Doanh nhân Ba Huân: Tạo cơ nghiệp từ quả trứng
04/06/2020 - 09:19

TĐKT - 66 năm tuổi đời nhưng có đến 50 năm duyên nợ với trứng gia cầm, nữ doanh nhân ấy được mệnh danh là “Nữ hoàng trứng Việt Nam” – người đã đi tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn công nghệ cao, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bà là doanh nhân Phạm Thị Huân (tức Ba Huân), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân, TP Hồ Chí Minh.

Nghịch cảnh tạo chí lớn

“Người chị ấy như người mẹ, người thầy, tấm gương sáng về sự miệt mài, chịu khó, yêu lao động” – Đó là chia sẻ của ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân, đồng thời là em trai của bà Ba Huân khi nói về người chị đã dành cả cuộc đời để lo toan cho gia đình và đam mê với nghề trứng của mình.

Sinh ra trong gia đình có tới 8 anh chị em khi đất nước còn chưa thống nhất, bà Ba Huân đã sớm phải theo cha mẹ bươn chải với gánh hàng trứng kẽo kịt từ khi còn tấm bé. 16 tuổi đã tạo cơ nghiệp là nghề trứng cha mẹ để lại, mở ra một thời kỳ huy hoàng nhưng cũng lắm gian truân của thương hiệu trứng Ba Huân.

Vốn đi lên từ đồng quê nghèo, bà Ba Huân biết việc cạnh tranh với thương lái  không hề dễ dàng. Chính vì vậy, bà chủ động tìm đến những vùng đất nuôi vịt chạy đồng khi ấy để “mua tận gốc, bán tận ngọn” mới có cơ hội thành công. Vốn ít nhưng luôn sòng phẳng và nghĩ cho lợi ích của nông dân, nên bà được mọi người tin tưởng giao trứng để bà đem đi buôn bán ngược xuôi khắp nơi.

“Nữ hoàng trứng Việt Nam” Phạm Thị Huân

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ba Huân trở thành nhân viên kinh doanh của Công ty Thực phẩm Nông sản Kiên Giang. Cũng từ đây, nhờ sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc cũng như lợi thế về kinh nghiệm trong thu mua trứng, bà vừa nuôi được các em ăn học, vừa dành dụm được những đồng vốn đầu tiên để gây dựng nên doanh nghiệp trứng mang tên mình tại Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) năm 1985.

Việc buôn bán của bà mỗi ngày một thuận lợi khi vựa trứng Ba Huân cung cấp đến 30% sản lượng của toàn thành phố. Năm 2001, Công ty TNHH Ba Huân ra đời với vốn điều lệ 8 tỷ đồng và đến năm 2016 trở thành Công ty cổ phần đã đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình kinh doanh ngành trứng gia cầm của bà. Hiện nay, Công ty có 12 đơn vị trực thuộc, 4 nhà máy, 3 trang trại chăn nuôi, 6 cửa hàng phân phối; sản phẩm Công ty đã có mặt tại 3000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc... trở thành thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

Dũng cảm đón đầu công nghệ

Công ty được thành lập chưa lâu thì năm 2003 đại dịch cúm gia cầm xảy ra khiến nhiều nông dân điêu đứng, doanh nghiệp của bà Ba Huân cũng chịu thiệt hại nặng nề. Trong tình cảnh khó khăn ấy, thay vì chọn rẽ sang một hướng kinh doanh mới, bà đã quyết định đến tận các cánh đồng miền Tây để nắm bắt tình hình. Nhìn cảnh người nông dân cơ cực, rơi những giọt nước mắt cay đắng lo sợ bà bỏ nghề thì cuộc sống của họ sẽ càng khó khăn hơn, tấm lòng trắc ẩn của nữ doanh nhân xuất thân từ nông dân càng thêm phần day dứt.

Sản phẩm trứng Ba Huân được xử và diệt khuẩn bằng tia UV, tiêu diệt 99,9% vi khuẩn có hại trên trứng

Trở về, bà quyết định tìm đến những quốc gia phát triển để “cứu” nông dân mình. Từ Trung Quốc, Australia, Mỹ… bà đã chọn cho mình được đối tác về thiết bị xử lí trứng sạch hàng đầu thế giới là tập đoàn Moba (Hà Lan). Sau chuyến đi ấy, bà quyết tâm phải mua bằng được dây chuyền hiện đại dẫu buộc phải đánh “cược” một phen lớn khi phải bán bớt nhà xưởng, vay mượn… khiến nhiều người bất ngờ. Ngày nhìn thấy lá cờ Việt Nam được treo tại tập đoàn Moba, sau khi ký hợp đồng bà đã khóc, xen lẫn sự tự hào dân tộc và niềm tin sẽ đem lại những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, giúp đỡ nông dân tránh bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

Từ đây, dây chuyền xử lý trứng trị giá 650.000 Euro với công suất 65000 trứng/giờ được đưa vào sử dụng và ngày càng đem lại xu hướng tiêu dùng mới, đánh dấu việc hiện đại hóa trong ngành chăn nuôi gia cầm. 3 năm sau, bà lại quyết định nhập thêm dây chuyền thứ 2 với công suất 120.000 quả/giờ, nâng tổng công suất lên 185.000 trứng/giờ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trứng của người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Hiện công ty Ba Huân đã có hai nhà máy xử lý trứng sạch tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với tổng công suất 300.000 trứng/giờ. Qua nghiên cứu và thử nghiệm khoa học cho thấy, sản phẩm trứng được xử và diệt khuẩn bằng tia UV đã tiêu diệt 99,9% các vi khuẩn có hại trên trứng và làm se khít các lỗ thông khí trên vỏ trứng, tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong trứng, vừa không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chất lượng của trứng mà giá thành lại chỉ ngang bằng những sản phẩm chưa qua xử lý an toàn.

Thành công đó chứng tỏ sự nhạy bén trong kinh doanh và miệt mài, chịu khó học hỏi của một người chưa học hết tiểu học nhưng lại luôn khát khao được làm việc và nghĩ đến lợi ích cho cộng đồng.

Là doanh nhân từng có kinh nghiệm đương đầu với nhiều khó khăn, bà Ba Huân nhận thấy rõ việc cần phải phát triển hơn nữa công nghệ hiện đại vào sản xuất  sạch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại của nông dân và doanh nghiệp do dịch bệnh. Bởi vậy, một quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” theo tiêu chuẩn công nghệ cao đã được ra đời với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng, trang trại gà lấy thịt và nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy xử lý trứng, nhà máy thực phẩm - Đánh dấu bước đột phá lớn trong phát triển nông nghiệp sạch của Việt Nam hiện nay.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2009 - 2019, Công ty cổ phần Ba Huân luôn đảm bảo doanh thu 120% năm, nộp thuế và các khoản thu khác đạt tỉ lệ 160% so với đăng ký và nộp ngân sách tăng trên 160% năm so với nhiều năm.

Chia sẻ niềm tin cộng đồng

Tuy là một doanh nhân thành đạt nhưng bà Ba Huân vẫn hết sức khiêm nhường và giản dị. Ông Phạm Thanh Hùng kể: “Có lần thương chị thường xuyên phải đi lại vất vả, tôi định đặt một chiếc vé hạng thương gia để chị có thêm chút thời gian để nghỉ ngơi thoải mái. Nhưng chị từ chối, bởi với chị, số tiền đó dành trao cho những người kém may mắn trong cuộc sống hoặc tăng lương, thưởng cho nhân viên sẽ có ý nghĩa hơn”.

Với tâm niệm luôn chia sẻ với cộng đồng, bà Ba Huân còn dành hơn 35 tỷ đồng (giai đoạn 2009 – 2019) để hỗ trợ công tác từ thiện xã hội.

Quả đúng là như vậy, hơn thập kỷ qua, với tâm niệm “Ba Huân chia sẻ niềm tin cộng đồng”, công ty của bà đã đồng hành cùng nhiều chương trình thiện nguyện như: Ngôi nhà mơ ước, xây dựng nhà tình thương , “Tết làm điều hay”, “Xuân yêu thương”... Tổng kinh phí hỗ trợ công tác từ thiện xã hội từ năm 2009 đến 2019 hơn 35 tỷ đồng.

Tự nhận mình là người rất ít chữ nghĩa khi mới học hết đệ ngũ ở trường làng nhưng bà Ba Huân lại luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên lành nghề. Trong suốt hơn 10 năm, công ty của bà đã cử hơn 350 nhân viên tham gia những khóa học ngắn hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao năng lực làm việc của mình.

Đồng thời, bà cũng luôn tạo môi trường làm việc lý tưởng cho cán bộ, công nhân viên nhằm phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm trong mỗi người. Các chế độ đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đều được bà tuân thủ và thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, hằng năm Công ty đều tổ chức kết nạp Đảng cho các đoàn viên ưu tú, tạo nên sức phấn đấu trong lao động, sản xuất và ý thức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong công ty.

Một công nhân của công ty kể lại: “Có lần vào dịp giáp Tết, công ty bà tổ chức nấu cơm cho những công nhân làm tăng ca. Biết có vài người vì quá mệt nên nghỉ ca, đến bữa cơm, bà khéo léo rời đi để những người nghỉ ấy được ăn cơm trong thoải mái.”

Sự tinh tế và thấu hiểu của vị lãnh đạo ấy trở thành sự khích lệ, động viên to lớn để mỗi người đều tự giác hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình, tạo nên sự thành công bền vững của Ba Huân trong nhiều năm nay.

Từ những đóng góp ấy cho cộng đồng và kinh tế nước nhà, bà Ba Huân vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng "Nông dân điển hình" của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 và là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2017 do tạp chí Forbes bình chọn cùng nhiều danh hiệu cao quý khác mà Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng. Hiện tại, bà đang được đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Mai Thảo