Điển hình tiên tiến

Phó Bí thư đoàn năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào

TĐKT - Năng nổ, trách nhiệm, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ là cảm nhận chung của những ai đã gắn bó hay có dịp trò chuyện, làm việc với chị Phan Hà Thanh, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang. Chị Phan Hà Thanh là 1 trong 2 gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020 Từ khi còn nhỏ, chị Thanh đã được thừa hưởng niềm đam mê ca hát từ ba mẹ. Khi mới 17 tuổi, chị đã cộng tác với Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang diễn tuyên truyền lưu động phục vụ cho bà con vùng sâu, vùng xa; không chỉ đơn thuần là biểu diễn giải trí, mà chủ yếu đem chính sách, pháp luật của Nhà nước truyền tải tới mọi người. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, năm 2009 chị về công tác tại Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Theo chị, được làm việc tại trung tâm là niềm vui lớn, vì vừa có thể sống với niềm đam mê của mình, vừa góp một phần sức trẻ trong việc phát triển văn hóa - xã hội tỉnh. Công tác tại đơn vị, chị luôn tham gia các hoạt động chuyên môn của đơn vị cũng như của ngành; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, luôn cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chắt lọc, tìm kiếm những tấm gương đạo đức tốt để học hỏi theo, luôn có ý thức giữ gìn đoàn kết trong đơn vị. Đồng thời chị cũng tích cực trau dồi kinh nghiệm để cùng các đoàn viên, thanh niên thực hiện nhiều hoạt động và phong trào ý nghĩa. Với sự nỗ lực phấn đấu trong công việc, của bản thân trong các phong trào của Đoàn, năm 2012 chị đã đạt Huy chương Bạc đơn ca trong Liên hoan Tuyên truyền lưu động toàn quốc tổ chức tại Vĩnh Long với tác phẩm Sao biển; năm 2013 chị tham gia Liên hoan kịch ngắn - kịch vui toàn quốc được tổ chức tại Bình Dương và đạt được Huy chương Bạc; năm 2019 chị tham gia Hội diễn chuyên nghiệp Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh và đạt Huy chương Bạc. Ngoài việc tham gia biểu diễn, chị còn chủ động tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. Dù được phân công ở nhiệm vụ nào, chị luôn nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác Đoàn. Chị luôn là trung tâm đoàn kết, quy tụ thanh niên cùng tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn khối. Năm 2014, chị Thanh được tín nhiệm giữ chức Phó Bí thư Chi đoàn Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như một bước ngoặt để chị tiếp tục phát huy năng lực, toàn tâm, toàn ý phục vụ công tác, ở một môi trường mới, được trải nghiệm, thử thách nhưng không kém phần khó khăn, vất vả. Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị đã cùng Ban chấp hành Đoàn chủ động tham mưu lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ đoàn viên, thanh niên, trọng tâm là triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc. Nhờ vậy, hầu hết đoàn viên, thanh niên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có lập trường tư tưởng vững vàng, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Song song với đó, chị cùng Ban Thường vụ Đoàn Thành niên chỉ đạo các cơ sở Đoàn xây dựng, tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch, công trình, phần việc quan trọng. Để hoạt động Đoàn sôi nổi và có hiệu quả, chị cùng Ban Chấp hành Đoàn thanh niên còn sáng tạo, nghiên cứu, xây dựng và phát động nhiều chương trình hoạt động từ thiện xã hội gắn kết với các địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Tham mưu tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện, hoạt động tình nguyện mùa đông, mùa hè với các hoạt động tặng quà cho các hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, nơi bà con nhân dân, đồng bào còn gặp nhiều khó khăn... Vận động đoàn viên, thanh niên, các nhà hảo tâm và các nguồn xã hội hóa với số tiền hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các em học sinh đạt thành tích học tập tốt có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên phối hợp tổ chức chương trình dâng hương, chăm sóc, dọn dẹp nghĩa trang, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng, thương bệnh binh… Với những cống hiến của mình, năm 2015, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong công tác Đoàn và công tác tại đơn vị, chị Thanh đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND, Tỉnh đoàn... Đặc biệt, vừa qua, chị vinh dự được chọn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của tỉnh và được Trung ương đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI - 2020. Tùng Chi  

Hết lòng vì công tác thiện nguyện

TĐKT - Luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, tích cực, chủ động và hết lòng với hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương, đó là lời khen mà nhiều người dành cho chị Lê Thị Thanh Thủy (45/12 Huyền Trân Công Chúa, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu), một người phụ nữ có vóc người nhỏ bé nhưng bản lĩnh và đầy nghị lực. Với cái tâm và tấm lòng của mình, chị đã góp phần thắp lên “ngọn lửa” phong trào từ thiện, nhân đạo tại địa phương. Chị Thủy (áo dài, màu xanh) luôn cảm thông và sẻ chia với những nạn nhân chất độc da cam Chia sẻ về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện, chị Thủy cho biết: “Đi lên từ hai bàn tay trắng, cả hai vợ chồng tôi đều rất cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, mà trước hết là những nạn nhân chất độc da cam. Đây là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh vì đất nước.” Từ suy nghĩ đó, chị đã cùng gia đình tích cực hưởng ứng và ủng hộ để tổ chức và duy trì thực hiện nhận nuôi hàng tháng và cho đến hết đời 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam, với kinh phí trích ra từ nguồn lương của hai vợ chồng và sự đóng góp của một số bạn bè thân thiết. “Vào dịp lễ, tết, chúng tôi còn huy động, hỗ trợ thêm cho các em bằng quần áo mới, mua thẻ bảo hiểm y tế và nhiều món quà động viên, an ủi khác. Công việc từ thiện này tôi bắt đầu làm từ năm 2009. Mỗi tháng mỗi cháu được hỗ trợ 300.000 đồng.” - chị Thủy cho biết. Đặc biệt, tháng 3/2018 nhờ sự giúp đỡ về mặt thủ tục của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị bắt đầu mở thêm quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, cho nạn nhân da cam, cho người tàn tật, bệnh nhân nghèo… tại địa chỉ 176/40/7 Trương Công Định, phường 3, TP Vũng Tàu. Để có được quán cơm từ thiện này, chị đã đầu tư gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng. Thời gian phục vụ của quán cơm từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, từ 16h30 - 18h30. Mỗi ngày, quán cơm của chị đều phát khoảng 150 - 180 suất cơm, với giá mỗi suất khoảng 30 nghìn đồng. Chi phí hoạt động thường xuyên cho quán cơm khoảng 60 triệu đồng/tháng. Sau khi thành lập, quán cơm từ thiện của chị càng ngày càng được sự ủng hộ của bà con và được nhiều người biết đến. “Từ khi hoạt động đến nay, tổng chi phí cho quán cơm này tạm tính là khoảng 2,7 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định mở thêm một cơ sở như thế nữa ở gần khu công nghiệp.” - chị Thủy chia sẻ. Niềm vui của những mảnh đời khó khăn chính là niềm vui của chị Thủy Bên cạnh đó, chị Thủy còn tích cực tham gia công tác chăm lo cho người nghèo. Hàng tháng chị đều hỗ trợ thường xuyên 300 - 500 nghìn đồng cho các cụ già bị mù neo đơn thuộc Hội Người mù của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền bình quân khoảng 768 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn giúp một số trường hợp đặc biệt khác trong tỉnh và ngoài tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trong dịp Giáp Tết Nguyên đán 2015, có đợt rét đậm rét hại, chị đã ủng hộ 800 áo ấm cho vùng cao: Sapa, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, tổng kinh phí 80 triệu đồng. Cũng vào dịp đó, chị đã ủng hộ 100 triệu đồng cho anh Bùi Đức Chỉnh, quê ở Xuyên Mộc mổ tim gấp tại bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2016, chị đã nhận hỗ trợ hàng thường xuyên và cho đến hết đời toàn bộ thuốc men cho chị Vân (phường 6, TP Vũng Tàu) bị tiểu đường biến chứng qua suy thận, mù cả 2 mắt với chi phí hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng; chuyển 75 triệu đồng cho Bệnh viện để lọc máu cứu sống 1 bệnh nhân bị vi trùng uốn ván ở tỉnh Nghệ An; hỗ trợ sữa thường xuyên hàng tháng cho em Nguyễn Thái Sáng (tỉnh Phú Yên) bị ung thư vòm họng… Ngoài ra chị còn hỗ trợ rất nhiều trường hợp khác với tổng cộng số tiền chị ủng hộ từ năm 2016 đến nay là khoảng 6,781 tỷ đồng.  Song song với việc cố gắng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền, gạo và quần áo, trong những năm qua gia đình chị đã xây dựng 6 căn nhà tình thương với giá trị là 160 triệu đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo của tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu giới thiệu; vận động một số chị em mua sắm những vật dụng thiết yếu cho các gia đình đó.           Chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện của mình, chị Thủy cho biết: Những việc làm của tôi hoàn toàn xuất phát từ đáy lòng mình. Tình cảm này cũng xuất phát từ suy nghĩ của tôi là đền đáp một phần công ơn của những người đã hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, giúp chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày nay.” Có thể nói, chị Thủy là tấm gương giàu lòng nhân ái, thương người, tích cực đóng góp công sức, của cải để giúp cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiên tiến nhưng cũng giàu tình cảm, san sẻ trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Bảo Linh  

Giữ vững bình yên nơi biên giới

TĐKT - Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Long Bình (Bội đội Biên phòng An Giang) luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phòng, chống tội phạm, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững chắc, giúp nhân dân các xã vùng biên chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo, giữ gìn sự bình yên nơi biên giới. Đồn BPCK Long Bình được thành lập vào ngày 17/6/1976, đóng quân tại ấp Tân Bình, thị trấn Long Bình, huyện An phú, tỉnh An Giang, được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 15,3 km (11 km đường sông và 4,3 km đường bộ); có 1 cửa khẩu chính với cầu Long Bình - Chrey Thum, nhiều đường tắt, lối mở, bến đò qua biên giới. Đơn vị phụ trách địa bàn xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình với 4 dân tộc, 7 tôn giáo cùng sinh sống, được đánh giá là địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Nắm và theo dõi tình hình 2 xã đối diện (Sampeou và Chheu Khmau, huyện Kor Thum, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia), có quốc lộ 21 chạy thẳng lên Thủ đô Phnôm Pênh, giao thông rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và con người qua lại giữa hai nước. Từ những đặc điểm tình hình trên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn hàng năm đều quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma tuý, đặc biệt là Chỉ thị 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X), Kết luận số 05-KL/TW, ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 24/01/2011 của Tỉnh ủy An Giang “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Qua đó, chủ động xây dựng, triển khai các Nghị quyết, Kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm. Đồng thời quán triệt và triển khai nghiêm túc các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, bảo vệ an ninh trong các dịp lễ, Tết và các sự kiện quan trọng. Đồn Biên phòng CK Long Bình bắt đối tượng và tang vật trong chuyên án AG420 Xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ biên giới, Ban Chỉ huy Đồn BPCK Long Bình bố trí các đội công tác địa bàn, thường xuyên thực hiện “ba bám, bốn cùng” với nhân dân. Các đội công tác, ngoài nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể làm công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các hiệp định, nghị định, quy chế bảo vệ biên giới đường biên. Từ năm 2016 đến nay, đồn đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể 2 xã, 1 thị trấn tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới. Trong đó, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân không tiếp tay cho tội phạm; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm… được 68 buổi/4.214 lượt người dân dự nghe, phát 1.200 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm tình hình với lực lượng Campuchia đối diện về phòng, chống tội phạm, xây dựng các kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đơn vị đã tiến hành đồng bộ các giải pháp, chủ động nắm, dự báo tình hình từ xa, từ ngoài biên giới, tập trung nắm chắc mọi diễn biến tình hình trên biên giới, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật theo quy định, kiên quyết không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự biên giới. Từ năm 2016 đến nay, Đồn BPCK Long Bình đã độc lập bắt, khởi tố 4 vụ/6 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật 2,307 kg heroin và 40,844 kg ma túy đá. Phối hợp với các lực lượng bắt 2 vụ/6 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ khoảng 33 kg ma túy đá; 12.980 viên ma túy tổng hợp. Đơn vị cũng độc lập bắt: 84 vụ/17 đối tượng (trong đó 15 vụ/17 đối tượng; 69 vụ vô chủ); tang vật thu giữ: 46.400 kg đường cát Thái Lan, 9.200 gói thuốc lá ngoại các loại, 314 thùng bia, 14.950 khẩu trang y tế, 400 kg ớt, 18 con heo, 4 chiếc xe đạp (đã qua sử dụng), 140 hộp thuốc tân dược, 7,39 m3 gỗ; 840 kg quần áo cũ; 73 phụ tùng xe ô tô; 1 máy xăng; 11.745 kg sắt phế liệu), trị giá hàng hóa khoảng 1,245 tỷ đồng. Đơn vị đã phối hợp các lực lượng bắt: 87 vụ/34 đối tượng (32 vụ/34 đối tượng; 55 vụ hàng vô chủ); tang vật tạm giữ: 61.350 kg đường cát Thái Lan; 9.100 gói thuốc lá ngoại các loại; 2,068 m3 gỗ, 3.200 chiếc khẩu trang y tế, 397 thùng bia; 500 kg gạo; 2.400 kg quần áo cũ; 58.511 kg sắt, giấy, nhựa phế liệu (37.430 kg giấy, 18.870 kg sắt, 2.211 kg nhựa); 23 con heo; 5 thùng nước ngọt; 200 can thuốc bảo vệ thực vật (1.000 lít); 27 chiếc điện thoại di động; 60 cái đĩa xe gắn máy; trị giá hàng hoá khoảng 3,237 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị đã bắt khởi tố 2 vụ/4 đối tượng mua bán người, giải cứu 2 nạn nhân là công dân Campuchia, 17 nạn nhân người Việt Nam; bắt và xử phạt vi phạm hành chính 17 người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép; bắt 1 vụ/2 đối tượng về hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, tang vật thu giữ 20.000 USD. Xử phạt vi phạm hành chính 218 vụ/267 đương sự vi phạm vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất nhập cảnh trái phép thu nộp ngân sách Nhà nước 504,2 triệu đồng. Bên cạnh công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, đơn vị còn tích cực còn tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dạy xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện quân - dân y kết hợp, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Với phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Long Bình đã phối hợp với các ngành chức năng, đoàn thể của địa phương như hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc vận động bà con thực hiện các chương trình như kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xóa mù chữ, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống... Từ những thành tích nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã góp phần lớn vào công tác quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên giới đơn vị phụ trách. Đảng ủy, Đảng bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình được cấp trên công nhận 4 năm liền (Năm 2016, 2017, 2018, 2019) đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị 2 năm liền đạt Đơn vị quyết thắng (Năm 2018, 2019). Ngoài ra, có 7 tập thể và 22 cá nhân đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phong, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điển hình là tập thể Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Khánh Bình, Đội phòng, chống ma túy và tội phạm; cá nhân Trung tá Đinh Quang Điềm, Đại úy Nguyễn Mạnh Long, Đại úy Hoàng Minh Tuấn... Tùng Chi

Trao tặng Huân chương, Bằng khen cho các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, cơ quan của Quốc hội

TĐKT - Sáng 19/8, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào (16/8/1945 - 16/8/2020), 75 năm Cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020), Văn phòng Quốc hội tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Lao động của Nhà nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ Dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh... Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Đảng ủy, các đoàn thể và các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội. Đặc biệt, dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đón nhận Huân chương và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng các cá nhân Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử 75 năm Ngày Cách mạng tháng 8 thành công và 75 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào. Cách đây 75 năm, đất nước ta đứng trước tình thế vô cùng cấp bách, nhưng cũng là thời cơ ngàn năm có một. Ngay khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, sáng 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngay Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã được triệu tập tại Tân Trào. Đây là dịp để những người đại biểu nói lên tiếng nói của tầng lớp mình, quyết định tương lai của đất nước, cũng là hình thức tập dượt để chuẩn bị ra đời Quốc hội trong những năm tháng tiếp theo. Đại hội đã biểu thị lòng quyết tâm cao độ, quyết định những vấn đề quan trọng mang tính sống còn như: Thông qua 10 chính sách của Việt Minh, nhất trí tán thành Chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng... Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến thành thị đã nổi dậy giành chính quyền. Trong không khí khẩn trương, sôi nổi, chỉ trong 15 ngày cuối tháng Tám năm 1945 cuộc tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi hoàn toàn, chính quyền đã về tay nhân dân. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót nghìn năm; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân của nước độc lập, tự do, làm chủ nước nhà… Tiếp nối thành công của Cách mạng Tháng Tám, 75 năm qua Đảng và nhân dân ta đã viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Trong những năm tháng xây dựng và đổi mới đất nước, nhờ quyết tâm đoàn kết, đồng lòng mà đất nước ta từ nước kinh tế kém phát triển trở thành một nước có kinh tế phát triển khá trong khu vực, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới… Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội nước ta vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội là biểu tượng của độc lập dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của dân tộc Việt Nam. Gần 75 năm qua, Quốc hội luôn đồng hành cùng các bước phát triển của dân tộc, ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Ghi nhận thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, tại buổi lễ, 3 cá nhân đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 7 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 5 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng các cá nhân Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí đã được vinh danh, trao tặng phần thưởng ngày hôm nay; đồng thời ghi nhận: Dù đảm nhận cương vị, vai trò, chức trách nào và thực hiện nhiệm vụ khác nhau, những đồng chí được nhận những phần thưởng quý giá ngày hôm nay đều là những tấm gương tiêu biểu về trí tuệ, tư duy đổi mới, nhạy bén với thời cuộc và quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành, khách quan, thận trọng khi xem xét, quyết định những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình để đóng góp cho hoạt động chung của Quốc hội. Các đồng chí đã đoàn kết, dân chủ, công khai trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và luôn trăn trở, cống hiến hết sức mình vì sự phát triển chung của Quốc hội, để đóng góp xây dựng và phát triển đất nước. Các đồng chí đã thực hiện tốt vai trò người lãnh đạo, nhà lập pháp, xây dựng chính sách và có những đóng góp quý báu trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Các đồng chí đã đóng góp vào việc đổi mới quy trình lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tạo ra nhiều dấu mốc, những dấu ấn quan trọng trong hoạt động Quốc hội trong những nhiệm kỳ vừa qua và đặc biệt trong nhiệm kỳ này. Trong đó phải kể đến việc thông qua Hiến pháp năm 2013, một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta, tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc cho thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống của người đại biểu nhân dân, hướng tới mục đích phục vụ lợi ích cho nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và có những đóng góp cho hoạt động đổi mới của Quốc hội trong thời gian tới. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thủ trưởng các đơn vị, cơ quan của Quốc hội quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để khen thưởng kịp thời cho các đồng chí có những đóng góp xứng đáng. Phương Thanh

Đặt trọn niềm tin yêu về lực lượng CAND Việt Nam “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

TĐKT - Sáng 16/8, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng lực lượng CAND Dự buổi lễ có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm… Cùng dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại biểu các đơn vị Quân đội nhân dân, nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội; đại sứ các nước tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Về đại biểu bộ Công an có các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, nguyên lãnh đạo Bộ Công an, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các tướng lĩnh CAND, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương, đại biểu công an hưu trí, thế hệ trẻ CAND, người có công và thân nhân liệt sĩ CAND và điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm trình bày diễn văn kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam. Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, sau đó lan rộng, giành thắng lợi trong cả nước, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của CAND được thành lập ở cả ba miền: Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ, Sở Trinh sát ở Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của CAND đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT), bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta quyết định lấy ngày 19/8/1945 là Ngày truyền thống CAND Việt Nam. 75 năm song hành cùng dân tộc, ở các giai đoạn cách mạng, các sự kiện lịch sử trọng đại, trong chiến tranh cũng như hòa bình và xây dựng đất nước, lực lượng CAND luôn một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần tận tụy, sẵn sàng xả thân vì đất nước, lấy lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân làm lý tưởng, mục tiêu cao nhất để phấn đấu, đem hết sức lực, tài chí và cả tính mạng của mình để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế... 75 năm qua, lực lượng Công an luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân và coi đó là nguyên tắc cơ bản, là đường lối hoạt động trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. CAND đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các hoạt động xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kỷ niệm Ngày truyền thống CAND. Để tiếp tục động viên sự tham gia, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, ngày 13 tháng 6 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg, lấy ngày 19 tháng 8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Hằng năm, vào dịp 19/8, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo tổ chức tốt “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, thực sự trở thành ngày hội biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần làm chủ trên mặt trận bảo vệ ANTT của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; phòng ngừa, răn đe, trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta... Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng lực lượng CAND vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các đồng chí cán bộ lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng toàn thể các tướng lĩnh, cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ CAND qua các thời kỳ, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ thuộc lực lượng Công an cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, lực lượng CAND trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải luôn giữ vững nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ đối với CAND. Trọng tâm là tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm các phương châm “an ninh chủ động”, “giữ vững bên trong là chính”, "phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố có thể gây mất ổn định" trong bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng. Trước mắt, tập trung chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Lực lượng CAND cần tiếp tục quán triệt quan điểm "lấy dân làm gốc", “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, gắn bó máu thịt với nhân dân. Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an gần gũi, thân thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, là niềm tin, chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong những lúc gian nguy. Phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện cửa quyền, quan liêu, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân trong giải quyết công việc. Đa dạng hóa các hình thức và tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới... Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Công an các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền những chủ trương, biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT; tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng và đặt trọn niềm tin yêu về lực lượng CAND Việt Nam “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dựa vào sức mạnh vô địch của nhân dân, với truyền thống 75 năm anh hùng, lực lượng CAND trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, gian khổ bao nhiêu cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phương Thanh

Khởi động chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020

TĐKT - Sáng 13/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức họp báo Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và xã hội, hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân; các em học sinh trong độ tuổi đi học đều được cắp sách tới trường, được vui chơi và học tập để nuôi dưỡng những ước mơ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Có được những thành công đó, phải kể đến sự đóng góp bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với việc sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Họp báo Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 Nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã tuyên dương 277 thầy giáo, cô giáo công tác ở các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; các huyện đảo, xã đảo; thầy giáo mang quân hàm xanh là các sĩ quan, chiến sĩ bộ đội Biên phòng; các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh khuyết tật và các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số. Các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương là những người có những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... Chương trình nhận được sự quan tâm sâu sắc của đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và toàn thể xã hội. Tiếp nối những thành công đó, năm 2020, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ tuyên dương các giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cá nhân được tuyên dương phải là người có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình sẽ ưu tiên các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học và có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục. Đại diện Ban Tổ chức Chương trình cho biết: Điểm mới của Chương trình năm nay đó là ngoài các gương thầy giáo, cô giáo theo giới thiệu, đề xuất từ Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố (sau khi hiệp thương với Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố), Ban Tổ chức Chương trình còn đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương giới thiệu. Ban Tổ chức Chương trình sẽ thành lập Hội đồng xét chọn để lựa chọn ra các tấm gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Bên cạnh đó, năm nay, Ban Tổ chức Chương trình sẽ vận động các đơn vị xây dựng ít nhất 1 nhà công vụ cho giáo viên đang dạy học ở trường học điểm lẻ ở vùng cao biên giới... Các giáo viên được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình và Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 13/8/2020 đến hết ngày 13/10/2020. Hồ sơ gửi về Văn phòng Trung ương Hội LHTN Việt Nam, số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Bìa hồ sơ ghi rõ: Tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020). Dự kiến Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 tại Thủ đô Hà Nội với các hoạt động ý nghĩa. Đây là hoạt động thiết thực triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam và chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm. Thục Anh

Khởi nghiệp từ nghề nuôi dế

TĐKT - Mồ côi cha mẹ khi mới 6 tháng tuổi, La Văn Quý, bản Phiêng Nèn (xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã vượt lên chiến thắng số phận, cố gắng học hỏi và quyết chí khởi nghiệp thành công với nghề nuôi dế. Loài côn trùng nhỏ bé này đã mang lại cho Quý khoản lãi đều đặn 10 – 15 triệu đồng/tháng. La Văn Quý trình bày ý tưởng, dự án “Phát triển các sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa, dựa trên ứng dụng công nghệ chế biến” tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019. Tháng 6/2017, tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục chính trị của trường Đại học Tây Bắc, không xin được việc theo chuyên ngành mình đã học nhưng không đành lòng về quê làm ruộng, làm nương, chàng trai trẻ quyết định kiếm việc trái ngành, Quý xin vào làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn nung nấu ý định tự lập. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng internet, thấy dế mèn dễ nuôi, vốn đầu tư ít, lợi nhuận khá, hợp với điều kiện của một sinh viên mới ra trường…, Quý lên ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình này. Với số vốn gần 1 triệu đồng ít ỏi, Quý mua 5 khay trứng dế giống về nuôi thử. Căn phòng trọ chật hẹp của Quý trở thành nơi cho ra đời những con dế thương phẩm đầu tiên, mang lại cho Quý một khoản thu đáng kể. Thành công ban đầu thôi thúc Quý mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không ít chông gai đối với một thanh niên trẻ mới ra trường, vốn hạn hẹp, không có nhà xưởng để xây dựng chuồng trại. Sau một thời gian loay hoay, trăn trở tìm đường, cậu quyết định quay về bày tỏ ý tưởng của mình với trường Đại học Tây Bắc và được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện cho thuê trại nuôi lợn đang bỏ không ở khu thực nghiệm với giá rẻ. Từ đây, Quý vay mượn đầu tư nuôi 20 ô dế, mua thêm 10 khay trứng giống. Bắt đầu nuôi nhiều thì Quý lại thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Dế chết gần hết do điều kiện nhiệt độ ở chuồng lợn không thích hợp, liều lượng cho dế ăn chưa đúng cách, không phù hợp từng thời kỳ sinh trưởng... Không nản, Quý xin nhà trường cho chuyển đàn dế về nhà kính, nơi có nhiệt độ phù hợp để dế sinh trưởng, phát triển. Làm tới đâu, mày mò, học hỏi tới đó, kinh nghiệm Quý tích lũy được ngày càng dày lên theo thời gian. Từ khâu mua dế, chăm dế, rồi tìm thị trường tiêu thụ, đều một tay Quý thực hiện. Nhiều lúc cảm thấy mệt, nhưng quyết tâm đã khiến Quý không nản lòng. Mô hình nuôi dế của Quý được nhiều bạn trẻ tới tham quan, học tập Quý chia sẻ: Nuôi dế không tốn nhiều công và cũng không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Chỉ cần cho dế ăn uống thức ăn sạch sẽ thì chúng sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Nuôi dế phải đảm bảo “3 sạch” (thức ăn sạch, nước uống sạch và vệ sinh chuồng trại sạch); thỉnh thoảng phun sương để tăng độ ẩm, tạo môi trường hoang dã cho dế trú ẩn tự nhiên. Mỗi ngày Quý cho chúng ăn 2 bữa. Thức ăn chủ yếu là rau xanh các loại như: Rau muống, rau khoai lang, rau sắn và cám ngô, thỉnh thoảng, ăn bổ sung ít cám gà. Khoảng 2 tuần, Quý lại vệ sinh chuồng nuôi dế 1 lần, đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, giúp cho đàn dế sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Dế nuôi phát triển nhanh vào mùa hè, những đàn dế đến chu kỳ đẻ trứng (khoảng 40 ngày) sẽ được chuyển đến chuồng riêng. Từ lúc dế nở thành con non cho đến khi được thu hoạch dế bán ra thị trường khoảng 45 ngày. Nếu bán cho khách làm thức ăn cho chim cảnh thì thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 30 ngày là bán được. Mỗi ô nuôi dế thu được 4 - 5 kg dế thương phẩm. Không chỉ nuôi dế, Quý còn sơ chế dế đông lạnh cung cấp cho các nhà hàng, quán ẩm thực ở các huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Yên Châu, TP Sơn La; cung cấp nguồn trứng giống, chia sẻ kỹ thuật cho nhiều hộ dân có nhu cầu nuôi dế trên địa bàn tỉnh. Hiện giờ, mỗi tháng Quý xuất bán hơn 100 kg dế thương phẩm và dế sơ chế đông lạnh với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; trứng dế giống 200 nghìn đồng/khay... Để đang dạng hóa sản phẩm, Quý còn nghiên cứu chế biến khô dế ăn liền, khẩu xén vị dế, mẳm dế, phồng tôm vị dế, bánh dế... Đây là các sản phẩm từ dế được người tiêu dùng quan tâm bởi gia vị mang đặc trưng vùng Tây Bắc với mắc khén, hom mu chưn, nước măng chua... Quý giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ dế Tại cuộc thi “Ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp” trong thanh niên tỉnh Sơn La năm 2019 do Tỉnh đoàn tổ chức, ý tưởng, dự án “Phát triển các sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa, dựa trên ứng dụng công nghệ chế biến” của Quý được Ban tổ chức lựa chọn là 1 trong 5 dự án, ý tưởng sáng tạo có tính khả thi và nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng. Dự án đã lọt tốp 29 dự án tiêu biểu nhất tham gia chung kết toàn quốc cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 do Ban Thanh niên nông thôn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn tổ chức. La Văn Quý đang ấp ủ ý định mở rộng mô hình chăn thả dế và chế biến dế, tiến tới hình thành hợp tác xã vào năm 2020, rồi hình thành chuỗi liên kết chăn thả dế và chế biến dế, thông qua đó tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc quanh vùng và đưa sản phẩm đến các thị trường lớn hơn. Nguyệt Hà

Trưởng thành từ đam mê, sáng tạo

TĐKT - Với sự cố gắng học hỏi cộng óc sáng tạo, anh Đinh Phú Hiệp, chuyên viên kỹ thuật, Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời đã làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty. Đặc biệt, nhiều sáng kiến của anh giúp cho công nhân lao động tiết giảm sức lao động. Anh Hiệp (ngoài cùng bên trái) trao đổi, hướng dẫn công nhân sử dụng Hệ thống máy xếp túi và bao tự động Được công ty giao nhiệm vụ phụ trách thiết kế cơ khí, viết phần mềm điều khiển, giám sát thi công và lắp đặt các hệ thống cân tự động, với sự năng động, nhạy bén, ý thức làm chủ công nghệ đã thôi thúc kỹ sư Hiệp chủ động, tích cực học tập, nâng cao trình độ để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trong việc sản xuất, kinh doanh. Lòng nhiệt huyết và niềm đam mê là những tố chất giúp anh Hiệp nắm bắt nhanh kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Cứ mỗi khi công việc cần đến hoặc gặp khó khăn là anh lại suy nghĩ tìm giải pháp, sáng chế, cải tiến để giải quyết vấn đề. Từ đó, anh đã có nhiều ý tưởng để tối ưu hóa, hợp lý hóa sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, anh đã có nhiều đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm số lượng nhân công, nâng cao năng suất và tiết kiệm được chi phí trong sản xuất. Tiêu biểu là sáng kiến “Hệ thống máy xếp túi và bao tự động” đã được anh nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào ứng dụng từ đầu năm 2019. Chia sẻ về ý tưởng sáng kiến này, anh Hiệp cho biết: Là người giám sát, hướng dẫn công nhân làm việc, anh Hiệp Nhận thấy, công nhân phải xếp các túi gạo vào bao bằng cách làm thủ công. Các túi gạo sẽ lần lượt được chuyển ra bãi tập kết từ khu đóng gói và cần rất nhiều nhân công (trên 15 người), chia thành từng nhóm nhỏ (mỗi nhóm có khoảng 4 - 5 người) để làm các công việc như: Có 2 người mở bao ra, có công nhân phải cúi lấy từng túi gạo 5kg bỏ vào bao, khi bao đủ 5 túi lại cần một công nhân khác lôi ra và kéo đến vị trí người may miệng bao. Việc này rất mất công, hơn nữa anh em công nhân khi thực hiện khá vất vả. Trước thực trạng đó, anh Hiệp đã tự tìm tòi, nghiên cứu và tìm ra giải pháp xếp túi và bao tự động. Đây là giải pháp lần đầu tiên được ứng dụng tại công ty trong việc xếp các túi gạo nhỏ vào bao lớn. “Hệ thống gồm có các bộ phận như: Băng tải cấp túi đầu vào, cụm xếp định hình túi cho vào bao, băng tải ra bao và khung đỡ máy. Tính mới của giải pháp được thể hiện ở cụm xếp định hình các túi gạo cho vào bao, các bộ phận còn lại làm nhiệm vụ hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống.”- anh Hiệp cho biết. Đây cũng là hệ thống được điều khiển tự động trong việc xếp các túi gạo nhỏ vào trong 1 bao lớn theo số lượng túi đã được quy định trước. Máy có thể làm việc xuyên suốt thay thế cho hơn 12 nhân công lao động, năng suất cao gấp 2 lần so với làm thủ công. Với sáng kiến này, chỉ cần một công nhân ngồi máng bao vào “bộ phận kẹp bao” của hệ thống, máy sẽ tự động làm hết các công việc mà người công nhân phải thực hiện khi làm bằng phương pháp thủ công và thay thế cho hơn 12 nhân công lao động. Cũng theo anh Hiệp chia sẻ, tốc độ tiếp nhận từng túi gạo rất nhanh (1 giây/túi), tự động xếp nhanh từng túi gạo vào khuôn xếp định hình và xếp một lần 5 túi gạo vào trong 1 bao, tự đưa bao chứa 5 túi gạo đến vị trí may đóng bao. Số lượng túi gạo xếp trong bao có thể thay đổi theo tùy chỉnh. Hiện tại, các sáng kiến này của anh đang được áp dụng rộng rãi tại các công ty TNHH MTV của Tập đoàn Lộc Trời và được ứng dụng trong sản xuất lương thực với quy mô công nghiệp. Còn rất nhiều sáng kiến mà anh Hiệp đã đóng góp cho công ty như: Sáng kiến đóng bao tự động 25 - 50kg, sáng kiến định lượng jumbo gạo tự động bao 1000kg, sáng kiến điều khiển lò sấy tự động trong dây chuyền sấy lúa, sáng kiến cân băng tải tự động… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động. Với những đóng góp của mình, anh Hiệp đã vinh dự được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp như: Bằng khen của UBND tỉnh An Giang, Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bằng khen của Cục Sở hữu Trí tuệ WIPO, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Theo anh Hiệp, chính niềm đam mê nghề nghiệp giúp anh có được nhiều sáng kiến hữu ích cho công ty. Bởi đam mê là chất xúc tác để mỗi người thêm hăng say làm việc, ý thức, nỗ lực để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình và có khát vọng vươn cao, tìm kiếm cái mới, nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất. Đến nay, với những kinh nghiệm tích lũy được, anh vẫn không ngừng học tập, trau dồi, bổ sung kiến thức để làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Không chỉ học hỏi cho bản thân, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mà mình có với đồng nghiệp, tham gia soạn thảo tài liệu giảng dạy và tham gia nhiều khóa đào tạo nội bộ cho những người thợ trẻ kế cận. Tùng Chi    

Nestlé Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT – Vừa qua, tại Lễ trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước năm 2020 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai tổ chức, Công ty Nestlé Việt Nam đã vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và công tác xã hội - từ thiện. Sự ghi nhận này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực và thành quả không mệt mỏi của Công ty Nestlé Việt Nam trong suốt chặng đường một phần tư thế kỷ đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam phát biểu: “Vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong các hoạt động kinh doanh. Công ty cũng đạt được nhiều thành tựu và nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng Việt Nam. Đây chính là những động lực và là yếu tố rất quan trọng để công ty tiếp tục mở rộng hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung và cùng đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.” Theo ông Binu Jacob, khi đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh mục tiêu phục vụ người tiêu dùng, tăng trưởng ổn định, công ty cũng ưu tiên và tập trung vào các chương trình kiến tạo giá trị chung cũng như thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng. Công ty Nestlé Việt Nam được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ Phát biểu tại buổi Lễ trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã ghi nhận những cá nhân, tập thể được trao tặng các phần thưởng cao quý đợt này đều là những điển hình có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn đổi mới, sáng tạo trong công việc, xứng đáng được tôn vinh, nhân rộng. Thành lập tại Đồng Nai năm 1995, Công ty Nestlé Việt Nam hiện đang vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam với hơn 2.300 công nhân viên. Đến nay tổng vốn đầu tư của Nestlé Việt Nam đạt gần 600 triệu USD và công ty được ghi nhận là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam. Những năm gần đây, Nestlé Việt Nam liên tục lọt vào tốp 100 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam và tốp 10 doanh nghiệp phát triển bền vững. Công ty Nestlé Việt Nam cũng vừa vinh dự được UBND tỉnh Hưng Yên trao tặng Bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong đóng góp ngân sách Nhà nước năm 2019. Nestlé Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững và tái canh cây cà phê cho hơn 230.000 nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Ưu tiên của Nestlé bao gồm những lĩnh vực mang lại lợi ích kinh doanh phù hợp với những lợi ích của xã hội, bao gồm: Dinh dưỡng, tập trung chủ yếu vào trẻ nhỏ; góp phần phát triển những cộng đồng thịnh vượng, phát triển bền vững tại nông thôn, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cho tương lai. Với mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, nâng cao tầm vóc, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt của trẻ em Việt Nam, Nestlé Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục Thể thao cùng Ban Điều phối “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” (Đề Án 641), thông qua thương hiệu Nestlé MILO triển khai chương trình “Năng động Việt Nam”. Màn đồng diễn thể dục của các em học sinh TP Hồ Chí Minh Từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã luôn thể hiện sự hỗ trợ cho ngành cà phê Việt Nam ở mức tốt nhất có thể. Mỗi năm, Nestlé Việt Nam đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế từ 600 - 700 triệu USD thông qua hoạt động thu mua cà phê. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững và tái canh cây cà phê cho hơn 230.000 nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Với mục tiêu xây dựng một Việt Nam xanh – sạch – đẹp, Nestlé Việt Nam cam kết đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì có khả năng tái chế hoặc tái sử dụng trên toàn cầu khi tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng phát động năm 2019. Cùng với Công ty La Vie, Nestlé Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO), đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả bao bì đóng gói của các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế. Mai Thảo  

Nestlé Việt Nam tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội

TĐKT -  Ngày 30/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân năm 2020, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tại hội nghị, 5 tập thể được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Khối thi đua các doanh nghiệp vốn Nhà nước; 15 doanh nghiệp tiêu biểu được tặng Cúp Phố Hiến; 22 doanh nghiệp và 20 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và nộp ngân sách năm 2019; 15 doanh nhân được nhận Bằng công nhận Doanh nhân Hưng Yên tiêu biểu và Kỷ niệm chương Phố Hiến. Công ty Nestlé Việt Nam vinh dự được UBND tỉnh Hưng Yên trao tặng Bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm 2019. Không chỉ phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, Nestlé Việt Nam còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, chương trình tạo giá trị chung tại địa phương nơi công ty hoạt động. Trong nhiều năm qua, Nestlé Việt Nam liên tục được các cơ quan quản lý thuế trung ương và địa phương tặng bằng khen vì thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện lãnh đạo Nestlé Việt Nam nhận Bằng khen của tỉnh Hưng Yên Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: “Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống nhưng sự nỗ lực, vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, doanh nhân, với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Hưng Yên đã giúp tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 6,83%, mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Thông qua đó, khẳng định vị trí quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển kinh tế của tỉnh, là nền tảng, động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.” Năm 2017, Nestlé Việt Nam chính thức khánh thành Nhà máy Nestlé Bông Sen tại tỉnh Hưng Yên nhằm tối ưu hóa hệ thống cung ứng, đưa sản phẩm thực phẩm và đồ uống vừa được sản xuất đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất. Với cam kết đầu tư dài hạn và bền vững, cho đến nay Nestlé Việt Nam đã liên tục mở rộng nhà máy, tăng gấp đôi công suất và quy mô, đồng thời đầu tư xây dựng mới trung tâm phân phối đầu tiên tại Việt Nam được trang bị công nghệ hàng đầu về vận hành và quản lý hàng hóa. Ông Pierre Morin, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen trao tặng sản phẩm hỗ trợ tỉnh Hưng Yên trong cuộc chiến chống Covid 19 tháng 4 năm 2020. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 đầu năm nay, Nestlé Việt Nam đã trao tặng tỉnh Hưng Yên hơn 30.000 sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng với giá trị hơn 500 triệu đồng hỗ trợ hoạt động phòng, chống COVID-19 và những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua Bộ Y tế, Công ty đã trao tặng tỉnh Hưng Yên 12.000 khẩu trang y tế và khẩu trang KN95 nhằm tăng cường cho lực lượng y bác sĩ và tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. “Trong 25 năm qua, công ty Nestlé luôn tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế toàn diện và bền vững của Việt Nam. Chúng tôi tận tâm phục vụ người dân và đồng hành cùng sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Đến nay, tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam của Nestlé là hơn 600 triệu đô la.” Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi được UBND tỉnh Hưng Yên ghi nhận vì những đóng góp của Nestlé Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngân sách nhà nước. Việc liên tục mở rộng đầu tư vào tỉnh Hưng Yên và Nhà máy Nestlé Bông Sen là minh chứng cho sự tin tưởng và cam kết lâu dài của chúng tôi đối với sự phát triển của Hưng Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.” Hưng Vũ  

Trang