Điển hình tiên tiến

Cống hiến hết mình vì sức khỏe cộng đồng

TĐKT - Giàu nhiệt huyết, ham học hỏi, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng (Bình Dương), Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ huyện Bầu Bàng đã có nhiều nghiên cứu, sáng kiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh và tích cực trong hoạt động thiện nguyện. “Luôn đặt lương tâm người thầy thuốc và trách nhiệm công việc lên hàng đầu” là phương châm làm việc của vị bác sĩ này. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín (thứ 3 từ phải sang) luôn hết lòng vì công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng Sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam. Học xong lớp 12, anh Chín thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng anh lại lựa chọn theo học trung cấp y sĩ, trường Cao đẳng Y tế Bình Dương. Để nâng cao trình độ chuyên môn, anh tiếp tục học để trở thành bác sĩ tại trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Sau khi học xong, năm 2006 anh được phân công về làm Trưởng trạm Y tế xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng). Đến năm 2010, anh chuyển về đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng. Năm 2017, anh tiếp tục được phân công về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng. Dù làm tại đâu và với cương vị nào, anh Chín luôn nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Từ năm 2016 đến nay, anh được Sở Y tế công nhận gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, với cương vị là Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ huyện Bầu Bàng, anh cùng các thành viên trong CLB đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hơn 5 năm qua, từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài huyện, anh cùng các bác sĩ trẻ trong CLB đã triển khai tốt mô hình “Bàn tay nhân ái” và hoạt động hướng về cộng đồng với mô hình “Chuyến xe nhân ái - Hành trình vì sức khỏe cộng đồng”. Theo bác sĩ Chín cho biết, mô hình “Bàn tay nhân ái” bắt đầu được anh và thành viên CLB triển khai thực hiện từ năm 2016. Với mô hình này, CLB đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho các bệnh nhân là người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, những người thuộc diện đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Kinh phí khám, chữa bệnh hàng năm khoảng hơn 400 triệu đồng/năm. Cũng với mô hình này, các thành viên CLB cũng đóng góp tiền hỗ trợ Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện. Với mô hình “Chuyến xe nhân ái - Hành trình vì sức khỏe cộng đồng”, CLB đã được triển khai thực hiện từ năm 2017 bằng hình thức tổ chức nhiều đợt khám bệnh miễn phí, tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công và trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. Từ năm 2017 đến nay, CLB đã tổ chức tham khám mỗi năm cho từ 28.000 - 39.000 lượt người/năm với tổng kinh phí từ 550 - 900 triệu đồng/năm. Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh miễn phí, anh cùng các thành viên CLB còn tổ chức vận động gần 5.000 kg gạo mỗi năm cho trẻ em mồ côi tại Mái ấm Phổ Hiện, xã Trừ Văn Thố. Ngoài ra, anh cùng các thành viên CLB đã thiết kế cho đơn vị website trungtamytebaubang.com.vn, giúp đơn vị triển khai tất cả mọi hoạt động một cách nhanh chóng đến toàn thể viên chức toàn đơn vị từ huyện đến xã, đã tiết kiệm nhiều kinh phí và nhân lực cho đơn vị. Với lòng nhiệt huyết, tài năng, y đức của mình, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cũng như các bác sĩ trẻ trong CLB Thầy thuốc trẻ huyện Bầu Bàng sẽ tiếp tục hành trình đến với nơi khó khăn trên địa bàn huyện, những người già, đối tượng chính sách để khám, chữa bệnh; thắp sáng những mong ước được quan tâm, chăm sóc, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của đội ngũ thầy thuốc, của đoàn viên thanh niên trong lòng nhân dân. Tuệ Minh  

Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” - Đòn bẩy phát huy sáng kiến, sáng tạo

TĐKT - Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” của Đoàn cơ sở Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự trong những năm qua đã trực tiếp thúc đẩy khả năng sáng tạo, tinh thần học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong đơn vị. Từ mô hình, nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ do cán bộ trẻ đảm nhận đã được ứng dụng vào thực tiễn công tác, bảo đảm kỹ thuật, mang lại hiệu quả thiết thực. Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong khai thác, bảo đảm kỹ thuật, thiết kế đóng mới, phục hồi, phát triển phương tiện cơ giới (ô tô quân sự, xe đặc chủng, xe xích, xe tăng thiết giáp, xe máy công binh, trạm nguồn điện…) và thiết bị động lực dùng trong quân sự. Thực hiện hướng dẫn của Cục Chính trị về triển khai các phong trào, mô hình trong đoàn viên, thanh niên; từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị trung tâm của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, một số cán bộ, sĩ quan trẻ đã hình thành phương pháp làm việc nhóm trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Trên cơ sở đánh giá, ghi nhận tính hiệu quả của phương pháp làm việc nhóm trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ khai thác, bảo đảm kỹ thuật, phát triển phương tiện cơ giới, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã chỉ đạo Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Viện chủ trì triển khai thực hiện mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”, nhằm phát huy khả năng sáng tạo, thúc đẩy việc học tập, nâng cao trình độ và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu tính toán, thiết kế cho cán bộ trẻ, tăng cường khả năng sinh hoạt tập thể và hiệu quả làm việc theo nhóm. Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” quy tụ đông đảo các cán bộ, sĩ quan trẻ có trình độ đại học, sau đại học được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; sử dụng thành thạo các phầm mềm tính toán, thiết kế, mô phỏng tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong nước và trên thế giới trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng KHCN ngành cơ giới. Mô hình được cấu trúc thành các Tổ khoa học độc lập, mỗi tổ có một đồng chí làm tổ trưởng; từng tổ chia thành 2 đến 3 nhóm, mỗi nhóm có một đồng chí làm nhóm trưởng, mỗi nhóm có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng một nội dung, khía cạnh khác nhau trong một đề tài (tùy theo từng đề tài, nhiệm vụ khoa học cụ thể để chia thành nhiều hay ít nhóm), các nhóm nghiên cứu phối hợp với nhau để hoàn thành công trình chung của tổ.  Từ một nhiệm vụ khoa học (đề tài) cụ thể của Viện, Ban Chấp hành đoàn cơ sở lựa chọn những cán bộ, đoàn viên có trình độ, chuyên môn phù hợp để thành lập một “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”. Sau đó xây dựng kế hoạch, đề cương, báo cáo thực hiện nhiệm vụ khoa học để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Quản lý khoa học và đề nghị Viện chỉ định một số cán bộ có trình độ chuyên sâu, giỏi về lĩnh vực có liên quan đến nội dung nghiên cứu của Tổ khoa học để hướng dẫn, hỗ trợ Tổ nghiên cứu. Trên cơ sở hoàn chỉnh các nội dung, quy trình, thủ tục theo yêu cầu nhiệm vụ khoa học, Ban Chấp hành đoàn Cơ sở của Viện trình Thủ trưởng Viện phê duyệt, triển khai. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, tổ trưởng nắm chắc tiến trình của nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các nhóm, các tổ viên. Hằng tuần “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” tổ chức hội ý ít nhất một lần, có cán bộ chuyên sâu của Viện hướng dẫn tham dự, để trao đổi, hội ý khoa học và xin ý kiến chỉ đạo của cán bộ hướng dẫn, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học. Sau khi nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thành, tổ khoa học báo cáo Ban Chấp hành đoàn của Viện để báo cáo Thủ trưởng Viện, cơ quan Quản lý khoa học và Hội đồng Khoa học Viện tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Sau khi “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” hoàn thành nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Viện tiến hành hội ý, rút kinh nghiệm việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học của các thành viên trong tổ, nhóm khoa học kỹ thuật trẻ để phát huy những kinh nghiệm sáng tạo, hiệu quả và khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học tiếp theo. Kết quả thực hiện Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” đã làm cho cán bộ, đoàn viên được trải nghiệm thực tế phương pháp làm việc nhóm trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp nhận, lĩnh hội những thành tựu khoa học mới, phát huy tối đa sở trường, trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào khai thác, bảo đảm kỹ thuật, thiết kế đóng mới, phục hồi, phát triển phương tiện cơ giới của cán bộ trẻ trong Viện; củng cố, nâng cao kiến thức chuyên ngành, khả năng tính toán thiết kế, ứng dụng các phần mềm, các công nghệ mô phỏng trong tính toán thiết kế ngành cơ giới quân sự. Qua đó, các tổ trưởng, nhóm trưởng được rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động trong môi trường tập thể quân sự. Các thành viên trong tổ, nhóm được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, sử dụng phần mềm, ngôn ngữ lập trình, tiêu chuẩn bản vẽ… trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học tại Viện. Không chỉ trực tiếp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học cho cán bộ, sĩ quan trẻ, hoạt động của mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy, các cơ quan chức năng và Hội đồng Khoa học Công nghệ của Viện triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học đạt hiệu quả. Tiêu biểu là: Nghiên cứu ứng dụng KHCN trong khai thác, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị, thiết kế, chế thử vật tư kỹ thuật, trang bị kỹ thuật ngành cơ giới và chuyển giao công nghệ sản xuất vật tư kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng; nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa, thay đổi mục đích sử dụng các loại trang bị kỹ thuật cơ giới quân sự; nghiên cứu phát triển kỹ thuật và dự báo phát triển trang bị kỹ thuật cơ giới quân sự; nghiên cứu ảnh hưởng từ hoạt động của các trang bị phương tiện cơ giới quân sự đến môi trường... Năm 2016, cán bộ, sĩ quan trẻ của Viện đã có 1 công trình khoa học “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bộ tự động điều khiển điện áp cho tổ hợp trạm nguồn điện AD10-T400” và 1 sáng kiến “Thiết kế, chế tạo hệ thống nâng hạ dùng trong xe điện chở thức ăn” tham gia giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” cấp toàn quân đều đạt giải Ba. Năm 2017 có 2 công trình và 1 sáng kiến tham gia giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” cấp toàn quân, trong đó Công trình khoa học “Nghiên cứu tính toán thiết kế và chế tạo trạm vệ tinh trinh sát ảnh cơ động” đạt giải Nhất. Qua hoạt động của Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”, Đảng ủy, chỉ huy Viện có thêm “một kênh” quản lý, phân loại, nắm khả năng, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ, sĩ quan trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ trẻ phù hợp, hiệu quả, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Viện. Đến nay, mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” của Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều đơn vị trong Tổng cục Kỹ thuật. Minh Phương  

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen 11 tập thể có nhiều thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Ngày 19/3, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định tặng Bằng khen đối với 11 tập thể có nhiều thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây là sự ghi nhận xứng đáng, kịp thời đối với các tập thể, đồng thời, tạo động lực để các cơ quan, đơn vị toàn quân tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chung tay cùng cả nước phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian tới. Các tập thể được tặng Bằng khen gồm: Quân khu 1, 2, 3, 5, 7, 9; Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch các đơn vị: Quân đoàn 1, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Binh chủng Hóa học, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh (Quân khu 7). Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ban Bí thư và Chính phủ đã có các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, với sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Nhờ có chủ trương đúng đắn, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bước đầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã thu được kết quả tích cực, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với biện pháp phòng, chống của Đảng và Chính phủ ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và sức khỏe của nhân dân. Quán triệt và triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng quân y toàn quân đã triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp quyết liệt; chuẩn bị từ sớm các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tổ chức diễn tập thực tế với các tình huống; chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và y tế, chủ động nghiên cứu và tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Cùng với đó, tổ chức phối hợp hiệp đồng với các cơ quan ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và trong các đơn vị, bảo đảm sức chiến đấu của toàn quân. Đặc biệt, các đơn vị quân đội đã tham mưu và trực tiếp đóng vai trò là một trong những lực lượng quan trọng, xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Phương Thanh

Mô hình tái chế lốp xe làm bồn rửa tay cho học sinh

TĐKT - Sôi nổi những ngày Tháng Thanh niên 2020, các cô giáo Trường mầm non Hoa Hồng, phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cùng các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phường đã sáng tạo làm bồn rửa tay cho trẻ em từ những chiếc lốp xe cũ. Đây là công trình thanh niên đầy ý nghĩa, nhằm tạo thêm những bồn rửa tay, góp phần bảo vệ sức khỏe cho các trẻ trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp toàn cầu. Các giáo viên và đoàn viên vui vẻ khi sơn trang trí những chiếc lốp xe cũ Theo đó, các lốp xe ô tô đã qua sử dụng được các giáo viên và đoàn viên trên địa bàn phường Tân Bình vận động hoặc mua lại với giá rẻ, sau đó sơn trang trí lại bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh, bắt mắt. Chiếc lốp đó sẽ được kết hợp cùng với một chiếc chậu bằng inox, ống nước, vòi rửa tay, chân đế - do các bạn đoàn viên tự tay hàn chắc chắn, tiện lợi, dễ dàng di chuyển, tạo thành bồn rửa tay hữu ích. Chi phí cho một chiếc bồn rửa tay như vậy chưa đến 300 nghìn đồng. Dù hiện nay chưa có thông báo chính thức về thời gian trẻ mẫu giáo quay lại trường học, nhưng công tác dọn dẹp vệ sinh tại các trường học vẫn được duy trì thực hiện đều đặn hàng tuần, đảm bảo môi trường học tập luôn sạch sẽ, thoáng mát. Nhà trường chủ động các biện pháp, vật dụng và phương tiện hỗ trợ trong phòng, chống dịch Covid-19. Các bồn rửa tay ngộ nghĩnh đã được đoàn viên thanh niên, giáo viên lắp đặt và sẵn sàng chờ đón các bạn nhỏ đến trường Bạn Trịnh Thị Dung, Bí thư chi đoàn Trường mầm non Hoa Hồng, chia sẻ: “Một trong những cách phòng, chống dịch Covid - 19 hiệu quả nhất hiện nay là trẻ sẽ phải rửa tay thường xuyên trước khi vào lớp và sau khi tham gia các hoạt động khác trong trường. Hiện tại, đoàn viên và giáo viên nhà trường đã phối hợp thực hiện và đưa vào sử dụng 15 bồn rửa tay tái chế từ lốp xe, rất xinh xắn và hữu dụng”. Cô Bùi Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, cho biết: “Đối với trường mầm non thì công tác vệ sinh cho các bé rất là quan trọng. Việc làm các bồn rửa tay bằng vật liệu tái chế này không chỉ góp phần giảm thiểu được rác thải, tuyên truyền đến phụ huynh cũng như các em học sinh về ý thức bảo vệ môi trường mà còn là dịp để các giáo viên, đoàn viên cùng tham gia hoạt động ý nghĩa trong những ngày tạm nghỉ”. Những bồn rửa tay xinh xắn được xếp dọc bồn hoa trong sân trường Ngoài bồn nước rửa tay bằng vật liệu tái chế, tại khu vực rửa tay còn được lắp bảng tuyên truyền bằng hình ảnh về cách rửa tay đúng cách cùng xà phòng. Những chậu rửa tay được trang trí bắt mắt chắc chắn sẽ kích thích các bé thường xuyên rửa tay, góp phần hiệu quả hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh khi trẻ đến trường học. Hưng Vũ  

Cử nhân Sử học nuôi ước mơ làm nông nghiệp sạch

TĐKT - Tốt nghiệp Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên năm 2016, chàng trai 9x người dân tộc Dao Triệu Đình Lụ không tiếp tục theo đuổi chuyên ngành lịch sử của mình mà quyết định chọn một lối rẽ khác để lập nghiệp, đó là làm nông nghiệp hữu cơ. Lụ trở về quê hương xóm Rặc Rạy, xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng và bắt tay vào con đường khởi nghiệp đầy thử thách, chông gai nhưng tràn ngập niềm vui của một nhà nông trẻ. Triệu Đình Lụ cùng vợ kiểm tra chất lượng cây đỗ tương Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tham gia lao động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ nên Lụ cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy, quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp của anh ban đầu vẫn vấp phải sự can ngăn quyết liệt của cha mẹ, bởi theo họ, làm nông nghiệp thu nhập rất thấp, nông sản quê anh chủ yếu là tự cung tự cấp, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Không nản chí, qua tham khảo các mô hình khởi nghiệp trên báo, tạp chí, nhận thấy sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng chỉ có ở quê hương Rặc Rạy như hạt bí, ngô, đỗ tương hữu cơ bản địa không biến đổi gien, Lụ vẫn giữ quyết tâm đi theo con đường này. Với 20 triệu vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Lụ đầu tư vào 1 ha trồng bí, ngô, đỗ tương của gia đình theo hướng hữu cơ. Từ đầu năm 2018, nhận thấy nông sản người dân làm ra rất nhiều nhưng không biết cách bảo quản và không biết xử lý tốt dẫn đến hàng hóa làm ra không bán được hoặc bán với giá thấp, Lụ mạnh dạn thu mua nông sản để giúp người dân có đầu ra ổn định với giá cao. Ban đầu, anh trực tiếp hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón cho cây bằng phân hữu cơ và tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, đồng thời không phun thuốc diệt cỏ hay thuốc kích thích trước và sau khi trồng. Rồi anh hướng dẫn bà con cách bảo quản, cách sơ chế hạt bí, đỗ tương, ngô để sao cho hạt đẹp và mẩy. Hiện nay anh đang thu mua sản phẩm của khoảng 30 hộ là bà con trong làng và một số làng lân cận. 1 kg hạt bí hiện tại anh bán khoảng từ 90 - 120 nghìn đồng/kg tùy chất lượng sản phẩm; đỗ tương là 26 - 30 nghìn đồng/kg. Đỗ tương quê anh 1 năm thu hoạch khoảng 6 tấn đến 10 tấn. Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, sản phẩm phải đạt chuẩn không sử dụng thuốc hóa học mới được Lụ thu mua. Ngay trong năm đầu tiên triển khai mô hình, Lụ đã giúp bà con tiêu thụ hàng chục tấn nông sản, giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, tạo niềm tin cho đầu ra, giúp bà con yên tâm sản xuất. Sau 1 năm, anh cũng để dành ra được một chút vốn liếng từ lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất. Lụ chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng qua các mạng xã hội như facebook, zalo, tôi từng bước tiếp cận được đầu ra. Các đơn đặt hàng tới liên tục từ Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh... Có người mua hạt làm giống, có người mua làm những món ăn chay ở nhà chùa. Từ đó tôi cũng cảm thấy yêu công việc mình làm hơn.” Trong thời gian tới anh sẽ mở rộng quy mô trồng và đầu tư máy móc, đặc biệt là máy sấy sản phẩm nông nghiệp để giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn và tạo niềm tin cho khách hàng yên tâm sử dụng. Trang Lê  

Cô gái Thái nâng tầm thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến

TĐKT - Được sáng lập từ năm 2010, Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là tâm huyết của bà Sầm Thị Bích nhằm lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho những người phụ nữ nơi đây. Dệt tiếp ước mơ của mẹ, khát khao đưa thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn,  cô con gái Sầm Thị Tình đã quyết tâm đưa “hồn quê” ra phố.   Sầm Thị Tình, người chắp cánh cho thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến Hơn 100 năm nay, Hoa Tiến được mệnh danh là một trong những cái nôi dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Các cô gái Thái đều được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa vốn là các công việc mà họ đều hết sức thuần thục như một bảo chứng cho sự trưởng thành. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn piêu… phục vụ bản thân và gia đình. Người Thái xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày hội của bản làng hay trong ngày vui của đôi lứa. Vì thế mỗi đường nét thêu trên mảnh vải thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương. Sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến có sắc màu tự nhiên, tươi tắn, bền đẹp và an toàn cho người dùng. Tất cả các sợi vải đều được nhuộm bằng cây cỏ thiên nhiên như lá cà phê, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, rễ xẹt, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng, cắm phông, gỗ mít…   Sầm Thị Tình trực tiếp thực hiện công đoạn nhuộm vải Tình chia sẻ: “Trước đây trong suy nghĩ của tôi luôn mặc định một điều là dân tộc Thái mới dùng đồ Thái thôi nhỉ. Sau này, lớn lên, tôi mới biết đây là những giá trị văn hóa mà chỉ cần người ta yêu thích văn hóa dân tộc đều có thể sử dụng, dù là dân tộc Kinh hay các đồng bào dân tộc khác nhau. Từ các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đến những người yêu thích thời trang cũng tinh tế tự thưởng cho ngôi nhà của mình những sản phẩm văn hóa dân tộc độc đáo.” Nắm bắt được nhu cầu ấy, cô đã tìm cách quảng bá sản phẩm thổ cẩm với những giá trị tầng sâu văn hóa từ làng Thái cổ tới những nơi đô hội, tới thị trường trong nước và quốc tế. Từ những sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường như chiếc ví cầm tay xinh xắn, thú bông, khăn choàng, dép thổ cẩm…, Sầm Thị Tình dần dần tìm tòi, học hỏi và thiết kế nhiều mẫu mã mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Thay vì chỉ sử dụng thổ cẩm để may áo, váy, cô gái Thái này còn sáng tạo, biến nó thành vật liệu phục vụ trang trí nội thất như tranh, áo, gối… Bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, người phụ nữ trẻ đã biến vải vụn thành những sản phẩm mang đặc trưng của thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường.   Workshop hướng dẫn nhuộm khăn bằng màu tự nhiên cho người nước ngoài Hiện nay, Sầm Thị Tình đang phụ trách mảng kinh doanh và marketing tại HTX Hoa Tiến. Cô mang sản phẩm của HTX giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước thông qua kênh bán hàng truyền thống, hội chợ thương mại, mạng xã hội. Ngoài ra, cô còn là người tìm kiếm và kết nối giữa HTX với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong và ngoài nước… để tạo thêm nhiều đơn hàng, từ đó, tạo thêm thu nhập cho chị em trong HTX, góp phần trang trải cuộc sống. Cô còn tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện tại nhà để giới thiệu về cách dệt, thêu, nhuộm vải bằng chất liệu tự nhiên của dân tộc mình cho khách hàng. Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long… và được bán ở các nước như Pháp, Đức, Nhật, Lào… Thu nhập bình quân của chị em trong HTX từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX là 500 triệu đồng. Tình tin tưởng rằng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với sự ủng hộ và ghi nhận của các tổ chức trong và ngoài nước, trong tương lai Hoa Tien Brocade sẽ không ngừng vươn xa, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung. Nguyệt Hà  

Động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVD-19 và những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong phòng, chống dịch COVD-19, ngày 18/3, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có thư gửi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng toàn quân. Đại tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận: Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVD-19, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp; được sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cấp, các ngành, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương; cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng toàn quân đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực cùng cả nước ngăn chặn, khống chế, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại, cơ sở vật chất, huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công dân Việt Nam và công dân nước ngoài cách ly tại đơn vị. Nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân y đã nêu tấm gương sáng, tận tụy làm việc, tăng cường theo dõi, thăm khám cho hàng vạn công dân được cách ly; phối hợp nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona chủng mới, thiết thực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã và đang ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nội địa. Toàn quân đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm trong quân đội; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Những việc làm trên đã góp phần tô thắm, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng toàn quân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; trong nước, số người nhiễm virus và số người cần được cách ly có thể tăng cao. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng toàn quân tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc; tuân thủ nghiêm ngặt, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, góp phần ngăn chặn thành công dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nguyệt Hà

Biến vỏ sầu riêng thành “than sạch”

TĐKT - Từ những vỏ sầu riêng được thải loại trong quá trình sản xuất, Nhóm nghiên cứu Trường THPT Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã biến thành “than sạch”, không chỉ mang lại ứng dụng cao mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đề tài này được thầy Huỳnh Minh Huy, giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Cái Bè cùng một số em học sinh giỏi môn Hóa thực hiện. Thầy Huy (bên phải) kiểm tra sản phẩm than làm ra Nói về ý tưởng, thầy Huỳnh Minh Huy, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Trên địa bàn huyện Cái Bè có nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sầu riêng. Hàng năm, lượng vỏ sầu riêng mà những cơ sở này thải ra khá lớn. Hầu như việc tái chế những phế phẩm này còn bỏ ngỏ. Tuy một lượng nhỏ vỏ sầu riêng được nông dân tận dụng để ủ làm phân bón lót, nhưng hiệu quả không cao và gây ô nhiễm môi trường nước, không khí vì có mùi hôi khó chịu. Trước thực trạng ấy, tôi đã suy nghĩ cần phải tìm ra cách nào đó để tận dụng, tái chế được nguồn nguyên liệu lớn này. Nghĩ là thực hiện, thầy Huy bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu. Trong quá trình tìm hiểu, đọc qua sách, báo thầy Huy biết thông tin vỏ chuối đã từng được dùng để chế tạo ra than. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về đặc tính của vỏ sầu riêng, thầy Huy cùng nhóm nghiên cứu nhận thấy vỏ sầu riêng cũng có chất kết dính tương tự như vỏ chuối. Vậy là ý tưởng chế tạo than từ vỏ sầu riêng ra đời. Sau một thời gian nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc ý tưởng, Nhóm đã hoàn thiện quy trình sản xuất và cho ra đời những viên than đầu tiên làm từ vỏ sầu riêng. Chia sẻ về quy trình sản xuất than từ vỏ sầu riêng, thầy Huy cho biết: Quy trình sản xuất than tổ ong từ vỏ sầu riêng khá đơn giản. Vỏ sầu riêng sau khi được thu gom từ các cơ sở thu mua trái cây được đưa vào máy xay nhuyễn cùng với vỏ chuối. Tiếp đến, vỏ sầu riêng và vỏ chuối đã được xay nhuyễn trên trộn với đất sét và mùn cưa lần lượt theo tỷ lệ khối lượng là 7:1:1:1. Hỗn hợp trên sẽ được đưa vào khuôn ép để tạo hình than tổ ong. Sau khi được ép tạo hình, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng được phơi khô trong 10 ngày sẽ cho ra thành phẩm. Loại than này có thể cháy liên tục trong 45 phút. Tuy thời gian cháy ít hơn so với than bùn cùng kích thước khoảng 15 phút, nhưng than làm từ vỏ sầu riêng có khả năng bắt lửa nhanh hơn… Không chỉ vậy, hiệu suất tỏa nhiệt của than làm từ vỏ sầu riêng đạt xấp xỉ từ 80% - 90% so với than tổ ong làm từ than bùn cùng kích thước. Đặc biệt, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng khi đốt ít gây độc hại hơn rất nhiều so với than bùn. Ngoài ưu điểm về chất lượng, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng được làm từ nguồn nguyên liệu dễ tìm, có sẵn tại địa phương, thời gian sản xuất ngắn nên giá thành sản xuất thấp và hiệu suất đạt được rất cao khi đầu tư sản xuất với quy mô lớn. “Sản phẩm này đã được đưa vào sử dụng và được người dân đánh giá cao về khả năng tỏa nhiệt cùng tính thân thiện với môi trường.”- thầy Huy vui vẻ chia sẻ. Đề tài than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng của Nhóm nghiên cứu đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019). Có thể nói, việc chế tạo than từ vỏ sầu riêng đã mở ra xu thế mới trong việc sản xuất chất đốt từ vỏ thực vật. Việc này sẽ giúp thay thế dần việc sử dụng than tổ ong thông thường, đảm bảo sức khỏe con người, giảm bớt ô nhiễm môi trường và tạo hướng nghiên cứu mới về các nguồn năng lượng thay thế. Chia sẻ về hướng phát triển đề tài, thầy Huy cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng đề tài để có thể sản xuất thêm các sản phẩm than làm từ vỏ mít và lõi ngô để tăng tính ứng dụng của đề tài. Bảo Linh  

Tuyên dương đoàn viên có hành động đẹp “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”

TĐKT - Ngày 16/3/2020, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức tuyên dương các đoàn viên có hành động đẹp “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất” tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị tặng Bằng khen cho đoàn viên Mai Thị Kiều Trinh Theo đó, ngày 30/01/2020, đồng chí Mai Thị Kiều Trinh - đoàn viên chi đoàn 12B3 -trường THPT Trần Thị Tâm nhặt được một chiếc ví trong đó có hơn 700.000 đ tiền mặt ở sân trường. Đồng chí đã đem đến Văn phòng Đoàn trường để thông báo trả lại người đánh mất. Ngay sau đó, Đoàn trường THPT Trần Thị Tâm đã tìm và trả lại chiếc ví cho một học sinh trong trường. Ngày 9/3/2020, đồng chí Phạm Thị Duyên Huệ - đoàn viên chi đoàn 10B3 - trường THPT Bùi Dục Tài trên đường đi học đã nhặt được chiếc ví có hơn 900.000 đ tiền mặt. Đồng chí đã đem đến nộp tại Văn phòng Đoàn trường để trả lại học sinh trong trường đánh rơi chiếc ví. Hành động đẹp của 2 đồng chí Mai Thị Kiều Trinh và Phạm Thị Duyên Huệ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tặng bằng khen tuyên dương các đồng chí vì đã có hành động đẹp “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”. Cẩm Tú

Nữ Bí thư luôn xung phong đi trước, làm trước

TĐKT - “Hạnh phúc nhất của người cán bộ, Đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Nhìn lại năm tháng qua, cùng dân giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đồng lúa chín trong một tuần, mở đường, đổ đường bê tông nối làng, đóng góp hỗ trợ những gia đình nghèo hiến đất… việc nào tôi cũng tự nhủ, là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước.” - Những suy nghĩ ấy chính là sợi chỉ đỏ dẫn đường để nữ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Thị Lụa đưa xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Lụa, mô hình trồng dâu nuôi tằm của xã Việt Thành phát triển, mang lại nguồn thu nhập cho người dân Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, đông anh em ngay tại quê hương Việt Thành, sau khi tốt nghiệp THPT, chị xin ở nhà giúp đỡ bố mẹ tăng gia sản xuất và tham gia các hoạt động ở thôn, xã, như: Tổ trưởng phụ nữ, chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ năm 1996 - 2003. Năm 2004, chị được nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐND - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã. Từ năm 2015 đến nay, chị được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự xã Việt Thành. Những năm trước đây, khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, Việt Thành là một xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã mới bê tông cứng hóa được trên 2 km đường giao thông, còn lại là đường đất lầy lội vào mùa mưa. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị cây trồng, vật nuôi còn thấp. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Với trách nhiệm là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, chị luôn ra sức học tập và thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên, học hỏi những kinh nghiệm của các bậc lãnh đạo đi trước, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tham mưu đề xuất với Ban thường vụ Đảng ủy xã đề ra các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án ở địa phương, sát với đời sống của nhân dân, từng bước đột phá trên từng lĩnh vực. Đầu tiên, xác định công tác cán bộ là then chốt, chị đã tham mưu phân công từng đồng chí trong Ban thường vụ - Ban chấp hành trực tiếp tham gia sinh hoạt ở các chi bộ không gắn liền nơi cư trú. Điều động, luân chuyển đảng viên từ chi bộ này sang sinh hoạt chi bộ khác và giữ các chức vụ lãnh đạo ở những chi bộ có sức chiến đấu chưa cao, chi bộ dòng họ. Cách làm này đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ và tạo được niềm tin trong nhân dân. Sau khi công tác tổ chức, cán bộ được kiện toàn, chị tham mưu với Ban thường vụ tập trung tổ chức, tuyên truyền, quán triệt, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết một cách nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4. Trước hết là cán bộ phải học, hiểu rõ, nắm chắc nội dung yêu cầu của các Chỉ thị, Nghị quyết, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sau đó mới triển khai cho nhân dân học tập. Bản thân chị cũng luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc, có bản lĩnh và có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, tận tụy với công việc, trách nhiệm với mọi người, nên đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có thay đổi vượt bậc cả về nhận thức, tư duy và hành động. Nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp tiền của, công sức, tự nguyện hiến trên 57.000 m2 đất để làm các công trình. Tiêu biểu như hộ bà Vân hiến gần 1.000 m2 đất lúa để làm nhà văn hóa xã; gia đình chị Lụa cũng hiến trên 900 m2 đất lúa cho xã để làm các công trình sinh hoạt chung của địa phương. Do có sự đồng thuận của nhân dân, chị đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung. Vùng Đồng Phúc nhiều đồi rừng được quy hoạch trồng rừng kinh tế, cây quế là cây chủ lực với diện tích trên 50 0ha. Vùng Phú Thọ là khu trung tâm, được quy hoạch phát triển mạnh về thương mại dịch vụ kết hợp phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung. Vùng Lan Đình là vùng có đất đai màu mỡ được quy hoạch trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 130 ha. Chị cho biết: “Việt Thành xác định được 3 vùng phát triển kinh tế tập trung rồi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều đêm không ngủ được, tôi đã trăn trở, để tìm ra các giải pháp tháo gỡ và xác định làm đường giao thông nông thôn là phải đi trước một bước, gắn với việc cán bộ phải vào cuộc, gương mẫu cùng làm với dân. Thậm chí, có hôm trời mưa, cán bộ vẫn đi gặt lúa giúp dân để kịp bàn giao mặt bằng, đi đào đất, trồng dâu, trồng hoa, vận chuyển vật liệu cùng dân, việc gì cũng làm…” Đặc biệt, trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, tại thời điểm đó xã còn thiếu 4 nhà văn hóa thôn, thời gian dự kiến đề nghị công nhận chỉ còn 4 tháng, nhà nước không có sự hỗ trợ, có thôn chưa có đất. Chị đã tham mưu cho Ban chấp hành (BCH) Đảng ủy xã phân công trực tiếp những đồng chí có năng lực vượt trội xuống phụ trách từng thôn để chỉ đạo thực hiện thành công 4 nhà văn hóa với thời gian xong sớm nhất. Đặc biệt có thôn rất khó khăn, đất chưa có, đồng chí trưởng thôn vợ thì ốm nặng, đã xin nghỉ thời gian dài để chăm sóc vợ. Chị đề xuất với BCH để chị vừa phụ trách vừa trực tiếp thay trưởng thôn từ việc vận động hiến đất và triển khai huy động đóng góp xây dựng. Được sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 61 ngày, chị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà văn hóa thôn với tổng trị giá 135 triệu đồng. Với những đóng góp của Bí thư Đảng ủy Lê Thị Lụa, xã Việt Thành đã thực sự chuyển mình đổi thay nhanh chóng. Đến nay, các tuyến đường cơ bản đã được bê tông cứng hóa, nhiều nhà xây cao tầng như phố núi được mọc lên, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng vào năm 2018. Xã liên tục nhiều năm liền được các cấp tặng giấy khen, bằng khen và cờ thi đua. Đồng thời xã được đón nhiều đoàn của trung ương, của các tỉnh, các huyện, các xã về thăm quan mô hình.  Năm 2019, chị Lụa được Ban Tuyên giáo Trung ương mời dự giao lưu và tôn vinh điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dự triển lãm, tôn vinh “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Hà Nội; được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác hồ về thăm Yên Bái và được tỉnh tặng 12 Bằng khen. Nguyệt Hà  

Trang