Hà Nội thi đua ái quốc

Nữ chiến sĩ công an tận tụy với nhân dân

TĐKT – Gần 20 năm khoác trên mình sắc phục của người công an nhân dân, nữ Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo (sinh năm 1980), Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), Công an quận Ba Đình (TP Hà Nội) luôn hết mình với công việc, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho mọi chuẩn mực, là tấm gương sáng ngời cho các đồng nghiệp noi theo. Tận tậm với công việc Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với nữ Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo chính là phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhiệt huyết và luôn nêu cao phẩm chất đạo đức trong công việc. Chị Hoàng Thị Thanh Hảo về công tác tại Công an quận Ba Đình từ năm 2000. Gần 20 năm công tác, chị đã kinh qua nhiều vị trí công việc, khi là một cán bộ tổng hợp, khi là cán bộ phụ trách địa bàn. Từ năm 2013, chị giữ chức vụ Đội phó Đội QLHC về TTXH cho đến nay. Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo đang hướng dẫn đồng nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân được thuận lợi, nhanh chóng. Đặc thù công việc của Đội QLHC về TTXH là trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân về  đăng ký quản lý nhân, hộ khẩu; cấp và quản lý chứng minh nhân dân; quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quản lý con dấu; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT), giữ gìn trật tự công cộng và tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo ANTT… Tuy đầu việc rất nhiều, lại không ít khó khăn, nhưng Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo luôn nêu cao tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, luôn đoàn kết, cùng đồng chí, đồng đội nỗ lực cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Dù phải làm thêm giờ, thậm chí có lúc phải đi làm cả ngày thứ 7, chủ nhật, chị và đồng nghiệp luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chỉ cốt để công dân không phải đi lại nhiều lần. Chị luôn quan niệm “Làm hết việc chứ không hết giờ”. Năm  2017, 500 hộ dân trên địa bàn phường Kim Mã đã được UBND quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận số nhà cấp mới nhưng chưa có điều kiện đến Công an quận điều chỉnh thông tin trên sổ hộ khẩu nên khi người dân thực hiện giao dịch, tiến hành các thủ tục hành chính liên quan đến các giấy tờ như sổ hộ khẩu, căn cước công dân gặp rất nhiều khó khăn. Công an quận Ba Đình đã có sáng kiến xuống địa bàn điều chỉnh gần 500 sổ hộ khẩu cho dân. Chị cùng Tổ công tác Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) không quản ngày nghỉ, vui vẻ nhận nhiệm vụ. Trong tiết trời oi bức, trên trán thấm đẫm những giọt mồ hôi, thiếu tá Hảo cùng với 10 thành viên khác trong tổ hộ khẩu và 13 cảnh sát khu vực, liên tục rà soát, hướng dẫn tận tình cho mỗi người dân các thủ tục khai mẫu để điều chỉnh sổ hộ khẩu theo Giấy chứng nhận số nhà cấp mới. Chị Hảo cho biết: Việc điều chỉnh sổ rất cần thiết, sau đó sẽ tiến tới việc điều chỉnh căn cướ́c công dân theo địa chỉ nhà mới và các loại giấy tờ khác. Dù biết mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực triển khai bởi việc này giúp cho quản lý Nhà nước và công tác quản lý địa bàn của chính quyền và Công an tốt hơn. Người dân cũng sẽ được thuận lợi hơn sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ theo số nhà mới được cấp. Thượng tá Võ Xuân Đương, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình đánh giá: Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo là một cán bộ luôn gương mẫu, trách nhiệm, luôn tìm tòi, sáng tạo, đề xuất, đưa ra các giải pháp trong cải cách hành chính, góp phần phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Tận tụy với nhân dân Gần 20 năm công tác tại Đội QLHC về TTXH đến nay, Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo đã cùng đồng đội tiếp nhận và giải quyết khoảng 16.000 hồ sơ, thủ tục/năm, đảm bảo quyền lợi của công dân. Bên cạnh đó, chị đã cùng đồng đội phát hiện hàng loạt vụ việc, trường hợp giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp chứng minh nhân dân hay hộ khẩu. Tính riêng từ đầu năm đến nay, có khoảng gần 10.000 lượt hồ sơ của công dân đến giao dịch, làm thủ tục cấp phát chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, giấy đăng ký, công cụ hỗ trợ… tại đội Cảnh sát QLHC về TTXH quận Ba Đình. Thiếu tá Hảo luôn “quay cuồng” với công việc nhưng với chị, công việc luôn mang lại cho chị nhiều niềm vui, nhất là khi nhận được nhiều lời khen ngợi và lòng tin yêu của nhân dân. Chị tâm sự, người cán bộ nhất định phải thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc. Vì vậy, mỗi lần tiếp xúc, giải quyết công việc cho công dân, chị luôn giữ thái độ hòa nhã, lịch sự, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, không gây phiền hà, sách nhiễu, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các thủ tục có liên quan. Ngoài ra, trên cơ sở địa bàn quản lý, Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo dành nhiều thời gian xuống cơ sở để nắm tình hình, nhất là đời sống, sinh hoạt, những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân. Từ đó, chủ động tham mưu lãnh đạo đơn vị, chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến ANTT và tệ nạn xã hội ngay tại cơ sở. Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo, kho lưu trữ tài liệu của Đội QLHC về TTXH luôn giữ được sắp xếp ngăn nắp, khoa học Không chỉ thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ trong công việc, Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo còn thường xuyên thăm hỏi, động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể tiếp cận giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư một cách hiệu quả.  Chị kể, có lần, một anh từng bị truy nã và kết án về tội giết người vừa ra tù về, do hoàn cảnh bố mẹ đã mất, những người thân còn lại trong gia đình đã chuyển đi nơi khác, khu nhà cũ của gia đình trong diện giải phóng mặt bằng nên hồ sơ, giấy tờ thân tích gây khó khăn trong việc nhập khẩu. Bằng hiểu biết tình hình cuộc sống thực tế cùng với các biện pháp nghiệp vụ và được sự hướng dẫn của cấp trên, Thiếu tá Hảo và các đồng chí trong đội đã làm đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan để công dân đó được nhập khẩu, sớm ổn định cuộc sống. Thiếu tá Mai Thị Khuyên chia sẻ:  “Thiếu tá Hảo là một cán bộ tận tâm, tận lực với công việc. Chị còn là một cán bộ nhanh nhạy nắm bắt tình hình nhân dân và giải quyết các vụ việc khi nhân dân đến làm việc hợp tình, hợp lý, không để thiếu sót hay gây khó khăn cho nhân dân. Với vai trò là lãnh đạo đội, chị luôn quan tâm chỉ đạo sát sao cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, chỉ bảo đến nơi, đến chốn mọi việc” Nhiều năm qua, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH quận Ba Đình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội đã phối hợp chặt chẽ với các đội chức năng của Công an quận, các phường, các ngành, đơn vị của quận giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề có liên quan. Đóng góp không nhỏ vào thành tích chung đó có vai trò to lớn của cá nhân đồng chí Hảo. Với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, tinh thần tận tâm với công việc, tận tụy với nhân dân, Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo đã nhiều lần vinh dự được Công an TP Hà Nội, Công an quận Ba Đình tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen. Nhiều năm liên tục chị đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Song có lẽ, phần thưởng cao quý nhất mà Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo có được đó chính niềm tin yêu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và quần chúng nhân dân dành cho chị trong công việc và cuộc sống. Mai Thảo

Hà Nội chủ động nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng

TĐKT - Sáng 30/8, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND TP về khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Phó Trưởng Ban Thi đua -  Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện trên địa bàn thành phố. Quang cảnh Hội nghị Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng Ban Thi đua -  Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: Qua một năm thực hiện Kế hoạch số 115/KH-UBND của UBND Thành phố về khắc phục tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể đánh giá rằng việc triển khai Kế hoạch đã được thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống làm công tác thi đua, khen thưởng của thành phố. Các phong trào thi đua đã được đổi mới về nội dung, hình thức, bám sát các nhiệm vụ chính trị, những nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó của thành phố và của mỗi địa phương, đơn vị. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến đã được đẩy mạnh từ cơ sở đến thành phố. Đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp đã được quan tâm, kiện toàn và ổn định. Việc xét, khen thưởng và đề nghị khen thưởng của các đơn vị thuộc thành phố đã quan tâm nhiều hơn người lao động trực tiếp, sản xuất, khen tập thể nhỏ, khen thưởng thành tích đột xuất... Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tại một số cơ quan, đơn vị, việc chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng còn chưa tập trung, thiếu cụ thể, vẫn còn mang tính hình thức, coi nhẹ phong trào thi đua, chỉ chú trọng khen thưởng cuối năm, làm mất đi ý nghĩa thiết thực của công tác thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, một số phong trào thi đua vẫn chưa có nội dung tiêu chí cụ thể, chưa tổ chức chỉ đạo điểm, chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào thi đua.  Ngoài ra, công tác khen thưởng, bình xét và công nhận danh hiệu thi đua ở một số đơn vị thuộc thành phố còn chưa chặt chẽ, tỷ lệ khen thưởng lãnh đạo còn cao, chưa quan tâm đúng mức đến nhân viên, người lao động sản xuất trực tiếp, các lĩnh vực khó khăn, độc hại, khen thưởng đột xuất... Công tác phát hiện nhân tố mới, điển hình mới để khen thưởng còn thiếu tính chủ động. Nhiều đơn vị chưa tích cực tham gia Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Kết quả phát hiện, khen thưởng, tôn vinh điển hình tiên tiến trong quần chúng còn hạn chế. Đồng chí Phạm Huy Giang, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Huy Giang, Phó Trưởng Ban Thi đua -  Khen thưởng Trung ương đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo TP Hà Nội trong công tác thi đua, khen thưởng. Việc chủ động ban hành Kế hoạch 115 về khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội cũng như tổ chức sơ kết việc thực hiện Kế hoạch này là một trong những minh chứng rõ nét thể hiện sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng của lãnh đạo TP Hà Nội. Đồng chí Phạm Huy Giang chỉ rõ, Hà Nội hiện là địa phương duy nhất, đi đầu trên cả nước trong việc chủ động ban hành và thực hiện kế hoạch 115 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng. Hà Nội đồng thời là một trong những điểm sáng của cả nước về triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như đa dạng các hình thức biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, với việc thành lập và hoạt động có hiệu quả mô hình Tổ công tác chuyên đề của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu trong phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.  Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), TP Hà Nội đã tổ chức sôi nổi các hoạt động kỷ niệm, giao lưu điển hình tiên tiến giữa các cụm, khối thi đua, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn dân… Đồng chí Phạm Huy Giang đề nghị, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên tuyền về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự phát triển đất nước. Nếu thực sự làm tốt thì thi đua, khen thưởng sẽ trở thành phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội là địa phương có rất nhiều các cơ quan truyền thông, do đó, mong muốn Ban Thi đua - Khen thưởng Hà Nội tích cực tham mưu cho lãnh đạo thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua, những tấm gương người tốt, việc tốt trên địa bàn, qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong toàn dân. Đồng chí Phạm Huy Giang cũng mong muốn TP Hà Nội cùng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương dành thời gian đóng góp tiếng nói của Thủ đô vào sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong tham mưu cho lãnh đạo thành phố làm công tác thi đua và khen thưởng; nâng cao vai trò của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố trong chỉ đạo, giám sát công tác của các địa bàn cơ sở… Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đồng tình với những ý kiến của đồng chí Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang. Đồng thời cũng biểu dương, đánh giá cao phong trào thi đua, công tác khen thưởng của TP Hà Nội trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu mong muốn, thời gian tới, người đứng đầu các cơ quan đơn vị trên địa bàn tiếp tục quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, toàn thành phố tiếp tục sáng tạo, chủ động thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Tránh hành chính hóa thi đua. Khen thưởng cần chính xác, kịp thời theo phương châm bám sát “5 nghị” – Nghị quyết trung ương, Nghị quyết thành phố, Nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết hành động, Nghị quyết kiểm tra và  “5 vận” – vận khéo, vận hướng, vận đúng, vận sâu và vận chăm, “3 nhiều” – làm việc nhiều, học tập nhiều, thực tiễn nhiều và  "3 ít” – hội họp ít, diễn đàn ít, tiếp khách ít. Mai Thảo

Hà Nội sẵn sàng cho năm học mới 2018 - 2019

TĐKT - Kết thúc năm học 2017- 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (Sở GD&ĐT Hà Nội) đã yêu cầu Hiệu trưởng các trường trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác tuyển sinh và rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2018 - 2019… Thông tin trên được Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Hữu Trung cho biết về công tác chuẩn bị của ngành GD&ĐT trong năm học mới 2018 - 2019 tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 28/8/2018. Theo ông Trung, năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường và 109.930 học sinh), trong đó, công lập có 2.182 trường và tư thục có 507 trường, 252.213 học sinh. Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Hữu Trung thông tin tại buổi giao ban báo chí Để chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn và sự chỉ đạo của trên, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, gồm 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, với 5 giải pháp cơ bản: Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT Thủ đô; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông… Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, điểm mới trong năm học 2018 - 2019, thành phố nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế trong các sở giáo dục, coi đây là một trong những bước đột phá trong công tác hội nhập quốc tế năm 2018. Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level của Cambridge tại THPT Chu Văn An từ năm học 2017 – 2018. Đến năm học 2018-2019, mô hình này tiếp tục được mở rộng trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đăng cai và tổ chức các kỳ thi quốc tế về Toán và các môn khoa học; triển khai chương trình: “Sữa học đường”; dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông; đẩy mạnh, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc quản lý, điều hành; trong các hoạt động giáo dục của toàn ngành triển khai thực hiện tốt dịch vụ công trong lĩnh vực GD&ĐT”. “Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 trên địa bàn thành phố sẽ được tổ chức vào buổi sáng ngày 5/9/2018 (thứ Tư) - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Đối với cấp học mầm non: Tổ chức Khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé”, một cách linh hoạt, sáng tạo về thời lượng, nội dung phù hợp đặc điểm tâm lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt cho trẻ trong ngày đầu tiên của năm học mới…”, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Hữu Trung thông tin. Hưng Vũ

10 năm tạo cuộc sống bền vững cho người khuyết tật

TĐKT – Được thành lập từ năm 2008, 10 năm qua, Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đã tích cực phát triển và củng cố tổ chức, triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đời sống, tinh thần cho NKT trên địa bàn, trở thành chiếc cầu nối quan trọng đưa NKT đến với cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.  Quan tâm chăm lo, hỗ trợ đời sống, tinh thần của NKT Sáng sớm ngày 27/7/2018, không quản ngại mưa gió, hơn 50 hội viên Hội NKT quận Thanh Xuân là thương, bệnh binh và thân nhân gia đình liệt sĩ đã tập trung đông đủ trong căn phòng tầng 5 của Trụ sở UBND quận Thanh Xuân để tham gia Hội nghị gặp mặt, tặng quà cán bộ, hội viên là thương, bệnh binh nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Không khí nhộn nhịp mà ấm áp và tràn đầy tình cảm, xúc động khi lời ca, tiếng hát của mỗi hội viên là thương bệnh binh cất vang lên. Những ca khúc “Cô gái mở đường”, “Bước chân trên dải trường Sơn” qua phần thể hiện và biểu diễn của những cựu chiến binh đã làm sống dậy không khí hào hùng, đậm khí phách của những người lính cụ Hồ một thời oai hùng đi cứu nước. Hội NKT quận Thanh Xuân thường xuyên quan tâm chăm sóc hội viên bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể Đặc biệt, cả hội trường lắng lại trong xúc động khi một cán bộ hội viên NKT bị cụt chân, ngồi trên xe lăn trình bày ca khúc “Vết chân tròn trên cát”; rồi một bài thơ tiễn bạn –liệt sĩ Nguyễn Văn O do nữ dũng sĩ diệt Mỹ Thuý Ngân thể hiện. Tất cả 50 người thương binh có mặt ở hội trường đều hiểu rằng: Họ may mắn hơn hàng triệu đồng đội khác khi còn sống sót trở về từ chiến tranh. Để đổi lấy độc lập, tự do của dân tộc, họ chỉ mất đi đôi chân hay cánh tay của mình; còn nhiều đồng đội khác phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Có người vẫn còn chưa tìm thấy hài cốt, có người giờ đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ… Từ trong ánh mắt họ, ánh lên tinh thần lạc quan, sự quyết tâm mãnh liệt dù “tàn nhưng không phế” những “vết chân tròn trên cát” hôm nay vẫn tiếp tục góp sức xây đời, như những bông hoa thơm nở giữa cuộc đời. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân cho biết: Đây là hoạt động thường niên được Hội duy trì trong nhiều năm qua. Do đặc thù, Hội có nhiều hội viên NKT là thương, bệnh binh, do đó công tác tri ân, chăm sóc thương, bệnh binh và người có công rất được chú trọng. Hàng năm, dù khó khăn nhưng Hội vẫn duy trì thăm hỏi, tặng những phần quà giá trị hoặc tiền mặt cho các hội viên là NKT có công với đất nước và có nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển Hội bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Không chỉ thương, bệnh binh mà với mọi đối tượng đảng viên, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi là NKT, Hội cũng đều tạo các phong trào thi đua, các hoạt động phù hợp, nhằm mang đến cho họ sự quan tâm, chăm sóc tốt về cuộc sống tinh thần, tạo niềm tin và tạo nghị lực sống cho tầng lớp người yếu thế này. Hội còn phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và cán bộ chính sách 11 phường làm thủ tục cấp thẻ xe buýt miễn phí, thủ tục trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế cho NKT… Tổ chức làm thẻ hội viên cho 70% hội viên của 11 Hội NKT phường. Giới thiệu NKT và hội viên đến các Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng làm nẹp, chân tay giả…Vận động các tổ chức, cá nhân tặng 69 xe lăn cho hội viên và trẻ khuyết tật, trong đó có 1 xe lăn đa năng, 1 xe lăn điện trị giá vài chục triệu đồng. Chính từ những hoạt động sôi nổi, thiết thực đó đã làm cho các hội viên NKT cảm thấy gắn bó và tích cực tham gia các hoạt động của Hội, góp phần đưa Thanh Xuân trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội NKT phủ kín cấp phường (11/11 hội NKT cấp phường). Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đánh giá: Thanh Xuân là một quận đang trong quá trình đô thị hóa, có 11 phường với dân số trên 27 vạn người, với trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt có gần 2.000 NKT đang sinh sống trên địa bàn, đây là bài toán không đơn giản về an sinh xã hội của quận trong quá trình xây dựng và phát triển. Quận luôn xác định, chăm lo cho NKT là đạo lý, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng; vì vậy đã tập trung triển khai các giải pháp: Dạy nghề, tạo việc làm, tập huấn… cho NKT. Hội NKT quận Thanh Xuân đã chủ động, sáng tạo, tranh thủ sự quan tâm đó của quận, thực hiện nhiều hoạt động, phong trào có ý nghĩa, trợ giúp được nhiều NKT tự tin vào năng lực bản thân, hăng say làm việc và sống có ích hơn trong xã hội, góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tạo việc làm cho người khuyết tật Với phương châm “Trao cho người khuyết tật cần câu, chứ không cho con cá”, Hội NKT quận Thanh Xuân đã trở thành điểm tựa vững chắc cho những NKT, trao cho họ “cái nghề” để tạo lập cuộc sống độc lập, hạnh phúc bền vững. Khai giảng lớp học công nghệ thông tin cho NKT quận Thanh Xuân năm 2017 Nguyễn Phương Thành là hội viên Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật và là con của một thương binh nặng, sau khi tốt nghiệp THPT, em ở nhà phụ mẹ bán hàng để mưu sinh. Được Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân động viên học tin học văn phòng, rồi Trung cấp tin học và Photoshop do Hội tổ chức tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, sau khi học xong, Thành được giới thiệu tới Công ty TNHH Thương mại In Tuấn Nam làm việc với mức lương khởi điểm là 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, Thành và một nhóm bạn cùng học bán hàng online nên thu nhập hàng tháng khá ổn. Em cũng giúp mẹ một phần chi phí của gia đình và giúp đỡ bạn bè trong câu lạc bộ. Thành tâm sự: “Những người khuyết tật đừng ngại khó khăn và đừng sợ mình cô độc, bởi vẫn còn rất nhiều người bên cạnh. Cũng đừng bao giờ ngừng cố gắng, vì chỉ có cố gắng mới giúp chúng ta vượt lên số phận, để làm người có ích cho xã hội, ổn định cuộc sống của mình”. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân cho biết: Một trong những chương trình trọng tâm của Hội suốt 10 năm qua là hỗ trợ NKT học nghề, tìm kiếm việc làm, lao động, sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT và gia đình NKT. Hội đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ như cung cấp và nâng cao kiến thức cho hội viên. Nhằm xóa mù chữ (XMC) và giáo dục hòa nhập cho hội viên, Hội đã tổ chức dạy 3 lớp XMC và 1 lớp văn hóa nâng cao cho hội viên sau khi biết chữ để tránh tái mù chữ cho 60 hội viên. Ngoài ra, mấy năm nay, Hội cùng với câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ khuyết tật tổ chức nhiều lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, thanh niên, phụ nữ khuyết tật, các lớp nữ công gia chánh... Cùng với việc dạy chữ, Hội đã kết hợp dạy nghề cho hội viên. Để trang bị nghề nghiệp cho NKT,  Hội chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận với các dự án dạy nghề cho NKT trong nước và quốc tế; đồng thời vận động các nguồn tài trợ, kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp. Hàng năm, Hội đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức cho hội viên học nghề: May công nghiệp, tin học văn phòng, pha chế đồ uống, học nấu ăn…. Giúp hội viên mở cửa hàng kinh doanh tại nhà: Sửa xe máy, bán tạp hóa, kinh doanh, buôn bán nhỏ… Từ năm 2015 - 2017, Hội NKT phối hợp với Trung tâm Dạy nghề để thực hiện dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho NKT Hà Nội” do Hội Phục hồi chức năng NKT Hàn Quốc tài trợ. Hội đã tổ chức dạy thành công 8 lớp tin học cho 140 người là thương, bệnh binh, NKT và con em họ; thời gian học tập 6 tháng/1 khóa học. Tính đến tháng 1/2018, riêng học viên của 8 lớp tin học của Hội đã có 22 người có việc làm ổn định với mức lương từ 4 triệu đồng trở lên ở các công ty, doanh nghiệp. “Năm 2018, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là tìm việc cho NKT trẻ ít nhất từ 3 - 5 người với công việc tin học văn phòng, photoshop… Ngay từ tháng 1/2018, Công ty TNHH in Tuấn Nam đã tuyển chọn được 1 học viên và sẽ tuyển tiếp 3 học viên tin học trong Quý II với kết quả học tập từ trung bình khá.” bà Thúy Ngân vui mừng chia sẻ. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, Hội NKT quận Thanh Xuân đã tham gia vào việc cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho NKT với số tiền giải ngân là 2 tỷ 480 triệu đồng, lãi suất 0,3%, đã tạo được việc làm mới cho 101 NKT. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi góp phần hỗ trợ NKT và gia đình họ tạo thu nhập và ổn định cuộc sống. Với sự chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn lực tài trợ, từ năm 2013 – 2017, Hội NKT quận Thanh Xuân đã kêu gọi sự ủng hộ từ các dự án trong và ngoài nước và các cơ quan, tổ chức xã hội, các nhà chùa và các cá nhân hảo tâm… với tổng kinh phí huy động là gần 3,3 tỷ đồng dành cho các hoạt động hỗ trợ, tạo cuộc sống bền vững cho NKT. Với những nỗ lực đó, trong 6 năm (2012 - 2017), Hội đã được tặng 29 Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu “ Tập thể Lao động tiên tiến”, “Tập thể Lao động xuất sắc”; Cờ thi đua xuất sắc của TP Hà Nội và Liên hiệp hội về NKT Việt Nam. Nhiều cá nhân là hội viên trở thành những tấm gương sáng cho xã hội học tập. Mai Thảo

Tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2017 - 2018

TĐKT - Chiều 21/8, tại Hà Nội, Thành đoàn - Hội đồng Đội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2017 - 2018; triển khai công tác năm học 2018 - 2019. Công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2017 - 2018 đã đạt được những chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu với nhiều nội dung, hoạt động, hình thức mới, đa dạng và phong phú. Các phong trào: Thiếu nhi Thủ đô thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, Nghìn việc tốt, Bạn giúp bạn, mô hình "Sân chơi cuối tuần", "Chương trình Rèn luyện đội viên", "Chỉ huy Đội giỏi", chương trình "Một triệu quyển vở ủng hộ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn", "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Thủ đô"... tiếp tục được triển khai hiệu quả và rộng khắp trên địa bàn thành phố. Thành đoàn đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong việc tổ chức tốt Hội thi “Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi”, Hội thi “Tin học trẻ” lần thứ XXIII. Các chương trình, hoạt động tình nguyện được Thành đoàn – Hội đồng Đội thành phố triển khai, tổ chức hiệu quả: Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” tại 30 quận, huyện, thị xã, tổ chức kết nghĩa giữa các Liên đội, chương trình khám, phát thuốc miễn phí; thăm, tặng quà Liên đội, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh, Nghệ An…; tặng “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ”, “Sân chơi thiếu nhi”, hơn 200 nghìn quyển vở, cùng nhiều quà tặng khác đến thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, các huyện của Thủ đô Hà Nội và nước bạn Lào với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. 100% các Liên đội tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. 100% quận, huyện, thị xã triển khai đến thiếu nhi nội dung “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh trong thế giới công nghệ số”. Với những kết quả đạt được trong năm học qua, Hội đồng Đội TP Hà Nội vinh dự đón nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2017 – 2018, Cờ đơn vị xuất sắc của Hội đồng Đội Trung ương. Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác Đội và phong trào thiếu nhi cho 10 Liên đội, Bằng khen cho 77 tập thể và 148 cá nhân có thành tích xuất sác trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Hội đồng Đội Trung ương tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho 18 tập thể, tặng Bằng khen cho 108 tập thể và 161 cá nhân. Nhân dịp này, Thành đoàn phối hợp Công ty cổ phần Giống cây trồng trao tặng 48 suất học bổng cho 48 thiếu nhi vượt khó, học tốt, trị giá 144 triệu đồng; trao giải cho các thí sịnh đạt giải cao tại Hội thi Tin học trẻ TP Hà Nội lần thứ XXIII; tặng Bằng khen cho 20 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi thành phố; tặng 57 Cờ thi đua và Bằng khen cho 184 tập thể, 177 cá nhân và 162 giáo viên làm Tổng phụ trách có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2017 – 2018. Phương Linh

Thị xã Sơn Tây (Hà Nội): Nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý trật tự đô thị, xây dựng

TĐKT -  Trong 7 tháng đầu năm 2018, công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21/8. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong thông tin tại buổi giao ban báo chí Ông Tạ Thanh Phong cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018 thị xã đã cấp phép cho 499 hồ sơ xin giấy phép xây dựng, tiến hành kiểm tra 444 trường hợp xây dựng, phát hiện 2 trường hợp xây dựng không phép, 3 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp. Cũng trong 7 tháng đầu năm, Công an thị xã Sơn Tây đã phát hiện 265 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông và xử phạt gần 185 triệu đồng. Đội Thanh tra giao thông vận tải Sơn Tây tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 123 trường hợp, phạt tiền nộp kho bạc gần 300 triệu đồng, các ngành chức năng thị xã đã lập biên bản 670 trường hợp vi phạm trật tự công cộng, xử phạt hơn 200 triệu đồng… “Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra liên ngành của thị xã được thực hiện tích cực, nghiêm túc, hiệu quả; đã phát huy sức mạnh của các ngành chức năng, chủ động rà soát, nắm chắc địa bàn, kiểm tra, xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, nhất là trong thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, Ban Chỉ đạo 197 thị xã. Qua đó, góp phần giảm hẳn vi phạm trên các lĩnh vực, nhất là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị và duy trì kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả, đảm bảo các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị …” -ông Phong nhấn mạnh. Mai Thảo

Bộ mặt mới trên quê hương xã Đình Xuyên

TĐKT – Vốn là một xã thuần nông, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) không ngừng thi đua, đổi mới, sáng tạo, góp phần mang lại bộ mặt mới cho quê hương . Bộ mặt kinh tế mới Đình Xuyên hôm nay như khoác trên mình chiếc áo mới. Nhìn vào những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, hiện đại, những khu phố buôn bán, kinh doanh sầm uất, những xưởng nghề gỗ, xưởng làm nến, làm diêm, chế biến lương thực, thực phẩm và tái chế dược liệu xuất khẩu, những cửa hàng khung nhôm, cửa kính, đồ gia dụng … mọc lên san sát, mới thấy rõ sự chuyển mình của mảnh đất thuần nông một thời. Hiện Đình Xuyên là một trong những xã có kinh tế tiến bộ và tốc độ tăng trưởng cao so với các xã trong huyện Gia Lâm. 5 năm qua (2013 – 2017), tổng thu ngân sách nhà nước của xã đạt trên 100% kế hoạch giao; tổng thu thuế bình quân hàng năm tăng trên 126%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mai dịch vụ - nông nghiệp, góp phần tạo việc làm thu hút từ 1.000 – 1.200 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Đường sá ở xã Đình Xuyên ngày càng rộng rãi, khang trang và sạch sẽ Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2013 là 1,92%, năm 2017 giảm xuống còn 0,94%, cận nghèo 1,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 28 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 đạt 42,3 triệu đồng/người/năm. “Đó là thành quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên, có hiệu quả của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Lâm, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Xuyên” - Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên Nguyễn Văn Đức khẳng định. Thi đua sáng tạo, phát triển toàn diện Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, trong 5 năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Đình Xuyên đã phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân... Từ đó, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của địa phương. Xã Đình Xuyên được tặng Cờ thi đua Chính phủ và được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Đình Xuyên từ chỗ chỉ có 8/19 tiêu chí đạt (năm 2011), đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 với 17/19 tiêu chí đạt (2 tiêu chí cơ bản đạt); đến hết năm 2017 xã có 18/19 tiêu chí đạt còn 1 tiêu chí môi trường cơ bản đạt. Hiện tại, xã đang tiếp tục rà soát và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn; từng bước hoàn thiện tiêu chí còn lại và giữ vững danh hiệu nông thôn mới. Đình Xuyên đồng thời là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt, chặt chẽ các quy chế, quy định, quy ước, công tác quản lý lễ hội, phát huy, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2017 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,5%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 9/11 thôn, tổ dân phố. 2 năm liền (2016 – 2017), cơ quan UBND xã Đình Xuyên được công nhận danh hiệu “Cơ quan văn hóa”. Các phong trào thi đua nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục cũng đạt được kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao, đạt trình độ chuẩn 100%. Tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh THCS lên lớp đạt 99%, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi ngày càng tăng, công tác quản lý giáo dục nền nếp hơn. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia là 3/3 trường đạt 100%. Đình Xuyên là xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng. Xã đã chủ động tích cực trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên cũng thừa nhận rằng: Là một xã đang trong quá trình phát triển nhanh nên công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng của Đình Xuyên hết sức phức tạp. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, xử lý kiên quyết, lãnh đạo UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà đảm bảo pháp luật. Hàng năm, xã luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu huyện giao việc cấp giấy quyền sử dụng đất năm 2017 đạt 190%. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án được triển khai tích cực, đúng chính sách, thực hiện công khai dân chủ và đảm bảo tiến độ, đã triển khai 3 dự án, tổng diện tích đã tiến hành giải phóng mặt bằng là 8,056 ha. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. Xã làm tốt việc thu gom và vận chuyển rác thải, vệ sinh môi trường theo hướng xã hội hóa. 100% rác thải được thu gom và xử lý tại công ty môi trường đô thị huyện Gia Lâm. Theo ông Nguyễn Văn Đức, các hoạt động, phong trào thi đua của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể: Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong khắc phục mọi khó khăn, đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã. 5 năm liền, 5 đoàn thể của địa phương đều đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc. Với những nỗ lực đó, từ năm 2013 đến nay, xã Đình Xuyên liên tục được các UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Năm 2014, xã Đình Xuyên vinh dự được tặng Cờ thi đua Chính phủ. 5 năm liền, Đảng bộ xã được công nhận là trong sạch vững mạnh. Hưng Vũ

Gia Lâm (Hà Nội) phấn đấu đạt huyện nông thôn mới năm 2018

TĐKT – “Đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) đã có 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới. Đó là tiền đề quan trọng để huyện tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018” – Đó là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm đưa ra tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14/8. Trao đổi với báo chí tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới. Trong đó, 17/19 tiêu chí 20 xã đều đạt theo quy định tại Hướng dẫn số 48/HD-SNN. Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm thông tin tại Hội nghị Ông Nguyễn Ngọc Thuần cũng chỉ rõ 2/19 tiêu chí mà 20 xã mới cơ bản đạt đó là  y tế và môi trường - an toàn thực phẩm. Cụ thể, trong tiêu chí y tế, còn nội dung nội dung tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chưa đạt. Lý do chưa đạt là vì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi trung bình huyện đạt 12,95%, đạt so với quy định đạt chuẩn nông thôn mới <13,9%). Tuy nhiên, chỉ có 16/20 xã có tỷ lệ <13,9%, còn 4/20 xã cơ bản đạt có tỷ lệ > 13,9% gồm xã Đình Xuyên 15,25%, Dương Hà 14,83%, Dương Quang 15,16%, Ninh Hiệp 14,29%. Trong tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trên địa bàn huyện tính đến tháng 6/2018 đạt 66,34%, đạt so với quy định 65%. Tuy nhiên hiện nay còn một số xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp như: Ninh Hiệp (31,88%), Phù Đổng (44,1%), Kim Lan (31,3%) và 4 xã chưa có nguồn cấp nước sạch là Trung Mầu, Lệ Chi, Kim Sơn và Văn Đức. Đến hết năm 2018, sau khi Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, tỷ lệ bao phủ nước sạch dự kiến đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 65%. Về nội dung xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, tiêu chí này mới ở mức đạt do ý thức người dân và sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương dẫn tới còn tình trạng chưa thực hiện phân loại triệt để rác thải sinh hoạt, hoặc để không đúng nơi quy định, phát sinh khu đổ rác không đúng nơi quy định; vật liệu xây dựng đổ bừa bãi ra lòng đường. Qua rà soát, đánh giá theo Hướng dẫn số 108/HD-UBND ngày 24/5/2017 của UBND thành phố, huyện Gia Lâm đạt 97,7 điểm (so với quy định 95 điểm đạt huyện nông thôn mới), 8/9 tiêu chí đạt (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, an ninh, trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới) và 1/9 tiêu chí cơ bản đạt (môi trường). Hiện tại, huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9 tới. Mai Thảo

Phát động Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018

TĐKT – Sáng 15/8, Sở Công thương TP Hà Nội tổ chức họp báo Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Thông qua cuộc thi để thúc đẩy phong trào thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP Hà Nội, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch Hà Nội”, cuộc thi sẽ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10/2018. Đối tượng tham gia dành cho mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội không giới hạn về độ tuổi, trình độ (tham gia với tư cách cá nhân), với số lượng và loại hình sản phẩm dự thi không hạn chế. Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Ban tổ chức cho biết, nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm dự thi, Sở Công thương phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và nước ngoài để tư vấn, đóng góp ý kiến, định hướng cho các cá nhân tham gia dự thi trong quá trình thiết kế, chế tạo sản phẩm dự thi. Các sản phẩm dự thi là những sản phẩm mới được thiết kế, sản xuất trong năm 2018, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp và chưa từng gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào. Các sản phẩm thuộc các nhóm ngành: Gốm sứ, sơn mài, mây, tre, giang đan, guột tế; dệt lụa, tơ tằm; thêu, ren; đá, sừng, đồng, kim khí mỹ nghệ; khảm trai, gỗ mỹ nghệ; quà tặng lưu niệm… Ngoài ra, sản phẩm phải đảm bảo 4 tiêu chí chính: Tính sáng tạo, tính thương mại, tính thân thiện với môi trường và tính thẩm mỹ. Nét mới của cuộc thi năm nay: Bên cạnh tìm và vinh danh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, còn tổ chức chấm điểm nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, xuất sắc để đề nghị khen thưởng, vinh danh. Theo đó, những nghệ nhân được tham gia bình xét phải là những nghệ nhân có nhiều thành tích trong phát triển mẫu mã sản phẩm mới, đặc biệt là tham gia cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội trong những năm qua; có nhiều thành tích trong truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ; có sản phẩm tiêu biểu được trưng bày tại các bảo tàng; có tài liệu dạy nghề được viết thành sách, giáo trình dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội… Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ dự thi từ ngày 1 – 30/8/2018, tại địa điểm: Thường trực Ban tổ chức cuộc thi – Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, số 176 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Dự kiến, sẽ có 50 giải dành cho các sản phẩm đạt giải và không quá 20 nghệ nhân được vinh danh, khen thưởng vào dịp diễn ra Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tổ chức vào tháng 10/2018. Các sản phẩm đạt giải sẽ được trưng bày tại hội chợ. Mai Thảo

Chủ nhân Huy chương Đồng tin học văn phòng thế giới đầu tiên của học sinh phổ thông TP Hà Nội

TĐKT - Tại Vòng Chung kết Thế giới cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới 2018 (MOSWC 2018) được tổ chức tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ đầu tháng 8 vừa qua, học sinh Nguyễn Bá Trọng Đại, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã vượt qua hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất đến từ gần 70 quốc gia để mang vinh quang về cho Tổ quốc với 01 Huy chương Đồng ở nội dung Microsoft PowerPoint 2013. Đây là tấm huy chương đầu tiên học sinh THPT Hà Nội giành được trong lịch sử 9 năm tham dự vòng chung kết thế giới của Đội tuyển Việt Nam. Nguyễn Bá Trọng Đại giành Huy chương Đồng duy nhất nội dung MOS Power tại MOSWC 2018 Để đạt được thành công này, trước đó tại các vòng thi cấp quốc gia, Trọng Đại đã phải vượt qua gần 1000 thí sinh là học sinh, sinh viên đến từ gần 200 trường đại học, cao đẳng và các trường THPT, THCS trọng điểm trên cả nước (trong đó có tới 23 đội tuyển học sinh phổ thông do 23 tỉnh, thành đề cử) để giành ngôi vị Vô địch Quốc gia nội dung thi Microsoft PowerPoint 2013. Trọng Đại chia sẻ: “Kỳ tích ngày hôm nay của em không chỉ nhờ đam mê, nỗ lực của bản thân mà chính là thành quả của quá trình đồng hành tâm huyết, sát sao của các thầy cô giáo trường THPT Phan Huy Chú. Đặc biệt, lợi thế then chốt của em chính là được tiếp cận và phát triển kỹ năng tin học theo chuẩn Quốc tế ngay từ khi học lớp 10.” Đối với Trọng Đại, việc nhà trường đưa MOS vào chương trình đào tạo bộ môn tin học và làm chuẩn đầu ra cho học sinh tốt nghiệp đã tạo nền tảng rất tốt cho em và các bạn cùng trang lứa không chỉ khi tham gia cuộc thi MOSWC mà còn rất hữu ích cho quá trình học tập và làm việc sau này. Được tiếp xúc với tin học MOS từ sớm đã tạo đà cho thành công của Trọng Đại trên đấu trường trí tuệ quốc tế Được sự ủng hộ, chấp thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú đã đưa chương trình Tin học Quốc tế MOS vào giảng dạy cho học sinh từ năm học 2016 - 2017. Từ khi triển khai, mỗi năm có khoảng 1000 học sinh của trường được đào tạo theo chương trình Tin học MOS và được tiếp cận với phần mềm ôn luyện Gmetrix. Tính đến nay, tỷ lệ học sinh của nhà trường thi đỗ chứng chỉ MOS quốc tế đạt tới 90%. Sau khi chương trình MOS được đưa vào đào tạo tại nhà trường, phong trào học tập tin học theo chuẩn quốc tế của học sinh ngày càng lên cao. Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú rất hào hứng tham gia cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới (MOSWC) hàng năm với kết quả đáng khích lệ. Cho đến nay, trong 9 năm cuộc thi MOSWC có mặt tại Việt Nam, Trường THPT Phan Huy Chú đã 2 lần có học sinh vô địch Quốc gia và giành quyền tham dự vòng chung kết thế giới tại Hoa Kỳ; trong đó Đại sứ MOS 2016 Nguyễn Hùng Minh đã lọt vào Top 4 thế giới và Đại sứ MOS 2018 Nguyễn Bá Trọng Đại đã đạt Huy chương Đồng thế giới cùng nội dung thi Microsoft PowerPoint 2013. Có thể nói, thành tích này của thầy và trò Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục Thủ đô trong chủ trương hội nhập quốc tế cũng như thực hiện tốt chương trình giáo dục nhà trường phổ thông trong giảng dạy, học tập tin học và thi đánh giá theo chuẩn quốc tế MOS. Thành công của Trọng Đại trên đấu trường trí tuệ quốc tế MOSWC 2018 thế giới cũng là kết quả của sự quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu, không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới của bản thân. Trọng Đại cũng nhắn gửi tới các bạn trẻ rằng: “Đừng bao giờ bỏ cuộc hay tự hài lòng với thành tích mà bạn đạt được. Nếu mình chỉ dừng lại ở giải khuyến khích MOSWC 2016 thì mình sẽ không bao giờ có thể vươn xa ra tầm thế giới và đạt được vinh quang ngày hôm nay.” Mai Thảo

Trang