TĐKT - Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, mô hình “Hợp tác xã chăn nuôi dê Lộc Hiệp” (ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, mang lại cho hội viên kiến thức, cải tiến, bứt phá về kỹ thuật cũng như cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng.
Các hội viên được tiếp cận với kỹ thuật nuôi dê theo hướng hiện đại, góp phần cho thu nhập ổn định
Thành lập từ năm 2018, với 34 các thành viên đều là các hội viên phụ nữ chăn nuôi dê trên địa bàn xã Lộc Hiệp. HTX chăn nuôi dê Lộc Hiệp là HTX đầu tiên của tỉnh Bình Phước do phụ nữ quản lý, với vốn Điều lệ là 680 triệu đồng, các thành viên đóng góp số tiền 2.000.000đ/hộ để xây dựng quỹ.
HTX cung ứng hầu hết các dịch vụ như: Mua chung sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để phục vụ cho thành viên; bán chung sản phẩm, dịch vụ của thành viên ra thị trường; chế biến sản phẩm của thành viên; cung ứng phương tiện, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật phục vụ thành viên…
Ngay từ khi thành lập, Ban quản trị HTX đã xây dựng kế hoạch phát triển đàn dê, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăn nuôi. Do đó, HTX đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh tổ chức những lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hội viên.
Bà Đỗ Thị An, hội viên HTX chia sẻ: Gia đình tôi gắn bó với công việc nuôi dê nhiều năm nay. Với quy mô đàn dê của gia đình khoảng 40 con, nhưng do chọn đầu tư giống chất lượng ngay từ đầu, cộng với ủ phân dê đúng quy trình như HTX hướng dẫn nên gia đình tôi luôn có thu nhập ổn định, khoảng 200 triệu/năm. Ngoài ra, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê theo hướng hiện đại như đeo khuyên tai, gắn thẻ cho dê để có hồ sơ theo dõi, thuận tiện cho việc chăm sóc và phân biệt giống. Một số hội viên kinh tế khó khăn còn được HTX hỗ trợ giống.
Bên cạnh việc hỗ trợ bà con về kỹ thuật, con giống, phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin, HTX đã lập website để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh thương hiệu dê Lộc Hiệp.
Hiện HTX có 47 thành viên với vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng; số lượng đàn dê phát triển hơn 1.500 con (tăng hơn 600 con); tạo thu nhập ổn định cho các thành viên (60 triệu đồng/năm).
Về kỹ thuật chăn nuôi, hiện HTX đã có đề tài đăng ký cấp trung ương về đặc trưng đóng khuyên tai, làm hồ sơ theo dõi sức khỏe cho dê. Đề án này đã được thử nghiệm và được nhiều hội viên trong HTX áp dụng hiệu quả.
Chia sẻ về định hướng sắp tới của HTX, bà Mai Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Hiệp cho biết: Việc đầu tiên mà HTX làm được là đã giúp bà con nắm vững được chuẩn kiến thức chăn nuôi, cho thu nhập ổn định. Thời gian tới, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ hội phụ nữ, ngân hàng chính sách, HTX sẽ mở rộng nguồn vốn để hỗ trợ về con giống, mở rộng chuồng trại, nâng cao kỹ thuật, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho bà con.
Với những cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ hội viên về kỹ thuật chăn nuôi, năm 2019 HTX Lộc Hiệp được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn là 1 trong những mô hình tiêu biểu tại cuộc thi “Phụ nữ với nền kinh tế xanh” và được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chọn là 1 trong 4 mô hình tiêu biểu năm 2019.
Tuệ Minh