà giáo chiến sĩ” tiêu biểu toàn quốc. Nâng bước cho nhiều người khuyết tật Thủ đô Tạm biệt mảnh đất Yên Bái gắn bó, năm 2006 khi đến tuổi nghỉ hưu, bà trở lại làm công dân của Thủ đô Hà Nội. Với lối sống trách nhiệm và bao dung, người lính cụ Hồ Thúy Ngân nhanh chóng hòa mình với môi trường mới, gắn bó, tích cực đóng góp cho khu dân cư nơi mình đang sinh sống. Trong vai trò là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân từ năm 2008 đến nay, hơn 10 năm, bà đã làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng Hội NKT phát triển toàn diện bền vững, góp phần nâng bước cho nhiều người khuyết tật Thủ đô. Hơn 4,5 tỷ đồng là tổng số kinh phí mà bà đã nỗ lực tìm kiếm và vận động được trong 5 năm qua (2013 – 2017). Khai giảng lớp học công nghệ thông tin cho người khuyết tật quận Thanh Xuân năm 2017 Bà là người có công lớn trong công tác xóa mù chữ cho người khuyết tật. Được phân công phụ trách công tác giáo dục của Hội NKT TP Hà Nội, bà không quản ngại đến các quận, huyện để tìm hiểu thực trạng số NKT mù chữ để đề xuất với lãnh đạo Hội NKT Hà Nội tổ chức các lớp xóa mù tại các quận huyện, giúp người khuyết tật biết đọc, biết viết…  Riêng ở quận Thanh Xuân, bà đã đứng ra tổ chức mở lớp và đích thân đến từng gia đình để vận động NKT đi học. Bản thân bà tự nguyện làm giáo viên xóa mù; đồng thời vận động thêm một giáo viên nghỉ hưu cùng đứng lớp. 4 lớp xóa mù chữ được tổ chức đã giúp các em đã biết đọc, biết viết, tự tin hơn trong cuộc sống. Để trang bị nghề nghiệp cho NKT, bà chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận, vận động các nguồn tài trợ. Hàng năm bà vận động từ 20 - 30 hội viên tham gia học nghề: Nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy, điện lạnh… cho NKT tại Trung tâm dạy nghề quận Thanh Xuân. Từ 2015 - 2017, Hội NKT phối hợp với Trung tâm Dạy nghề để thực hiện dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho NKT Hà Nội” do Hội Phục hồi chức năng NKT Hàn Quốc tài trợ. Vì Trung tâm Dạy nghề không có phòng học ở tầng 1 nên không tiếp cận cho NKT đi xe lăn. Bà đã đứng ra vận động các nguồn tài trợ cũng như đề xuất lãnh đạo quận Thanh Xuân tạo điều kiện hỗ trợ 462 triệu đồng, xây dựng một phòng họp đầy đủ tiện nghị, khang trang, sạch đẹp ở tầng 1 của Trung tâm cho lớp Tin học của NKT. Từ khi có phòng học đến nay, Hội đã tổ chức dạy thành công 8 lớp tin học cho 140 người là thương bệnh binh, NKT và con em họ; thời gian học tập 6 tháng/1 khóa học.     Ngoài ra, mấy năm nay, Hội cùng với CLB Thanh niên khuyết tật tổ chức nhiều lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ khuyết tật và các bạn khuyết tật trẻ. Cũng trong dịp này, Hội cùng với Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tổ chức lớp học nữ công gia chánh và tiếng Anh cho thanh niên và phụ nữ khuyết tật Thanh Xuân. Anh Dương Đức Thành, giáo viên dạy ở Trung tâm giáo dục nghề quận Thanh Xuân cho biết: Từ năm 2008 đến nay, hầu như năm nào cũng có lớp dạy nghề cho NKT. Đáng quý là không có lớp nào mà cô Ngân không tham gia vận động, kêu gọi học viên. Cô rất nhiệt tình và tâm huyết với Hội, chăm lo cho hội viên như con, như cháu. Nguyễn Phương Thành, hội viên CLB Thanh niên khuyết tật chia sẻ: Là NKT và là con của một thương binh nặng, sau khi tốt nghiệp THPT, em ở nhà phụ mẹ bán hàng để mưu sinh. May được cô Ngân động viên học tin học văn phòng, rồi Trung cấp tin học và Photoshop của Hội NKT Thanh Xuân phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức. Đến nay, em được Công ty TNHH Thương mại In Tuấn Nam nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm là 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, em còn tổ chức một nhóm bạn cùng học bán hàng Online nên thu nhập hàng tháng khá ổn, em cũng giúp mẹ một phần chi phí của gia đình và giúp đỡ bạn bè trong CLB. Em vui lắm. Không chỉ có Thành mà 23 học viên khác cũng đã tìm được việc làm với mức lương từ 4,5 triệu - 6,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, với tư cách là chủ dự án, bà đã tham gia vào việc cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho NKT với số tiền 2 tỷ 480 triệu đồng, lãi suất 0,3%, đã tạo được việc làm mới cho 101 NKT. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi góp phần hỗ trợ NKT và gia đình họ tạo thu nhập và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với tài năng “dân vận khéo”, nữ cựu chiến binh còn vận động được đông đảo đảng viên là thương, bệnh binh, vợ liệt sĩ và nhiều Thượng tá, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… trở thành hội viên gương mẫu, tích cực. Từ 43 hội viên đến nay Hội đã có 679 hội viên, góp phần đưa Thanh Xuân trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội NKT phủ kín cấp phường (11/11 hội NKT cấp phường). Với những đóng góp to lớn đó, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của quận, hội và các bộ, ngành, địa phương. Hưng Vũ

Trang