TĐKT - Năng động, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, đó là nhận xét của người dân đối với ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ông Bản tặng quà Tết cho hộ nghèo
Ông Bản cùng gia đình từ quê hương Quảng Ngãi vào xã Suối Nghệ, huyện Đức Thạnh, tỉnh Phước Tuy (nay là xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lập nghiệp năm 1973. Sau một thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại đây, với tính cách năng nổ, tận tâm, nhiệt tình với các công tác xã hội, đặc biệt là chăm lo cho những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, năm 2014, ông Bản được lãnh đạo tin tưởng, nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, phụ trách khối văn hóa - xã hội.
“Châu Đức là một huyện nông nghiệp, người dân quanh năm với ruộng vườn nên nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp chịu nhiều biến động, thu nhập bấp bênh vì tiêu, điều, cà phê rớt giá, dịch tả heo châu Phi hoành hành trên đàn lợn, dịch cúm H5N1, H1N1 trên gia cầm làm người nông dân điêu đứng, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, nguy cơ tái nghèo cao.”- ông Bản cho biết.
Bởi vậy, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, ông luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân là phải chăm lo, đảm bảo cho đời sống của nhân dân trên địa bàn được ấm no, hạnh phúc.
Ông Bản cùng ban, ngành huyện thăm, động viên gia đình ông Nguyễn Nguyền bị hỏa hoạn dịp Tết Canh Tý 2020
Trong quá trình công tác, ông Bản luôn tích cực nghiên cứu, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Dù công việc nhiều nhưng ông cũng sắp xếp, điều tiết, phân bổ thời gian phù hợp để quản lý, chỉ đạo sâu sát các lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là chăm lo cho cuộc sống người dân.
Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Nguyền, ở xã Láng Lớn nhà bị hỏa hoạn trong những ngày giáp tết Canh Tý, ông Bản có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ. Tương tự, vào tháng 4 vừa qua, do chập điện nên ngôi nhà gỗ có diện tích 70m2 của gia đình ông Phan Văn Hoàng, tổ 5, thôn Đông Linh, xã Bình Giã bắt lửa cháy ngùn ngụt, thiệt hại ước tính hơn 300 triệu đồng. Nhận được tin báo, ông Nguyễn Tấn Bản cùng các ban, ngành thuộc huyện Châu Đức đã tới thăm hỏi, động viên và trao số tiền 5 triệu đồng để gia đình ông Hoàng vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời triển khai kế hoạch hỗ trợ để xây dựng lại căn nhà mới.
Bên cạnh việc chăm lo cho người nghèo, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, ông Bản đã kết nối, vận động xây dựng, sửa chữa hơn gần 270 căn nhà đại đoàn kết và hơn 150 nhà tình nghĩa với số tiền khoảng 13,7 tỷ (trong đó vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân khoảng 7,2 tỷ); ngoài ra còn tặng gần 400 chiếc ti vi, hơn 300 xe đạp với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Bản trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người khó khăn
Ngoài ra, thực hiện chỉ tiêu tỉnh giao và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, ông đã cùng hệ thống chính trị huyện, xã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo nhiều. Trong đó, ông đã chỉ đạo các đơn vị trong cách làm phải cụ thể, trách nhiệm, chắc chắn, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá nhằm uốn nắn những hạn chế, tồn tại, phát huy những cách làm hay để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao.
Nhờ vậy, đến hết năm 2019, số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 727 hộ, đạt tỷ lệ 1,81% (năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 7,45%), trong đó đặc biệt không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia và không còn hộ nghèo có thành viên có công với cách mạng.
“Hiện Châu Đức không còn hộ không có ti vi để xem, không còn học sinh không có xe đạp để đi học; không còn hộ khó khăn mà không có thẻ bảo hiểm y tế; huyện cơ bản không còn nhà dột nát...” - ông Bản vui mừng chia sẻ.
Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Tấn Bản đã nhận được giấy khen của UBND huyện, hơn 35 lần nhận khen thưởng của UBND tỉnh vì đã có nhiều đóng góp trong xây dựng huyện Châu Đức giai đoạn 1994 - 2019, 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Tùng Chi
Điển hình tiên tiến
TĐKT - Chiều 6/9, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.
Đến dự, có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, đại điện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và Hà Nội.
Về phía Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và công bố quyết định khen thưởng.
Về phía Đài nói Việt Nam (TNVN) có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Trải qua chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, đến nay, VOV trở thành đơn vị báo chí quốc gia duy nhất phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện bao gồm đầy đủ cả bốn loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo điện tử, báo in. Một chặng đường mới - đòi hỏi một hình ảnh mới, thể hiện được quy mô và tầm vóc hiện tại của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với một đội ngũ hùng hậu, hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại; hệ thống trang thiết bị tiên tiến, với gần 2.700 cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ và nhân viên, VOV là một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ đọc diễn văn kỷ niệm
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, thành tích mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đã có những đóng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đài TNVN đã khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận quan trọng của đất nước. Chính Tiếng nói Việt Nam đã tạo lên sức mạnh đại đoàn kết để chúng ta giành chiến thắng qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương công bố quyết định khen thưởng cho Đài TNVN và các đơn vị trực thuộc
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng, trưởng thành, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang ra sức phấn đấu, năng động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng VOV thực sự là cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh toàn diện. Nâng cao hơn nữa tính cách mạng, tính định hướng, tính chiến đấu, tính văn hóa, tính hiện đại; nâng cao hơn nữa khả năng lan tỏa và chi phối thông tin, cả trong và ngoài nước; giữ vững vị thế là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới, là diễn đàn tin yêu của nhân dân, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao hoa chúc mừng Đài TNVN
Qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, rèn luyện, trưởng thành, từ một kênh sóng và ba chương trình phát thanh ban đầu bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, phát trên máy sóng trung 300W và cả tín hiệu Moóc-xơ, đến nay VOV đã lớn mạnh, hiện đại với đầy đủ 4 loại hình báo chí, có 8 kênh phát thanh, trong đó có 2 kênh phát 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số và 13 thứ tiếng nước ngoài; 17 kênh truyền hình; 2 báo điện tử; 1 báo in; 6 cơ quan thường trú ở 6 khu vực trong nước và 13 cơ quan thường trú ở các khu vực trên thế giới; một nhà hát ca múa nhạc; hai trường cao đẳng phát thanh, truyền hình.
Nhân dịp này, logo và bộ nhận diện thương hiệu mới của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã ra đời. Đây là một dấu mốc, phản ánh khát vọng, tầm nhìn, chiến lược phát triển dài hạn, đem lại một diện mạo hoàn toàn mới phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại và đưa thương hiệu VOV hội nhập quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng, tại Lễ kỷ niệm, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã được trao cho Nhà hát Đài TNVN. Đài TNVN nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ban Thời sự (VOV1) nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và Ban Đối ngoại (VOV5) nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Hồng Thiết
Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất
TĐKT - Ngày 5/9, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (7/9/1945 - 7/9/2020). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu chỉ đạo và trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho BTTM. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Bộ Tổng Tham mưu Dự buổi lễ có: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ. Dự buổi lễ có đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên Bộ Quốc phòng, BTTM, Tổng cục Chính trị và các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Tùy viên Quốc phòng một số nước tại Việt Nam. Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày diễn văn kỷ niệm Cách đây 75 năm, ngày 7/9/1945, để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang cả nước, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ thành lập BTTM cho đồng chí Hoàng Văn Thái, có sự chứng kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Người chỉ rõ “... BTTM là cơ quan quân sự cơ mật của Đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ: Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng”. Thực hiện lời dạy của Người, sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ tận tình của nhân dân cả nước, BTTM đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là cơ quan chỉ huy tham mưu cao nhất của QĐND và dân quân tự vệ. Trong thời kỳ mới, BTTM đã từng bước tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ, tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang; duy trì công tác sẵn sàng chiến đấu; xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược, các công trình phòng thủ; đề xuất nâng cao chất lượng huấn luyện, gắn với xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chỉ đạo xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, xây dựng lực lượng dân quân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; triển khai lực lượng cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo việc thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tạo tiềm lực và sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng Quân đội và đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng; tích cực, chủ động hợp tác với các nước triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, góp phần nâng cao vị thế đất nước và Quân đội trên trường quốc tế. Với những công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, BTTM QĐND Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì; 17 đơn vị trực thuộc BTTM được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 2 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng BTTM vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng QĐND, củng cố quốc phòng từ năm 2015 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, chỉ huy, chỉ đạo toàn quân thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, BTTM cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; kế thừa và phát huy tinh hoa nghệ thuật quân sự dân tộc, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ quân sự tiên tiến trên thế giới, đưa nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; tham mưu, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật; triển khai có hiệu quả các chiến lược, các chủ trương, chính sách pháp luật về quân sự, quốc phòng. Đồng thời, BTTM cần tập trung xây dựng, nâng cao năng lực toàn diện, chủ động, nhạy bén trong nghiên cứu, dự báo sớm tình hình; kịp thời tham mưu đề xuất về hoạch định đường lối chiến lược, sách lược; xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ; nâng cao hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh xây dựng, thế trận quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, QĐND ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, BTTM cần tăng cường chỉ huy, chỉ đạo toàn quân thường xuyên nêu cao cảnh giác, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; điều chỉnh thế bố trí chiến lược, kế hoạch, phương án tác chiến, hiệp đồng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội ta trong thời bình. Quán triệt, nắm vững định hướng xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, xây dựng Quân đội có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận số 16 và Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội; triển khai Đề án tổ chức Quân đội trong tình hình mới, điều chỉnh tổ chức Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng. Quan tâm đầu tư thích đáng, bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Toàn quân tiếp tục đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục đào tạo; thực hiện phương châm huấn luyện “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu. Xây dựng Đảng bộ BTTM vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, thực sự tiêu biểu về phẩm chất; có tầm tư duy chiến lược, nhạy bén, linh hoạt trong nắm bắt, xử lý tình hình và có năng lực tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn thể cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ BTTM QĐND Việt Nam trưởng thành, ngày càng lớn mạnh, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, mãi xứng đáng với niềm tin tưởng, yêu mến của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nguyên Hải – Phương ThanhTĐKT - Tôi may mắn được biết anh Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lâu, cũng đã từng chứng kiến anh làm việc qua nhiều vị trí trong ngành Dự trữ. Ấn tượng của tôi về anh như một người anh lớn trong gia đình, đĩnh đạc và khiêm tốn. Có lẽ những phẩm chất ấy đã được hình thành trong con người anh từ những ngày thơ bé, khi cha hy sinh, anh phải đứng lên gánh vác gia đình.
Mang ấm no đến mọi miền Tổ quốc
Chính thức gia nhập ngành Dự trữ nhà nước từ tháng 7/1987, anh vui mừng được chứng kiến quá trình ngành Dự trữ nhà nước từng bước “thay da đổi thịt”, từ một đơn vị nhỏ bé đối diện muôn vàn khó khăn những ngày đầu đổi mới, hàng hóa dự trữ tồn kho thấp, lương thực trong nước còn chưa đủ ăn; tới hôm nay đã trở thành một Tổng cục lớn quản lý hàng trăm kho hàng cũng như số lượng hàng hóa dự trữ lớn mạnh. Hơn ai hết, anh tự hào vì bản thân mình được đóng góp một phần nhỏ bé trong những thay đổi đó.
Một vài con số anh chia sẻ đã giúp tôi mường tượng được sự lớn ấy của ngành Dự trữ. Anh cho biết, trong 5 năm trở lại đây, theo Quyết định của các cấp, ngành Dự trữ đã xuất cấp lương thực, vật tư cứu hộ, cứu nạn, vật tư phục vụ nông nghiệp, hàng phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, y tế… với tổng trị giá lên tới hơn 8.830 tỷ đồng. Việc xuất cấp hàng dự trữ đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát sinh, góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh; góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng; tăng cường nhiệm vụ quan hệ quốc tế và thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhắc đến những thay đổi, anh Lê Văn Thời tâm sự: “Điều không chỉ tôi mà lãnh đạo các cấp qua các thời kỳ của ngành Dự trữ đều rất trăn trở chính là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về quản lý Dự trữ Quốc gia cho ngành.”
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước Lê Văn Thời (ở giữa) đi kiểm tra chất lượng gạo dự trữ quốc gia của Chính phủ trao cho người dân nghèo
Sau khi Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua vào năm 2012 và các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ đến hết năm 2019, hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia và mô hình tổ chức lúc này trở nên tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý và là cơ sở quan trọng để ngành Dự trữ Nhà nước ổn định và phát triển. Đây là một bước tiến lớn nhằm khẳng định vai trò quan trọng của Dự trữ Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực sự là một trong những công cụ quản lý quan trọng giúp Chính phủ trong công tác điều tiết vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó là sự tiến bộ trong công tác quản lý chất lượng và bảo quản hàng dự trữ. “Hàng hóa luôn được bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, khi xuất ra đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Việc áp dụng công nghệ bảo quản mới, tiên tiến, hiện đại trong nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia đã được triển khai ngày càng rộng, với ưu điểm vượt trội như: Kéo dài được thời gian lưu kho, giảm sức lao động, không sử dụng hóa chất, không ảnh hưởng đến môi trường, giảm chi phí bảo quản và đặc biệt giảm tỷ lệ hao hụt...” - vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước hào hứng kể.
Nhắc đến anh Lê Văn Thời, tôi luôn nhớ tới một việc rất nhân văn. Ngoài việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, anh đã chỉ đạo các đơn vị xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và hỗ trợ nhân dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng theo các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số lượng gạo xuất cấp hàng năm trên 85.000 tấn.
Chính sách này nhân văn là bởi đã góp phần khuyến khích, động viên các em học sinh đến trường, tỷ lệ học sinh đến trường và số lượng học sinh chuyên cần tại các trường ngày càng tăng cao; giúp các em học sinh sử dụng ngôn ngữ dân tộc tiếp xúc với tiếng Kinh sớm hơn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa văn hóa và điều kiện phát triển giữa các vùng, miền. Có gạo đủ ăn, việc sinh hoạt tập thể giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt là việc nâng cao thể trạng của các em học sinh thông qua các bữa ăn no tại trường.
Ở khía cạnh khác, có gạo sẽ giảm áp lực đáng kể cho nhà trường và các thầy cô giáo trong việc huy động học sinh đến trường và an tâm giảng dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh; gián tiếp xóa đói giảm nghèo, giảm bớt khó khăn cho gia đình và các cấp chính quyền địa phương trong công tác ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn và góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương trong tương lai.
Một số cán bộ của ngành kể lại khi được theo đoàn lãnh đạo Tổng cục đi đến rất nhiều nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc để kiểm tra chất lượng gạo dự trữ quốc gia của Chính phủ trao cho người dân nghèo và các em học sinh. Những nơi đoàn đến thường là vùng cao, vùng xa, đầy khó khăn, vất vả, nhưng lãnh đạo Tổng cục, đặc biệt là anh Lê Văn Thời đã không quản ngại đường sá xa xôi, cheo leo, vất vả, không quản ngại thời tiết, tận tay trao gạo cho người dân nghèo.
Mùa đông năm 2018 khắc nghiệt, rét đậm rét hại kéo dài, băng giá và sương muối xuất hiện nhiều nơi như đỉnh đèo Khau Phạ, đỉnh Kháu Nha thuộc huyện Mù Cang Chải và một số đỉnh núi cao khác của tỉnh Yên Bái, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Xã Yên Hưng, huyện Văn Yên là điểm đến đầu tiên của đoàn công tác. Trong cái lạnh tái tê của miền sơn cước, mọi người trong đoàn công tác không khỏi xúc động khi chứng kiến niềm vui của người dân khi được nhận gạo. Hòa cùng niềm vui của đồng bào, anh Lê Văn Thời, Trưởng đoàn công tác đã không quản ngại tham gia bê từng bao gạo của Chính phủ trao tận tay bà con. Những cử chỉ, sự quan tâm thiết thực của anh dành cho đồng bào nơi đây thật ấm áp, nghĩa tình.
“Chứng kiến hình ảnh những cháu bé cùng bố mẹ chở gạo về nhà xen lẫn nụ cười của những người mẹ trẻ địu con trên vai, hai tay mang gạo, thấy lòng mình rộn vui như Tết đã đến bên kia đồi. Vất vả của chúng tôi nào có thấm thía so với khó khăn của bà con, nỗ lực nào quý giá bằng việc mang tới niềm hạnh phúc, đoàn viên, thấm đượm tình thân bên bữa cơm sum họp ấm nóng ngày Tết cổ truyền cho các hộ gia đình nghèo” - anh Thời nói.
Và Yên Bái chỉ là một trong những điểm đến của rất nhiều điểm mà anh và đồng nghiệp đã trực tiếp đến với dân.
Sự nỗ lực không ngơi nghỉ của một cán bộ mẫn cán
Khi tôi hỏi anh: “Điều gì giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong suốt hơn 30 năm qua?”, anh từ tốn đáp: “Trong suốt những tháng năm học tập, rèn luyện và phấn đấu, tôi không bao giờ quên công ơn của cha mẹ đã giúp tôi trưởng thành. Tấm gương anh hùng của người cha liệt sĩ đã là ý chí và nghị lực cùng niềm tự hào. Hình ảnh người mẹ tần tảo hy sinh thờ chồng, nuôi con luôn là chỗ dựa ấm áp cho tôi. Cùng với đó là niềm tin, sự chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên; pháp huy sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ”.
Anh Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước
Sau đó, anh Thời cho rằng bản thân cần luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiên cứu kỹ để tận dụng ý kiến của các chuyên gia theo từng lĩnh vực và sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị, các ngành liên quan và các địa phương. Anh cũng luôn tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, chế độ liên quan đến lĩnh vực của mình phụ trách, nhằm cập nhật kịp thời các thông tin phục vụ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời học hỏi các kinh nghiệm của những người đi trước, của đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Điều quan trọng nhất là phải biết lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến của mọi người và làm tốt sự đoàn kết thống nhất trong các đơn vị, tạo bầu không khí phấn khởi làm việc, khơi nguồn sáng tạo, biết chăn lo tạo cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc để cán bộ, công chức an tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Có những điều anh nói rất nhẹ nhàng nhưng tôi hiểu được trong đó chất chứa lòng yêu ngành, yêu nghề và sự nỗ lực không ngơi nghỉ của một người cán bộ mẫn cán.
Nhắc đến những trăn trở đối với ngành, anh chia sẻ đã dồn hết tâm huyết của mình, cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức trong ngành nghiên cứu định hướng Chiến lược dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 với mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia có quy mô đủ mạnh, danh mục mặt hàng thiết yếu, chiến lược để sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các yêu cầu về ổn định sản xuất và đời sống theo sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các định hướng về tổng mức, quy mô và mức dự trữ quốc gia từng mặt hàng đề xuất trong đề tài được nghiên cứu sử dụng để xây dựng quy mô, công suất, mức đầu tư và định hướng bố trí các điểm kho dự trữ trên các vùng chiến lược của cả nước trong Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030.
Anh kỳ vọng rằng, những trăn trở mà anh cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục gửi gắm trong bản Chiến lược này sẽ giúp cho ngành Dự trữ Nhà nước tiến thêm nhiều bước lớn, không chỉ là “chiếc van an toàn” của nền kinh tế mà thực sự trở thành một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước.
Không thể kể hết những đóng góp của anh trong hơn 30 năm công tác và cống hiến cho ngành Dự trữ. Bảng thành tích mỗi năm một dày thêm, cũng dày thêm bao ân nghĩa với bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị và cả với người vợ hiền luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác.
Hơn 30 năm gắn bó với ngành Dự trữ Nhà nước, anh Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức. Anh luôn là tấm gương về sự mẫu mực không chỉ trong công việc, mà cả trong lối sống và cách ứng xử với gia đình, anh em, đồng chí. Mãi mãi tự hào về anh, về những gì anh đã cống hiến và cả những chặng đường anh đã đi qua.
Thành Công
TĐKT - Không một tấm bằng đại học chuyên ngành nông nghiệp, nhưng với ý chí, niềm đam mê, không chịu thất bại, nông dân Sùng Diu Sì (dân tộc Mông), thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã tiên phong đưa 2 loại cây ăn quả là nhãn và cam về trồng tại địa phương đem lại doanh thu lớn và trở thành một trong số những hộ gia đình làm kinh tế giỏi nhất thôn.
Anh Sì chăm sóc vườn nhãn
Trước đây, gia đình anh Sùng Diu Sì từng là hộ gia đình khó khăn, các con còn nhỏ, thiếu sức lao động, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Thực hiện phong trào thi đua của Hội Nông dân tỉnh phát động: “Nông dân sản xuất giỏi” và “Phát triển kinh tế VAC và vườn rừng”, nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu địa phương thích hợp trồng cây ăn quả, anh đã mạnh dạn đưa cây cam Vinh, cam sành và cây nhãn Miền về trồng. Dần dần, anh thay đổi cách làm ăn từ độc canh cây lúa, vườn rừng cây keo sang trồng cây ăn quả.
Nhìn những hình ảnh vườn cây trái trĩu quả ngọt hiện tại, không ai có thể tin được thời gian đầu mới gieo trồng, gia đình anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Cam bị bệnh vàng lá, thối rễ; nhãn không thể đậu quả mặc dù cây ra rất nhiều hoa, sự thay đổi thời tiết cũng khiến cho việc ra hoa, đậu trái của cây nhãn gặp khó khăn. Dù không có nhiều kiến thức về cách chăm bón cây ăn quả, song không chịu dừng bước tại đó, anh Sùng Diu Sì vẫn quyết tâm học hỏi và tiếp tục trồng để tăng thêm thu nhập kinh tế của gia đình.
Toàn cảnh mô hình kinh tế của anh Sì
Mô hình trang trại của gia đình anh bắt đầu hình thành từ năm 2003. Thu nhập ban đầu từ cây ăn quả khoảng 150 triệu đồng mỗi năm nên chỉ đủ trang trải một phần khoản vay nợ, chi phí mua cây giống, phân bón và trả công lao động, sinh hoạt phí của gia đình. Ngoài chăm sóc vườn cây ăn quả, gia đình anh đã tận dụng triệt để đất ven đồi, đất bờ ao, phương pháp trồng xen canh để trồng chuối, ngô làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, ngan, cá. Đến nay trang trại của gia đình anh phát triển rất quy mô với tổng diện tích là 6,6 ha.
Từ năm 2014 trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với quả nhãn, quả cam tăng mạnh, anh Sì đã quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây, từ đó vườn cây phát triển đều, không bị sâu bệnh, cho sản lượng quả ổn định và cho gia đình anh thu nhập cao. Nhiều nhất như năm 2016, tổng số tiền mà gia đình anh thu về là 1,6 tỷ đồng.
Gia đình anh còn luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn để cùng phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Anh đã giúp đỡ trên 20 hộ gia đình khác trong thôn với hơn 1000 cành giống, cây giống trị giá 13 triệu đồng và tận tình giúp đỡ họ về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Đặc biệt, gia đình anh đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 30 triệu/người/năm; thời điểm vụ mùa, đã tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, nay đang vươn lên thành hộ khá, giàu…
Năm 2017, Sùng Diu Sì vận động các gia đình thành lập HTX cam sành và trở thành Phó Giám đốc HTX cam sành VietGap của xã Vĩnh Phúc. Hiện nay, anh đang cùng HTX của mình phấn đấu đưa các sản phẩm nông nghiệp của xã Vĩnh Phúc đến với người tiêu dùng cả nước.
Nhiều năm liền gia đình anh được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, danh hiệu “Hộ nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi” cấp tỉnh, cấp trung ương. Mới đây nhất, anh được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh giờ là địa chỉ thăm quan, học hỏi của nhiều nông dân tại huyện Bắc Quang. Tấm gương sáng như anh Sùng Diu Sì không chỉ làm giàu cho gia đình, xã hội mà còn đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Phương Thanh
TĐTK - Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng tiếp thu những cái mới, cái khó, anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An (Lý Nhân, Hà Nam) đã tạo luồng gió mới cho mô hình kinh tế tập thể ở Hà Nam.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, trước khi tham gia phát triển kinh tế tại địa phương, anh Hiếu đã từng làm nghề lái xe tải chở hàng hóa ở Đà Lạt, quanh năm làm ăn vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, hơn nữa lại phải sống xa nhà, một mình lao động nơi đất khách.
Không bằng lòng với công việc đó, với ý chí quyết tâm của tuổi trẻ và khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình, anh đã có một quyết định táo bạo giống như một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Năm 2012, được sự hỗ trợ của gia đình, anh Hiếu đã đứng lên thuê lại đất ruộng của hơn chục hộ gia đình anh em làng xóm với tổng diện tích 3 mẫu rồi tiến hành cải tạo, quy hoạch trồng cây dong, đao, ớt, gấc.
Anh Hiếu chăm sóc tỉ mỉ chăm sóc, kiểm tra từng cây rau để đảm bảo chất lượng rau tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng
“Bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, mọi thứ đối với tôi đều rất mới mẻ, khó khăn, thậm chí có cả thất bại, nhưng tôi không nản lòng, tiếp tục vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm...” - anh Hiếu chia sẻ.
Sau 3 năm gây dựng, với sự kiên trì, quyết tâm, chịu khó tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu của thị trường..., anh Hiếu đã gặt hái được những thành công ban đầu.
Mô hình trang trại trồng cây ăn quả, cây cảnh của anh ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Từ những kinh nghiệm sản xuất của bản thân, anh Hiếu nhận thấy nhu cầu của người dân tăng cao và ý thức được vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề rau an toàn. Từ vốn đất mà gia đình tự tích tụ được, anh đã vận động các thành viên tham gia góp đất để thành lập HTX kiểu mới, tạo thành quy mô sản xuất lớn, bỏ lối canh tác cũ truyền thống, lạc hậu, manh mún, tiến đến một nền nông nghiệp công nghệ cao để có chỗ đứng trên thị trường và được thị trường chấp nhận. Chính vì thế Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Bảo An được thành lập. Anh Hiếu được tập thể HTX tin tưởng đề bạt vị trí Giám đốc HTX.
Anh Hiếu giới thiệu về mô hình rau sạch trong HTX Nông sản sạch Bảo An
Với vai trò là Giám đốc, anh Hiếu đã vận dụng những kinh nghiệm mình tích lũy từ thực tế sản xuất, từ những lớp tập huấn kiến thức do Phòng và Sở Nông nghiệp hỗ trợ, các đợt tập huấn của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam và Sở Công thương, những chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình ở tỉnh bạn, anh đã xây dựng, truyền đạt những kiến thức đó cho các thành viên trong HTX để cùng nhau xây dựng HTX kiểu mới.
Anh đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp rau cho các cửa hàng rau sạch trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận: Ninh Bình, Nam Định. Đặc biệt anh Hiếu đã ký hợp đồng với Công Ty VinEco là công ty chuyên cung cấp rau vào hệ thống Vinmart, mở ra một hướng đi ổn định cho các thành viên trong HTX và mang lại thu nhập ổn định. Hiện tại, HTX Bảo An là HTX đầu tiên đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị Vinmart với sản lượng từ 10 - 15 tấn/tháng.
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, bản lĩnh trong xây dựng thương hiệu Nông sản sạch Bảo An, anh Hiếu còn là Bí thư Chi đoàn xóm 3. Với cương vị này, anh luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nội quy, quy chế của HTX, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể ở địa phương.
Anh đã phối kết hợp với Đoàn thanh niên thị trấn Vĩnh Trụ thăm hỏi những thương binh, bệnh binh nhân ngày 27/7, những gia đình liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà động viên những thanh niên đủ điều kiện sức khỏe lên đường nhập ngũ và tham gia các phong trào khác do Đoàn thị trấn phát động.
Với những thành tích đã đạt được, anh Hiếu đã được các cấp, ngành khen thưởng như: Giấy khen của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Giải thưởng Lương Định Của; Bằng khen của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Giấy khen của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam trong phong trào phát triển kinh tế tập thể; Giấy khen của UBND huyện Lý Nhân trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019; Giấy khen của UBND huyện Lý Nhân trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020...
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, song HTX Nông sản sạch Bảo An bước đầu đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và hứa hẹn sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển HTX trong thời gian tới, anh Hiếu cho biết: HTX sẽ tiếp tục duy trì, nâng cấp, đầu tư, bảo dưỡng hệ thống nhà lưới, nhà kính để đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững. Đồng thời mở rộng liên kết sản xuất với những HTX khác trong địa bàn tỉnh Hà Nam để bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định cho hộ liên kết, tránh tình trạng được mùa, mất giá, đem lại niềm tin cho hộ liên kết.
Cũng theo anh Hiếu, thời gian tới anh sẽ tích cực tham gia vào những cuộc hội thảo, những buổi xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Ngoài hệ thống các siêu thị còn có những bếp ăn tập thể để nâng cao sản lượng đem lại thu nhập cho HTX cũng như các thành viên.
Tuệ Minh
TĐKT - “Bốn cùng” với người dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô luôn trăn trở làm sao cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra một hướng đi mới, một mô hình sản xuất phù hợp để người dân phát triển kinh tế. Sau gần 2 năm triển khai, mô hình trồng dứa tại bản đã cho thu hoạch năm 2020 với sản lượng hơn 20 tấn quả, mang lại số tiền 86 triệu đồng.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đưa những chồi dứa đầu tiên về trồng tại bản Chân Trôộng.
Bản Chân Trôộng nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Trước đây, nhiều gia đình trong bản làm nhà ở rải rác theo những sườn núi cao tít tận trong rừng sâu. Khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, các gia đình được gom về đây sinh sống để thuận tiện cho việc học tập, lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, địa hình phức tạp, đất sản xuất ít, hệ thống giao thương không thuận lợi nên cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Việc thoát nghèo của người dân bản Chân Trôộng vô cùng nan giải bởi tỷ lệ người bị mù chữ, tái mù chữ rất cao, nhất là chị em phụ nữ, họ thiếu nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, tính toán trong việc chi tiêu kinh tế cho gia đình.
Trưởng bản Chân Trôộng Hồ Văn Tiến cho biết: Việc định hình về giống cây, giống con làm chủ lực để phát triển kinh tế vẫn là bài toán chưa có lời giải. Cả bản có 59 hộ gia đình với 232 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều canh tác trên 39 ha ruộng nước, song mỗi năm cũng chỉ sản xuất được một vụ vì lũ lụt. Vì thế, sản lượng rất bấp bênh.
Xác định trồng cây gì để vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng chống xói mòn, tăng cường độ che phủ đất, bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề luôn được các cấp, các ngành tại địa phương quan tâm.
Trong một lần dự Hội nghị tổng kết công tác tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 đóng trên địa bàn xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô đã nhìn thấy bà con dân tộc ở xã Ngân Thủy đang chăm sóc cây dứa trên rẫy. Sau khi tìm hiểu, được biết đây là giống dứa do Đoàn 79 triển khai cung cấp để người dân trồng theo mô hình sản xuất tập trung, anh nghĩ ngay tới việc đưa mô hình này về bản Chân Trôộng. Không đắn đo, Thượng tá Lê Đình Huân gặp ngay lãnh đạo Đoàn 79 liên hệ mua 100 chồi dứa, trực tiếp chỉ đạo Đội Vận động quần chúng tham mưu lãnh đạo địa phương động viên người dân ở bản Chân Trôộng trồng thử nghiệm.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với UBND xã Trường Sơn và Đoàn 79 tiến hành khảo sát, chọn quỹ đất để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trồng dứa. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, đã có 18 hộ gia đình tại bản Chân Trôộng đăng ký tham gia mô hình. Toàn bộ kinh phí mua giống và phân bón do cán bộ, chiến sĩ vận động và đóng góp. Từ quá trình làm đất, trồng cây đến chăm sóc đều do các chiến sĩ biên phòng trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ người dân.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô giúp dân thu hoạch dứa
Sau 2 tháng, cây dứa đã nảy thêm chồi lá mới và phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Thấy thuận lợi, anh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục mua thêm cây giống, cùng với người dân cải tạo đất sườn đồi để trồng thêm với diện tích hơn 1 ha. Cũng từ đó, mô hình trồng dứa cho năng suất cao đã và đang dần bám rễ trên vùng đất khó khăn của bản Chân Trôộng.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn khẳng định: “Mô hình trồng cây dứa ở bản Chân Trôộng do cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Làng Mô khởi tạo là giấc mơ, là nụ cười, là niềm tin của bà con người dân tộc Bru - Vân Kiều vào một tương lai tươi sáng. Rồi đây, khi cây dứa phát triển tốt, chúng tôi sẽ triển khai cho toàn bộ các thôn, bản cùng làm”.
Bà con dân tộc Bru – Vân Kiều tại bản Chân Trôộng thu hoạch vụ dứa năm 2020
Không phụ công người chăm bón, mô hình trồng dứa bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Mỗi trái dứa ngọt, mát, thơm ngon ghi dấu cả một chặng đường dài gần 2 năm với nhiều gian truân vất vả, chứa đựng tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đối với bà con đồng bào Bru - Vân Kiều. Vụ mùa năm 2020, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã Trường Sơn kêu gọi các cấp, các ngành và mọi người ủng hộ nhằm tiêu thụ hơn 20 tấn dứa quả cho bà con. Số tiền thu được 86 triệu đồng tuy còn khiêm tốn, nhưng là nguồn động viên vô giá đối với bà con nơi đây.
Ông Hồ Bằng, đại diện cho các hộ gia đình được chọn thí điểm trồng dứa bản Chân Trôộng chia sẻ: “Bà con bản Chân Trôộng rất biết ơn các anh bộ đội biên phòng ở Đồn Biên phòng Làng Mô đã đem mô hình sản xuất mới hiệu quả về cho chúng tôi. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình này tiếp tục được duy trì và mở rộng thêm diện tích để bà con chúng tôi phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình”.
“Đây là mô hình có thể nhân rộng tại các bản trên địa bàn xã Trường Sơn, bởi trồng dứa không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chi phí thấp lại rất dễ chăm sóc. Ngoài mô hình trồng dứa, đơn vị cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, tìm vùng đất phù hợp để xây dựng mô hình trồng na trong thời gian tới”, Trung tá Đinh Như Triêm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết.
Nguyệt Hà
TĐKT - “Gương mẫu, năng động trong phát triển kinh tế; đam mê học hỏi, nhiệt tình trong công việc; gần gũi, quan tâm đến thành viên, tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới áp dụng vào thực tế sản xuất của địa phương, đưa nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt như sầu riêng, bưởi da xanh vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân” - đó là nhận xét của các thành viên về ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tâm Sầu Riêng (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).
Ông Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu sản phẩm của HTX với đoàn Liên minh HTX tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm
Theo ông Tâm chia sẻ, từ khi tỉnh Bình Phước được chia tách năm 1997, nắm được thế mạnh của vùng đất miền Đông Nam bộ rất phù hợp với các loại cây ăn trái và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, ông đã mở rộng đầu tư mua gần 20 ha đất canh tác tại phường Tân Xuân để mở trang trại trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là sầu riêng kết hợp với chăn nuôi gia súc như dê, bò, trồng tiêu.
Bước đầu sản xuất, ông gặp một số khó khăn khi sản phẩm làm ra giá không ổn định, cây ăn quả thường xuyên gặp dịch bệnh, đặc biệt là cây sầu riêng mắc bệnh nấm Phitoptora. Thời điểm đó, giá hạt tiêu cũng xuống thấp khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Trước tình hình đó, được tổ chức Hội Nông dân cho đi tham gia các chương trình hội thảo, các lớp chuyển giao khoa học công nghệ mới áp dụng cho sản xuất, ông đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng (12 ha) từ trồng sầu riêng sang trồng cam xoàn, chôm chôm, bưởi da xanh.
Hiện nay, tổng diện tích cây ăn trái gần 20 ha, giải quyết cho 12 - 15 lao động thường xuyên, hàng tháng thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra gia đình ông đã có 12 ha cao su, một nhà hàng. Tổng thu nhập của gia đình hiện nay sau khi trừ chi phí đạt khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng/năm.
Năm 2018, diện tích bưởi da xanh của gia đình ông đã được cấp có thẩm quyền công nhận mô hình trồng bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với suy nghĩ “làm giàu cho mình rồi làm giàu cho bà con nhân dân”, năm 2019 ông đã vận động các hội viên tiến hành mở rộng liên kết tham gia thành lập HTX Nông nghiệp Thương mai dịch vụ Tâm Sầu Riêng và ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX.
Theo ông Tâm cho biết, HTX có 8 hộ tham gia là thành viên với tổng diện tích 55 ha, giải quyết việc làm thường xuyên 70 lao động với thu nhập bình quân đã trừ chi phí 1,5 tỷ/thành viên/năm.
Mặc dù rất bận rộn với công việc của HTX và công việc trang trại của gia đình nhưng ông luôn dành thời gian để hướng dẫn, giúp đỡ cho các hội viên trong HTX, các hộ nông nghiệp và bà con hàng xóm về quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bón phân, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời hướng dẫn công tác phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả nhằm tăng năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích.
Chia sẻ về thành công của mô hình HTX, ông Tâm cho biết: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Tôi đã phối hợp với các ngành chức năng các cấp Hội Nông dân trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên nông dân trong xã và trên địa bàn huyện áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng. Việc sản xuất thực phẩm sạch luôn cần gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.
Không chỉ phát triển kinh tế, ông Tâm còn tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội của địa phương. Nhằm tạo điều kiện giúp đỡ những hộ còn khó khăn ở địa phương, ông đã cho vay vốn sản xuất, tạo việc làm để họ có thu nhập ổn định và vươn lên làm ăn khá giàu. Từ năm 2015 đến nay, đã có 23 hộ được ông hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất không lấy lãi với số tiền gần 200 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động. Từ năm 2016 - 2019, ông đã ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân phường Tân Xuân (thành phố Đồng Xoài) với số tiền là 20 triệu đồng.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hàng năm ông tham gia tích cực vào các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, các phong trào tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong địa bàn dân cư như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn… Riêng năm 2011 ông đã đóng góp hơn 100 triệu đồng làm con đường tại khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân; năm 2017 ông ủng hộ xây 1 căn nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng.
Với những đóng góp của mình cho quê hương, ông Tâm nhận được nhiều tình cảm yêu thương, quý trọng của người dân địa phương. Ghi nhận những đóng góp tích cực của ông Tâm trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, năm 2015 và 2016, ông vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước; năm 2017 ông được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tuệ Minh
TĐKT - 25 năm qua, nghệ nhân Lồ Lài Sửu ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, đã dành trọn tâm huyết sưu tầm những làn điệu dân ca Bố Y, thơ ca dân gian, tự sáng tác những bài ca, điệu múa để truyền dạy cho phụ nữ và các em học sinh trong thôn. Qua đó, góp phần khơi dậy tình yêu của lớp trẻ đối với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Bà Lồ Lài Sửu
Là người con của dân tộc Bố Y, sống trong môi trường văn hóa truyền thống ngay từ khi còn nhỏ, bà Lồ Lài Sửu đã đam mê những câu hát của dân tộc mình bởi theo bà, nội dung của chúng rất sâu sắc và ý nghĩa, giai điệu và lời hát chan chứa tình người, tình yêu quê hương, đất nước. Niềm đam mê ấy thôi thúc bà bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Từng bài hát dân ca Bố Y được bà sưu tầm, phiên âm lại bằng tiếng Việt rồi ghi chép tỉ mỉ trong sổ tay. Người cao tuổi trong thôn như ông Dì Sí Sần và bà Vàng Sú Chấn là những người thầy đầu tiên truyền dạy cho bà kỹ năng hát và cảm thụ dân ca. Ban đầu là các bài dân ca vốn có được lưu truyền qua nhiều thế hệ như hát ru con, đồng dao, giao duyên đối đáp nam nữ… Về sau, bà còn đặt lời mới cho các làm điệu dân ca và biên đạo các điệu múa truyền thống cho phù hợp với các bạn trẻ, thổi thêm luồng gió mới mẻ, làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Bố Y. Khi địa phương tổ chức các chương trình văn nghệ hoặc đi giao lưu ở địa phương khác, bà thường hát, múa để cho bà con nghe, thưởng thức, được mọi người đón nhận, yêu mến.
Hiện nay, bà Lồ Lài Sửu hát được khoảng 60 bài bài hát dân ca Bố Y phổ thông nhất như: Hát núi, hát hoa, hát với cô tiên, hát mở con mương, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài) tháng giêng, tháng hai đến tháng 12. Bà cũng sáng tác được 15 bài: Bài hát múa mừng Đảng, bài hát múa mừng ông trăng, bài hát múa đoàn kết dân tộc, bài hát múa trò chơi cờ, trò đan chân, bài hát trồng cây thuốc thơm, bài hát nhớ ơn Đảng và Bác Hồ…
Các bài ca do bà đặt lời mới không chỉ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân tộc Bố Y, mà còn lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục cao về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Bà Lồ Lài Sửu dạy múa cho các cháu học sinh trong thôn
Trăn trở vì những nét đẹp truyền thống đang dần bị mai một và lãng quên, bà nghĩ tới việc mở lớp dạy múa, hát để truyền lại các giá trị văn hóa quý báu cho phụ nữ và các em học sinh trong thôn. Có nhiều lúc bận rộn với công tác xã hội của địa phương và mùa màng, gia đình, nhưng bà vẫn dành thời gian để tìm tòi, sáng tác và truyền dạy. Buổi tối là thời gian chủ yếu để chị em phụ nữ, các cháu học sinh tập hợp tại nhà bà để nghe và học hát. Những lúc như vậy, ngoài dạy hát, bà còn tuyên truyền đến các học viên cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay 13 chị em và 12 học sinh trong thôn đã biết hát, múa điệu múa truyền thống của dân tộc Bố Y.
Không chỉ truyền dạy các điệu múa, bài hát dân ca cho thế hệ trẻ, bà Sửu còn hướng dẫn bà con các công đoạn làm nên bộ trang phục của dân tộc mình, đồng thời, vận động bà con phát huy những nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của người Bố Y, từ bỏ những phong tục lạc hậu. Từ năm 2004 đến nay, bà thường xuyên cung cấp các thông tin về phong tục tập quán, lễ hội, lễ tết, văn hóa ẩm thực, tri thức canh tác nông nghiệp, lễ ma khô, đám cưới, bài thuốc dân gian của người Bố Y cho các cán bộ nghiên cứu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các viện nghiên cứu ở Hà Nội. Trong đó phải kể đến việc phục dựng và bảo tồn lễ tết hội “Tết mồng 8 tháng 4”, Lễ tạ ơn trâu của người Bố Y năm 2013 để quay phim, chụp ảnh, cung cấp thông tin cho cán bộ viết báo cáo chuyên đề.
Bà Lồ Lài Sửu cùng các thành viên trong lớp học múa hát
Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bà còn là tấm gương làm kinh tế giỏi tại địa phương, gánh vác việc thôn bản và tham gia các hoạt động xã hội như cộng tác viên dân số, công tác Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ.
Trên những rẻo đất ven đồi, bà Sửu mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác mới, chuyển sang trồng quýt, mía xương gà. Hằng năm gia đình thu nhập từ trồng ngô lai, mía được hơn 170 triệu đồng, ngoài ra còn có thêm thu nhập từ trồng chè và nuôi ngựa, kinh doanh vận tải hàng hóa, thu mua và bán nông sản, cung ứng phân bón cho người dân. Trừ chi phí, gia đình bà Sửu thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Bà Sửu còn chủ động chia sẻ với đồng bào ở địa phương kinh nghiệm làm giàu, chăm sóc cây trồng cũng như vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Mỗi năm, nghệ nhân Lồ Lài Sửu còn cho nhiều hộ nghèo trong thôn vay vốn không tính lãi từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, giúp nhiều gia đình có điều kiện thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Với những nỗ lực và sự nhiệt tình, năng động của mình, bà Lồ Lài Sửu đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Bà được UBND huyện Mường Khương tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số của huyện; Bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai trong chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đến các vùng khó khăn tỉnh Lào Cai và về thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai; Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu Phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Năm 2013, bà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc và Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Năm 2013, bà vinh dự được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Nguyệt Hà
Người kỹ sư sáng tạo, vươn lên làm chủ trong sản xuất ở Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội
TĐKT - Hơn 30 năm gắn bó với Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng là từng ấy năm anh Vũ Tuấn Khanh – Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, tạo ra những sáng kiến làm lợi cho công ty, tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng. “Tâm huyết – yêu nghề - sáng tạo” có lẽ là những gì đúng nhất để nói về anh Vũ Tuấn Khanh. Tự nhận mình là người nóng tính và thẳng thắn, dân kỹ thuật nên chỉ biết nói những gì mộc mạc, chân thật nhất. Bởi vậy, bắt đầu câu chuyện về những sáng tạo kỹ thuật của mình, anh chia sẻ: “Thực ra theo ngôn ngữ hàn lâm đó là những đề tài, những sáng tạo khoa học kỹ thuật nhưng với ngôn ngữ mộc mạc của anh em kỹ sư và công nhân lao động chúng tôi, đó là những cải tiến trong lao động, sản xuất. Tình thế khó khăn chung buộc chúng tôi phải bảo ban, động viên nhau, tìm tòi, nghĩ ra mọi cách để khắc phục các sự cố máy móc”. Anh Vũ Tuấn Khanh – Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội Anh Khanh cho biết: Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được giao quản lý, vận dụng và sửa chữa đầu máy diesel các loại. Tuy nhiên trong tình hình khó khăn chung của Tổng công ty, nguồn kinh phí chi cho hoạt động sửa chữa các loại máy móc, thiết bị ở đây khá eo hẹp. Có những đầu máy đã sử dụng hơn 40 năm nay, nhiều công nghệ đã lạc hậu, thậm chí các nhà sản xuất đã lần lượt đóng cửa nên các thiết bị thay thế cũng không còn… Trong khi, chi phí để mua mới các đầu máy cũ quá lớn, hoàn toàn không thể đáp ứng trong điều kiện hiện tại... Để có thể vận hành máy đảm bảo an toàn, giúp đơn vị chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời đảm bảo đời sống cho người lao động, mỗi cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động của Xí nghiệp đều phải chung lưng, đấu cật, không ngừng cố gắng tìm tòi các giải pháp khắc phục khó khăn. Một trong những đề tài của anh và đồng nghiệp thực hiện thành công năm 2016 là “Nghiên cứu chế tạo cặp bánh răng ăn khớp giữa trục bánh xe và động cơ điện kéo trên đầu máy D12E”. Anh Khanh chia sẻ: Đầu máy D12E được Xí nghiệp đưa vào vận hành, khai thác từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, bộ phận bánh răng của đầu máy này bị hư hỏng nặng nên phải tạm dừng khai thác. Bình thường, những hỏng hóc bộ phận thì đề xuất mua mới để thay thế. Tuy nhiên, D12E là loại máy được sản xuất tại Tiệp Khắc từ rất lâu, đến nay nhà sản xuất đã không còn. Không thể thay thế, càng không thể đặt mua bánh răng của nước ngoài, anh Khanh và các anh em kỹ sư đã chủ động nghiên cứu, đo đạc, tính toán cụ thể thông số về chiếc bánh răng này. Đồng thời, tìm đến những đối tác trong nước, đề nghị phối hợp gia công lại bánh răng theo đúng yêu cầu. Từ lần mò đến các địa chỉ “đỏ” về kỹ thuật như Đại học Bách Khoa, Đại học Giao thông vận tải…, anh đã tìm được những đối tác gia công bánh răng tin cậy. Sau thời gian tiến hành sản xuất thử nghiệm thành công, các bánh răng đã lần lượt được thay vào những đầu máy cũ và hoạt động hiệu quả. Đây là một sáng kiến hữu ích, được ban lãnh đạo Xí nghiệp đánh giá cao, giúp Xí nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng mua sắm, thay thế. Đáng nói là, đề tài này đã trở thành tiền đề quan trọng cho nhiều sáng kiến, đề tài khoa học kỹ thuật khác ra đời như: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ điều khiển cải tạo hệ thống phun mỡ lợi gờ bánh xe trên đầu máy D12E (năm 2017)”; “Nghiên cứu chế tạo cặp bánh răng ăn khớp giữa trục bánh xe và động cơ điện kéo trên đầu máy D19E” đã thực hiện xong trong tháng 6/2019, bảo vệ và được Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tổng công ty ghi nhận đạt xuất sắc. Giá trị hơn nữa, đề tài đã mở ra hướng tự sản xuất và gia công các bánh răng trong nước. Từ đây, những bánh răng có đường kính lớn, độ chính xác cao, quy trình gia công khắc nghiệt đã được ra đời từ trí tuệ của người Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, giúp việc sản xuất, kinh doanh được hoàn toàn chủ động, không bị lệ thuộc vào nước ngoài như trước. Công nhân Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đang sửa chữa các đầu máy Hơn 30 năm làm nghề, anh Khanh bộc bạch: Thực sự, chỉ những ai đam mê mới có thể gắn bó với công việc sửa chữa máy móc đầy dầu mỡ, vất vả này. Bình thường, cứ hỏng hóc, bất kỳ kỹ sư, thợ sửa chữa nào cũng chọn cách đề xuất mua mới một thiết bị để thay thế cho nhẹ nhàng. Nhưng vì kinh phí eo hẹp, muốn đảm bảo đời sống cho chính mình trong điều kiện kinh tế, sản xuất đầy khó khăn, mỗi công nhân, kỹ thuật chúng tôi phải vận động não tối đa, đầu tư công sức nghiên cứu ngày đêm, tự tạo ra sản phẩm bằng trí tuệ của mình, tự “bảo hành” và “bảo đảm” cho sản phẩm ấy. Hơn hết, khi chúng ta làm chủ được công nghệ kỹ thuật thì đơn vị sẽ luôn giữ được sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Anh Khanh cũng thẳng thắn chia sẻ: Lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng là những người rất quan tâm và tạo điều kiện để phát triển những sáng kiến, cải tiến của công nhân, kỹ sư. Mỗi năm, phòng KCS do anh Khanh quản lý sẽ là nơi tổng hợp những sáng kiến của toàn xí nghiệp; từ đó bình xét và đề nghị khen thưởng. Nhờ đó, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng KHCN của Xí nghiệp luôn diễn ra sôi nổi, được đông đảo công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng; qua đó, đã nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; phong trào đã động viên nhiều nguồn lực, tiết kiệm nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng kỹ thuật công nghệ cao, góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa vật tư, phụ tùng đầu máy. Tính riêng trong 5 năm qua, tại Xí nghiệp đã có 486 sáng kiến, cải tiến, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng. Tuy được gọi là “cây sáng kiến” của Xí nghiệp, là chủ nhân của nhiều cải tiến kỹ thuật lớn nhưng anh Khanh khiêm tốn cho rằng: Thành công ấy là trí tuệ của cả tập thể. Những sáng kiến, đề tài của anh đều là sự tổng hợp ý kiến đóng góp của những người công nhân, đặc biệt là từ các bác thợ già – những người không thể diễn đạt bằng lời lý thuyết nhưng lại là “kho” tri thức để kỹ sư phát triển thành các sáng kiến làm lợi cho công ty. Anh Khanh dẫn chứng: Hàng ngày, thấy những người công nhân phải vất vả lau chùi máy móc với đầy những dầu nhờn đen kịt, anh liền nghĩ đến việc tận dụng những động cơ cũ của xí nghiệp để làm một chiếc máy xịt nước có hiệu suất lớn nhằm giảm bớt nhọc nhằn cho người lao động. Chiếc máy xịt đó đã và đang được sử dụng rất hữu ích tại Xí nghiệp nhiều năm qua. Ngoài ra, để phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, cải tạo hợp lý trong sản xuất, với sự cho phép của lãnh đạo Xí nghiệp, mỗi tháng, anh và các đồng nghiệp Phòng KCS đều tổ chức một buổi học nâng cao tay nghề cho công nhân do chính các kỹ sư hoặc thợ lành nghề trực tiếp đứng lớp. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo để mọi người có dịp trao đổi, giải đáp những vướng mắc về kỹ thuật trong công việc và tham gia biên soạn hồ sơ về những thiết bị cũ được sửa chữa thành công để làm tài liệu giảng dạy cho những thế hệ công nhân mới. Có thể thấy rằng, anh Vũ Tuấn Khanh là một tấm gương sáng, hạt nhân quan trọng trong phong trào thi đua lao động, sáng tạo của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội nói riêng, của ngành Đường sắt nói chung. Mai ThảoTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 64
- 65
- 66
- 67
- 68
- …
- sau ›
- cuối cùng »