Người phụ nữ luôn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả bảo quản hàng dự trữ quốc gia
20/10/2020 - 16:00

TĐKT - Bà Nguyễn Thị Thúy Liễn, Thủ kho bảo quản, Chi cục Dự trữ Nhà nước Phong Châu, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phúc, Tổng cục Dự trữ Nhà nước là người trực tiếp làm công việc thủ kho bảo quản gần 30 năm. Bà là người gắn bó với ngành Dự trữ từ những năm tháng còn khó khăn, gian khổ.

Sáng kiến xử lý hệ thống điện kho đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả

Bà vẫn nhớ như in, thời gian ấy, cơ sở vật chất của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) còn nghèo, vùng kho nơi bà công tác còn chưa được đầu tư sửa chữa đầy đủ như bây giờ, hình thức bảo quản còn giản đơn (bảo quản thóc đổ rời, thông thoáng tự nhiên ....). Công việc của người thủ kho bảo quản lúc bấy giờ rất vất vả, nhiều việc phải thực hiện thủ công như: Kê lót kho thủ công bằng phương pháp đóng gông, tre... phủ và treo cót, rồi cào đảo, đánh luống xử lý bốc nóng khối hạt, tìm các biện pháp chống chuột hay phun thuốc diệt trùng.

Không những thế, mỗi khi xuất kho để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ, bà lại cùng anh em trong đơn vị bám hàng, bám xe đi giao hàng dự trữ quốc gia đến những điểm miền núi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: Xuất cứu trợ nhân dân ở Thừa Thiên Huế trong đại hồng thủy miền Trung lịch sử 1999, xuất cứu trợ nhân dân do ảnh hưởng mưa sau bão số 4 và bão số 6 đã gây lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang năm 2008, xuất gạo cứu trợ cho nhân dân cứu đói giáp hạt, khắc phục thiên tai, khoanh nuôi bảo vệ rừng những năm vừa qua; rồi những lúc xảy ra mưa, bão bất ngờ, lại cùng anh em vùng kho vất vả chèo chống, che đậy, chèn cửa chống mưa hắt. Công việc người thủ kho bảo quản vốn dĩ đã thầm lặng, nhiều hy sinh, vất vả; đối với nữ thủ kho, để hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn chu toàn việc gia đình, dạy dỗ con cái học hành thì nỗi vất vả, sự hy sinh lại thêm vài phần. 

Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú nói chung và Chi cục DTNN Phong Châu nói riêng đã được đầu tư, xây dựng cải tạo cơ sở vật chất tương đối khang trang; các quy định về công tác bảo quản hàng hóa đã từng bước được hoàn thiện. Việc triển khai ứng dụng thiết bị công nghệ, cải tiến quy trình, đổi mới phương thức bảo quản hàng dự trữ quốc gia giúp kéo dài thời gian bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đồng thời giảm đi phần nào nỗi vất vả của những người thủ kho bảo quản như bà. Ngoài ra, cơ chế chính sách cho cán bộ, công chức ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã có những thay đổi đảm bảo cán bộ, công chức yên tâm công tác.

Sáng kiến cắt vát góc dùng máy hàn nhựa dán lô gạo xuất dở để bảo quản

Mặc dù vất vả là thế nhưng trong bất cứ điều kiện nào, khi đã được giao nhiệm vụ thì bà và các đồng nghiệp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, tích cực, tự giác, sáng tạo. Đặc biệt hơn nữa là thực hiện nhập, xuất, bảo quản hàng hóa DTQG hoàn thành 100% kế hoạch.

Ở vai trò nào khi được phân công, bà luôn nhận thức rõ trách nhiệm công việc của mình là giữ gìn an toàn tuyệt đối về số lượng cũng như chất lượng hàng hóa vật tư dự trữ từ khi nhập, bảo quản đến khi xuất kho. Với nhiều năm kinh nghiệm trong làm thủ kho, bà luôn trăn trở, tìm tòi nghiên cứu tài liệu áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn, học hỏi anh em đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa. Chính sự mở mang ấy đã giúp bà tìm tòi được nhiều điều mới lạ và áp dụng vào thực tiễn trong công tác kê lót chuẩn bị nhập kho để thực hiện tốt công tác bảo quản gạo; giảm áp suất đối với thóc, làm cho vi sinh vật hại không phát triển và không làm ảnh hưởng đến chất lượng vật tư hàng hóa.  

Bà luôn phối hợp với các đồng nghiệp thực hiện theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình bảo quản.

Bà cho biết thêm, trong quá trình thực hiện phải vệ sinh kho, màng PVC sạch sẽ, tìm các phương pháp cắt dán màng để làm sao không mất thời gian, nhân lực, đồng thời đảm bảo tuyệt đối độ kín của màng. Cụ thể muốn màng dán quây lô được phẳng, bà cắt 3 đường màng quây theo chiều dài của lô gạo và dán ngoài trời do đường dán dài từ 30 - 31m/đường sau đó dán ghép đỉnh, chiết góc. Sau khi phủ lô gạo thì dán đáy, như vậy không mất nhiều đường dán, tiết kiệm được nhân lực và thời gian. Những hôm thời tiết nắng nóng, để cho màng dán không bị ảnh hưởng do nhiệt độ ngoài trời lên cao, bà bố trí làm từ sáng sớm.

Bên cạnh đó, công tác nhập kho cũng phức tạp không kém bởi việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhập kho được thủ kho đặc biệt quan tâm chú trọng. Chất lượng hàng hóa nhập kho có yếu tố quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vật tư, hàng hóa trong quá trình bảo quản. Kiểm tra chặt chẽ hàng hóa trước khi nhập kho, đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn, chất lượng quy định. Khi cho lên bàn cân, bà đều giám sát kiểm tra từng bao gạo, dùng xiên lấy mẫu kiểm tra trực tiếp. Mỗi cán bộ thủ kho như bà khi kiểm tra trước tiên bằng kinh nghiệm và cảm quan, sau đó căn cứ theo các chỉ tiêu quy chuẩn chất lượng. Bằng phương pháp như vậy kiểm tra đảm bảo chỉ tiêu chất lượng thì mới cho nhập kho; gạo sau khi nhập kho được đưa vào bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật.

 Thêm vào đó là công tác bảo quản thường xuyên, bảo quản định kỳ vật tư hàng hóa. Hàng ngày, công việc của bà là vệ sinh sạch sẽ kho tàng cả bên trong và bên ngoài; kiểm tra, theo dõi diễn biến các ngăn kho và ghi chép phản ánh kịp thời, trung thực. Thực hiện các biện pháp để bảo quản an toàn chất lượng hàng hóa trong kho như: Mở cửa thông thoáng thường xuyên trong điều kiện nhiệt độ thời tiết ngoài trời đáp ứng cho phép; phủ rèm cửa bằng tấm màng PP, đóng cửa kho kín để ngăn không cho gió lùa trực tiếp vào lô gạo, thóc, khi thời tiết thay đổi đột ngột trong mùa lạnh, đảm bảo nhiệt độ trong kho luôn được ấm, ổn định, tránh hiện tượng đọng sương trong lô gạo. Qua các đợt kiểm tra của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú công tác bảo quản đều được đánh giá thực hiện tốt.

Ngoài ra, trong công tác xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ, không ngại khó, ngại khổ, không quản ngại giao thông đi lại khó khăn, bà trực tiếp bám hàng giao đến tận những nơi huyện, lỵ miền núi xa xôi, có đời sống khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, thiếu đói khi giáp hạt và các cháu học sinh miền núi các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đảm bảo an toàn về chất lượng, đầy đủ về số lượng.

Trong những năm qua, từ kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với sự tìm hiểu học hỏi, bà và đồng nghiệp đã phát huy cải tiến, đưa ra được các sáng kiến cấp cơ sở áp dụng trong công tác bảo quản hàng dự trữ, trong đó có 2 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp ngành là: Sáng kiến Cải tiến hệ thống điện trong kho hàng đảm bảo an toàn hàng hóa và sáng kiến nghiên cứu cải tiến phương pháp cắt, dán màng lô gạo xuất dở.

Trong suốt những năm làm thủ kho bảo quản, công việc nhiều vất vả, bản thân là nữ còn bận nhiều công việc gia đình, nhưng bà luôn xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình là đang giữ gìn, bảo quản là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Bà đã nỗ lực, vượt khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn hoàn thành 100% kế hoạch được giao, hàng DTQG đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, kho tàng luôn sạch sẽ.

Từ kết quả rèn luyện và phấn đấu trong nhiều năm qua, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được khen thưởng: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và trong năm 2019 bà được xét đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Đó là cả quá trình phấn đấu, là cả chặng đường nỗ lực không ngừng, nắm chắc về nghiệp vụ, học hỏi thêm kinh nghiệm, các cách làm hay từ đó áp dụng vào thực tiễn công việc sao cho hợp lý.

Hồng Thiết